Chiêu Tông Thần Hoàng Đế

Tên húy là Y, lại húy là Huệ, là con trưởng của Cẩm Giang Vương Sùng, đích tôn của Kiến Vương Tân, cháu bốn đời của Thánh Tông, ở ngôi 7 năm, bị Mạc Đăng Dung giết, thọ 26 tuổi, chôn ở lăng Vĩnh Hưng. Bấy giờ trong buổi loạn lạc, quyền bính không ở trong tay, bên trong thì nghe lời xiểm nịnh gian trá, bên ngoài lại ham mê săn bắn chim muông, ngu tối bất minh, ương ngạnh tự phụ, bị nguy vong là đáng lắm!

Mẹ vua là hoàng hậu Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương.

Năm Đoan Khánh thứ 2 [1506], tháng 10, ngày mồng 4, sinh ra vua. Năm Hồng Thuận thứ 8 [1516] Tương Dực Đế bị hại, không có con nối, bọn đại thần Lê Nghĩa Chiêu, Trịnh Duy Sản đón lập vua. Sau về Tây Đô, xướng xuất nghĩa quân, tiến thẳng về Kinh sư, đuổi Trần Cảo, rồi lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Quang [34b] Thiệu, lấy ngày sinh làm Nghi Thiên thánh tiết. Được 7 n thì ngự ra ngoài, Mạc Đăng Dung lập em ruột vua là Xuân lên ngôi, giáng vua làm Đà Dương Vương. Năm Thống Nguyên thứ 5 [1526], bị Mạc Đăng Dung giết. Sau được truy dâng thuỵ hiệu là Thần Hoàng Đế, miếu hiệu Chiêu Tông.

Đinh Sửu, Quang Thiệu năm thứ 2 [1517] , (Minh Chính Đức năm thứ 12). Mùa xuân, truy tôn hoàng tổ Kiến Vương2287làm Đức Tông Kiến Hoàng Đế, hoàng phụ Trang Định Đại Vương2288làm Minh Tông Triết Hoàng Đế, lại sai Lễ bộ thượng thư Đàm Thận Huy hiệu định miếu huý và ngự danh (miếu huý 20 chữ, ngự danh là hai chử _ ____ và Huệ ____). Những khi làm văn hay viết sách để khắc in sách đều không cấm, nhưng khi đọc thì đều phải tránh, hai chữ liền nhau như loại "Trưng Tại"1 đều không được viết.

Sai Bình quận công Nguyễn Văn Sự là đô tướng.

[35a] Mùa hạ, tháng 4, đánh chết Cồ Khắc Xương giả xưng là Thiên Vũ. Khắc Xương người hương Nhân Vũ, huyện Thiên Thi2290, làm quân nhân của Hiệu lực tiền vệ, năm Hồng Thuận thứ 6 [1514], tự xưng là phò mã giáng thân, ít lâu sau lại xưng là Thiên Vũ. Đến tháng giêng năm này, ra ở chùa làng, đặt hiệu là Phù Kinh, xin 9 gói cơm ăn hết, rồi lấy lá gói cơm đốt thành than làm thuốc cứu chữa cho lương dân không có con cái rồi đòi gà rượu. Chữa cho người nào là hiệu nghiệm ngay. Việc này đến tai triều đình. Vua sai người bắt giải về Kinh đánh chết, vì hắn làm điều quái đản mê hoặc dân, cho nên bị giết.

Sai Thái bảo Thuỵ quận công Ngô Bính là đô tướng.

Lấy Nguyễn Văn Vận làm Tán trị Thừa chính sứ ty thừa chính sứ trấn Kinh Bắc.

Tháng 5, ngày 28, truy tôn Linh Ẩn Vương là Tương Dực Đế.

[35b] Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 1, An Hoà hầu Nguyễn Hoằng Dụ có hiềm khích với Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy, đóng quân chống nhau.

Trước đây, Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy đều đi đánh giặc, khi về Kinh sư nghe lời dèm pha của con em, mới thành hiềm khích. Hoằng Dụ đóng quân ở phường Đông Hà, Tuy đóng quân ở ngoài thành Đại La chống giữ nhau. Hoằng Dụ cáo ốm không vào chầu. Khoa quan Nguyễn Quán Chi tâu lên. Vua đem chuyện Liêm Lạn2 , Giả Khấu3 dụ bảo, không giải hoà được. Đến đây, Nguyễn Văn Lự, Trịnh Duy Đại đều vào chầu trước mặt vua, tâu xin giải hoà hai người. Văn Lự lấy tờ mật chiếu trong tay áo ra, tâu là Trịnh Tuy và Duy Đại đem con trai của Nguyễn Trinh là Nguyễn Tùng lập làm nguỵ chúa, làm việc đại nghịch. Thế là vua sai bắt Duy Đại và Hữu đô đốc Lê Ích Cựu đều đem chém cả. Trịnh Bá Quát thì bị thắt cổ chết. Đem đầu của Trịnh Duy Đại bêu ở ngoài dinh quân của Thiết Sơn [36a] bá Trần Chân.

Hôm ấy, Nguyễn Hoằng Dụ cất quân đánh Tuy ở các phường Vĩnh Xương, Khúc Phố, Phục Cổ4 tại kinh thành, ba lần đánh mà không được. Tỳ tướng của Trịnh Tuy là Nguyễn Thế Phó trúng tên phải lui. Tuy bèn chạy vào Thanh Hoa. Trần Chân thấy Nguyễn Hoằng Dụ đuổi Trịnh Tuy, bèn cất quân đánh Hoằng Dụ (trước đây, Duy Sản và Trịnh Tuy là người cùng họ, Duy Sản nuôi Trần Chân làm con nuôi), mật gửi thư cho con em ở các Sơn Tây cùng đánh. Ngày hôm ấy, Hoằng Dụ vào yết kiến vua, định ra cửa Đại Hưng, ngờ là có Trần Chân ở đó, bèn ra cửa Đông Hoa. Lát sau, xuống thuyền lánh về Thanh Hoa.

Bấy giờ Mạc Đăng Dung trấn thủ Sơn Nam, Trần Chân gửi thư khuyên Đăng Dung chặn giữ lại, Đăng Dung không nỡ, nên Hoằng Dụ đi được thoát.

Trước đây, khi Hoằng Dụ đánh nhau với Trần Chân, trời sắp tối, có đám mây năm sắc nổi lên ở phương đông, rồi mây vàng bay tản khắp trời. Người thức giả cho là điềm lạ.

[36b] Triều Lê vào thời Quang Thiệu, giặc bên ngoài chưa yên, quyền thần đánh lẫn nhau, chém giết nhau dưới cửa khuyết, chốn Kinh sư đẫm máu. Mặt trời vàng tối, mây trời tán lạc, cái điềm vận nước ngày một suy đã xuất hiện từ đấy.

Xuống chiếu truy tôn Mẫn Lệ công làm Uy Mục Đế.

Ngày 28, giết chết Trần Công Vụ giả xưng là Thiên Bồng (Công Vụ là quân nhân, người xã Phạm Tùng, huyện Gia Phúc).

Trước đó, Phó tướng tả đô đốc Vũ XuyênMạc Đăng Dung tâu rằng: Công Vụ làm trò yêu quái, dối trá mê hoặc dân ngu, và hặc tội quan Thừa Hiến là bọn Lê Toản và Đỗ Thao tin mê tà thuyết, đại ý là: Thần trộm nghĩ: Điều nhân, nghĩa, trung, chính, bậc thánh nhân thường làm, việc quái, lực, loạn, thần5 thì thánh nhân không nói. Xét các đời trước, chứng cớ rành rành. Như Hoàng Đế trị dân thì phải thận trọng phân cách u minh6 , [37a] Cao Dương7 dựng nước phải rạch ròi giới ranh trời đất. Như vậy là để dựng tiêu đích cho đương thời, lưu gương răn cho hậu thế. Lớn lao thay thánh thượng, mở vận trung hưng vẻ vang, làm vua làm thầy tốt đẹp, việc vỗ trị đảm nhiệm về mình; dùng đạo, dùng đức dạy răn, phúc mầu nhiệm mong cho chóng tới. Khắp trong cõi bờ, đều được no ấm sinh sôi. Nay quân nhân Cồ Khắc Xương ở làng Nhân Vũ, huyện Thiên Thi, và quân nhân Trần Công Vụ ở làng Phạm Tùng, huyện Gia Phúc là hạng lính mọn, vốn đứa dân thường, đáng lẽ phải theo đạo vua, đường vua, kính tuân lời dạy, lại giả xưng Thiên Bồng, Thiên Vũ lừa dối dân ngu. Biến chùa Phật Phù Kinh thành trường bán gian, mượn miếu thần Bố Bái làm ổ chứa nguy. Tán tro làm thuốc, thuật lừa mà già trẻ đua nhau; đọc chú vẽ bùa, kế đắt mà xóm thôn sợ phục. [37b] Bọn yêu quái đã làm như vậy, kẻ sĩ phu nên gắng sức bài trữ. Thế mà bọn quan Thừa Hiến, đã từng đọc sách thánh hiền, đều giữ trách nhiệm gương mẫu, đáng phải như Nhân Kiệt8 phá đền nhảm ở Hà Nam, để trừ mê hoặc, như Hồ Dĩnh9 đánh thầy chùa ở Quảng Đông để bỏ dị đoan. Sao bọn phàm tục ấy không hiểu lẽ thường tình như vậy? Lê Toản, Lê Vận thì u mê không tỉnh ngộ, mê tín điều xằng bậy dâng sớ tâu càn; Tử Ký, Đỗ Thao, thì ngu tối chẳng hiểu gì, phụ hoạ theo lời họ mà tâu nhảm. Nhất nhất đều theo về tả đạo, dần dần mê hoặc thói cốt đồng. Lừa nhau bằng quái

