Thanh Trì
Huyện
Địa lý
Diện tích 63,17
Dân số  
 Tổng cộng 198.706 (2009)
 Mật độ 3.145
Dân tộc Kinh
Hành chính
Huyện lỵ Văn Điển
 Chủ tịch UBND Vũ Văn Nhàn
 Chủ tịch HĐND Trần Văn Khương
 Bí thư Huyện ủy Trần Văn Khương
 Trụ sở UBND Văn Điển
Phân chia hành chính 15 xã, 1 thị trấn
Số điện thoại (84) (04)
Số fax (84) (04)
Website http://www.hanoi.gov.vn/

Thanh Trì là một huyện ngoại thành phía Nam của thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Hành chính

Huyện Thanh Trì gồm 1 thị trấn Văn Điển và 15 xã: Đại Áng, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hữu Hòa, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Yên Mỹ.

Đường phố

  • Cầu Bươu
  • Chiến Thắng
  • Đông Mỹ
  • Kim Giang
  • Mậu Lương
  • Nghiêm Xuân Yêm
  • Ngọc Hồi
  • Ngũ Hiệp
  • Nguyễn Xiển
  • Phan Trọng Tuệ
  • Tả Thanh Oai
  • Tân Triều
  • Thanh Liệt
  • Triều Khúc
  • Tứ Hiệp
  • Tựu Liệt
  • Vĩnh Quỳnh
  • Yên Xá

Địa lý

Huyện Thanh Trì nằm ven phía Nam và Đông Nam Hà Nội, giáp các quận: Thanh Xuân (phía Tây Bắc), Hoàng Mai (phía Bắc), Hà Đông (phía Tây), huyện Gia Lâmhuyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên với Sông Hồng là ranh giới tự nhiên (phía Đông), huyện Thanh Oaihuyện Thường Tín (phía Nam).

Huyện Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, địa thế thấp dần về phía Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng, trên địa bàn huyện có đoạn cuối của sông Tô Lịch chảy qua nối với sông Nhuệ ở phía Tây Nam.

Địa hình của huyện Thanh Trì thấp với nhiều điểm trũng nhất là khu Đồng Trì. Sông Hồng nhiều lần chuyển dòng để lại vết tích những điểm trũng này là các ao, hồ, đầm. Tên huyện Thanh Trì (chữ Hán: 青池) và tên cổ Thanh Đàm (青潭) có nghĩa "ao xanh" và "đầm xanh" chính là dựa vào đặc điểm địa hình của huyện. Do kỵ húy vua Lê Thế Tông nên đổi thành Thanh Trì.

Lịch sử

Là một vùng đất cổ nằm ở phía nam kinh đô, Thanh Trì có bề dày phát triển và truyền thống văn hóa đặc sắc. Bên cạnh hệ thống văn vật phong phú còn lưu giữ được với 56 cụm di tích và di tích, 2 tượng đài, đài tưởng niệm được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng[1], văn hoá nghệ thuật, nơi đây còn là quê hương của rất nhiều danh nhân văn hóa đất nước và cũng là nơi nức tiếng với nhiều sản vật nức tiếng xưa nay.

Theo dấu lịch sử, từ xa xưa, vùng đất này có tên là Long Đàm (đầm Rồng). Thế kỷ X, sứ quân Nguyễn Siêu chiếm đóng Tây Phù Liệt, khai khẩn đất hoang tạo nên một thế lực quân sự mạnh và phát triển thành một trong 12 sứ quân. Đến thời thuộc Minh, không muốn dân chúng nhớ lại tên Thăng Long, chính quyền phong kiến phương Bắc đã đổi tên kinh đô nước Việt thành Đông Quan và Long Đàm cũng bị đổi theo thành Thanh Đàm (đầm nước trong) thuộc châu Phúc Yên. Sang thời Lê Thế Tông (1573 - 1591), để kiêng húy tên vua, vùng đất này được đổi tên lần nữa thành Thanh Trì và tên gọi này được sử dụng đến tận ngày nay.

