Lê Hiến Tông
黎憲宗
Vua Việt Nam (chi tiết...)
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì 1497 - 1504
Tiền nhiệm Lê Thánh Tông
Kế nhiệm Lê Túc Tông
Thông tin chung
Thê thiếp Trang Thuận Duệ hoàng hậu
Chiêu Nhân Duệ hoàng hậu
Từ Trinh Liêm hoàng hậu
Hậu duệ
Tên thật
  • Lê Tranh (黎鏳)
  • Lê Sanh (黎檉)
  • Lê Huy (黎暉)
Niên hiệu Cảnh Thống (景統)
Thụy hiệu Thể Thiên Ngưng Đạo Mậu Đức Chí Nhân Chiêu Văn Thiệu Vũ Tuyên Triết Khâm Thành Chương Hiếu Duệ Hoàng Đế
(體天凝道懋德至仁昭文紹武宣哲欽聖彰孝睿皇帝)
Miếu hiệu Hiến Tông (憲宗)
Triều đại Nhà Lê sơ
Thân phụ Lê Thánh Tông
Thân mẫu Huy Gia Thuần hoàng hậu
Sinh 10 tháng 8, 1461
Mất 24 tháng 5, 1504 (42 tuổi)
Điện Đồ Trị, Đông Kinh
An táng Dụ Lăng (裕陵)

Lê Hiến Tông (chữ Hán: 黎憲宗; 10 tháng 8, 1461 - 24 tháng 5, 1504), là vị hoàng đế thứ sáu của nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi tổng cộng 7 năm, từ năm 1497 đến năm 1504. Lê Hiến Tông kế nghiệp Lê Thánh Tông, mến chuộng văn học, tiết kiệm tiêu dùng, thận trọng hình phạt, luôn gần gũi bề tôi.

Thiếu thời

Lê Hiến Tông có tên khai sinh là Lê Tranh (黎鏳), sinh ngày 10 tháng 8, năm 1461, tại kinh thành Thăng Long. Có nguồn ghi tên ông là Sanh (檉) hoặc Huy (暉). Ông là con trưởng của Lê Thánh Tông, mẹ là Huy Gia Thuần hoàng hậu Nguyễn Hằng, con gái thứ hai của Trình quốc công Nguyễn Đức Trung.

Trước đây, Thánh Tông chưa có con nối, Quang Thục hoàng thái hậu đã từng cầu đảo, sai Đức Trung đến cầu ở am Từ Công núi Phật Tích1 , chiêm bao thấy đến trước mặt thượng đế cầu hoàng tự. Thượng đế phán: Cho sao Thiên Lộc làm con Nguyễn thị. Nói rồi cho ẵm đến ngồi ở trước. Bấy giờ, Huy Gia hoàng hậu ở Vĩnh Ninh cung, tức thì có mang. Đến khi đủ ngày tháng, chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, bay vào trong phòng, một lát sau thì sinh ra ông.

Tháng 3, năm Quang Thuận thứ 3 (1462), ông được Thánh Tông sách lập làm Hoàng thái tử. Mẹ ông lúc đó đang rất được sủng ái, nên hoàng đế dành cho ông rất nhiều yêu mến. Ông được miêu tả là dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt rồng, thần thái trang nghiêm, tươi đẹp khác thường, Thánh Tông yêu quý lắm.

Năm Hồng Đức thứ 28 (1497), tháng giêng, Lê Thánh Tông qua đời, Thái tử Lê Tranh lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá, lấy ngày sinh làm Thiên Thọ thánh tiết, tự xưng là Thượng Dương động chủ (上陽洞主). Lúc lên ngôi Lê Hiến Tông đã 37 tuổi.

