Hoàng đế & Hoàng hậu Nữ hoàng & Hoàng tế | |
Thái hoàng thái hậu Hoàng thái hậu / Thái thượng hoàng hậu | |
Quốc vương & Vương hậu | |
Nữ vương & Vương phu | |
Vương phi | |
Trữ quân & Trữ phi Công chúa & Phò mã | |
Đại Thân vương & Đại Vương phi Đại Công tước & Đại Công tước phu nhân | |
Thân vương và Vương phi | |
Phó vương & Phó vương phi | |
Công tước & Công tước phu nhân | |
Hầu tước & Hầu tước phu nhân | |
Bá tước & Bá tước phu nhân | |
Tử tước & Tử tước phu nhân | |
Nam tước & Nam tước phu nhân | |
Tòng nam tước & Tòng nam tước phu nhân | |
Hiệp sĩ & Nữ Tước sĩ | |
Hoàng thái hậu (chữ Hán: 皇太后; tiếng Anh: Dowager Empress, Empress Dowager hay Empress Mother), thường được gọi tắt là Thái hậu (太后), tước vị dành cho mẹ ruột của Hoàng đế đang tại vị, hoặc Hoàng hậu của vị Hoàng đế trước đó đã mất, và do Hoàng đế đang tại vị tôn phong.
Nếu vợ của Thái thượng hoàng thì không gọi là Hoàng thái hậu, mà là Thái thượng hoàng hậu. Chỉ khi Thái thượng hoàng băng hà, thì Thái thượng hoàng hậu mới thành Hoàng thái hậu. Trong cùng thời gian, có thể có hơn một Hoàng thái hậu.
Lịch sử
Thời Tiên Tần, khi Tần Chiêu Tương vương tôn mẹ là Mị thị làm Tuyên Thái hậu, thì khi đó mới có danh vị Thái hậu dùng để gọi mẹ của quân vương.
Vào thời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng quy định danh vị Hoàng đế, thì mẹ của Hoàng đế gọi là Hoàng thái hậu. Song mẹ của Thủy Hoàng là Triệu Cơ khi ấy qua đời trước khi ông xưng Đế, và Thủy Hoàng chỉ có thể truy tôn bà làm Đế Thái hậu (帝太后). Từ thời nhà Hán, tôn vị quy định của Hoàng thái hậu rất chặt chẽ, và người đầu tiên trở thành Hoàng thái hậu khi còn sống là Lữ hậu, vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Chế độ
Qua các triều đại, có rất nhiều trường hợp được phong Thái hậu. Tuy nhiên thông thường đều chia ra các quy định chính:
- Hoàng đế là Đích xuất (con của Hoàng hậu): nếu mẹ còn sống thì tôn làm Hoàng thái hậu, nếu không còn thì tôn người mẹ kế (hoàng hậu kế tiếp của Tiên đế) làm Hoàng thái hậu. Một số phi tần từng nhận phủ dưỡng Hoàng đế được tôn Hoàng thái phi hoặc Hoàng thái hậu (trường hợp Dương Thục phi nhà Tống, hay Tĩnh Hoàng Quý phi nhà Thanh).
- Hoàng đế là Thứ xuất (con của phi tần): tôn mẹ đẻ làm Hoàng thái phi, còn mẹ đích làm Hoàng thái hậu. Nếu mẹ đích mất, vị mẹ đẻ có thể trở thành Hoàng thái hậu (như Linh Nhân hoàng thái hậu nhà Lý). Về sau, nhà Minh và nhà Thanh quy định rõ hơn: mẹ đẻ có thể tôn luôn làm Hoàng thái hậu nhưng có những quy chế về tôn xưng để phân biệt với Đích Thái hậu.
- Hoàng đế cùng vai vế với Tiên đế: trường hợp Hoàng đế kế vị là anh/em trai hay thậm chí là chú/ bác, thì tôn mẹ đẻ làm Hoàng thái hậu, còn vị Hoàng hậu của Tiên đế thì gia tôn thêm mỹ hiệu, được lấy từ thụy hiệu hay niên hiệu của Tiên đế (như Khai Bảo hoàng hậu nhà Tống), hay nơi vị Hoàng hậu ấy đang ở (như Khiêm hoàng hậu nhà Nguyễn).
Các trường hợp khác
Sang thời Tây Hán, các hoàng tử đều có đất phong và nhận tước Vương, thì mẹ của các hoàng tử đó được gọi là Vương thái hậu (王太后). Thời Hán Ai Đế Lưu Hân, trong cung một lúc 4 vị Thái hậu; là tổ mẫu Phó thị (được tôn làm Cung hoàng thái hậu [恭皇太后], Đế Thái Thái hậu [帝太太后] rồi Hoàng thái thái hậu [皇太太后]), sinh mẫu Đinh Cơ (được tôn làm Đế Thái hậu [帝太后]); Hán Thành Đế sinh mẫu Vương Chính Quân (Thái hoàng thái hậu) và Thành Đế hoàng hậu Triệu Phi Yến (Hoàng thái hậu).
