Chiến dịch Linebacker II
Một phần của Chiến tranh Việt Nam
Boeing B-52 dropping bombs.jpg
Máy bay ném bom chiến lược B-52 đang ném bom rải thảm
.
Thời gian Từ 18 tháng 12 đến 30 tháng 12 năm 1972
Địa điểm Miền Bắc Việt Nam: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Kết quả Thắng lợi chiến lược của VNDCCH
(Mỹ chấp nhận ký kết Hiệp định Paris với nội dung tương tự với bản dự thảo hiệp định vào tháng 10 năm 1972 - bản mà Hoa Kỳ đã từ chối ký kết).
Tham chiến
Flag of the United States.svg Không lực Hoa Kỳ Flag of Vietnam.svg Quân đội Nhân dân Việt Nam
Chỉ huy
Flag of the United States.svg John Dale Ryan
Flag of the United States.svg John W. Vogt Jr
Flag of Vietnam.svg Văn Tiến Dũng
Flag of Vietnam.svg Phùng Thế Tài
Flag of Vietnam.svg Lê Văn Tri
Lực lượng
197 đến 207 máy bay ném bom chiến lược B-52,
14 liên đội không quân chiến thuật gồm 1.077 máy bay các loại từ 3 căn cứ không quân và 6 tàu sân bay1
Lực lượng phòng không và không quân và dân quân (trong đó có 23 tiểu đoàn tên lửa SA-2 và khoảng 50 máy bay tiêm kích MiG).2
Tổn thất
Số liệu từ Hoa Kỳ:3

12 phi cơ chiến thuật bị bắn rơi
16 B-52 bị bắn rơi
4 B-52 bị hư hại nặng
5 B-52 bị hư hại trung bình
43 tử thương
49 bị bắt làm tù binh3 4

Số liệu của Việt Nam:5
81 phi cơ bị bắn rơi
gồm có 34 B-52 (16 rơi tại chỗ) và 5 F-1116

1.624 thường dân thiệt mạng
Thương vong về quân sự không rõ7

3 MiG-21 bị bắn rơi8

.

Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Chiến tranh Việt Nam, từ 18 tháng 12 đến 30 tháng 12 năm 1972 sau khi Hội nghị Paris bế tắc và đổ vỡ do hai phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bất đồng về các điều khoản trong hiệp định.

Chiến dịch này là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1972, ngoại trừ điểm khác biệt lớn là lần này Hoa Kỳ sẽ tấn công dồn dập bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 thay vì các máy bay ném bom chiến thuật, mục đích là dùng sức mạnh và biện pháp không hạn chế đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại chiến dịch này, Hoa Kỳ đã huy động loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất của họ là pháo đài bay B-52 làm nòng cốt để ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971.9

Cuộc ném bom tuy có gây những tổn thất nặng về cơ sở vật chất cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng đã không làm thay đổi được lập trường của lãnh đạo nước này về nội dung cơ bản của hiệp định hoà bình, đồng thời nó gây một làn sóng bất bình lớn của người Mỹ, dư luận và chính giới của các nước trên thế giới trong đó có cả các đồng minh lâu dài của Hoa Kỳ, uy tín của Chính phủ Hoa kỳ bị xuống thấp nghiêm trọng. Bị phản đối trong nước, bị cô lập trên trường quốc tế, gặp phải sự chống trả hiệu quả gây thiệt hại lớn cho lực lượng không quân chiến lược, lại không thể buộc đối phương thay đổi lập trường, Tổng thống Richard Nixon đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch vào ngày 30 tháng 12, đề nghị nối lại đàm phán tại Paris. Tại đây, Hoa Kỳ chấp nhận ký kết Hiệp định Paris trên cơ sở dự thảo mà trước đó họ đã từ chối ký kết (vì đây là dự thảo có những điều khoản có lợi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Sau chiến dịch ném bom khí thế, lòng tự hào trong Quân đội nhân dân Việt Nam và người dân tại miền Bắc Việt Nam lên rất cao: họ không chỉ đánh thắng được "thần tượng B-52" mà còn buộc Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris với những nội dung có lợi cho họ, đó là những cơ sở để phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà coi chiến dịch này là một thắng lợi chiến lược to lớn.

Chiến dịch này còn có một ý nghĩa tâm lý nặng nề cho giới quân sự Hoa Kỳ: đây là chiến dịch mà phía Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng sở trường của mình để chống lại sở đoản của đối phương (trình độ khoa học công nghệ), một cuộc đấu mà đối phương sẽ không thể sử dụng yếu tố "du kích" – một cách hình tượng: phía Mỹ thách đấu và được quyền lựa chọn vũ khí và đã thất bại.

Chiến dịch này cũng cho thấy điểm yếu của vũ khí máy bay ném bom chiến lược của Hoa Kỳ: B-52 vũ khí chiến lược dùng để chống chọi đối thủ tiềm tàng xứng tầm là Liên Xô cho một cuộc chiến tranh công nghệ cao đã thể hiện điểm yếu ngay khi đối phương có trình độ kinh tế, quân sự, khoa học – công nghệ kém hơn nhiều, và vũ khí chống trả cũng không phải là loại cao cấp của đối phương (vào thời điểm 1972, tên lửa SAM-2 mà Việt Nam sử dụng đã bị Liên Xô thay thế bằng SAM-4 và SAM-5 mạnh hơn nhiều). Ngay sau Chiến tranh Việt Nam, vì lý do này Hoa Kỳ đã phải nỗ lực rất cao trong chạy đua vũ trang trong lĩnh vực máy bay ném bom và đã cho ra kết quả là các máy bay ném bom B-1 Lancer và B-2 Spirit tàng hình.[cần dẫn nguồn]

Ở Việt Nam sự kiện này thường được gọi là "12 ngày đêm" và báo chí, truyền thông hay dùng hình tượng "Điện Biên Phủ trên không" để nhấn mạnh ý nghĩa thắng lợi cuối cùng và to lớn của sự kiện.

Mục tiêu của các bên

Hoa Kỳ

Sau thất bại của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong chiến dịch Lam Sơn 719, quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền Nam liên tục mở các cuộc tấn công vào các căn cứ và vị trí chiến lược của Việt Nam Cộng Hòa qua chiến dịch Xuân Hè 1972, làm thất bại kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Nhằm giữ thể diện của một siêu cường quân sự và để rút quân trong danh dự, Hoa Kỳ đã tiến hành chiến dịch đánh bom lần cuối này với ý định "đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá", giảm bớt sự hỗ trợ quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho chiến trường miền Nam.

Tại Paris đầu tháng 12, cuộc đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ một lần nữa lâm vào bế tắc. Việt Nam Cộng hòa (vốn không được tham gia họp kín để đàm phán về điều khoản hiệp định) ra sức phản đối bản dự thảo hiệp định, theo đó Quân đội Nhân dân Việt Nam được giữ những vị trí của họ tại miền Nam. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho rằng Hoa Kỳ làm vậy là để rũ bỏ trách nhiệm với họ. Nixon không muốn mang tiếng là đã bỏ mặc Việt Nam Cộng hòa, nên phía Hoa Kỳ đòi thay đổi lại nội dung cốt lõi nhất của dự thảo hiệp định, đó là về quy chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Theo đó, Hoa Kỳ muốn "có đi có lại", khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam thì Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chấp nhận, vì đề nghị như vậy đặt họ ngang hàng với kẻ xâm lược là Mỹ, đồng thời sẽ khiến quân Giải phóng gặp rất nhiều khó khăn sau này.

Ngày 4 đến 13 tháng 12, đàm phán tiếp tục tại Paris suôn sẻ cho đến khi phía Mỹ một lần nữa lật lại vấn đề cốt lõi: quy chế của lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và nêu vấn đề khu phi quân sự. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản ứng bùng nổ bằng cách thu hồi các nhượng bộ từ các buổi họp trước đó và đưa ra đòi hỏi mới, trong đó có việc lật lại vấn đề cơ bản về trao trả tù binh Mỹ. Tháng 10, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đồng ý trao trả tù binh Mỹ vô điều kiện trong vòng 60 ngày. Nay họ muốn gắn việc trao trả tù binh với việc thả hàng ngàn tù chính trị tại Nam Việt Nam - một vấn đề mà họ đã từng đồng ý dành nó cho các thương thảo cụ thể sau này giữa các bên Việt Nam. Nixon triệu hồi Kissinger về Mỹ và ngừng đàm phán.10

Ngày 5 tháng 12, Nixon điện cho Kissinger: "Hãy để một chỗ hở ở cửa cho cuộc họp tiếp. Tôi có thể sẵn sàng cho phép ném bom ồ ạt miền Bắc Việt Nam trong thời gian nghỉ ngơi đó"11 (ám chỉ kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh). Đêm 12 tháng 12, Chánh văn phòng Nhà trắng Heizman thừa uỷ quyền của Richard Nixon gửi một bức điện cho Kissinger có đoạn viết: "Chúng ta cần tránh làm bất cứ điều gì có vẻ như là chúng ta phá vỡ thương lượng một cách đột ngột. Nếu xảy ra tan vỡ thì phải làm như là do họ chứ không phải do chúng ta. Trong bất cứ trường hợp nào, Hoa Kỳ không được chủ động cắt đứt cuộc nói chuyện. Chúng ta cần yêu cầu hoãn cuộc họp để tham khảo thêm".12 Tuy cố tình trì hoãn ở hậu trường, nhưng khi tuyên bố chính thức, Hoa Kỳ đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không chịu "đàm phán nghiêm chỉnh". Do vậy, nhiều tài liệu phương Tây vẫn cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bỏ họp trước, và chiến dịch ném bom của Mỹ là để khiến Việt Nam "biết điều" mà chấp nhận họp lại.

Ngày 14 tháng 12, Tổng thống Nixon họp với cố vấn an ninh Kissinger, tướng Alexander Haig và chủ tịch Hội đồng tham mưu truởng liên quân - đô đốc Thomas Moorer thông qua lần cuối cùng kề hoạch Chiến dịch Linerbacker II. Nixon nói với đô đốc Thomas H. Moorer, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ: "Điều may mắn của ông là được sử dụng một các cách hiệu quả sức mạnh quân sự của chúng ta để thắng cuộc chiến tranh này. Nếu ông không làm được việc đó, tôi sẽ coi ông là người chịu trách nhiệm".

Mục tiêu mà Hoa Kỳ đặt ra trong chiến dịch Linebacker II là duy trì nỗ lực tối đa để phá hủy tất cả các tổ hợp mục tiêu chính ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng, trong đó phá hủy đến mức tối đa những mục tiêu quân sự chọn lọc tại vùng lân cận của Hà Nội/Hải Phòng. Linebacker II cũng loại bỏ các rất nhiều các hạn chế trong các chiến dịch trước đó ở Bắc Việt Nam, ngoại trừ cố gắng để "giảm thiểu nguy hiểm cho dân thường tới mức có thể cho phép mà không ảnh hưởng hiệu quả" và "tránh các khu giam giữ tù binh, bệnh viện và khu vực tôn giáo".13 Mục tiêu của Linebacker II cũng vẫn là mục tiêu của Linebacker nhưng với cường độ, sức công phá và mật độ lớn đến mức khủng khiếp để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận điều khoản của Mỹ, đồng thời tỏ rõ cho Nguyễn Văn Thiệu thấy rằng Hoa Kỳ đã cố làm hết trách nhiệm bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa, thay vì rút lui mà không chiến đấu. Cũng trong ngày 14 tháng 12, Nixon gửi một tối hậu thư cho Hà Nội: trong 72 giờ đồng hồ để quay lại ký theo phương án Hoa Kỳ đề nghị, nếu không sẽ ném bom lại Bắc Việt Nam.10

Về lý do quân sự, chính trị thì cuộc ném bom này không cần thiết vì khi đó Hoa Kỳ đã quyết tâm rút quân khỏi cuộc chiến. Hoa Kỳ biết rõ rằng không thể nào bắt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhượng bộ một vấn đề cốt lõi mà họ đã chiến đấu gần 20 năm, với chỉ bằng một cuộc ném bom dù ác liệt đến đâu. Nó chỉ làm dư luận Mỹ và thế giới bất bình với chính phủ Hoa Kỳ.14 Đây thực chất chỉ là cách để thể hiện trách nhiệm nghĩa vụ cuối cùng đối với đồng minh Việt Nam Cộng hoà: khi dự thảo hiệp định đã được ký tắt với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã phản đối kịch liệt và không chấp nhận, Hoa Kỳ quyết định dùng nấc thang quân sự mạnh tay nhất này để chứng tỏ họ đã cố gắng hết mức cho quyền lợi của đồng minh.15 16

Ngày 15 tháng 12, Lê Đức Thọ và Kissinger chia tay nhau tại sân bay Le Bourger (Paris). Ngày 16 tháng 12, Kissinger họp báo tại Washington DC đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kéo dài đàm phán. Tối 18 tháng 12, khi Lê Đức Thọ vừa về đến nhà (sau khi ghé qua Moskva và Bắc Kinh) thì những trái bom đầu tiên từ B-52 trong Chiến dịch Linebacker II rơi xuống Hà Nội.17

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Với kinh nghiệm chính trị dày dặn, ngay từ mùa xuân năm 1968, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với tướng Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng lời dự báo:


Từ tháng 5/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không đặt vấn đề: "Tỷ lệ B-52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?". Sau mấy tuần, câu trả lời đã được đưa ra:

  • N1 - tỷ lệ Mỹ chịu đựng được là 1-2% (trên tổng số B-52 tham chiến của Mỹ);
  • N2 - tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển là 6 - 7%;
  • N3 - tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc là trên 10%.

