湖北省
Hồ Bắc tỉnh
Giản xưng: Ngạc (鄂)
(bính âm: È)
Xuất xứ tên gọi 湖 - hồ
北 - bắc
"phía bắc Hồ Động Đình"
Kiểu hành chính Tỉnh
Bhutan Nepal Myanma Lào Việt Nam Thái Lan Philippines Nhật Bản Triều Tiên Hàn Quốc Kyrgyzstan Kazakhstan Mông Cổ Afghanistan Uzbekistan Tajikistan Pakistan Ấn Độ Nga Pakistan Ấn Độ Ấn Độ Đài Loan Tân Cương Tây Tạng Ma Cao Hồng Kông Hải Nam Quảng Đông Quảng Tây <a class=Hồ Nam" title="Hồ Nam" /> Vân Nam Phúc Kiến Thượng Hải Giang Tây Chiết Giang Giang Tô Hồ Bắc An Huy Quý Châu Trùng Khánh Thiểm Tây Hà Nam Sơn Tây Sơn Đông Hà Bắc Bắc Kinh Thiên Tân Ninh Hạ Liêu Ninh Cát Lâm Tứ Xuyên Tây Tạng Hắc Long Giang Cam Túc Thanh Hải Tân Cương Nội MôngVị trí tại Trung Quốc
Thông tin về hình này
Thủ phủ Vũ Hán
Thành phố lớn nhất Vũ Hán
Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương 蒋超良
Tỉnh trưởng Vương Hiểu Đông 王晓东
Diện tích 187.400 km² (thứ 14)
Dân số (2011)
 - Mật độ
57.580.000 (thứ 9)
307/km² (thứ 14)
GDP (2011)
 - trên đầu người
1,96 nghìn tỉ NDT (thứ 10)
34.197 NDT (thứ 13)
HDI (2012) 0,755 (thứ 21) — trung bình
Các dân tộc chính (2000) Hán - 95,6%
Thổ Gia - 3,7%
Miêu - 0,4%
Ngôn ngữ và phương ngôn Quan thoại tây nam, Quan thoại Giang Hoài, tiếng Cám
Cấp địa khu 13
Cấp huyện 102
Cấp hương
(31 tháng 12, 2004)
1235
ISO 3166-2 CN-42
Website chính thức:
http://www.hubei.gov.cn
(Chữ Hán giản thể)
Nguồn lấy dữ liệu dân số và GDP:
《中国统计年鉴—2005》/ Niên giám thống kê Trung Quốc 2005 ISBN 7503747382

Nguồn lấy dữ liệu dân tộc:
《2000年人口普查中国民族人口资料》/ Tư liệu nhân khẩu dân tộc dựa trên điều tra dân số năm 2000 của Trung Quốc ISBN 7105054255

Hồ Bắc (tiếng Trung: 湖北; bính âm: Húběi , tiếng Vũ Hán: Hŭbě) là một tỉnh ở miền trung của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Giản xưng chính thức của tỉnh Hồ Bắc là "Ngạc" (鄂), lấy theo tên một nước chư hầu thời xưa, sau trở thành đất thuộc nước Sởnhà Tần, nay nằm ở phía đông của tỉnh. Tên Hồ Bắc ám chỉ về vị trí của tỉnh này nằm ở phía bắc của hồ Động Đình.1 Giản xưng không chính thức của Hồ Bắc là Sở (楚), gọi theo nước Sở hùng mạnh ở đây vào thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Hồ Bắc giáp với Hà Nam về phía bắc, An Huy về phía đông, Giang Tây về phía đông nam, Hồ Nam về phía nam, Trùng Khánh về phía tây, và Thiểm Tây về phía tây bắc. Tỉnh này có đập Tam Hiệp vào hàng lớn nhất thế giới tại Nghi Xương ở phía tây.

