Kính Tông Huệ Hoàng Đế
Tên húy là Duy Tân, con thứ của Thế Tông, ở ngôi 20 năm, thọ 32 tuổi, băng táng ở lăng Hoa Loan.
Vua tướng mạo hùng vĩ, nối ngôi giữ nghiệp mà trong nước bình yên. Nhưng lại riêng nghe mưu gian, đến nỗi có việc chẳng lành, thực rất đáng thương.
Canh Tý, Thận Đức năm thứ 1 [1600], (Từ tháng 11 trở về sau là Hoằng Định năm thứ 1; Minh Vạn Lịch năm thứ 28). Mùa hạ, tháng 5, nước to.
Bấy giờ, Thái uý Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ngầm sai bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu phản.
Bình An Vương cùng các quan đương bàn việc đánh dẹp, Hoàng muốn kế của mình trôi chảy, giả vờ xin đem quân đuổi đánh, rồi đốt hết doanh trại, trốn về Thuận Hoá2686 . Bấy giờ trong nước loạn lạc, lòng người dao động, Vương bèn hộ vệ [1b] hoàng thượng trở về [Tây Đô] để lo giữ đất căn bản.
Khi ấy, bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê đem quân phụ trợ theo họ Mạc, chiêu an các thành thị. Rồi Ngạn ngờ Văn Khuê có mưu khác, liền sai người bắn chết Văn Khuê ở giữa sông. Ngạn tự xưng là Tiết chế Sinh quốc công, Đình Nga tự xưng là Thái bảo Hoa quận công, em Ngạn (không rõ tên) tự xưng là Tiền bộ dinh Quỳnh quận công, dùng niên hiệu Càn Thống2687 của họ Mạc trong các bản yết thị hoặc lệnh cấm.
Vợ Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên muốn báo thù cho chồng, khóc bảo quân lính của chồng rằng: "Người nào dốc sức đền ơn, giết được Ngạn sẽ có trọng thưởng". Ngạn nghe thế giận lắm.
Tháng 6, ngày mồng 1, Ngạn đem quân đến Hoàng Giang đánh nhau. Quân của vợ Văn Khuê bắn chết Ngạn ở giữa sông.
Bình An Vương sai Thiêm đô ngự sử Gia Lộc tử Lê Nghĩa Trạch đem thư cho thái uý Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ở Quảng Nam.
[2a] Thư viết: "Bậc đại thần, nghĩa phải cùng vui, cùng buồn với nước. Cậu đối với nước mà nói, thì là bề tôi huân cựu đời đời, đối với nhà mà nói, thì là tình nghĩa chí thân. Mới rồi, họ Mạc tiếm nghịch, vận nước gian truân, tiên tổ là Thái tể Hưng Quốc Chiêu Huân Tĩnh công (Hưng Quốc công Nguyễn Kim là ông ngoại của Bình An Vơng, cho nên cũng gọi là tiên tổ) đầu tiên khởi xướng đại nghĩa, giúp Trang Tông Hoàng Đế trong lúc gian nan, sửa lại danh phận. Tiên tổ mất đi, tiên khảo là Minh Khang Thái Vương2688 giữ trọng trách của nước, thấy cậu là người ruột thịt, trao cho hai xứ Thuận, Quảng. Cậu từ khi
nhận được mệnh lệnh, vỗ yên dân địa phương, thực là có công. Tiên khảo chầu trời, cháu giữ binh quyền, vẫn để cậu giữ chức cũ. Nhiều lần gửi thư giục cậu dốc thu tiền thuế, vận tải lương thực để giúp việc chi dùng của nhà nước, cậu thường lấy cớ đường biển gian nan hiểm trở để từ chối. Đến khi Kinh thành đã lấy lại, thiên hạ đã yên [2b] cậu mới ung dung theo về. Triều đình ưu đãi, cho coi một phủ Hà Trung và bảy huyện miền trên trấn Sơn Nam, trao cho chức Hữu tướng, có ý mong cậu và tả tướng Vinh quốc công Hoàng Đình Ái giúp rập hai bên tả hữu để hoàn thành sự nghiệp trung hưng2689 , để vỗ yên dân chúng nước Nam. Mới rồi, bọn nghịch thần Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga manh tâm phản bội, nổi quân làm loạn, cháu đương cùng với cậu trù tính việc binh, truy quét đảng nghịch, chẳng ngờ cậu không đợi mệnh, tự tiện bỏ về, làm dao động lòng dân địa phương. Không biết đó là bản ý của cậu, hay là nghe lầm gian kế của bọn phản nghịch. Nay Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn đánh lộn lẫn nhau, và đều đã bị giết cả. Thế mới biết đạo trời sáng rõ; tai hoạ không kịp trở gót, chắc cậu cũng biết cả rồi. Việc đã như thế, nếu cậu quả biết tỉnh ngộ ra, hối lại lỗi trước, nghĩ đến công nghiệp của tiên tổ, [3a] nên sai người mang thư đến hành tại lạy trình, rồi đốc nộp tiền thuế để cung việc chi dùng của nhà nước thì lấy công trừ lỗi, triều đình đã có pháp điển, mà công lao ngày trước của cậu lại được toàn vẹn, huân danh sự nghiệp bao đời, bền lâu mãi mãi. Nếu không thế, thì lấy thuận đánh nghịch, triều đình hùng binh đã có cớ rồi, danh tiết của cậu sẽ ra làm sao? Cậu trong việc quân thường vẫn lưu ý đến kinh sử, xin hãy nghĩ kỹ, đường để hối hận về sau".