đản, doạ nhau bằng quỷ thần, chúng đã làm những trò gian dối; răn gì không hình phạt, sửa gì không pháp luật, xin phải nêu điều cấm cho nghiêm. Vua y theo.

Lấy Nguyễn Dự làm Ngự sử đài phó đô ngự sử.

[38a] Mùa đông, tháng 11, ngày 20, lấy Đỗ Nhạc làm Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên.

Tháng 12 nhuận, giết tặc thần Lê Quảng Độ. Trước đây, Lê Quảng Độ đầu hàng Trần Cảo. Đến đây, bọn trấn tướng Hà Phi Chuẩn, Nguyễn Lỗ bắt được giải về Kinh sư. Mạc Đăng Dung dâng sớ xin giết đi, đại ý nói: "Tam cương ngũ thường là rường cột chống đỡ trời đất, là trụ đá giữ yên sinh dân. Nước không có cương thường, dẫu là Hoa Hạ cũng thành Di Dịch, người không có cương thường, tuy mặc áo xiêm cũng hoá chim muông. Từ xưa đến nay, chưa có ai bỏ cương thường mà có thể đứng trong khoảng trời đất được. Nay Lê Quảng Độ nhờ ấm phong của ông cha, thế mà chỉ một mực dựa dẫm, dòm ngó đủ vành. Muốn vua yêu thì [38b] nịnh hót trăm chiều, nắm quyền thế thì xoay trò lắm cách, gây nên tai họa ở các đời Đoan Khánh, Hồng Thuận nguyên cớ đâu chỉ trong một sớm một chiều? Đến khi giặc Cảo gây việc binh đao, tiếm xưng vị hiệu thì kẻ ấy lại tham sống sợ chết, nỡ nhơ nhuốc làm tôi kẻ thù; mượn danh tước đi lừa dỗ dân ngu cho giặc Cảo; làm đầu mục đi cầu phong nước ngoài cho giặc Cảo. Hành động như loài chó loài lợn, bụng dạ tựa con cánh, con cưu (cưu là loài chim dữ, cánh là loài thú dữ; cưu ăn thịt cha, cánh ăn thịt mẹ). Mọi người ai cũng phỉ nhổ, mà kẻ kia vẫn ngoan ngu không chuyển, không hề nghĩ tới ơn hậu của vua cha, nghĩa lớn của cương thường. Tội của nó đối với trời đất, đối với tổ tông, đối với thiên hạ không thể nào tha được. Nay bọn tướng thần Hà Phi Chuẩn và Nguyễn Lỗ đã bắt được chính thân tên ấy, kính xin sắc chỉ cho lực sĩ đem giết đi. Trước đây Lục khoa và Mười ba đạo đã tâu việc tên ấy làm đại [39a] thần gặp biến loạn đã không biết chết vì tiết nghĩa lại đi thờ bọn nghịch tặc. Bọn thần xét thấy: Cựu thái sư Thiệu quốc công Lê Quảng Độ ở chức tể tướng không hết lòng trung, khi gặp sự biến không chết vì nghĩa, làm tôi giặc Cảo, chống lại triều đình, để trấn thủ dinh tướng là bọn Hà Phi Chuẩn, Nguyễn Lỗ bắt được giải nộp, quả là bề tôi phản nghịch phạm tội rất to. Bọn thần trộm nghĩ: Cương thường của trời đất, cốt ở giữ đạo vua tôi, nghĩa lớn kinh Xuân Thu càng nghiêm giết kẻ giặc loạn. Danh phận rất rõ, điều luật còn kia. Nay Lê Quảng Độ tài hèn nhờ được tập ấm, lạm dự vào chức tể thần. Đáng lẽ phải gắng tiết trung trinh lo báo đáp mấy triều ưu đãi. Sao lại làm nhiều điều xằng bậy trở thành kẻ gian muôn đời. Tính cương trực không chịu học Hàn Hưu10 , thói giảo quyệt còn quá hơn Lâm Phủ11 . Buồng the bất chính, tệ dâm ô như Trịnh [39b] Vệ12 tanh hôi, trụ cột kém tài, sức phò tá như Y Chu13 lại thiếu. Theo ý riêng làm trái lẽ, ỷ phép nước để lộng quyền. Phòng tai hoạ của quỷ dòm nhà14 thì chặt phá cây rừng, mở rộng nhà cửa, trổ mưu mẹo cho người lú ruột thì tự cầm hồ rượu chuốc mời khắp hạ liêu. Chỉ gấp việc tìm vàng, tậu ruộng, chỉ chăm điều bán ngục mua quan. Trong thì các chức phủ, vệ đều từ cửa hắn mà ra, ngoài thì các quan thừa hiến đều do t tuyển bổ. Dạ tham lam, như suối khe vô tận, bọn chạy chọt thì cờ xí rước mời. Đục khoét xóm làng, dân dã khốn cùng mà không thương xót. Kỷ cương rối loạn, chính sự mọt rỗng mà chẳng nghĩ lo. Trên thì phụ lại công ơn ấp ủ của triều đình, dưới là làm hỏng cơ nghiệp nối truyền của tông tổ. Việc làm như thế sao gọi là người khôn? Mới rồi nhân khi giặc Cảo tiếm hiệu cướp ngôi, lại chẳng bắt chước Chân Khanh khảng khái liều mình15 . Chống đỡ nạn nước thì [40b] không vung giáo giữ cho xã tắc, tham tiếc của nhà lại định đào lỗ chôn giấu bạc vàng. Lời thề xưa dám ngày ngày quên lãng, triều đình giặc lại tối tối nương nhờ. Gặp nguy biến, u mê không

biết chết theo; thờ kẻ thù, nhuốc nhơ những mong sống tạm. Cúi đầu lạy kẻ nghịch tặc, đáng hổ thẹn với loài voi múa kia còn biết nghĩa hơn16 ; làm mồi dụ bọn ngu dân, lại ngu xuẩn quá lũ ong đàn nọ. Gầm gừ trở mặt cắn lại, ăn năn cắn rốn kịp sao! Huống chi đức thánh thần muốn cho đổi lỗi quay về, lòng tin thực bao lần tỏ trong chiếu chỉ, mà sao nó không hề nhớ cũ, ngoan cố nuôi mưu kế gian tà. Manh tội phản Hán như Bành Manh17 , giẫm vết chống Đường của Chu Thử18 . Sóng biển mênh mang, rửa sao cho xuể tội kia chồng chất; lưới trời lồng lộng, đứa gian kia đâu được dung tha! Mặt mũi nào mà trông vầng nhật nguyệt, nói năng sao đáp lại các quan liêu. Quên [40b] người thân, ăn cướp của người thân; thờ phụng chúa, lại quay sang phản chúa. Kẻ tôi con bất trung bất hiếu, tội thất thân đã phạm hàng đầu; việc hình phạt có bậc có điều, kẻ phản bội phải dung phép nước. Lại triều thần dâng tâu việc đại thần phản nước theo giặc. Bọn thần xét thấy cựu thái sư Thiệu quốc công Lê Quảng Độ trong năm Đoan Khánh và Hồng Thuận chứa mưu hoạ loạn, quấy rối thiên hạ, đến khi giặc Cảo đánh vào Kinh sư, đã không biết giữ vững khí tiết kẻ làm tôi, lại quay mặt về hướng Bắc thờ kẻ thù địch, rõ ràng là phản nước theo giặc, can vào tội nặng. Vì thế, bọn thần trộm nghĩ: Đạo thường của trời đất, không gì nặng bằng nghĩa vua tôi; quyền của đế vương, rất nghiêm khắc giết kẻ loạn tặc. Huống chi, một đứa bỉ phu như Lê Quảng Độ, chút tài mọn một đấu, một thưng lại lạm giữ trọng quyền tam thai, đỉnh vạc19 . Mua ngục bán quan, đã gây hoạ [41a] thời Đoan Khánh thanh bình giữ nghiệp; nịnh vua hót nhảm, lại làm mất nước buổi Hồng Thuận cai trị hạ dân. Những việc nhẫn tâm, kể sao cho hết; tai hoạ mất mát, không chi không làm. Mười năm nuôi mầm loạn thiên hạ, có khác gì Lâm Phủ gian phi; một sớm nổi quân phản Ngũ Dương20 , đã xảy ra loạn Lộc Sơn nghịch tặc. Trăm họ vì thế mà xôn xao, chín miếu vì thế mà kinh động. Đáng lẽ phải liều mình báo nước, để chuộc tội bán nước hại dân; thế mà lại tham sống sợ chết, đành làm kẻ thờ thù, theo giặc. Làm tôi giặc Cảo, lâu đến ba năm; giúp ngầm giặc Cảo, có đến trăm cách.