Quân chủng Phòng không-Không quân loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3. Quân chủng Phòng không Không quân đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, tỷ lệ B-52 bị bắn hạ là 17,6% (34/197 chiếc, Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc).

Lực lượng

Không lực Hoa Kỳ

Theo Karl J. Eschmann Mỹ đã huy động19 :

  • Gần 50% B-52 của toàn nước Mỹ (197 trên tổng số 400 chiếc). Thực tế xuất kích 741 lần.
  • Gần 1/3 số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077 trên tổng số 3.041 chiếc). Thực tế xuất kích 3.920 lần.
  • 1/4 số tàu sân bay (6 trên tổng số 24 chiếc),cùng nhiều tàu chỉ huy - dẫn đường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu radar, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu,...
  • Tập đoàn không quân 7 và 8 (Seventh air forceEighth air force): trong đó có các liên đội không quân chiến lược B-52 (Strategic Wing) số 43 và 72 đóng tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam gồm 143 chiếc B-52G, B-52D và liên đội không quân chiến lược số 307 gồm 54 máy bay B-52D đóng tại căn cứ Utapao (Thái Lan); 6 liên đội không quân chiến thuật (Tactical Fighter Wing) gồm 455 máy bay đóng căn cứ tại các căn cứ không quân Ubon Korat và Takhli trên đất Thái Lan, 2 liên đội 124 máy bay đóng tại miền Nam Việt Nam (Đà Nẵng).
  • Không đoàn đặc nhiệm 77 (Task force 77) là các máy bay trên các tàu sân bay của hải quân gồm 6 liên đội với 420 máy bay trên các tàu sân bay:
    USS America: liên đội số 8 (Carrier Air Wing 8) là các máy bay F-4, A-6, A-7.
    USS Enterprise: liên đội 14 (F-4, A-6, A-7)
    USS Midway: liên đội 5 (F-4, A-7)
    USS Oriskany: liên đội 19 (F-8, A-7)
    USS Ranger: liên đội 2 (F-4, A-6, A-7)
    USS Saratoga: liên đội 3 (F-4, -6, A-7)

Quân đội nhân dân Việt Nam

Phòng không

  • Sư đoàn 361 bảo vệ Hà Nội do đại tá Trần Quang Hùng làm tư lệnh, đại tá Trần Văn Giang làm chính ủy. Các đơn vị trực thuộc gồm 3 trung đoàn tên lửa SA-2 (có 1 trung đoàn thiếu) và 5 trung đoàn cao xạ:20
    • Trung đoàn tên lửa "Thành Loa" do trung tá Trần Hữu Tạo chỉ huy, gồm 4 tiểu đoàn hỏa lực và 1 tiểu đoàn kỹ thuật, mỗi tiểu đoàn hỏa lực có 6 bệ phóng và cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu 12 quả:
      • Tiểu đoàn hỏa lực 57 do thượng úy Nguyễn Văn Phiệt chỉ huy.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 59 do đại úy Nguyễn Thăng chỉ huy.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 93 do đại úy Nguyễn Mạnh Hùng chỉ huy.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 94 do thượng úy Trần Minh Thắng chỉ huy.
      • Tiểu đoàn kỹ thuật 95 do đại úy Đỗ Bỉnh Khiêm chỉ huy.
    • Trung đoàn tên lửa "Cờ Đỏ" do trung tá Nguyễn Ngọc Điển chỉ huy, biên chế hỏa lực và kỹ thuật như Trung đoàn 261:
      • Tiểu đoàn hỏa lực 76 do đại úy Lê Văn Hệ chỉ huy.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 77 do thượng úy Đinh Thế Văn chỉ huy.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 78 do thượng úy Nguyễn Chấn chỉ huy.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 79 do thượng úy Nguyễn Văn Chiến chỉ huy.
      • Tiểu đoàn kỹ thuật 80 do thượng úy Vương Toàn Tước chỉ huy.
    • Trung đoàn tên lửa "Hùng Vương" vùa hành quân từ Vĩnh Linh ra, lúc bắt đầu chiến dịch chỉ còn một tiểu đoàn có khí tài sẵn sàng chiến đấu.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 86 do đại úy Phạm Đình Phùng chỉ huy: sẵn sàng chiến đấu từ đầu chiến dịch.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 87 do đại úy Đỗ Ngọc Mỹ chỉ huy: không có khí tài
      • Tiểu đoàn hỏa lực 88 do thượng úy Lê Ký chỉ huy: sẵn sàng chiến đấu từ 26 tháng 12.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 89 do đại úy Nguyễn Thế Thức chỉ huy: sẵn sàng chiến đấu từ 26 tháng 12.
      • Tiểu đoàn kỹ thuật 90 do đại úy Nguyễn Trắc chỉ huy.
    • Các trung đoàn cao xạ "Sông Đuống", "Tam Đảo", "Đống Đa", "Tháng Tám".
    • Trung đoàn cao xạ "Sông Thương", "Ba Vì": tăng cường cho Sư đoàn 361 từ 25 tháng 12
    • Dân quân tự vệ Hà Nội (phối thuộc 361): gồm 226 trung đội, được trang bị 741 súng pháo các loại, trong đó có 18 pháo cao xạ 100 mm.
  • Sư đoàn 363 bảo vệ Hải Phòng do đại tá Bùi Đăng Tự làm tư lệnh, thượng tá Vũ Trọng Cảng làm chính ủy, biên chế gồm 2 trung đoàn Tên lửa SA-2, mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn hỏa lực, 1 tiểu đoàn kỹ thuật trong tư thế sẵn sàng chiến đấu; 1 trung đoàn cao xạ và 1 cụm tiểu cao.21
    • Trung đoàn tên lửa "Hạ Long" do trung tá Đào Công Thận chỉ huy, 3/4 tiểu đoàn hỏa lực trong tình trạng đủ khí tài và cơ số đạn tiêu chuẩn.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 81: sẵn sàng chiến đấu từ đầu chiến dịch.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 82: sẵn sàng chiến đấu từ đầu chiến dịch.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 83: sẵn sàng chiến đấu từ đầu chiến dịch.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 84: không đủ khí tài.
      • Tiểu đoàn kỹ thuật 85: sẵn sàng chiến đấu từ đầu chiến dịch.
    • Trung đoàn tên lửa "Nam Triệu" do trung tá Nguyễn Đình Lâm chỉ huy, 3/4 tiểu đoàn hỏa lực trong tình trạng đủ khí tài và cơ số đạn tiêu chuẩn.
      • Tiểu đoàn hỏa lực 71: sẵn sàng chiến đấu từ đầu chiến dịch, từ 21-12 được điều động phối thuộc Sư đoàn 361
      • Tiểu đoàn hỏa lực 72: do thượng úy Phạm Văn Chắt chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu từ đầu chiến dịch, từ 21-12 được điều động phối thuộc Sư đoàn 361
      • Tiểu đoàn hỏa lực 73: do thượng úy Kiều Thanh Tịnh chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu từ đầu chiến dịch
      • Tiểu đoàn hỏa lực 74: không đủ khí tài.
      • Tiểu đoàn kỹ thuật 75: sẵn sàng chiến đấu từ đầu chiến dịch.
    • Trung đoàn cao xạ "Sông Cấm" gồm 3 đại đội pháo 37 mm, 1 đại đội pháo 57 mm, 2 đại đội pháo 100 mm và 1 cụm súng máy phòng không 14,5 mm và 12 mm.
    • Dân quân tự vệ Hải Phòng (phối thuộc Sư đoàn 363) gồm 92 trung đội, được trang bị hơn 200 súng bộ binh (RPD, AK-47 và K-44).
  • Sư đoàn phòng không 365 bảo vệ khu vực từ Nam đồng bằng Bắc bộ đến Quảng Bình, biên chế gồm 3 trung đoàn tên lửa và 3 trung đoàn cao xạ. Trong đó, chỉ có 6/12 tiểu đoàn hỏa lực tên lửa trong tình trạng đủ khí tài sẵn sàng chiến đấu.22
    • Trung đoàn tên lửa "Quang Trung" có các tiểu đoàn hỏa lực 41 và 42 trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
    • Trung đoàn tên lửa "Điện Biên" có các tiểu đoàn hỏa lực 52 và 53 trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
    • Trung đoàn tên lửa "Sóc Sơn" có các tiểu đoàn hoa lực 66 và 67 trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
    • Các trung đoàn cao xạ "Sông Lam", "Hoa Lư", "Sông Gianh".
  • Sư đoàn phòng không 375 bảo vệ đường 1 Bắc từ Bắc Giang đến Đồng Mỏ, khu công nghiệp Thái Nguyên và tuyến đường sắt Vĩnh Yên - Lào Cai, biên chế gồm 1 trung đoàn tên lửa và 5 trung đoàn cao xạ:23
    • Trung đoàn tên lửa "Hồng Kỳ" trang bị tên lửa Hunqi 1 (Trung Quốc) đã bị hỏng khí tài, không khôi phục được.
    • Các trung đoàn cao xạ "Sông Cầu", "Chi Lăng", "Vạn Kiếp"
    • Trung đoàn cao xạ 256 thuộc Quân khu Việt Bắc (phối thuộc Sư đoàn 375) bảo vệ Thái Nguyên.
    • Trung đoàn cao xạ 254 thuộc Quân khu Tây Bắc (phối thuộc Sư đoàn 375) bảo vệ Yên Bái.

Không quân

Các trung đoàn "Sao Đỏ", "Yên Thế", "Lam Sơn", được trang bị các máy bay MiG-21, MiG-19 và MiG-17

Radar cảnh giới quốc gia

Các trung đoàn "Phù Đổng", "Sông Mã", "Ba Bể", "Tô Hiệu" và Tiểu đoàn 8

Dân quân tự vệ phòng không

Gồm 364 đội với 1428 khẩu súng hoặc pháo các loại. Trong đó có 769 khẩu trung-đại liên (RPD, RPK, PK...); 284 khẩu trọng liên 12,7mm; 263 khẩu trọng liên 14,5mm; 61 khẩu pháo cao xạ 37mm; 19 khẩu pháo cao xạ 57mm, 32 khẩu pháo cao xạ KS-19 100mm.

Chiến thuật của các bên

Vệt bom sau khi B-52 rải thảm. 1 nhóm 3 chiếc B-52 có thể tạo ra 1 vệt bom dài 3 km và rộng 1,5 km, gồm chi chít các hố bom
Tên lửa SAM và pháo cao xạ trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không

Không quân Mỹ

Trước khi diễn ra chiến dịch, B-52 đã nhiều lần bay vào oanh tạc không phận miền Bắc Việt Nam. Lần đầu tiên máy bay B-52 tham chiến chính là tại Việt Nam, và tại đây nó đã thể hiện sức tàn phá rất ghê gớm. Bởi kích thước khổng lồ và lượng bom mang theo rất lớn (hơn 30 tấn bom mỗi chiếc), B-52 còn được mệnh danh là "Pháo đài chiến lược (Stratofortress)", hoặc đơn giản hơn là "Pháo đài bay".

Trong một phi vụ oanh tạc, máy bay B-52 thường đi thành nhóm ba chiếc theo đội hình mũi tên, trên độ cao 9–10 km và ném khoảng gần 100 tấn bom (mỗi chiếc ném hơn 30 tấn) với mật độ dày đặc xuống một khu vực khoảng 2,5 km². Nếu một quả bom tiêu chuẩn là 500 lb (gần 250 kg) thì mật độ bom rơi là khoảng 130 quả trên 1 km², tức là khoảng cách trung bình giữa hai hố bom cạnh nhau là khoảng 80 mét. Với mật độ ném bom cao như vậy, xác suất hủy diệt sinh mạng và phá hủy công trình trong bãi bom B-52 sẽ là cực cao.