Lịch sử

Hồ Bắc có một lịch sử lâu dài, khi khai quật khảo cổ tại Vân huyện, người ta đã phát hiện ra hóa thạch của người Vân Dương (郧阳人) và người Trường Dương (长阳人) thời viễn cổ. Tại di chỉ văn hóa Khuất Gia Lĩnh (屈家嶺文化) đã phát hiện được một số lượng lớn các công cụ bằng đá và đồ gốm thời đại đồ đá mới, phản ánh nền nông nghiệp, đánh bắt cá, săn bắn, thủ công nghiệp của khu vực đã có sự phát triển đáng kể. Từ thời nhà Hạ, văn minh Trung Nguyên đã có ảnh hưởng đến vùng đồng bằng Giang Hán. Đến thời nhà Thương, Hồ Bắc đã được sáp nhập vào cương vực Trung Hoa. Thời Tây Chu, trên địa phận Hồ Bắc là lãnh thổ của nhiều tiểu quốc chư hầu, có thể kể đến là Ngạc, Đặng, Quyền, Nhược (鄀), Tùy (隨), Tằng (曾), La (罗), Vân (郧), Lại (赖), Dong (庸), Đường (唐), Quân (麇), Đam (聃). Đến thời Xuân Thu (770 TCN - 476 TCN), nước Sở nguyên ở Hà Nam ngày nay trở nên lớn mạnh, dần dần thôn tính các nước khác ở phương nam. Đến khoảng cuối thế kỉ thứ 8-đầu thế kỷ thứ 7, nước Sở đã dời quốc đô từ Đan Dương (丹阳, nay thuộc Tích Xuyên của Hà Nam), đến Dĩnh (郢, nay thuộc Dĩnh Châu của Hồ Bắc); Dĩnh vẫn vị thế là quốc đô nước Sở cho đến năm 278 TCN. Nước Sở đã góp phần mở rộng nền văn minh Trung Hoa xuống phía nam song cũng có nhiều nét văn hóa độc đáo. Từ lưu vực Trường Giang, Sở tiếp tục mở rộng lãnh thổ lên bình nguyên Hoa Bắc. Sở Trang Vương là một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu.

Đến thời Chiến Quốc (475 TCN - 221 TCN), Sở là một trong Chiến Quốc thất hùng. Theo thời gian, nước Sở và nước Tần trở thành hai nước có lãnh thổ rộng lớn nhất. Trong các cuộc chiến tranh giữa Sở và Tần, Sở đã để mất nhiều đất đai, đầu tiên là tầm ảnh hưởng tại bồn địa Tứ Xuyên, đến năm 278 TCN, thì để mất vùng lãnh thổ lõi là tỉnh Hồ Bắc hiện nay và phải dời quốc đô khỏi đất Dĩnh. Sở sau đó triệt thoái về phía đông song đã bị Tần tiêu diệt hoàn toàn vào năm 223 TCN.

Một phục trang lễ nghi bằng tơ lụa với các chi tiết thêu từ thế kỉ thứ 4 TCN, được tìm thấy tại lăng mộ thời Chu ở Mã Sơn, Giang Lăng, Hồ Bắc

Sau khi Tần thống nhất Trung Quốc, nếu muốn đi xuống phía nam cần qua Hồ Bắc nên vùng đất này đã trở thành yếu đạo về giao thông, nhân khẩu bắt đầu gia tăng. Các vùng đầm lầy tại Hồ Bắc đã được con người tiêu thoát nước để trở thành các vùng đất trồng trọt màu mỡ. Nhà Tần cũng thiết lập các đơn vị quận huyện tại địa phận tỉnh Hồ Bắc hiện nay. Do kị húy của Tần Trang Tương Vương (cha Tần Thủy Hoàng), triều đình nhà Tần đã đổi tên đất Sở thành "Kinh" (荆).

