Chân Tông Thuận Hoàng Đế
Tên húy là Duy Hựu, con trưởng của Thần Tông, 13 tuổi được truyền ngôi, ở ngôi 7 năm, thọ 20 tuổi thì băng, táng ở lăng Hoa Phố. Vua tính trời trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của người làm vua. Trong khoảng 6, 7 năm, liền năm được mùa. Nếu trời cho sống lâu thì cũng được đông người, giàu của như tiếng tốt của Văn Đế nhà Hán vậy.
Giáp Thân, [Phúc Thái] năm thứ 2 [1644] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 17). Mùa hạ, tháng 4, sao Thái Bạch đi ngang trời.
Tháng ấy, [37b] sai quan khảo hạch các cống sĩ trong nước, người nào có đức vọng bổ làm các chức phủ, huyện.
Mùa đông, tháng 12, sai Thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc cùng Đốc thị Dương Trí Trạch, Tán lý Phạm Công Trứ đi dẹp đất Cao Bằng, tiến quân đặt phục, chém được một viên tỳ tướng của giặc, bắt được đảng giặc rồi về.
Ất Dậu, [Phúc Thái] năm thứ 3 [1645] , (Minh Long Vũ năm thứ 1; Thanh Thuận Trị năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 4, ngày 19, sao Huỳnh Hoặc đi vào phần sao Quỷ, phạm vào sao Tích Thi.
Tiên phong phó đô tướng Thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc làm Khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh chưởng quốc quyền binh tả tướng Thái uý Tây quốc công, mở phủ Khiêm Định, mọi công việc của nhà nước đều giao cho xử quyết.
Ngày tháng 5, Vương bị cảm. Thái bảo Phù quận công Trịnh Lịch, Thái phó Hoa quận công Trịnh [38a] Sầm, hận vì bất đắc chí, liền nổi quân làm loạn. Thái uý Tây quốc công Trịnh Tạc vâng chỉ nghị bàn với các quan văn võ tâu lên vua biết và tế cáo trời đất, tông miếu.
Ngày mồng 2, ra quân, đánh bắt được chính tên nghịch Lịch, còn nghịch Sầm thì trốn vào Ninh Giang2722 . Sai Thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng đốc quân đuổi theo, đuổi kịp ở Chúc Sơn2723 , bắt được dâng nộp, đều đem chém cả. Khi ấy Tán lý Phạm Công Trứ, Võ tướng Đào Quang Nhiêu cũng dự phần công bàn mưu, đánh dẹp.
Xá một nửa tiền thuế đinh trong nước. Lại cấm nhân dân không được làm thư nặc danh lưu truyền chuyện không đâu làm mê hoặc lòng người.
Tháng 6, nhắc rõ lại điều luật xét kiện để khuyến khích người làm quan thanh liêm, chăm việc, trừ bỏ thói kiện cáo gian lận của bọn tiểu thương.
Mùa thu, tháng 7, cấm các nhà quyền quý và [38b] các nha môn cùng quan hai ty không được lấy tiền của các hộ dân xa, quan huyện cũng không được thu lạm tiền của dân. Còn tiền gạo của các kỳ tế lễ đều theo xã lớn, xã vừa, xã nhỏ mà đóng theo mức độ khác nhau để bớt phí tổn cho dân.
Bính Tuất, [Phúc Thái] năm thứ 4 [1646] , (Minh Long Vũ năm thứ 2; Thanh Thuận Trị năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 22, mưa đá, chim muông bị hại nhiều.
Tháng 2, Kinh sư mưa đá.
được mùa to.
Sai chánh sứ Nguyễn Nhân Chính, phó sứ là bọn Phạm Vĩnh Miên, Trần Khái, Nguyễn Cổn cùng với sứ thiên triều là Đô đốc Lâm Sâm vượt biển sang Phúc Kiến cầu phong với nhà Minh. Khi ấy vua Minh lên ngôi, bị người Thanh đánh phá. Bề tôi nhà Minh lại tôn lập Vĩnh Lịch Hoàng Đế. Nhà Minh sai bọn Hàn lâm Phan Kỳ mang sắc thư, cáo mệnh và ấn bạc mạ vàng sang [39a] nước ta, phong cho Thái thượng hoàng làm An Nam quốc vương. Sứ Minh cùng với bọn Nhân Chính đi đường bộ theo cửa Trấn Nam quan mà về.
Bấy giờ nước Minh loạn to. Thủ lĩnh Long Châu là Triệu Hữu Kinh bị người anh họ là Triệu Hữu Đào giết. Con Kinh là Hữu Khải cầu cứu, bèn sai Quỳnh Nham công Trịnh Lệ tiến quân lên Thái Nguyên, đánh Cao Bằng, bắt được Triệu Hữu Đào và cả gia thuộc đem về Kinh sư, dụ bảo phải hoà mục với nhau rồi cho về bản châu.