Không quân Mỹ có một thuận lợi đến từ đồng minh của mình. Trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Israel đã tịch thu được hơn 20 hệ thống SAM-2 nguyên vẹn bị quân Ả Rập bỏ lại khi rút chạy, nhờ vậy Mỹ đã nắm được tường tận chi tiết của hệ thống này.24 Năm 1969, đến lượt 1 hệ thống radar cảnh giới P-12 của Ai Cập bị Israel bắt giữ nguyên vẹn, toàn bộ kết quả phân tích được chuyển giao cho Mỹ.25

Như vậy đến năm 1970, các loại radar phòng không chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam đều đã bị Mỹ nắm bắt, và Mỹ đã chế tạo ra các thiết bị gây nhiễu rất hiệu quả. Như phiên bản B-52D, lúc đầu mang 8 máy gây nhiễu, thì tới tháng 12/1972 đã có tới 15 máy gây nhiễu, 2 máy phóng nhiễu giấy bạc. Một tốp 3 chiếc B-52 có 45 máy, như vậy tất cả nhiễu đó tạo thành giải nhiễu chồng chéo, dày đặc, đan xen, công suất rất lớn và rộng. Phiên bản B-52G có khoang lắp đặt thiết bị điện tử được mở rộng để lắp hệ thống gây nhiễu mới. B-52G được trang bị 16 máy gây nhiễu điện tử tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực và 2 máy thu tần số ra-đa để tạo màn nhiễu dày đặc che toàn bộ máy bay trước hệ thống ra-đa, tên lửa phòng không của đối phương. Các thiết bị này sẽ tự động thu, phân tích tần số sóng ra-đa của đối phương và cung cấp cho sĩ quan điều khiển để lựa chọn phát tần số sóng để chế áp. Theo một số phi công Mỹ, chỉ riêng hệ thống gây nhiễu trên B-52G đã có giá tương đương một chiến đấu cơ F-4D. Ngoài ra, B-52G còn được lắp 4 đạn tên lửa "chim mồi" ADM-20 Quail (chim cút). Khi được phóng, ADM-20 sẽ giả lập tín hiệu giống máy bay B-52 để tạo mục tiêu giả thay cho B-52 nhằm đánh lừa tên lửa của đối phương.

Với vai trò là máy bay ném bom chiến lược, các phi đội B-52 không hoạt động độc lập mà được hộ tống bởi các máy bay trinh sát điện tử EA-6A, EB-66, EC-121 và các chiến đấu cơ F-4, F-105, A-6, A-7 với các thiết bị gây nhiễu chủ động và thụ động đi kèm. Rất nhiều phi đội F-4 đã giả lập tín hiệu nhiễu của B-52 hòng lừa lưới lửa phòng không đối phương. Các máy bay F-4 còn thả các "bom" gây nhiễu gồm hàng triệu sợi kim loại màu bạc, rất mỏng nhẹ (mỗi quả bom chứa 450 bó nhiễu), các sợi kim loại gây nhiễu này có thể làm ra-đa không thể nhận diện được các mục tiêu, nặng thì làm trắng xóa màn hình ra-đa (mất hoàn toàn khả năng theo dõi và bám mục tiêu). Các biện pháp gây nhiễu tổng hợp của Mỹ khiến rada của hệ thống phòng không gặp nhiễu, không thể phát hiện và khóa bắn được B-52. Các đài radar nhìn vòng P-12 của các tiểu đoàn tên lửa SAM-2 chỉ thu được các giải nhiễu đậm đặc, có lúc làm trắng xóa cả màn hình.

Để kiểm chứng khả năng của hệ thống gây nhiễu, rạng sáng ngày 16/4/1972, bắt đầu từ 2 giờ 15 phút, Mỹ huy động 20 máy bay B-52 và 170 lần/chiếc máy bay cường kích, ném bom ba trận lớn vào Hải Phòng. 103 nơi trong thành phố bị bom Mỹ tàn phá như các khu phố Thượng Lý, Hạ Lý, Cầu Tre, bến cảng và thôn Phúc Lộc (Kiến Thụy)… Bom Mỹ đã giết và làm bị thương 757 người dân Hải Phòng mà phần lớn là phụ nữ, trẻ em và cụ già. Hai trung đoàn tên lửa số 238 và 285 đã phóng lên đến 93 quả tên lửa SAM-2 nhưng không diệt được chiếc B-52 nào vì bị gây nhiễu quá nặng.26

Với một loạt các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật, không quân Mỹ tự tin rằng hệ thống phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ không thể chống trả được. Mỹ tin rằng B-52 chỉ có thể bị rơi do thời tiết, hoặc do trục trặc kỹ thuật chứ quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực của phòng không – không quân Việt Nam, cuộc tập kích của B-52 vào miền Bắc Việt Nam sẽ chỉ như “một cuộc dạo chơi” với tổn thất ở mức tối thiểu27 28 .

Quân đội nhân dân Việt Nam

Đánh trực tiếp trên trận địa

Ở thời điểm năm 1972, SAM-2 là loại tên lửa phòng không duy nhất có trong trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Được sản xuất vào giữa thập niên 1950, đến thời điểm năm 1972, SAM-2 đã tỏ ra khá lạc hậu. Khi đó, Liên Xô đã thay thế loại tên lửa này bằng những hệ thống SAM-4, SAM-5, SAM-6 có tính năng cao hơn nhiều. Tuy nhiên, do chính sách hòa giải với Mỹ, Liên Xô đã không viện trợ những loại tên lửa mới này cho Việt Nam. Vì vậy, Quân đội Nhân dân Việt Nam không thể trông chờ vào vũ khí hiện đại để chống lại Mỹ. Để tìm cách chống trả bằng những gì hiện có trong tay, Quân đội Nhân dân Việt Nam phải tìm ra những chiến thuật mới để khắc chế ưu thế công nghệ của Mỹ.

Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu các biện pháp chống nhiễu, nghiên cứu cách đánh, kiên quyết bắn rơi máy bay chiến lược B-52. Sau 19 ngày Mỹ đem thả bom ở đèo Mục Giạ, tây bắc Quảng Bình, Hồ Chủ tịch nói ngày 19/7/1965: "Dù Mỹ có B-57, B-52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng. Các chú muốn bắt cọp phải vào hang."29

Từ cuối năm 1968, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật, trong đó có một bộ phận của tiểu đoàn trinh sát đi cùng các tiểu đoàn tên lửa vào nam Quân khu 4 và tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn theo dõi, nghiên cứu nhận dạng và tìm cách đánh máy bay B-52.

Bản "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B52", năm 1969.

Qua theo dõi trong hai mùa khô năm 1968-1969 và 1969-1970, nhóm cán bộ phát hiện có một loại radar máy bay B-52 không gây nhiễu được. Trên cơ sở đó, cuối năm 1971, một tổ cán bộ nghiên cứu đề xuất một công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật: Dùng loại radar không bị máy bay B-52 gây nhiễu ghép nối với đài điều khiển phục vụ tên lửa đánh B-52.

Tháng 1/1972, tổ nghiên cứu hoàn thành bản vẽ thiết kế, sau đó chuyển đến Tiểu đoàn 76, Trung đoàn tên lửa 257 lắp ráp thành bộ khí tài mới. Tháng 6/1972, Cục Kỹ thuật cung cấp bản vẽ và một số mẫu cho nhà máy Z119 thuộc Cục Quân giới để lắp ráp 6 bộ khí tài mới. Các bộ khí tài mới mang ký hiệu KX.30

Cùng với bộ khí tài KX, các tổ rada cũng nghiên cứu khả năng "vạch nhiễu" ở các loại rada khác, nhằm phát hiện được mục tiêu B-52 vốn rất mờ nhạt trong dải nhiễu. Các dạng nhiễu có đủ kiểu, đủ loại với những tên gọi khác nhau được đặt theo hình dáng như: nhiễu quét, nhiễu giọt mưa, nhiễu xoắn thừng, nhiễu râu… Tháng 10-1972, tập tài liệu mang tên "Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa" được in, gọi tắt là cuốn "Cẩm nang bìa đỏ", dày 30 trang đánh máy và được bọc ngoài một tờ bìa màu đỏ. Trong cuốn sách là kinh nghiệm phân biệt mục tiêu thật-giả trước màn hiện sóng để bộ đội tên lửa có thể ngắm trúng mục tiêu.

Cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" cho biết:

  • Tuy không quân Mỹ gây nhiễu dày đặc nhưng trong mớ hỗn loạn các loại tín hiệu nhiễu trên màn hiện sóng, B-52 không phải là hoàn toàn vô hình, nếu tinh mắt vẫn có thể phát hiện được mục tiêu B-52 một cách gián tiếp: đó là các đám nhiễu tín hiệu mịn trôi dần theo tốc độ di chuyển của B-52. Tuy mục tiêu không hiển thị rõ rệt để có thể xác định mục tiêu và điều khiển tên lửa chính xác nhưng cẩm nang đã đề ra biện pháp bắn theo xác suất: bắn một loạt đạn tên lửa vào đám nhiễu theo cự ly giãn cách nhất định sẽ có xác suất tiêu diệt mục tiêu khá cao, phương án bắn xác suất này được "cẩm nang" gọi là "phương án P".
  • Khi mục tiêu B-52 đi thẳng vào đài phát cường độ nhiễu sẽ tăng lên nhưng tín hiệu mục tiêu sẽ tăng mạnh hơn, mục tiêu sẽ hiển thị rõ nét hơn, đây là thời cơ có thể bắn điều khiển tên lửa chính xác theo "phương án T", khi đó chỉ cần 1 đến 2 quả tên lửa B-52 sẽ phải rơi tại chỗ.
  • Trong "cẩm nang" đồng thời cũng đề ra các hướng dẫn cụ thể cho các cấp chỉ huy các tiểu đoàn tên lửa về công tác chỉ huy, cách chọn giải nhiễu, chọn thời cơ phát sóng, cự ly phóng đạn, phương pháp bắn, phương pháp bám sát mục tiêu trong nhiễu...

Một chiến thuật khác là "phương pháp bắn 3 điểm" dựa trên bộ khí tài hiện có. Khi B-52 vào Hà Nội, cường độ gây nhiễu cũng đã bị phân tán. Hướng này bị nhiễu nặng, song ở hướng khác, hai bên sườn, phía trước, phía sau… các đơn vị tên lửa lại có thể phát hiện được B-52 trên nền nhiễu. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bố trí đội hình tên lửa đánh bọc lót cho nhau, sao cho mỗi tốp máy bay Mỹ có thể bị công kích từ nhiều hệ thống tên lửa ở nhiều hướng, sử dụng phương pháp bắn 3 điểm và linh hoạt sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc khi thấy mục tiêu.31

Cẩm nang bìa đỏ "Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa", 1972.

Ngoài ra còn có kỹ thuật điều khiển bắn bằng quang học thay cho radar. Các kíp chiến đấu nhận thấy việc bám sát chia đôi dải nhiễu như trước đây không còn phù hợp và sẽ khó tiêu diệt được máy bay, trắc thủ hai góc phải bám sát dải nhiễu như thế nào để đưa máy bay địch vào đúng tâm cánh sóng thì mới có thể bám bắt và khai hỏa. Phương án sử dụng trắc thủ quang học để chỉ chuẩn cho các trắc thủ tay quay xe điều khiển bám sát. Từ năm 1968, các chuyên gia Liên Xô đã tiến hành lắp thêm kính quang học PA-00 trên nóc anten phương vị của xe thu phát. Thiết bị này được thiết kế để khi hai trắc thủ quang học bám sát chính xác vào một máy bay thì hai trắc thủ góc tà và phương vị của xe điều khiển cũng bám sát đúng vào chiếc máy bay đó, mặc dù trên màn hiện sóng là dải nhiễu tạp. Ngoài ra, đài radar P-12 của tiểu đoàn xác định chính xác cự li mục tiêu để chọn cự ly phóng đạn phù hợp.32

Về phía Hoa Kỳ, vũ khí lợi hại là tên lửa chống radar (như loại AGM-45 Shrike, AGM-78 Standard ARM). Tên lửa Shrike sau khi phóng sẽ tìm và "bắt" mục tiêu theo sóng ra-đa, rồi lao thẳng vào gây nổ, là vũ khí chuyên dụng để phá hủy các hệ thống phòng không đối phương. Khi cách rađa vài chục mét thì tên lửa phát nổ lần thứ nhất, văng ra hàng vạn viên bi vuông để phả hủy rađa, tiếp đó phần còn lại lao xuống đất nổ lần thứ 2 để phá hủy nốt. Tại Trung Đông, hàng chục hệ thống tên lửa phòng không của Khối Ả Rập từng bị loại tên lửa này phá hủy, khiến lực lượng này mất khả năng chiến đấu. Quân đội Việt Nam đã nghiên cứu, vô hiệu hóa bằng cách phát sóng tức thì, tắt máy đột ngột và quay đài ăng-ten đi hướng khác, tên lửa Shrike cứ thế lao theo quán tính và rơi chệch trận địa. Cùng với trận địa chính, bộ đội Việt Nam làm nhiều trận địa giả, sau mỗi lần phóng tên lửa lại nhanh chóng kéo bệ sang trận địa khác. Những quả tên lửa giả được làm bằng cót, phủ sơn trông như thật. Khi tên lửa thật phóng đạn, thì các bệ tên lửa giả cũng đốt rơm, tạo khói mù mịt, đánh lừa máy bay Mỹ.33 Nhờ vậy trong suốt 12 ngày đêm của chiến dịch, chỉ có một số ít trận địa phòng không bị đánh trúng, lực lượng phòng không Việt Nam vẫn bảo toàn được lực lượng để tiếp tục chiến đấu.