Sau đó, đến thời nhà Hán, tại Hồ Bắc và Hồ Nam ngày nay đã thiết lập nên Kinh châu, đôi khi được gọi hợp lại thành "Kinh Sở". Thời kỳ cuối của nhà Hán, tức đầu thế kỷ thứ 3, Kinh châu do châu mục Lưu Biểu trấn giữ. Sau khi Lưu Biểu mất, Lưu Tông lên làm Kinh châu mục. Khi Tào Tháo đánh vào Kinh châu, Lưu Tông bèn ra hàng Tào Tháo.2 Sau khi Tào Tháo thua trận Xích Bích, Lưu Bị lấy danh nghĩa tôn Lưu Kỳ làm thứ sử Kinh Châu3 để đóng quân ở Kinh châu phát triển lực lượng. Trong và sau trận Xích Bích, phía Đông Ngô tổn thất và tốn kém nhân lực hơn phía Lưu Bị nên không bằng lòng việc Lưu Bị chiếm mấy quận Kinh châu, nhưng vì Lưu Kỳ là con Lưu Biểu - người cai trị cũ của Kinh châu - nhân danh làm chủ Kinh châu nên phía Tôn Quyền đành tạm chấp nhận. Kinh châu thời Lưu Biểu nguyên có 7 quận, lúc đó chiến tranh qua lại giữa 3 phe Tào - Tôn - Lưu sau trận Xích Bích, mỗi bên còn giữ một phần: Lưu Bị có 4 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng và một nửa quận Giang Hạ của Lưu Kỳ (con cả Lưu Biểu); Tôn Quyền chiếm được Giang Lăng, nửa quận Giang Hạ và nửa Nam quận; Tào Tháo còn giữ lại quận Nam Dương và nửa Nam quận. Năm 209, khi Lưu Kỳ qua đời, cuộc tranh chấp Kinh châu giữa Tôn Quyền và Lưu Bị lại căng thẳng, Lưu Bị bị mang tiếng "mượn" Kinh châu lâu ngày không trả. Tháng 12 năm 211, từ Kinh châu, Lưu Bị đưa quân đi đánh Ích châu (nay là Trùng Khánh và Tứ Xuyên), Quan Vũ được giao ở lại giữ Kinh châu. Sau đó, trong khi Quan Vũ mải đánh Vu Cấm (một tướng của Tào Tháo) thì Tôn Quyền sai Lã Mông mang quân đánh úp Kinh châu. Trong vài thập kỉ sau đó, Kinh châu hoàn toàn do Đông Ngô nắm giữ.

Đến thời Tây Tấn, các bộ lạc du mục phía bắc Trung Quốc nổi nên và đến đầu thế kỷ thứ 4 đã xâm nhập vào Trung Nguyên, khởi đầu cho gần 300 năm Trung Quốc bị phân liệt. Trong thời gian đó, phía bắc Trung Quốc là những quốc gia và triều đại của các dân tộc du mục (song bị Hán hóa ở các mức độ khác nhau), còn phía nam Trung Quốc do các triều đại của người Hán cai quản. Hồ Bắc thuộc miền Nam và nằm dưới quyền cai trị của Đông Tấn và các Nam triều. Sau loạn Hầu Cảnh, vào tháng 11 năm 552, Tiêu Dịch đã xưng đế ở Giang Lăng, tức Lương Nguyên Đế. Tuy nhiên, sau đó đại quân Tây Ngụy đã chiếm được Giang Lăng, bắt sống các tướng cùng Lương Nguyên Đế, giao cho Tiêu Sát trông giữ và sau đó hành hình Lương Nguyên Đế cùng các tôn thất nước Lương tại đây. Bách tính Giang Lăng hơn 1 vạn người bị Tây Ngụy chia cho tướng sĩ làm nô lệ và bị dẫn hết về Quan Trung. Khi thành Giang Lăng bị bao vây, Lương Nguyên Đế đã ra lệnh thiêu hủy 14 vạn quyển sách rất có giá trị, gây tổn thất cho kho tàng văn hóa Trung Quốc. Tây Ngụy đem Giang Lăng giao cho Tiêu Sát coi giữ, sau đó Tiêu Sát thành lập nước Hậu Lương, tức Lương Tuyên Đế, đóng đô ở Giang Lăng, thần phục nhà Tây Ngụy, tồn tại cho đến năm 587.

Sau khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc, ngoại trừ khu vực phía tây bắc và góc phía đông, tuyệt đại bộ phận Hồ Bắc hiện nay thuộc Kinh châu, gồm các quận Nam, Di Lăng, Cạnh Lăng, Miện Dương, Thanh Giang, Tương Dương, Thung Lăng, Hán Giang, An Lục, Vĩnh An, Giang Hạ. Đến năm Khai Hoàng thứ 9 (589) thời Tùy Văn Đế, Giang Hạ quận trong một thời gian đã được đổi tên thành Ngạc Châu, sau đó Ngạc Châu trở thành tên trị sở của quận này. Giản xưng "Ngạc" hiện nay của Hồ Bắc bắt nguồn từ đây.