Nghĩa Trạch vào trong cõi, do biết Hoàng vốn là người đa mưu, liền bỏ chiếu thư vào ống, giấu ở bụi rậm ngoài đồng rồi sai xá nhân chuyển báo. Hoàng nghe tin Nghĩa Trạch tới, lập mưu cướp chiếu thư, làm nhục sứ gả. Đêm sai dũng sĩ đến chỗ trọ cướp hết hòm xiểng đem về, thấy không có chiếu thư, lại sai tới đốt hết cả quán trọ. Hoàng [3b] cho là giấy tờ đều bị cháy hết trong đám lửa rồi. Hôm sau, Hoàng thân dẫn tướng tá chỉnh đốn voi ngựa, nghi vệ ra đón, trông thấy Nghĩa Trạch hai tay bưng thư đi đến, lấy làm kinh ngạc, bảo với tướng tá rằng: "Trời sinh chủ tướng, triều đình có người giỏi". Từ đấy, không có ý ngấp nghé gì nữa.
Người địa phương miền đông là nguỵ Uy Vũ hầu (không rõ tên) thống xuất 300 binh thuyền đạo đó, tự xưng là Hải Dương đại tướng. Người họ Mạc là nguỵ Kỳ Huệ Vương chiêu mộ quân ở Sơn Nam, tự xưng là Nam thổ tiết chế.
Bấy giờ, mẹ Mạc Mậu Hợp nguỵ xưng là Quốc mẫu, lên thay ngôi báu. Người tông thất họ Mạc và dư đảng khi trước tránh vào rừng núi, đến đây cùng với con trưởng của Mậu Hợp (không rõ tên) đều đến kính lạy chào. Mẹ Mậu Hợp sai người đi đón Kính Cung, tự ban ân thưởng, trên từ quan viên, dưới đến thứ dân, không kể [4a] công lao mới hay cũ, đều phong làm các chức đô chỉ huy sứ, đồng trị, thiêm sự, tả hữu hiệu điểm.
Mùa thu, tháng 7, Kính Cung khởi hành từ cửa quan, đến Thị Cầu, huyện Vũ Ninh, bọn Ngô Đình Nga đều đem quân huyện mình ra đón. Kính Cung đều cho giữ chức cũ. Thế rồi, quan viên tướng sĩ trong nước cùng rước Kính Cung tới Kinh sư.
Bấy giờ, vua ở Thanh Hoa, lưu Trấn quận công Trịnh Lân ở lại hộ giá, sai Thượng phụ Bình An Vương đem quân ra đóng ở xứ Bái Đính. Quân Vân nguỵ (không rõ tên) đến hàng, hạ lệnh tha tội cho.
Tháng 8, tiến quân ra phủ Trường Yên. Bắt được mẹ Mậu Hợp ở thành Trung Đô2690 . Thuyền ra cửa sông Hát, tiến thẳng đến Kinh. Quân Mạc thua to, chết đuối nhiều không kể xiết. Từ đấy thu phục hết Kinh thành.
Vài ngày sau, em Phan Ngạn là quận Quỳnh ra thú, cũng tha tội cho. [4b] Bấy giờ, tướng Tây đạo nguỵ là quận Nhai (không rõ tên), quận Cao (không rõ tên) đóng quân ở mạn Nhật Chiêu. Ban m, đại quân bí mật tiến đến dinh Nhật Chiêu. Quận Nhai sợ chạy. Thu được 40 chiếc thuyền và 7 con voi, đem dâng ở cửa dinh. Vương mừng lắm.
Tháng 9, bắt được Ngô Đình Nga ở sông Thiên Đức2691 dâng nộp ở cửa dinh, sai đem chém. Uy Vũ hầu và Nam Dương hầu nguỵ (đều không rõ tên) đem 200 chiếc thuyền đến xứ Ông Mạc2692 , huyện Thanh Trì giao chiến với quan quân, thua to; Uy Vũ hầu chạy ra chiếm giữ cửa biển.
Ngăn cấm việc mua bán muối.
Mùa đông, tháng 10, Bình An Vương sai Hải quận công Nguyễn Đình Luân đem quân đi đánh phương Nam. Thuyền đến cửa sông Hoàng Giang2693 , giao chiến với Nam Dương hầu, bị thua chạy, bỏ lại hơn 40 chiếc thuyền, thu quân trở về Kinh sư. Vương nổi giận, liền bãi chức của Luân.