Sự nghiệp

Lê Hiến Tông là một vị hoàng đế thông minh, nhân từ và ôn hòa. Thường sau khi bãi triều, Hiến Tông ra ngồi nói chuyện với các quan. Ai có điều gì phải trái, ông nhẹ nhàng khuyên bảo, chứ không gắt mắng bao giờ. Hoàng đế thường nói rằng:

Ông là người chú trọng chăm sóc bảo vệ đê điều, đào sông, khai ngòi, đắp đường, trông coi việc nông trang làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm v.v... Ông chú ý đến giáo dục quan lại chống thói quan liêu và tham nhũng. Những việc chính trị đều theo như đời Hồng Đức chứ không thay đổi gì cả.

Hiến Tông sai sứ đi khắp bốn phương, truy xét những người nghèo túng, già yếu còn trong quân ngũ thì thải cho về, những người chịu thuế khoá và phục dịch công trình quá nặng thì giảm nhẹ cho; tha những kẻ lầm lỡ, xét rõ người oan khuất, bổ dùng kẻ mất chức, khen thưởng người có công; tha nợ thuế, nới hình phạt, nêu gương người tiết nghĩa, giúp đỡ kẻ côi cút, người đói nghèo, cất nhắc người liêm khiết, tiến cử bậc hiền tài, trong ngoài ai cũng thoả lòng.

Ông còn đích thân xem sổ tiền thóc của Hộ tào dâng lên và hỏi các quan tả hữu, biết được tình trạng dự trữ của nhà nước và tư nhân. Từ đấy lại càng để ý đến việc nông tang, tự tay viết sắc lệnh sai các quan thừa hiến, phủ, huyện đi tuần hành khuyên bảo nhân dân đắp đê điều, đào ngòi lạch, khơi bờ ruộng, để phòng hạn, lụt. Lại sai triều thần đi kiểm tra, xem xét những việc đó. Mỗi xã đặt một người xã trưởng hay thôn trưởng chuyên trông nom việc nông tang, lại đem xã quân và nông trưởng đi đốc thúc. Quan bên ngoài ai có việc về Kinh và sứ của triều đình từ ngoài trở về, vua đều cho gọi vào hỏi về mùa màng được hay mất, trăm họ sướng khổ ra sao. Còn lính ở thợ đến phiên thì cứ theo lệ trước, tháng 6, tháng 10 chia một nửa về làm ruộng.

Ngày 16 tháng 3, năm 1498, Hiến Tông có chiếu quy định rằng các quan trong ngoài, người nào không có con mà nuôi con nuôi, đều chiếu theo chức phẩm, cho được tập ấm bổ quan như con đẻ.

Ngày 22 tháng 8, năm 1498, Hiến Tông ra sắc dụ cho Hình bộ, Đình uý ty và các quan xét xử án kiện trong ngoài rằng:

Việc dùng hình ngục quan hệ tới sinh mệnh của dân, sử dụng đạo thì dân thoả lòng, xử trái đạo thì dân chịu hại. Cho nên lời Tượng của Kinh Dịch rất răn việc chậm xử án, Kinh Thư rất xem trọng việc xét trong tù. Thế thì, trong việc tra xét, xử án, há có thể được phép trì hoãn sao! Kể từ nay về sau, Hình bộ, Đình uý ty và các quan xét xử án kiện trong ngoài, hễ thấy những án nào còn nghi ngờ, khó xử, cũng đều phải theo đúng kỳ hạn mà xét xử cho xong. Nếu có ai dám để chậm trễ quá kỳ hạn, thì đến cuối mỗi năm, quan phụ trách cùng Hình bộ, Đề hình giám sát ngự sử, Thanh hình hiến sát sứ ty phải kiểm tra tâu hặc lên để trị tội theo pháp luật. Nếu lấy tình riêng dung túng, không biết tra xét tâu lên, thì cho người có việc kêu lên, đường quan ngự sử đài và thể sát xá nhân xét thực làm bản tâu lên để trị tội. Các quan kể trên không chịu làm đúng lý thì cho người bị hại tâu rõ thực tình sẽ trị tội họ theo luật pháp.