Chiếu nguỵ, dụ nguỵ, sắc nguỵ, phong tước danh để lừa dối dân ngu; kẻ hiểm, hành hiểm, lời hiểm, xưng đầu mục để cầu phong ngoại quốc. Thực không bằng loài chó lợn, lại kém cả iến ong. Nay xin kính cẩn tâu lên". Quảng Độ bị xử tử.

[41b] Cho Nguyễn Mậu làm tham chính Hải Dương kiêm tán lý quân vụ ở dinh Quảng Phúc bá Nguyễn Khắc Nhượng. Trước đây, Mậu làm Hiến sát sứ Thanh Hoa về nhà chịu tang, khi hết tang lại vào Kinh. Bấy giờ gặp lúc Trần Cảo làm loạn, Mậu không chịu theo mệnh lệnh của giặc. Triều đình cho là Mậu có sĩ vọng, lại cho làm tham chính bản xứ và kiêm chức tán lý; không bao lâu, được thăng Thái bộc tự khanh.

Năm ấy, trong nước đói to, xác người chết đói nằm gối lên nhau. Những nơi trải qua binh lửa như Đông Triều, Giáp Sơn ở Hải Dương, Yên Phong, Tiên Du, Đông Ngàn ở Kinh Bắc là càng đói dữ. Bấy giờ, vua còn bé, thế nước lâm nguy, các tướng đều tự xưng hùng xưng bá, gây ra hiềm khích với nhau. Thiết Sơn bá Trần Chân đã đuổi Nguyễn Hoằng Dụ, vẫn trấn giữ Kinh sư.

Vua sai Tả hiển Thiết Thành bá và tướng mới hàng là bọn Nguyễn Công Độ đem quân bộ, Mạc Đăng Dung đem quân thuỷ đuổi bọn Hoằng Dụ [42a] chạy vào huyện Thuần Hựu21 (nay đổi thành Thuần Lộc, vì tránh tên huý của Chân Tông). Quan quân đào mả Nguyễn Văn Lang là cha Hoằng Dụ, chém lấy đầu. Hoằng Dụ lại hội quân chống nhau với quan quân. Nhân đó Hoằng Dụ gửi bức thư và một bài thơ

cho Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung nhận được thư và thơ đó, liền đóng quân không đánh. Bọn Hoằng Dụ được toàn quân chạy về.

Định lệnh thưởng công vận tải thóc công ở Thuận Hoá. Những người vận tải thóc công ở Thuận Hoá hai lần, đều siêng năng cả, nếu là quan viên thì thăng một cấp, thưởng hai tư; nếu là hạng lực sĩ, dũng sĩ, võ sĩ cũ làm lâu năm đã có xuất thân thì gửi về bản quán, nếu tình nguyện, cho như hạng nhất thân, bổ trung uý, hạng mới tuyển, có chân xuất thân từ bổ vũ uý, trật chánh bát phẩm, chia vào các vệ túc trực. Về văn thuộc, nếu có xuất thân cùng quân sắc và dân chúng thì bổ phó vũ uý, trật tòng bát phẩm.

Lấy [42b] Lê Sạn làm Hộ bộ thượng thư.

Mậu Dần, [Quang Thiệu] năm thứ 3 [1518] , (Minh Chính Đức năm thứ 13). Mùa xuân, thi Hội các cử nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Đặng Ất (người Hải Triều, huyện Ngự Thiên, thi Đình đỗ tiến sĩ xuất thân) 17 người. Đến khi thi Đình, đầu đề văn sách hỏi về việc biết người yên dân. Cho bọn Ngô Miễn Thiệu, Nguyễn Mân Đốc, Lưu Khải Chuyên 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Lại Kim Bảng 6 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Đệ 8 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Xét bài ký của Nguyễn Văn Thái viết : Thần kính xét, triều trước từ năm Nhâm Tuất, Đại Bảo năm thứ 3 mở khoa thi, hoặc 6 năm một khoa, hoặc 5 năm một khoa chưa có lệ cố định. Đến năm Quang Thuận thứ 4 là khoa Quý Mùi trở đi mới định ba năm một khoa, theo [43a] Hội điển của nhà Minh, lấy các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương, các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Hội, duy có năm Mậu Dần, Quang Thiệu năm thứ 3 có khoa thì là vì năm thứ 2 là năm Đinh Sửu chính là năm mở khoa thi, nhưng năm ấy đương có việc nên đến năm nay mới cử hành được.

Mạc Đăng DungVũ Xuyên hầu.

Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 7, trời mưa gió to, sét đánh chết người rất nhiều.

Ngày 11, giết Thiết Sơn bá Trần Chân và bè đảng của Chân là bọn Trần Trí, Nguyễn Nga, Nguyễn Bá Đại, Lê Nguyện Khâm... 6 người ở trong cung cấm.

Trước đây, Trần Chân đã đuổi được Nguyễn Hoằng Dụ, quyền nắm trong tay, Mạc Đăng Dung cũng phải sợ, mới hỏi con gái của Chân cho con trai mình là Đăng Doanh. Bấy giờ, có kẻ hiếu sự làm câu ca rằng: "Trần hữu nhất nhân, vi thiên hạ quân, thố [43b] đầu hổ vĩ, tế thế an dân" [Có một người họ Trần, làm vua thiên hạ, đầu thỏ đuôi hổ, trị nước yên dân]. Vì thế, quốc cữu Chử Khảo, Thọ quốc công Trịnh Hựu, cùng với Thuỵ quân công Ngô Bính bàn với nhau rằng: Một người họ Trần tức làm Trần Chân, đầu thỏ đuôi hổ tức là cuối năm Dần đầu năm Mão, sợ rằng vào năm ấy sẽ có biến loạn, khuyên vua sớm trừ đi. Đến đây, khi tan chầu, vua cho gọi Chân và bọn đệ tử Trần Trí vào cả trong cung cấm sai người đóng các cửa thành, sai bọn lực sĩ bắt Chân. Chân chạy đến chân thành, người giữ cửa bắt chém đi. Đệ tử của Chân là bọn Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính (Kính sau làm quan với nhà Mạc đến chức thái uý Tây quốc công, được truy tặng Tây Kỳ Vương), Nguyễn Áng nghe tin ấy, đánh ba hồi chiêng, đem quân vào cửa Đại Hưng, thấy các cửa thành đã đóng, bèn tiến thẳng vào ty Địch vạn vệ Cẩm y. Người giữ cửa ngăn lại [44a] không cho vào. Vua đem quân đi tuần trong thành, bêu đầu Trần Chân cho xem, bọn Nhạc, Kính mới chạy.

Ngày 14, bọn Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Nguyễn Hiêu, Cao Xuân Thì (có sách chép là bọn Nguyễn Chi, Mã Cử) cùng họp với nhau ở chùa Yên Lãng22 , đem quân đánh vào sát kinh thành. Vua đang đêm, chạy sang dinh Bồ Đề ở Gia Lâm để tránh.

