Trần Văn Hương | |
---|---|
Chức vụ | |
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa | |
Nhiệm kỳ | 21 tháng 4 năm 1975 – 28 tháng 4 năm 1975 |
Tiền nhiệm | Nguyễn Văn Thiệu |
Kế nhiệm | Dương Văn Minh |
Phó Tổng thống | Nguyễn Văn Huyền |
Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa | |
Nhiệm kỳ | 1971 – 1975 |
Tiền nhiệm | Nguyễn Cao Kỳ |
Kế nhiệm | Nguyễn Văn Huyền |
Tổng thống | Nguyễn Văn Thiệu |
Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa lần 1 | |
Nhiệm kỳ | 4 tháng 11 năm 1964 – 27 tháng 1 năm 1965 |
Tiền nhiệm | Nguyễn Khánh |
Kế nhiệm | Nguyễn Xuân Oánh |
Quốc trưởng | Phan Khắc Sửu |
Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa lần 2 | |
Nhiệm kỳ | 28 tháng 5 năm 1968 – 1 tháng 9 năm 1969 |
Tiền nhiệm | Nguyễn Văn Lộc |
Kế nhiệm | Trần Thiện Khiêm |
Tổng thống | Nguyễn Văn Thiệu |
Thông tin chung | |
Đảng phái | Đảng Phục hưng |
Sinh | 1902 làng Long Châu, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long |
Mất | 27 tháng 1, 1982 (80 tuổi) Sài Gòn, Việt Nam |
Nơi ở | Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa |
Nghề nghiệp | Chính khách |
Dân tộc | Kinh |
Tôn giáo | Phật giáo |
Họ hàng | Trần Văn Dõi (con) |
Con cái |
|
Trần Văn Hương (1902-1982) là một chính khách Việt Nam Cộng Hòa, từng là cựu Thủ tướng (1964-1965 và 1968-1969), Phó Tổng thống (1971-1975) và rồi Tổng thống trong thời gian ngắn ngủi bảy ngày (21 tháng 4 năm 1975 - 28 tháng 4 năm 1975) của Việt Nam Cộng hòa.
Thân thế
Trần Văn Hương sinh năm 1902 tại làng Long Châu, quận Châu Thành (nay là thành phố Vĩnh Long), tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nghèo. Nhờ học giỏi và được sự hy sinh của gia đình, cậu học sinh Trần Văn Hương được ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, ông giáo Trần Văn Hương được bổ về dạy tại trường Collège Le Myre De Villers tại Mỹ Tho, cũng là ngôi trường cũ mà ông đã theo học mấy năm trước. Thời gian 1943-1945, ông Hương là giáo sư dạy môn văn chương và luận lý tại trường này. Ông là một thầy giáo đã từng đào tạo nhiều học trò nổi tiếng (tướng Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, cũng tự nhận là một học trò của ông) và từng giữ chức vụ Đốc học Tây Ninh.
Thời kỳ tham chính
Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, ông tham gia chính quyền Việt Minh với tư cách nhân sĩ tự do. Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, năm 1946, do ông biết lực lượng Việt Minh là Cộng sản quy chụp cho nhiều trí thức là Việt gian rồi đem thủ tiêu nên ông bỏ về quê sống ẩn dật1 và tuyên bố bất hợp tác với cả chính quyền Việt Minh lẫn Pháp và Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, sau này là Quốc gia Việt Nam. Sau đó, ông vào Sài Gòn mở hiệu thuốc cho đến năm 19541 . Trong thời gian đó ông lập đảng Phục Hưng, nhóm họp một số nhân vật chính trị như Tổng trưởng Kinh tế và Kế hoạch Trần Văn Văn.2
Sau Hiệp định Genève, năm 1955, ông ra làm đô trưởng Sài Gòn trong chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm một thời gian ngắn. Sau đó, ông từ chức để phản đối chính sách độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng hòa. Năm 1960, ông cùng 17 nhân sĩ thành lập nhóm Tự do Tiến bộ, tổ chức họp báo tại khách sạn Caravelle (thường được gọi là "nhóm Caravelle"), chính thức xác nhận địa vị đối lập với chính quyền. Khi cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi đứng đầu nổ ra, nhóm đã tuyên bố ủng hộ. Vì thế ông cùng 17 vị nhân sĩ nhóm Caravelle bị chính quyền bắt giam. Trong tù, ông có viết một tập thơ lấy tên là Lao trung lãnh vận (tức "Những vần thơ lạnh lẽo ở trong tù").
Thủ tướng
Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, năm 1964, ông lại được cử giữ chức Đô trưởng Sài Gòn lần thứ hai. Không lâu sau, ngày 4 tháng 11 năm 1964, ông lại được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời giữ ghế Thủ tướng và lập Nội các3 .