Đại tá Nguyễn Văn, chỉ huy 1 trung đoàn tên lửa phòng không, sau chiến tranh đã trả lời một quân nhân Mỹ: "Việc phát triển chiến thuật để đối phó với đối phương vượt trội về công nghệ là nhiệm vụ thường trực. Rốt cuộc, chính Liên Xô cũng phải học tập những chiến thuật của chúng tôi. Về mặt kỹ thuật, người Liên Xô là thầy của chúng tôi, nhưng về mặt thủ thuật, chúng tôi là thầy của họ"34 .

Đối với không quân, ngay từ giữa 1972, 12 phi công đã được chọn để lái tiêm kích bay đêm (vốn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với tiêm kích ban ngày) để sẵn sàng đón đánh B-52. Phi công Phạm Tuân cho biết: "Với không quân thì khó khăn hơn, máy bay B-52 được yểm trợ rất mạnh, lại bay ban đêm, gây nhiễu rađa, gây nhiễu mục tiêu… ngoài ra, bản thân B-52 được trang bị tên lửa mồi, nếu MiG-21 bắn tên lửa thì B-52 thả tên lửa mồi, chưa kể B-52 cũng được trang bị súng phía đuôi có khả năng tiêu diệt máy bay tiêm kích. B-52 còn được bảo vệ bằng các máy bay chiến đấu, tiêm kích đánh chặn, đánh ngay vào mục tiêu như sân bay, trận địa tên lửa. Không quân phải có sân bay, tránh được máy bay F-4 bảo vệ B-52, để có thể nhanh chóng tiếp cận. Vì vậy, không quân phải tập bay ở những sân bay ngắn, mới làm ở các nông, lâm trường, tập bay thấp, bay cao để có thể tiếp cận nhanh được B-52. Những thời điểm như vậy thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của Không quân Nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, phải cất cánh lên được để đánh. Điều này đòi hỏi ý chí, nhưng ý chí không đủ, phải sáng tạo. Ví dụ ta làm rất nhiều sân bay dự bị, hoặc cất cánh trên đường băng phụ. Thậm chí, có khi chúng tôi đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, khi đó máy bay có thể cất cánh trên đường băng chỉ 200-300m so với đường băng 1,5 km thông thường... Nga sản xuất máy bay và dạy chúng ta cách bay, nhưng đối diện với thực tế bị nhiễu, rất khó biết B52 nằm ở chỗ nào, rất khó biết được chính xác. Thế cho nên, phi công phải chủ động. Ở đây là bản lĩnh của phi công, phải phán đoán được tình huống như thế nào."29

Một điểm đáng lưu ý, một số nguồn tin cho rằng tên lửa SA-2 đã được cải tiến nối tầng nâng tầm bắn. Nhưng thực tế là không phải, bởi tên lửa SA-2 có thể hạ mục tiêu ở độ cao trên 24.000m trong khi trần bay tối đa của B-52 chỉ là 17.000m (khi bay ném bom thì độ cao bay 10.000m), nên việc nâng tầm bắn là không cần thiết. Trên thực tế, yếu tố giúp bắn hạ B-52 nằm ở việc cải tiến các thiết bị radar để "vạch nhiễu tìm thù".

Một vấn đề khác liên quan là việc 2 hệ thống SAM-3 của Việt Nam không kịp tham chiến. Được Liên Xô viện trợ cho khối Ả Rập từ năm 1969 nhưng mãi tới năm 1972, Liên Xô mới đồng ý viện trợ SAM-3 cho Việt Nam (chính sách của Liên Xô là ưu tiên khối Ả Rập hơn và không viện trợ vũ khí mới cho Việt Nam để tránh gây căng thẳng với Mỹ, cũng như tránh bị Trung Quốc sao chép công nghệ). Theo kế hoạch, 2 trung đoàn SAM-3 cùng 200 quả tên lửa sẽ được đưa sang Việt Nam vào cuối tháng 12/1972. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, thì SAM-3 có tốc độ bắn nhanh hơn (có 2 tên lửa trên 1 bệ phóng thay vì 1 tên lửa như SA-2), khả năng chống nhiễu cao hơn do dùng tần số quét khác SAM-2, do đó có xác suất trúng mục tiêu cao hơn SAM-2. Tới đêm 18/12, Trung đoàn 276 – trung đoàn SAM-3 thứ hai về đến ga Kép (Bắc Giang). Trung đoàn 276 tập trung mọi khả năng cho tiểu đoàn hỏa lực 169 hoàn chỉnh đồng bộ bước vào chiến dịch trước. Ngày 30/12/1972, Tiểu đoàn 169 đã chiếm lĩnh và triển khai trận địa ở Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội), nhân viên kỹ thuật triển khai nhanh dây chuyền lắp ráp được 4 quả đạn SAM-3. Tuy nhiên, khi công tác chuẩn bị chiến đấu hoàn tất thì chiến dịch phòng không đã kết thúc vào đêm hôm trước.35

Đánh tại sân bay[36]

Với chủ trương: địch xuất phát từ đâu, ta sẽ đánh trả ngay tại nơi sào huyệt của chúng, và trên cơ sở phân tích tin tình báo chiến lược, phán đoán ý đồ của Mỹ. Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công đã giao nhiệm vụ cho Thượng tá Nguyễn Đức Trúng, Tham mưu trưởng Binh chủng, nghiên cứu và chuẩn bị phương án đánh thẳng vào những căn cứ máy bay B-52 của Mỹ tại Thái Lan.

Đánh Sân bay Hải quân Hoàng gia Thái Lan Utapao

Tháng 05/1971, đồng chí Lê Toàn - Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A đã cùng một tổ công tác vượt biên giới sang Campuchia rồi từ đó lên sát biên giới Thái Lan, trực tiếp bắt liên lạc và thành lập một tổ đặc công gồm các anh Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương, Vũ Công Đài đang hoạt động ở Thái Lan.

Nhận nhiệm vụ tổ chức trận đánh, đồng chí Trần Thế Lại đã liên lạc và giao nhiệm vụ cho đồng chí Bùi Văn Phương chuẩn bị vị trí cất giấu vũ khí, giả trang là dân thường đến khu vực sân bay Utapao để điều tra, nghiên cứu mục tiêu, nắm tình hình sơ bộ và kiểm tra nơi cất giấu vũ khí.

Từ ngày 5 đến 09/11/1971, Vũ Công Đài và Bùi Văn Phương (là hai người sẽ trực tiếp thực hiện trận đánh) đã gặp nhau bàn bạc thống nhất kế hoạch, nội dung và phương pháp. Các anh đã dự kiến một phương án tấn công sân bay là phá hủy bí mật bằng thủ pháo nổ chậm, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh nổ ngay. Vũ khí sẽ sử dụng là 10 quả thủ pháo loại 0,4 kg bằng chất nổ mạnh C4 và 2 quả lựu đạn.

Ngày 09/01/1972, hai anh đi xe đến gần khu vực sân bay. Quá trình tiềm nhập vào mục tiêu, các chiến sĩ đặc công đã ba lần gặp địch. Hai lần khéo léo ngụy trang qua khỏi tầm mắt của chúng, đến lần thứ ba trong một tình thế đặc biệt buộc tổ chiến đấu phải nổ súng tiêu diệt nhóm tuần tra gồm hai lính Mỹ và một chó béc giê. Khi vào cách nơi máy bay B-52 đỗ khoảng 300m, bất ngờ gặp 3 xe ôtô và 2 lính Mỹ, hai anh phải vòng tránh theo hướng khác. Khi khoảng cách còn 50m, một tổ tuần tra khác của địch phát hiện nổ súng bắn chặn, Bùi Văn Phương tung lựu đạn về phía địch. Hai anh dùng thủ pháo đánh vào từng chiếc máy bay. Số thủ pháo vừa hết, Bùi Văn Phương ra lệnh rút lui.

Trong trận đánh này, 8 chiếc máy bay B-52 bị phá hủy nhưng điều đáng tiếc nhất là Vũ Công Đài đã anh dũng hy sinh.

Đánh sân bay Udon

Tháng 07/1972, Đoàn A54 cử 23 cán bộ, chiến sĩ thành một tổ soi đường và một tổ bảo đảm hậu cần, vượt Trường Sơn hành quân đến khu rừng nguyên sinh Đôn Ka Thom nằm ở ngã ba biên giới 3 nước Thái Lan - Lào - Campuchia, lập một trạm chỉ huy nghiên cứu tình hình, mở hành lang vào khu vực sân bay Udon.

Tháng 08/1972, tổ soi đường đã liên lạc được với một cơ sở lực lượng cách mạng của ta trên đất Thái Lan. Hàng ngày, các anh thường đóng giả người dân Thái Lan nhằm thực hiện nhiệm vụ trinh sát khu vực sân bay.

Cuối tháng 08/1972, một đội hình chiến đấu gồm 10 người được thành lập do đồng chí Đào Đức Hạnh - Đoàn trưởng Đoàn A54 chỉ huy tới cơ sở cách mạng của ta ở Thái Lan (Căn cứ 07). Phương án đánh B52 lần này là dùng mìn nổ chậm, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh nổ ngay. Tám đồng chí trong đội hình chiến đấu chia làm ba tổ, trong đó hai người có nhiệm vụ mở cửa và bảo vệ cửa mở; bốn người đánh phá máy bay, hai người đánh phá kho xăng.

Tháng 09/1972, đội thực hiện nhiệm vụ trinh sát tạo hành lang từ Căn cứ 07 đến sân bay Udon, nhằm xác định vị trí tập kết, xác định đường đột nhập vào sân bay.

Ngày 01/10/1972, đội hình chiến đấu bắt đầu cơ động vào sát khu vực sân bay Udon đến gần sáng ngày 02/10, đội mới tới được gần sân bay.

Tối ngày 02/10/1972, hai tổ chiến đấu tiềm nhập vào sân bay, tổ mở cửa triển khai bảo vệ đầu cầu. Theo hiệp đồng chiến đấu, sau khi cài đặt lượng nổ, mìn hẹn giờ vào mục tiêu, cả hai tổ phải rút ngay để kịp rời sân bay trước khi trời sáng. Cho tới 10 giờ sáng ngày 03/10/1972, tổ đánh kho xăng và tổ mở cửa mới gặp được nhau, bốn người còn lại của tổ đánh B-52 vẫn chưa thể thoát ra được.

Trong trận đánh này, 23 máy bay B-52, 1 trạm điện, 1 kho xăng đã bị phá hủy. Tuy nhiên, ba người lính đặc công là Phan Xuân Kính, Phạm Văn Lãm, Vũ Công Xướng đã hy sinh ngay tại sân bay, Nguyễn Khắc Nga bị thương nặng và bị địch bắt.

Đánh Sân bay Ubon Ratchathani

Trước năm 1972, Sân bay Ubon Ratchathani đã 6 lần bị đặc công Việt Nam gài mìn phá hủy nên địch tăng cường bảo vệ an ninh.

Đồng chí Lê Toàn, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A đã cùng Nguyễn Bá Do bí mật sang Campuchia gặp Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam đề nghị chi viện vũ khí. Đồng chí Đồng Văn Cống đã quyết định cấp ngay vũ khí theo đề nghị của Tiểu đoàn gồm 2 súng cối 82mm, 2 cơ số đạn, 200 thủ pháo tay cùng một số vật chất chiến đấu.