Hôm sau, vua chạy đến Súc Ý đường ở xã Dương Quang2312, tới nhà Đàm Cử (Cử người huyện Quế Dương, có nhà ở xã Dương Quan, huyện Gia Lâm22 ) đến quá trưa chưa ăn cơm, dân gian có người đem bánh khoai dâng lên.

Bấy giờ, Trịnh Tuy đóng quân ở xứ Sơn Nam có hơn 1 vạn người, nghe tin vua chạy ra ngoài, quân lính tan cả. Thế là quân Sơn Tây24 thả sức cướp phá, trong thành sạch không, Kinh sư thành bãi săn bắn, đánh cá. Vua nhân đó, cho gọi Nguyễn Hoằng Dụ ra đánh bọn Nguyễn Kính. Nhưng Hoằng Dụ lưỡng lự không đi.

[44b] Từ khi Trần Cảo vào Kinh mà tông miếu tan nát, từ khi quân Sơn Tây làm loạn mà Kinh thành sạch không, xem thế đủ biết triều Lê không hưng thịnh được nữa.

Người ta có ba bậc phải thờ phụng như một là vua, thầy và cha, có khác gì nhau đâu. Xưa Trương Tú25 buộc tờ biểu vào cán búa, giết người để phục thù cho cha, mà nổi tiếng ở đời Đường; Quách Bốc đem quân vào trong cung, đuổi vua để cứu bộ tướng của mình mà danh dậy đời Lý26 . Những người ấy đề đem lòng thờ vua, thờ chủ mà chuyển thành đạo thờ cha, thờ thầy, có gì khác đâu! Trần Chân ở triều Lê, có công lao không phải là nhỏ. Đương lúc giặc Cảo tiếm hiệu cướp ngôi ở Đông Kinh, Chân đem quân một lữ đêm ngày xoay sở đánh lại, đến hơn mười ngày mà tên đầu sỏ Cảo phải rút chạy. Đến khi giặc Cảo lại đánh đến Bồ Đề, Chân [45a] đem mấy ngàn quân vượt sông tiến đánh, chưa tới mươi ngày mà đồ đảng của Cảo tan vỡ, mặt trời mặt trăng của nhà Lê lại sáng, tông miếu của nhà Lê lại được thờ, so với Thần My khôi phục nhà Hạ27 , Cát Phủ khuông phù nhà Chu2318có khác gì đâu. Thế mà khi giặc lớn chưa dẹp, bọn gian dương dòm ngó, trên thì vua ngu tối tin lời dèm, trong thì mẫu hậu gian phi gây hoạ, đến nỗi gọi vào cung cấm giết kẻ tướng thần, so với Lý Cao Tông giết Bỉnh Di28 , Trần Giản Định giết Đặng Tất29 kẻ có công bị ngờ vực, người vô tội bị giết hại, ngậm oan nuốt hận, trời đất không hay, há chẳng đau xót lắm ư? Hợp cả Nguyễn Kính, Nguyễn Áng mà bàn, thì hai người này là tướng dưới trướng của Chân, mài chí phục thù, dốc lòng trừ gian, liều mình cứu mạng cho chủ, trên là để báo lại ơn đức xưa nay, dưới [45b] là giải được mối oan khiên uất ức, phù trì chính khí cho ức vạn năm, diệt bọn gian hùng cho ngay lúc ấy, đạo thờ thầy đã sáng rõ lắm rồi. Song xét ra, Chân làm tướng không biết răn cấm tả hữu, khi thì giết bậc danh thần giữa chốn đại đô, lúc lại uống rượu, ngự trong cung Lục Thanh, rất không phải là lễ của người làm tôi, thế thì Chân bị giết cũng là tự chuốc lấy, có gì đáng lạ!

Ngày 16, lấy Lại bộ thượng thư Đỗ Nhạc làm Ngự sử đài đô ngự sử kiêm Đông các đại học sĩ, nhập thị kinh diên.

Lấy Thái bộc tự khanh Nguyễn Mậu làm Ngự sử đài thiêm đô ngự sử.

Lấy Lê Sạn làm Lại bộ thượng thư.

Tháng 8, sao Thái Bạch đi ngang trời.

Thừa chính sứ Kinh Bắc Phạm Khiêm Bính nghe tin vua chạy [46a] sang Gia Lâm, đến hành tại bái yết, rồi vâng mệnh vua điều động lương thực cấp cho quân lính.

Vua sai Cung Kiệm hầu Hà Văn Chính, Cối Khê bá Lê Đại Đỗ đi gọi Mạc Đăng Dung ở Hải Dương về. Vua lại chạy về Thuần Mỹ đường, ra coi chầu trăn quan.

Khi ấy, Đăng Dung đến yết kiến vua, đóng thuỷ quân ở sông Nhị Hà, cho là Súc Ý đường hơi xa, nhân tâu xin lại chuyển về Bồ Đề, ngự ở Thuần Mỹ đường để được tiện theo hầu. Lại sai người đi dụ bọn tử đệ của Trần Chân. Bọn Nguyễn Áng đều nói: Thiết Sơn bị giết, do ở bọn Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính dèm pha, nếu giết ba người ấy thì vua tôi lại như cũ, không có mưu đồ gì khác. Vua nghe kế của Đàm Cử, bèn giết bọn Khải. Nhưng bọn Áng lại càng rông rỡ hoành hành, đóng quân không rút.

Tháng 9, ngày 21, Mạc Đăng Dung giết Ngự sử đài đô ngự sử Đỗ Nhạc [46b] và Phó đô ngự sử Nguyễn Dự. Khi ấy, Đăng Dung cho là vua ở điện Thuần Mỹ, thuỷ quân hơi gần với địa phương của bọn con em Trần Chân, xin vua rời về Bảo Châu30 . Đỗ Nhạc, Nguyễn Dự đều can. Đăng Dung liền sai đồ đảng là Đinh Mộng bắt Nhạc và Dự đến ruộng dâu ngoài cửa bắc hành dinh Xuân Đỗ31 . Vũ Duệ có bài thơ rằng:

_ ni tinh kỳ quái tịch dương, Lưỡng cung phiến phiếm giá phi hoàng. Hàm tê chiến sĩ yêm giang thượng,ãi trung thần tử đạo bàng. Vạn lý sừ tinh lâm hữu đạo, Tâm quân loát tuệ thác vô lương. Thăng Long tự cố hưng vương địa, Hà bất thư hùng quyết nhất trường. (Phấp phới cờ treo bóng tịch dương, Hai cung32 buông lửng một con xuồng. Áo tê quân chiến ỳ bên cạnh, Mũ trãi tôi trung chết cạnh đường. Muôn dặm bừa rau rừng có giặc, Ba quân tuốt dé túi không lương. Thăng Long là đất hưng vương cũ, Sống mái sao không quyết một trường33 Bấy giờ Duệ thấy vua và hoàng đệ Xuân thả thuyền chạy ra ngoài, Nhạc và Dư can mà bị giết, thiên hạ đói cơm thèm rau, quân lính không có lương ăn, vua lại không có Thăng Long mà rời đến Bảo [47a] Châu, cho nên có bài thơ này (Duệ người Sơn Vi2325đỗ tiến sĩ cập đệ khoa Canh Ngọ đời Hồng Đức, làm quan đến Thiếu bảo thượng thư, sau thành bề tôi tiết nghĩa).

Đinh Mông rước vua về Bảo Châu. Vua đã dời đến Bảo Châu, Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy và văn thần Nguyễn Sư cùng với các tướng ở Sơn Tây cùng mưu lập người con của Tĩnh Tu công Lộc tên là Bảng làm vua, đổi niên hiệu là Đại Đức (Bảng là cháu bốn đời của Cung Vương Xương). Được nửa năm lại phế Bảng và lập Lê Do, đổi niên hiệu là Thiên Hiến (có thuyết nói rằng Do là em cùng mẹ với Bảng, cha là dân thường, chưa rõ tên là gì). Làm hành diện ở xã Do Nha, huyện Từ Liêm, lấy người thôn quê chia đặt quan thuộc văn võ tiến triều. (Bọn Tuy đã lập Thiên Hiến, khi ấy, Lê Văn Tiền làm tổng binh Thuận Hoá. Tuy có gửi thư cho Văn Tiền).

