Nguyễn Văn Thiệu
Nguyen Van Thieu 1967.jpg
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa
Nguyễn Văn Thiệu
Chức vụ
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa
Nhiệm kỳ 1 tháng 9 năm 1967 – 21 tháng 4 năm 1975
7 năm, 232 ngày
Tiền nhiệm Ngô Đình Diệm
Kế nhiệm Trần Văn Hương
Vị trí  Việt Nam Cộng hòa
Phó Tổng thống
Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia
Nhiệm kỳ 1965 – 1967
Tiền nhiệm Nguyễn Khánh
Kế nhiệm Không có
Tổng trưởng Quốc phòng
Nhiệm kỳ 1964 – 1965
Tiền nhiệm Nguyễn Khánh
Kế nhiệm Nguyễn Hữu Có
Tổng tham mưu trưởng
Nhiệm kỳ 1964 – 1965
Tiền nhiệm Nguyễn Khánh
Kế nhiệm Nguyễn Hữu Có
Đặc sứ VNCH tại Đài Loan
Nhiệm kỳ 1975 – 1975
Tiền nhiệm không có
Kế nhiệm không có
Thông tin chung
Đảng phái Đảng Dân chủ
Sinh 5 tháng 4, 1923
Thanh Hải, Ninh Thuận, Trung Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất 29 tháng 9, 2001 (78 tuổi)
Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ
Dân tộc Kinh
Tôn giáo Công giáo
Họ hàng Anh ruột: Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Văn Kiểu
Vợ Nguyễn Thị Mai Anh

Nguyễn Văn Thiệu (5 tháng 4 năm 1923 - 29 tháng 9 năm 2001) nguyên là một sĩ quan trong Quân đội Quốc gia Việt Nam trực thuộc Pháp, từng được cả quân đội Pháp và Hoa Kỳ đào tạo, sau đó trở thành tướng lĩnh trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, mang cấp bậc Trung tướng. Sau vụ đảo chính năm 1963 lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, ông tham chính làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia Việt Nam Cộng hòa thời kỳ (1965 - 1967) và trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa thời kỳ (1967 - 1975).

Tiểu sử

Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5 tháng 4 năm 1923 tại Phan Rang, Tháp Chàm, có quê gốc tại tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận, (nay là xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), được rửa tội theo Công giáo với tên thánh là Martino. Ông là con út trong gia đình có bảy người con (năm trai, hai gái) nên lúc nhỏ được gọi là cậu Tám.1 Ông có hai người anh: Nguyễn Văn Hiếu (hơn ông Thiệu 16 tuổi)2 và Nguyễn Văn Kiểu. Nguyễn Văn Hiếu thời Đệ Nhị Cộng hòa được bổ làm đại sứ ở Ý còn Nguyễn Văn Kiểu làm đại sứ ở Đài Loan.3

Khi đi học ông lấy ngày sinh là ngày 24 tháng 12 năm 1924.1 Học hết lớp Đệ tứ ở quê nhà ông lên Sài Gòn để học nghề ở Trường Kỹ thuật Đỗ Hữu Vị(sau đổi là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng).[cần dẫn nguồn] Sau đó, ông được người anh cả Nguyễn Văn Hiếu giúp đưa vào học trong một trường dòng Công giáo của Pháp là Pellerin tại Huế. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông hoàn thành khóa học và quay trở về nhà. Trong ba năm Nhật Bản chiếm đóng, ông làm nông cùng với gia đình. Quan điểm của ông về chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng cùng với sự bại trận của Nhật Bản và sự quay lại của quân đội Pháp ở Đông Dương.

Ông thông thạo hai ngoại ngữ: tiếng Anh4 và tiếng Pháp.5

Binh nghiệp

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc năm 1945, ông tham gia lực lượng Việt Minh do Hồ Chí Minh đứng đầu.6 Ông cùng các đồng chí được huấn luyện quân sự trong rừng dùng gậy tre vì họ không có súng. Năng lực quản lý của ông sớm được công nhận, sau đó được bổ nhiệm trở thành một người đứng đầu Huyện. Nhưng sau chưa đến một năm, ông đào ngũ. Sau này, trong một cuộc phỏng vấn, ông nói lý do đào ngũ là "Tôi biết rằng Việt Minh là cộng sản" và rằng: "họ bắn người dân, họ lật đổ các ủy ban xã, họ tịch thu đất đai".6 Ông bí mật vào Sài Gòn, rồi với sự giúp đỡ của anh là Nguyễn Văn Hiếu, ông được nhận vào học Trường Hàng hải (1946-1947). Sau hai năm, ông được mang cấp sĩ quan, nhưng từ chối làm việc trên một con tàu khi biết được chủ người Pháp sẽ trả lương cho ông thấp hơn lương của sĩ quan Pháp.

Từ đó ông bỏ hẳn ý định theo nghiệp hàng hải và nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp, mang số quân: 43/300.661, ghi danh khóa đầu tiên khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1948 (Khoá Bảo Đại, sau đổi tên thành Khoá Phan Bội Châu) tại Trường Võ Bị Huế, tiền thân của Trường Võ bị Đà Lạt.

Tham gia quân đội Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên hiệp Pháp)

Tháng 6 năm 1949, ông tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy, thuộc lực lượng Quân đội Quốc gia Việt Nam thuộc Liên hiệp Pháp; chức vụ đầu tiên ông đảm nhiệm là Trung đội trưởng đồn trú tại Mỏ Cày, Bến Tre. Cùng năm đó, ông sang Pháp học ở Trường bộ binh Coedquidan (Võ bị Liên quân Saint Cyr).

