Mục Lục [Thu / Mở]

Hội nghị Paris về Việt Nam kết thúc với việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 đã buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà. Đây là kết quả của gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp Thế giới.

Chiến cục năm 1972 tại Việt Nam không phải là ngoại lệ với tình trạng "vừa đánh, vừa đàm". Lịch sử thế giới đã từng chứng kiến những điều tương tự xảy ra trong cuộc chinh phạt châu Âu của Napoleon (1799-1815), ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông của nhà Trần (thế kỷ XIII), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (đầu thế kỷ XV). Nhưng ở thời điểm năm 1972, khi các bên đã bước vào một cuộc đua nước rút nhằm biến kết quả về quân sự trên chiến trường thành kết quả chính trị-ngoại giao được ghi nhận bằng một hiệp định. Chính vì vậy, có thể coi Hội nghị Paris không chỉ là cuộc đàm phán thông thường mà còn là một "cuộc chiến không tiếng súng" của các nhà ngoại giao các bên; có ảnh hưởng rất lớn tới những kết quả cuối cùng của chiến cục năm 1972 cũng như đến toàn bộ cuộc Chiến tranh Việt Nam.1 . Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi Hội nghị Paris không chỉ là các cuộc đàm phán ngoại giao thông thường mà còn là một mặt trận. Mặt trận ấy không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của người Việt Nam mà còn đem lại sự xác nhận những kết quả của các cuộc đấu tranh vũ trang và chính trị trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Theo đánh giá của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì:

Kết quả quân sự của Chiến cục ở Việt Nam năm 1972 được ghi nhận tại các điểm b và c, Điều 3, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có ý nghĩa như một bước ngoặt lớn không chỉ đối với người Việt Nam mà còn đối với cả thế giới, trước hết là ba cường quốc: Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc. Nhà sử học Nga Ilya V. Gaiduk nhận xét: Đối với Moskva, sự chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách đối ngoại của họ... chướng ngại vật đáng kể trên lộ trình hòa giải với phương Tây đã bị loại bỏ. Điều đó còn bao hàm một sự mềm dẻo hơn trong chính sách đối ngoại của Liên Xô đối với Trung Quốc... Xét về khía cạnh này, Chiến tranh Việt Nam là một bước ngoặt trong sự phát triển quan hệ quốc tế sau năm 1945 và là một phần mở đầu cho hai thập kỷ cuối của lịch sử Chiến tranh Lạnh.3 Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: có lúc ném đá đi và có lúc phải nhặt đá về, có lúc ôm nhau và có lúc phải buông nhau ra.4 . Giống như các cuộc xung đột quân sự trên chiến trường đã kéo dài đến năm thứ 18, các bên tham chiến đều thấy rằng đã đến lúc phải đi đến một kết quả nhất định được đánh dấu bằng những thỏa thuận chính trị-ngoại giao được ghi nhận theo trình tự của công pháp quốc tế. Tại buổi gặp riêng lần thứ 15 ngày 1 tháng 8 năm 1972 tại nhà riêng của đoàn Việt Nam tại phố Darthé (Paris), Kissinger đề nghị: "Chúng tôi đồng ý cần giải quyết vấn đề chính trị và vấn đề quân sự cùng với nhau".5 Ông đã đưa ra một đề nghị mới gồm 12 điểm và cam đoan rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng mọi sự thảo thuận không những về tinh thần mà còn cả về lời văn. Với cố gắng san lấp hố ngăn cách giữa những bất đồng của hai bên, Hoa Kỳ chấp nhận hình thức căn bản đề nghị bảy điểm và hai điểm nói rõ thêm của phía Việt Nam; đồng thời sẵn sàng bảo đảm với các đồng minh của Việt Nam, gắn mối quan hệ quan trọng của Hoa Kỳ với Liên Xô và Trung Quốc vào thiện chí của Hoa Kỳ ở Việt Nam.6 . Trong cuộc gặp riêng ngày 15 tháng 9 năm 1972; Lê Đức Thọ nêu một câu hỏi: "Ông có sẵn sàng đạt được một hiệp định về nguyên tắc đến một thời hạn nào đó không?". Kissinger trả lời: "Tôi thấy rằng không có điều gì bất lợi để ấn định một thời hạn cuối cùng trong lúc mà chúng ta chưa đưa thêm nhận nhượng nào".5 Hai bên hẹn gặp lại vào ngày 26 và 27 tháng 9. Và đến ngày 8 tháng 10, phía Việt Nam đưa ra bản dự thảo "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam".

Trước khi đàm phán được tổ chức

1964-1965 và quá trình tăng quân của Mỹ tại Việt Nam

Từ cuối năm 1964, những thất bại liên tiếp trên chiến trường, số lượng ấp chiến lược được giải phóng bởi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và lực lượng du kích liên tục tăng, không có dấu hiệu giảm và chính trường Sài Gòn trở lên cực kỳ lộn xộn và rối ren bởi hàng loạt các cuộc đảo chính khác nhau khiến Chương trình "Chiến tranh đặc biệt của Mỹ tại Việt Nam có nguy cơ sụp đổ. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara phải thừa nhận: "tình hình chính trị và quân sự (của Việt Nam Cộng hòa) ở miền Nam Việt Nam xấu đi nhanh chóng...Việt Nam Cộng hòa dường như đang trên bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn".7 Thậm chí tướng William Westmoreland còn tin rằng Quân lực Việt Nam Cộng hòa không còn đủ sức chiến đấu và chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ8

Để cứu nguy cho chính quyền Sài Gòn, Hoa Kỳ buộc phải tăng quân trên chiến trường và bắt đầu các hoạt động quân sự chống phá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hoa Kỳ buộc phải dựng lên Sự kiện Vịnh Bắc Bộ để có cớ ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và leo thang chiến trang ở Việt Nam.9 Trong hai năm 1966-1967, tốc độ tăng quân của Hoa Kỳ đạt 13.000 lính/tháng, tới tháng 12-1967, quân số lính Mỹ đạt 497.498 quân, kết hợp với 60.276 lính quân đội các nước đồng minh của Mỹ (không tính lính Việt Nam Cộng hòa), nâng tổng quân số nước ngoài trên chiến trường Việt Nam đạt 557.774 lính và số lượng lính Việt Nam Cộng hòa đạt 634.475 lính, tăng 200.000 lính so với năm 1966.10 Tới ngày 31-03-1968, tổng quân số liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đạt 1.375.747 quân, gấp 4 lần quân số liên minh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam-Quân đội Nhân dân Việt Nam.11 Từ năm 1965, với số lượng quân và vũ khí tăng mạnh tới mức áp đảo, Mỹ bắt đầu thực hiện Chiến lược Tìm và diệt với hàng loạt trận càn nhằm vào khu vực nông thôn và căn cứ của Quân Giải phóng.

1966-1967

Tới năm 1966, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã giành được hàng loạt chiến thắng như Trận Núi Thành, Tấn công sân bay Tân Sơn Nhất (1966),... Trước tình hình đó, Hoa Kỳ bắt đầu đề cập tới giải pháp đàm phán hòa bình. Tháng 1-1967, Tổng thống Johnson tuyên bố: "Hoa Kỳ sẵn sàng đi đến bất cứ đâu, bất cứ lúc nào để gặp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm bàn bạc về hòa bình." Sau đó, vào ngày 28-01-1967, Ngoại trưởng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: "Nếu Hoa Kỳ thành thật có mong muốn hòa đàm, họ trước hết phải chấm dứt vô điều kiện các cuộc oanh tạc và các hành vi gây chiến chống miền Bắc."12 Tuy nhiên trên thực tế, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa vẫn có những hành động leo thang chiến tranh bằng Chiến dịch Cedar Falls, Chiến dịch Attleboro, Chiến dịch Junction City.

Riêng trong 03 tháng đầu năm 1967, liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức 884 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên bao gồm 30 cuộc hành quân hỗn hợp, 738 cuộc do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện và 146 cuộc do Hoa Kỳ và đồng minh nước ngoài thực hiện. Mục đích các cuộc hành quân là đánh thẳng vào các căn cứ và tiêu diệt lực lượng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tất cả các binh chủng của liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa được huy động tối đa. Trong 3 tháng đầu 1967, Không quân của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tiến hành 151.044 phi xuất (trong đó phi xuất hành quân là 30.231 cuộc) và 37.851 cuộc hải xuất. Riêng Boeing B-52 Stratofortress thực hiện 225 phi vụ với 1.743 phi xuất. Thực hiện oanh tạc và do thám miền Bắc với 5.759 cuộc với 14.582 phi xuất13

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1967, liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức 817 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên bao gồm 56 cuộc hành quân hỗn hợp Mỹ-Việt Nam Cộng hòa và 153 cuộc do Hoa Kỳ và đồng minh nước ngoài thực hiện. Không quân liên quân Mỹ-Việt Nam Cộng hòa tiến hành 176.970 phi xuất (tăng 25% so với 3 tháng đầu 1967) bao gồm 61.360 phi xuất hành quân (chiếm 34,6%), Boeing B-52 Stratofortress thực hiện 290 phi vụ với 1.878 phi xuất, oanh tạc và do thám miền Bắc là 9.144 lần với 22.213 phi xuất. Hải quân Việt Nam Cộng hòa thực hiện 22.912 hải xuất còn Hoa Kỳ là 14.254 hải xuất.14

Giai đoạn Đông-xuân 1967-1968 là lúc liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đẩy mạnh Chương trình Tìm-diệt, số lượng cuộc hành quân trong tháng 11-1967 đã bằng 41,7% số lượng các cuộc hành quân trong Quý II năm 1967. Trong toàn bộ năm 1967, Không quân Hoa Kỳ và các nước đồng minh thực hiện 175.830 phi xuất, Không quân Việt Nam Cộng hòa thực hiện 116.598 phi xuất, Boeing B-52 Stratofortress thực hiện 7.760 phi xuất. Hải quân Hoa Kỳ thực hiện 45.116 giang xuất và 24.466 hải xuất. Hải quân Việt Nam Cộng hòa thực hiện 42.052 giang xuất và tuần duyên (tăng 7% so với năm 1966).10

Đặc biệt, trong giai đoạn 1966-1967, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bắt đầu sử dụng chất độc hóa học để khai quang các khu vực của Quân Giải phóng như Chiến khu C và D, Bời Lời, Hồ Bò. Trong đó loại R phá hủy 84.346 mẫu mùa màng, loại 20T khai quang được 5.382 km đường rừng, loại 20P khai quang được 263 căn cứ.15

Tuy nhiên, Chiến lược Tìm và diệt đã thất bại khi thương vong quá lớn, gây phẫn nỗ trong dư luận Hoa Kỳ và quốc tế. Riêng trong 6 tháng đầu 1967, liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa mất 772 phi cơ.14

Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt đưa tới bàn đàm phán

Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của Quân Giải phóng và nhân dân miền Nam đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ và Việt Nam Cộng hòa phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh, phải chuyển hướng chiến lược “phi Mỹ hoá chiến tranh” rồi “Việt Nam hoá chiến tranh”, bắt đầu rút dần quân Mỹ về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, cử người đàm phán với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hội nghị Pari.16

Tại Hoa Kỳ, cuộc chiến tại Việt Nam thực sự đã trở thành một cuộc chiến trong lòng Hoa Kỳ. Đây là mối quan tâm hành đầu của tất cả các chính khách Hoa Kỳ. Trong khi Tổng thống Johnson cương quyết bảo vệ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thì đã có 18 Nghị sĩ của Đảng Dân chủ đưa ra một bản tuyên bố chung, trong đó kêu gọi Hoa Kỳ tiến hành đàm phán với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.17

Trên trường quốc tế, uy tín của Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làn sóng phản đối chiến tranh, đòi Mỹ ngồi vào bàn đàm phán tăng mạnh. Đặc biệt, đầu tháng 3-1968, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc U.Thant kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và coi đây là điều kiện để tổ chức đàm phán. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson phải tuyên bố: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra (90% lãnh thổ miền Bắc) và chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng trang bị tối tân cho Việt Nam Cộng hòa và không rút quân Mỹ về nước.12

Ngày 02-04-1968, Nguyễn Văn Thiệu dưới sức ép của Mỹ đã đưa ra tuyên bố 4 điểm:12

  • Không chống lại các cuộc hạn chế oanh tạc, vì thiện chí hòa bình;
  • Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hai vai chính trong hòa đàm (thực tế là Mỹ và phái đoàn hỗn hợp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Cộng hòa miền Nam Việt Nam);
  • Việt Nam Cộng hòa cương quyết không đối thoại với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam;
  • Quân số Việt Nam Cộng hòa sẽ tăng thêm 135.000 quân trong năm 1968.

Nguyễn Văn Thiệu cũng nhấn mạnh: "lập trường của VNCH là không thỏa hiệp với Cộng sản dưới bất kỳ hình thức nào. Chính phủ Mỹ, chính sách Mỹ có thể thay đổi nhưng lập trường của VNCH là không bao giờ thay đổi...ngay tức khắc, không cần đợi đến mùa thu, chỉ trong vài tuần nữa, VNCH sẽ tổng động viên để chiến đấu"18 Tới ngày 03-04-1968, Thượng nghị viện Việt Nam Cộng hòa cũng ra tuyên cáo ủng hộ Hoa Kỳ ngừng ném bom miền Bắc.19

Ngày 05-04-1968, Hoa Kỳ triệu tập Hội nghị quân sự ở Honolulu gồm đại diện của các đồng minh nhưng không có đại diện của Việt Nam Cộng hòa để bàn về các giải pháp đối với chiến tranh ở Việt Nam. Điều này cho thấy sự lục đục trong nội bộ liên minh Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 3-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố: "Sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện của Mỹ nhằm xác định với Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện".20

Ngày 24-07-1968, để đánh gục ý chí của Hoa Kỳ, đặc biệt là sự trì hoãn thảo luận nghiêm túc của phía Hoa Kỳ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định mở đợt tấn công thứ ba của Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Mục tiêu là gây tiêu hao tối đa cho đối phương về nhân lực, vũ khí, khí tài, đặc biệt là những loại hiện đại để đập tan mưu đồ xâm lược của Hoa Kỳ, tạo bước chuyển về cục diện trên bàn đàm phán và trên thực địa chiến trường miền Nam.12

Hoa Kỳ trì hoãn đàm phán

Ngày 06-04-1968, Hoa Kỳ đề nghị Hội nghị hòa đàm sẽ diễn ra ở Genève (Thụy Sĩ) nhưng phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bổ và đưa ra đề nghị tổ chức hòa đàm ở Phnôm Pênh (Campuchia) hoặc một địa điểm khác có tính trung lập và thuận tiện cho cả hai bên. Để trì hoãn đàm phán tới thời điểm có lợi hơn trên chiến trường cho liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa, phía Hoa Kỳ lại bác bổ đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đưa ra đề nghị hội đàm tại Viêng Chăn (Lào) vào ngày 10-04-1968. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bỏ và đề nghị họp tại Vác-sa-va (Ba Lan) hoặc một thành phố khác ở Châu Á. Đồng thời, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu nội dung hòa đàm chỉ xoay quanh vấn đề ngừng ném bom và chấm dứt chiến sụ tại Việt Nam. Phía Hoa Kỳ bác bỏ và yêu cầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải có hành động tương xứng với việc ngừng oanh tạc. Ngày 12-04-1968, Hoa Kỳ đưa ra danh sách 10 thành phố và 10 quốc gia có liên quan nhưng tuyệt nhiên không có Paris (Pháp) dù rằng trước đó Paris được Ngoại trưởng Pháp và Tổng thư ký LHQ U.Thant đề xuất.12 Tranh thủ khoảng thời gian trì hoàn đàm phán, liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện 1.398 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên (bằng 50% của năm 1967), số lượng phi xuất đạt 138.400 chuyến (bằng 47% của năm 1967), trong đó có 6.101 phi vụ oanh tạc miền Bắc và 39.396 hải xuất.21

Đây cũng là khoảng thời gian Đại sứ Mai Văn Bộ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có những tiếp xúc ngoại giao với Arthur Goldberg-Đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc thông qua trung gian là Tổng thư ký LHQ U.Thant. Các bên đã đi đến thống nhất là sẽ tổ chức hòa đàm tại Paris. Điều đặc biệt là ở chỗ toàn bộ quá trình thương lượng lựa chọn nội dung đàm phán và địa điểm đàm phán không có sự xuất hiện của Việt Nam Cộng hòa. Do phía Hoa Kỳ trì hoãn đàm phán quá lâu, nên Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam buộc phải tiến hành đợt tấn công thứ 2 trong Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.12

Tới ngày 03-05-1968, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra tuyên bố yêu cầu Hoa Kỳ nhanh chóng tiến hành đàm phán, đồng thời cử Ngoại trưởng Xuân Thủy làm trưởng đoàn đại diện của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị hoàn đàm. Bên cạnh đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng công khai quá trình thương lượng trong việc lựa chọn địa điểm đàm phán (vốn không có sự tham gia của Việt Nam Cộng hòa). Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng tuyên bố mốc 10-05-1968 sẽ là thời điểm khởi động đàm phán.22