Vua ở Bảo Châu, có Trình Chí Sâm, Nguyễn Thì Ung theo hầu, sai người đi dụ Nguyễn Hoằng Dụ. Hoằng được tin, bèn dem quân Thanh Hoa ra cứu nạn. Vua bèn sai Hoằng Dụ cùng với Mạc Đăng Dung

[47b] đem các đạo quân Thanh Hoa và Sơn Nam chia đường tiến đánh bọn Nguyễn Áng, Nguyễn Kính ở Sơn Tây. Hoằng Dụ thua to, quân chết rất nhiều. Hoằng Dụ chạy xuống thuyền, tự liệu không đánh được, liền bãi binh lui về, chỉ để một mình Mạc Đăng Dung ở lại cầm cự với bọn Nguyễn Áng.

Mùa đông, tháng 10, sai Mạc Đăng Dung thống lĩnh các dinh quân thuỷ, bộ.

Sai Nguyễn Thì Ung, Nguyễn Nghiễm, Lê Ý, Ngô Hoan sang tuế cống nhà Minh và xin phong. Nhưng vì trong nước còn loạn, sau không đi được.

Sứ tuế cống lần trước là Nguyễn Quý Nhã từ Bằng Tường trở về, cho làm Đông các hiệu thư.

Vua lại chạy đến dinh Xuân Đỗ, huyện Gia Lâm.

Lấy Nguyễn Phi Hổ (có sách chép là Duy Hổ, người huyện Gia Lâm) làm Ngự sử đài thiêm đô ngự sử, Vũ Lân Định làm Thầm chính Thuận Hoá; đổi Thừa chính sứ Kinh Bắc Phạm Khiêm Bính làm Thừa chính sứ Nghệ An; sai [48a] Thừa chính sứ Nghệ An Phan Đình Tá làm Thừa chính sứ Kinh Bắc. Vì Khiêm bính người huyện Quế Dương, Kinh Bắc; Đình Tá người Thiên Lộc, Nghệ An, cho nên có lệnh đổi hai người. Khiêm Bính nhận lệnh đi, Đình Tá không chịu tới Kinh Bắc, rồi cùng với Khiêm Bính cùng trị nhậm Nghệ An.

Lấy Đàm Thận Huy là Thiếu bảo, Lễ bộ thượng thư nhập thị kinh diên.

Sai Lại bộ thượng thư Lê Sạn dụ tế cố Đô ngự sử Đỗ Nhạc, và ban 100 quan tiền điếu viếng.

(Nhạc người làng Lại Ốc, huyện Văn Giang; tên tự là Đôn Chính, tên thuỵ là Văn Tiết, tên hiệu là Nghĩa Sơn tiên sinh. Sinh được bốn con trai, con trưởng là Tổng, đỗ tiến sĩ cập đệ khoa Kỷ Sửu đời Minh Đức nhà Mạc, làm quan đến Đông các đại học sĩ, con thứ là Tấn, đỗ đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi đời Đại Chính nhà Mạc, làm quan đến Hình bộ thượng thư Trà quận công, chết trận. Nhạc có tập thơ vịnh các đế vương trong sử theo thể Đường luật lưu hành ở đời).

Kỷ Mão, [Quang Hiệu] năm thứ 4 [1519] , (Minh Chính Đức năm thứ 14). Mùa xuân, tháng giêng, vua ở hành dinh Bồ Đề. Trịnh Tuy làm [48b] cầu phao tiến quân, qua giữa sông để khiêu chiến. Vua sai đại tướng đánh phá, chặt đứt cầu phao, chém được tướng giặc Mai Dương bá. Tuy cùng với Lê Do rút về vùng Yên Lãng, Yên Lạc2326. Vua lại sai tướng đến đánh, bọn Tuy đang đêm kinh sợ trốn chạy.

Tháng 2, ngày mồng 2, có sắc chỉ truyền cho Trung thư viết sắc mệnh và cáo mệnh phải có họ tên người viết, Thượng bảo tự đóng ấn báu.

Tháng 2 đến tháng 4, trời nắng dữ, lúa hại, gạo kém.

Giặc Xá ở đầu nguồn các xứ Thái Nguyên, Tuyên Quang nổi loạn, cướp bắt vợ con và của cải của dân chúng.

Lấy Đông các hiệu thư Nguyễn Quý Nhã làm Đông các học sĩ.

Mùa hạ, tháng 5, bọn giặc Xá tan vỡ. Khi ấy, gặp mưa to, giặc Xá đóng quân ở chỗ bùn lầy, [49a], lòng quân chia lìa, không còn chí chiến đấu, quân bị tan vỡ.

Mùa thu, tháng 7, mưa to. Sai Mạc Đăng Dung thống lĩnh các quân thuỷ bộ vây Lê Do ở Từ Liêm, rồi phá đê cho nước vỡ vào quân Lê Do. Bọn Do và Nguyễn Sư chạy đến Ninh Sơn34 (tức Yên Sơn ngày nay), quan quân bắt được, giải về đem đi rao. Trong khi bị giải đi rao, Sư có bài thơ rằng:

Bản dục hưng Chu cứu vạn dân, Thuỳ tri thiên ý bất tùy nhân. Ô Giang thuỷ khoát nam đông độ, Xích Bích phong cao dị bắc phần. Vân ám Ninh Sơn long khứ viễn,

Nguyệt minh phúc địa hạc lai tần. Anh hùng thành bạn cổ lai hữu, Đãn hận binh sinh chí vị thân. (Những toan phục nước cứu muôn dân, Trời chẳng chiều người cũng khó phần. Sông rộng, Giang Đông khôn trở gót35 , Gió to, Xích Bích dễ thiêu quân36 Ninh Sơn mây ám rồng xa khuất, Phúc địa trăng soi hạc tới gần. Anh hùng thành bại xưa nay vậy, Chí đời chưa thoả hận vô ngần)37 . Tháng 9, ngày 20, vua về Kinh, đại xá, ban ân khắp, cho các quan được thăng 1 cấp, phong Mạc [49b] Đăng Dung làm Minh quận công.

Lấy Đông các học sĩ Nguyễn Quý Nhã làm Lại bộ tả thị lang.

Canh Thìn, [Quang Thiệu] năm thứ 5 [1520] , (Minh Chính Đức năm thứ 15). Mùa xuân, tháng giêng, sai Mạc Đăng Dung làm tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh, lấy Phạm Gia Mô làm tán lý quân vụ.

Khi ấy, Vũ Nghiêm Uy dấy quân ở Trường Thân, Đại Đồng (thuộc Tuyên Quang), vua sai Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ đem quân đi đánh, lấy Phạm Khiêm Bính làm tán lý quân vụ.

Lấy Vũ Duệ làm thiếu bảo, Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên.

Lấy Lại bộ tả thị lang Nguyễn Quý làm Ngự sử đài đô ngự sử.

Mùa hạ, tháng 4, thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Bật 14 người (Bật người Nghệ An, [50a] thi Đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân). Đến khi thi Đình, vua thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về nhân tài, cho Nguyễn Thái Bạt đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Thái Bạt người xã Bình Lăng, huyện Cẩm Giàng2331có tiết nghĩa), bọn Đặng Công Toản, Nguyễn Bật 13 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Sai Lễ bộ thượng thư kiêm sử quan phó tổng tài tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục Đặng Minh Khiêm biên soạn Đại Việt lịch đại sử ký38 (Minh Khiêm người huyện Sơn Vi, tự đặt hiệu là Thoát Hiên tiên sinh, có bộ Việt giám vịnh sử thi tập39 lưu hành ở đời).

Lấy Nguyễn Hữu Nghiêm làm chưởng Hàn lâm viện sự.

Ban phong Thiếu bảo Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên, Vũ Duệ làm Trinh ý công thần.

Tháng 6, thổ tù xứ Thuận Hoá đuổi viên Tổng binh sứ Đoan Lương bá Phạm Văn Huấn, cướp lấy cả vợ con, của cải của Huấn. Bấy giờ, Văn Huấn đem nhiều con em đi theo, đổi đặt làm quan các vệ sở, [50b] quấy nhiễu dân địa phương, giết ngầm thổ tù các xã Võ Xá, An Truyền huyện Đan Điền40 là bọn Hồ Bá Quang 4 người. Vì thế, con em của Bá Quang đem hơn 4 nghìn người bản xứ đến vây bức thành

trì, đuổi Văn Huấn đi. Văn Huấn bỏ cả vợ con trốn ra vùng Tân Bình41 . Bọn Thuận Hoá Thừa tuyên sứ Phạm Khiêm Bính, Hiến sát sứ Ngô Quang Tổ, cùng vợ con của Văn Huấn lên thuyền chạy trốn, dân xứ ấy cướp hết của cải và vợ con của Văn Huấn, cố ép thuyền của Khiêm Bính và Quang Tổ quay về trị sở. Hai tháng sau, vua sai Sái Cảnh làm Thừa chính sứ Thuận Hoá thay Khiêm Bính. Bọn Khiêm Bính do vậy mới được trở về.