Sau khi nhà Đường thay thế nhà Tùy vào năm 617, toàn quốc được chia thành 10 đạo, tây bộ Hồ Bắc thuộc Sơn Nam Đông đạo còn đông bộ Hồ Bắc thuộc Hoài Nam đạo, đông nam bộ Hồ Bắc thuộc Giang Nam Tây đạo còn tây nam bộ của Hồ Bắc thuộc Kiềm Trung đạo. Trên địa phận Hồ Bắc khi đó có 15 châu. Về sau địa bàn Hồ Bắc hiện nay bị phân chia giữa Sơn Nam Đông đạo tiết độ sứ, Kinh Nam tiết độ sứ và Vũ Xương tiết độ sứ. Trong khoảng thời gian này, Hồ Bắc đã trở thành một trong những khu vực đứng đầu về sản xuất ngũ cốc tại Trung Quốc. Sản xuất và mậu dịch trà, cam quýt và các sản vật khác phát triển rất mạnh. Phát triển kinh tế cũng kéo theo sự phát triển về văn hóa, các thi nhân nổi tiếng đương thời như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên, Sầm Than, Lục Vũ, Bì Nhật Hưu khi đi ngao du vùng Kinh Sở đã cho ra đời nhiều thi thiên tráng lệ.

Thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-960), bảy châu là Tương, Quân, Phòng, Tùy, Dĩnh, Phục, An tại Hồ Bắc thuộc quyền cai quản của Ngũ Đại; còn các châu Hoàng, Kì, Ngạc thì ban đầu thuộc nước Ngô, sau thuộc nước Nam Đường; hai châu Hoàng, Kì về sau lại rơi vào tay triều Hậu Chu; nước Nam Bình nằm ở khu vực Giang Lăng, chiếm cứ ba châu Kinh, Quy, Hạp; riêng châu Thi thì thuộc Thục.

Nhà Tống đã tái thống nhất Trung Quốc vào năm 982, sau đó đặt Kinh Hồ Bắc lộ (giản xưng là Hồ Bắc lộ, tên gọi Hồ Bắc ra đời từ đây) tại đại bộ phận Hồ Bắc hiện nay, lộ này có các châu Ngạc, Phục, Hạp, Quy và Giang Lăng phủ, Đức An phủ, cùng với Kinh Môn quân, Hán Dương quân. Ở bắc bộ Hồ Bắc, triều đình thiết lập Kinh tây nam lộ, gồm các châu Tùy, Kim, Phòng, Quân, Dĩnh cùng Tương Dương phủ và Quang Hoa quân. Đông bộ Hồ Bắc lấy Trường Giang làm ranh giới, phía bắc thuộc Hoài Nam Tây lộ, gồm hai châu Kì và Hoàng; phía nam thuộc Giang tây nam lộ, gồm Hưng Quốc quân; Thi châu ở tây bộ Hồ Bắc thuộc Quỳ Châu lộ. Đến cuối thời Bắc Tống, quân Kim Nữ Chân xâm nhập phương Bắc, chiến loạn xảy ra, vì thế có rất nhiều người đã di cư xuống phương Nam. Những di dân đem theo cả nền văn hóa và kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến từ phương Bắc xuống, Hồ Bắc vì thế dần trở nên phồn vinh, trở thành vùng sản xuất lương thực trọng điểm.

Sau khi quân Mông Cổ tiêu diệt cả hai triều Kim, Tống và lập ra nhà Nguyên, đã thiết lập các hành tỉnh làm đơn vị hành chính cấp một. Hồ Bắc khi đó bị phân chia giữa Hà Nam Giang Bắc đẳng xứ hành trung thư tỉnh (河南江北等处行中书省) và Hồ Quảng đẳng xứ hành trung thư tỉnh (湖广等处行中书省). Hồ Quảng hành tỉnh bao gồm đông nam bộ Hồ Bắc và các tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây, Hải Nam và góc tây nam của Quảng Đông hiện nay. Tại phần đông nam bộ Hồ Bắc, triều đình nhà Nguyên đã thiết lập Vũ Xương lộ, Hưng Quốc lộ (Dương Tân) và Hán Dương phủ. Vũ Xương là thủ phủ của Hồ Quảng hành tỉnh, cũng là trung tâm về nông sản của lưu vực Lưỡng Hồ. Đại bộ phận Hồ Bắc thuộc Hà Nam Giang Bắc hành tỉnh, trên địa bàn có Tương Dương lộ, Hoàng Châu lộ, Kì Châu lộ, Hạp Châu lộ (Nghi Xương), Trung Hưng lộ (Kinh Châu) và các phủ Đức An, Miện Dương và An Lục (Chung Tường).