Cũng trong ngày 03-05-1968, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson chấp nhận đề nghị đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như thừa nhận quá trình thương lượng về địa điểm và nội dung đàm phán đã không có Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng từng bước nhận ra Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đang gạt họ ra khỏi bàn đàm phán. Để được ngồi vào bàn đàm phán, Việt Nam Cộng hòa đã tìm mọi cách để hạ thấp uy tín của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Về ngoại giao, ngoài tăng cường tác động tới Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa đẩy mạnh huy động sự ủng hộ của các đồng minh khác như Úc, New Zealand, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines thậm chí cả Pháp để được tham gia Hội nghị và duy trì được lập trường của mình. Về quân sự, Việt Nam Cộng hòa đã không tiên liệu được Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ đánh lớn trong tháng 5 (đợt 2 của Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968). Đặc biệt, một trong các giải pháp được Việt Nam Cộng hòa lựa chọn để ép Hoa Kỳ đồng ý cho tham gia hòa đàm là bắt bí (blackmail) bao gồm tuyên bố đơn phương hòa đàm với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng vẫn để ngỏ tham gia liên minh hòa đàm với Hoa Kỳ.23 Để vớt vát lại danh dự, Việt Nam Cộng hòa đưa ra tuyên bố cử Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Washington, Bùi Diễm làm trưởng phái đoàn liên lạc của Việt Nam Cộng hòa sang Paris để kịp ngày khai mạc Hội nghị.24

Những phiên đàm phán đầu tiên không thể đạt tiến triển do sự thiếu thiện chí của Mỹ

Phiên họp sơ bộ ngày 10-05 có trọng tâm là ngôn ngữ đối thoại, thành phân và quốc tịch của các bên tham gia và thời gian cho phiên họp chính thức đầu tiên. Ngay trong phiên họp đầu tiên ngày 13-05, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa ra yêu cầu: Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam, Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc vô điều kiện. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra lập trường 4 điểm và cương lĩnh đấu tranh của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam:

  • Xác nhận quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam
  • Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Đất nước Việt Nam chỉ tạm thời bị chia cắt để chờ Tổng tuyển cử để bầu chính quyền thống nhất cho cả hai miền
  • Công việc nội bộ của Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam quyết định
  • Công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam phải được thực hiện theo cương lĩnh đấu tranh của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Phía Hoa Kỳ đã không đề cập tới các vấn đề thống nhất từ trước mà đưa ra đòi hỏi về việc Tôn trọng khu phi quân sự ở Vỹ tuyến 17, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải xuống thang, Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải cùng rút quân. Phái đoàn liên lạc của Việt Nam Cộng hòa đưa ra tuyên bố nếu Việt Nam Cộng hòa không được tham gia hòa đàm sẽ không có hòa bình.25

Ngày 15-05-1968, Ngoại trưởng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy tuyên bố về lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:

  1. Trước tiên, Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn lãnh thổ miền Bắc (đặc biệt từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh)
  2. Mỹ phải chấm dứt mọi hành động chiến tranh khác (rải truyền đơn, thả quà tâm lý và triển khai biệt kích ở miền Bắc...)
  3. Mỹ phải thực hiện những yêu cầu nói trên mà không được đưa ra yêu sách với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Thực hiện những đòi hỏi trên sẽ được coi là thiện chí của Hoa Kỳ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thiện chí của mình đã cử đại diện và tới đối thoại chính thức, nghiêm chỉnh với Mỹ ở Paris.26

Cũng trong ngày 15-05-1968, Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ Harriman tuyên bố nhất trí về việc vấn đề nội bộ của miền Nam do người miền Nam quyết định và thống nhất hai miền thông qua giải pháp hòa bình. Tuy nhiên tới phiên đàm phán thứ, ngày 19-06-1968, phái đoàn Hoa Kỳ lại tuyên bố sử dụng hiệp định Genève 1954 để thống nhất hai miền; khu phi quân sự Vỹ tuyến 17 được dùng để chia đôi Việt Nam thành 2 chính thể khác nhau. Do thái độ tránh né, không đi thẳng vào vấn đề của Hoa Kỳ nên Hội nghị không có tiến triển nào.27

Đặc biệt, nghỉ giải lao 15 phút giữa chừng đã thành lệ của Hội nghị từ phiên thứ 6 khi phía Hoa Kỳ để nghị nghỉ giải lao và mời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra phòng khác để nói chuyện thời tiết. Đây được coi là động thái làm trì hoãn Hội nghị của Hoa Kỳ nhằm đưa Hội nghị tới thời điểm có lợi hơn.28 Tới phiên họp thứ 10 ngày 26-06-1968, Ngoại trưởng Xuân Thủy chỉ trích mạnh mẽ thái độ không nghiêm túc đàm phán của Hoa Kỳ, âm mưu lợi dụng đàm phán để xuyên tạc Hiệp định Genève (1954) của Mỹ và để vạch trần ý đồ chia cắt Việt Nam thành 02 quốc gia riêng biệt khi lấp liếm tính tạm thời và tính quân sự của giới tuyến quân sự; ý đồ lợi dụng ngừng bắn để củng cố Quân lực Việt Nam Cộng hòa và tấn công phi pháp Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; ý đồ lợi dụng, thao túng sự giám sát quốc tế để chia cắt Việt Nam như trên bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Xuân Thủy cũng nêu lập trường của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam:

  1. Thống nhất Việt Nam được tiến hành bằng phương pháp hòa bình, từng bước một, không có sự cưỡng bức của bên này với bên kia
  2. Thực hiện quyền tự do đi lại, trao đổi thông tin, văn hóa và kinh tế giữa hai miền.

Để Hội nghị có tiến triển, Ngoại trưởng Xuân Thủy đề nghị:

  1. Tất cả các bên, đặc biệt là Mỹ và VNCH không được xuyên táck và phá hoại Hiệp định Genève (1954)
  2. Mỹ ngừng ném bom và chống phá miền Bắc vô điều kiện
  3. Trong đàm phán, Mỹ phải đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo
  4. Mỹ cần chấm dứt ngay thủ đoạn bóp méo thực tế khi vẫn tiến hành các hành động leo thang chiến tranh trong khi vẫn tuyên truyền kêu gọi hòa bình29

14 phiên họp đầu tiên không có tiến triển do phía Mỹ liên tục lảnh tránh các vấn đề chính. Ngày 11-08-1968, Chính phủ Cách mạng Lào tuyên bố: "Việc nêu vấn đề của Lào tại Hội nghị Paris là bất hợp pháp, xâm phạm tới chủ quyền của Lào. Đồng thời chứng tỏ Hoa Kỳ đang bối rối trước áp lực của dư luận quốc tế đang lên án thái độ bướng bỉnh của Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris cũng như trong cuộc chiên tranh xâm lược Việt Nam".30

Sau đợt tấn công thứ ba của Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, vào ngày 02-09-1968, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng tuyên bố việc Hoa Kỳ ngừng ném bom miền Bắc sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc từng bước một tìm ra một giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam. Phát ngôn viên của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Thành Lê tuyên bố hai bên sẽ tiếp tục đàm phán nếu Hoa Kỳ ngừng ném bom miền Bắc.31

Sau những diễn biên căng thẳng trên chiến trường, trong tháng 9-1968 Tổng thư ký Liên hiệp Quốc U. Thant và Ngoại trưởng Pháp Michel Debré thúc giục cả hai bên cần ngồi vào bàn đàm phán ngay lập tức.32 Đặc biệt, ngày 23-09-1968, Tổng thư ký Liên hiệp Quốc U. Thant tuyên bố: "Một nghị quyết yêu cầu Hoa Kỳ ngừng oanh tạc miền Bắc có thể sẽ được đa số thành viên LHQ tán thành." Tuy nhiên, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ George Ball tuyên bố: "đề nghị của U.Thant không giúp ích gì cho sự tiến triển của Hội nghị Paris."33

Các hoạt động tăng cường quân sự của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa

Tuổi tổng động viên lính của Việt Nam Cộng hòa giảm xuống còn 18. Vào cuối năm 1968, quân số Việt Nam Cộng hòa vượt 80 vạn quân. Súng M16 được trang bị cho tất cả các tiểu đoàn chính quy bộ binh, nhảy dù, biệt động, thủy quân lục chiến. Tới năm 1968, Quân lực Việt Nam Cộng hòa hoàn thành trang bị M16 toàn quân. Về phía Hoa Kỳ, trong năm 1968, quân số Hoa Kỳ đã được tăng thêm 200.000 lính. Quân lực Việt Nam Cộng hòa được Mỹ đẩy mạnh trang thiết bị tối tân hơn và tăng cường nguồn tài chính.34 Trong tháng 7 và 8/1968, liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện 1.929 cuộc hành quân cấp tiêu đoàn trở lên, 156.000 phi xuất, trong đó B52 tiến hành 6.922 phi vụ oanh tạc miền Bắc.35

Ngày 25-09-1968, Tổng thống Hoa Kỳ Jonhson tuyên bố: "Chúng tôi không có ý định giảm bớt quân số từ nay tới tháng 6-1969 hay bất kỳ một thời hạn nào khác trong tương lai."36

Ngày 01-10-1968, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tiến hành Chiến dịch tâm lý chiến Nguyễn Trãi.37 Tới ngày 01-10-1968, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tiến hành Chiến dịch Phụng Hoàng diễn ra từ 15-10-1968 đến hết Tết năm 1969 với mục tiêu: "Gây tổn hại cơ sở hạ tầng Việt Cộng nói chung nhưng đặc biệt chú trọng đến các cá nhân nằm trọng hệ thống của Việt Cộng theo thứ tự ưu tiên rõ rệt: Chính trị cao hơn quân sự."38

Ngày 01-11-1968 Tổng thống Hoa Kỳ Jonhson tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc đồng thời thông báo Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sẽ tham đàm phán từ ngày 06-11-1968.

Các cuộc gặp bí mật bắt đầu diễn ra

Sau các cao điểm của đợt 2 và 3 của Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu xúc tiến các cuộc thương lượng bí mật. Cố vấn cao cấp Lê Đức Thọ bắt đầu trực tiếp tham gia đàm phán. Các cuộc gặp bí mật đã cho thấy tiên trình hòa đàm bắt đầu đi vào thực chất. Ngày 21-10-1968, Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa sẽ cùng tham gia đàm phán. Tuy nhiên Nguyễn Văn Thiệu cực lực phản đối sự thỏa hiệp của Hoa Kỳ khi đồng ý cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán. Ngày 29-10-1968, Tổng thống Johnson gửi thư yêu cầu Thiệu chấp nhận thực tế đang diễn ra.39

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa bắt đầu tham gia đàm phán

Nguyễn Văn Thiệu đã rất phẫn nộ với Hoa Kỳ khi nhận tin phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình dẫn đầu sẽ tới Paris dự hòa đàm. Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã gây sức ép với Hoa Kỳ khi tuyên bố Việt Nam Cộng hòa sẽ tiến hành đàm phán riêng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà không cần Hoa Kỳ tham gia.40 Ngày 02-11-1968, Nguyễn Văn Thiệu vẫn tuyên bố chỉ đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chứ không nói chuyện với Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cương quyết không thành lập chính phủ liên hiệp tại miền Nam, cũng như tuyên bố cuộc đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được tiến hành độc lập với cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.41 . Ngày 04-11-1968, phía Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra lập trường cứng rắn, buộc chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận Cộng hòa miền Nam Việt Nam sẽ tham gia đàm phán. Cùng ngày 04-11-1968, phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình dẫn đầu rời Moskva (Liên Xô) để sang Paris dự hòa đàm. Ngày 05-11-1968, Hoa Kỳ tuyên bố hoãn họp do phía Việt Nam Cộng hòa thiếu thiện chí trong việc tham gia hòa đàm.

Sau khi Richard Nixon đắc cử Tổng thống ngày 06-11-1968, Nguyễn Văn Thiệu đưa ra công thức đàm phán mới trong đó đàm phán sẽ có hai bên gồm liên minh Việt Nam Cộng hòa-Hoa Kỳ và liên minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Cộng hòa miền Nam Việt Nam; trong đó Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đứng đầu mỗi bên, Hoa Kỳ và Cộng hòa miền Nam Việt Nam chỉ tham gia với tư cách một phần của mỗi phái đoàn.42 Sau phiên họp thu hẹp, không công khai giứa Nguyễn Văn Thiệu và một số thành viên chủ chốt trong Thượng viện Việt Nam Cộng hòa ngày 30-11-196843 để gây sức ép buộc toàn bộ lưỡng viện Quốc hội Việt Nam Cộng hòa chấp nhận để chính quyền Sài Gòn tham gia đàm phán thì tới ngày 04-12-1968, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa thông qua quyết định chính quyền Sài Gòn sẽ tham gia đàm phán.44 . Ngày 07-12-1968, Nguyễn Văn Thiệu cử Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa là Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ làm cố vấn.

Khoảng thời gian từ 07-12-1968 tới 15-01-1968, bốn bên tham gia đàm phán tiến hành thảo luận các yếu tố mang tính kỹ thuật và thủ tục. Lập trường của các bên có sự khác nhau rõ rệt trong giai đoạn này. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam muốn mọi hình thức đều phải thể hiện là đàm phán 04 bên trong khi phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa muốn thể hiện là đàm phán hai bên. Đặc biệt liên quan tới chiếc bàn của Hội nghị, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề xuất bàn hình thoi, bàn hình vuông hoặc bàn tròn chia 4. Phía Hoa Kỳ đề xuất bàn hình bầu dục cắt dọc đôi và bàn hình tròn cắt đôi.45 Cuối cùng, các bên lựa chọn phương án của Đại sứ Liên Xô tại Pháp đó là Sẽ là một bàn tròn phẳng lì, có hai bàn chữ nhật kê cách bàn tròn 0,45 mét đặt ở hai điểm đối diện nhau, dành cho thư ký; không có cờ và biển của các đoàn trên bàn đàm phán; quyết phát biểu trước được quyết định bởi rút thăm (tuy nhiên để đẩy nhanh đàm phán phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam đồng ý để Hoa Kỳ phát biểu trước).46 . Trong khi rút thăm, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam cương quyết phải có sự tham gia của Cộng hòa miền Nam Việt Nam.47 Ngày 04-01-1969, phía Việt Nam Cộng hòa chấp nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam sẽ có 02 phát ngôn viên của mỗi bên.48 Cùng thời điểm này, phía Hoa Kỳ cử Henry Kissinger làm cố vấn. Trong chính giới Hoa Kỳ, nhiều người đã gây sức ép để Cộng hòa miền Nam Việt Nam có vị thế ngang với Việt Nam Cộng hòa để đàm phán có tiến triển.49 .

Ngày 16-01-1969, chính quyền Sài Gòn tuyên bố hòa đàm sẽ diễn ra vào 10h30' ngày 18-01-1969 với sự tham gia của 04 bên bao gồm Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam.50 . Phiên họp ngày 18-01-1969 thống nhất về ngôn ngữ, bố trí chỗ ngồi, báo chí được phép vào 15 phút đầu, các bên được phép ghi âm buổi thảo luận, không được mang máy quay vào phòng họp, 04 đoàn phát biểu lần lượt.51

Sách lược ngoại giao "tuy hai mà một, tuy một mà hai" của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã vận dụng sách lược "Tuy hai mà một, tuy một mà hai" để tiến hành đàm phán. Ðây là một sách lược ngoại giao lớn, chỉ rõ nét đặc thù và mối quan hệ phân công và phối hợp giữa ngoại giao miền Bắc và ngoại giao miền Nam trong nền ngoại giao thống nhất của Việt Nam nói chung thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sách lược đó nhằm đề cao vị trí, vai trò và tính độc lập của Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tập hợp thêm lực lượng và các xu hướng khác nhau ở trong nước và trên thế giới. Sách lược ngoại giao ấy về thời gian được vận dụng trước, trong và cả sau Hội nghị Paris; về không gian, không chỉ thể hiện tại bàn đàm phán Paris mà cả trên nhiều diễn đàn khác, ở nhiều địa bàn quốc gia và dân tộc, nhiều tổ chức chính trị, xã hội quốc tế có quan hệ với vấn đề Việt Nam. Người đề xướng sách lược ngoại giao đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm; ngày 16-3-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Bây giờ, ngoại giao của ta vừa là một mà lại là hai, vừa là hai mà lại là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa có ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Hai cái vừa là hai mà lại vừa là một, vừa là một mà lại vừa là hai. Hai khối đó phải kết hợp chặt chẽ với nhau".