Ngày 02/10/1972, một đội hình chiến đấu gồm 27 người của Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A được thành lập. Đội được tổ chức thành hai bộ phận, trong đó bộ phận trực tiếp chiến đấu gồm 13 người trang bị 1 súng cối 82mm, 40 quả đạn, do đồng chí Nguyễn Công Mùi chỉ huy.

Khi đến vị trí, bí mật triển khai trận địa, đội hình chiến đấu nổ súng theo đúng kế hoạch đã định. 40 quả đạn mang theo, 5 quả không nổ do ảnh hưởng thời tiết mưa gió ẩm ướt, 35 quả đạn còn lại đã nổ trúng mục tiêu phá hủy đài chỉ huy sân bay, xưởng sửa chữa và một số thiết bị sân bay và rút lui an toàn. Nhưng khi về tới gần biên giới, đội đã bị lọt vào ổ phục kích của địch, 6 người lính đặc công đã anh dũng hy sinh.

Diễn biến

Phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam

Trong chiến dịch có tổng cộng 741 lượt B-52 vào ném bom Bắc Việt Nam trong đó có 12 lượt bị hủy37 , trong thời gian đó vẫn có 212 lượt B-52 đi ném bom ở miền Nam Việt Nam. Hỗ trợ cho các máy bay ném bom là 3.920 lượt máy bay ném bom chiến thuật của không quân và hải quân. Tổng cộng đã có hơn 36.000 tấn bom đã được thả xuống những nơi được Mỹ coi là 18 mục tiêu công nghiệp và 14 mục tiêu quân sự (trong đó có 8 địa điểm có tên lửa SAM).

Cuộc tập kích của không quân Mỹ diễn ra liên tục trong ngày với trọng tâm là các cuộc ném bom của B-52 vào ban đêm. Một lực lượng lớn máy bay B-52, mỗi chiếc mang tối đa 66 quả bom 750-pound (340 kg) hoặc 108 quả bom 500-pound (227 kg) thực hiện các cuộc tấn công hủy diệt hàng đêm tại Hà Nội và Hải Phòng. Còn ban ngày các bay chiến thuật thay nhau liên tục đánh phá ác liệt các sân bay của không quân tiêm kích Bắc Việt Nam, các trận địa tên lửa và các trạm radar phòng không.

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, hơn nửa triệu dân nội đô (xấp xỉ 50% dân số Hà Nội lúc đó) đã được tổ chức sơ tán về các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận để tránh thương vong. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, kể rằng việc ông quan tâm và dành thời gian tìm hiểu là cuộc sơ tán thần tốc của người dân Hà Nội trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất. Nhờ làm tốt chủ trương này mà Hà Nội đã giảm thiểu được thương vong về người trước sức công phá ác liệt của các loại vũ khí hiện đại.38

Đoàn không quân Sao Đỏ trang bị MiG-21 - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang trong trận "Điện Biên Phủ trên không"

Để tránh né hệ thống phòng không miền Bắc, Hoa Kỳ đã dùng máy bay B-52 bay ở độ cao lớn rải thảm bom vào các mục tiêu như sân bay Kép, Phúc Yên, Hòa Lạc, hệ thống đường sắt, nhà kho, nhà máy điện Thái Nguyên, trạm trung chuyển đường sắt Bắc Giang, kho xăng dầu tại Hà Nội... Thiệt hại về cơ sở hạ tầng tại miền Bắc Việt Nam là rất nặng nề. Hà Nội, Hải Phòng bị tàn phá, các nhà máy, xí nghiệp, các khu dân cư xung quanh mục tiêu quân sự và dân sự trở thành đống gạch vụn. Ở Hà Nội, ngày 26/12, riêng tại phố Khâm Thiên, bom trải thảm đã phá sập cả dãy phố, sát hại 287 dân thường, làm bị thương 290 người, 178 đứa trẻ trở thành mồ côi, trong đó có 66 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ39 . Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam đã bị phá huỷ hoàn toàn khiến 30 bác sĩ, y tá và 1 bệnh nhân bên trong thiệt mạng. Số dân thường bị thiệt mạng trong chiến dịch là 2.200 người40 , trong đó con số tại Hà Nội được thống kê là 1.318 người41 . Chiến dịch này đã phá hoại nặng nề nhiều cơ sở vật chất, kinh tế, giao thông, công nghiệp và quân sự ở miền Bắc Việt Nam nhưng mục tiêu cốt lõi là làm thay đổi được lập trường của lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đã không đạt được.

Trước khi chiến dịch diễn ra ít ngày, ngày 22/11/1972, bộ đội tên lửa Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thành công trong việc bắn trúng 1 chiếc B-52 tại Thanh Hóa. Chiếc máy bay B-52 bị hư hại nặng, nhưng tổ lái đã cố gắng xoay xở để lái chiếc máy bay "rách nát" về tới sân bay ở Thái Lan rồi hạ cánh, thoát ra ngoài trước khi chiếc B-52 bị bốc cháy hoàn toàn trên đường băng.

Ngày 18/12/1972

Một đơn vị tên lửa SA-2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước giờ chiến đấu

Ngày 18/12/1972, những tốp B-52 đầu tiên xuất kích. Trên bảng tiêu đồ tại Sở chỉ huy, một trong số ba nữ tiêu đồ viên có tên Nguyễn Thị Vân lo lắng khi thấy tín hiệu báo những chiếc B-52 bay tới. Cô nhớ lại: "Thoạt tiên là một tốp, rồi tiếp tới 2 tốp, sau đó là hàng loạt tốp xuất hiện như một bầy ruồi. Nhưng tinh thần hoàn thành nhiệm vụ của một người lính đã giúp tôi lấy lại bình tĩnh và tiếp tục đánh dấu đường bay". Sở chỉ huy Sư đoàn 361 theo dõi hướng tấn công của các tốp mục tiêu trước khi phân công số tốp và nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu cho các phân đội hỏa lực.

Tiểu đoàn 57 Trung đoàn tên lửa 261 có trận địa ngay bờ bắc sông Hồng là phân đội tên lửa đầu tiên chặn đánh đội hình tập kích. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57 Nguyễn Văn Phiệt là một chỉ huy dày dạn, từng lăn lộn chiến đấu chống các trận không kích của Mĩ trong suốt 5 năm nhưng cũng chưa bao giờ gặp trường hợp nhiễu nặng như vậy. Ông nhớ lại: "Tất cả các tín hiệu mục tiêu đều biến mất trong đám nhiễu trắng lóa khắp màn hiện sóng. Màn hiện sóng trước mặt sĩ quan điều khiển và các trắc thủ hiện lên các vạch xanh đậm đan chéo chằng chịt với nhau và biến đổi không ngừng, các dải nhiễu nhằng nhịt nối tiếp nhau xuất hiện, tụ vào rồi lại tan ra trước khi xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn đốm sáng trùm lên màn hiện sóng giống cả đám tín hiệu mục tiêu đang di chuyển hỗn loạn. Với cả mớ tín hiệu hỗn loạn đi kèm với màn hiện sóng radar chập chờn trôi xuống liên tục giống như trận mưa trút nước...". Trên các xe điều khiển, các kíp trắc thủ điều khiển tên lửa cố gắng bám theo dải nhiễu B-52 nhờ đài radar cảnh giới P-12 thay vì bật radar điều khiển Fan Song để tránh làm lộ vị trí đài phát trước đám máy bay tiêm kích chế áp phòng không Wild Weasel mang tên lửa chống radar. Nhưng việc bám mục tiêu thụ động cũng không mấy hiệu quả do bị nhiễu quá nặng.42

Về mặt quân sự, Hoa Kỳ đã đánh giá thấp lực lượng phòng không của đối phương.43 Không lực Hoa Kỳ quá tin tưởng vào các biện pháp kỹ thuật gây nhiễu điện tử để bịt mắt radar và tên lửa phòng không của đối phương. Để đáp lại, các lực lượng tên lửa phòng không Quân đội nhân dân đã giải quyết vấn đề bằng những biện pháp chiến thuật sáng tạo và hợp lý. Dù Hoa Kỳ sử dụng các thiết bị gây nhiễu rada mạnh, phòng không Việt Nam đã tìm ra cách dò dấu vết B-52 trong dải nhiễu, bắn các máy bay B-52 theo xác suất và đã thành công vượt xa mức trông đợi44 .

Trong ngày chiến đấu đầu tiên, khi đội hình máy bay tập kích tiến tới, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 78 Nguyễn Chấn nhìn thấy "tầng tầng lớp lớp các loại nhiễu nhìn giống những chiếc nan quạt lớn chồng chéo lên nhau cùng xổ xuống, xóa nhòa tất cả các dải tần, làm lóa mắt kíp trắc thủ. Tín hiệu mục tiêu xoắn quện, vón cục rối bời với nhau trông như một cuộn len." Khi đội hình B-52 tới gần mà radar cảnh giới của đơn vị vẫn không phát hiện được mục tiêu, Chấn đã quyết định mở máy phát sóng sục sạo mục tiêu. Ngay sau đó sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Luyện đã bám được vào dải nhiễu của một chiếc B-52 và nhấn nút chuyển tín hiệu bám mục tiêu sang màn hiện sóng của 3 trắc thủ. Trắc thủ cự li Đinh Trọng Duệ hô to "B-52" rồi cùng các trắc thủ khác thao tác tinh chỉnh cự li, phương vị và góc tà bám sát dải nhiễu.

Phần còn lại của chiếc B-52G số hiệu 58-0201 bị hạ đêm 18 tháng 12 được trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng B-52 (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)

Cách Hà Nội vài cây số về hướng bắc, Tiểu đoàn tên lửa 59 phóng cả bốn đạn đều trượt, mà lại còn bị đối phương quăng bom trùm lên trận địa. Lúc này, trong khi đang quan sát đội hình ném bom của đối phương bay vào trên màn hiện sóng radar P-12 và bảng tiêu đồ kế bên, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng nhận được lệnh từ sở chỉ huy Trung đoàn 261 giao nhiệm vụ diệt tốp mục tiêu 671 có độ cao 10.000 mét. Tiểu đoàn trưởng Thăng lệnh ngay cho sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận: "Mục tiêu, phương vị 350, cự li 30 km, độ cao 10.000 mét, phát sóng". Thuận đánh tay quay chỉnh an-ten về góc phương vị 350 rồi bật công tắc phát sóng bắt mục tiêu. Sau 4 giây lên sóng, khi thấy trên màn hiện sóng hiện lên các dải nhiễu cho thấy đội hình một biên đội 3 chiếc B-52, Thuận báo cáo tiểu đoàn trưởng Thăng: "Phát hiện mục tiêu, phương vị 352, không rõ cự li, độ cao 10.000 mét, theo tốp, bay vào". Thăng chuyển qua ngó màn hiện sóng trước mặt sĩ quan điều khiển rồi quay lại vị trí để kiểm tra tín hiệu tốp mục tiêu trên màn hiện sóng chỉ huy và đường bay trên bảng tiêu đồ, sau đó ra lệnh cho Thuận chuẩn bị phóng 2 đạn.

Ngay cả trong điều kiện chiến đấu bình thường thì điều khiển tên lửa bằng tay bám theo tín hiệu mục tiêu hiện rõ trên màn hiện sóng đã là một việc khó, huống hồ là lái tên lửa vào dải nhiễu của B-52. Chỉ cần vê tay quay điều khiển giật cục hay lỡ trớn thì tên lửa đã bay trệch mục tiêu tới hàng cây số hay phát nổ ngay trên không. Khi chiếc B-52 tiến vào, Thuận đã nhấn nút phóng liền 2 đạn rồi cùng các trắc thủ tập trung vào màn hiện sóng và tay quay, vừa bám sát mục tiêu vừa lái đạn. 24 giây sau khi các quả đạn được phóng đi, đèn báo hiệu ngòi nổ cận đích của quả đạn đầu tiên rồi quả thứ hai nháy sáng trên bảng điều khiển báo hiệu đạn nổ tốt. Trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Độ và trắc thủ góc tà Lê Xuân Linh lần lượt báo cáo tín hiệu dải nhiễu của mục tiêu biến mất trên màn hiện sóng phương vị và nhanh chóng tụt độ cao trên màn hiện sóng góc tà. Chiếc B-52 có mật danh liên lạc Charcoal 1 của Bob Certain bị bắn hạ khi đã tới sát mục tiêu rải bom, 3 trong số 6 phi công tử trận. Đó là chiếc B-52 đầu tiên bị hạ trong chiến dịch.42

Ngày 21/12/1972

Địa điểm và thời gian bắn rơi tại chỗ 16 chiếc B52.