Thời Minh sơ, Hồ Bắc thuộc Hồ Quảng hành tỉnh. Về sau, triều đình chia toàn quốc thành 13 bố chính sứ ti, toàn bộ Hồ Bắc hiện nay về cơ bản thuộc Hồ Quảng thừa tuyên bố chánh sử ti (湖广承宣布政使司), trị sở tại Giang Hạ (nay là Vũ Xương thuộc Vũ Hán). Trên địa bàn Vũ Hán khi đó có các phủ Vũ Xương, Hán Dương, Hoàng Châu, Thừa Thiên, Đức An, Kinh Châu, Tương Dương và Vân Dương. Thời Minh mạt, sau khi Hán Thủy đổi dòng, tại Hồ Bắc đã hình thành nên các thành trấn thương nghiệp mới nổi Hán Khẩu tại vùng bờ lõm phía bắc của dòng chảy mới, thu hút một số lớn bang thương nhân từ Huy Châu, Sơn Tây, Giang Tây đến kinh doanh muối, trà, gỗ, thuốc chữa bệnh và các mặt hàng khác. Khu đô thị ven bờ bắc Hán Thủy trải dài 20 lý, là một trong tứ đại danh trấn đương thời.

Thời Thanh

Bản đồ tô giới các nước Anh, Đức, Nga, Pháp, Nhật tại Hán Khẩu

Năm Khang Hi thứ 3 (1664) thời nhà Thanh, Hồ Quảng bố chính sứ ti được phân thành tả và hữu bố chính sứ ti, đến năm Khang Hi thứ 6 (1667), Hồ Quảng tả và hữu bố chính sử ti đổi tên thành Hồ Bắc bố chính sứ ti và Hồ Nam bố chính sứ ti. Hồ Bắc và Hồ Nam ổn định về ranh giới và tên gọi từ đó. Hồ Bắc đặt trị sở tại Vũ Xương. Thời Thanh, ban đầu tỉnh Hồ Bắc được phân thành 8 phủ là Vũ Xương, Hán Dương, Hoàng Châu, An Lục, Đức An, Kinh Châu, Tương Dương, Vân Dương, đến cuối thời Thành thì tỉnh Hồ Bắc tổng cộng có 10 phủ là Vũ Xương, Hán Dương, Kinh Châu, Tương Dương, Hoàng Châu, An Lục, Đức An, Vân Xương, Nghi Xương, Thi Nam và Kinh Môn trực lệ châu.

Năm 1860, Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai kết thúc, tư bản ngoại quốc đổ vào các khu vực ven Trường Giang, Hán Khẩu trở thành một thương cảng hiệp ước, theo đó thiếp lập tô giới Anh tại Hán Khẩu ở hạ du thị trấn cũ. Từ năm 1895 đến 1898, lại tiếp tục thiết lập tô giới Đức tại Hán Khẩu, tô giới Nga tại Hán Khẩu, tô giới Pháp tại Hán Khẩu, tô giới Nhật tại Hán Khẩu. Ngoài ra, vào các năm 1877 và 1896, Nghi Xương và Sa Thị cũng trở thành các thương cảng hiệp ước.

Trong cùng thời kỳ đó, Dương Vụ vận động (洋务运动, nghĩa là phong trào Tây hóa) đã nổi lên, tổng đốc Hồ Quảng Trương Chi Động khi nhậm chức đến Hồ Bắc đã cho thiết lập một số lượng lớn các xí nghiệp theo kiểu Tây, như xưởng luyện thép Hán Dương, xưởng công binh Hán Dương. Ông cũng đã thành lập Xưởng dệt tứ cục Hồ Bắc bao gồm dệt vải, kéo sợi, ươm tơ, chế biến gai. Ông còn lập kế hoạch xây dựng đường sắt Lô Hán (sau đổi tên là Kinh Hán, xây dựng từ năm 1896, hoàn thành năm 1905) nối liền hai miền nam bắc. Hồ Bắc trở thành một trong những tỉnh công nghiệp chủ yếu của Trung Quốc.

