Lê Túc Tông 黎肅宗 | |
---|---|
Vua Việt Nam (chi tiết...) | |
Hoàng đế Đại Việt | |
Trị vì | 17 tháng 7 năm 1504 – 30 tháng 12 năm 1504 (0 năm, 166 ngày)1 |
Tiền nhiệm | Lê Hiến Tông |
Kế nhiệm | Lê Uy Mục |
Thông tin chung | |
Tên thật | Lê Thuần (黎㵮) |
Niên hiệu | Thái Trinh (泰貞) |
Thụy hiệu | Chiêu Nghĩa Hiển Nhân Ôn Cung Uyên Mặc Hiếu Doãn Cung Khâm Hoàng đế (昭義顯仁溫恭淵默惇孝允恭欽皇帝) |
Miếu hiệu | Túc Tông (肅宗) |
Triều đại | Nhà Lê sơ |
Thân phụ | Lê Hiến Tông |
Thân mẫu | Trang Thuận Duệ hoàng hậu |
Sinh | 6 tháng 9, 1488 Đông Kinh |
Mất | 30 tháng 12, 1504 (16 tuổi) Điện Hoàng Cực, Đông Kinh |
An táng | Kính lăng (敬陵) |
Lê Túc Tông (chữ Hán: 黎肅宗; 1 tháng 8, 14882 - 30 tháng 12, 1504), là vị hoàng đế thứ bảy của nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi trong vòng 6 tháng; từ ngày 6 tháng 6 đến ngày 30 tháng 12 trong năm 1504.
Ông được sử cũ miêu tả là vị Hoàng đế có tính cách vui điều thiện2 , tính cách hiền hòa.3
Dù ông là con thứ 3 nhưng do hiếu học, chăm ngoan, ông được cha là Lê Hiến Tông phong làm Hoàng thái tử nối vị. Không lâu sau khi lên nối ngôi Hoàng đế vào năm 1504, ông đã hoàn tất nhiều việc tốt, chẳng hạn như phóng thích phi tần, giảm lệ thuộc vào sức lao động của nhân dân. Ông cũng thực thi nền quân chủ chuyên chế, không để bị lấn át, và thần dân Đại Việt vui mừng với đời sống thái bình thịnh trị.2
Dưới triều đại của ông, một cuộc phản loạn của Đoàn Thế Nùng tại Cao Bằng cũng bị dẹp tan.2
Tuy là vị Hoàng đế hiền minh, giữ nước thăng bình, xứng đáng là người kế thừa3 , nhưng không may Túc Tông lại lâm bệnh và mất sớm vào cuối năm 1504.2 Điều ấy chấm dứt triều đại chỉ trong vòng có 6 tháng của ông.3 Ông không có con nối dõi,3 và sau cái chết đột ngột của ông, triều đại Hậu Lê bắt đầu suy yếu, với sự nối ngôi của người anh tàn ác của ông là Lê Uy Mục.4
Tiểu sử
Lê Túc Tông tên là Lê Thuần (黎㵮) 4 , sinh ngày 1 tháng 8 âm lịch, năm Hồng Đức thứ 19 (1488), với tư cách là Hoàng tôn của Lê Thánh Tông.5 . Ông là con trai thứ ba trong số sáu Hoàng tử6 của Lê Hiến Tông, mẹ là Trang Thuận hoàng hậu Nguyễn Hoàn, quê ở Bình Lăng, Thiên Thi, Hưng Yên.
Vào ngày 17 tháng 2 (âm lịch) năm Kỷ Mùi 1499, niên hiệu Cảnh Thống thứ 3, Lê Hiến Tông ban sắc chỉ cho Thái bảo Sùng Khê hầu Lê Vĩnh, Đô kiểm điểm Cống Xuyên hầu Lê Năng Nhượng:6
“ | Mới rồi nhận được bản tâu của các khanh, lo kế lớn cho tông miếu xã tắc, khẩn thiết xin dựng lập hoàng trừ, Trẫm rất khen ngợi việc đó... hoàng tử thứ ba là Thuần rất ham thích Thi, Thư, dốc lòng hiếu kính, Trẫm đích thân vỗ về dạy bảo, nay đã trưởng thành, Trẫm quyết đoán từ công tâm, cho giữ ngôi Thái tử, thực không phải là bỏ con trưởng lập con thứ, mà là vì thiên hạ chọn người làm vua đó! Song điện chính Đông cung Trẫm còn đang ở, nên làm cung mới bên cạnh điện, và làm sách phong Thái tử, tuyên bố nghi lễ tiết văn, truyền cho Hữu ty chọn ngày cử hành việc đó. | ” |
Quả thật, vào tháng 3 âm lịch năm 1499, Hoàng tử Lê Thuần được phong làm Hoàng thái tử. Khi mất, Hiến Tông cũng có để lại di chiếu tôn Lê Thuần lên kế vị.6
Sáu tháng cai trị
Sau khi Lê Hiến Tông qua đời, Trung quân đô đốc phủ tạ đô đốc Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc phò mã đô uý Lâm Hoài bá Lê Đạt Chiêu và các vị quan phò mã, các vị quan Ngũ phủ, Lục bộ, Đông các, Hàn lâm viện, Lục tự, Lục khoa tới Hoàng Cực điện rước Thái tử Lê Thuần lên kế vị6 . Đó là ngày 6 tháng 6, tức là ngày Tân Mão năm Giáp Tý (tức 17 tháng 7 năm 1504), ông lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Trinh (泰貞), sử gọi là Lê Túc Tông. Ông còn xưng là Tự Hoàng (嗣皇)6 và lấy ngày sinh của mình làm Thiên minh Thánh tiết (天明聖節), tổ chức cúng viếng tông miếu.2
Vị tân Hoàng đế liền cử sứ thần sang chầu nhà Minh bên Trung Quốc. Theo lệnh của ông, Lại bộ Thị lang Đặng Tán, Kiểm thảo Khuất Quỳnh Cửu và Hộ khoa đô cấp sự trung Lưu Quang Phụ mang lễ vật đi dâng cống; trong khi Binh bộ Hữu Thị lang Nguyễn Lân và Giám sát ngự sử Nguyễn Kính Nghiêm thì mang nhiệm vụ báo tang cho tiên hoàng Hiến Tông; còn Lễ bộ Hữu Thị lang Nguyễn Bảo Khuê, Đông các hiệu thư Trần Viết Lương và Hiệu thư Vũ Châu thì mang trách nhiệm thỉnh cầu triều Minh thừa nhận ngôi vị của Túc Tông.2 Giống như Hiến Tông, ông là người hiền hòa, hiếu học và thích làm điều thiện.