Trước mắt thế giới, không ai không nhận thấy rằng lập trường và các kiến nghị về giải pháp do hai đoàn miền bắc và miền nam đưa ra tại Hội nghị từ lúc mở đầu đến khi kết thúc đều có chung một tiếng nói. Song cũng không ai không nhận thấy rằng đó là lập trường và kiến nghị về giải pháp của hai đại diện của nhân dân Việt Nam có vị trí khác nhau. Sách lược này có nguồn gốc thực tế lịch sử là Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất sau Cách mạng Tháng Tám nhưng đã bị tạm chia cắt thành hai vùng tập kết quân sự từ Hiệp định Geneva 1954.52

Các cuộc thảo luận không đạt được tiến triển do lập trường các bên quá khác biệt

Tới tháng 5-1969, Hội nghị 04 bên đã trải qua 14 phiên tranh luận nhưng không đạt được tiến triển. Ngày 08-05-1969, phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam tạo ra đột phá khi đưa ra "giải pháp hòa bình 10 điểm":

  1. Tôn trọng các quyền dân tộc, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được quy định trong Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam
  2. Quân đội Hoa Kỳ và quân đội nước ngoài thuộc phe Hoa Kỳ phải rút hoàn toàn khỏi Việt Nam, hủy bỏ các căn cứ của Hoa Kỳ tại Việt Nam
  3. Vấn đề các lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên ở Việt Nam giải quyết
  4. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình, tự quyết định chế độ chính trị tại miền Nam Việt Nam bằng tổng tuyển cử tự do, bầu quốc hội lập hiến và chính phủ liên hiệp
  5. Miên Nam Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, hòa bình, công nhận chủ quyền và biên giới của Campuchia và Lào. Lập quân hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ. Sẵn sàng tiếp nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của mọi quốc gia không kèm theo điều kiện chính trị ràng buộc
  6. Việc thống nhấ Việt Nam được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình. Trong khi chờ thống nhất, hai miền tái lập quan hệ bình thường, giới tuyến quân sự giữa 2 miền tại vỹ tuyến 17 chỉ có tính chất tạm thời.
  7. Trong khi chờ thống nhất, hai miền Việt Nam không được thiết lập liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào
  8. Hai bên sẽ thương thảo về việc trao trả tù binh
  9. Các bên thỏa thuận về một sự giám sát quốc tế đối với việc rút quân đội Hoa Kỳ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam
  10. Tất cả các phe phái sẽ thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời. Trong đó, chính phủ này có nhiệm vụ:
  • Thi hành các hiệp định liên quan tới việc rút quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam
  • Thực hiện hòa hợp dân tộc, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp xã hội và các đường lối chính trị
  • Tổ chức Tổng tuyển cử trên toàn miền Nam Việt Nam để thực hiện quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam53

Tuy nhiên, Hội nghị lại lâm vào bế tắc khi Hoa Kỳ ngày 14-05-1969 đưa ra đề xuất 08 điểm, trong đó điểm gây mâu thuẫn chính là tiếp tục quan điểm cố hữu rằng tất cả các lực lượng không thuộc miền Nam Việt Nam đều phải rút quân. Việc buộc Hoa Kỳ tự nguyện rút quân và không tái triển khai lực lượng ở miền Nam Việt Nam lúc đó là rất khó xảy ra.

Ngày 10-06-1969, phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam cử Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình thay thế ông Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn. Ông Trần Bửu Kiếm trở thành Bộ trưởng Phủ Chủ tịch Chính phủ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam.54 Trong phiên họp ngày 12-06-1969, ông Hà Văn Lâu tuyên bố: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận Cộng hòa miền Nam Việt Nam là người đại diện duy nhất và hợp pháp cho nhân dân miền Nam. Sau đó, 23 quốc gia công nhận và 21 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa miền Nam Việt Nam.55

Tỷ lệ người ủng hộ cuộc chiến tại Việt Nam trong người dân Hoa Kỳ giảm từ mức 78% vào năm 1966 còn 32% vào năm 196956 đã gây áp lực lớn lên phái đoàn Hoa Kỳ. Để giám áp lực, chính quyền Nixon công bố chương trình "Việt Nam hóa chiến tranh". Trên mặt trận ngoại giao, Hoa Kỳ bắt đầu có những động thái xích lại với Trung Quốc để cô lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Hậu quả là, trong năm 1969, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ co cụm phòng thủ, vùng giải phóng bị thu hẹp. Tới tháng 6-1969, Hoa Kỳ lại chiếm ưu thế trên bàn đàm phán và gây sức ép lên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày 20-07-1969, Ngoại trưởng Xuân Thủy yêu cầu Hoa Kỳ rút toàn bộ quân chứ không rút nhỏ giọt 25.000 quân/lần.57

Phát biểu tại phiên họp thứ 26 ngày 17-07-1969, Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình đáp trả đề xuất tổng tuyển cử do chính quyền Sài Gòn tổ chức của phái đoàn Việt Nam Cộng hòa: "Tổng tuyển cử tổ chức dưới họng súng của quân viễn chinh Hoa Kỳ và quân ngụy trong điều kiện đối phương (Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) phải hạ vũ khí tất nhiên sẽ chỉ đưa đến kết quả là củng cố chính quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam...Một cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ thực sự chỉ có thể tiến hành trong điều kiện không có mặt quân xâm lược Mỹ, không đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền và quân đội tay sai của Mỹ."58 Sau khi tiến hành đảo chính chính quyền trung lập tại Campuchia vào tháng 3-1970, liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa tiến hành xâm lược Campuchia vào 29-04-197059 để gây áp lực lực buộc chính quyền Lon Nol không đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa60 Riêng Chiến dịch Phụng Hoàng trong năm 1969 đã khiến 6.000 người bị giết công khai, 1.200 người bị ám sát và 15.000 người bị thương.

Tháng 8-1969, cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn Henry Kissinger bắt đầu đối thoại trực tiếp. Vấn đề tù binh Hoa Kỳ bắt đầu được nêu ra từ cuối năm 1969.58 Thời gian sau đó, với thế thượng phong trên thực địa, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa sử dụng chiến thuật lảng tránh trong các vấn đề chính nhằm chờ tới thời điểm đánh gục hoàn toàn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ đi đến kết thúc đàm phán. Phía Hoa Kỳ xé lẻ các phiên thảo luận, chỉ đưa ra 1 vấn đề/phiên thảo luận mà không đi vào các nội dung cốt lõi. Trước áp lực của dư luận Hoa Kỳ, phái đoàn Hoa Kỳ đã nhiều lần đề nghị họp kín, không công khai thông tin cho báo chí. Để phản đối hành động của Hoa Kỳ, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tẩy chay 35 phiên họp (từ phiên thứ 46 ngày 11-12-1969 tới phiên thứ 82 ngày 03-09-1970), phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam tảy chay 33 phiên họp liên tiếp (từ phiên 49 ngày 08-01-1970 tới phiên thứ 84 ngày 17-09-1970). Hội nghị trong năm 1970 rơi vào tình trạng hoàn toàn bế tắc.61

Ngày 21 và 22-11-1970, Hoa Kỳ tiến hành oanh tạc miền Bắc sau khi phía Cộng hòa miền Nam Việt Nam bác bỏ 2 đề xuất của Hoa Kỳ bao gồm: 1. ngừng bắn tại chỗ nhưng không dừng chiến tranh; 2. mở rộng Hội nghị với sự tham gia của các phe phái tại Lào và Campuchia. Phía Cộng hòa miền Nam Việt Nam bác bỏ do cho rằng đây là một thủ đoạn tranh cử của Tổng thống Nixon khi Hoa Kỳ ngừng bắn nhưng Việt Nam Cộng hòa thì không cũng như việc mở rộng Hội nghị sẽ làm gia tăng phức tạp tình hình, kéo dài chiến tranh cũng như độc lập, chủ quyền của Lào, Campuchia không được tôn trọng.62 Ngày 17-12-1970, Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra tuyên bố 3 điểm:

  1. Sẽ tiến hành ngừng bắn với cả Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa
  2. Để có ngừng bắn thực sự thì Hoa Kỳ và các nước đồng minh phải rút toàn bộ quân đội, nhân viên quân sự khỏi miền Nam Việt Nam. Quá trình rút quân sẽ hoàn thành vào 30-6-1971. Sẽ có ngừng bắn với Việt Nam Cộng hòa sau khi chính phủ liên hiệp lâm thời gồm 03 lực lượng chính trị được thành lập nhằm tổ chức Tổng tuyển cử
  3. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ tự nguyện ngừng bắn dịp Noel 1970, Tết Dương lịch 1971 và Nguyên Đán Tân Hợi.

Sau đó, Hoa Kỳ không còn đề cập tới ngừng bắn và mở rộng Hội nghị.63

Chiến dịch Lam Sơn 719 thất bại và cục diện Hội nghị trở nên có lợi cho Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa muốn sử dụng Chiến dịch Lam Sơn 719 để đánh gục hoàn toàn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam để kết thúc tình trạng giằng co trên chiến trường cũng như để Quân đội Hoa Kỳ có thể rút khỏi miền Nam trong thế thắng. Tuy nhiên, với sự yếu kém của mình, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã hoàn toàn thất bại trong chiến dịch này, đồng thời khiến cho chương trình Việt Nam hóa chiến tranh chính thức thất bại hoàn toàn.

Để phán đối Chiến dịch Lam Sơn 719, phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tẩy chay phiên họp ngày 25-03-1971 để dời sang ngày 01-04-1974 bàn tiếp. Tới đầu tháng 04-1971, Chiến dịch Lam Sơn 719 thất bại hoàn toàn khiến phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tuyên bố hoãn họp và chuyển sang ngày 08-04-1970 để bàn tiếp với hy vọng Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thể đào ngược tình thế. Tuy nhiên, tới ngày 06-04-1971, Chiến dịch Lam Sơn 719 chính thức thất bại hoàn toàn.

Với sự thất bại của Chiến dịch Lam Sơn 719, phái đoàn Hoa Kỳ buộc phải thay đổi giọng điệu trên bàn đàm phán. Ngoại trưởng Xuân Thủy ngày 15-04-1971 đưa ra 3 điều kiện để chấm dứt chiến tranh:

  1. Hoa Kỳ phải rút hết quân trước ngày 30-06-1971 hoặc một thời điểm do Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ ấn định
  2. Hoa Kỳ không được xâm phạm chủ quyền của Việt Nam (cả miền Bắc và miền Nam)
  3. Hoa Kỳ phải chấp nhận phương án chính phủ liên hiệp 03 lực lượng chính trị do Cộng hòa miền Nam Việt Nam đề xuất64

Tuy nhiên phía Hoa Kỳ tiếp tục lảnh tránh vấn đề rút quân mà hướng sự chú ý vào vấn đề tù binh.65 Liên tục trong các phiên họp từ phiên thứ 118 đến phiên 128, phía Hoa Kỳ luôn đề nghị họp thu hẹp, không họp mở rộng nhưng phía Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản đối. Hai phái đoàn này luôn giữ lập trường Hoa Kỳ phải rút quân, tổ chức tổng tuyển cử lập chính phủ liên hiệp 3 phái và thống nhất đất nước thông qua đàm phán hòa bình.66 Tại phiên họp thứ 131, phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lên án cuộc bầu cử Tổng thống Việt Nam Cộng hòa năm 1971, trong đó Nguyễn Cao Kỳ đã tự bỏ cuộc để dồn phiếu giúp Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng thống67 , là "một trò hề, hoàn toàn không phải bầu cử, không phải trưng cầu dân ý" mà là "để Hoa Kỳ tiếp tục duy trì chế độ độc tài và hiếu chiến Nguyễn Văn Thiệu"68

Năm 1972

Tình hình quân sự và chính trị

Nhận thấy Hoa Kỳ chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự, lấy lại tù binh và không muốn giải quyết toàn bộ các vấn đề chính trị-quân sự-ngoại giao ở miền Nam Việt Nam cũng như chưa nắm được thực chất ý đồ của Hoa Kỳ khi tung ra đề nghị này, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa vội đưa ra phản đề nghị. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Paris nhận được chỉ thị chỉ nên giải quyết vấn đề trước xuân-hè 1972 nếu đối phương chấp nhận một giải pháp phù hợp với yêu cầu (của phía Cộng hòa miền Nam Việt Nam); nếu không, hãy đợi đến "sau khi thực hiện ý đồ chiến lược của ta trên chiến trường"6 .

Trong tháng 10-1971, Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam: "Tranh thủ thời gian, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị, xây dựng thế tiến công chiến lược mới bằng ba quả đấm mạnh trên ba vùng chiến lược (Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị-Thiên); mở cuộc tiến công và nổi dậy lớn nhằm đánh suy sụp nặng ngụy quân, ngụy quyền, đánh bại cơ bản kế hoạch bình định của địch"

Vào năm 1972, năm cuối cùng của giai đoạn một thuộc chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đã không tiêu diệt được cơ sở hạ tâng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như bị mất nhiều địa bàn chiến lược sau Chiến dịch xuân-hè 1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ và Chiến dịch Trị Thiên vào tay đối phương. Tuy nhiên, về mặt chính trị, Hoa Kỳ đã đạt được một số bước tiến khi đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và khiến cho nước này tự nguyện hạn chế viện trợ cho Việt Nam. Đồng thời, trong quan hệ Xô-Mỹ cũng có cải thiện khi hai bên thống nhất được Hiệp định Hạn chế tên lửa đạn đạo (ABMT) cũng như khiến Liên Xô không viện trợ cho Việt Nam những vũ khí hiện đại hơn loại Việt Nam đang sử dụng cũng như cắt giảm khối lượng viện trợ quân sự.69 Kết quả các chuyến đi thăm của Nixon đến Trung Quốc (tháng 2 năm 1972) và Liên Xô (tháng 5 năm 1972) có một số thỏa thuận song phương Trung-Mỹ và Xô-Mỹ bất lợi cho phía Việt Nam. Đối với Trung Quốc, họ đã gắn vấn đề Đài Loan với vấn đề khu vực Đông Nam Á như một thỏa thuận không chính thức. Henry Kisinger nhận xét: "Trung Quốc đã mở ra một mặt trận chung bằng một hiệp ước ngầm, không xâm lược với chúng ta"; "mối bất hòa giữa Hoa Kỳ và nước Trung Hoa mới đã chấm dứt. Nhiệm vụ hiện nay của hai bên là phải đối phó với khát vọng bá quyền" (ám chỉ Liên Xô); "Hai bên tìm kiếm sự hợp tác không phải thông qua một hiệp nghị chính thức mà bằng điều hòa một cách nhịp nhàng những sự thông cảm của nhau trong các vấn đề quốc tế có lợi ích của hai bên"; "Tùy tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi, Hoa Kỳ sẽ dần dần giảm lực lượng và cơ sở quân sự của mình tại Đài Loan"5 . Đạt được thành công ngoại giao ở Bắc Kinh, Nixon hài lòng và tiếp tục cuộc công du Liên Xô vào tháng 5 năm 1972 với mục tiêu: "Nhìn về phía Moskva để nghiền nát Việt Nam"70 . Tại đây, Nixon cũng nhận được tín hiệu về việc "người Xô Viết đã không đáp ứng yêu cầu mới nào về trang bị của miền Bắc Việt Nam" theo như báo cáo của Kissinger.70 Ngày 20 tháng 11 năm 1971, tại Bắc Kinh Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Ân Lai khuyên Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng: "Việt Nam nên tranh thủ thời cơ giải quyết trước vấn đề rút quân Mỹ và quan tâm giải quyết vấn đề tù binh Mỹ, việc đánh đổ ngụy quyền Sài Gòn là vấn đề lâu dài"71 .

Sau khi được các đồng minh thông báo về kết quả các cuộc đàm phán Xô-Mỹ và Trung-Mỹ (đương nhiên, không phải là tất cả), Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam nhận thấy: "Tuy Cục diện chiến trường đã có một hình thái mới có lợi cho Việt Nam và tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam phát triển vững chắc sau này nhưng thắng lợi đó (chỉ kết quả Chiến cục năm 1972) chưa thật sự căn bản. Để ép Việt Nam đi vào giải pháp có lợi cho Hoa Kỳ, năm 1972, Nixon đã đi thăm Trung Quốc và Liên Xô nhằm tranh thủ hai nước này giảm bớt viện trợ cho Việt Nam xuống mức thấp nhất nhằm ngăn chặn Quân đội nhân dân Việt Nam đánh mạnh ở miền Nam. Nixon đã đi Trung Quốc thì Liên Xô cũng phải mời Nixon sang để Nixon không hợp tác quá sâu với Trung Quốc chống lại Liên Xô. Đó là mấu chốt của vấn đề"72 .

Ngày 30-03-1972, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động Chiến dịch Xuân-hè 1972, trên cả ba chiến trường: Đông Nam Bộ, Trị-Thiên và Tây Nguyên. Ngày 06-04-1972, Không quân Hoa Kỳ ném bom miền Bắc. Ngày 26-04-1972, Tổng thống Nixon tuyên bố quay trở lại đàm phán.

Diễn biến của Hội nghị

Trước tháng 1 năm 1972, các cuộc đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ tại Paris luôn có hai trạng thái. Trạng thái công khai đối với các cuộc đàm phán bốn bên: đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do Xuân Thuỷ dẫn đầu), đoàn Hoa Kỳ (do W. Averell Harriman rồi đến Henry Cabot Lodge dẫn đầu), đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (do Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình dẫn đầu) và đoàn Việt Nam Cộng hòa (do Trần Văn Lắm dẫn đầu); trạng thái bí mật đối với các cuộc "gặp riêng" giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Cố vấn Lê Đức Thọ dẫn đầu với đoàn Hoa Kỳ do Cố vấn Henry Kissinger dẫn đầu. Kết quả các cuộc gặp bốn bên được các bên công bố công khai trong các cuộc họp báo riêng rẽ. Kết quả các cuộc gặp bí mật chỉ được công bố khi có sự đồng thuận của cả hai bên. Thực tế diễn biến các cuộc đàm phán cho thấy chính các cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ - Kissinger đóng vai trò quyết định trên mặt trận ngoại giao này. Tuy nhiên trước khi thảo luận với phía Hoa Kỳ, Cố vấn Lê Đức Thọ thường họp để thống nhất quan điểm với các thành viên chủ chốt của cả hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, phía Hoa Kỳ không hề hỏi ý kiến của Việt Nam Cộng hòa, điều này đã khiến Tổng thống Thiệu rất bất bình.