[5a] Tháng 11, đại xá, đổi niên hiệu, lấy năm ấy làm Hoằng Định năm thứ 1.
Bắc cầu phao qua sông Cái ở bến Ông Mạc.
Tháng 12, giết Vạn quận công (không rõ tên) ở Thảo Tân.
Mạc Kính Cung chạy đến huyện Kim Thành, sai quận Nam (không rõ tên)2694 giữ huyện Nam Xang, lập doanh trại thuỷ bộ, ngày đêm tuần hành phòng giữ. Quận Nam giết Uy Vũ hầu để cướp lương thực. Các tướng ở Sơn Tây là bọn quận Nhai, quận Cao lánh về ở Đại Đồng, bị viên thổ quan ở đó ngầm đánh thuốc độc giết chết.
Tân Sửu, [Hoằng Định] năm thứ 2 [1601] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 29). Mùa xuân, tháng giêng, đại quân của Bình An Vương tiến phát, giao chiến với đảng giặc là Nam Dương [hầu]2695 . Tiền phong của quan quân là Chấn quận công (không rõ tên) chết tại trận. Vừa khi quận Nam và quận Nga của giặc đều chết, quan quân đại thắng, thu được thuyền bè, phụ [5b] nữ, trâu bò súc vật và tiền của kể hàng nghìn đem về Kinh.
Bêu hai thủ cấp của quận Nam và quận Nga ở Trường Yên để thị uy. Sau lại bắt được em của quận Nam là quận Tào và quận Vị đem nộp ở cửa quân, đều chém cả. Hạ lệnh chiêu an, dân chúng vui vẻ thuận phục.
Tháng 3, Bình An Vương sai quân đi dẹp miền Hải Dương. Mạc Kính Cung nghe tin, bỏ cả binh mã mà chạy. Đại quân đến nơi, đốt hết doanh trại rồi về.
Mùa hạ, tháng 4, bắt được quận Dũng nguỵ đem giết. (Quận Dũng người huyện Thanh Trì).
Trời mưa đá.
Tháng 5, sửa đắp đê đường từ huyện Chương Đức đến huyện Mỹ Lương để đón rước xa giá.
Mùa thu, tháng 8, vua từ Thanh Hoa tiến về Kinh sư, ngự lên chính điện. Có điềm rồng vàng.
[6a] Mùa đông, tháng 11, bắt đầu mở [lại] khoa thi Hương chọn học trò.
Tháng 12, sai Đăng quận công Nguyễn Khai đem quân đi dẹp các vùng Sơn Nam, Kinh Bắc. Đến tháng 2 năm sau trở về Kinh.
Nhâm Dần, [Hoằng Định] năm thứ 3 [1602] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 30). Mùa xuân, tháng 2, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Đăng 10 người. Đến khi thi Đình, vua ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đầu đề văn sách. Cho bọn Nguyễn Đăng 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Cung 8 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 2 nhuận, viên thổ tướng Đại Đồng là Thuần quận công (không rõ tên) về hàng.
Tháng 3, trời mưa đá.
Mùa hạ, tháng 4, bắt được Huệ Vũ Vương nguỵ đóng cũi giải về Kinh sư đem chém.
Tháng này, ngày 15, có nguyệt thực2696 .
Mùa thu, tháng 8, Bình An Vương duyệt quân ở Thảo Tân.
Quý Mão, [Hoằng Định] năm thứ 4 [1603], (Minh Vạn Lịch năm thứ 31). Mùa xuân, tháng 3, trong mặt trăng có 3 điểm đen.
[6b] Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, có nhật thực.
Có người huyện Thanh Miện đang đêm vào trong điện ngồi lên ngai rồng, sai đem chém.
Bấy giờ, Bình An Vương ngờ Đăng quận công Nguyễn Khai có bụng khác, sai nội giám Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm cùm trói lại, tra xét không có tang chứng, sau một năm thì tha.
Giáp Thìn, [Hoằng Định] năm thứ 5 [1604] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 32). Mùa xuân, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Đặng Duy Minh 7 người. Đến khi thi Điện, cho bọn Nguyễn Thế Tiêu 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Đặng Duy Minh 5 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Bính Ngọ, [Hoằng Định] năm thứ 7 [1605] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 34). Sai chánh sứ Lê Bật Tứ, phó sứ Nguyễn Dụng và Nguyễn Khắc Khoan sang nhà Minh dâng lễ tạ ơn. Lại sai hai sứ bộ gồm bọn chánh sứ Ngô Trí Hoà và Nguyễn Thực [7a], các phó sứ Phạm Hồng Nho, Nguyễn Danh Thế, Nguyễn Úc, Nguyễn Duy Thì sang tuế cống nhà Minh.
Đinh Mùi, [Hoằng Định] năm thứ 8 [1607] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 35). Mùa xuân, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Ngô Nhân Triệt 5 người. Đến khi thi Điện, cho Lưu Đình Chất đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Ngô Nhân Triệt đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Mậu Thân, [Hoằng Định] năm thứ 9 [1608] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 36). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 3, mặt trời có hai lớp quầng.