Đêm 20 rạng ngày 21 tháng 12 chứng kiến nỗ lực phòng thủ mãnh liệt nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống lại các máy bay B-52, đó là ngày B-52 phải chịu tổn thất cao nhất trong toàn chiến dịch. Trong đêm đó, lực lượng phòng không Việt Nam đã phóng 36 tên lửa SAM trong suốt 3 đợt tấn công. Lưới lửa được tổ chức và điều khiển rất khôn ngoan. Đôi khi Quân đội Nhân dân Việt Nam không tấn công biên đội đầu tiên trên vùng trời mục tiêu mà dùng nó để xác định đường bay và các điểm lượn vòng, tiếp đó các biên đội sau phải chịu hỏa lực mạnh ở gần các điểm thả bom, nơi mà họ phải bay ổn định, và trên đường rút khỏi mục tiêu.

Trong một tình huống có tới cả ba tiểu đoàn tên lửa cùng phóng đạn vào một chiếc B-52 vừa mở khoang bom khiến nó nổ tung. Chớp lửa từ vụ nổ của 30 tấn bom mạnh đến nỗi một máy bay trinh sát của Mĩ hoạt động trên Vịnh Bắc bộ cách đó tới 80 dặm vẫn còn nhìn thấy. Chỉ 2 trong số 6 thành viên kíp lái trên chiếc máy bay này sống sót. Tại hầm Sở chỉ huy Sư đoàn 361 nữ phát thanh viên liên tục thông báo tình hình chiến sự cho biết hết chiếc này tới chiếc khác B-52 bị bắn rơi. Tư lệnh Quân chủng phòng không Lê Văn Tri điện xuống Sư đoàn 361 thông báo: "Đội hình tấn công của đối phương đã rối loạn. Chúng đang réo gọi nhau một cách hoảng loạn và kêu gào lực lượng tìm cứu phi công…".

Vào nửa đêm hôm đó, Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Hoa Kỳ đã hủy lệnh cho B-52 ném bom đợt 2 xuống các mục tiêu ở Hà Nội mà chuyển sang mục tiêu khác ở tít trên phía bắc. Các kíp tên lửa phòng không Việt Nam đã làm được cái điều mà người Nhật, Đức, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc chịu không làm được trong các cuộc chiến trước, đó là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử các chiến dịch tập kích đường không của Mĩ, đội hình máy bay ném bom đang trên đường tới tấn công mục tiêu đã phải thúc thủ quay về vì vấp phải hệ thống phòng không của đối phương. Dù đã cho hủy lệnh tấn công đợt hai nhưng SAC vẫn cố tung đợt tấn công thứ 3 tới đánh phá Hà Nội vào 4 giờ sáng ngày hôm sau, lúc mà lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam đã được tiếp đạn đầy đủ, thêm 3 chiếc B-52 bị hạ. Tổng cộng trong đêm đó, 4 máy bay B-52G và 2 máy bay B-52B bị bắn rơi, một máy bay B-52D bị bắn hỏng.42

Ngày 27/12/1972

Phi công Phạm Tuân được ghi nhận đã bắn rơi 1 máy bay B-52 trong đêm 27/12/1972

Cũng trong chiến dịch này, vào đêm ngày 27-12, lần đầu pháo đài bay B-52 bị hạ bởi một máy bay tiêm kích MiG-21, do Phạm Tuân điều khiển. B-52 tuy chỉ có khả năng không chiến yếu, nhưng nó luôn có đội hình gồm hàng chục chiếc tiêm kích F-4 bay theo để bảo vệ, nên việc công kích là rất khó. Phạm Tuân kể lại: Do B-52 trang bị nhiều mồi nhiệt làm nhiễu đầu dò tên lửa nên ông đã cố gắng áp sát B-52 ở cự ly 2–3 km rồi mới phóng tên lửa (dù tầm bắn của tên lửa là 8 km), ở cự ly này tên lửa chỉ mất 2-3 giây để tới mục tiêu nên chiếc B-52 sẽ không kịp thả mồi nhiễu. Rút kinh nghiệm từ vụ của Vũ Đình Rạng (chỉ phóng 1 quả tên lửa thì không đủ để hạ tại chỗ B-52) nên ông đã phóng liền cả hai tên lửa vào mục tiêu, không giữ lại tên lửa dự phòng. Sau khi bắn, Phạm Tuân giảm tốc, kéo máy bay lên cao và lật ngửa để thoát ly thì nhìn thấy chiếc B-52 nổ, sau đó máy bay lao vượt qua phía trên điểm nổ. Tuy nhiên do động tác cơ động thoát ly cấp tốc này nên máy ảnh phía mũi chiếc MiG-21 đã không thể chụp lại khoảnh khắc đó làm tư liệu.

Phạm Tuân kể tiếp: "Khi lên trời rồi, phi công phải nhanh chóng đi vào điều kiện thuận lợi, vậy chúng ta phải phán đoán F-4 thường chặn chúng ta ở đâu, tầm cao nào để chúng ta tránh. Nếu F-4 bay ở độ cao 3 km thì chúng ta phải bay cao hơn, tốc độ hơn. Tất cả những kinh nghiệm đó để xây dựng thành phương án bay để tránh F-4. Lên thấy F-4 nhiều lắm, bên phải có, bên trái có. Bên dưới chỉ huy là vượt qua mà đi. Vậy vượt qua bằng cách nào? Ở đây là bản lĩnh của phi công, phải phán đoán được tình huống như thế nào. Trận đánh B-52 của tôi rất nhanh, tiếp cận B-52 chưa đầy một phút. Khi tiếp cận đằng sau B-52 với tốc độ rất cao, 1.500 km/h so với tốc độ của B52 là 900 km/h nên đã vượt qua tất cả. Vượt qua phải bao gồm tất cả nỗ lực, từ tổ chức chỉ huy, sân bay cất cánh, dẫn đường, để có được điều kiện tốt nhất. Hiệp đồng với binh chủng tên lửa phải chặt, khi tên lửa bắn lên F-4 phải dạt ra tránh, chúng tôi tranh thủ để vượt qua. Rồi lựa chọn hướng vào tiếp cận B-52 như thế nào. Tất cả tạo nên điều kiện thuận lợi nhất đánh B-52. Tôi bắn B-52 xong rồi mà F-4 vẫn ở đằng sau nhưng không làm gì được."

Một số nguồn tài liệu Hoa Kỳ cho rằng tên lửa của ông đã bắn trượt, chiếc B-52 đã trúng tên lửa SA-2 rồi nổ trên không trung, khiến Phạm Tuân nghĩ rằng tên lửa của ông đã phá hủy mục tiêu.45 Nhưng nếu phân tích, điều này là rất khó xảy ra. Thời gian từ khi phóng tên lửa tới khi thoát ly của Phạm Tuân chỉ kéo dài 4-5 giây. Trong số các phi công Mỹ bị bắt, trung úy Paul Louis Granger, phi công phụ lái B-52 khai máy bay của anh ta bị MiG bắn trước, sau đó lại bị tên lửa SA-2 bồi thêm.46 Tuy nhiên đó là trường hợp của chiếc B-52D số hiệu 56-0622, mật danh "Orange 03" bị bắn rơi tại Yên Viên lúc 20 giờ 32 phút (tức 13 giờ 32 phút giờ GMT) ngày 20 tháng 12 năm 1972.47 48

Ngày 28/12/1972

Ngày hôm sau tức đêm 28-12, phi công Vũ Xuân Thiều cũng được ghi nhận đã hạ được B-52 trên bầu trời Sơn La, nhưng Thiều và máy bay bị mất cùng với máy bay địch.

Kết quả

Số lượng máy bay Mỹ bị bắn hạ

Thiệt hại của Không quân Mỹ theo phía Mỹ công bố là 11 chiếc B-52 đã bị bắn rơi trên lãnh thổ Bắc Việt Nam, 5 chiếc khác rơi tại Lào hoặc Thái Lan49 . 26 phi công B-52 được cứu thoát, 33 người khác bị chết hoặc mất tích, 33 bị bắt làm tù binh chiến tranh49 . Đồng thời không quân chiến thuật Mỹ mất 12 máy bay (2 F-111, 3 F-4, 2 A-7, 2 A-6, 1 EB-66, 1 trực thăng cứu hộ HH-53 và 1 máy bay RA-5C), 10 phi công chiến thuật bị chết, 8 bị bắt, và 11 được cứu thoát. Trong số 28 máy bay cả B-52 và chiến thuật bị bắn rơi, 17 trường hợp do trúng tên lửa SA-2, 3 trường hợp do bị máy bay MiG tấn công vào ban ngày, 3 do pháo phòng không, và 3 trường hợp không rõ nguyên nhân. 4 chiếc B-52 khác bị trúng đạn hư hại nặng nhưng vẫn bay về được sân bay và 5 chiếc khác bị hỏng mức trung bình.

Một mảnh xác máy bay B-52 bị bắn rơi tại hồ Hữu Tiệp, Hà Nội, trong Chiến dịch Linebacker II

Theo số liệu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa50 , tổng cộng trong 12 ngày đêm có 81 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 (có 2 chiếc rơi tại chỗ).

Theo ước tính của Hoa Kỳ, Việt Nam đã phóng hơn 1.000 tên lửa sau 12 ngày đêm, nghĩa là theo Mỹ thì lượng đạn tên lửa của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sắp cạn kiệt, có những ý kiến cho rằng nếu Hoa Kỳ kiên trì đánh phá thêm vài ngày thì có thể đã giành được chiến thắng. Tuy nhiên theo thống kê của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thực ra trong toàn chiến dịch họ chỉ phóng 334 đạn tên lửa SA-2 (bao gồm 241 tên lửa phóng ở Hà Nội)51 , bằng 60% dự trữ số đạn tốt của Hà Nội, Hải Phòng. Việc Hoa Kỳ ước tính số tên lửa đã phóng cao gấp 3 lần thực tế là do chiến thuật bắn "tên lửa giả" của Việt Nam (tên lửa vẫn nằm dưới đất nhưng lại phát sóng tên lửa ra ngoài để làm đội hình F-4 bảo vệ B-52 của Mỹ tưởng bị nhắm bắn, phải tìm cách né tránh làm rối loạn đội hình)51 Mặt khác, trong 12 ngày đêm, quân đội Việt Nam cũng phục hồi được hơn 300 tên lửa cũ để tái sử dụng, như vậy thực ra kho tên lửa dự trữ của Việt Nam chỉ sụt đi khoảng 6% (khoảng 30 quả).

Cùng với đạn tên lửa là 2.036 viên đạn pháo 100mm, 15.669 viên đạn 57mm, 19.454 viên đạn 37mm, 1.147 viên đạn 14.5mm đã được bắn, chiếm 66% lượng dự trữ của Hà Nội và Hải Phòng. Như vậy nếu tiếp tục duy trì cường độ này, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn có đủ đạn dược để chiến đấu thêm 20 ngày nữa. Ngoài ra, trong trường hợp kho đạn tại Hà Nội-Hải Phòng cạn kiệt thì có thể huy động hàng trăm đạn tên lửa từ các kho ở Khu IV (Thanh Hóa, Nghệ An) để tiếp tục chiến đấu thêm khoảng 10 ngày (tổng cộng có thể kéo dài chiến đấu thêm 30 ngày). Chưa kể 2 trung đoàn tên lửa SA-3 mới có năng lực cao hơn SA-2 cùng 200 tên lửa được dự kiến sẽ đưa vào chiến đấu vào ngày 31 tháng 12 năm 1972. Trên thực tế, khi các cuộc không kích của Hoa Kỳ tiếp diễn tại Khu IV trong tháng 1 năm 1973, các đơn vị tên lửa SA-2 của Việt Nam đóng ở Thanh Hóa vẫn đủ sức tiếp tục chiến đấu, bắn rơi và bắn hỏng thêm 4 chiếc B-5252