Trong những trận giao chiến với Việt Minh, ông có tiếng là có năng lực chỉ huy. Do chính sách chế tài đối với những sĩ quan ở miền Trung và miền Nam nên ông được điều ra Bắc. Đầu năm 1951 ông được thăng cấp Trung úy đi học khoá Chỉ huy Chiến thuật tại Hà Nội. Cũng trong năm này ông kết hôn với Nguyễn Thị Mai Anh, con gái của một người hành nghề y thành đạt gốc ở Mỹ Tho thuộc tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Bà là một tín đồ Công giáo Roma. Sau đó ông đã cải đạo, theo tôn giáo của vợ. Ông bà Thiệu có ba người con: một gái, Nguyễn Thị Tuấn Anh và hai trai, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Thiệu Long. Tháng 7 cùng năm ông được điều về Trường Võ bị Đà Lạt làm Trung đội trưởng khóa sinh của khoá 5.

Năm 1952, sau khoá đào tạo Tiểu đoàn trưởng & Liên đoàn lưu động tại Hà Nội, ông được thăng cấp Đại úy và được điều chuyển cùng với Trung úy Cao Văn Viên, Đại úy Đỗ Mậu về Bộ chỉ huy Mặt trận Hưng Yên do Trung tá Dương Quý Phan làm Chỉ huy trưởng. Tại đó Đỗ Mậu giữ chức Tham mưu trưởng, còn ông giữ chức Trưởng phòng 3, và Cao Văn Viên giữ chức Trưởng phòng Nhì.

Năm 1954, được thăng cấp Thiếu tá chỉ huy Liên đoàn Bộ binh số 11 và đã dẫn đầu một cuộc hành quân đánh vào làng quê Thanh Hải, nơi ông từng sinh sống. Việt Minh rút lui vào căn nhà cũ của gia đình ông và tin rằng ông sẽ không tấn công tiếp, nhưng họ đã nhầm.7 Ông đã cho nổ mìn đánh bật được lực lượng Việt Minh ra khỏi khu vực, nhưng đồng thời căn nhà nơi ông sinh ra và lớn lên cũng bị phá hủy. Tháng 7, làm Trưởng phòng 3 Đệ Nhị Quân khu Trung Việt do Đại tá Trương Văn Xương làm Tư lệnh. Tháng 10 ông làm Tham mưu trưởng Đệ Nhị Quân khu sau khi bàn giao chức Trưởng phòng 3 cho Thiếu tá Trần Thiện Khiêm. Cuối năm đi làm Tiểu khu trưởng Ninh Thuận thay Thiếu tá Đỗ Mậu.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Sang thời Đệ Nhất Cộng hòa năm 1955 ông được thăng cấp Trung tá với chức Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Đà Lạt thay Trung tá Nguyễn Văn Chuân sau khi bàn giao Tiểu khu Ninh Thuận lại cho Thiếu tá Thái Quang Hoàng. Tháng 7-1957 ông bàn giao Trường Võ bị cho Đại tá Hồ Văn Tố du học khoá Chỉ huy & Tham mưu cao cấp tại Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ. Năm 1958 Nguyễn Văn Thiệu tái nhiệm Chỉ huy trưởng trường Võ bị thay lại cho Đại tá Tố đi làm Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Quang Trung.

Năm 1959, ông bàn giao Trường Võ bị cho Thiếu tướng Lê Văn Kim để đi học khoá Tình báo Tác chiến tại Okinawa, Nhật Bản. Mãn khoá học về làm Tham mưu trưởng Hành quân tại Bộ Tổng tham mưu. Ngày 26-10 cùng năm ông được thăng cấp Đại tá, ngay sau đó đi du học lớp Phòng không tại Trường Fort Bliss, Texas, Hoa kỳ.

Năm 1961, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh thay Đại tá Nguyễn Đức Thắng đi làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh. Cuối năm 1962 bàn giao Sư đoàn 1 lại cho Đại tá Đỗ Cao Trí (nguyên Chỉ huy trưởng Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế) để đi làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh thay Đại tá Nguyễn Đức Thắng về Bộ Tổng Tham mưu làm Trưởng phòng Hành quân.[cần dẫn nguồn]

Tham gia đảo chính và trở thành quốc trưởng

Năm 1963, ông tham gia lực lượng đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau đảo chính, ông được thăng lên Thiếu tướng kiêm Uỷ viên Hội đồng Quân nhân Cách mạng.

Đầu năm 1964, ông cũng tham gia cùng tướng Nguyễn Khánh thực hiện một cuộc đảo chính khác, gọi là "chỉnh lý năm 1964"; Tướng Khánh nắm quyền lãnh đạo chính quyền, ông được cử giữ chức Tổng Thư ký Hội đồng Quân nhân Cách mạng sau khi bàn giao Sư đoàn 5 cho đại tá Đặng Thanh Liêm (nguyên Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Quang Trung), cùng ngày nhậm chức Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng Tham mưu thay thế trung tướng Trần Thiện Khiêm. Ngày 8-2 kiêm Thứ trưởng Quốc phòng. Lần lượt ngày 9 và 15-9 từ nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng, bàn giao chức Tham mưu trưởng Liên quân cho Thiếu tướng Cao Văn Viên (nguyên Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù). Cùng ngày nhận chức Tư lệnh Quân đoàn IV & vùng 4 chiến thuật thay thế trung tướng Dương Văn Đức.

Đầu năm 1965 ông được thăng Trung tướng và giữ chức đệ Nhị Phó Thủ tướng nội các Trần Văn Hương. Bàn giao Quân đoàn IV cho Thiếu tướng Đặng Văn Quang (nguyên Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh). Ông được bổ nhiệm làm Đệ nhất Phó Thủ tướng trong nội các Phan Huy Quát kiêm Tổng trưởng Quân lực thay Trung tướng Trần Văn Minh, kiêm làm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Hội đồng Quân lực. Cũng năm này, chính phủ của Thủ tướng Phan Huy Quát đã giải tán và trao quyền lãnh đạo quốc gia lại cho Hội đồng Quân lực. Hội đồng tướng lĩnh đã bầu ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương. Nguyễn Văn Thiệu trở thành Quốc trưởng và Nguyễn Cao Kỳ trở thành Thủ tướng của chính phủ mới.