Thời Trung Hoa Dân Quốc

Thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, Hồ Bắc không có nhiều thay đổi về mặt hành chính tổng thể, các phủ, châu và thính đều được chuyển thành huyện. Đến năm 1949, Hồ Bắc có 1 thị (Vũ Xương), 8 khu đốc sát hành chính, 69 huyện. Hán Khẩu khi thì là một thành phố thuộc tỉnh, khi thì là một thành phố đặc biệt trực thuộc chính phủ trung ương. Từ năm 1927 trở đi, Cộng sản đảng bắt đầu tiến hành cách mạng vũ trang, thiết lập các chính quyền Xô viết. Đầu năm 1927, một thời gian ngắn trước khi Tưởng Giới Thạch chiếm giữ được Thượng Hải và chuyển thủ đô về Nam Kinh, phe cánh tả trong Quốc Dân đảng Uông Tinh Vệ đã tuyên bố thủ đô của chính quyền Dân quốc là Vũ Hán. Trong khi cố gắng chỉ đạo chính phủ từ Vũ Hán, Uông đã cộng tác chặt chẽ với những nhân vật cộng sản hàng đầu, bao gồm Mao Trạch Đông, Trần Độc Tú, và Mikhail Markovich Borodin. Tưởng Giới Thạch chiếm được Thượng Hải vào tháng 4 năm 1927, và bắt đầu một cuộc đàn áp đẫm máu đối với cộng sản gọi là thanh đảng. Trong vòng vài tuần lễ Tưởng đàn áp cộng sản tại Thượng Hải, chính phủ cánh tả của Uông đã bị một quân phiệt liên kết với Quốc Dân đảng tấn công và bị tan rã, điều này đã khiến Tưởng Giới Thạch trở thành lãnh đạo hợp pháp duy nhất của Trung Hoa Dân quốc. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nửa phía đông của Hồ Bắc bị quân Nhật xâm chiếm trong khi nửa phía tây vẫn nằm trong tay các lực lượng Trung Quốc.

Thời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Đường hầm trong công trình 131, được xây vào cuối thập niên 1960 & đầu thập niên 1970

Trong Cách mạng Văn hóa, Vũ Hán là một trong những trọng điểm hoạt động của Hồng vệ binh. Do lo ngại có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân trong thời điểm các xung đột biên giới Trung-Xô vào cuối thập niên 1960, chính quyền Trung Quốc khi đó đã lựa chọn Hàm Ninh làm nơi để xây dựng công trình 131, tên gọi "131" này là do nó được quyết định xây dựng vào ngày 31 tháng 1 năm 1969. Hệ thống đường hầm được thường thuật là dài 456 mét, và có chi phí xây dựng là 130 triệu NDT với mục đích sẽ trở thành trung tâm đầu não của đất nước khi chiến tranh hạt nhân xảy ra. Hồ Bắc nói chung và Vũ Hán nói riêng đã phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của các trận lụt Trường Giang vào năm 1954. Sau đó, các dự án xây đập quy mô lớn đã được triển khai, đập Cát Châu Bá (葛洲坝) trên Trường Giang đã bắt đầu được xây dựng từ năm 1970 và hoàn thành vào năm 1988; việc xây dựng đập Tam Hiệp ở xa hơn về thượng nguồn đã bắt đầu vào năm 1993 và ngoại trừ thang nâng tàu, đập này đã hoàn thành với đầy đủ chức năng vào tháng 4 năm 2012.4 5 Công trình đập Tam Hiệp đã khiến 1,3 triệu cư dân, nó trị giá 60 tỷ USD và là công trình thủy điện lớn nhất thế giới.6