Trong phiên họp thứ 140, vào ngày 13-01-1972, phái đoàn Hoa Kỳ đưa ra yêu sách phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thảo luận trực tiếp với phái đoàn Việt Nam Cộng hòa chứ không thảo luận gián tiếp qua phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đồng thời, phái đoàn Hoa Kỳ cũng yêu sách phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam phải nêu rõ vùng kiểm soát của mình.69 Tới ngày 27-01-1972, với mục đích để tăng phiếu ủng hộ của cử tri, phái đoàn Hoa Kỳ đưa ra đề nghị 8 điểm:

  1. Tất cả lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh sẽ rút khỏi Việt Nam trong 6 tháng;
  2. Tù binh được trao trả cùng ngày rút quân;
  3. Trong vòng 6 tháng, miền Nam sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị;
  4. Cuộc bầu cử phải do Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kiểm soát;
  5. Thực hiện ngừng bắn toàn Đông Dương;
  6. Không được bổ sung thêm lực lượng ngoại quốc ở Đông Dương;
  7. Quân đội quốc gia nào thì phải tập kết về lãnh thổ của quốc gia ấy;
  8. Một hội nghị quốc tế thay thế Hội nghị Paris hiện tại sẽ thảo luận về vấn đề của tất cả các nước Đông Dương chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam phản đối vì cho rằng cuộc bầu cử do chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kiểm soát sẽ không đảm bảo dân chủ và tự do.73 Ngày 14-01-1972, trong tài liệu chuẩn bị họp với Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Bunker, Nguyễn Văn Thiệu đã biết Nixon đã có dự định công bố nội dung các cuộc gặp bí mật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phía Việt Nam Cộng hòa có ý trách Hoa Kỳ đã không thông báo với họ về nội dung các cuộc gặp bí mật, bao gồm cả việc Hoa Kỳ sẵn sàng ký với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một thỏa ước có tính nguyên tắc liên quan tới chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và tình hình chính trị của miền Nam. Phía Việt Nam Cộng hòa cũng đòi hỏi phía Hoa Kỳ làm rõ các nội dung liên quan tới Cơ quan điều phối Tổng tuyển cử (phía Thiệu muốn cơ quan này phải là của Việt Nam Cộng hòa), chính sách ngoại giao trung lập của miền Nam, bố trí lực lượng các bên sau khi ký Hiệp định và thời điểm rút quân của các lực lượng quân sự ở miền Nam. Trong tài liệu này, phía chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng cho rằng việc Hoa Kỳ lập lờ trong việc rút các lực lượng ngoại quốc khỏi Đông Dương có nghĩa là Hoa Kỳ và các đồng minh rút quân còn phe Cộng sản thì không. Tổng thống Thiệu cũng thông báo với Hoa Kỳ là Việt Nam Cộng hòa sẽ không chấp nhận một thỏa thuận như vậy giữa Hoa Kỳ và liên minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Cộng hòa miền Nam Việt Nam.74

Mặc dù phía Việt Nam chỉ chưa trả lời chứ không phản bác nhưng ngày 25 tháng 1 năm 1972, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã họp báo, công bố nội dung các cuộc gặp riêng giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ từ năm 1969 đến năm 1971, quy kết cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bác bỏ mọi đề nghị của Hoa Kỳ, đòi loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu và chuẩn bị các hoạt động tấn công quân sự70 . Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhận định đây là đòn tấn công ngoại giao đầu tiên của Nixon trong năm 1972 với ba mục tiêu:

  • Chứng minh cho nhân dân và phe đối lập ở Hoa Kỳ thấy rằng ông ta đã đi trước một bước trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và chấm dứt sự dính líu quan sự của Hoa Kỳ vào vấn đề miền Nam Việt Nam.
  • Mở đường dư luận có lợi cho các chuyến công du của Hoa Kỳ tới Trung Quốc và Liên Xô trong năm 1972 với mục đích lập lại thế cân bằng chiến lược toàn cầu nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng thông qua các thỏa thuận về hạn chế vũ khí chiến lược giai đoạn I (SALT I) với Liên Xô và các vấn đề xung đột ở Đông Nam Á, vấn đề Đài Loan với Trung Quốc.
  • Chuẩn bị dư luận có lợi cho Đảng Cộng hòa mà chính Nixon là ứng cử viên số 1 của đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ lần thứ 38 sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 năm 19726 .

Những động thái trên đây của phía Hoa Kỳ chỉ có tác dụng trong vòng một tuần vì không giải quyết được mâu thuẫn cốt yếu: Rút quân nhưng tiếp tục bảo hộ cho Nguyễn Văn Thiệu, không xác định được thời hạn chấm dứt chiến tranh và do đó, không mở ra được hy vọng đưa tù binh Mỹ trở về nhà6 .

Đề nghị trên đây đã được Thượng nghị sĩ Edmund Muski, ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 38 hưởng ứng. Những đòi hỏi về việc rút quân Mỹ về nước và chấm dứt viện trợ chiến tranh cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trở thành chủ đề thường xuyên của phe đối lập tại Hạ nghị viện và Thượng nghị viện Hoa Kỳ trong suốt năm 19726 .

Tới ngày 31-01-1972, để phản đối phía Hoa Kỳ công khai nội dung các phiên họp bí mật, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố dự thảo 9 điểm, vốn đã được trao đổi trước với cố vấn Kissinger vào tháng 6 năm 1971. Đến ngày 31 tháng 1, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không đưa ra phản đề nghị mà cho công bố dự thảo giải pháp chín điểm (đã được trao cho Kissinger ngày 26 tháng 6 năm 1971) như một biện pháp trả đũa đồng thời phản đối Nhà Trắng đã vi phạm thỏa thuận không công bố công khai các cuộc gặp riêng. Ngày 2 tháng 2, đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam giải thích hai điểm quan trọng trong lập trường bảy điểm của họ (đã đưa ra ngày 1 tháng 7 năm 1971), trong đó có những nhượng bộ đáng kể:

  • Nếu Hoa Kỳ xác định được thời hạn rút Quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh khỏi miền Nam Việt Nam thì thời điểm rút hết quân sẽ là thời điểm bắt đầu trao trả tù binh của các bên (nghĩa là không cần chờ đến khi hiệp định được ký kết).
  • Không yêu cầu thay đổi chính thể hiện hữu ở miền Nam Việt Nam mà chỉ yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức ngay. Đồng thời, chính thể này phải thay đổi chính sách: chấm dứt bình định, giải tán các trại tập trung, chấm dứt khủng bố dân chúng, thả các tù chính trị, bảo đảm thực hiện các quyền tự do dân chủ của dân chúng như Hiệp định Genève đã quy định năm 195475

Tại phiên họp thứ 143, phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố hai điểm: Thứ nhất, Mỹ phải rút quân, chấm dứt các hoạt động quân sự ở Việt Nam và phải đưa ra thời điểm rút quân rõ ràng-thời điểm này là lúc trao trả tù binh và dân thường; Thứ 2, Mỹ phải ngừng can thiệp vào đời sống chính trị ở miền Nam, chính quyền Thiệu phải chấm dứt các chính sách và hoạt động quân sự, từ bỏ chính sách kìm kẹp nhân dân. Phía Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có nhân nhượng khi không có yêu sách chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải bị giải tán.76

Tới phiên họp thứ 144, ngày 10-02-1972, phái đoàn Hoa Kỳ tuyên bố không họp phiên 145 để họp Hội nghị thế giới về hòa bình và độc lập của các dân tộc Đông Dương77 Để đáp trả, Trưởng đoàn Xuân Thủy của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố ngừng họp phiên 146 và thông báo tới toàn thế giới việc Hoa Kỳ đã ném bom Vĩnh Linh và Quảng Bình trong hai ngày 16 và 17-02-1972 (đúng dịp Tết Nguyên đán), khiến nhiều dân thường bao gồm cả phụ nữ và trẻ em thiệt mạng. Những ngày sau đó, Không quân Hoa Kỳ đã sử dụng B-52 để tấn công các khu vực thuộc Vịnh Bắc bộ và các điểm đóng quân của Việt Nam tại Lào và Campuchia. Việc Hoa Kỳ ném bom chứng tỏ phía Hoa Kỳ không thực tâm trong mong muốn có hòa bình ở Việt Nam và điều này đã buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngừng đàm phán.78

Tại phiên họp thứ 147, ngày 23-03-1972, phía Hoa Kỳ tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn. Ngày 30-03-1972, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động Chiến dịch Xuân-hè 1972. Ngày 06-04-1972, Không quân Hoa Kỳ ném bom miền Bắc. Ngày 26-04-1972, Tổng thống Nixon tuyên bố quay trở lại đàm phán. Đồng thời, Nixon tuyên bố ngay trong tháng 2 sẽ có 20.000 lính Mỹ hồi hương, quân số cao nhất sẽ là 49.000 người vào 01 tháng 07. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không ngừng đánh phá miền Bắc.79

Ngày 26-04-1972, phiên họp thứ 148 và 149 tiếp tục bế tắc do lập trường các bên quá khác biệt, tình hình chiến trường vẫn đang có lợi cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 08-05, Nixon tuyên bố sẽ rút quân Mỹ trong bốn tháng, ngừng mọi hoạt động quân sự nếu có ngừng bắn ở Đông Dương. Ngày 09-05-1972, Nixon trong thư gửi Thiệu tuyên bố Hoa Kỳ sẽ phong tỏa các hải cảng ở miền Bắc và tái khẳng định Mỹ sẽ rút quân.

Trong cuộc gặp riêng ngày 2 tháng 5, phía Hoa Kỳ đã đáp ứng một yêu cầu cơ bản của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền nam Việt Nam là không đòi rút Quân đội Nhân dân Việt Nam khỏi miền Nam nhưng vẫn duy trì chính thể của Thiệu trong một giải pháp hòa bình, hòa giải quốc gia. Để đổi lại, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền nam Việt Nam cũng rút đề nghị yêu cầu giải tán chính quyền VNCH nhưng chính quyền này phải thay đổi chính sách chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền nam Việt Nam và trong thời hạn nhất định phải tổ chức bầu cử dân chủ ở miền Nam với sự tham gia của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và lực lượng chính trị thứ ba với phương châm hòa bình, hòa hợp dân tộc. Mặc dù có một số điểm nhất trí cơ bản đã đạt được và nhiều điểm còn cách xa nhau nhưng đến cuộc gặp riêng ngày 19 tháng 7, các đoàn VNDCCH và đoàn Hoa Kỳ đều đưa ra được tuyên bố về chính sách chung trong khi bom đạn vẫn nổ rền trên các chiến trường.6

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Anthony Lewis, phóng viên tờ New York Time diễn ra ngày 23 tháng 5 năm 1972, Ngoại trưởng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh không trả lời cụ thể về quan hệ của Liên Xô và Trung Quốc đối với Việt Nam nhưng đã chỉ ra con đường duy nhất để cứu vãn danh dự của Hoa Kỳ là chấm dứt chiến tranh, tôn trọng các quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; bằng cách đó, Hoa Kỳ có thể bảo đảm an toàn cho quân nhân Mỹ, đưa hết quân nhân Mỹ - kể cả những người bị bắt - về nước. Ông cũng cho rằng đại dương bao la không ngăn cản nhân dân hai nước (Việt Nam và Hoa Kỳ) cùng chung lý tưởng cao cả độc lập và tự do80 .

Ngày 21 tháng 6, Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong đó có nhận định: "Trong mấy tháng tới, Việt Nam có khả năng buộc Mỹ chấp nhận một giải pháp vững chắc; đồng thời vẫn nên chuẩn bị cho khả năng chiến tranh kéo dài sau năm 1972".81 .

Phía Hoa Kỳ cũng có những động thái tích cực hơn do phải giải quyết những vấn đề của họ. Một phần do sự cam kết của họ với Liên Xô, Trung Quốc về chấm dứt sự dính líu trực tiếp về quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam mà vẫn duy trì được Việt Nam Cộng hòa. Sau đó là giữ lời hứa của Nixon với chính nhân dân Mỹ trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1968 về việc sẽ đi đến một hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đưa quân nhân Mỹ (kể cả tù binh) về nước. Một phần do sự thúc ép của chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ 38 mà Nixon đang hy vọng tái cử.

Tới 13-07-1972, sau 10 tuần hoãn đàm phán, Hội nghị họp phiên thứ 150, kế hoạch tái chiếm Thành cổ Quảng Trị của Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ thất bại. Phía Hoa Kỳ đề nghị sử dụng công thức ngừng bắn ở Triều Tiên và chia cắt nước Đức nhưng phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam bác bỏ và yêu cầu Hoa Kỳ ngừng bắn, ngừng phong tỏa miền Bắc. Các phiên đàm phán tiếp theo ở thế giằng co. Tới 14-08-1974, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra yêu cầu với Hoa Kỳ: chấm dứt chiến sự, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam, rút quân, công nhận miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, ba lực lượng vũ trang. Trong đàm phán công khai, Hoa Kỳ rất cứng rắn nhưng trong đàm phán bí mật, cố vấn Kissinger bắt đầu nhượng bộ đối phương. Trong phiên thảo luận bí mật ngày 19-07-1972, Hoa Kỳ xuống thang khi chấp nhận thảo luận chính trị sau khi có Hiệp định hòa bình ở miền Nam. Hà Nội đánh giá tuyên bố của Kissinger ngày 19 tháng 7 về chính sách của Hoa Kỳ là có ý nghĩa tạo chuyển biến với thái độ mềm dẻo hơn và nhưng về cơ bản, tuyên bố đó vẫn lặp lại đề nghị ngày 2 tháng 5 ở điểm quan trọng nhất: tách vấn đề quân sự khỏi vấn đề chính trị. Lê Đức Thọ cho rằng chưa đủ căn cứ để kết luận: "khả năng Hoa Kỳ đi vào giải quyết với giá phải chăng là không nhiều".6 . Phía Hoa Kỳ cũng có những vấn đề không nhất quán giữa các bên. Tổng thống Nixon muốn thông tin về các cuộc gặp riêng đến được giới báo chí để ông ta có thể khuếch trương các hoạt động tranh cử. Trong khi đó, Kissinger muốn vươn tới thực chất vấn đề vì ông ta nhận thấy rằng càng kéo dài đàm phán để đi đến một hiệp định bao nhiêu thì càng ít khả năng để tác động đến các sự kiện quân sự bấy nhiêu nếu như không đạt được một hiệp định hòa bình. Trong khi đó thì Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục có những hành động gây bất lợi cho đàm phán.

Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh thiết quân luật toàn lãnh thổ từ ngày 26 tháng 7 và tuyên bố rộng rãi lập trường bốn không: "Không thương lượng với kẻ thù", "không có hoạt động cộng sản ở miền Nam", "không chính phủ liên hiệp", "không mất lãnh thổ cho kẻ thù".82

Ngày 27-07, Chính quyền Thiệu gửi giác thư cho Hoa Kỳ đỏi đảm bảo cho sự tồn tại của mình. Chính quyền Thiệu muốn Quân đội Nhân dân Việt Nam phải rút khỏi miền Nam trước khi có giải pháp chính trị, phải ngừng bắn toàn Đông Dương chứ không chỉ ở Việt Nam, Chính phủ liên hiệp phải có lợi cho Thiệu.

Sự tiến triển của cuộc đàm phán giai đoạn này thể hiện ở việc các bên đã hạn chế sử dụng công thức "đề nghị" - "phản đề nghị" và đưa ra các chính sách của mình để cùng thảo luận. Thay vào đó, các bên lần lượt đưa ra các tuyên bố về chính sách hoặc các sáng kiến mà bên nào cũng cho rằng điều mình đưa ra là ưu việt nhất. Trong tháng 8, khi cuộc vận động bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ chuẩn bị bước vào giai đoạn sôi động nhất thì tại Paris, hai bên liên tiếp đưa ra các chính sách và các sửa đổi của mình nhưng vẫn ở trạng thái thăm dò mà mặc cả.