Trở thành Tổng thống

Huy hiệu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quan sát bản đồ Đông Á
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp phái đoàn Hải quân Hoa Kỳ

Năm 1967, dưới sự hậu thuẫn từ phía Mỹ và lực lượng đảng Dân chủ do chính ông thành lập, ông được bầu làm Tổng thống, tuyên bố thành lập nền Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam, với 34,8% số phiếu. Ông giữ chức này cho đến khi chính thể Đệ Nhị Cộng hòa sắp sụp đổ vào cuối tháng 4 năm 1975. Thời kỳ này chính phủ Việt Nam Cộng Hòa càng lệ thuộc vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ nhiều hơn cả chính phủ tiền nhiệm của Ngô Đình Diệm. Ông đã tập trung quyền lực vào ngành hành pháp trong khi làm suy yếu quyền lập pháp của Quốc hội.

Năm 1969, với tư cách Tổng thống, ông kêu gọi hòa bình bằng cách đề nghị bầu cử bao gồm cả lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhưng phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào để liên minh với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đều rất "nguy hiểm" do sẽ làm phật ý Mỹ.8 Cũng trong năm này, ông đã vượt quyền hiến pháp, cụ thể là điều luật quy định sự bất khả xâm phạm của dân biểu, để bắt giữ và mở tòa án quân sự kết án dân biểu Trần Ngọc Châu 10 năm khổ sai, sau khi vị dân biểu này đề nghị lập một đoàn gồm các nhà lập pháp Việt Nam Cộng hòa ra Bắc để đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.9

Trong những năm tại vị, ông đã ký tại Cần Thơ lệnh số 003/60 ban hành luật "Người cày có ruộng". Ông nói: "Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi". Báo chí Hoa Kỳ ca ngợi, tờ Washington Evening Star gọi đó là "Tin tức tốt đẹp nhất đến từ Việt Nam kể từ khi kết thúc sự chiếm đóng của người Nhật". Còn tờ New York Times cho rằng "Có lẽ đây là cuộc cải cách ruộng đất không cộng sản mang nhiều tham vọng và tiến bộ nhất của thế kỷ 20". Theo ông Nguyễn Tiến Hưng trong sách Khi đồng minh tháo chạy thì nhiều quan sát viên quốc tế đã cho chương trình "Người cày có ruộng" là một trong những chương trình cải cách điền địa thành công nhất ở các nước đang phát triển. Chương trình này đã tạo ra một tầng lớp tiểu nông đông đảo, thúc đẩy kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp phát triển. Nông dân hăng hái sản xuất và năng suất lao động trong sản xuất lúa gạo tăng lên, đời sống của nông dân được cải thiện.

Năm 1971, Việt Nam Cộng hòa tổ chức bầu cử Tổng thống một lần nữa. Sau cố gắng bất thành của Nguyễn Văn Thiệu trước kia nhằm gạt hẳn Nguyễn Cao Kỳ ra khỏi cuộc đua, trong kỳ này Dương Văn Minh rút lui không tham gia tranh cử và Nguyễn Cao Kỳ cũng từ chối ra tranh cử nên cuộc bầu cử chỉ có duy nhất một ứng cử viên là chính Nguyễn Văn Thiệu. Do chỉ có duy nhất ông Thiệu ứng cử nên kết quả đã được xác định từ trước khi bầu cử diễn ra. Nguyễn Văn Thiệu đắc cử với 94% số phiếu.10

Năm 1973, sau khi ký kết Hiệp định Paris, Quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, chỉ để lại lực lượng cố vấn để giúp Việt Nam Cộng hòa. Một thời gian ngắn sau đó Hoa Kỳ cũng cắt giảm một nửa các kinh phí viện trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa khiến khả năng quân sự của chính quyền này bị suy giảm nặng. Dầu vậy, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn đưa ra Chính sách Bốn Không làm căn bản trong chiến lược chống những người Cộng sản.

Trong thời gian làm Tổng thống, Nguyền Văn Thiệu đã hậu thuẫn rất mạnh mẽ cho vợ mình tổ chức mua bán hàng lậu, thu về những khoản lợi nhuận lớn. Bà Mai Anh (vợ Nguyễn Văn Thiệu) lập ra nhiều quỹ, trung tâm bảo trợ xã hội. Sau này, người ta mới biết được rằng, những quỹ, trung tâm đó là một trong những tấm bình phong cho các hoạt động buôn lậu của bà và đàn em. Năm 1974, một vụ buôn lậu của bà Mai Anh bị phát hiện, trị giá lô hàng gồm nhiều thứ xa xỉ phẩm hàng hiệu, đắt tiền khoảng 600 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ (tương đương 3 triệu USD). Những người phát hiện vụ việc thay vì được khen thưởng đã bị tống giam, trong khi không có ai đứng đầu tổ chức buôn lậu này bị xét xử11 12 . Theo hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ, từ tháng 10/1965, Nguyễn Văn Thiệu còn tham gia vào đường dây buôn ma túy bằng máy bay quân sự do các tướng Việt Nam Cộng hòa tổ chức13

Năm 1975

Tháng 3 năm 1975, sau khi Ban Mê Thuột bị Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh chiếm và quân đội Việt Nam Cộng hòa phản kích thất bại, Nguyễn Văn Thiệu tỏ ra lúng túng rồi quyết định rút bỏ toàn phần Cao nguyên Trung phần. Sai lầm chiến lược đó đã đưa đến những cuộc tháo chạy hỗn loạn khỏi các tỉnh Tây Nguyên và bị Quân giải phóng miền Nam tấn công gây thiệt hại nặng. Sau đó các tỉnh duyên hải miền Trung cũng thất thủ.