Trước năm 1945, huyện Thanh Trì thuộc Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.

Năm 1942, Pháp sáp nhập một phần huyện Thanh Trì của tỉnh Hà Đông vào Hà Nội, thành lập “Đại lý đặc biệt Hà Nội” gồm huyện Hoàn Long và 22 xã thuộc Phủ Hoài Đức, được chia thành 8 tổng, 60 xã.

Thời gian 1949-1954, 2 huyện Thanh Trì và Thanh Oai nằm trong quận Văn Điển của thành phố Hà Nội do chính quyền Quốc gia Việt Nam lập ra. Năm 1956, 2 huyện này được trả về tỉnh Hà Đông và sau đó là tỉnh Hà Tây1 .

Ngày 20 tháng 4 năm 1961, huyện Thanh Trì được sáp nhập vào Hà Nội (trừ 4 xã: Liên Ninh, Việt Hưng (Ngọc Hồi), Đại Thanh (Tả Thanh Oai), Thanh Hưng (Đại Áng) nhập vào huyện Thường Tín; 4: xã Hữu Hòa, Kiến Hưng, Cự Khê, Mỹ Hưng nhập vào huyện Thanh Oai)2 . Ngày 31 tháng 5 năm 1961, lập huyện Thanh Trì mới trên cơ sở hợp nhất huyện Thanh Trì cũ và quận VII cũ3 , gồm thị trấn Văn Điển và 21 xã: Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Khương Đình, Lĩnh Nam, Ngũ Hiệp, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, 4 xã: Liên Ninh, Ngọc Hồi, Đại Áng, Tả Thanh Oai của huyện Thường Tín và xã Hữu Hòa của huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Sơn Bình sáp nhập vào huyện Thanh Trì4 . Từ đó, huyện Thanh Trì có thị trấn Văn Điển và 26 xã: Đại Áng, Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Hữu Hòa, Khương Đình, Liên Ninh, Lĩnh Nam, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở.

Ngày 26 tháng 10 năm 1990, chuyển xã Hoàng Văn Thụ về quận Hai Bà Trưng quản lý để thành lập phường Hoàng Văn Thụ, đến năm 2004 thì chuyển sang thuộc quận Hoàng Mai.

Ngày 22 tháng 11 năm 1996, tách xã Khương Đình5 cùng với một phần của quận Đống Đa (gồm 5 phường: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Thượng Đình, Kim Giang, Phương Liệt, một phần 2 phường Nguyễn Trãi và Khương Thượng) cùng toàn bộ xã Nhân Chính thuộc huyện Từ Liêm6 để thành lập quận Thanh Xuân7 , khi đó diện tích tự nhiên của huyện Thanh Trì là 9.791 ha (97,91 km²), gồm 24 xã: Đại Áng, Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hữu Hòa, Liên Ninh, Lĩnh Nam, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở và 1 thị trấn Văn Điển.

Ngày 6 tháng 11 năm 2003, tách 9 xã: Đại Kim, Định Công, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Yên Sở, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú và 55 ha diện tích tự nhiên của xã Tứ Hiệp cùng với 5 phường của quận Hai Bà Trưng là: Tương Mai, Tân Mai, Mai Động, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ để thành lập quận Hoàng Mai8 .

Sau khi chia tách, diện tích huyện Thanh Trì chỉ còn 6.317,27 ha với dân số 147.788 người (2003), gồm thị trấn Văn Điển và 15 xã: Đại Áng, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hữu Hòa, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Yên Mỹ; xã Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì còn lại 412,20 ha và 9.584 người.

Kinh tế

Thanh Trì là mảnh đất có nhiều sản vật giá trị như: vải tiến làng Quang (xã Thanh liệt), nghề dệt quai thao Triều Khúc, sơn vẽ Đông Phù, mây tre Vạn Phúc, bánh chưng Tranh Khúc, làm bánh kẹo Nội Am, làm chìa khóa Tương Chúc.