Thứ tự | Chức vụ | Tên |
---|---|---|
1 | Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quân lực | Trần Văn Hương |
2 | Đệ Nhất Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ | Nguyễn Lưu Viên |
3 | Đệ nhị Phó thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia | Nguyễn Xuân Oánh |
4 | Tổng trưởng Ngoại giao | Phạm Đăng Lâm |
5 | Tổng trưởng Tư pháp | Lữ Văn Vi |
6 | Tổng trưởng Thông tin | Lê Văn Tuấn |
7 | Tổng trưởng Kinh tế | Nguyễn Duy Xuân |
8 | Tổng trưởng Tài chánh | Lưu Văn Tính |
9 | Tổng trưởng Cải tiến Nông thôn | Ngô Ngọc Đối |
10 | Tổng trưởng Công chánh | Lê Sĩ Ngạc |
11 | Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục | Phan Tấn Chức |
12 | Tổng trưởng Y tế | Trần Quang Diệu |
13 | Tổng trưởng Xã hội | Đàm Sĩ Hiến |
14 | Tổng trưởng Lao động | Nguyễn Hữu Hùng |
15 | Tổng trưởng Phủ Thủ tướng | Phạm Văn Toàn |
Sang Tháng Giêng năm 1965 trước áp lực của phe quân nhân, Trần Văn Hương phải cải tổ Nội các, thu nạp thêm bốn tướng lãnh. Nội các mới có thêm những chức vụ sau đây.
Thứ tự | Chức vụ | Tên |
---|---|---|
1 | Đệ nhị Phó thủ tướng | Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu |
2 | Tổng trưởng Quân lực | Trung tướng Trần Văn Minh |
3 | Tổng trưởng Tâm lý chiến | Thiếu tướng Linh Quang Viên |
4 | Tổng trưởng Thanh niên Thể thao | Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ |
Nguyễn Xuân Oánh chuyển xuống làm Đệ tam Phó thủ tướng.4 Tuy nhiên chính phủ của Trần Văn Hương không tồn tại được lâu vì ngày 27 tháng 1 năm 1965, tướng Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý, lật đổ chính quyền dân sự và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu bị truất phế. Trần Văn Hương cũng bị bắt và quản thúc một thời gian ở Vũng Tàu.
Năm 1968, để tạo ảnh hưởng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời ông ra làm Thủ tướng lần thứ hai.
Phó tổng thống
Năm 1971, ông cùng Nguyễn Văn Thiệu liên danh ứng cử và đắc cử chức vụ Phó tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975.
Tổng thống
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Ông cũng chỉ nắm chức vụ trong 7 ngày. Ngày 28 tháng 4, ông đã trao quyền lãnh đạo cho tướng Dương Văn Minh để tìm cách điều đình với lực lượng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đang tiến vào sát thủ đô Sài Gòn. Ông được xem là vị tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.
Đời tư
Ông lấy vợ họ Lưu, sống ở căn nhà số 216 đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Ông bà có hai người con trai. Con trai lớn là Trần Văn Dõi (1924-2011) và con thứ là Trần Văn Đính (sinh 1925). Trần Văn Dõi theo Việt Minh rồi bỏ ra Bắc. Trần Văn Đính làm phụ tá cho cha ở Sài Gòn rồi tỵ nạn sang Mỹ năm 1975, sống ở California. Cháu nội Trần Bảo Danh (con của Trần Văn Đính) nay sống ở Oregon, Hoa Kỳ.5
Sau năm 1975
Sau 1975, ông chọn ở lại quê hương, tiếp tục sống ở căn nhà 216, nay đổi tên thành đường Điện Biên Phủ. Năm 1977, ông được chính quyền Việt Nam trao trả quyền công dân nhưng ông khước từ. Ông nói rằng:
“ | Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi!5 | ” |
Những năm tháng cuối đời, ông sống chung với em gái, em rể, và người con trai lớn là Lưu Vĩnh Châu, tên thật là Trần Văn Dõi, một cán bộ của Ban Công nghiệp Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, nguyên là đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từng tham gia trận Điện Biên Phủ.
Ông mất ngày 27 tháng 1 năm 1982, nhằm ngày mồng ba Tết Nhâm Tuất, hưởng thọ 80 tuổi.
Xem thêm
- Thủ tướng Việt Nam
- Tổng thống Việt Nam Cộng hòa
Tham khảo
- ^ a ă Chuyện người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là con trai... Tổng thống chính quyền Sài Gòn Trần Văn Hương, Xuân Ba, Báo Tiền Phong, phát hành ngày 07/05/2005
- ^ Mở lại hồ sơ Trần Văn Văn...
- ^ Lâm Vĩnh Thế. Bạch Hóa Tài liệu Mật Của Hoa Kỳ Về Việt Nam Cộng Hòa. Hamilton, ON: Hoài Việt, 2008. Trang 182-3.
- ^ Lâm Vĩnh Thế. Bạch Hóa Tài liệu Mật Của Hoa Kỳ Về Việt Nam Cộng Hòa. Hamilton, ON: Hoài Việt, 2008. Trang 198-9.
- ^ a ă "Những ngày cuối cùng của Tổng thống Trần Văn Hương" theo báo Người Việt
(Nguồn: Wikipedia)