Để ngăn chặn các nhà báo đưa tin về việc việc thất trận tại Tây Nguyên, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ tù 19 nhà báo và đóng cửa 5 tờ báo. Sự gia tăng thù địch của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đối với báo chí nước ngoài đã đưa tới việc cảnh sát Sài gòn ra lệnh cho ký giả của Agence France-Presse là Paul Leandri phải tới Tổng Nha Cảnh Sát để thẩm vấn. Leandri đã cưỡng lại cuộc thẩm vấn, toan lái xe bỏ đi, và đã bị cảnh sát Sài gòn bắn chết. Paul Leandri chết khi mới 37 tuổi, để lại vợ trẻ mới mang bầu 4 tháng.14

Vài tuần cuối cùng trước khi cuộc chiến kết thúc, ông Thiệu lui vào trong dinh Độc Lập ngày càng nhiều hơn, ngày càng ít nói chuyện với các cố vấn hơn, ngay cả với cố vấn cao cấp Mỹ, người mà ông đã duy trì trong nhiều năm cũng hiếm khi thấy ông trong những ngày tháng 4/1975.

Trong cuộc khủng hoảng, Nguyễn Văn Thiệu đã cố gắng lần cuối trước khi từ chức, viết thư van nài Tổng thống Ford "cho vay nợ vì tự do", trong cơn tuyệt vọng, Nguyễn Văn Thiệu đã không cần mặc cả lãi suất vay nợ và còn đem cả tài nguyên đất nước ra thế chấp15 :

"Thưa Ngài Tổng thống,
Tôi đề nghị Ngài yêu cầu Quốc hội (Mỹ) đồng ý cho chúng tôi vay dài hạn lần cuối cùng số tiền 3 tỉ Mỹ kim được phân chia trong 3 năm và kỳ hạn hoàn trả là 10 năm, với mức lãi suất do Quốc hội Mỹ tự quyết định.
Tiềm năng về dầu hỏa và nguồn lợi về nông nghiệp của chúng tôi sẽ thế chấp cho món nợ này. Số tiền vay này được gọi là "Freedom Loan", sẽ cho phép chúng tôi có một cơ hội để được tồn tại... Trong giờ phút vô cùng khẩn thiết này, chúng tôi mong muốn Ngài thúc giục Quốc hội xem xét dễ dàng và cấp bách lời yêu cầu được vay "số tiền vì tự do" nêu trên của chúng tôi. Đây là hành động cầu xin cuối cùng mà chúng tôi, một người bạn đồng minh, gửi đến nhân dân Mỹ".

Tuy nhiên đề nghị vay nợ này bị Quốc hội Mỹ bác bỏ. Khi các lực lượng quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sắp giành được chiến thắng, do sức ép lớn từ các tướng dưới quyền như Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, bộ trưởng kinh tế Nguyễn Văn Hảo,16 ông từ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 1975, trao quyền cho Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay làm tổng thống.

Khi từ chức, Nguyễn Văn Thiệu đã xuất hiện trên truyền hình suốt 3 giờ đồng hồ tuyên bố từ chức, ông trách móc việc thoái thác trách nhiệm của chính phủ Mỹ bằng những lời cay cú công khai như:

Các ông đã tìm đường rút lui trong danh dự. Hiện nay khi quân đội chúng tôi thiếu vũ khí, đạn dược, máy bay trực thăng, không có máy bay B-52 yểm trợ, các ông đòi hỏi chúng tôi làm một điều không thể làm được giống như dùng đá lấp biển, giống như các ông đưa tôi chỉ có 3 đôla mà thúc giục chúng tôi đi bằng máy bay, ghế hạng nhất, mướn phòng 300 đôla một ngày ở khách sạn, ăn ba hay bốn miếng bít-tết và uống bảy tám ly rượu Tây một bữa. Đấy là điều kỳ quặc không bao giờ làm được.

Ông Thiệu đổ lỗi thất bại là do người Mỹ bằng những lời lẽ nửa tức giận, nửa thách thức17 :

“Mỹ đánh không lại Cộng sản nên bỏ mặc Việt Nam cộng hòa đánh một mình thì làm sao ăn. Có giỏi thì Mỹ vô đây lần nữa…”.

Và trong cuộc diễn thuyết cuối cùng trên tivi đó, ông Thiệu cũng đã lên án thẳng Hoa Kỳ là "một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo."18

Cũng trong bài diễn văn từ chức, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố mạnh mẽ rằng ông sẽ cầm súng tham gia chiến đấu: "Dù mất một tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ...". Nhưng những tuyên bố đó đã không được Nguyễn Văn Thiệu thực hiện. Chỉ 4 ngày sau, Nguyễn Văn Thiệu đã bí mật lên máy bay thoát khỏi Sài Gòn vào đêm ngày 25/4/1975. Cuộc ra đi của Nguyễn Văn Thiệu diễn ra bí mật trong đêm tối, dưới sự sắp đặt của Thomas Polgar - trưởng CIA ở Sài Gòn19

Đêm 25 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam. Để cho việc ra đi danh chính ngôn thuận, Trần Văn Hương ký quyết định cử Nguyễn Văn Thiệu là đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa đến Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch (dù thực ra Tưởng Giới Thạch đã chết từ trước đó 3 tuần).

Lưu vong

Tuy không chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài nhưng theo các nhân chứng kể lại, ông Thiệu được xem là có khả năng mang theo nhiều vali chứa vàng và các tài sản cá nhân của ông. Theo lời kể của Frank Snepp, Nguyễn Văn Thiệu mang theo mấy chiếc vali có vẻ rất nặng, và "khi họ đặt vali xuống, có tiếng kim loại va vào nhau"19 . Morley Safer, nhân viên CIA có mặt trong chuyến bay, cũng xác nhận rằng "những vali đó chứa đầy một thứ kim loại nặng"20 Trong hồi ký, Nguyễn Cao Kỳ viết: "Người ta nói là Thiệu đã mang theo những 5 va-li chứa đầy đô-la chạy ra nước ngoài cùng "tẩu tướng" Trần Thiện Khiêm vào cuối tháng 4/1975"21

Sau đó, ông đến Anh định cư. Đầu những năm 1990, ông Thiệu chuyển sang định cư tại Foxborough, bang Massachusetts, Mỹ và sống một cuộc sống thầm lặng trong quãng đời còn lại ở đây.

