Ngoại giao Việt Nam thời Lê sơ phản ánh quan hệ ngoại giao của chính quyền nhà Lê sơ tại giai đoạn từ năm 1428 đến năm 1527 trong lịch sử Việt Nam.
Hoàn cảnh
Đầu năm 1428, sau khi đuổi quân Minh về nước, khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua lập ra nhà Lê sơ.1 Sau khi lên ngôi, nhà Lê sơ chủ trương hàn gắn lại hậu quả 20 năm Bắc thuộc lần 4, đồng thời phải giải quyết các vấn đề về con cháu họ Trần từ nhà Minh.
Quan hệ ngoại giao với triều Minh
Quan hệ về lễ triều
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, do lúc này triều Minh đòi lập con cháu họ Trần lên làm vua nên Lê Lợi thảo tờ biểu đến vua Minh lập Trần Cảo lên làm vua. Vua Minh cho La Nhữ Kính mang thư sang phong Trần Cảo là An Nam Quốc Vương, ra lệnh cho Vương Thông trở về Bắc, trả lại đất cho An Nam, việc triều cống theo lệ cũ, cho sứ thần đi lại.1
Khi Trần Cảo chết, Lê Lợi lên làm vua, lấy niên hiệu Thuận Thiên. Năm 1429, nhà Minh lại yêu cầu tìm con cháu họ Trần. Tuy nhiên, Lê Lợi đã cho sứ sang bảo rằng là họ Trần đã hết người, không còn ai. Cùng năm, nhà Minh đặt lệ cống tượng người vàng để đền mạng Liễu Thăng đã chết trận ở Chi Lăng. Lê Lợi sai sứ sang tạ ơn và nộp lễ cống.1 Kể từ đây, sử sách không ghi thêm gì về việc cống tượng người vàng nữa, nhưng mãi cho đến năm 1718 (triều đại nhà Thanh) mới chấm dứt được lệ này.2
Năm 1431, Lê Lợi sai sứ sang Minh cầu phong quốc vương, trần tình rằng họ Trần không còn tìm được ai, vua Minh bằng lòng. Cuối năm đó, vua Minh sai sứ sang phong vua là Quyền thự An Nam Quốc Sự.1
Sau khi Thái Tổ mất, Lê Nguyên Long lên ngôi vua, trở thành vua Lê Thái Tông. Năm 1434, nhà Minh sai sứ sang điếu tế vua Lê Thái Tổ; đem theo lễ vật.3 9 năm sau, khi Thái Tông mất, đời Lê Nhân Tông, nhà Minh lại cho người sang tế. Năm 1451, khi có vua mới lên ngôi, nhà Minh bèn cho người sang báo; và vua Nhân Tông cho người sang chúc mừng. Năm sau, nhà Minh cho người sang ban vóc lụa, vua Lê lại cho người sang tạ ơn.4
Khi Lạng Sơn Vương Nghi Dân giết hại Nhân Tông và tự lập làm vua, ông cho sứ sang nhà Minh nộp cống hằng năm và xin bỏ việc mò ngọc trai.4 5 Sau khi lật đổ Nghi Dân và được tôn làm vua vào năm 1460, Lê Thánh Tông cho táng Nhân Tông, và đến năm 1462 thì nhà Minh sang tế. Cuối năm đó, Thánh Tông cho người sang cảm ơn nhà Minh đã phúng điếu và xin ban mũ áo. Cuối năm 1464, nhà Minh sai sứ sang báo việc có vua mới lên ngôi và ban cho mũ áo, vóc lụa cùng sắc dụ.6 Dưới thời vua này, quân Đại Việt hùng mạnh, đi đánh Lào, Chiêm nên gây được nhiều thanh thế, nhà Minh cũng phải lấy lễ nghĩa mà đãi Đại Việt, quan hệ giữa hai nước vẫn được hoà bình.7
Năm 1480, nhà Minh thảo sắc văn nói về việc vua Nam điều động binh mã đánh giết ở đất Lão Qua.8 Tháng 11 (âm lịch) cùng năm vua Thánh Tông bèn cử người sang tuế cống nhà Minh và tâu việc Chiêm Thành.9 Đến năm 1488, nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện thị giảng Lưu Tiễn, phó sứ là Hình khoa cấp sự trung Lã Hiến sang báo việc lên ngôi và ban cho vóc lụa. Thánh Tông sai sứ sang tạ ơn vua Minh và chúc mừng vua mới lên ngôi; đồng thời cũng thông báo về vấn đề đất Chiêm Thành.10 Đến khi Thánh Tông mất, Hiến Tông lên ngôi, cuối năm 1499, nhà Minh lại cho sứ sang phúng tế. Đến đầu năm 1500, Hiến Tông sai sứ sang cảm ơn việc phúng tế, tạ ơn việc sách phong và xin ban mũ áo.11
Cuối năm 1501, Hiến Tông cử sứ sang tuế cống nhà Minh. Đến cuối năm 1502, Hiến Tông lại sai sứ sang tạ ơn ban cho mũ áo. Đến năm 1503, khi sứ Đại Việt rời đất Minh trở về nước, vua Minh cho quân đưa sứ nước Nam về, cùng nhiều loại quần áo, tơ lụa ban cho.11
Năm 1504, Hiến Tông mất, vua mới là Lê Túc Tông lên ngôi. Túc Tông lại sai sứ sang nhà Minh cầu phong, nhưng chưa kịp qua cửa ải thì lại sửa đổi tờ biểu cầu phong khác giao cho Bảo Khuê mang đi; vì Túc Tông mất sớm.11
Lê Tuấn được Túc Tông chọn lên ngôi (sau được truy phong Uy Mục đế), và đến năm 1507 thì nhà Minh sai sứ sang báo vua mới (Minh Vũ Tông) lên ngôi, ban vóc lụa. Cùng năm, Minh Vũ Tông cử sứ sang làm lễ viếng Hiến Tông, đồng thời sai Thẩm Đào và Hứa Thiên Tích mang chiếu thư sang phong vua làm An Nam Quốc Vương, lại ban một bộ mũ áo quan võ bằng da và một bộ thường phục.11
Trong khi đi sứ và phong tước cho Uy Mục thì phó sứ Hứa Thiên Tích trông thấy tướng vua mà nói:
- An nam tứ bách vận vưu trường
- Thiên ý như hà giáng quỷ vương?