Suốt thời Ngũ Hồ Thập lục quốc, nhiều quốc gia xưng Vương và họ tôn mẹ mình làm Vương thái hậu. Thời Bắc Ngụy, các vị Hoàng đế ngoài vị Hoàng thái hậu là mẹ đích (do quy định Tử quý mẫu tử nên mẹ ruột đều bị xử tử), thì người Nhũ mẫu chăm sóc các vị Hoàng đế từ bé cũng được hiển quý, gọi là Bảo Thái hậu (保太后).
Sang thời nhà Đường, mẹ các Tiểu vương này chỉ gọi là Thái phi, không còn dùng danh vị Thái hậu để gọi mẹ các hoàng tử có tước Vương nữa, và từ đó từ Thái hậu chỉ dùng để gọi mẹ các Hoàng đế.
Tại Hàn Quốc, nhà Cao Ly vẫn có ý ngang hàng với Trung Hoa khi ấy là nhà Tống, họ tôn các mẹ của Quân vương là Vương thái hậu như điển chế cổ. Sang đó nhà Triều Tiên xưng làm Quốc vương, và nhận làm chư hầu nhà Minh, nên về danh vị từ lâu Thái hậu dùng để gọi mẹ các Hoàng đế, nên mẹ của quốc vương nhà Triều Tiên được gọi là Vương đại phi (王大妃) hoặc ngắn hơn là Đại phi (大妃). Vốn dĩ các vua Triều Tiên không bao giờ dám xưng Đế và vợ chính của họ chỉ là Vương phi thay vì Hoàng hậu.
Trong khi đó, lịch sử Việt Nam thời Lê Trung hưng, các chúa Trịnh chưởng quyền lấn át các Hoàng đế họ Lê, đã đặt ra danh vị để tỏ ra ngang hàng với Hoàng thất. Các chúa Trịnh tôn mẹ mình là Vương thái phi (王太妃), bà của chúa là Thái tôn thái phi (太尊太妃). Có khi gọi chung là Quốc mẫu (國母) hay Quốc thái mẫu (國太母).
Nhân vật nổi tiếng
Trung Quốc
- Lữ Thái hậu - chính thất của Hán Cao Tổ Lưu Bang và là Hoàng hậu đầu tiên của Trung Quốc. Sau làm Hoàng thái hậu nhiếp chính (195 TCN – 180 TCN) dưới thời Hán Huệ Đế, Hán Tiền Thiếu Đế và Hán Hậu Thiếu Đế. Nổi tiếng trong lịch sử vì là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ quyền lực tối cao của Đế quốc Trung hoa trong một thời gian dài.
- Đậu Thái hậu - chính thất của Hán Văn Đế Lưu Hằng, sinh mẫu của Hán Cảnh Đế Lưu Khải, tổ mẫu của Hán Vũ Đế Lưu Triệt. Bà sống trong triều đại huy hoàng bậc nhất trong lịch sử nhà Hán. Có nhiều ý kiến quan trọng trong những năm đầu Hán Vũ Đế cai trị và lúc Văn Cảnh trị vị, góp phần xây dựng triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử nhà Hán.
- Hiếu Nguyên hoàng thái hậu - chính thất của Hán Nguyên Đế Lưu Thích, mẹ của Hán Nguyên Đế Lưu Ngao. Bà là vị Thái hậu tuổi thọ cao bậc nhất trong lịch sử. Là cô ruột của đại thần Vương Mãng, người gián đoạn nhà Hán lập ra nhà Tân.
- Hòa Hi Đặng thái hậu - Hoàng hậu thời Hán Hòa Đế Lưu Triệu, trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính trong các đời sau. Bà được đánh giá là một nhà cai trị hiệu quả và đức hạnh, cùng với Minh Đức thái hậu trở thành biểu tượng của phụ nữ đức cao vọng trọng.
- Bắc Ngụy Phùng thái hậu - chính cung của Bắc Ngụy Văn Thành Đế, nhiếp chính thời Bắc Ngụy Hiến Văn Đế và Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế. Bà là một chính trị gia lỗi lạc thời Nam Bắc triều, khiến Bắc Ngụy đi vào con đường Hán hóa mạnh mẽ.
- Tắc Thiên Thái hậu - chính cung của Đường Cao Tông Lý Trị, mẹ của Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán, tổ mẫu của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Là vị Nữ hoàng duy nhất trong Lịch sử Trung Quốc.
- Chương Hiến Lưu thái hậu - vợ của Tống Chân Tông Triệu Hằng, nhiếp chính đời Tống Nhân Tông Triệu Trinh. Bà được đánh giá tài năng vượt trội, ngang hàng với Lữ hậu và Võ hậu.