Ngày 16 tháng 6 năm 1990, ông Thiệu có một cuộc trả lời phỏng vấn mang tính lịch sử tại Orange County, California, với hơn 500 khách mời, cùng thời lượng 1 tiếng đồng hồ22 . Trong bài phỏng vấn này ông có nói rõ hoàn cảnh rời bỏ đất nước năm 1975, về lời đồn đại 16 tấn vàng.

Vào năm 1992, ông đã lên tiếng tố cáo sự xích lại gần nhau giữa chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng ít lâu sau ông lại có ý muốn tham gia vào các cuộc thảo luận hòa giải dân tộc, điều này đã làm một số người cực đoan tức giận, còn tướng Trần Văn Đôn nhận xét qua hồi ký của mình (xuất bản năm 1997) thì ông Thiệu là người thức thời với chủ trương đối thoại với chính quyền trong nước.[cần dẫn nguồn]

Ông Thiệu qua đời vào ngày 29 tháng 9 năm 2001 tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess Medical Center tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, sau khi đột quỵ tại nhà, thọ 78 tuổi. Ông được chôn cất tại Boston.23

Nguyễn Văn Thiệu và hiệp định Paris

Ngày 12/11/1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford công khai cảnh cáo ông Thiệu rằng nếu ông không tham dự Hòa đàm Paris, Hoa Kỳ sẽ hành động một mình và không cần đến ông. Phía Sài Gòn coi thông tin đó là ẩn ý Hoa Kỳ có thể gây đảo chính lật đổ Nguyễn Văn Thiệu. Tác giả Seymour Hersh, sau khi đúc kết các tài liệu về vụ này cho hay rằng sau cuộc bầu cử 1968, chính ông Kissinger đã báo động cho phía Nixon về mưu đồ của Clark Clifford và cảnh báo: "Nếu ông Thiệu chịu chung một số phận với ông Diệm thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nghĩ rằng làm kẻ thù của Mỹ có thể là nguy hiểm, chứ làm bạn với Mỹ chắc chắn là chết"24 .

Ông chính là người phản đối quyết liệt nhất việc ký kết Hiệp định Paris vào lúc đó, vì theo ông việc đó sẽ làm cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có được lợi thế đáng kể so với Việt Nam Cộng hòa. Cụ thể là người Mỹ sẽ chấm dứt những cam kết và ủng hộ của mình đối với Việt Nam Cộng hòa, đồng nghĩa với việc viện trợ cho chính phủ của ông bị cắt giảm và ưu thế quân sự sẽ nghiêng về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo quyển Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký của đối phương thì hãng AP dẫn lời của Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 8/1972 kêu gọi Mỹ "hãy ném bom tan nát miền Bắc Việt Nam". Cuối cùng, Mỹ đã thực hiện mong muốn đó của ông bằng chiến dịch Linebacker II, huy động 200 chiếc B-52 ném bom trải thảm miền Bắc Việt Nam suốt 12 ngày đêm. Cuốn hồi ký của Võ Nguyên Giáp cũng dẫn bài trên báo Nhân đạo (L'humanité) của Pháp bình luận rằng: "Ngay cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai, những viên tướng Pháp phản bội cũng không dám đề nghị đồng minh của chúng (Đức Quốc xã) tàn phá Paris (để ngăn quân Anh-Mỹ). Thế mà nay Thiệu lại muốn Mỹ ném bom tàn phá đất nước mình. Thiệu thật đáng xấu hổ hơn cả sự xấu hổ"25

Cuối cùng, chiến dịch Linebacker II đã thất bại và Mỹ đã chấp nhận ký Hiệp định Paris với những điều khoản có lợi cho quân Giải phóng. Nguyễn Văn Thiệu đã cố tình trì hoãn việc đồng ý ký kết hiệp định, nhưng phía Mỹ đã có quyết định dứt khoát về việc này và gây áp lực cho chính phủ của ông, trong thư của Tổng thống Nixon gửi ông vào ngày 16 tháng 1 có đoạn: "Tôi đã quyết định dứt khoát sẽ ký tắt hiệp định vào ngày 23 tháng 1 năm 1973 tại Paris. Nếu cần tôi sẽ làm đúng như nói trên một mình. Trong trường hợp đó tôi phải giải thích công khai rằng chính phủ của ông cản trở hòa bình. Kết quả sẽ là sự chấm dứt không tránh khỏi và lập tức viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ - và một sự thay đổi nhân sự trong chính phủ của ông khó mà nói trước".

Trong bức thư đề ngày 6 tháng 10 năm 1972, Nixon còn ngầm đe dọa: "Tôi yêu cầu ông cố áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968...". Cũng theo cuốn Khi đồng minh tháo chạy của Nguyễn Tiến Hưng, ngày 21/10/1972, hai chuyên viên trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ là Roger Morris và Anthony Lake đã viết cho cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger một phúc trình mà trong đó có nói tới các phương án lật đổ Nguyễn Văn Thiệu. Sau này, Morris xác nhận: "Tôi bảo Tony rằng hai đứa mình phải cho Henry hiểu rõ là ta sẵn sàng thanh toán Thiệu".

Kết quả là Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận ký kết hiệp định một cách miễn cưỡng, mặc dù đã được chính phủ của Tổng thống Nixon cam kết sẽ đảm bảo sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa, Nixon cũng bí mật cam kết với Nguyễn Văn Thiệu rằng sẽ khôi phục lại việc Hoa Kỳ cho B-52 ném bom không kích chống lại bắc Việt Nam để trả đũa cho bất kỳ cuộc tấn công tăng cường nào của những người cộng sản. Nhưng Nixon đã từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, và những lời hứa của Nixon cũng không bao giờ được thực hiện.