Năm ấy, trong nước bị đói. Mùa thu, mùa đông thóc gạo quá đắt, nhiều người chết đói.
Canh Tuất, [Hoằng Định] năm thứ 11 [1610], (Minh Vạn Lịch năm thứ 38). Mùa xuân, thi Hội các nhân sĩ trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Tiến Dụng 7 người. Đến khi thi Đình, cho Nguyễn Văn Khuê đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn [7b] Tiến Dụng 6 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Mùa đông, tháng 10, Hộ bộ tả thị lang Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ khai với Bình An Vương về việc thứ nhất là lập thế tử, dự trao binh quyền để cố kết lòng người; việc thứ hai là xử trí bọn phiên trấn mạnh để thống nhất chế độ: "Bậc vương giả coi cả nước là một nhà, bên giường nằm, lẽ nào để cho kẻ khác nằm ngáy? Nay các xứ Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Nam, Thuận Hoá vốn là bờ cõi của Tiên vương, thế mà lâu năm chứa tệ, để mặc cho họ ngoan ngạnh. Nếu không xử trí, sợ thành mối lo sau này. Nay thánh thượng gắng chí anh hùng, trăm trận trăm thắng mà lấy được cả thiên hạ. Tướng tá đông như mây vần, quân sĩ dũng mãnh, kỹ thuật tinh nhuệ. Ngựa uống thì nước sông cạn, mài dao thì đá núi lở, thuyền chiến nghìn chiếc, voi khoẻ hàng trăm. [8a] Quân tinh nhuệ trong nước đều họp cả ở Kinh sư mà nuông giặc không đánh, thế là nuôi hổ để mối lo về sau vậy. Ngày xưa, Đường Hiến Tông nghe lời bàn của Hoàng Thường, lấy pháp độ mà kiềm chế phiên trấn, rồi làm nên công nghiệp trung hưng. Từ đời Đường đến nay há lại không còn những lời trung thành nào để trình lên nữa hay sao? Kính xin quyết đoán thi hành. Cơ nghiệp ức vạn năm vô cùng của nước nhà là do ở đấy".
Tân Hợi, [Hoằng Định] năm thứ 12 [1611] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 39). Mùa đông, tháng 10, ngày 16, núi Tản Viên bị lở đến hơn 12 trượng. Ngày 18, ở huyện Yên Việt2696 , trời mưa máu một ngày một đêm.
Nhâm Tý, [Hoằng Định] năm thứ 13 [1612] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 40). Mùa thu, tháng 8, Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì cùng giám sát ngự sử 13 đạo là bọn Phạm Trân khải lên Bình An Vương rằng:
"Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà [8b] thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khoá bừa bãi, để cho dân được thoả sống mà không còn tiếng sầu hận oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân. Nay thánh thượng để ý tới dân, thi hành một chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng nghiêm răn nhiễu dân. Lòng yêu dân đó, thực là lượng cả của trời đất, cha mẹ vậy. Nhưng kẻ thừa hành thì chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chỉ chăm làm điều hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, mọi việc nhiễu dân, không điều gì không làm, [9a] khiến dân trong nước, con trai thì không có áo, con gái thì không có váy, tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hàng ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều không sống nổi. Vì thế, cảm động đến đất trời, khiến cho lòng trời ở trên không thuận, tai hoạ lũ lụt tràn ngập quá mức thường, chắc là có quan hệ với chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi gây nên thế sao? Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời, và chuyển tai hoạ thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy".
Mùa đông, tháng 10, thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng bắt được Tiêu quốc [công] nguỵ ở núi Thiên Kiện [9b] (Tiêu quốc [công] người xã Bất Đoạt, huyện Kim Bảng).
Quý Sửu, [Hoằng Định] năm thứ 14 [1613] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 41). Mùa xuân, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Bùi Tất Thắng 7 người. Đến khi thi Đình, cho bọn Nguyễn Tuấn 7 người đều đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Mùa hạ, tháng 4, sai hai đoàn sứ bộ gồm chánh sứ Lưu Đình Chất và Nguyễn Đăng, cùng phó sứ Nguyễn Đức Trạch, Hoàng Kỳ, Nguyễn Chính, Nguyễn Sư Khanh sang tuế cống nhà Minh.
Tháng 5, ngày rằm, có nguyệt thực.
Tháng 8, sai thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng đi dẹp các xứ Yên Quảng để mở rộng bờ cõi. Đi đến đâu, nhân dân quy phụ đến đấy. [Trịnh Tráng] để lại thuộc tướng trấn giữ rồi về.
[10a] Mùa đông, tháng 11, sai triều thần chia nhau đi các xứ xét hỏi nỗi đau khổ của dân gian. Người phiêu giạt thì tha tạp dịch ba năm để về yên cư phục nghiệp.