Mùa thu, tháng 8 nhuận, ngày 29, truy tặng Đỗ Nhạc làm Thiếu bảo, Thượng thư, Ngự sử [51a] đài đô ngự sử Văn Trinh bá, tên Thuỵ là Văn Tiết.

Lấy Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Nguyễn Mậu làm Phó đô ngự sử, Nguyễn Quý Nhã làm Lại bộ thượng thư bồi thị kinh diên.

Tân Tỵ, [Quang Thiệu] năm thứ 6 [1521] , (Minh Chính Đức năm thứ 16). Mùa xuân, phong Mạc Đăng Dung làm Nhân quốc công, tiết chế các doanh quân thuỷ bộ 13 đạo.

Lấy Phạm Khiêm Bính làm Lại bộ thượng thư tham dự triều chính.

Tháng 3, ngày 14, Vũ Tông Nghị Hoàng Đế nhà Minh băng, không có con nối. Từ Thọ Hoàng thái hậu bàn định theo ý chỉ của tổ tiên, anh chết truyền ngôi cho em, làm di chiếu, sai đại thần văn võ rước con thứ là Hậu Thông ở Hưng Để42 vào nối nghiệp lớn, ngày 22, tháng 4, lên ngôi hoàng đế. Đại xá. Lấy năm sau làm năm Gia Tĩnh thứ 1.

Mùa hạ, tháng 4, ngày 17, dựng bia tiến sĩ khoa Giáp Tuất năm Hồng Thuận thứ 6. Sai Thiếu bảo Lại bộ thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên Vũ Duệ soạn bài ký, Trung thư giám điển thư Chu Đình Bảo viết chữ chân, Kim quang môn đãi chiếu, Phạm Đức Mạo viết chữ triện.

Xét bài ký của Vũ Duệ viết :iến sĩ khoa Giáp Tuất năm Hồng Thuận thứ 6, về ân vinh thứ bậc đều theo lệ nhà Minh, quan Công bộ xin khắc dựng bia ở nhà Thái Học để lưu truyền lâu dài. Nhưng gặp phải vận hạn, binh lửa liên miên, việc khắc bia đề tên chưa kịp làm xong. Nay bệ hạ mở nghiệp trung hưng, sáng công tiền liệt, nối theo thánh học, khơi sâu nguồn đạo, cổ võ giáo hoá và đổi mới văn tự. Mùa xuân năm Mậu Dần, đã [52a] thân ra Điện đình ra đề sách văn thi kẻ sĩ. Mùa hạ năm Canh Thìn lại cho mở chế khoa để thu hút hiền tài. Đến năm Tân Tỵ là dựng bia đề tên tiến sĩ khoa Giáp Tuất, để bổ sung chỗ thiếu sót trong điển lễ, để tỏ ý khuyến khích biểu dương nhân tài. Há chẳng phải là biểu hiện của lòng tôn nho sùng đạo của đức thánh thượng sao? Vả lại, các tiến sĩ khoa ấy vốn đã được tuỳ tài sử dụng, đều ở hàng liêu thứ, người thì theo hầu cương ngựa trong khi hoạn nạn, kẻ thì giúp bàn kế hoạch trong buổi trị bình; người thì trị dân coi việc, người thì khởi thảo văn từ; phẩm hạnh tài năng cũng có thể thấy được đại khái. Đến nay lại đội ơn được tô điểm, tấm lòng cảm khích biết đến dường nào. Tất phải trong sạch để hưởng phúc, tất phải thuỷ chung lo báo đền. Trước lấy khi thức sau mới đến tài nghệ, trước là đức hạnh rồi mới đến văn chương. Là sao sáng, mây lạ, làm điềm lành cho đương thời, là vàng ngọc thiên nhiên, [52b] làm của quý cho thế gian; là gươm Can Tương, Mạc Da43 để dẹp tiếm loạn, là gỗ biền nam, kỷ tử để vững cột rường; là thóc lúa, vải, lụa để nuôi sống dân, là sâm linh chi thuật để dưỡng thọ mạch nước, để cuộc trị nước đến chỗ phồn vinh, và đặt thiên hạ vào thế bình yên như Thái Sơn, bàn thạch, mới có thể trên không phụ sự biểu dương của đức thánh, dưới không phụ vốn học vấn của đời mình. Như vậy thì công danh sự nghiệp ghi mãi trên bia đá cứng, không bao giờ phai mòn. Nếu không thế thì hình tích của người hay kẻ dở, của kẻ nịnh người trung, nội dung của điều phải điều trái, việc nên việc chăng chả lẽ có thể giấu giếm được hay sao?

Mùa thu, tháng 7, vua ngự đến phủ đệ của Mạc Đăng Dung, gia phong Đăng Dung làm Thái phó.

Tháng 8, vua ngự điện Quỳnh Vân, uý lạo Mạc Đăng Dung và các tướng sĩ ra vùng Kinh Bắc, Lang Nguyên [53a] lùng bắt Trần Cung.

Tháng 9, có sắc dụ cho Mạc Đăng Dung và tướng sĩ các doanh rằng: "Trẫm nghe: Vì nước trừ hung, đạp bằng nguy hiểm là trách nhiệm của tướng quân. Cho nên Điền Đan nước Tề xông pha tên đạn mà người Địch phải hàng2338Lý Thái Tổ đời Đường tắm gội gió tuyết mà Hoài Sái bị dẹp44 , đều là những người bảo vệ xã tắc, có công lao lớn với thiên hạ cả. Khanh là chổ nương tựa của trẫm, nay giặc Cung nhóm họp dư đảng, trộm chiến vùng Lạng Nguyên, triều đình sai khanh làm đô tướng, tiết chế các doanh quân thuỷ, bộ cả nước, chia đường tiến đánh, đã từng trèo non lội suối, xông pha mưa gió, phá giặc ở các huyện Phượng Nhã, Bảo Lộc, đốt phá doanh trại giặc, chém được đầu giặc, bắt sống tù binh giặc. Quân đi đến đâu, không mảy may xâm phạm của dân, cư dân các xã đều đã ra đầu thú, phục tùng, t trận nhiều lần tâu lên, trẫm rất khen ngợi. Đặc cách sai [53b] thiếu bảo Binh bộ thượng thư Cẩm Sơn hầu Lê Thúc Hựu, tư lễ giám tổng thái giám kiêm tài dụng khố sự Ngô Khoái, tả thị lang Đông các đại học sĩ Nguyễn Quýnh mang sắc dụ đến uý lạo khanh và tướng sĩ các doanh, lại có 100 lạng bạc giao cho khanh, tuỳ nghi ban thưởng cho những người có công. Khi sắc dụ tới, khanh nên thể theo ý trẫm, lấy lòng trung nghĩa khích lệ tướng sĩ đồng lòng chung sức lập cách lùng bắt cho được chính bản thân tên phản nghịch Cung, còn những kẻ bị bắt hiếp theo nó thì hết thảy không hỏi tới. Để bọn giặc cướp trốn tránh lâu năm, sào huyệt bị quét sạch; để dân một phương phải lầm than, được yên ổn như xưa, cho đường sứ được thông suốt, cho công lớn được hoàn thành, thì công lao danh tiếng của khanh để lại mãi mãi trong vũ trụ, và lời thề sông cạn đá mòn, cháu con hưởng mãi không bao giờ cùng".

Khi ấy, quan quân tiến đến vùng Lạng Nguyên, bọn Cung đều [54a] bỏ chạy, bắt được vợ và con gái của Cung đem giết đi. Cung chạy vào châu Thất Nguyên (có thuyết nói Cung chạy trốn sang nước Minh, sau bị đóng cũi giải về Kinh sư).

Nhâm Ngọ, [Quang Thiệu], năm thứ 7 [1522] , (Từ tháng 8 trở về sau, phụ chép Cung Hoàng, Thống Nguyên năm thứ 1; Minh Thế Tông, Gia Tĩnh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, nhà Minh sai Hàn lâm viện biên tu Tôn Thừa Ân và Cấp sự trung Du Đôn sang báo việc Gia Tĩnh Hoàng Đế lên ngôi. Gặp khi nước ta có loạn, bọn Thừa Ân không sang đến nơi được. Đến năm Quý Mùi, Thừa Ân trở về phủ Thái Bình, còn Đôn bị chết ở dọc đường.