Địa lý

Trường Giang chảy qua Tây Lương Hiệp tại Tỉ Quy

Hồ Nam thuộc khu vực Hoa Trung, do nằm ở phía nam giới tuyến "Tần Lĩnh-Hoài Hà" nên Hồ Nam thuộc miền Nam Trung Quốc. Đồng bằng Giang Hán chiếm phần lớn trung bộ và đông bộ của Hồ Bắc, cùng với đồng bằng hồ Động Đình của Hồ Nam tạo thành một dải đồng bằng thống nhất. Trên vùng tây bộ và các vùng giáp ranh của Hồ Bắc thì có địa hình nhiều đồi núi hơn. phía tây Hồ Bắc, gần như theo thứ tự từ bắc xuống nam, là các dãy Vũ Đang Sơn, Kinh Sơn (荆山), Đại Ba Sơn (大巴山), Vu Hiệp (巫峡). Dãy Đại Biệt Sơn nằm ở phía đông bắc đồng bằng Giang Hán, tại vùng giáp giới giữa Hồ Bắc với hai tỉnh Hà Nam và An Huy. Dãy Đồng Bách Sơn (桐柏山) nằm ở phía bắc, trên ranh giới giữa Hồ Bắc và Hà Nam. Ở phía đông nam, dãy Mạc Phụ Sơn (幕阜山) tạo thành ranh giới giữa Hồ Bắc và Giang Tây. Đỉnh cao nhất tại Hồ Bắc là đỉnh Thần Nông (神农顶) với cao độ 3.105 m thuộc Đại Biệt Sơn và nằm trên địa phận của lâm khu Thần Nông Giá. Núi non chiếm 55,5% diện tích toàn tỉnh, vùng gò đồi và đồng ruộng chân đồi chiếm 24,5%, vùng đồng bằng và hồ chiếm 20%.

Hai sông lớn tại Hồ Bắc là Trường Giang và phụ lưu tả ngạn của nó là Hán Thủy, đồng bằng Hán Thủy lấy theo tên của hai con sông này. Trường Giang tiến vào Hồ Bắc từ phía tây qua Tam Hiệp, tổng chiều dài đoạn chảy qua Hồ Bắc là 1061 km; nửa phía đông của Tam Hiệp, tức Tây Lăng Hiệp (西陵峡) và một phần Vu Hiệp, nằm ở tây bộ của Hồ Bắc, trong khi nửa phía tây của Tam Hiệp thuộc về Trùng Khánh. Hán Thủy tiến vào Hồ Bắc từ tây bắc, đoạn chảy qua Hồ Bắc dài 878 km. Sau khi chảy qua một đoạn lớn trên địa bàn Hồ Bắc, hai sông này hợp dòng tại tỉnh lị Vũ Hán. Trường Giang chảy dọc theo chiều đông-tây của tỉnh, Hồ Bắc nằm ở cả hai bên sông ngoài một đoạn khi sông tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Hồ Nam và Hồ Bắc. Trong số các chi lưu nổi tiếng của Trường Giang, có suối Thần Nông (神农溪), song nó đã bị ảnh hưởng từ công trình đập Tam Hiệp; sông Thanh (清江), một tuyến thủy đạo chính ở tây nam Hồ Bắc; sông Hoàng Bách (黄柏河) gần Nghĩa Xương; và Phú Thủy (富水) ở phía đông nam tỉnh.

Có hàng nghìn hồ nước nằm rải rác tại vùng đồng bằng Giang Hán của Hồ Bắc, vì thế tỉnh còn có biệt hiệu là "vùng hồ Hoa Trung" (华中屋脊). Các hồ lớn nhất trong số đó là hồ Lương Tử (梁子湖; 304,3 km²) và Hồng Hồ (洪湖, 348 km²). Nhiều đập thủy điện đã tạo nên các hồ chứa lớn, lớn nhất trong số đó là hồ chứa Đan Giang Khẩu (丹江口水库) trên Hán Thủy, ở ranh giới giữa Hồ Bắc và Hà Nam. Đông Hồ ở Vũ Hán với diện tích 33,7 km² là hồ đô thị lớn nhất Trung Quốc, diện tích gấp 6 lần Tây Hồ của Hàng Châu.