Qua đời

Năm Cảnh Thống thứ 7 (1504), Hiến Tông lâm bệnh nặng và băng hà vào ngày 24 tháng 5, tại Đồ Trị điện, thọ 44 tuổi. Con trai của ông là Thái tử Lê Thuần lên nối ngôi, tức Lê Túc Tông.

Ông được dâng miếu hiệu là Hiến Tông (憲宗), thụy hiệu là Thể Thiên Ngưng Đạo Mậu Đức Chí Chiêu Văn Thiệu Vũ Tuyên Triết Khâm Thành Chương Hiếu Duệ Hoàng Đế (體天凝道懋德至仁昭文紹武宣哲欽聖彰孝睿皇帝). Người đời sau gọi là Hiến Tông Duệ hoàng đế (憲宗睿皇帝) hay Duệ Hoàng (睿皇).

Đánh giá

Gia quyến

  • Thân phụ: Lê Thánh Tông Lê Tư Thành.
  • Thân mẫu: Huy Gia Thuần hoàng hậu Nguyễn thị (徽嘉淳皇后阮氏; 1441 - 1505).
  • Hậu phi:
  1. Trang Thuận Duệ hoàng hậu Nguyễn thị (莊順睿皇后阮氏), huý là Hoàn (環), người làng Bình Lăng, huyện Thiên Thi; nguyên là Quý phi của Hiến Tông, sinh ra Lê Túc Tông.
  2. Chiêu Nhân Duệ hoàng hậu Nguyễn thị (昭仁睿皇后阮氏), huý là Cận (瑾), người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, bà sinh ra Lê Uy Mục.
  3. Từ Trinh Liêm hoàng hậu Mai thị (慈貞廉皇后梅氏; 1463 - 1526), húy Ngọc Đỉnh (玉頂), người xã Biện Hạ, huyện Vĩnh Phúc, cha là Mai Lũng, nhà rất nghèo. Rất xinh đẹp, nhiều người đến cầu hôn nhưng không nhận. Năm 1479, vào cung hầu hạ Hiến Tông, rất được sủng ái, khi Hiến Tông lên ngôi phong làm Chiêu nghi, đứng đầu hàng Cửu tần. Bà sinh ra An vương Lê Tuân. Khi mất, được truy tôn làm Hoàng hậu.
  4. Quý phi Bùi thị (貴妃裴氏), người xã Định Công, huyện Thanh Trì, con gái của Thượng thư bộ Binh Quảng quận công Bùi Xương Trạch. Được Hiến Tông sủng ái. Khi Trang Thuận hoàng hậu mất sớm, bà được phong làm Quý phi đứng đầu, Hiến Tông cho dát vàng nơi bà đứng hầu bên mình. Bà sinh ra Thông vương Lê Dung.
  5. Kính phi Nguyễn thị (敬妃阮氏), người Hoa Lăng, huyện Thủy Đường, mẹ nuôi của Lê Uy Mục.
  • Hậu duệ:
  1. An vương Lê Tuân (安王黎洵), mẹ là Từ Trinh hoàng hậu.
  2. Lê Tuấn (黎濬), tức Uy Mục hoàng đế (威穆皇帝), mẹ là Chiêu Nhân hoàng hậu.
  3. Lê Thuần (黎㵮), tức Túc Tông Khâm hoàng đế (肅宗欽皇帝), mẹ là Trang Thuận hoàng hậu.
  4. Thông vương Lê Dung (通王黎溶), mẹ là Bùi Quý phi.
  5. Minh vương Lê Trị (明王黎治).
  6. Tư vương Lê Dưỡng (思王黎瀁).

Xem thêm

Tham khảo

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (bản điện tử)
  • Việt Nam Sử Lược (bản điện tử)
  • Việt Sử Toàn Thư (bản điện tử)

Chú thích

  1. ^ Am Từ Công: tức chùa Thầy, thờ Từ Đạo Hạnh, nhà sư đời nhà Lý
    Núi Phật Tích: tức núi Sài Sơn, nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Sơn Bình
  2. ^ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ Thực Lục, Quyển XIV

(Nguồn: Wikipedia)