Giáp Dần, [Hoằng Định] năm thứ 15 [1514], (Minh Vạn Lịch năm thứ 42). Mùa hạ, tháng 6, sắc phong các vương tôn là Trịnh Trượng làm Liêm quận công, Trịnh Tạc làm Vinh quận công, Trịnh Đồ làm Hương quận công, Trịnh Bảng làm Hội quận công, Trịnh Trân là Phổ quận công, Trịnh Liêm làm Lãng quận công, Trịnh Thức làm quận công, Trịnh Lệ làm Hoà quận công.
Mùa thu, tháng 9, phong vương tử là Trịnh Lệ làm Quỳnh quận công. Lấy Hình khoa đô cấp sự trung Nguyễn Hữu Tác làm tham chính Hải Dương.
Mùa đông, tháng 11, có tiếng sấm.
[10b] Ất Mão, [Hoằng Định] năm thứ 16 [1615] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 43).
Mùa xuân, tháng 2, quan triều đường là bọn Nguyễn Lễ dâng khải trình bày thói tệ đương thời gồm 8 điều. Bình An Vương khen nhận, đặc cách ban thưởng rất hậu.
Tháng 3, ngày mồng 1, có nhật thực.
Ngày 28, giờ Thân, nước đầm các xã Hoằng Liệt, Thịnh Liệt bỗng dưng khô cạn, sau 5 khắc lại đầy như cũ.
Mùa thu, tháng 8 nhuận, sai bọn Thái uý Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên cùng với bọn Hình bộ thượng thư kiêm Đông các học sĩ Mỹ Khê hầu Nguyễn Lễ đón tiếp sứ thần trở về.
Bính Thìn, [Hoằng Định] năm thứ 17 [1616] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 44). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 26, có nguyệt thực.
Tháng ấy, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Vũ Miễn 4 người. Đến khi thi Đình, cho bọn Lê Trí Dụng đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 2, lấy Lại bộ hữu [11a] thị lang Xuân Dương bá Nguyễn Danh Thế làm Hộ bộ tả thị lang; Công bộ hữu thị lang Lễ Xuyên bá Nguyễn Khắc Khoan làm Hình bộ tả thị lang; Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì làm phó đô ngự sử. Lại bàn công đi sứ, thăng tự khanh Nhân Lĩnh bá Lưu Đình Chất làm Lại bộ hữu thị lang; Phúc Nham bá Nguyễn Đăng làm Hộ bộ hữu thị lang, đều gia tước hầu; Tham chính Đường Xuyên tử Nguyễn Chính làm Thái bộc tự khanh, tước bá.
Tháng 3, ngày 27, thăng Thự vệ sự Đông Dương hầu Nguyễn Văn Tộ làm Miện quận công, Hoa Dương hầu Vương Châu làm Phó quận công.
Mùa thu, tháng 9, bọn Hộ bộ tả thị lang Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ và Lại bộ hữu thị [11b] lang Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng khải lên Bình An Vương rằng: Lòng trời nhân ái, tất tỏ điềm trong khiển trách bảo ban, nếu không biết tự sửa mình thì trời lại xuất hiện tai biến khác thường để cảnh cáo, răn đe. Qua đó đủ biết lòng trời nhân ái vào người làm vua đã đến hết mức vậy. Khoảng tháng 5 tháng 6 năm nay, đương mùa cày cấy, trời đã làm hạn hán, nhà nông thất vọng. Nay ngày tháng 8, lúa má đương làm đòng, trời lại giáng đại hạn khắp cả mọi nơi. Một năm hai lần hạn, tai dị xuất hiện liền liền, dân thôn quê bao người ta oán, chắc là có quan hệ đến chính sự hiện nay mà xảy ra như thế. Nay nghe có lệnh thúc các huyện, xã xứ Thanh Hoa theo từng hạng tuyển thêm binh lính. Sợ rằng bây giờ không phải là lúc duyệt tuyển. Nếu lệnh ấy thi hành thì những người quyền thế cai quản cũng theo thế mà bắt chước, lại tuyển bổ thêm, dân [12a] chịu sao nổi? Kính xin lấy lòng kính trời thương dân, tạm dừng việc đòi thêm lính để làm điều nhân chính. Như thế thì đẹp lòng dân, được ý trời, khí hoà đem đến điềm lành, mưa móc thuận thời, lúa má tươi tốt, nhân dân được hưởng phúc lành no đủ, thế nước vững vàng như bàn thạch, Thái Sơn, mà con cháu được hưởng phúc mãi không cùng.
Đinh Tỵ, [Hoằng Định] năm thứ 18 [1617] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 45). Mùa xuân, tháng giêng, ngày rằm, có nguyệt thực.
Lấy Lang trung Bùi Bỉnh Di làm giám sát ngự sử đạo Yên Quảng vì cớ là cả họ trung nghĩa, ước sau vẹn tiết. Lại lấy Lang trung Đỗ Thế Long làm giám sát ngự sử đạo Quảng Nam và cha Long có công với nước cho nên cất nhắc.