Mùa đông, tháng 10, thi Hội sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Đăng Cảo 17 người.
Tháng 12, thi Điện. Vua đích thân ghi cho Nguyễn Đăng Cảo đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, Nguyễn Viết Cử đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Văn Đạt 15 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
[39b] Đinh Hợi, [Phúc Thái] năm thứ 4 [1647] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 1; Thanh Thuận Trị năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 5, bọn Nguyễn Nhân Chính đón sứ Minh đem sắc phong và ấn đến cửa quan.
Bèn sai Lễ bộ thượng thư Thiếu bảo Dương quận công Nguyễn Nghi cùng với bọn Hộ bộ tả thị lang Nguyễn Thọ Xuân, Thiêm đô ngự sử Đồng Nhân Thái, Hộ khoa đô cấp sự trung Nguyễn Sách Hiển, Đề hình Trương Luận Đạo, Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Văn Quảng đón tiếp về Kinh.
Sứ Minh làm lễ ban phong, tuyên đọc lời thề rằng: "Trẫm nghĩ, đế vương dấy lên, trước hết vỗ yên ngoài cõi; Xuân Thu nghĩa lớn, riêng lo tưởng lệ tôn vương. Xưa Hoàng tổ ta mở mang bờ cõi, chân trời, góc biển, đều thuộc bản đồ. Nước An Nam người riêng hưởng thanh giáo, lễ nhạc y quan dần dần quen nếp, chịu ơn nhà nước trăm đời, để phúc cháu con mấy kiếp. Đô thống ty Lê [40a] Hựu sớm tỏ tài lành, một niềm cung thuận, nêu đức hay chinh phục cõi hoang, mà tiếng tốt thấu vào cửa khuyết. Đương khi Long Vũ Hoàng Đế ta ngự ở đất Mân2724 , một mình nước ngươi vượt biển sang triều cống. Tuy nhà nước không quý vật xa, nhưng làm tôi dâng cống, lòng thành thờ nước lớn thực đáng khen. Nghĩ cõi xa cũng là con đỏ, ta ban đất chia phong, chính là vỗ yên người xa bằng đức. Trẫm là cháu đích tôn của Thần Tông Hoàng Đế, được thần dân trong nước suy tôn, nối giữ nghiệp lớn, cai trị muôn phương, xa thì hâm mộ truyền thống hoà hiệp của Đường đế Nghiêu, gần lại nhớ tới oai thanh gồm trị của Hán Tuyên Đế. Nay loài hôi tanh làm phản, bị cả bốn biển cùng thù. Tráng sĩ Sở Thục nổi như mây, cờ nghĩa Ngô Việt đều hưởng ứng. Tiêu diệt giặc Hồ, dẹp yên bốn cõi. Khen ngươi trung thành, trẫm rất yêu mến. Vì thế, sai quan Hàn lâm Phan Kỳ, quan Khoa đài Lý Dụng Tiếp đem [40b] phù tiết phong ngươi làm An Nam quốc vương. Ôi! Đồ phẩm phục vâng tự mệnh trời, ngọc khuê bích truyền tới con cháu. Làm vua nước ngươi, chăn nuôi dân ngươi, việc nông tang cũng thuộc đức đế; cõi xa về chầu, trấn phiên tới cống, ngọc cung cầu chớ biếng chức xưa. Trẫm nghĩ, cột đồng nhà Hán dựng lên, cõi Nam yên mãi, vua Hạ hội ở Đồ Sơn, lại thấy Trung Nguyên. Hãy kính theo!".
Tháng 6, sai quan tuyển, thảy binh lính.
Mùa thu, tháng 7, sai quan tuyển duyệt binh dân các xứ, chia thành từng hạng để định ngạch quân.
Mậu Tý, [Phúc Thái] năm thứ 6 [1648] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 2; Thanh Thuận Trị năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 5, cấm dân gian không được mạo nhận càn chức tước để trốn binh dịch2725 .
Kỷ Sửu, [Phúc Thái] năm thứ 7 [1649] , (Từ tháng 10 trở đi, Thần Tông lại lên ngôi, Khánh Đức năm thứ 1; Minh Vĩnh Lịch năm thứ 3; Thanh Thuận Trị năm thứ 5). Mùa thu, tháng 8 [41a], vua băng, không có con nối.
Mùa đông, tháng 10, Vương uỷ cho Thế tử Tây quốc công Trịnh Tạc và các quan văn võ cùng bàn tâu xin Thái thượng hoàng lại lên ngôi, đổi niên hiệu là Khánh Đức năm thứ 1.
(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)