Nguyễn Hữu Nghiêm (chữ Hán: 阮有嚴) (1491 – tháng 1 năm 1525), người xã Thọ Khê (còn gọi là Phúc Khê, tên tục gọi là Làng Nét), huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Thọ Khê, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), là thượng thư bộ Lễ, đỗ thám hoa khoa thi năm 1508 dưới triều Lê Uy Mục.
Sự nghiệp
Năm 18 tuổi, Nguyễn Hữu Nghiêm đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (tức thám hoa), khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ tư đời Lê Uy Mục (1508), cùng khoa với trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, bảng nhãn Hứa Tam Tỉnh1 .
Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự. Năm 1522, khi Lê Chiêu Tông gặp loạn Mạc Đăng Dung chạy ra ngoài, ông đang giữ chức Phó đô ngự sử, nhận mật chiếu của vua cùng Đàm Thận Huy về Bắc Giang khởi binh, đánh quân Mạc ở bờ sông An Thường. Sau thế cô thua trận, ông phải rút quân về thành Bảo Thọ (huyện Yên Thế), tiếp tục bị thua. Sau đó, ông cùng con trai bị quân Mạc bắt đưa về Thăng Long rồi bị Mạc Đăng Dung dùng xe xé xác vào tháng 12 năm Ất Dậu (tức tháng 1 năm 1525)2 3 .
Ông được truy phong là Tiết nghĩa Đại vương4 .
Giai thoại
Năm Nhâm Thân thứ tư (1512) niên hiệu Hồng Thuận thời Lê Tương Dực, trời đại hạn. Nhà vua sai Nguyễn Hữu Nghiêm tới đến đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) làm lễ cầu đảo nhưng trời vẫn không mưa. Đến nửa đêm Nguyễn Hữu Nghiêm mộng thấy Thánh Gióng phán bảo: "Xã tắc đang lâm nạn chỉ có thần Quý Minh ở đền Hàm Sơn giữ một bầu nước, hãy đến đấy mà cầu tất linh ứng". Tỉnh dậy ông cùng đoàn tuỳ tùng đến ngay đền Hàm Sơn (tại làng Chờ Cả, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) mổ trâu cúng tế thần thì quả nhiên trời đổ mưa lớn.
Để tạ ơn, triều đình lễ tạ, ban cho đền Hàm Sơn 5000 viên gạch Rồng và chiếc trống cái (còn gọi là trống sấm). Đây là nơi duy nhất có trống sấm ở nước Đại Việt thời đó5 .
Vinh danh
Tên của Nguyễn Hữu Nghiêm được đặt cho một con đường ở thành phố Bắc Ninh. Ông được phối thờ tại đền thờ họ Tiết tại làng Thọ khê (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)6 .
Tham khảo
- Ngô Đức Thọ (chủ biên), Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi. Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919). Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2006.
- Trần Hồng Đức. Các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006.
- Đinh Công Tuấn. Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Luận án tiến sĩ. Đại học Văn hóa Hà Nội, 2015.
Chú thích
- ^ Gia Bảo (15 tháng 12 năm 2015). “Chuyện 'ông Trạng' đỗ đạt cao để được ngắm giai nhân yêu mến”. Tạp chí điện tử Ngày Nay online. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2016.
- ^ Ngô Đức Thọ, Sđd, tr. 263.
- ^ Trần Hồng Đức, Sđd, tr. 90.
- ^ “Bia Văn miếu Bắc Ninh - Văn bia đề danh tiến sĩ từ khoa Mậu Thìn (1508) đến khoa Bính Tuất (1526)”. Viện nghiên cứu Hán nôm, Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam. 2 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2016.
- ^ Trương Thị Kim Dung (28 tháng 12 năm 2011). “Vang vọng trống sấm làng Chờ”. Báo điện tử Bắc Ninh. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2016.
- ^ Đinh Công Tuấn, Tlđd, tr. 196.
(Nguồn: Wikipedia)