Trả lời phỏng vấn đài ABC Mỹ ngày 31 tháng 1 năm 1975, ông Thiệu nói Hiệp định Paris đã không công bằng về hòa bình (nguyên văn: unfair), vì miền Bắc Việt Nam có quyền tự do phát triển kinh tế, có hòa bình, lại có thể điều quân và vũ khí vào miền Nam mà không chịu bất kỳ phản ứng nào của Hoa Kỳ, trong khi miền Nam Việt Nam thì bị chiến tranh.26

Ngày 23 tháng 1 năm 1973, Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành Công điện số 004-TT/CĐ gửi Thủ tướng chính phủ, các đô, tỉnh, thị trưởng, Tổng Tham mưu trưởng và Tư lệnh các Quân đoàn, quân khu "ra lệnh treo cờ trên toàn quốc" nhằm "tràn ngập lãnh thổ bằng cờ quốc gia để xác nhận phần đất và phần dân"27 . Trong đó ấn định ngày giờ cụ thể: "Ngày giờ có thể là 12 giờ trưa, ngày thứ Tư, 24 tháng 1 năm 1973. Ngày giờ này sẽ được xác nhận vào sáng thứ Tư, 24 tháng 1 năm 1973 vừa bằng công điện vừa bằng hai đài phát thanh quốc gia và quân đội"27 . Cùng ngày, thực hiện công điện của Nguyễn Văn Thiệu, tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa ra lệnh cho quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện chiến dịch "Tràn ngập lãnh thổ". Cụ thể: "Yêu cầu các nơi nhận lãnh ngay Quốc kỳ tại cơ quan tiếp vận liên hệ. Theo tiêu chuẩn mỗi quân nhân ba lá và phân phối cho toàn thể quân nhân các đơn vị hành quân. Thực hiện cắm cờ trong vùng hành quân tại các vị trí trọng yếu: Đình, chùa, nhà thờ, trường học, cầu cống, đồi núi, cao điểm, nhà dân chúng…"28 Bằng hành động được coi là sự vi phạm Hiệp định Paris này, Nguyễn Văn Thiệu hy vọng quân Việt Nam Cộng Hòa có thể kiểm soát thêm một số lãnh thổ trước khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Nhận xét

Nguyễn Văn Thiệu có ý kiến khác biệt với chính phủ Mỹ về văn bản chính thức của Hiệp định Paris, thực tế sau này cho thấy nhận thức của ông về sự thất bại có thể xảy ra cho Việt Nam Cộng hòa nếu chấp nhận văn bản đó là đúng đắn. (Cuối cùng, dưới áp lực của Mỹ, chính phủ của Việt Nam Cộng hòa đã bị buộc ký vào hiệp định Paris). Ông là vị nguyên thủ quốc gia có thái độ cứng rắn với Cộng sản với Lập trường bốn không: không chấp nhận, không thương lượng, không liên hiệp và không nhượng đất cho Cộng sản. Ông bị chỉ trích về khả năng lãnh đạo quân sự.

Đánh giá của người trong cuộc

  • Tướng Cao Văn Viên, trong một cuộc phỏng vấn lúc cuối đời, đã có một số nhận xét về Nguyễn Văn Thiệu cũng như so sánh giữa Nguyễn Văn Thiệu và Ngô Đình Diệm[cần dẫn nguồn]: "Mỗi người độc tài theo cách riêng. Tổng thống Diệm cai trị nước như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống cộng, tự ban cho mình 'thiên mạng' cứu nước.Tổng thống Diệm tự hào về dân tộc, tự đại về gia đình, thích độc thoại, không chấp nhận dễ dàng sự chỉ trích. Ông chủ trương 'tiết trực tâm hư' nhưng bị ảnh hưởng nặng của gia đình. Còn ông Thiệu thì theo đường lối 'độc tài trong dân chủ, bên trong chi phối cả hai ngành lập pháp và tư pháp. Bàn tay sắt trong đôi găng nhung.
  • "Vì không vững kiến thức như ông Diệm, ông Thiệu chịu khó thăm dò ý kiến của các chuyên viên, lắng nghe, đúc kết lại để quyết định một mình. Tổng thống Diệm dễ tin người xu nịnh nên dễ bị phản trắc. Ông Thiệu đa nghi Tào Tháo và không e ngại ban phát ân huệ để tạo phe cánh và chia rẽ đối phương như ông đã làm tại Quốc hội. Ông chủ trương 'làm chính trị phải lì'. Bởi thế Tổng thống Thiệu 'lật' ông Kỳ không khó và tồn tại lâu hơn Tổng thống Diệm nhưng ông không khí khái bằng ông Diệm. Ông Thiệu mưu sĩ, ông Diệm đạo đức."
  • Cựu Bí thư kiêm Tham vụ Báo chí Hoàng Đức Nhã, cựu bộ trưởng Dân vận và Chiêu hồi của VNCH, và cũng là em họ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận xét về ông như sau: "Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người ái quốc, có đường lối lãnh đạo quốc gia rất rõ ràng theo quy định của Hiến pháp mà không phải là người bất chấp Hiến pháp. Cho đến hơi thở cuối cùng, dù không còn làm Tổng thống nữa, ông vẫn muốn tập thể Việt Nam ở hải ngoại hậu thuẫn giúp cho đồng bào ở trong nước vẫn sống trong một chế độ không được dân chủ ở Việt Nam hiện nay."29
  • Trong số các chính khách nước ngoài, Henry Kissinger về sau trong hồi ký của mình đã dành những lời rất nặng nề để nói về Nguyễn Văn Thiệu. Mặc dù không phủ nhận rằng Tổng thống Thiệu là một người khôn ngoan hoạt bát nhưng lại cho rằng, Nguyễn Văn Thiệu đã điều hành quốc sự theo một kiểu "tàn bạo", "xấc láo", "ích kỷ, độc ác" với những "thủ đoạn gần như điên cuồng" khi làm việc với người Mỹ. Kissinger cũng tiết lộ rằng, khi nói về việc Nguyễn Văn Thiệu ngăn cản Mỹ ký Hiệp định Paris, Tổng thống Nixon đã giận dữ thốt lên: "Ông sẽ hiểu thế nào là sự tàn bạo nếu tên đểu giả đó không chịu chấp thuận. Ông hãy tin lời tôi."30 [cần dẫn nguồn]