Mùa hạ, tháng 4, ngày 20, giặc cướp nổi lên ở Kinh thành, đốt phá phố xá trong nội thành. Vua sai Đông quân công Mạc Quyết, Quảng quận công Kiều Văn Côn cùng các tướng vào hầu túc vệ. Bọn Quyết và Văn Côn tâu xin cho con em dàn đóng ở ngoài thành, Kinh kỳ mới được [54b] yên.

Bảo Xuyên hầu Lê Khắc Cương và Lương Phú hầu Lê Bá Hiếu làm loạn, nổi quân ở vùng Đông Ngàn, Gia Lâm. Mạc Đăng Dung thân hành đem các tướng đi đánh không được, Phó đề hình Tứ thành quân vụ Trâu Sơn bá Lê Thị chết trận tại trận. Sau Bá Hiếu thua, chạy trốn lên Lạng Nguyên, bị bắt giải về Kinh sư.

Trước đây, Bá Hiếu ở trong làng, người làng ai cũng cho rằng Hiếu là người tốt, đến khi bị bắt, già trẻ trong làng có đến hơn 50 người tới cửa khuyết xin chuộc tội cho Hiếu. Vua không cho, đem giết ở chợ Đông, bêu đầu 3 ngày.

Mùa thu, tháng 7, ngày 27, vua chạy ra huyện Minh Nghĩa2340ở Sơn Tây. Khi ấy, Mạc Đăng Dung uy quyền ngày một lớn, lòng người đều hương theo. Đăng Dung đem con gái nuôi vào hầu vua, tiếng là chầu hầu, thực ra là để dò xét, coi giữ. Lại cho con trưởng là Đăng Doanh làm Dục Mỹ hầu, trông coi điện Kim Quang. Đăng Dung đi bộ thì [55a] lọng phượng giát vàng, đi thuỷ thì thuyền rồng giây kéo, ra vào cung cấm, không kiêng sợ gì. Lại giết bọn thị vệ Nguyễn Cấu, Đô lực sĩ Minh Sơn bá Nguyễn Thọ và Đàm Cử.

Vua mưu ngầm với bọn Phạm Hiến, Phạm Thứ, sai người đem mật chiếu vào Tây Kinh bảo Trịnh Tuy nghênh viện. Vào canh hai đêm 27, bọn Hiến, Thứ vào hầu yến, rồi đón vua thái hậu và em vua là Xuân không được biết. Vua ra đến xã Mộng Sơn, huyện Minh Nghĩa, Sơn Tây. Ngày hôm sau, Đăng Dung biết chuyện, đem quân đi đón chặn những nơi quan yếu.

Ngày 28, Đăng Dung kéo cờ ở Kinh thành, truyền lệnh cho các nhà ở phố phường không được kinh động. Lại sai bọn Hoàng Duy Nhạc binh mã đuổi theo kịp vua ở Thạch Thất. Vua đem quân huyện Thạch Thất chống lại, bắt được Duy Nhạc. Ngày hôm ấy, Đăng Dung vào Kinh tha [65b] Trình Chí Sâm và Nguyễn Thì Ung ra khỏi tù. Trước đây, vua cho là hai người này hùa theo Đăng Dung, đem giam ở điện Quỳnh Văn, chưa kịp giết thì chạy ra ngoài, cho nên Đăng Dung tha ra.

Bấy giờ, vua đã chạy ra ngoài, Đăng Dung bèn cùng với Thái sư Lượng quốc công Lê Phụ, Mỹ quận công Lê Chu, Cẩm Sơn hầu Lê Thúc Hựu, Hoằng Lê hầu Phạm Gia Mô, Đoan Lễ hầu Dương Kim Ao, Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ, Dương Xuyên hầu Nguyễn Như Quế, cùng bàn lập em vua là Xuân.

Lời sắc dụ viết: Ta là cháu của Đức Tông Kiến Hoàng Đế, con thứ hai của Minh Tông Triết Hoàng Đế, em ruột của Quang Thiệu Hoàng Đế. Nay vì đêm ngày 27 tháng 7 năm Quang Thiệu thứ 7, Quang Thiệu hoàng thượng bị kẻ gian uy hiếp phải dời ra ngoài, triều thần là Thái sư Lượng quốc công Lê Phụ, Thái phó Nhân quốc công Mạc Đăng Dung và các công, hầu, [56a] bá, phò mã đô uý, các quan văn võ đồng lòng suy tôn, đều nói rằng sinh dân không thể không người đứng chủ, thần khí không thể bỏ trống lâu ngày, xin ta nối giữ nghiệp lớn. Ta vì tông xã và sinh dân, nghĩa không từ chối được, đã tạm trông coi các việc trong cung rồi, các quan văn võ trong ngoài cứ giữ chức như cũ. Quân hộ vệ và tướng sĩ các doanh nhân ở Kinh phải túc trực nghiêm ngặt, phòng giữ đúng phép. Viên chức và dân chúng phủ Phụng Thiên và các phủ, huyện, xã hãy an cư lạc nghiệp, để giữ phúc sinh toàn.

Ngày 30, Lê Chu và Nguyễn Như Quế đón Xuân sang Hồng Thị, huyện Gia Phúc2341, rồi làm hành điện và gấp sai quân dân đắp lũy Cẩm Giàng để phòng giữ. Bọn Phó đô tướng Bắc Giang Phúc Sơn bá Hà Phi Chuẩn, Bình Hồ bá Nghiêm Bá Ký, Phúc Nguyên bá Nguyễn Xí, Phù Hưng bá Phạm Tại đã nhận được [56b] mật chiếu và văn phủ dụ của Quang Thiệu Đế từ trước, bèn đem con em xứ Bắc Giang đến đóng quân ở sông Tây Kiều, huyện Đông Ngàn45 . Lâm Xuyên bá Đàm Thận Huy, Chưởng Hàn lâm viện Nguyễn Hữu Nghiêm và Dương Khảo đều ở cả đấy. Đăng Dung đốc thúc các tướng cầm cự với bọn Phi Chuẩn. Đăng Dung dụ Phạm Tại làm hướng đạo. Bọn Bá Ký đều thua chạy cả. Bấy giờ, văn thần là bọn Nguyễn Bình Hoà, Phạm Chính Hoa, Nguyễn Bạt Tuỵ, Chử Sư Đổng cùng tới xã Lâm Sơn, huyện Quế Dương để cùng bàn với Phạm Khiêm Bính đi theo Quang Thiệu Đế, thấy Khiêm Bính đã ở trong dinh của Phi Chuẩn rồi, biết là việc không thành, bèn cùng nhau đến yết kiến Xuân.

Tháng 8, ngày mồng 1, Đăng Dung cùng với bọn Lê Phụ đem các quan cùng tôn hoàng đệ Xuân lên ngôi hoàng đế.

Xuống chiếu rằng: Trời lập vua là vì dân, vua vâng mệnh trời [57a] là để thương dân. Anh ta là Quang Thiệu hoàng thượng, kính nhậm phúc trời, kế thừa nghiệp tổ, dẹp yên loạn lạc, trở lại chính thống, ban bố ân đức, giữ yên sinh dân, đến nay được 7 năm. Đêm ngày 27 tháng 7 nay, bị kẻ gian bắt hiếp dời ra bên ngoài. Triều thần là bọn Lê Phụ thấy trẫm là con thứ hai của Minh Tông Triết Hoàng Đế, là em ruột Quang Thiệu hoàng thượng, đồng lòng suy tôn, hai ba lần khuyên mời lên ngôi. Trẫm thấy tông xã sinh dân là điều hệ trọng, cố ý từ chối không được, bèn kính cáo tông miếu, lấy ngày mồng 1 tháng 8 năm nay lên ngôi, đổi niên hiệu là Thống Nguyên năm thứ 1, đại xá thiên hạ gồm 32 điều.

Ngày mồng 10, Thống Nguyên Đế ngự đến Cối Miếu xã Phúc Diên, huyện Gia Phúc, Hải Dương, lại ngự đến Hồng Thị rồi làm hành điện ở trong huyện, chuyển vận vàng bạc, tiền của, ở các kho tàng trong thành đem cả về [57b] đấy.

Ngày 11, Quang Thiệu Đế từ hành dinh Mộng Sơn trở về Kinh thành, đóng tại xã Mang Sơn.

Gió to 2 ngày.

Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Khắc Tuy vào yết kiến. Vua sai lực chém Tuy.