Một số thống kê khác của Việt Nam:53

  • Trong 34 B-52 bị bắn rơi, 29 chiếc là do tên lửa phòng không, 3 chiếc là do pháo cao xạ 100mm, 2 chiếc là do tiêm kích MiG-21.
  • Tên lửa phòng không bắn rơi 36 máy bay các loại, không quân tiêm kích bắn rơi 12 máy bay, còn lại là pháo hoặc súng máy cao xạ bắn rơi.
  • Đơn vị phát hiện B-52 đầu tiên: Đại đội radar 16 trung đoàn 291 - 19h10 ngày 18 tháng 12.
  • Đơn vị đầu tiên đánh B-52: Tiểu đoàn 78 trung đoàn 257 - 19h44 ngày 18 tháng 12.
  • Đơn vị bắn rơi B-52 đầu tiên: Tiểu đoàn 59 trung đoàn 261 - 20h13 ngày 18 tháng 12.
  • Trung đoàn 261 bắn rơi nhiều B-52 nhất: 12 chiếc.
  • Trung đoàn 257 bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 nhất: 8 chiếc.
  • Tiểu đoàn 57 (trung đoàn 261) bắn rơi nhiều B-52 nhất: 4 chiếc.
  • Tiểu đoàn bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 nhất: Tiểu đoàn 77 (trung đoàn 257) và Tiểu đoàn 93 (trung đoàn 261): mỗi tiểu đoàn bắn rơi 3 chiếc B-52.
  • Tiểu đoàn 79 (trung đoàn 257) bắn rơi chiếc B-52 cuối cùng: 23h16 ngày 29 tháng 12
  • Tiểu đoàn 72 (trung đoàn 285) bắn quả tên lửa cuối cùng trong chiến dịch: 23h29 ngày 29 tháng 12

Kết quả sau chiến dịch

Các tác giả Dana Drenkowsky và Lester Grau cho rằng, Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC) “mắc những sai lầm nghiêm trọng, chịu những tổn thất nặng nề trong một chiến dịch được xem là thất bại”27 :

Đòn phủ đầu với ba B-52 bị SAM bắn rơi tại chỗ, hai chiếc nữa bị bắn hỏng nặng ngay đêm đầu (số liệu của Mỹ) đã làm các nguyên soái Không quân Mỹ bị choáng váng. Tin này có vẻ đã bị giấu nhẹm, vì đến ngày 20-12 (6 chiếc B-52 bị bắn rụng, một chiếc khác bị hỏng nặng, vẫn theo số liệu của Lầu Năm Góc mà nhiều học giả Mỹ cho là không đáng tin) mới xuất hiện các ghi chép của Chánh văn phòng Nhà Trắng về sự “đau lòng nhức óc” của Tổng thống Richard Nixon trong một Nhà Trắng như tối sầm dưới sức đè những tổn thất quá lớn về B-52. Đâm lao phải theo lao, Nixon ra lệnh tiếp tục ném bom, nhưng ở quy mô nhỏ hơn và chuyển hướng không kích ra ngoài Hà Nội để tránh SAM-2. Đến đây đã có thể xem Linebacker II đã thất bại về chiến lược, tan ảo mộng chiến thắng, giúp làm nguội cái đầu nóng của ông chủ Nhà Trắng. Tác giả Drenkowsky viết: “Đêm 22 rạng ngày 23-12, trên đà thắng của bộ đội phòng không Hà Nội, không một cuộc không kích nào nhằm vào mục tiêu chính là Thủ đô của Việt Nam. Thay vào đó, 30 chiếc B-52 tiến công Cảng Hải Phòng, nơi được bảo vệ về phòng không kém hơn”.
Không quân Mỹ sau ngày Noel tỏ ra biết thay đổi chiến thuật và kế hoạch không kích, thực ra là rút ngắn thời gian không kích và đánh phá các địa bàn ở xa Hà Nội, nhưng máy bay Mỹ vẫn tiếp tục bị bắn rụng như sung. Thậm chí, B-52 rơi không phải do một salvos (loạt đạn tên lửa) mà chỉ do một quả SAM-2 “đồ cổ” trên bầu trời Sơn La.
Sách báo thời chiến của Mỹ ghi nhận một sự suy sụp về tinh thần chưa từng có trong các đơn vị Không quân Mỹ. Một đỉnh điểm của nó là có tới 9 chuyến bay B-52 bị đình chỉ đêm 26 rạng ngày 27-12, do trục trặc “cơ khí”. Đây là những “vết thương” từ các cuộc “dạo chơi” những đêm trước trên bầu trời Hà Nội, hay còn cả những cảm nhận “mở nắp buồng lái như mở cửa nhà mồ” của các tay lái “Pháo đài bay”?

Ngày 30 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Nixon ra lệnh chấm dứt ném bom (với lý do duy nhất được phát ngôn viên của ông đưa ra là "có dấu hiệu rõ ràng rằng đàm phán nghiêm túc có thể được nối lại") và hội đàm lại để ký kết hiệp định. Có hai xu hướng bình luận về sự kiện này. Một xu hướng cho rằng đó là do áp lực của dư luận thế giới và nhân dân Mỹ, và thất bại trong việc buộc Hà Nội nhượng bộ. Xu hướng khác37 lại cho rằng đó là do chiến dịch đã đạt được mục tiêu là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tỏ ý muốn quay lại đàm phán. Nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp thì khẳng định phía Mỹ bỏ họp trước và chính phía Mỹ đề nghị nhóm họp lại bằng một công điện gửi vào ngày 22/12 (1 ngày sau khi 7 chiếc B-52 bị bắn hạ chỉ trong 1 đêm)54

Theo hồi ký Henry Kissinger, ngày 6/1/1973, Nixon đã chỉ thị cho Kissinger trở lại Paris, phải đạt cho được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện nào, với "bộ dạng hoàn toàn khác ngày thường" (ý nói không còn tỏ ra ở thế thượng phong được nữa). Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sẵn sàng chấp nhận trở lại văn bản đã thỏa thuận vào tháng 10/1972. Vậy là Hiệp định Paris đã được ký với nội dung về cơ bản không khác mấy so với phương án đã được ký tắt trước khi đàm phán bị đình trệ do Hoa Kỳ từ chối ký kết. Hoa Kỳ đã mất hàng chục máy bay để rồi vẫn phải ký vào văn bản mà họ không muốn ký, điều này có nghĩa rằng mục tiêu chủ chốt của Mỹ khi tiến hành Chiến dịch Linebacker II đã thất bại.

Sự phản đối của quốc tế

Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme dẫn đầu đoàn biểu tình đòi Mỹ chấm dứt ném bom Việt Nam. Stockholm năm 1972

Chiến dịch ném bom bị phản đối rất mạnh mẽ trên khắp thế giới, công dân ở các nước Xã hội Chủ nghĩa gây áp lực để yêu cầu chính phủ của mình chính thức lên án các cuộc ném bom. Trung Quốc và Liên Xô đều đặn thể hiện sự bất bình trước việc tái ném bom, nhưng họ đã không có một động thái nào khác. Thực tế, các chỉ trích mạnh mẽ hơn lại là ở các nước phương Tây. Tại Paris, báo Le Monde so sánh với cuộc ném bom hủy diệt Guernica do Phát-xít Đức thực hiện trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tờ báo lớn nhất của Anh, the Daily Mirror, bình luận: "Việc Mỹ quay lại ném bom Bắc Việt Nam đã làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ". Các chính phủ Anh, Ý và Thụy Điển đã lên tiếng. Một trong những phản ứng dữ dội nhất là của Thủ tướng Thụy Điển, ông đã lên án cuộc ném bom là một tội ác chống lại loài người trên quy mô đạo đức của sự tàn bạo của phát xít tại trại tập trung Treblinka. Palme còn đích thân đến một cửa hàng tổng hợp để thu thập chữ ký cho một kiến nghị toàn quốc đòi chấm dứt ném bom - để gửi tới Nixon.55

Tại Mỹ, Nixon bị chỉ trích là điên rồ (madman). Nhiều người trong số những người đã từng ủng hộ cuộc ném bom hồi tháng 5 nay chất vấn cả sự cần thiết và tính tàn bạo bất thường của Linebacker II.56 Quyển Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký dẫn bài báo của hãng AP có đăng lời của Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 8/1972 kêu gọi Mỹ "hãy ném bom tan nát miền Bắc Việt Nam". Quyển hồi ký của Võ Nguyên Giáp cũng dẫn bài trên báo Nhân đạo (L'humanité) của Pháp bình luận rằng: "Ngay cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai, những viên tướng Pháp phản bội cũng không dám đề nghị đồng minh của chúng (Đức Quốc xã) tàn phá Paris (để ngăn quân Anh-Mỹ). Thế mà nay Thiệu lại muốn Mỹ ném bom tàn phá đất nước mình. Thiệu thật đáng xấu hổ hơn cả sự xấu hổ"57

Đánh giá

Danh sách các đơn vị phòng không và không quân Việt Nam đã bắn hạ máy bay B52 được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không Không quân, Hà Nội.

Sách báo Việt Nam gọi chiến dịch Linebacker II này là trận Điện Biên Phủ trên không, như một cách nêu bật thắng lợi của lực lượng phòng không Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến dịch.

Charles Barrows, đại úy hoa tiêu B-52 bị bắt làm tù binh đặt vấn đề ngay khi còn ngồi ở Hỏa Lò: "Hệ thống điện tử trên máy bay B-52 rất tinh vi và đắt tiền nhưng vẫn không gây nhiễu nổi rađa Bắc Việt Nam. Siêu pháo đài bay B-52 đã cải tiến nhiều lần, máy móc rất tốt... Các phi công B-52 được huấn luyện công phu, thành thạo các chiến thuật hiện đại và B-52 được bảo vệ dày đặc, nhưng vẫn bị bắn rơi vì đạn phòng không... Không quân chiến lược của Mỹ không thể chịu đựng nổi tỷ lệ tổn thất về B.52 trên bầu trời Hà Nội".58

Trên tạp chí Không quân Mỹ, John L. Frisbee viết: "Trong thời kỳ Thế chiến thứ 2, tổn thất máy bay ném bom bị phòng không hay máy bay chiến đấu đối phương bắn hạ tại hai chiến trường chính yếu được ước tính trung bình: cứ 64 phi xuất thì có 1 chiếc bị bắn hạ. Trái lại, trên không phận Hà Nội và Hải Phòng thì cứ 49 phi xuất lại có một B-52 bị bắn rơi".

Cựu Phó Tham mưu trưởng không quân Mỹ khi trả lời tạp chí AirForce vào tháng 6/1973 cũng thừa nhận: "Bắc Việt Nam rõ ràng là có nhiều kinh nghiệm bắn tên lửa SAM cũng như các loại súng phòng không khác. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện máy bay từ các đài điều khiển mặt đất... Không quân Mỹ đã tiến hành chiến tranh điện tử trên quy mô lớn, nhưng các máy bay vẫn dễ bị tổn thương. Chúng tôi cho rằng Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày dạn kinh nghiệm nhất thế giới. Rõ ràng họ có kinh nghiệm hơn bất cứ nước nào trong việc phóng tên lửa để hạ máy bay".58

Ngay khi mặt trời mọc vào sáng hôm 19-12, 2 chiếc B-52 đã bị hạ ngay trong đêm đầu tiên. Điện mừng từ khắp nơi tới tấp gửi về Bộ tư lệnh phòng không Thủ đô. Tướng Nhẫn nhớ lại: "Một bầu không khí đặc biệt tràn ngập sở chỉ huy các cấp từ các tiểu đoàn tới Bộ tổng tham mưu, từ hậu phương miền Bắc tới tiền tuyến miền Nam. Việc lực lượng phòng không Thủ đô đã đương đầu và giáng trả được loại vũ khí mạnh nhất của Mĩ, điều đó đã làm nức lòng quân dân cả nước".42

Đại tá Markov Lev Nicolayevich, từ tháng 10-1971 đến tháng 8-1972 từng giảng dạy tại Trường Sĩ quan Phòng không và huấn luyện các kíp trắc thủ tên lửa cho Việt Nam. Ông cho rằng: "Tôi đã nghiên cứu kỹ chiến lược chiến tranh của nhiều nước và thấy rằng, trên thế giới ít có cuộc chiến nào mà bên phòng vệ thắng bên tấn công, nhất là khi có sự chênh lệch quá lớn về tiềm lực quân sự, vũ khí trang bị như giữa quân đội Việt Nam và quân đội Mỹ, đặc biệt là "siêu pháo đài bay B-52", mà người Mỹ khoe là không thể bị bắn hạ! Vậy mà Việt Nam đã đánh thắng rất giòn giã. Đó thực sự là cuộc chiến tranh của trí tuệ với trí tuệ, thông minh "chọi" thông minh, chứ không phải là cuộc chiến tranh thông thường!".59

Tác giả Marshall Michael viết: "Sau này hai phía mới chỉ dừng ở việc cùng công nhận rằng Linebacker II là trận đấu quan trọng quyết định cục diện chiến tranh. Đối với người Mỹ, Hiệp định hòa bình Paris đã giúp tổng thống Nixon hoàn thành mục tiêu đưa tù binh về nước và chấm dứt sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam mà vẫn thực hiện cam kết làm chỗ dựa cho chính quyền Nam Việt Nam. Người Việt Nam lại cho rằng chiến dịch ném bom của Mỹ là nhằm mục đích buộc họ khuất phục và rút quân khỏi Miền Nam. Vậy nên khi bản Hiệp định cho phép họ vẫn được giữ quân ở Miền Nam, người Việt Nam cho rằng chiến dịch Linebacker II đã thất bại và niềm tin này càng được củng cố khi quân đội của họ trú quân ở phía nam tiến hành chiến dịch tổng tiến công thống nhất đất nước vào năm 1975. Nhưng để hiểu một cách tường tận sự khác biệt quan điểm này, tôi đã phải ghi nhận cách hiểu của người Việt rằng Linebacker II đơn giản chỉ là một thắng lợi trong chuỗi thắng lợi trong suốt 30 năm kháng chiến giành độc lập. Bằng chứng cho thắng lợi đó là việc họ đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước."42

Tưởng nhớ

Khu phố Khâm Thiên, Hà Nội sau trận ném bom của B-52 đêm 26 tháng 12 năm 1972

Trong trận bom rải thảm phố Khâm Thiên, Hà Nội đêm 26 tháng 12 năm 1972 đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em; làm cho 178 cháu mồ côi trong đó có 66 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ; 290 người bị thương, 2.000 ngôi nhà, trường học, đền chùa, rạp hát, trạm xá bị sập, trong đó có 534 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.60

Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, bảy người sống trong ngôi nhà này không còn ai sống sót. Mảnh đất này trở thành một đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ "Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ" và một bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ, tượng được lấy nguyên mẫu từ chính chủ nhân của ngôi nhà bị hủy diệt này. Kể từ sau trận bom ấy, hàng năm, đến những ngày kỉ niệm trận bom, người dân trên phố, và nhiều nơi khác tới đây thắp hương tưởng niệm những người đã chết vì bom Mỹ.