  • Thanh Trì là huyện sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm chính là lúa, ngô, đậu đỗ, rau xanh.
  • Về sản xuất công nghiệp có: Nhà máy phân lân Văn Điển, Nhà máy pin Văn Điển, Nhà máy đệm Hanvico, Nhà máy lắp ráp ô tô GM, Khu công nghiệp Ngọc Hồi có nhiều doanh nghiệp in ấn bao bì, thức ăn chăn nuôi, cửa nhựa, Công ty May Thanh Trì.

Trên địa bàn huyện Thanh Trì đã và đang hình thành một số khu đô thị lớn như: khu đô thị Đại Thanh xã Tả Thanh Oai, khu đô thị Cầu Bươu, khu đô thị Hồng Hà Park City, khu đô thị Tây Nam Kim Giang, khu đô thị Tân Triều, khu đô thị Ngọc Hồi, khu đô thị Tứ Hiệp.

Cơ sở giáo dục, nghiên cứu

Dưới đại học

  • Trường THPT Ngọc Hồi
  • Trường THPT Ngô Thì Nhậm
  • Trường THPT Việt Nam - Ba Lan
  • Trường THPT Đông Mỹ
  • Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Trì
  • Viện Quy hoạch rừng

Các trường đại học, cao đẳng

  • Học viện kỹ thuật mật mã (Bộ Công an) tại xã Tân Triều.
  • Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà nội (Bộ Công thương) tại xã Tả Thanh Oai.
  • Cao đẳng Cơ điện Hà nội xã Vĩnh Quỳnh
  • Viện Đại học Mở Hà Nội cơ sở Ngọc Hồi
  • Viện khoa học Nông nghiệp xã Vĩnh Quỳnh.
  • Trường quản lý cán bộ nông nghiệp Bộ Nông nghiệp xã Vĩnh Quỳnh.

Cơ quan

  • Chi cục Phát triển Thủy sản (Sở Nông nghiệp) tại xã Tân Triều.
  • Bảo tàng Đặc công tại xã Đông Mỹ.
  • Bộ Tư lệnh Đặc công tại xã Đông Mỹ.

Ngân hàng

  • Ngân hàng TMCP Quân Đội - Chi nhánh Thanh Trì tại Khu Công Nghiệp Ngọc Hồi
  • Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Thanh Trì, khu Thị trấn Văn Điển
  • Ngân hàng ACB chi nhánh Thanh Trì khu Thị trấn Văn Điển
  • Ngân hàng Sacombank chi nhánh Thanh Trì khu Thị trấn Văn Điển
  • Ngân hàng Công thương chi nhánh Thanh Trì, đường Ngọc Hồi
  • Ngân hàng Đầu tư Phát triển chi nhánh Thanh Trì, đường Nghiêm Xuân Yêm, xã Thanh Liệt.
  • Ngân hàng Tiên Phong khu Thị trấn Văn Điển

Trung tâm mua sắm

  • Siêu thị điện máy Thế giới di động khu Thị trấn Văn Điển
  • Siêu thị điện máy Thế giới di động đường 70
  • Siêu thị điện máy Thế giới di động khu Tự Khoát, Ngũ Hiệp
  • Siêu thị điện máy Media mart, cạnh Bệnh viện K, xã Tân Triều trên đường 70
  • Siêu thị điện máy Digi city đường Ngọc Hồi, xã Tứ Hiệp
  • Siêu thị Mega Plaza Khu công nghiệp Ngọc Hồi
  • Chợ Văn Điển
  • Trung tâm vàng bạc Doji khu Thị trấn Văn Điển.

Bệnh viện

  • Bệnh viện Nội tiết Trung ương tại xã Tứ Hiệp gần cầu Văn Điển
  • Bệnh viện Đa khoa Thăng Long tại đường Tựu Liệt, xã Tam hiệp
  • Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp trên đường Tựu Liệt, xã Tam Hiệp.
  • Bệnh viện K cơ sở Tân Triều trên đường Phan Trọng Tuệ.
  • Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp trên Quốc lộ 1 cũ.
  • Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì

Công trình thủy

  • Đập điều tiết Thanh Liệt, nằm trên sông Tô Lịch;
  • Hồ điều hòa Yên Sở và trạm bơm Yên Sở (thuộc địa phận huyện cũ), nay thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai;

Hai công trình trên là hai công trình đầu mối của hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội ra sông Nhuệ, sông Đáysông Hồng.