Mùa thu, tháng 7, ngày 15, có bão lớn, nước lụt tràn ngập, thóc lúa mất [12b] hết.
Ngày 16, có nguyệt thực.
Gia phong Lại bộ thượng thư chưởng lục bộ sự kiêm Ngự sử đài đô ngự sử Lễ quận công Nguyễn Văn Giai làm thiếu phó.
Tháng 9, bấy giờ lúa đương chín, có bão to, nước mặn vỡ vào, dân gần biển bị hại nhiều.
Xứ Sơn Tây có nhiều sâu lúa.
Mậu Ngọ, [Hoằng Định] năm thứ 19 [1618] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 46). Mùa xuân, tháng giêng, ngày rằm, có nguyệt thực.
Tháng 2, sai Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng đem thuộc tướng là bọn Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Lễ quận công Nguyễn Văn Giao, Bạt quận công (không rõ tên), Hữu quận công Tạ Thế Phúc, Đặng quận công Nguyễn Khải, Phụ quận công Nguyễn Hắc cùng với Đốc thị Lễ bộ tả thị lang Phương Lan hầu Nguyễn Thực; lại sai Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân đem thuộc tướng là bọn Cống quận [13a] công Hoàng Đình Phùng, Luân quận công Trịnh Thúc, Phổ quận công Trịnh Trân, Lãng quận
công Trịnh Liêm cùng với Đốc thị là Phó đô ngự sử Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì, chia thành hai đạo tiến quân hợp đánh Khánh Vương họ Mạc2697 và bọn Trí Thuỷ nguỵ. Đảng giặc nghe tin, đều trốn xa.
Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng mật sai Phú Lộc hầu (không rõ tên) chém được Lập quận công nguỵ.
Tháng 3, sai Thái bảo Trấn quận công Trịnh Lâm đem bọn thuộc tướng là bọn Lộc quận công (không rõ tên), Hội quận công Trịnh Bảng đi đánh đảng nguỵ ở Vũ Nhai. Lấy Hình bộ tả thị lang Lễ Xuyên bá Nguyễn Khắc Khoan làm đốc thị. Lại sai thêm 1.000 tướng sĩ dinh Tả quân và 1.000 tướng sĩ dinh Tiền quân cùng tiến đánh. Đảng giặc nghe tin đều sợ hãi [13b] tan vỡ.
Mùa hạ, tháng 4, bấy giờ lúa rất tốt, bèn chia sai bồi đắp đê điều các xứ để phòng nạn lụt.
Tháng ấy, núi Đồng Cổ ở xã Đan Nê thượng, huyện Yên Định bị lở. Sai quan đến cáo tế.
Ngày 2, giờ Dần, có sao Chổi mọc ở phương tây nam, hình như tấm lụa đỏ.
Ngày 28, giờ Dậu, có ngôi sao bay thẳng về phương tây, hình như tấm lụa.
Tháng 4 nhuận, sai bọn Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng và Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân đốc lĩnh voi ngựa, quân lính đi đánh bè đảng Hào quận công nguỵ ở vùng Yên Dũng2698 . [14a] Các quân bị lam chướng phải trở về, người ngựa tổi hại nhiều.
Mùa thu, tháng 8, trời mưa vàng, hình như hạt gạo vàng, lại mưa gạo, như loại gạo đen, mưa rượu, như là rượu ngọt.
Tháng 9, bấy giờ có khí trắng như hình cái búa đứng thẳng, mỗi đêm hồi canh năm thường hiện ra ở phương đông nam, từ hạ tuần tháng ấy đến thượng tuần tháng 10 mới hết.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 4, Lại bộ tả thị lang Phú Xuân hầu Ngô Trí Hoà, Hộ bộ tả thị lang Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ cùng với bọn Phạm Trân dâng khải lên Bình An Vương rằng: Trộm thấy, hạ tuần tháng 9 năm nay có sao lạ mọc ở phương nam vào giờ Dần, dài đến hơn 1 trượng, lại có sấm động trái thời. Tháng trước lại mưa ra gạo đen, mưa ra [14b] cát vàng. Các việc ấy đều là quái dị, chắc là có quan hệ với chính sự hiện nay. Những việc trái lẽ hại đạo khó mà kể hết, xin trình bày sáu việc sau: 1- Xin sửa đức để cầu mệnh trời; 2- Ngăn quyền hào để nuôi sức dân; 3- Cấm phiền hà để dân sống được; 4- Cấm xa xỉ để của dân dồi dào; 5- Dẹp trộm cướp để dân an cư; 6- Sửa quân chính để bảo vệ dân. Bấy giờ vua trao hết mọi việc quốc gia cho Bình An Vương quyết định, cho nên khải trình lên là muốn để vương biết rõ mà giúp việc thi hành nhân chính.