Trong sân bệnh viện Bạch Mai có tấm bia mang chữ "Căm thù" để ghi nhớ về vụ B-52 ném bom trúng bệnh viện này vào ngày 22 tháng 12. khiến 1 bệnh nhân và 30 y tá, bác sĩ thiệt mạng, có 1 y tá đang mang thai 3 tháng61 . (khi đó hầu hết bác sĩ, bệnh nhân đã được sơ tán. Mỗi khoa chỉ giữ lại vài ba người để trực cấp cứu. Có khoảng 300 bệnh nhân ở dưới hầm).

Chú thích

  1. ^ James R. McCathy and Robert E. Rayfield. Linebacker II a view from the rock. page 29-34
  2. ^ Nghiêm Đình Tích (Chủ biên). Lịch sử Bộ đội Tên lửa phòng không 1965-2005. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội 2005. trang 361-362.
  3. ^ a ă B-52_Stratofortress, Project Get Out and Walk
  4. ^ Robt. F. Dorr and Lindsay Peacock. Boeing’s Cold War Warrior: B-52 Stratofortress. Published 1995.
  5. ^ Nguyễn Minh Tâm (chủ biên). Hà Nội - Điện biên phủ trên không. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2008. trang 218-221.
  6. ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập VI
  7. ^ John Morocco, Rain of Fire. Boston: Boston Publishing Company, 1985, p. 150.
  8. ^ “Nga nói gì về cuộc đấu MiG-21 và F-4 ở Việt Nam(2)”. Kienthuc.net.vn. Truy cập 14 tháng 10 năm 2015. 
  9. ^ George Herring, America's Longest War, John Wikey & Sons, 1979, tr. 248
  10. ^ a ă Chronology: How Peace Went off the Rails 1 tháng 1 năm 1973. TIME.
  11. ^ Richard Nixon. The memory of Nixon. Grosset and Dunlap. London.1978.page 730,734.
  12. ^ Henry Kissinger. A la Maison Blanch. 1968-1973. Ed. Fayard. Paris. 1979.
  13. ^ Clashes: Air Combat Over North Vietnam, 1965-1972, Marshall L. Michell III, Naval Institute Press, ISBN/SKU: 9781591145196, page 271, trích "Linebacker II was completely different from the interdiction policy of Rolling Thunder and Linerbacker I; Linerbacker II would be a sustained maximum effort to destroy all major target complexes in the Hanoi and Haiphong areas. This could be done by Phantoms, even with LGBs; it required a massive application of force, which could only be exerted by B-52 strikes. Linebacker II also involved the removal of many of the restrictions surrounding the previous operations over North Vietnam, except an atempt to "minimize the danger to civillian population to the extent feasible without compromising effectiveness" and to "avoid known POW compounds, hospitals and religious structures."
  14. ^ George Ireken, The Diary of Senate (US), 1977, page 55, 57 và 136
  15. ^ George C. Herring, Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.
  16. ^ Gabriel Kolko. Giải phẫu một cuộc chiến tranh. Dịch giả: Nguyễn Tấn Cưu. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hà Nội. 2003. trang 64, 66
  17. ^ Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ. Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ-Kissinger tại Paris. Nhà xuất bản Công an nhân dân. Hà Nội. 2002
  18. ^ Nghiêm Đình Tích (chủ biên). Lịch sử bộ đội tên lửa phòng không (1965-2005). Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2005. trang 357.
  19. ^ Linebacker: Karl J. Eschmann. The Untold Story of the Air Raids Over North Vietnam
  20. ^ Nghiêm Đình Tích (chủ biên). Lịch sử bộ đội tên lửa phòng không (1965-2005). Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2005. Trang 361.
  21. ^ Nghiêm Đình Tích (chủ biên). Lịch sử bộ đội tên lửa phòng không (1965-2005). Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2005. Trang 361-362.
  22. ^ Nguyễn Minh Tâm (chủ biên). Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2008. trang 30.
  23. ^ Nguyễn Minh Tâm (chủ biên). Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2008. trang 29-30.
  24. ^ Nguyễn Minh Tâm (chủ biên). Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2008. trang 37-38
  25. ^ Cuộc tập kích căn cứ radar Ai Cập năm 1969 của Israel, VnExpress, 21/1/2004
  26. ^ http://www.anhp.vn/van-de-du-luan-quan-tam/201504/quan-va-dan-hai-phong-sat-canh-cung-dong-bao-ca-nuoc-danh-thang-giac-my-xam-luoc-ky-iii-vung-vang-truoc-chien-tranh-huy-diet-cua-de-quoc-my-578402/
  27. ^ a ă http://www.baodaklak.vn/channel/3721/201212/Cuoc-tap-kich-Ha-Noi-bang-B52-bi-bat-bai-ra-sao-2206265/
  28. ^ http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/154518/tran-danh-ban-le-dua-nguoi-my-toi-tham-bai-thang-12-1972.html
  29. ^ a ă "Điện Biên Phủ trên không": Các anh hùng không quân giải nghĩa chiến thắng, Infonet – Báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ hai 10/12/2012
  30. ^ Bộ khí tài KX "vạch nhiễu" tìm B52, Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP, Báo điện tử Quân đội nhân dân, ngày 16/11/2012
  31. ^ Những ngày "vạch nhiễu tìm thù", Bùi Vũ Minh, Báo điện tử Quân đội nhân dân, Chủ Nhật, 19/12/2010
  32. ^ Phương pháp bắn 3 điểm – sáng tạo độc đáo của bộ đội tên lửa, Nguyễn Đình Kiên, Báo điện tử Quân đội nhân dân, ngày 12/05/2012
  33. ^ Bộ đội tên lửa Việt Nam rất dũng cảm, sáng tạo..., QUÂN THỦY, Báo điện tử Quân đội nhân dân, 08/12/2012
  34. ^ Chân trần Chí thép. James Zumwalt. Nhà xuất bản tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Trang 173
  35. ^ "Rồng lửa" xuất trận, ác quỷ rùng mình..., Thái Hà, Pháp luật & Xã hội, Thứ Bảy, 08/12/2012
  36. ^ “Những trận đánh xuất quỷ nhập thần ngay tại căn cứ B52 của không quân Mỹ”. 
  37. ^ a ă LINEBACKER II, Walter J. Boyne, November 1997, Vol. 80, No. 11, Air Force Magazine Online
  38. ^ Hà Nội - những tháng ngày sơ tán, báo Tuổi trẻ
  39. ^ Nguyễn Thị Tâm Bắc, Hà Nội máu và hoa, báo Quân đội Nhân dân, 22/12/2007
  40. ^ George Herring, tr. 248
  41. ^ "North Vietnam Says 1,318 Dead in the Raids on Hanoi," New York Times, tháng 5 năm 1973, tr. 3.
  42. ^ a ă â b c Chiến dịch ném bom Giáng Sinh. Tác giả: Marshall Michael – Tạp chí Hàng không và Vũ trụ số 1/1/2001
  43. ^ "American airmen not only underestimated the North Vietnamese defenses, they especially underestimated the impact of flak".
    Kenneth P. Werrell, Linebacker II: The Decisive Use of Air Power?, Air University Review, January-March 1987
  44. ^ Điện Biên Phủ trên không, 35 năm ôn lại, Hoàng Liêm, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 18/12/2007
  45. ^ Michel 2002, pp. 205–206.
  46. ^ Lê Kim. Trên những chặng đường giải phóng miền Nam, (tập ký sự). Nhà xuất bản Công an nhân dân. Hà Nội. 2004. trang 201 (trong phần 2: "Kể chuyện giặc lái B-52")
  47. ^ Thống kê máy bay bị bắn rơi của USAF từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 12 năm 1972 (bản này ghi là B-52G)
  48. ^ Tài liệu thống kê các trường hợp bị rơi của máy bay B-52
  49. ^ a ă McCarthy, Brig. Gen. James R. and LtCol. George B. Allison, Linebacker II: A View from the Rock, page 172, 173. Maxwell Air Force Base AL: Air University Press, 1979
  50. ^ Hiệp định Pari-Mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam , Bộ Ngoại giao Việt Nam, 25/1/2003
  51. ^ a ă http://dantri.com.vn/xa-hoi/b52-sap-bay-ten-lua-sam-2-tren-bau-troi-ha-noi-672699.htm
  52. ^ Nghiêm Đình Tích (chủ biên). Lịch sử bộ đội tên lửa phòng không. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. 2005. trang 411-412
  53. ^ Nguyễn Minh Tâm (chủ biên). Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2008. trang 221-224
  54. ^ Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Chương 1, trang 1155, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2006
  55. ^ 40 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không: Dư luận cô lập Richard Nixon, Báo Lao động số 303 - Thứ tư 26/12/2012
  56. ^ George Herring, tr. 248,249
  57. ^ Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Trang 1148
  58. ^ a ă CHẶN ĐỨNG "PHÁO ĐÀI BAY", Trường Minh, Báo VietNamNet, 03/12/2012
  59. ^ Cố vấn Liên Xô: Chiến thắng B-52 của Việt Nam là độc nhất
  60. ^ Nguyễn Minh Tâm (chủ biên). Hà Nội - Điện biên phủ trên không. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2008. trang 156-157.
  61. ^ 4 ngày đào bới cứu người ở Bệnh viện Bạch Mai, Báo Lao động số 297 - Thứ tư 19/12/2012

Liên kết ngoài

  • Walter J. Boyne, Linebacker II, November 1997, Vol. 80, No. 11, Air Force Magazine Online.
  • Điện Biên Phủ trên không Thượng tá Trần Việt Anh (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), báo Nhân dân điện tử ngày 11-12-2004.
  • Qua những trang sách "Linebecker II"-Phi công Mỹ nhớ lại

Một số bài báo đăng trên tạp chí TIME vào các thời điểm quanh chiến dịch Linebacker II:

  • Chronology: How Peace Went off the Rails bài đăng ngày 01-01-1973, trình tự các sự kiện xung quanh đàm phán tại Paris cho đến khi đợt ném bom được bắt đầu.
  • More Bombs Than Ever bài đăng ngày 01-01-1973 về diễn biến đợt ném bom.
  • Outrage and Relief bài đăng ngày 8-01-1973, liệt kê bình luận của báo chí và các chính khách trước và sau khi đợt ném bom chấm dứt.
  • Paris Peace in Nine Chapters bài đăng ngày 05-02-1973. Nội dung hiệp định Paris và so sánh với phiên bản trước cuộc ném bom.
  • Bí mật chiến dịch Linebacker II (trên báo Thanh Niên): kỳ I, kỳ II, kỳ III, kỳ IV, kỳ cuối
  • Phạm Duy Trưởng - Điện Biên Phủ trên không: Ta thắng Mỹ bởi bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam Kỳ 2 (Vỏ quýt dày có móng tay nhọn)

Xem thêm

  • Mặt trận đất đối không miền Bắc Việt Nam 1972
  • B-52 trong Chiến tranh Việt Nam
  • Em bé Hà Nội (1974, phim)
  • Hà Nội 12 ngày đêm (2002, phim)

(Nguồn: Wikipedia)