Trước đây, vua cho gọi Khắc Tuy, Khắc Tuy thấy vua chạy ra ngoài, không chịu tới, lại có vẻ ngạo mạn. Đến nay mới vào yết kiến, nên bị chém.

Vua nhân đi qua sông Cung Kiệm, cầu gãy, bị ngã xuống sông, áo hoàng bào và kiệu đều ướt cả. Sai bắt bọn Dương Đình Tú phủ Quốc Oai để trách hỏi về việc làm cầu giả dối, sau lại tha.

Ngày 16, vua ngự tại hành điện Thuỵ Quang, coi chầu các quan, bốn phương hưởng ứng. Bọn Lâm Xuyên bá Đàm Thận Huy, Phó đô tướng Phúc Sơn hầu Hà Phi Chuẩn nhận mật chiếu trở về Bắc Giang để dấy binh. Lại có bọn Vương Đàm hầu Nguyễn Vĩnh, Hà Lý hầu Lê Quảng đến yết kiến vua. Ninh Xuyên [58a] hầu Lê Đình Tú ở miền dưới trấn Sơn Nam cũng hưởng ứng.

Vua lại sai Nguyễn Đình Tú tập hợp người bản huyện và các dinh sở thuộc chia quân trấn giữ những nơi trọng yếu ở các xã Bộc Độ, Ninh Giang, Nghĩa Lễ. Sau bị Đăng Dung đánh bại, Đình Tú bị bọn con em bắt đưa đến dinh của Đăng Dung, rồi bị giải về hành điện ở Hồng Thị. Thống Nguyên Đế cho là Đình tú có công lao cũ, chỉ sai thắt cổ cho chết thôi.

Quang Thiệu Đế sai bọn Nguyễn Kính, Lê Vĩnh, Nghiêm Bá Ký, Kiều Bá Khiêm.

Nguyễn Xí chia đường tiến đánh các huyện Gia Lâm, Văn Giang, Đường Hào, Cẩm Giàng, Lương Tài, Gia Định, cầm cự nhau đến một tháng chưa phân được, thua.

Khi ấy, Quang Thiệu Đế ở hành điện Thuỵ Quang, sai Trung sứ đi gọi Trịnh Tuy ở Thanh Hoa, đi về đến ba, bốn bọn. Tuy thấy vua ở Thuỵ Quang, không nghe lời các tướng, tin dùng bọn tiểu nhân, [58b] dùng dằng mãi không đến.

Bấy giờ, các xứ Tây, Nam, Bắc, Quang Thiệu Đế đã lấy được cả. Mạc Đăng Dung chia các dinh thuỷ, bộ đánh vào các xứ ở bến Đông Hà, Quang Thiệu Đế sai bọn Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan, Nguyễn Định, Đàm Khắc Nhượng dàn trận chống giữ và cầm cự, bị Đăng Dung đánh bại, bọn Thúc Mậu, Dư Hoan phải lùi dần.

Bọn Hưng Hiền bốn người mang mộc, cầm giáo từ phường Phục Cổ đánh thẳng vào Điện Thuỵ Quang. Lúc ấy, Quang Thiệu Đế đang coi chầu, Tổng tri Trịnh Ân tâu rằng: "Quân giặc đã đến nơi rồi". Vua bèn đi ra. Một lát, thấy bọn Hưng Hiền xông vào sân điện, lính hộ vệ chống lại. Vua bèn tránh ra đóng ở đình cũ xã Nhân Mục, dân chúng dâng cháo gạo, các quan trong lúc vội vàng tan vỡ, bắt đầu tập hợp lại. Giờ Thân ngày hôm ấy, vua chạy đến chùa Trùng Quang, xã Thiên Mỗ46 , huyện Từ Liêm.

Tháng 9, ngày 20 [59a] Quang Thiệu Đế lại đem quân trở về Kinh sư, đóng ở phía tây kinh thành (tức là xã Yên Quyết Thượng2344, huyện Từ Liêm), làm hành điện để coi chầu, dựng nhà Thái Miếu ở phía đông thành.

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 3, gặp ngày kỵ của Tuyên Từ Hoàng thái hậu.

Quang Thiệu Đế tới Thái Miếu làm lễ, khi qua cầu Yên Quyết, người hầu che quạt, lỡ chân ngã xuống sông.

Ngày mồng 4, gặp ngày Nghi Thiên thánh tiết47 , các quan dâng biểu chúc mừng.

Được vài tuần, Trịnh Tuy đem quân ba phủ của Thanh Hoa và tướng sĩ các xứ gồm hơn 1 vạn người đến hộ giá rồi lại trở về dinh của mình. Thuộc tướng của Tuy là Nguyễn Bá Kỷ vào hầu. Phạm Điền

sợ Kỷ tranh quyền, tâu vua chém Kỷ rồi đem đầu đưa đến cửa đình của Tuy. Tuy do vậy nổi giận, bắt đầu có chí khác.

Ngày mồng 10, trời mưa, nhiều sâu lúa.

Ngày 13, Quang Thiệu Đế đích thân làm lễ cầu trời. [59b] Bài văn tấu cáo viết: Nay nhân vận nước gặp bước gian truân, thiên tai tỏ điềm cảnh tỉnh. Lúa mùa sắp chín gặp phải hoàng trùng, lúa chiêm bắt đầu lại bị hạn hán. Nhà nông đã bị thất vọng, muôn họ lại phải lo buồn. Thần đang lúc xiêu giạt, chỉ biết hết sức chăm lo, nghĩ rằng điềm lành chưa ứng là do tệ chính chưa trừ. Có phải do người trung, kẻ nịnh lẫn lộn mà chưa biết cách dùng ai, bỏ ai; có phải do hình phạt không trúng mà vẫn còn nhiều lỗi dùng nhầm, dùng vượt; hoặc là mạng người phải thí nhiều ở đầu đạn mũi tên, hoặc là của dân bị khánh kiệt do sưu cao thuế nặng? Hay là người nắm quyền trị nước làm trái lẽ điều hoà? Hay là kẻ cầm quân đánh dẹp quá tham lam tàn bạo? Cho nên khí âm dương rối loạn, tai biến xảy ra luôn. Nghĩ lo rất đỗi đau lòng, kinh sợ khôn tỏ lời cầu khẩn. Cúi xin rủ theo nguyện vọng của dân, chuyển lại máy then tạo hoá. Để cho mưa ngọt ban khắp nơi, [60a] ác trùng bị diệt hết, ruộng đồng làm cỏ phát cây, kịp thời gieo mạ, lúa má nặng bông chắc hạt, toại nguyện bội thu, trộm cướp im hơi lặng tiếng, nước nhà chóng được bình yên. Thần xiết bao khẩn khoản cầu xin, bái chúc.

Ngày 17, ở phương đông có khí vàng đỏ, lại có sắc vàng tan ra phủ khắp trời.

Ngày 18, giờ Thân, bọn Trịnh Tuy và Trịnh Duy Thuân nói phao là đi xem mặt bằng để dựng doanh trại trấn thủ ở xã Dịch Vọng. Đến tối, đóng dinh ở đó, tảng sáng hôm sau, Tuy cùng với bọn Duy Thuân phục quân ở Dịch Vọng, bắn ba tiếng súng, đem quân reo hò ầm ĩ. Quang Tuy uy hiếp, bắt vua về Thanh Hoa. Quốc tư giám tư nghiệp Lê Hữu Trung chết trong trận đó. Từ đấy, cả nước đều thất vọng.

Tháng 11, [60b] ngày 12, Định Sơn hầu Giang Văn Dụ khởi binh ở các huyện Thanh Oai, Sơn Minh2346, Hoài An2347, Chương Đức. Nhân dân các huyện Thanh Đàm48 , Thượng Phúc, Phú Nguyên49 đều hưởng ứng. Liên Hồ bá Lê Văn Phúc cáo cấp với Mạc Đăng Dung. Đăng Dung còn đang đánh dẹp vùng Kinh Bắc, sai tỳ tướng đi đánh: Kiều Văn Côn từ Phú Nguyên tiến vào Thanh Oai, Mai Xuyên hầu Lê Bá Ký từ Thành Đàm tiến vào Chương Đức, Đông Sơn hầu Mạc Quyết từ Thanh Oai tiến vào Chương Mỹ, bốn mặt đánh kẹp vào, đánh phá tan quân Dụ, đuổi dài suốt đêm đến tận chân núi mới về.

Tháng 12, ngày 18, Thống Nguyên Đế từ hành điện Hồng Thị trở về Kinh sư. Ngày 22, tới hành tại Bồ Đề, cho sai quan đến chầu.

 

(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)