Lại bộ hữu thị lang Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng khải lên Bình An Vương rằng: "Trộm nghĩ, trời giáng tai dị hay ban điềm lành là do có đức hay không. Làm điều thiện thì hiện ra điềm lành, làm điều ác thì răn bằng tai dị. Song nhân tai dị mà sửa đức thì không [15a] tổn hại gì. Cho nên người xưa lấy trời để tự xử mà kính cẩn đối với mệnh trời. Hán Văn Đế biết thuận lòng trời mà biến dị đều hết, Tống Cảnh Công nói một câu lành mà sao xấu lui đi. Nhà nước ta từ khi khôi phục đến giờ, trời đất chưa ứng, điềm lành chưa đến, mà tai dị lại liên tiếp xảy ra. Như mùa thu năm nay, trời mưa xuống than đen thì đó là tai dị, nhưng đương thời tránh nói là tai dị, lại bảo là mưa gạo. Đâu phải đến mức khí hoà như đời Hoàng Đế mà trời mưa ra gạo? Trời mưa xuống cát vàng, đó là quái dị, mà thuật sĩ lại thích nói là điềm lành bảo là mưa vàng. Đâu phải là vận được hanh thông như đời Hạ Vũ mà trời mưa ra vàng? Hẳn là trời tỏ sự răn đe mà chưa biết tỉnh ngộ, nên hạ tuần tháng 9 qua đến thượng tuần tháng này, sao lạ hiện ra ở phương đông nam, ai trông thấy [15b] cũng phải sợ hãi, thực không phải là điềm lạ nhỏ. Có phải do đức chưa tu sửa, chính còn thiếu sót mà dẫn đến thế chăng? Nay chính sự thi hành không bằng năm trước, mệnh lệnh ban bố không thể theo ý khoan hồng của người trên, chỉ chăm làm điều hà khắc tàn ngược, vét hết tài sản của dân, những tiếng than sầu khổ cũng đủ cảm động đến trời mà trời răn bảo bằng điềm quái lạ, người làm chúa trông thấy thế cũng nên tự xét. Kính xin kính cẩn sự răn bảo của trời,
thương nuôi dân mọn, một chút gì có lợi cho dân đều nên làm, một tệ gì có hại cho dân đều nên bỏ. Lại càng phải thi hành nhân chính đối với dân. Dân phố phường ở Kinh kỳ thực đáng thương xót, nên truyền lệnh các tướng cấm ngăn bọn cướp đoạt để mạnh gốc rễ của nước; dân Thanh Hoa tứ chiếng thực đáng thương xót, nên nhắc các tướng không được phiền nhiễu để làm vững [16a] nền móng của nhà nước. Như thế thì người gần đội ơn mà vui lòng, người xa thì nghe tiếng mà kéo đến. Thế là được lòng dân. Lòng dân vui ở dưới thì đạo trời ứng ở trên, sẽ thấy sao tai dị chuyển thành sao sáng lành, mưa tai dị chuyển thành mưa hoà thuận, các thức phúc đều đến cả và vương đạo đại thành vậy".
Các triều thần dâng tờ tâu đại lược nói: "Mối quan hệ giữa trời với người là đáng sợ lắm. Việc người không sửa thì trời lấy tai dị để răn bảo. Năm nay, từ hạ tuần tháng 9 đến thượng tuần tháng này, mỗi đêm vào hồi canh năm, sai tai dị hiện ra ở phương nam hình như mây trắng, hình như lụa trắng, như cái thoi nhọn, như cái mũi giáo, đầu đuôi nhỏ và nhọn, trông rất dễ sợ. Lại có mưa vàng như đất, mưa xuống gạo sắc đen, mưa xuống rượu vị [16b] ngọt, lại thêm sấm động trái thời, tai dị liên tiếp. Tai biến không phải bỗng dưng mà có, hẳn là bên trong có lỗi đức, bên ngoài có lỗi chính, kỷ cương lỏng lẻo, pháp lệnh trễ nải, quan lại hà khắc, dân chúng dao động, việc người có nhiều sự bất hoà mà đến thế chăng? Kính xét Chu thư có nói: "Vua thì xem vào sao Tuế, các khanh sĩ thì xem vào mặt trăng, thứ dân thì xem vào các sao", là nói việc người có điềm được mất, tốt xấu đều ứng hiện theo loại cả. Năm nay ban đêm hiện ra sao lạ, tai dị xảy ra luôn, đó là trời tỏ răn bảo, chính là lúc phải sợ hãi chăm lo. Thấy lòng trời nhân ái, thường ngụ trong việc răn trách thì xin sửa đúc để trừ đi là được. Xưa Tống Cảnh Thông nói một câu lành mà sau tai dị phải lui đi, Tống Thái Tông mở đàn trai nhưng mà sao Chổi tự nhiên lặn mất. Xét việc đời trước đã làm, có thể chứng nghiệm. Bọn thần [17a] cúi xin đức lớn cao sáng nhân có tai biến mà sợ hãi trách mình sửa nết, đặt đàn cầu trời, trai giới đảo ngầm, ngõ hầu lòng thành cảm thấu đến trời, hiện tượng huyền vi cũng ứng theo, sao tai dị lùi chỗ, khí hoà sinh điềm lành, âm dương điều hoà mà mưa gió phải thì, quần sinh hoà hợp mà muôn vật nảy nở, nhân dân được vui chiếu chăn êm ấm, nhà nước vững bền như bàn thạch, Thái Sơn, cơ nghiệp truyền nối từ nay được dài lâu, để phúc của tông miếu xã tắc kéo dài ức muôn năm không cùng". Vua xem tờ tâu, lưu lại trong cung.