Câu nói

  • Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm!31 32
  • Sống mà không có tự do là chết.33
  • Đất nước còn, còn tất cả, đất nước mất, mất tất cả34
  • Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống cộng !35 36
  • Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập !37
  • Nếu họ (Hoa Kỳ) muốn ám sát tôi thì cũng dễ thôi. Rồi sau đó cứ việc đổ cho Việt Cộng hoặc là do âm mưu đảo chính.38
  • Họ (Hoa Kỳ) đã đâm sau lưng chúng tôi39
  • Hoa Kỳ là một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo18

Câu chuyện về 16 tấn vàng

Trước và sau năm 1975, báo chí thế giới và trong nước loan tin tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước khi ra đi đã mang theo 16 tấn vàng là tài sản quốc gia. Câu chuyện bắt nguồn từ việc Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Thống Đốc Ngân hàng Quốc gia Lê Quang Uyển đã liên lạc với các hãng hàng không TWA, Pan Am và Hãng bảo hiểm Lloyd's ở London để chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài nhằm mua vũ khí, nhưng thông tin bị lộ ra ngoài. Ngày 5 tháng 4, một số tờ báo Anh, Mỹ đã bắt đầu đăng tải những bản tin sốt dẻo đó, với sự ám chỉ về một âm mưu chiếm đoạt vàng của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.40 Các tờ báo quốc tế có phóng viên thường trú tại Sài Gòn đưa tin "tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chuẩn bị mang 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam". Không chỉ BBC, AP, mà nhiều tờ báo khác như Los Angeles Times lúc đó cũng đăng tin. Báo chí Việt Nam Cộng hòa cũng đưa tin về sự kiện này, khiến nhiều người nghĩ rằng 16 tấn vàng đã chuyển ra nước ngoài rồi.

Các hãng hàng không và bảo hiểm quốc tế từ chối phi vụ này vì sợ bị dư luận chỉ trích, khiến kế hoạch chuyển vàng bị đình trệ. Đại sứ Mỹ Graham Martin can thiệp để giúp Nguyễn Văn Thiệu chuyển 16 tấn vàng đi. Martin thuyết phục được Nguyễn Văn Thiệu chuyển 16 tấn vàng vào Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York (Federal Reserve Bank of New York).

Sáng ngày 25 tháng 4, một chiếc máy bay quân sự Mỹ từ căn cứ không quân Clark (Philippines) đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn, sẵn sàng bốc 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam "trước 7 giờ sáng 27/4" theo như kế hoạch của Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng trước đó (ngày 21/4), Nguyễn Văn Thiệu đã buộc phải từ chức, ông không còn quyền lực gì nên không thể ra lệnh cho Bộ quản lý ngân khố mở hầm chứa để chuyển 16 tấn vàng đi. Những người kế nhiệm đã không chịu chuyển vàng theo ý ông Thiệu nữa do sợ bị kết tội phản quốc. Lúc ấy, đại sứ Mỹ Graham Martin rất tức giận khi không lấy được 16 tấn vàng chở qua Mỹ. Đến mức, trong cuộc trả lời phỏng vấn Nguyễn Tiến Hưng ngày 27/3/1985, Martin nói về sự điên rồ này: "Vào lúc chót, tôi có nghĩ đến việc liên lạc với người bạn cũ ở Thái Lan là tư lệnh không quân Dhawee Chulasapaya. Sau đó, kêu gọi thêm một số thủy quân lục chiến Thái Lan bay qua Sài Gòn để mang số vàng đi. Nhưng chỉ nghĩ thế thôi. Vàng vẫn còn lại ở đó"41 42 .

Câu chuyện này lan truyền rất rộng rãi nhưng không có sự xác nhận hay phủ nhận chính thức của chính quyền trong nước. Đến năm 2006, báo Tuổi trẻ đã thực hiện một loạt phóng sự điều tra xác nhận rằng toàn bộ số vàng (1234 thỏi) và tiền mặt (hơn 1000 tỷ đồng) vẫn ở lại Việt Nam và đã được bàn giao cho Ban Quân quản "khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ,"43 như vậy 16 tấn vàng không hề được chuyển đi. Ông Lữ Minh Châu nguyên Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định, là người tổ chức tiếp quản toàn bộ tiền, vàng của chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng xác nhận 16 tấn vàng, tiền dự trữ và châu báu, nữ trang còn nguyên và được chuyển vào ngân khố quốc gia.44

Tóm lại, việc Nguyễn Văn Thiệu có kế hoạch chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài (với sự giúp sức của Mỹ) là có thật, nhưng kế hoạch này đã bất thành do ông Thiệu phải từ chức trước khi kế hoạch được thực hiện.45

Sách về Nguyễn Văn Thiệu

  • "Tâm Tư Tổng thống Thiệu" của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn của tổng thống Thiệu kiêm Tổng trưởng Kế hoạch trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Chuyện bên lề

Tác phẩm điện ảnh của Hongkong - Thần bài 3 có nhắc đến tên "Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu" một cách cố ý.