Ngày 1 tháng 8, khi nhận được phản ứng của Lê Đức Thọ về chính sách đàn áp mới của Nguyễn Văn Thiệu dẫn đến việc có hơn 3.300 thường dân bị bắt ở đồng bằng, riêng ở Đà Nẵng là 600 người và phía Hoa Kỳ có thái độ tiêu cực trong đàm phán thì Kissinger phải thừa nhận:

Trong ngày 01-08-1972, Hoa Kỳ thể hiện rõ sự xuống thang khi đưa ra đề nghị 12 điểm trong đó chấp nhận chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải từ nhiệm trước bầu cử, sẵn sàng rút hết quân Mỹ trước 31-12-1972 nếu có Hiệp định trước 01-09, chấp nhận giải quyết vấn đề quân sự-chính trị cùng một lúc.5 83 Đáp lại, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra giải pháp 10 điểm, trong đó quy định toàn bộ nhân viên quân sự và kỹ thuật, vũ khí, bom đạn của Hoa Kỳ phải được rút khỏi Việt Nam, các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại việt nam bị giải tán; trao trả tù binh và dân thường trong vòng 1 tháng sau khi ký Hiệp định; tiến hành ngừng bắn tại chỗ và có sự giám sát của quốc tế; Hoa Kỳ ngừng viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn; Chính quyền Thiệu bị giải tán và được thay thế bằng chính phủ liên hiệp ba thành phần gồm Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa (nhưng không có tàn dư của Thiệu) và lực lượng thứ ba với tỷ lệ ngang nhau trong chính quyền; Tổ chức tổng tuyển cử để thành lập chính phủ mới với Hiến pháp mới; Chính quyền Sài Gòn sẽ thảo luận với Cộng hòa miền Nam Việt Nam về các vấn đề của riêng miền Nam, có thêm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi có vấn đề liên quan giữa hai miền và chỉ có thêm Hoa Kỳ khi diễn biến liên quan tới cả bốn bên. Phía Hoa Kỳ đồng ý mở bốn diễn đàn nhưng theo lộ trình "hai gói": "gói thứ nhất" giải quyết trước các vấn đề nguyên tắc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ký kết hiệp định trước; "gói thứ hai" giải quyết các vấn đề cụ thể theo kết quả của gói thứ nhất.5

Đến ngày 14-08, Hoa Kỳ đưa ra đề xuất 10 điểm, tương đồng với đề xuất 10 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng có sửa đổi vấn để rút quân, ngừng bắn và tổ chức bầu cử. Cụ thể:

  • Rút khỏi Việt Nam toàn bộ quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ;
  • Việc thống nhất Việt Nam do Nam và Bắc Việt Nam quyết định;
  • Tôn trọng các Hiệp định Giơ ne vơ 1954 và 1962;
  • Đông Dương là khu vực hòa bình, độc lập và trung lập;
  • Ngừng bắn tại chỗ có giám sát quốc tế, kiểm soát quốc tế.6

Các điểm mà hai bên còn có nhận thức khác nhau gồm:

  • Thời hạn rút quân đội Hoa Kỳ và đồng minh;
  • Vấn đề viện trợ quân sự cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa;
  • Các vấn đề chính trị có liên quan như: vai trò của Nguyễn Văn Thiệu và việc thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần. Theo Kissinger, các lực lượng chính trị ở Nam Việt Nam chỉ có hai thành phần rưỡi vì lực lượng thứ ba không thể đặt ngang hàng với chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời.5
  • Hoa Kỳ không cam kết bồi thường chiến tranh nhưng sẵn sàng nhận thấy cần có một chương trình tái thiết cho toàn Đông Dương.6

Cụ thể, phía Hoa Kỳ muốn rút quân và trao trả tù binh trong 3 tháng thay vì 1 tháng, ngừng bắn trên toàn Đông Dương chứ không chỉ ở riêng Việt Nam. Về viện trợ, Hoa Kỳ muốn lập lờ về thời hạn chấm dứt viện trợ cho VNCH thay vì ngừng ngay sau khi có Hiệp định, thậm chí Hoa Kỳ vẫn sẽ viện trợ cho các chính phủ ở Đông Dương. Hoa Kỳ cũng lật lại vấn đề của chính quyền Thiệu, theo đó, chính quyền Thiệu không bị giải tán, sẽ không có chính phủ liên hiệp 03 thành phần mà thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc với 03 thành phần. Về cung cách đàm phán, Hoa Kỳ vẫn muốn tách vấn đề chính trị khỏi vấn đề quân sự trong các cuộc đàm phán riêng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.73

Phía Việt Nam không nhất trí với lộ trình đàm phán "hai gói" của Hoa Kỳ. Họ cho rằng việc vạch ra hai bước này là để duy trì chế độ hiện hành ở miền Nam Việt Nam với đầy đủ bộ máy đàn áp trong tay. Trong như vậy điều kiện như vậy, cơ quan độc lập để tổ chức bầu cử sẽ bị vô hiệu hoá và vấn đề tự do dân chủ sẽ chỉ còn là hình thức. Lê Đức Thọ kết luận: "Hoa Kỳ không thể dùng đàm phán để làm một việc mà lực lượng quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ mười năm qua đã không làm được".6 . Ông cho rằng cuộc gặp lần này lập trường hai bên còn cách xa nhau, đặc biệt là về các vấn đề chính trị vì các bên mới tỏ thiện chí chứ có kết quả cơ bản hay tiến bộ rõ rệt như phía Hoa Kỳ đánh giá. Kissinger nhìn nhận Lê Đức Thọ đã đưa ra nhiều đề nghị khá nghiêm túc nhưng lại phàn nàn rằng kế hoạch của Hoa Kỳ đã bị những đề nghị của Lê Đức Thọ làm cho lỗi thời và vô hiệu. Còn Richard Nixon thì cho rằng cuộc gặp này "không có tiến bộ nào" và "sự lui bước đáng thất vọng trong thương lượng mà Kissinger thực hiện có thể sẽ phương hại đến các vấn đề chính trị".5 Hai bên thỏa thuận ngày 15 tháng 9 sẽ gặp lại.

Nhận thấy những cuộc thăm dò đã có một số kết quả tuy chưa rõ ràng, phía Việt Nam chuẩn bị cho cuộc gặp riêng thứ 17 với phương án mềm dẻo hơn nhằm tăng khả năng giải quyết với phía Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử tổng thống của họ. Mặt khác, Hà Nội cũng chứng minh thiện chí của mình bằng việc đón tiếp trọng thị vị đặc phái viên của ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ thuộc Đảng dân chủ McGovern cùng với việc phóng thích ba tù binh Hoa Kỳ nhân ngày Quốc khánh 2-9 như một sự ủng hộ cho uy tín của ông này và tăng thêm sức ép đối với Nixon6 . Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ vẫn tiếp tục có những sự không nhất trí trong nội bộ giới lãnh đạo của họ cũng như trong ứng xử đối với Sài Gòn. Theo Kissinger có ba khả năng: đạt được giải pháp hòa bình trước bầu cử, kết thúc chiến tranh bằng leo thang oanh kích sau bầu cử hoặc tiếp tục kéo dài chiến tranh với hy vọng Hà Nội phải nhượng bộ5 Mặc dù Kissinger vẫn thiên về phương án đạt được giải pháp hòa bình trước bầu cử nhưng trong cuộc gặp giữa Nixon, Kissinger và đại sứ Elsword Bunker tại Honolulu ngày 31 tháng 8 thì Nixon lại tính khác. Tin ở khả năng tái cử của mình, ông ta cho rằng nên hoãn các cuộc thương lượng lại đến sau bầu cử. Mặc dù sự chống đối một giải pháp hòa bình của Thiệu ngày càng làm cho Nixon bực mình, nhưng chính ông ta trong những tuần tiếp theo cũng không muốn ký một hiệp định trước cuộc bầu cử nếu nó không có chính điều mà ông ta muốn.82

Tới cuối tháng 8, sự kháng cự của Nguyễn Văn Thiệu trở nên mạnh mẽ trước sự xuống thang của Hoa Kỳ. Trong thư gửi Nixon ngày 30-08, Thiệu vẫn đòi Hoa Kỳ phải đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ Sài Gòn và nhắc lại việc Hoa Kỳ đã từ chối các sáng kiến của Việt Nam Cộng hòa về vấn đề chính trị của miền Nam sau khi có Hiệp định. Đồng thời, Thiệu đòi Hoa Kỳ phải tham vấn Việt Nam Cộng hòa trước khi thảo luận với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam.84

Bức thư ngày 31 tháng 8 của Nixon gửi cho Nguyễn Văn Thiệu với cam kết Hoa Kỳ không thể "mua bán hòa bình hoặc danh dự hoặc bù lại những hy sinh của mình bằng cách từ bỏ một đồng minh dũng cảm" và vài lời khích lệ đối với "vai trò lãnh đạo thực sự" của Nguyễn Văn Thiệu đã làm ông ta tin rằng Hoa Kỳ phải phụ thuộc vào mình. Trong thư, Nixon cũng đề nghị phía Việt Nam Cộng hòa hợp tác với Hoa Kỳ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau và cam kết sẽ chỉ đạo Đại sứ Bunker tại Sài Gòn phải liên lạc chặt chẽ với Thiệu để tham vấn lẫn hhau trước khi đưa ra lập trường chung.85

Kissinger cho rằng Nguyễn Văn Thiệu "không sẵn sàng cho một nền hòa bình thương lượng" mà muốn "một sự đầu hàng không điều kiện" của đối phương. Chính sự cứng nhắc đó của Nguyễn Văn Thiệu đã làm cho phái đoàn Hoa Kỳ trở nên khó xử và đàm phán lại bế tắc.

Không tìm được sự ủng hộ tích cực từ Nixon nhưng lại có được thông tin từ chiến trường đưa đến về việc Quân lực Việt Nam Cộng hòa tái chiếm thành công Thành cổ Quảng Trị, giữ được An Lộc (nhưng vẫn bị vây lỏng từ tháng 5-1972) và Kon Tum (nhưng vẫn bị vây lỏng và chưa giành lại được các vị trí chiến lược ở Bắc Tây Nguyên); Kissinger đã điều chỉnh lại lập trường của mình và tiến hành các cuộc gặp riêng với đại sứ Liên Xô và đại sứ Trung Quốc tại Washington trước khi gặp lại Lê Đức Thọ tại Paris ngày 15 tháng 9. Mặc dù Kissinger chủ động đưa ra sáng kiến mười điểm mới nhưng theo Lê Đức Thọ đánh giá nó không những không khác với đề nghị hồi tháng 8 mà còn chứa đựng những "từ ngữ không rõ ràng" và có nhiều điểm thụt lùi so với sáng kiến lần trước6 .

Hoa Kỳ lặp lại đề nghị Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia riêng, không thừa nhận Chính phủ Cách mạnh lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà chỉ thừa nhận Mặt trận dân tộc giải phóng như một lực lượng chính trị trong khuôn khổ hiến pháp VNCH (sẽ sửa đổi). Trong đề nghị của mình, Kissinger yêu cầu giải quyết "công bằng" đối với các lực lượng vũ trang ở miền Nam chứ không phải là "bình đẳng", không chấp nhận "ngừng bắn tại chỗ" mà chỉ chấp nhận "ngừng bắn chung"; không những lặp lại đề nghị đòi quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam mà còn phải rút khỏi Lào và Cam Pu Chia trong khi không đả động đến các lực lượng Hoa Kỳ và Thái Lan có mặt tại đây. Kissinger còn đòi đưa các nước có quân tham chiến (đương nhiên là cả Hoa Kỳ) vào giám sát ngừng bắn.5

Đoàn Việt Nam nhận biết nhưng tỏ ra không quan tâm đến sáng kiến mới của phía Hoa Kỳ mà chỉ đồng ý rằng đã đến thời điểm phải nhanh chóng đi đến một giải pháp. Phía Việt Nam chỉ yêu cầu giải quyết ba loại vấn đề: tuyên bố về chính sách, nội dung giải pháp và cách thức thương lượng và đưa ra đề nghị thời hạn rút quân của Hoa Kỳ là 45 ngày sau ký hiệp định toàn bộ. Lê Đức Thọ cũng không nhắc đến yêu cầu giải tán chính quyền Thiệu mà trong các cuộc họp hồi tháng 5 và tháng 7, ông vẫn coi là điều kiện tiên quyết. Hai bên cũng bắt đầu bàn đến thành phần của Uỷ ban giám sát quốc tế gồm bốn nước, trong đó có ít nhất hai nước đã tham gia giám sát thi hành Hiệp định Genève. Kissinger muốn hai bên gặp lại sau một tuần nhưng Lê Đức Thọ không đồng tình vì ông cho rằng phía Hoa Kỳ "chưa thật sự muốn đi vào giải pháp sớm".6 . Cụ thể, phía Việt Nam muốn ở Trung ương sẽ có chính phủ hòa hợp dân tộc cấp Trung ương, từ cấp tỉnh trở xuống là các Ủy ban hòa hợp dân tộc với tỷ lệ tham gia của 03 thành phần là ngang nhau, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn tồn tại và thực hiện quản lý hành chính tại các vùng mình kiểm soát trong thời gian chờ Tổng tuyển cử, Chính phủ hòa hợp dân tộc hoạt động trên nguyên tắc không bên nào lấn át bên nào.73

Tới ngày 16-09, trùng với thời điểm Quân Giải phóng rút hết khỏi Thành cổ Quảng Trị, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra đề nghị Chính phủ hòa hợp dân tộc gồm 12 ủy viên, 1 đoàn chủ tịch gồm 3 đại diện của 3 thành phần; chính phủ này hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận và 5 ủy ban trực thuộc bao gồm: Quân sự liên hợp, Chính trị, Tổng tuyển cử, Đối ngoại và Dự thảo Hiến pháp.73 .

Cuối cùng Lê Đức Thọ chấp nhận đề nghị của Kissinger về việc cố gắng giải quyết chiến tranh trước ngày 15 tháng 10 và hẹn gặp lại để bàn cụ thể trong hai ngày 26 và 27 tháng 9.5 Hà Nội điện cho Lê Đức Thọ đồng ý với thời điểm này.

Cuộc gặp ngày 26 và 27 tháng 9 đem lại những kết quả tích cực. Phía Hoa Kỳ xác nhận quyết tâm đi đến một giải pháp nhưng cảnh báo trước những trở ngại có thể diễn ra từ phía Sài Gòn.5 Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra kế hoạch làm việc với các nội dung:

  • Công thức 12/3 cho chính phủ hòa hợp dân tộc lâm thời với quyền lực hạn chế và phải theo nguyên tắc đồng thuận; do đó, không cần có Uỷ ban hòa giải dân tộc mà cần phải bầu cử Quốc hội lập hiến.
  • Nhất trí với Hoa Kỳ về thành phần Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế nhưng chỉ gồm 4 nước.
  • Giải quyết vấn đề Việt Nam trước, sau đó mới gắn với vấn đề Đông Dương.
  • Cam kết giúp Hoa Kỳ giải quyết vấn đề quân nhân Mỹ bị các lực lượng Pathet Lào bắt làm tù binh (trên thực tế không có tù binh Hoa Kỳ ở Cam Pu Chia).6

Đoàn Hoa Kỳ cũng trao cho đoàn Việt Nam 4 văn bản về các vấn đề: rút quân và thả tù binh chiến tranh; lập Uỷ ban giám sát quốc tế gồm 5 nước; ngừng bắn chung trên toàn Đông Dương; bảo đảm quốc tế. Tuy hoan nghênh những đề nghị mới của Việt Nam nhưng Kissinger vẫn lặp lại hai vấn đề: chỉ công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một lực lượng chính trị, không thừa nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và quân miền Bắc phải rút khỏi miền Nam5 . Lê Đức Thọ cho rằng đó là các vấn đề có liên quan trực tiếp đến chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tự quyết, quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam; do đó, nó có tính nguyên tắc và không thể nhân nhượng được. Ông đề nghị phía Hoa Kỳ cũng nên có đi có lại vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuy muốn có hòa bình, độc lập nhưng không phải với bất kỳ giá nào.6

Đoàn Hoa Kỳ cho rằng đề nghị mới của họ với bốn vấn đề có tính chất như nghị định thư kèm theo hiệp định đã đáp ứng mối quan tâm của Việt Nam.5 Phía Việt Nam đánh giá Hoa Kỳ chỉ có những nhân nhượng nhỏ giọt, kéo dài đàm phán, thỏa thuận nửa chừng để trợ giúp Nixon vượt qua bầu cử và tranh thủ thời gian đổ thêm viện trợ vào miền Nam để tăng tiềm lực quân sự cho chính quyền Sài Gòn.6

Richard Nixon, Gerald Ford, Kissinger và Alexander Haig tại Nhà Trắng (1973)

Ngày 30 tháng 9, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gạt bỏ khả năng cắt đứt đàm phán bằng cách tập trung biên soạn dự thảo hiệp định của phía mình trên cơ sở kết hợp mười điểm lập trường của mình đưa ra ngày 26 tháng 9 với mười điểm lập trường của Hoa Kỳ đưa ra ngày 27 tháng 9. Phía Hoa Kỳ nhận được bản dự thảo hiệp định từ phía Việt Nam ngay khi bắt đầu phiên họp ngày 8 tháng 10. Kissinger cho rằng đây là một bước tiến bộ rất lớn. Hoa Kỳ cuối cùng đã đạt được điều mà mình tìm kiếm: một nền hòa bình phù hợp với danh dự và trách nhiệm quốc tế của Hoa Kỳ, một mục tiêu mà mười năm chiến tranh và ba chính quyền đã không làm được việc đó. Tướng Alexander Heige (từng tham gia chỉ huy các lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam) tuyên bố: "Chúng ta đã cứu vớt danh dự cho bao người đã chiến đấu, đau khổ và hi sinh ở nơi đó"5

Ngày 08-10-1972, bỏ qua các ý kiến của Thiệu, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao cho phái đoàn Hoa Kỳ một bản dự thảo Hiệp định. Trong đó, chỉ ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ phải rút hết quân cùng vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật, gỡ bỏ phong tỏa và ngừng ném bom miền Bắc, việc rút quân sẽ do Ban Liên hợp Quân sự 4 bên điều phối, tù binh và dân thường phải được trao trả trong 2 tháng, lực lượng vũ trang các bên ở miền Nam tập kết tại chỗ và tiến hành giảm quân, tiến tới giải ngũ toàn bộ, trong vòng 15 ngày sau khi ký Hiệp định thì thành lập Hội đồng Hòa giải Quốc gia và nó sẽ hoạt động theo nguyên tắc nhất trí, trong vòng 3 tháng sau khi có Hiệp định thì các bên ở miền Nam phải tiến hành ký một hiệp định nội bộ của miền Nam, 5 tháng sau khi ký Hiệp định thì Tổ chức Tổng tuyển cử ở miền Nam.