Tháng 11, canh năm, sao Chổi mọc ở phương đông hơn một tháng mới lặn. Triều thần làm tờ khải với Bình An Vương rằng: "Năm nay, hạ tuần tháng 9 có sao lạ lại hiện ở phương đông nam; đêm ngày 11 tháng này lại có sao lạ xuất hiện. Tai dị thấy liền như vậy [17b] chắc là người trên đức chưa tu sửa, chính sự có chỗ sai lầm, hoặc mưu người có ý đồ khác mà đến thế chăng? Như nhà vua rủ áo khoanh tay ở trên, những người thân cận đều là ngay thẳng, mọi việc thi ành đều theo chính đạo, thỉnh thoảng vẫn có kẻ gian ra vào nội điện, xui giục làm càn; như việc tuyển bổ đã có Lại bộ mà lại có chức danh trái lệ, việc thuế khoá đã có Hộ bộ mà lại sai người ra dân thu tranh, việc kiện tụng đã có nha môn tra xét lại có khi nghe lời vu cáo, bắt người lấy của, việc quân đã có phủ, ty, vệ sở, lại có khi sai người đi bắt, quân dịch nặng nề, xin chép đủ ra để trừ bỏ tệ trước, chiếu theo đó mà làm. Kỷ cương pháp độ đã có phép cũ để lại, như tướng chỉ cho coi quân, không được coi dân, mà nay bọn cai quản lại chuyên coi dân, chuyên lấy của, chuyên giết người, lại tuyển riêng lấy thêm lính, một nhà đến 5, [18a] 6 người, thu thuế nặng nề, một thửa ruộng đến 2, 3 lớp tô; bọn cai tổng, xã trưởng thì bắt hỏi việc kiện tụng về hộ khẩu, hôn nhân, ruộng đất, trên đường bộ, đường thuỷ đặt riêng nha môn tuần ty, tuần sát. Xin hạ lệnh cho các tướng đình bãi hết thảy. Còn như kẻ nào ngầm có bụng khác, đó là kẻ mưu làm bậy, kính xin Vương tự xét định. Những việc tệ này là điều sao trời đã tỏ ý răn bảo. Nay chính là lúc phải sợ hãi tu chỉnh. Nên triệu các đại thần cùng các vương tử, dụ cho biết vương nghiệp gian nan, phải trừ bỏ mối tệ, cốt cho được lòng dân, ngõ hầu lòng người vui, ý trời thuận, sao tai dị chuyển thành sao lành, đời trị biến thành thái bình đủ mười phần, con cháu truyền ức năm, cơ nghiệp nước nhà từ nay được lâu dài mãi mãi. Xin Vương lưu ý suy xét".
Kỷ Mùi, [Hoằng Định] năm thứ 20 [1619] , (Từ tháng 6 trở đi là Thần Tông Vĩnh Tộ năm thứ 1; Minh Vạn Lịch năm thứ 47). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 16, [18b] giờ Mùi, cháy lớn, bắt đầu từ cửa Vương phủ, sau lan ra phố phường hai bên, cháy vào đến lầu cửa Đoan Môn của Triều đường và các nhà trực hai bên tả hữu đều cháy hết sạch.
Tháng 2, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Trần Hữu Lễ 7 người. Đến khi thi Điện, cho Nguyễn Lại đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Bùi Cầu 6 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 3, Bình An Vương đến lầu ở bến Đông xem đua thuyền. Khi về đến chỗ ngã ba, chợt có súng nấp bắn vào voi của Vương. Bắt được người bắn, tống giam tra khảo mới biết vua và vương tử Trịnh Xuân ngầm mưu giết Vương.
Mùa hạ tháng 4, Vương sai phó Thanh quận công Trịnh Tráng cùng nội giám Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào nội điện tra hỏi, biết hết tình trạng.
Tháng 5, ngày 12, bức vua thắt cổ chết. Sau truy tôn là Huệ Hoàng [19a] Đế, miếu hiệu là Kính Tông.
Tháng 6, hoàng tử lên ngôi ở điện Cần Chính, đổi niên hiệu là Vĩnh Tộ năm thứ 1. Đại xá.
Trước đây, Vạn quận công Trịnh Xuân ngầm mưu bắn vương phụ, đến đây, Lê Bật Tứ hặc tội, bị giam vào nội phủ.
(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)