- Từ Thánh Tào Thái hậu - vợ của Tống Nhân Tông Triệu Trinh, nhiếp chính thời Tống Anh Tông Triệu Thự và Tống Thần Tông Triệu Hú. Nổi tiếng nhân từ và đức độ, bà là người đầu tiên đứng đầu phái Cựu đảng, phản đối tân pháp của Vương An Thạch.
- Tuyên Nhân Cao Thái hậu - vợ của Tống Anh Tông Triệu Thự, sinh mẫu của Tống Thần Tông Triệu Húc, tổ mẫu của Tống Triết Tông Triệu Hú. Được xưng là Nữ trung Nghiêu Thuấn, bà là hình mẫu một Hoàng hậu hiền minh thời Tống.
- Hiếu Trang hoàng thái hậu - phi tần của Hoàng Thái Cực, mẹ của Thanh Thế Tổ Thuận Trị hoàng đế, tổ mẫu của Thanh Thánh Tổ Khang Hi hoàng đế. Có quan hệ luyến ái với Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn.
- Từ Hi thái hậu - Quý phi của Thanh Văn Tông Hàm Phong hoàng đế, mẹ của Thanh Mục Tông Đồng Trị hoàng đế, nhiếp chính tiếp dưới thời Thanh Đức Tông Quang Tự hoàng đế. Được xem là người phụ nữ có quyền lực và dã tâm lớn nhất nhà Thanh.
- Long Dụ Thái hậu - vợ của Thanh Đức Tông Quang Tự hoàng đế. Hoàng thái hậu cuối cùng của Trung Quốc.
Việt Nam
- Đại Thắng Minh hoàng thái hậu Dương Vân Nga - vợ của Đinh Tiên Hoàng, mẹ Đinh Phế Đế, sau đó làm Hoàng hậu của Lê Đại Hành.
- Thượng Dương cung Hoàng thái hậu - chính cung của Lý Thánh Tông, bị Linh Nhân thái hậu Lê thị bức tử cùng 72 thị nữ.
- Linh Nhân hoàng thái hậu - Nguyên phi của Lý Thánh Tông, mẹ đẻ của Lý Nhân Tông. Hai lần lâm triều nhiếp chính, có công sức không nhỏ trong thời kì thịnh thế thời Lý.
- Linh Chiếu Thái hậu - nguyên là phi tần của Lý Thần Tông, mẹ ruột của người kế vị là Lý Anh Tông. Có quan hệ tình ái với phụ chính đại thần là Đỗ Anh Vũ, và Anh Vũ đã giúp con trai bà Anh Tông lên ngôi kế vị sau khi Thần Tông qua đời.
- Thái hậu triều lý Hoàng Thị Hồng - thứ phi vua Lý Anh Tông, mặc dù không có con, mất lúc 20 tuổi nhưng được sắc phong Hoàng Thái Hậu.
- Kiến Gia hoàng thái hậu - chính cung của Lý Cao Tông, mẹ ruột của Lý Huệ Tông, tổ mẫu của Lý Chiêu Hoàng. Bà có vai trò quan trọng trong việc xen vào chính sự thời Huệ Tông. Có quan hệ không tốt đẹp với Linh Từ quốc mẫu.
- Hiến Từ Thái hậu - Hoàng hậu của Trần Minh Tông, mẹ ruột của Trần Dụ Tông. Sử gọi là Nữ trung Nghiêu Thuấn, được đánh giá cao vì thân thế và đức hạnh. Bà có vai trò đưa Dương Nhật Lễ lên ngôi, sau đó bị giết chết trong cung.
- Tuyên Từ hoàng thái hậu - nguyên là Thần phi của Lê Thái Tông, mẹ ruột của Lê Nhân Tông. Nhiếp chính trong vòng 10 năm dưới thời Nhân Tông. Về sau cùng Nhân Tông bị Lê Nghi Dân giết chết vì cung biến.
- Trường Lạc hoàng thái hậu - Quý phi của Lê Thánh Tông, mẹ ruột của Lê Hiến Tông, bà nội của Lê Túc Tông và Lê Uy Mục. Có thuyết cho rằng bà là con gái của Nguyễn Trãi. Về sau bị cháu nội là Uy Mục giết chết trong cung.
- Từ Dụ hoàng thái hậu - chính cung của Thiệu Trị, mẹ ruột của Tự Đức. Bà là vị Thái hậu thọ nhất và tại vị lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.
- Trang Ý hoàng thái hậu - chính cung của Tự Đức, nuôi dạy Dục Đức.
- Từ Cung Hoàng thái hậu - phong hiệu chính xác là Đoan Huy hoàng thái hậu, mẹ ruột của Bảo Đại, vị Hoàng thái hậu cuối cùng của lịch sử Việt Nam.
Xem thêm
- Thái Hoàng thái hậu
- Hoàng hậu
- Hoàng đế
Tham khảo
(Nguồn: Wikipedia)