- (Dịch:
- Vận An Nam còn dài bốn trăm năm
- Ý trời sao lại sinh ra vua quỷ?)11
Cuối năm đó, Uy Mục sai sứ sang nhà Minh để tạ ơn việc sách phong.11
Năm 1509, Uy Mục bị bức tự tử. Giản Tu công Lê Oanh tự lập làm vua (sử sách gọi là Tương Dực đế), năm 1510, ông cho sứ sang nhà Minh cầu phong. Ba năm sau, nhà Minh sai chánh sứ là Trạm Nhược Thuỷ, phó sứ là Phan Hy Tăng sang Đại Việt sách phòng vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục. Hy Tăng trông thấy Tương Dực mà bảo với Nhược Thủy: "Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không bao lâu" Lúc hai sứ trở về, vua đãi rất hậu.12
Năm 1516, Tương Dực đế bị giết. Trong hai đời vua còn lại là Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng do chính sự đổ nát, các thế lực đánh nhau liên miên cho tới khi Mạc Đăng Dung lật đổ triều Lê vào năm 1527, nên không có hoạt động ngoại giao nào giữa nhà Minh và Đại Việt được sử sách chép lại.12
Như vậy, trong 100 năm tồn tại triều Lê sơ, nước Đại Việt đã hoạt động ngoại giao với nhà Minh 28 lần,13 trong đó có 2 lần là thảo các tờ biểu, sắc văn; 14 lần sứ Đại Việt sang đất Minh và 12 lần sứ Minh sang Đại Việt; chủ yếu là xoay quanh các việc sắc phong tước "An Nam quốc vương", ban mũ áo và vóc lụa.
Tranh chấp biên giới
Đại Việt bấy giờ có lệ xưng thần với nhà Minh, nhưng các vua Lê vẫn phòng bị mặt bắc. Thỉnh thoảng hai bên vẫn xảy ra những vụ lấn cướp biên giới qua lại, có những thổ dân sang quấy nhiễu, thì lập tức vua Lê cho quan quân lên dẹp yên và cho sứ sang Trung Quốc để phân giải mọi sự cho minh bạch. Trong thời vua Lê Thánh Tông, có lần được tin có người nhà Minh đem quân qua địa giới, Thánh Tông liền cho người do thám thực hư. Suốt từ thời Lê Thái Tông đến Lê Thánh Tông, trong gần 50 năm liên tục xảy ra những vụ tranh chấp vùng biên giới Tây Bắc, Châu An Bình, Tư Lang và Đông Bắc, nhưng cuối cùng không xảy ra chiến tranh.14
Với các nước khác
Vào thời kỳ đầu triều, nước Ai Lao vẫn thường xuyên đem lễ vật sang cống Đại Việt cho đến khi chiến tranh Đại Việt - Lan Xang nổ ra dưới thời Lê Thánh Tông.15
Sau khi Đại Việt đánh hạ Chiêm Thành, nhiều vương quốc láng giềng phía Tây bắt đầu cử sứ thần đến thông hiếu. Quan điểm của vua Lê Thánh Tông là vừa tiếp đãi, vừa dè chừng họ. Năm 1485, nhà vua ra lệnh vệ Cẩm y phải nghiêm ngặt tiếp rước và canh giữ, đề phòng các sứ giả Chiêm Thành, Lão Qua (Lan Xang), Xiêm La (các quốc gia thuộc Thái Lan), Trảo Oa, Lộ Lạc (Malakka) dò xét nội tình của Đại Việt.
Tham khảo
- Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngô Sĩ Liên
- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, chương XV
- Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn
- Ngoại giao Việt Nam, Lưu Văn Lợi, nhà xuất bản Công an nhân dân, 2000.
- Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
- Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 4, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
- Văn Tạo (2006), Mười cuộc cải cách, đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm
- Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1993
Chú thích
- ^ a ă â b Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ Thực lục, quyển 10, phần 2
- ^ Vì sao chấm dứt "lệ cống người vàng Liễu Thăng"
- ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản Kỷ Thực lục, quyển 11, phần 1
- ^ a ă Đại Việt Sử ký toàn thư bản kỷ Thực lục, phần 2, quyển 11
- ^ Lê Quý Đôn, sđd, tr.278
- ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư, bản kỷ thực lục, quyển 12
- ^ Trần Trọng Kim, sđd, tr.102
- ^ Là nước Lan Xang.
- ^ Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ Thực lục - quyển 13-phần 1
- ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư Bản kỷ Thực lục - quyển 13 - phần 2
- ^ a ă â b c d Đại Việt Sử ký Toàn thư Bản kỷ Thực lục - quyển 14
- ^ a ă Đại Việt Sử ký Toàn thư Bản kỷ Thực lục - quyển 15
- ^ Nếu không kể việc triều cống tượng người vàng để đền mạng cho Liễu Thăng.
- ^ Viện sử học, sđd, tr.277-278
- ^ Dựa theo các quyển Đại Việt Sử ký Toàn thư, quyển 10, 11.
(Nguồn: Wikipedia)