Để đáp ứng với bước tiến của phía Việt Nam, cả đêm mùng 8 và ngày 9 tháng 10, đoàn Hoa Kỳ đã lao động cật lực để soạn một dự thảo hiệp định của phía mình để trao lại cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, các trợ lý của hai đoàn đối chiếu với hai bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt, tu chỉnh kỹ thuật những chỗ chưa chuẩn xác để hai phía tiếp tục thảo luận.6 .

Trong hai cuộc họp tối mùng 9 và ngày 10 tháng 10, hai bên xem xét, thảo luận và điều chỉnh từng điểm một trong dự thảo hiệp định. Một loạt các vấn đề Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, cam kết chấm dứt chiến tranh, chấm dứt dính líu quân sự; vấn đề trả tù binh chiến tranh của các bên; vấn đề thống nhất hai miền của Việt Nam; vấn đề xúc tiến đàm phán về Lào; vấn đề nhân viên dân sự nước ngoài ở miền Nam; quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sau chiến tranh; vấn đề rà phá thuỷ lôi, bom mìn; vấn đề cơ cấu chính quyền "Hội đồng hòa giải quốc gia và hòa hợp dân tộc"; vấn đề hiệp thương tổng tuyển cử... lần lượt được hai bên nhượng bộ lẫn nhau và nhất trí về cơ bản6 .

Trong cuộc gặp riêng ngày 11 tháng 10 năm 1972, đoàn Hoa Kỳ đưa ra đề nghị tám điểm; trong đó có một số điểm mới: đề nghị một thời hạn rút quân trong bảy tháng (phụ thuộc vào thời điểm ký kết hiệp định); tổ chức tuyển cử tự do và dân chủ bầu tổng thống và phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa, các tổng thống và phó tổng thống đương quyền sẽ từ chức trước thời điểm bầu cử một tháng, một cơ quan độc lập bao gồm đại diện các lực lượng chính trị ở miền Nam tham gia sẽ chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử có sự giám sát quốc tế. Tuy nhiên, khác với lập trường khi Trận Thành cổ Quảng Trị đang diễn ra là Quân đội Nhân dân Việt Nam có thể ở lại Lào và Campuchia thì lần này phía Hoa Kỳ lại đề nghị: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải rút quân khỏi Lào và Campuchia, chính quyền mới phải được tổ chức trên cơ sở hiến pháp của Việt Nam Cộng hòa5 .

Cũng trong tháng 10 năm 1972, Hà Nội đón Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Nikolai Podgorny, ông này gợi ý phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên cân nhắc đề nghị trên của Hoa Kỳ nhưng phía Việt Nam từ chối.

Ngày 17-10, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa duyệt dự thảo lần cuối và lên lịch ký Hiệp định. Ngày 19-10, Kissinger được Nixon chỉ thị là bằng mọi cách phải thuyết phục được Thiệu. Mặc dù đạt được khá nhiều kết quả nhưng Kissinger vẫn cho Lê Đức Thọ biết rằng ông ta phải thuyết phục những người khác. Khó khăn nhất là phía Hoa Kỳ còn phải thuyết phục được cả Việt Nam Cộng hòa lẫn những nhân vật ủng hộ họ trong chính giới Mỹ. Hai bên đã thỏa thuận được một lịch trình ký tắt (vào ngày 22 tháng 10, trong chuyến đi con thoi Hà Nội-Sài Gòn của Kissinger), công bố (ngày 26 hoặc 27 tháng 10) ký kết (ngày 29, 30 hoặc 31 tháng 10).6 Ngày 23-10, Hoa Kỳ ồ ạ gửi vũ khí, quân trang, quân dụng và đạn dược cho chính quyền Sài Gòn. Cũng trong ngày 23-10, lấy lý do Thiệu chưa chấp nhận, phía Hoa Kỳ đề nghị lùi lịch ký Hiệp định. Ngày 26-10, để phản đối hành động của Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố toàn bộ bản dự thảo và các cam kết của Hoa kỳ tại phiên họp thứ 164 của Hội nghị.86

Tổng thống Nixon cho rằng Hoa Kỳ đã đạt được cả ba mục tiêu quan hệ quốc tế trọng yếu trong năm 1972: quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, mở ra quan hệ với Liên Xô, giải quyết chiến tranh ở Việt Nam trong danh dự. Nixon kết luận: "Tất cả những điều quy định có ý nghĩa tương đương với một sự đầu hàng hoàn toàn của kẻ thù. Họ đã chấp nhận một giải pháp theo điều kiện của chúng ta.70 Cả Nixon và Kissinger đều tuyên bố trước dư luận: hòa bình đã ở trong tầm tay.

Washington có lý do để vui mừng nhưng Hà Nội chưa vội khuếch trương kết quả quan trọng mới của Hội nghị Paris. Họ nhận thấy Nixon còn có khả năng vượt qua bầu cử mà không cần vội ký kết hiệp định do bản hiệp định vẫn còn hai điểm để ngỏ: vấn đề thay thế vũ khí và thả tù chính trị (được gọi là nhân viên dân sự). Mặt khác, Nixon cũng giành thêm được sự ủng hộ so với McGoverne sau thành công của Kissinger ở Paris. Từ Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu vẫn lớn tiếng tuyên bố không thể ủng hộ một thỏa thuận sau lưng mình. Vì vậy, Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng đơn phương công khai hoá dự thảo hiệp định nếu Hoa Kỳ không chịu ký kết và xa hơn nữa, đề phòng Hoa Kỳ cắt đứt đàm phán và ném bom trở lại.6

Dư luận quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của cả hai phía, đặc biệt là trong ba tuần làm việc căng thẳng cuối tháng 9 giữa Lê Đức Thọ và Kissinger để cuối cùng, đã phác hoạ được những nét cơ bản cho dự thảo hiệp định tương đối hoàn chỉnh. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L.I.Brezhnev cho rằng Việt Nam đã đạt được hai mục tiêu cơ bản về chấm dứt sự dính líu của Hoa Kỳ và được công nhận thực tế hai chính quyền ở miền Nam. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai cũng bày tỏ sự đồng tình với sách lược đấu tranh của Việt Nam.87

Ngừng đàm phán để ném bom

Thượng nghị sĩ Edmund Muskie, người khởi xướng việc phản đối Nixon ném bom miền Bắc Việt Nam năm 1972

Mọi việc sẽ diễn dúng như trình tự mà hai bên đã thỏa thuận nếu không có những điều mà cả hai bên đã lường trước nhưng không thể và không muốn giải quyết ngay. Đó là phản ứng của Nguyễn Văn Thiệu. Ông ta đã diễn lại màn kịch với Lyndon B. Johnson bốn năm trước bằng việc phản đối Hoa Kỳ nói chuyện với VNDCCH, phản đối việc chấm dứt ném bom miền Bắc và phản đối giải pháp quân sự. Ông ta còn cho rằng nếu Hoa Kỳ ở lại thêm một thời gian nữa thì: "Hà Nội có thể phải đầu hàng vô điều kiện".5 Ngày 4 tháng 10, khi tiếp tướng Alexander Haige, đại diện của Nixon, Nguyễn Văn Thiệu đã chống lại tất cả các đề nghị cũng như bác bỏ tất cả các phản đề nghị của Hoa Kỳ. Khi Kissinger đến Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu từ chối thảo luận nội dung dự thảo hiệp định. Nixon đã phải gửi thông điệp cho ông ta nói rõ rằng Hoa kỳ không có giải pháp nào hợp lý hơn là chấp nhận hiệp định đó.70 Mặc dù Kissinger đã thay mặt Nixon bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ tuyệt đối ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu trong những ngày tới nhưng trong buổi làm việc với Trần Văn Lắm (Ngoại trưởng VNCH), ông Lắm đã yêu cầu sửa đổi 23 điểm quan trọng trong dự thảo hiệp định; lặp lại đề nghị xoá bỏ Chính phủ cách mạng lâm thời, đòi miền Bắc rút quân và đòi miền Nam độc lập với miền Bắc... Ngày 22 tháng 10, Kissinger thú nhận: "Chúng tôi đã trở thành tù binh cho lịch công tác mà chúng tôi đã đề ra";5 còn Nixon thì gửi ngay một giác thư cho Nguyễn Văn Thiệu có đoạn: "Quyết định của ông sẽ có hậu quả nghiêm trọng đến khả năng duy trì sự ủng hộ của tôi cho ông và cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa".70 . Ngày 23 tháng 10, Kissinger huỷ bỏ chuyến đi ra Hà Nội và việc ký tắt đương nhiên không thành. Không còn cách nào khác, phía VNDCCH công khai hoá về tình hình gặp riêng hai bên và công bố bản dự thảo hiệp định đã thỏa thuận nhưng chưa ký được.6 .

Dư luận quốc tế phản ứng với phía Hoa Kỳ. Hãng UPI cho rằng Việt Nam đã đưa quả bóng sang sân của Hoa Kỳ. Hãng tin Pháp AFP nhận xét: Nixon đã bị dồn vào chân tường và buộc phải lựa chọn, hoặc ký sớm hiệp định, bỏ rơi Thiệu, hoặc tiếp tục chiến tranh. Các nhân vật đối lập trong Quốc hội Hoa Kỳ đòi Nixon phải có trách nhiệm ký hiệp định sớm, không thể để Thiệu muốn làm gì thì làm và họ cho rằng Nguyễn Văn Thiệu đang thách thức lòng tự trọng của người Mỹ.88 Liên Xô tuyên bố ủng hộ Việt Nam một trăm phần trăm, còn Trung Quốc cũng yêu cầu Hoa Kỳ phải tôn trọng những gì đã thỏa thuận với Việt Nam.6 .

Ngày 4 tháng 11, Nixon trúng cử tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ 38. Ngày 20 tháng 11, hai bên tiếp tục gặp gặp nhau tại Paris để thương lượng lại. Cuộc gặp này là một bước thụt lùi lớn so với trước đó một tháng vì Kissinger đòi sửa lại hầu hết các chương của dự thảo hiệp định, lật lại vấn đề quân miền Bắc rút khỏi miền Nam, không công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời, không công nhận hiện trạng hai chính quyền, hai quân đội, hai địa bàn ở miền Nam, đề nghị bàn thảo lại vấn đề thả tù binh và tù chính trị.v.v... Sau này, chính Kissinger cũng thừa nhận đó là một sai lầm nặng nề về chiến thuật; rằng tác dụng bài phát biểu của ông ta đã thành con số không ngay khi đề cập đến việc sửa đổi 69 điểm do phía Sài Gòn yêu cầu5 . Sau khi phía Việt Nam tiếp tục có một số nhượng bộ nhưng không phải là nhượng bộ về nguyên tắc, hai bên lại tiếp tục thỏa thuận một lịch trình ký kết vào trung tuần tháng 12. Nhưng cũng như tất cả các lịch trình trong tháng 10, lịch này cũng không được thực hiện do phía Hoa Kỳ không đi vào thực chất vấn đề. Các cuộc gặp ngày 25 tháng 11, ngày 4 tháng 12 và 13 tháng 12 liên tục bế tắc không chỉ do Kissinger vẫn cho rằng chưa đạt yêu cầu của phía Hoa Kỳ mà còn do sự tranh cãi về chữ nghĩa của các chuyên viên hai bên khi rà soát văn bản. Ngày 14, hai bên hoãn họp để về xin ý kiến chính phủ của mình.6 Đến đây đàm phán lùi lại phía sau và Nixon dùng B-52 để "nói chuyện" với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau chiến dịch Linebacker II

Chấm dứt ném bom để đàm phán

Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris 1973

Hồi 14 giờ chiều 18 tháng 12 (giờ Paris, tức 21 giờ ở Việt Nam), trong khi B-52 đang dội bom xuống Hà Nội thì Nixon gửi công hàm cho Phạm Văn Đồng (qua đại biện lâm thời Việt Nam tại Paris) yêu cầu phải họp lại ngày 26 tháng 12. Phía Việt Nam im lặng và trả lời bằng 2 máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ, 4 chiếc khác bị thương, 6 phi công B-52 bị bắt. Ngày 22 tháng 12, phía Hoa Kỳ tiếp tục có công hàm đề nghị họp lại vào ngày 3 tháng 1 năm 1973 trong khi phi vụ ném bom B-52 thứ 247 của chiến dịch đang được thực hiện. Hà Nội lại im lặng và tiếp tục trả lời bằng con số B-52 rơi lên đến 14 chiếc (phía Hoa Kỳ thừa nhận mất 9 chiếc). Đến ngày 26 tháng 12, Hà Nội mới đồng ý nối lại đàm phán với điều kiện tình hình phải trở lại như trước ngày 18 tháng 12. Nixon cố trút thêm hơn chục nghìn tấn bom đạn nữa xuống Hà Nội, Hải Phòng để lập kỷ lục mất đến chiếc B-52 thứ 34 (Mỹ thừa nhận 16 chiếc bị bắn rơi) rồi mới ra lệnh ngừng ném bom và cho Kissinger quay lại Paris.6

Trong khi Hà Nội, Hải Phòng chịu những trận mưa bom từ máy bay B-52 thì Nixon và các trợ thủ của ông ta cũng phải chịu những trận "mưa bom" từ dư luận trong và ngoài nước Mỹ. Không một đồng minh NATO nào lên tiếng ủng hộ việc ném bom của Hoa Kỳ. 45 trong số 73 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ được Viện Gallup hỏi ý kiến chống lại "cuộc ném bom trong dịp Giáng sinh" và tuyên bố sẵn sàng ủng hộ một đạo luật buộc tổng thống phải chấm dứt chiến tranh. Đến ngày 2 tháng 1 năm 1973 thì cả Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Hoa Kỳ thông qua với đa số phiếu áp đảo một nghị quyết cắt kinh phí quân sự ở Việt Nam, kể cả viện trợ quân sự cho VNCH (trừ kinh phí cho việc rút quân và hồi hương tù binh). Ngày 8 tháng 1 năm 1973, Kissinger quay lại Paris trong nỗi ám ảnh của bóng ma phản chiến. Chiếc máy bay của ông ta phải đậu cách xa ống kính ghi hình của các phóng viên báo chí tại căn cứ không quân Homestead5

Buổi họp đầu tiên sáng ngày 8 tháng 1 được dành cho bài độc thoại của ông Lê Đức Thọ lên án cuộc ném bom trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 vừa qua của Hoa Kỳ. Kissinger chỉ phàn nàn: "Tôi nghe thấy có những tính từ và tôi đề nghị không dùng những từ đó". Ông Thọ bác lại: "Tôi nói thế cũng là đã kiềm chế lắm rồi. Dư luận thế giới, các nhà báo và chính các nhân vật ở Hoa Kỳ còn dùng những câu chữ dữ dội hơn nhiều".6 Như để giữ thể diện, đoàn Hoa Kỳ đề nghị thảo luận theo lập trường mà Hoa Kỳ đưa ra trong công hàm ngày 18 tháng 12 năm 1972. Đoàn Việt Nam trả lời rằng họ quay lại Paris theo đáp ứng của Hoa Kỳ rằng mọi chuyện sẽ quay lại trước ngày 18 tháng 12, lấy sự thỏa thuận ngày 13 tháng 12 làm cơ sở. Và như vậy, bản hiệp định chỉ còn hai vấn đề phải làm rõ là khu phi quân sự và thể thức ký kết. Cuối cùng, phía Hoa Kỳ phải đồng ý.6

Nixon quyết định mặc kệ Thiệu

Hội trường quốc tế của Bộ ngoại giao Cộng hòa Pháp tại phố Klébèr, nơi diễn ra Lễ ký Hiệp định Paris 1973

Trong buổi chiếu ngày 8 và cả ngày 9 tháng 1, hai bên đã sửa lại về hình thức ngôn ngữ của một số điều khoản. Phía Hòa Kỳ đồng ý với phía Việt Nam về việc không cấm đi lại dân sự qua khu phi quân sự vì trên thực tế, QĐNDVN đã đẩy tuyến phòng thủ giữa mình và QLVNCH đến sông Thạch Hãn và nối liền với Bắc Tây nguyên thì việc cấm qua lại quân sự chỉ còn có ý nghĩa hình thức nếu không nói là vô hiệu. Một số điều khoản có liên quan đến Lào và Campuchia cũng được điều chỉnh theo hướng tôn trọng các hiệp định Genève năm 1954 về Campuchia và 1962 về Lào; công việc nội bộ của hai nước này do họ tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài, quan hệ giữa các nước Đông Dương với nhau cũng do các nước này tự quyết định. Hiệp định coi như đã hoàn thành.6