Dưới triều Túc Tông có vụ nổi loạn của Đoàn Thế Nùng ở Cao Bằng. Triều đình phải phát binh đánh dẹp, Đoàn Thế Nùng bị bắt giết cùng với thủ hạ hơn 500 người.2
Lê Túc Tông chỉ lên ngôi chưa lâu, nhưng ông dốc chí nối dõi và xây dựng cơ đồ của triều đại, việc nào việc nấy cũng hết mực chu đáo. Ông ban bố lệnh giải phóng các tù nhân, cung nữ, cho ngừng những việc không cần thiết và làm nhẹ đi những việc gây áp lực nặng. Ông cũng cắt giảm lễ vật, hạn chế dựa vào sức lao động của dân và tiếp tục tôn kính các vị công thần. Ông thâu tóm trong tay quyền lực tuyệt đối, luôn ra sức kìm hãm không để cho ngoại thích lộng quyền, lại vui sống hòa thuận với các Thân vương trong Hoàng gia. Những thành tựu của vị Hoàng đế trẻ tuổi rất được lòng thần dân, họ vui mừng rằng đất nước sẽ được hưng thịnh như Trung Quốc dưới thời Chu Thành Vương, Chu Khang Vương, Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế vậy.2
Qua đời
Vào ngày 8 tháng 11, năm 1504, sức khỏe của Lê Túc Tông không được tốt.2 Ông lại không có con để nối dõi Đế vị.3 Biết không qua khỏi, ông mời các quan triều thần bao gồm: Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Cống Xuyên bá Lê Năng Nhượng cùng các võ tướng đến chầu, để chỉ định người anh thứ 2 là Lê Tuấn, tức Lê Uy Mục lên ngôi:2
“ | Bệnh Trẫm chưa khỏi, lo rằng việc phó thác nặng nề e sẽ không kham nổi. Con thứ hai của Tiên hoàng đế là Tuấn, là người hiển minh, nhân hiếu, có thể nối được ngôi chính thống, để thừa kế tổ tông, vỗ về thân dân. Đại thần và các quan hãy hết lòng trung trinh để giúp nên nghiệp lớn; thân vương nào dám tiếm vượt ngôi trời thì người trong nước cùng nhau giết đi. | ” |
— Lê Túc Tông |
Vào ngày Quý Hợi, tức là ngày 7 tháng 12 âm lịch năm 1504, ông lâm trọng bệnh. Hôm sau, tức là ngày 8 tháng 12 âm lịch năm 1504, Lê Túc Tông băng hà tại điện Hoàng Cực, hưởng dương 17 tuổi2 .
Lê Túc Tông mất, để lại di chuyến truyền cho bá quan tổ chức cúng giỗ theo cổ tục. Linh cữu của ông được đưa về Tây Kinh vào tháng 3 năm 1505. Uy Mục đế ra lệnh cho quan lại làm văn bia cho ông2 , lăng tẩm gọi là Kính lăng (敬陵).
Vào ngày Giáp Tuất, tức ngày 16 tháng 12 năm 1504, tân Hoàng đế Lê Uy Mục truy tặng cho ông miếu hiệu là Túc Tông (肅宗), và thụy hiệu là Chiêu Nghĩa Hiển Nhân Ôn Cung Uyên Mặc Đôn Hiếu Doãn Cung Khâm Hoàng Đế (昭義顯仁溫恭淵默惇孝允恭欽皇帝). Đời sau gọi ông là Túc Tông Khâm hoàng đế (肅宗欽皇帝), Khâm Hoàng (欽皇) hay Tự Hoàng Thuần (嗣皇㵮).
Nhận định
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có nhận xét về Lê Túc Tông:2
“ | Vua dốc chí hiếu học, thân người hiền, vui điều thiện, xứng đáng là vị vua giỏi giữ cơ nghiệp thái bình, không may mất sớm, tiếc thay! | ” |
— Đại Việt Sử Ký Toàn Thư |
Sự hiền minh của vua Túc Tông chứng tỏ vua cha Hiến Tông của ông đã có một quyết định đúng đắn khi chọn ông là Hoàng đế kế tục của mình.3
Tham khảo
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (bản điện tử)
- Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim
- Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1993.
Ghi chú
- ^ Âm lịch.
- ^ a ă â b c d đ e ê g h i k l Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ thực lục: Túc Tông Khâm hoàng đế
- ^ a ă â b c d Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, trang 167
- ^ a ă IV. LÊ TÚC-TÔNG (1504) VÀ LÊ UY-MỤC (1505-1509) - Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim
- ^ Thánh Tông Thuần Hoàng đế - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
- ^ a ă â b c Hiến Tông Duệ Hoàng đế - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
|
(Nguồn: Wikipedia)