Gia đình

Năm 1951, Nguyễn Văn Thiệu kết hôn với bà Nguyễn Thị Mai Anh, là con gái thứ bảy (nên còn có biệt danh Cô Bảy Mỹ Tho) trong một gia đình có mười anh chị em. là gia đình Công giáo toàn tòng ở Mỹ Tho, có truyền thống làm nghề thầy thuốc.

Ghi chú

  1. ^ a ă Nguyễn Tiến Hưng. Tr 360
  2. ^ "South Viet Nam: A Vote for the Future" theo báo Time số 15 tháng 9 năm 1967
  3. ^ Hà Thúc Ký. Sống còn với Dân tộc, hồi ký chính trị. ?: Phương Nghi, 2009. tr 301-4
  4. ^ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu họp báo BBC 31.01.1975
  5. ^ Phim tài liệu về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
  6. ^ a ă “Los angeles time, David Lamb,1/10/2001”. bằng tiếng Anh. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2001.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  7. ^ "South Viet Nam: A Vote for the Future". Time. ngày 15 tháng 9 năm 1967.
  8. ^ Chiến tranh Việt Nam-Được và Mất-Nigel Cawthorne-Nhà xuất bản Đà Nẵng, tr. 344
  9. ^ Frances FitzGerald, Fire in the Lake, Vintage Book, New York, 1972, p. 513
  10. ^ Frances FitzGerald, p. 528
  11. ^ “(T7) Bí mật về vụ buôn lậu của đệ nhất phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chấn động Sài Gòn”. Báo điện tử Người đưa tin. Truy cập 2 tháng 10 năm 2015. 
  12. ^ “Vụ buôn lậu của đệ nhất phu nhân chấn động Sài Gòn (Kỳ cuối)”. Báo đời sống & pháp luật Online. Truy cập 2 tháng 10 năm 2015. 
  13. ^ “Kỳ 4: 'Tướng hỏa tuyến' vạch trần chuyến hàng thuốc phiện của Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu”. Một Thế giới. Truy cập 2 tháng 10 năm 2015. 
  14. ^ Tuần báo TIME số đề ngày 24 tháng 3 năm 1975
  15. ^ “Một Thế giới - Thông tin trong tầm tay”. Một Thế giới - Thông tin trong tầm tay. Truy cập 11 tháng 8 năm 2016. 
  16. ^ Cuộc từ chức đầy kịch tính của Tổng thống Thiệu, Tiền phong
  17. ^ “Phú Yên Online”. Truy cập 11 tháng 8 năm 2016. 
  18. ^ a ă http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/ho-so/20060427/ky-2-chuyen-ra-di-bi-mat/134801.html
  19. ^ a ă http://kienthuc.net.vn/giai-ma/chuyen-bay-dinh-menh-cua-nguyen-van-thieu-2-244094.html
  20. ^ Flashbacks, Morley Safer, St Martins Press/Random House, 1991
  21. ^ “Kỳ 22 - Tại sao TT Marcos khuyên Nguyễn Cao Kỳ "để sẵn va-li đầu giường ngủ" và câu chuyện về "Quế tướng công"?”. Một Thế giới. Truy cập 2 tháng 10 năm 2015. 
  22. ^ Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn
  23. ^ "Former President Thiệu Died"
  24. ^ “Khi Ðồng Minh Tháo Chạy”. Người Việt. Truy cập 2 tháng 10 năm 2015. 
  25. ^ Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2011. Trang 1148
  26. ^ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu họp báo BBC năm 1975, YouTube.
  27. ^ a ă Công điện số 004-TT/CĐ ngày 23.01.1973, của Tổng thống chính quyền Sài Gòn, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1229
  28. ^ Công điện hỏa tốc số 006-TTM/TC.CTCT/KH.1 Ngày 23.01.1973, của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân lực chính quyền Sài Gòn, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1229
  29. ^ Di sản cự̣u Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
  30. ^ Kissinger, Henry. À la maison blanche 1968-1973. Edition Fayard. Paris. 1979
  31. ^ “ĐÚNG! Đừng Nghe Những Gì CS Nói, Mà Hãy Nhìn Những Gì CS Làm!”. Việt Báo Daily Online. Ngày 26 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2013. 
  32. ^ Hà Minh Thảo (ngày 16 tháng 7 năm 2013). “Cứu trợ nạn nhân là nghĩ vụ pháp lý và đạo đức”. TTX Công giáo Việt Nam. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2013. 
  33. ^ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: 'Sống mà không có tự do là chết'
  34. ^ [1]
  35. ^ Michael Mc Lear. Vietnam, the ten thousand day wa r. Thames Methuen. London. 1982. pg. 896.
  36. ^ Nguyễn Tiến Hưng: Khi đồng minh tháo chạy (Trích thư Nguyễn Văn Thiệu gửi quốc hội và tổng thống Hoa Kỳ năm 1974)
  37. ^ Michael Mc Lear. Vietnam, The Ten Thousand Day War. London: Thames Methuen, 1982. trang 895.
  38. ^ Tổng thống Sài Gòn cũ Nguyễn Văn Thiệu và con đường chiến bại (kỳ III) An ninh Thế giới
  39. ^ Việt Nam. Cuộc chiến 10.000 ngày. Tập 8 - Hòa bình
  40. ^ Báo Tuổi Trẻ, Kỳ 4: Kế hoạch bí mật từ dinh tổng thống, 29/04/2006 truy cập được đến ngày 7/12/2007
  41. ^ Frank Snepp, Decent Interval, Penguin Books Ltd. 1980, p.334
  42. ^ “Câu chuyện 16 tấn vàng tháng 4/1975 (phần 4) - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 2 tháng 10 năm 2015. 
  43. ^ Câu chuyện 16 tấn vàng tháng 4-1975
  44. ^ Người "buôn tiền" thành bộ trưởng 04/10/2006
  45. ^ “Bí mật 16 tấn vàng trong ngày 30/04/1975”. 

(Nguồn: Wikipedia)