Ngày 10 và 11 tháng 1, hai bên tiếp tục giải quyết xong các hiểu biết (understanding) gồm những vấn đề cụ thể về khái niệm có thể ký bằng thỏa thuận giữa hai bên, không cần thiết phải đưa vào nội dung chính của Hiệp định hoặc Nghị định thư nhưng mặc nhiên được coi như một bộ phận của Hiệp định. Sang ngày 12, hai bên bàn đến vấn đề cách thức ký hiệp định. Ban đầu, Kissinger đề nghị ba bên Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời ký riêng một lời nói đầu, Việt Nam Cộng hòa ký riêng một lời nói đầu khác. Đến ngày 13 tháng 1, ông ta lại đề nghị Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký riêng một lời nói đầu và điều 23, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký riêng rẽ hai phần này dưới hình thức một công hàm gia nhập hiệp định (adherence). Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản đối với lý do các bên ký kết phải cùng ký toàn bộ hiệp định và các nghị định thư để đảm bảo cam kết của họ về hình thức pháp lý. Phía Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra ba cách ký mà trong đó đều không có tên Chính phủ cách mạng lâm thời cũng như chức vụ Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời và dĩ nhiên không được phía VNDCCH chấp nhận. Kissinger còn đề nghị mỗi bên ký một trang riêng nhưng cũng bị phía Việt Nam bác bỏ. Cuối cùng, hai bên thỏa thuận ký bốn bên và ký hai bên. Các trang để ký đều được gộp vào văn bản hiệp định và đánh số thứ tự. Hai bên thỏa thuận ký kết vào ngày 27 tháng 1.6

Nguyễn Văn Thiệu đã cố cản trở Nixon lần cuối cùng khi ông ta lệnh cho Nguyễn Đỗ Phượng, đại sứ của mình ở Washington cùng với hai người được ông ta cử sang là Bùi Diễm (cựu đại sứ VNCH ở Hoa Kỳ) và Trần Văn Đỗ mở một chiến dịch vận động hành lang (lobby) từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 1 đối với những nhân vật đứng đầu các đảng Cộng hòa, Dân chủ và những nhân vật chủ chốt khác ở cả hai viện Quốc hội Hoa Kỳ. Trong tường trình của Bùi Diễm gửi về Sài Gòn cho Nguyễn Văn Thiệu ghi nhận bốn nhân vật quan trọng của Quốc hội Hoa Kỳ, các ông Hubert Humphrey, John Tower, Jarvis và Eirken đều cùng chung một quan điểm: Chiều hướng chung của Quốc hội Hoa Kỳ lúc này là chấm dứt chiến tranh. Vụ oanh tạc bằng B-52 vừa rồi đã gây xúc động tới mức những nghị sĩ trong Đảng Cộng hòa cũng phản đối chính sách của tổng thống và sốt ruột vì hòa bình. Ông Tower còn nói nếu chọn nguyên tắc và thực chất thì ông sẽ chọn thực chất dù bề ngoài có thể mất thể diện chút ít.89

Sau khi gửi đến 8 bức điện mật từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 1 nhưng không thuyết phục được Nguyễn Văn Thiệu, Nixon đã phải dùng đến những biện pháp gay gắt nhất. Ngày 16 tháng 1, ông cử đại tướng Alexander Haige đến Sài Gòn đem theo một bức giác thư, có đoạn viết:

Sau khi Alexander Haig đi, Nixon nói với Kissinger: "Ông sẽ hiểu thế nào là sự tàn bạo nếu tên đểu giả đó không chịu chấp thuận. Ông hãy tin lời tôi". Mặc dù vậy, Nixon vẫn bảo đảm với Nguyễn Văn Thiệu rằng: "Hoa Kỳ đơn phương công nhận chính phủ của ngài là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam" nhưng sự đảm bảo này không thể được ghi vào hiệp định.5 . Không còn cách nào khác, Nguyễn Văn Thiệu phải cử Trần Văn Lắm đi Paris để ký kết hiệp định. Như mọi người đều biết, hồi 10 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 23 tháng 1, lễ ký tắt giữa Kissingere và Lê Đức Thọ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế - Bộ ngoại giao Cộng Hoà Pháp trên đại lộ Kléber. Đến 11 giờ (giờ Paris) ngày 27 tháng 1, lễ ký chính thức đã diễn ra cũng tại đây. Buổi sáng, bốn bên Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký. Buổi chiều cùng ngày, hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký.6

Bản dự thảo tháng 10-1972 và bản chính thức của Hiệp định Paris: tuy hai mà một, tuy một mà hai

Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ William P. Rogers, người thay mặt chính phủ Hoa Kỳ ký bản Hiệp định Paris 1973

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam không chỉ đơn thuần có một văn bản hiệp định mà có hai văn bản giống nhau (chỉ khác về câu chữ ở điều 23). Một văn bản do hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng ký, một văn bản do bốn bên Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký. Kèm theo Hiệp định này là 4 Nghị định thư về các vấn đề có liên quan đến bốn bên, hai bên và một bản ghi nhớ các hiểu biết về các nội dung được thỏa thuận. Ngoài ra, ngày 1 tháng 2 năm 1973, Tổng thống Nixon còn gửi một công hàm cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 7 nguyên tắc về việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc Việt Nam theo Điều 21 của Hiệp định có bổ sung thêm một hiểu biết về Chương trình xây dựng lại kinh tế và ghi chú về những hình thức viện trợ khác.90

Cuối tháng 2 năm 1973, các bên Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Ba Lan, Canada, Hungary và Indonesia dưới sự bảo trợ của Tổng thư ký Liên hiệp quốc còn ký một Định ước cuối cùng của Hội nghị quốc tế về Việt Nam gồm lời nói đầu và 9 điều khoản.91 Định ước được soạn bằng 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) bày tỏ sự tán thành, ủng hộ và ghi nhận tính pháp lý quốc tế của Hiệp định Paris 1973 và các nghị định thư kèm theo; công nhận và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Định ước cũng quy định bốn bên ký hiệp định và hai bên miền Nam Việt Nam thông báo cho các bên ký định ước về tiến trình thi hành hiệp định. Trong trường hợp xảy ra vi phạm hiệp định, các bên ký hiệp định sẽ trao đổi với các bên cùng ký định ước để xác định các biện pháp giải quyết cần thiết.92 .

So với bản dự thảo hồi tháng 10 năm 1972, bản chính thức của Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết hầu như không khác nhau về nội dung. Dự thảo gồm 18 điều và dự kiến có thêm bản tiếng Pháp ngoài hai bản tiếng Anh và tiếng Việt. Bản được ký chính thức gồm 23 điều bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Chương I và Chương II được giữ nguyên gồm 7 điều. Chương III chỉ sửa lại tên gọi cho chi tiết vì bổ sung thêm vấn đề thường dân nước ngoài và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt, giam giữ. Chương IV gồm điều 9 và 9 khoản kèm theo được tách thành 6 điều, mỗi điều có từ 1 đến 3 khoản. Chương V gồm 1 diều (điều 10 của sự thảo và điều 15 ở bản được ký) được quy định chi tiết hơn. Chương VI giữ nguyên cấu trúc 4 điều và sửa đổi một số khoản về hình thức. Chương VII về Campuchia và Lào hầu như không thay đổi nội dung. Chương VIII về quan hệ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ được giữ nguyên nội dung. Chương IX về điều khoản hiệu lực được chi tiết hoá cho phù hợp với thể thức ký. Trên thực tế, bản dự thảo hiệp định hồi tháng 10 năm 1972 và bản chính thức được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 không có các thay đổi lớn6 Sau này, chính Kissinger đã ghi nhận điều đó với các câu hỏi và tự mình trả lời:

Một số mốc thời gian quan trọng của Hội nghị Paris

1967

  • 23 đến 26/1: Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định nâng hoạt động ngoại giao thành một mặt trận để phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị.
  • 28/1: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trả lời phỏng vấn nhà báo Australia Winfred Burchet: "Nếu Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể nói chuyện với Mỹ".
  • 29/9: Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson tuyên bố công thức San Antonio về vấn đề nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • 29/12: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: "Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về những vấn đề liên quan".

1968

  • 30 và 31/1: Lực lượng giải phóng tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở toàn miền Nam.
  • 31/3: Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đọc diễn văn về việc ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam và đề nghị nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • 3/4: Sau nhiều cuộc tiếp xúc bí mật mang tính "tiền trạm" của phía Mỹ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố "sẽ cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ".
  • 2/5: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ thỏa thuận lấy thành phố Paris làm điểm tiếp xúc sau một cuộc tranh luận kéo dài gần một tháng.
  • 13/5: Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, phố Kléber. Mỹ cử Averell Harriman và Cypruc Vance, hai nhà ngoại giao kỳ cựu, làm Trưởng và Phó đoàn. Ngoài ra còn có hai chuyên gia khác về Việt Nam là Philippe Habib và W.Jordan. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Xuân Thủy, từng nắm trọng trách Bộ trưởng Ngoại giao làm Trưởng đoàn, Phó đoàn là Hà Văn Lâu, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngoài ra còn có luật gia Phan Hiền, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân Nguyễn Thành Lê và Nguyễn Minh Vỹ, người từng tham gia Hội nghị Geneva 1961 - 1962 về Lào.
Lập trường của Mỹ thời kỳ đầu đàm phán là: Cần có sự tham gia của Phái đoàn Chính phủ Sài Gòn; Bắc Việt Nam không vi phạm khu phi quân sự, không bắn pháo hay tên lửa vào các thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản đối những đòi hỏi đó và đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và để Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia hội đàm.
  • 3/6: Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Cố vấn Đặc biệt của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ tới Paris.
  • 8/9: Bắt đầu cuộc tiếp xúc riêng giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy với các ông Harriman và Cypruc Vance.
  • 21/10: Bộ trưởng Xuân Thủy thông báo Hà Nội chấp nhận hội nghị bốn bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
  • 31/10: Tổng thống Johnson tuyên bố với nhân dân Mỹ: "Chấm dứt mọi việc ném bom bằng không quân, hải quân và bắn phá bằng pháo binh chống miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/11/1968", bất chấp sự phản đối của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu.
  • 6/11: Ứng viên Đảng Cộng hòa Richard Nixon đắc cử Tổng thống Mỹ.
  • 27/11: Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận tham dự Hội nghị Paris cùng với Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
  • 7/12: Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ làm Cố vấn, Phạm Đăng Lâm làm Trưởng đoàn rời Sài Gòn đi Paris dự hội nghị.
  • 10/12: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cử Phái đoàn đi dự Hội nghị Paris do Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, Nguyễn Thị Bình làm Phó Trưởng đoàn.

1969

  • 25/1: 10h30" sáng, hội nghị bốn bên: VNDCCH, Chỉnh phủ Cách mạng lâm thởi Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và VNCH khai mạc trọng thể tại Paris, 5 ngày sau khi Tổng thống Lyndon Johnson rời khỏi Nhà Trắng.
  • 23/2: Richard Nixon ra lệnh ném bom "Đất thánh" của "Việt Cộng" ở Campuchia.
  • 8/3: Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge tới gặp riêng Bộ trưởng Xuân Thủy. Sau đó ông ta đảm trách vị trí Trưởng đoàn Mỹ tại Hội nghị Paris thay ông Harriman.
  • 8/5: Phái đoàn Chỉnh phủ Cách mạng lâm thởi Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đứng đầu đưa ra "Giải pháp hòa bình 10 điểm".
  • 14/5: Tổng thống Mỹ Richard Nixon đưa ra "Đề nghị tám điểm".
  • 6/6: Thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
  • 8/6: Tổng thống Mỹ gặp ông Nguyễn Văn Thiệuđảo Midway và ra tuyên bố về đợt rút quân Mỹ đầu tiên gồm 25.000 binh sĩ khỏi miền Nam Việt Nam, bước đầu thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".
  • 4/8: Henry Kissinger bí mật gặp Xuân Thủy lần đầu tiên ở Paris.
  • 15/10: Bắt đầu đợt "tạm ngừng hoạt động" ở Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam. Biểu tình rầm rộ diễn ra ở hầu khắp các thành phố lớn trên đất Mỹ.
  • 3/11: Nixon tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề Việt Nam bằng thương lượng hoặc thông qua "Việt Nam hóa chiến tranh".

1970

  • Tháng 1: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định đẩy mạnh đấu tranh toàn diện ở miền Nam Việt Nam từ cuối năm 1970 và 1971, chuẩn bị cho bước quyết định vào năm 1972.
  • 21/2: Cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy gặp Henry Kissinger cùng Richard Smyer, chuyên gia về vấn đề Việt Nam và Tướng V. Walters. Bắt đầu các cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ và Kissinger.
  • Tháng 3: Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị và ngoại giao, đòi thành lập chính phủ liên hiệp ở miền Nam.
  • 4/5: Cảnh sát Mỹ bắn chết 4 sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam ở Đại học Kent. 5 ngày sau, biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam nổ ra khắp nước Mỹ.
  • 17/9: Tại phiên họp toàn thể lần thứ 80 Hội nghị Paris, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp "Tám điểm / nói rõ thêm" về Việt Nam, trong đó có việc rút quân Mỹ và thả tù binh cùng một thời hạn, thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ở miền Nam Việt Nam.
  • 18/10: Tổng thống Mỹ Nixon đưa ra "Đề nghị năm điểm" mà không đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam.
  • 10/12: Tại phiên họp toàn thể lần thứ 94 Hội nghị Paris, Nguyễn Thị Bình đưa ra "Tuyên bố ba điểm" về ngừng bắn và yêu cầu quân Mỹ rút khỏi miền Nam vào ngày 31 tháng 7 năm 1971.

1971

  • 21/4: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai mời Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Bắc Kinh sau màn "ngoại giao bóng bàn" giữa Mỹ và Trung Quốc.
  • 31/5: Tại cuộc gặp riêng với Xuân Thủy, Kissinger đưa ra đề nghị "cuối cùng" bảy điểm, đòi tách riêng vấn đề quân sự và vấn đề chính trị, mặc dù trước đây Mỹ định bàn cả hai.
  • 26/6: Phái đoàn VNDCCH đưa ra "Đề nghị chín điểm".
  • 1/7: Tại hội nghị bốn bên, Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN đưa ra "Đề nghị bảy điểm" đòi quân Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam trong năm 1971.
  • 9/7: Kissinger tới Trung Quốc làm tiền trạm cho Tổng thống Nixon đi thăm chính thức Bắc Kinh.
  • 13/7: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai bí mật sang Hà Nội thông báo việc Kissinger đi Bắc Kinh.
  • 16/8: Tại cuộc gặp riêng ở Trung Quốc, Kissinger đưa ra "Đề nghị tám điểm". Về cơ bản Mỹ vẫn giữ lập trường cũ: "Không muốn giải quyết toàn bộ mà chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự để lấy được tù binh về".
  • 20/11: Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng thăm Bắc Kinh.

1972

  • 25/1: Tổng thống Mỹ Nixon đơn phương công bố nội dung các cuộc gặp riêng và "Đề nghị tám điểm" đưa ra ngày 16 tháng 8 năm 1971.
  • 31/1: Phái đoàn VNDCCH công bố "Đề nghị chín điểm" đã trao cho ông Kissinger ngày 26 tháng 6 năm 1971, tố cáo Nhà Trắng vi phạm thỏa thuận giữa hai bên không công bố các nội dung cuộc họp riêng theo đề nghị của chính Kissinger.
  • 17/2: Tổng thống Mỹ Richard Nixon lên đường thăm Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc và Mỹ ra Thông cáo chung Thượng Hải.
  • 22/3: Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô thời hạn.
  • 30/3: Mở màn cuộc tấn công chiến lược Xuân - Hè, Quân Giải phóng miền Nam mở các cuộc tấn công lớn từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
  • 6/4: Tổng thống Mỹ Richard Nixon hạ lệnh ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam.
  • 15/4: Mỹ ném bom tại miền Bắc.
  • 2/5: Các ông Lê Đức Thọ và Xuân Thủy gặp lại Kissinger tại Paris. Toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng.
  • 8/5: Mỹ thả mìn các cảng và phong tỏa miền Bắc.
  • Tháng 6: Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định chuyển sang chiến lược hòa bình.
  • 13/7: Mỹ chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể bốn bên ở Paris.
  • 19/7: Tại cuộc gặp riêng, Việt Nam và Mỹ đều đưa ra tuyên bố về chính sách chung. Cuộc thương lượng bí mật giữa Lê Đức Thọ và Kissinger đi vào thực chất.
  • 1/8: Mỹ đưa ra "Đề nghị 12 điểm", VNDCCH đưa ra "Đề nghị 10 điểm".
  • 14/8: Đoàn VNDCCH trao cho Mỹ văn kiện khẳng định lại một số nguyên tắc: "Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, mọi sự dính líu về quân sự ở Việt Nam, mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam, tôn trọng quyền tự quyết và quyền độc lập thực sự của Việt Nam; Phải thừa nhận thực tế ở miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, 2 lực lượng vũ trang và 3 lực lượng chính trị, cần lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần".
  • 8/10: Phái đoàn VNDCCH đưa cho phía Mỹ dự thảo "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" và hai bên thảo luận cụ thể từng điều khoản.
  • 11/10: Trong cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ và Xuân Thủy với Kissinger kéo dài từ sáng ngày 11 đến 2 giờ sáng ngày 12 tháng 10, hai bên đã thảo luận về dự thảo hiệp định và lịch trình sau: 18 tháng 10 chấm dứt ném bom và thả mìn ở miền Bắc, 19 tháng 10 ký tắt Hiệp định tại Hà Nội, 26 tháng 10 ký chính thức tại Paris và 27 tháng 10 ngừng bắn ở Việt Nam.
  • 13/10: Phía Mỹ thông báo cho Đoàn Việt Nam rằng Tổng thống Nixon đã chấp nhận bản dự thảo hai bên đã bàn.
  • 20/10: Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và khẳng định "Văn bản hiệp định xem như đã hoàn thành" và cho biết Henry Kissinger sẽ đi Hà Nội ngày 24 tháng 10, ngày 30 tháng 10 ký hiệp định. Mỹ lập cầu hàng không mang tên "Enhance Plus" tiếp tế ồ ạt vũ khí cho Sài Gòn.
  • 21/10: Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời Tổng thống Nixon rằng, sẵn sàng ký hiệp định, đồng ý thời gian biểu của Nixon nêu.
  • 23/10: Mỹ lại nêu ra nhiều trở ngại để trì hoãn việc ký Hiệp định. Nixon gửi công hàm đề nghị hai bên có cuộc gặp riêng để bàn thêm và báo Kissinger hoãn chuyến đi Hà Nội.
  • 26/10: Chính phủ VNDCCH công bố các văn kiện Việt Nam và Mỹ đã thỏa thuận và đòi Mỹ ký văn bản đó. Henry Kissinger tuyên bố "Hòa bình trong tầm tay".
  • 2/11: Richard Nixon ra lệnh B52 tấn công phía Bắc khu phi quân sự.
  • 7/11: Richard Nixon tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
  • 20/11: Thương lượng lại: Mỹ đòi sửa đổi hầu hết các vấn đề thực chất trong tất cả các chương theo yêu cầu của Việt Nam Cộng hoà.
  • 13/12: Thương lượng bế tắc. Hai bên ngừng họp để xin chỉ thị của Chính phủ mình.
  • 18/12: Tổng thống Mỹ Nixon cho máy bay chiến lược B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, mở đầu chiến dịch mang mật danh "Cuộc hành quân Lineblacker II" kéo dài 12 ngày đêm. Đồng thời, Washington gửi công hàm cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề nghị họp lại. Hà Nội không trả lời.
  • 22/12: Mỹ lại gửi công hàm yêu cầu họp lại với điều kiện Mỹ sẽ chấm dứt ném bom trên vĩ tuyến 20.
  • 26/12: Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đòi trở lại tình hình trước ngày 18 tháng 12 thì hai bên mới họp lại. Mỹ chấp nhận.
  • 30/12: Đúng 7 giờ sáng, Washington tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ bắc vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris. Nixon đưa quan điểm "cần đạt được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện khắt khe" và chấp thuận tất cả những gì đã chối từ, kể cả một kết quả đàm phán ngoài mong muốn.