  • Trạm bơm tiêu Đông Mỹ nằm ở phía Nam của huyện nhưng ít được sử dụng.

Giao thông

  • Quốc lộ 1A chạy xuyên suốt qua địa bàn huyện và đường quốc lộ 1A mới (Pháp Vân - Cầu Giẽ) chạy qua các xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Liên Ninh thuộc huyện;
  • Sông Hồng chảy men theo phía Đông huyện, điểm cuối qua xã Yên Mỹ, Duyên Hà và Vạn Phúc.
  • Đường sắt Thống Nhất, chạy dọc theo quốc lộ 1A.
  • Các tuyến xe bus số 8 (Đông Mỹ - Long Biên), số 12 (Công viên Nghĩa Đô - Đại Áng), số 6A (Bến xe Giáp Bát - Cầu Giẽ), số 62 (Bến xe Thường Tín - Bến xe Yên Nghĩa) chạy dọc theo quốc lộ 1A. Có thêm xe 39, 99 đến BV Nội tiết TW. Xe đi qua có thêm 6B 6C 6D 6E 22C 29 37 62 94 101
  • Các dự án đường sắt đô thị đi qua địa bàn huyện là các tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh - Ngọc Hồi), tuyến số 8 (An Khánh - Dương Xá), trong đó tuyến số 1 hiện đang được đầu tư xây dựng.

Ảnh di tích

Danh nhân

  • Phạm Tu, quê xã Thanh Liệt; danh tướng triều Lý Nam Đế.
  • Nguyễn Siêu, sứ quân chiếm đóng tại Tây Phù Liệt, xã Đông Mỹ
  • Chu Văn An, quê xã Thanh Liệt;
  • Nguyễn Như Đổ, quê xã Duyên Hà;
  • Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm và các cá nhân trong Ngô gia văn phái, quê xã Tả Thanh Oai;
  • Bạch Thái Bưởi, quê làng An Phúc, xã Liên Ninh; nhà tư sản dân tộc nổi tiếng trong lĩnh vực vận tải và khai mỏ trước Cách mạng Tháng Tám.
  • Đỗ Ngọc Du, quê làng Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai; Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
  • Đỗ Mười, quê xã Đông Mỹ; Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ.
  • Nguyễn Thọ Chân, quê xã Đông Mỹ; Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô và Thụy Điển.
  • Vương Thừa Vũ, quê làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh; Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hà Nội năm 1954.
  • Vũ Lăng, quê xã Ngũ Hiệp, Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
  • Lê Khắc, quê làng Đông Phù, xã Đông Mỹ; Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương
  • Phạm Minh Hạc, quê làng Đông Phù, xã Đông Mỹ; Tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương.
  • Tạ Hoàng Cơ quê xã Liên Ninh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Trần Tấn (chính khách), quê xã Hữu Hòa; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội thương.

Chú thích

  1. ^ Năm 2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được nhập vào thành phố Hà Nội.
  2. ^ Nghị quyết về việc mở rộng thành phố Hà Nội do Quốc hội ban hành
  3. ^ Quyết định 78-CP năm 1961 về việc chia các khu vực nội thành và ngoại thành của thành phố Hà Nội
  4. ^ Quyết định 49-CP năm 1979 điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội
  5. ^ Xã Khương Đình được chia thành 2 phường: Khương Đình và Hạ Đình.
  6. ^ Nay là 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
  7. ^ Nghị định 74-CP năm 1996 về việc thành lập quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, thành lập và đổi tên một số phường thuộc thành phố Hà Nội
  8. ^ Nghị định 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai, thành lập các phường trực thuộc quận Long Biên, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội

(Nguồn: Wikipedia)