1973

  • 8/1: Họp lại ở Paris. Kissinger muốn xét lại về các vấn đề các quyền cơ bản của Việt Nam nhưng bị bác bỏ.
  • 10/1: Kissinger yêu cầu "điều chỉnh" lại lực lượng ở miền Nam Việt Nam (tức rút quân miền Bắc), nhưng cũng bị bác bỏ.
  • 13/1: Các bên hoàn thành văn bản của hiệp định. Kết thúc những đợt gặp riêng giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Cố vấn Henry Kissinger.
  • 16/1: Tổng thống Nixon gửi thư cho Nguyễn Văn Thiệu, coi Chính quyền của ông Thiệu là hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam.
  • 23/1: Mỹ chấp nhận ký hiệp định Paris không điều kiện. Lê Đức Thọ và Kissinger tiến hành ký tắt hiệp định.
  • 27/1: Bốn bên chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 nghị định thư liên quan. Tham gia lễ ký có đại diện VNDCCH là Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh, đại diện Mỹ là Ngoại trưởng William P. Rogers, đại diện CPCMLT CHMNVN là Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình và đại diện VNCH, Ngoại trưởng Trần Văn Lắm.
Hiệp định Paris về Việt Nam có 9 chương với 23 điều khoản.
  • 28/1: Ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành.
  • 30/1: Tổng thống Richard Nixon gửi công hàm cho VNDCCH về việc Mỹ sẽ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.
  • 8/2: Cố vấn Henry Kissinger tới thăm Hà Nội.
  • 21/2: Ký Hiệp định Viên Chăn về chấm dứt chiến tranh ở Lào.
  • 2/3: Đại diện 12 chính phủ tham gia Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại Paris, với sự có mặt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ký Định ước Paris về Việt Nam.
  • 29/3: Người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam.

Xem thêm

  • Hiệp định Paris 1973
  • Hội nghị La Celle Saint Cloud
  • Chiến cục năm 1972 tại Việt Nam

Tham khảo

  1. ^ Alain Wasmes. Những gì tôi thấy ở Việt Nam. (Nguyên bản tiếng Pháp: Vietnam-La peau du Pachyderme - (Việt Nam tấm da voi) Edition Socialis, Paris, 1976.) Dịch giả: Nguyễn Hữu Cầu. Nhà xuất bản Công an nhân dân. Hà Nội. 2004. trang 12
  2. ^ Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng. Tập 28. trang 174 (Kết luận của Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 13-Khoá III, số 155-NQ/TW ngày 27 tháng 1 năm 1967).
  3. ^ Ilya V. Gaiduk. Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam. Nhà xuất bản Công an nhân dân. Hà Nội. 1998. trang 426
  4. ^ Ezof. Truyện ngụ ngôn. Nhà xuất bản Văn học. Hà Nội. 1960. (bản dịch từ tiếng Pháp, người dịch: Huỳnh Lý)
  5. ^ a ă â b c d đ e ê g h i k l m n o ô ơ p q Kissingerr. A la maison blanche 1968-1973. Edition Fayard. Paris. 1979 Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “kismai” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác
  6. ^ a ă â b c d đ e ê g h i k l m n o ô ơ p q r s t u ư v x y aa Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ. Các cuộc thương lượng bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger tại Paris. Nhà xuất bản Công an nhân dân. Hà Nội. 2002 Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “lvlnav” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “lvlnav” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “lvlnav” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác
  7. ^ Robert S. McNamara, (1999) Argument without end: in search of answers to the Vietnam tragedy, New York: Public Affairs, 1999. ISBN 1-891620-22-3, trang 175
  8. ^ (1988) A Soldier Reports, William Westmoreland
  9. ^ ““Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” - mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ”. Báo Pháp luật Việt Nam. Truy cập 5 tháng 2 năm 2018. 
  10. ^ a ă Tổng kết hoạt động hành quân (mật) số 2555/TTM/TTHQ/HQ tháng 12-1967 của Trung tâm Hành quân, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa
  11. ^ Tổng kết hoạt động hành quân (mật) số 03/TTM/TTHQ/HQ tháng 06-1968 của Trung tâm Hành quân, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa
  12. ^ a ă â b c d Tài liệu của Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về lịch trình tiến triển Hội nghị sơn bộ Hoa Kỳ-Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1968
  13. ^ Tổng kết hoạt động hành quân (mật) đệ nhất tam cá nguyệt năm 1967 của Trung tâm Hành quân, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa
  14. ^ a ă Tổng kết hoạt động hành quân (mật) đệ nhị tam cá nguyệt năm 1967 của Trung tâm Hành quân, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa
  15. ^ Phiếu gởi số 3301/32 ngày 11-04-1967, báo cáo tiến triển lập ấp từ trước đến cuối 1966 và chương trình lập ấp năm 1967 của Tổng bộ Xây dựng Việt Nam Cộng hòa
  16. ^ http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchinhsachthanhtuu?categoryId=797&articleId=10001024
  17. ^ Bản tổng kết số 005661/TCSQG/S1/A/K ngày 01-03-1968 về tình hình hàng tuần từ 21-02 đến 01-03-1968 của Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa
  18. ^ Tuyên bố của Nguyễn Văn Thiệu ngày 02-04-1968
  19. ^ Tuyên cáo ngày 03-04-1968 của Thượng nghị viện Việt Nam Cộng hòa
  20. ^ http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchinhsachthanhtuu?categoryId=797&articleId=10001595
  21. ^ Tổng kết hoạt động số 0939/QP/NC/2/K tháng 3-1968 của Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa
  22. ^ Tài liệu của Phủ Đặc ủy trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa và Bản kiểm thính Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 03-05-1968 về Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về hội đàm giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
  23. ^ Phiếu trình (mật-hỏa tốc) số 810/PTUTB:R ngày 04-05-1968 của Phủ Đặc ủy trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa về việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ thống nhất hòa đàm tại Paris
  24. ^ Công văn (tối mật-hỏa tốc) số 174/VP/TM của Tổng trường Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ngày 06-05-1968 về việc cử phái đoàn liên lạc theo dõi cuộc tiếp xúc sơ bộ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
  25. ^ Tuyên ngôn của phái bộ liên lạc của Việt Nam Cộng hòa tại Paris ngày 15-05-1968
  26. ^ Bản tóm lược một số quan điểm về hòa bình số 1737 ngày 11-06-1968 của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa
  27. ^ Công văn số 363/VP/M ngày 22-06-1968 về cuộc họp thứ 9, ngày 19-06-1968 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa
  28. ^ Phiếu gửi số 330/BNG/VP/M phúc trình hoạt động từ 31-05 đến 05-06 của Phái đoàn liên lạc Việt Nam Cộng hòa tại Paris
  29. ^ Phát biểu của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại phiên họp thứ 10 của Hội nghị, ngày 26-06-1968
  30. ^ Bản tin của Việt Tấn xã Việt Nam Cộng hòa ngày 11-08-1968
  31. ^ Công văn số 14 về Hòa đàm giữa Hoa Kỳ - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa
  32. ^ Công văn số 19 ngày 18-09-1968 về cuộc hòa đảm giữa Hoa Kỳ-Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa
  33. ^ Tài liệu của Nha Âu Phi của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về phản ứng của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa về yêu cầu ngừng ném bom miền bắc của Tổng thư ký Liên hiệp Quốc U. Thant
  34. ^ Thông tư 111/BTT/NCKH/NHK-KH/CT ngày 26-07-1968 của Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa về khai thác các thông tin liên quan tới Hội nghị Honolulu
  35. ^ Bản tổng kết hoạt động tháng 7 và 8 năm 1968 của Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa
  36. ^ Bản tin số 17 ngày 02-10-1968 của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về cuộc Hòa đàm giữa Hoa Kỳ-Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris
  37. ^ Công văn số 3107/QP/HCIV/I/B/M ngày 02-10-1968 của Bộ Quốc phòng và cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa về việc phóng thích tù binh nhân dịp phát động Chiến dịch Nguyễn Trãi
  38. ^ Phiếu đệ trình ngày 04-10-1968veef đẩy mạnh Chiến dịch Phụng Hoàng thời gian từ 15-10-1968 đến Tết 1969
  39. ^ Thư của Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson trao cho Nguyễn Văn Thiệu thông qua Đại sứ Hoa Kỳ Bunker
  40. ^ Báo Tin sớm số ra ngày 25, 26, 27-11-1968
  41. ^ Thông điệp của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc trước phiên họp khoáng đại của lưỡng viện Quốc hội
  42. ^ Bản hướng dẫn khai thác thắng lợi chính trị của Việt Nam Cộng hòa của Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa ngày 13-11-1968
  43. ^ Công văn ngày 30-11-1968 của Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa
  44. ^ Công văn ngày 04-12-1968 của Thượng viện Việt Nam Cộng hòa
  45. ^ “Bí mật về chiếc bàn sử dụng trong đàm phán hiệp định Paris”. Báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam. Truy cập 5 tháng 2 năm 2018. 
  46. ^ “Những mẩu chuyện bên lề Hội nghị Paris - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. 25 tháng 1 năm 2003. Truy cập 5 tháng 2 năm 2018. 
  47. ^ Bản tin của Việt Tấn Xã Việt Nam Cộng hòa số NVM/8b
  48. ^ Thông cáo của phái đoàn Việt Nam Cộng hòa tại Paris ngày 04-01-1969
  49. ^ Ngoại trưởng Thái Lan Thant Khoman bình luận về những áp lực đối với Việt Nam Cộng hòa
  50. ^ Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ngày 16-01-1969
  51. ^ Bản tin số 6521 của Thông tấn xã Việt Nam Cộng hòa
  52. ^ “Hội nghị Paris về Việt Nam và sách lược ngoại giao "tuy hai mà một, tuy một mà hai"”. Báo điện tử Nhân Dân. Truy cập 5 tháng 2 năm 2018. 
  53. ^ Bản kiểm thính tin tức đài Hà Nội của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa ngày 09 và 10-05-1969
  54. ^ http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/thanhvienchinhphuquacacthoiky?governmentId=614
  55. ^ http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchinhsachthanhtuu?categoryId=797&articleId=2901
  56. ^ W.Lunch-S.Perlich (1979), The Western Political Quaterly
  57. ^ Phát biểu của Ngoại trưởng Xuân Thủy tại phiên họp thứ 27 ngày 24-07-1969
  58. ^ a ă Tài liệu của Nha chính trị Âu Phi, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về Hội nghị Paris về Việt Nam số 26
  59. ^ “U.S.-South Vietnamese forces launch Cambodian “incursion” - Apr 29, 1970 - HISTORY.com”. HISTORY.com. Truy cập 5 tháng 2 năm 2018. 
  60. ^ Sihanouk, p.200
  61. ^ Tờ trình Tổng quát về cuộc Hội đàm Paris về Việt Nam của phái đoàn Việt Nam Cộng hòa ngày 26-01-1970
  62. ^ Công văn (mật) số 018/PDVN/P ngày 26-01-1970 về tờ trình tổng quát về cuộc Hội đàm Paris về Việt Nam trong năm 1970
  63. ^ Tài liệu Nha chính trị Châu Âu Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa số 94 ngày 28-12-1970
  64. ^ Tài liệu Nha chính trị Âu châu của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa số 109 ngày 28-04-1971
  65. ^ Tài liệu Nha chính trị Âu châu của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa số 111 ngày 30-04-1971
  66. ^ Tài liệu của Nha chính trị Âu châu, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về Hội nghị Paris về Việt Nam từ số 118 đến 128
  67. ^ Nguyễn Văn Thiệu - 'Bất chiến' tự nhiên thành, từ Đại tá bước lên ngôi Tổng thống”. Báo Pháp luật Việt Nam. Truy cập 5 tháng 2 năm 2018. 
  68. ^ Tài liệu của Nha chính trị Âu châu, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về Hội nghị Paris về Việt Nam từ số 131
  69. ^ a ă Tài liệu Nha Chính trị Châu Âu, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa, số 140, ngày 08-02-1972
  70. ^ a ă â b c d Richard Nixon The memory of Nixon. Grosset and Dunlap. New York. 1978.
  71. ^ Bộ ngoại giao CHXHCN Việt Nam-Vụ Thông tin báo chí. Sự thật về quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc 30 năm qua (Sách trắng). Nhà xuất bản Sự thật.Hà Nội.1980
  72. ^ Lê Đức Thọ. Phát biểu tổng kết nhân dịp 15 năm Hiệp định Paris. dẫn theo Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ. Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ-Kissinger tại Paris. Nhà xuất bản Công an nhân dân. Hà Nội. 2002. trang 445, 447-448
  73. ^ a ă â b Tài liệu mật số 1231 của Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa về cuộc hòa đàm tại Ba Lê
  74. ^ Tài liệu chuẩn bị họp với Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Bunker vào ngày 15-01-1972 của Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa
  75. ^ .Tài liệu cơ bản về giải pháp cho vấn đề miền Nam Việt Nam. Nhà xuất bản Giải phóng. 1972. trang 35-37
  76. ^ Tài liệu Nha Chính trị Châu Âu, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về cuộc Hòa đàm tại Ba Lê, số 143
  77. ^ Tài liệu Nha Chính trị Châu Âu, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa, số 144, ngày 28-03-1972
  78. ^ Tài liệu Nha Chính trị Châu Âu, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về cuộc Hòa đàm tại Ba Lê, số 145
  79. ^ Tài liệu Nha Chính trị Châu Âu, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về cuộc Hòa đàm tại Ba Lê, số 146, ngày 12-04-1972
  80. ^ Nguyễn Duy Trinh. Mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nhà xuất bản Sự thật. Hà Nội. 1979. trang 203-204
  81. ^ Thư của Nguyễn Duy Trinh gửi Phạm Văn Đồng, dẫn theo Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ. Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ-Kissinger tại Paris. Nhà xuất bản Công an nhân dân. Hà Nội. 2002. trang 447
  82. ^ a ă â Gabriel Kolko. Giải phẫu một cuộc chiến tranh. Dịch giả: Nguyễn Tấn Cưu. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hà Nội. 2003. trang 64, 66 Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “gbclc” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “gbclc” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác
  83. ^ Tài liệu mật liên quan tới Hiệp định hòa bình Paris ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa số 1231
  84. ^ Thư Tổng thống Thiệu gửi Tổng thống Nixon ngày 30-08-1972
  85. ^ Thư Tổng thống Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 31-08-1972, số lưu trữ của Việt Nam Cộng hòa 1232
  86. ^ Tài liệu Nha Chính trị Châu Âu, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về cuộc Hòa đàm tại Ba Lê, số 164
  87. ^ George C.Herring. Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.Hà Nội.1998
  88. ^ George Aiken Nhật ký Thượng nghị viện. Brattleboro. 1976. tr.59-60
  89. ^ Dương Hảo. Một chương bi thảm. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1980
  90. ^ Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhà xuất bản Sự thật. Hà Nội. 1973
  91. ^ Từ điển bách khoa Việt Nam. Nhà xuất bản Từ điển bách khoa. Hà Nội. 1999. trang 825 (mục từ: Định ước cuối cùng của Hội nghị quốc tế về Việt Nam).
  92. ^ Vụ thông tin báo chí. Bộ ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Hà Nội. 1973

(Nguồn: Wikipedia)