Hồ Bắc có khí hậu cận nhiệt đới ẩm (Cfa hay Cwa theo phân loại khí hậu Köppen), với bốn mùa rõ rệt. Mùa đông tại Hồ Bắc mát hoặc lạnh, với nhiệt trung bình là 1 đến 6 °C (34 đến 43 °F) vào tháng giêng, trong khi mùa hè nóng và ẩm, với nhiệt độ trung bình là 24 đến 30 °C (75 đến 86 °F) vào tháng 7; tỉnh lị Vũ Hán đôi khi có nhiệt độ lên đến 40 °C (104 °F) hoặc cao hơn. Các khu vực núi non ở phía tây Hồ Bắc, đặc biệt là Thần Nông Giá, có mùa hè mát mẻ hơn, vì thế đã thu hút nhiều du khách từ Vũ Hán và các thành phố vùng thấp khác.

Nhân khẩu

Năm 2011, số nhân khẩu thường trú của tỉnh Hồ Bắc là 57,6 triệu người, trong đó nam có 19,56 triệu người (51,34%), nữ là 28,02 triệu người (48,66%). Số người trong độ tuổi 0-14 tuổi là 7,99 triệu người (13,88%), từ 15-64 tuổi là 44,33 triệu người (77%), số người trên 65 tuổi là 5,25 triệu người (9,12%). Năm 2010, tuổi thọ bình quân của cư dân Hồ Nam là 75,9 năm. Riêng công trình đập Tam Hiệp đã khiến 1,3 triệu cư dân phải tái định cư.6 Dân cư Hồ Bắc tập trung cư trú tại đồng bằng Giang Hán.

Tỉnh Hồ Bắc có thành phần dân tộc đa dạng. Theo tổng điều tra nhân khẩu lần thứ 6 vào năm 2010, số người thuộc các dân tộc thiểu số tại Hồ Bắc là 2.468.500 người người, chiếm 4,31% tổng dân số toàn tỉnh. Trong số các dân tộc thiểu số, những dân tộc có dân số trên 10.000 người tại Hồ Bắc là người Thổ Gia (2,1 triệu), người Miêu (177.000), người Hồi (67.000), người Động (52.000), người Mãn (13.000), người Choang (12.000) và người Mông Cổ (~10.000). Tỉnh Hồ Bắc có châu tự trị Ân Thị của người Thổ Gia và Miêu, 2 huyện tự trị là Trường Dương và Ngũ Phong của người Thổ Gia, ngoài ra còn có 12 hương trấn dân tộc của các dân tộc Hồi, Thổ Gia, Động, Bạch và 20 thôn/nhai dân tộc. Tổng diện tích các khu vực tự trị dân tộc của Hồ Bắc là 30.000 km², chiếm khoảng 1/6 diện tích của tỉnh; tổng dân số của các địa phương tự trị dân tộc là 3,87 triệu, chiếm 6,76% tổng dân số toàn tỉnh.7

Cư dân Hồ Bắc chủ yếu nói Quan thoại tây nam, Quan thoại Giang Hoài và tiếng Cám.

Các đơn vị hành chính

Hồ Bắc được chia ra 13 đơn vị cấp địa khu (trong đó có 12 địa cấp thị và 1 châu tự trị), cũng như 3 Trung Quốc trực thuộc và một khu rừng cấp huyện trực thuộc.

Bản đồ # Tên Thủ phủ Chữ Hán
Bính âm
Dân số (2010) Diện tích
Hubei prfc map.png
  Đơn vị cấp huyện
— Thành thị cấp phó tỉnh —
1 Vũ Hán Giang Ngạn 武汉市
Wǔhàn Shì
9.785.392 8494,41
— Thành thị cấp địa khu —
2 Ngạc Châu Ngạc Thành 鄂州市
Èzhōu Shì
1.048.672 1.594
3 Hoàng Cương Hoàng Châu 黄冈市
Huánggāng Shì
6.162.072 17.446
4 Hoàng Thạch Hoàng Thạch Cảng 黄石市
Huángshí Shì
2.429.318 4.583
5 Kinh Môn Đông Bảo 荆门市
Jīngmén Shì
2.873.687 12.404
6 Kinh Châu Sa Thị 荆州市
Jīngzhōu Shì
5.691.707 14.104
7 Thập Yển Trương Loan 十堰市
Shíyàn Shì
3.340.843 23.681,6
8 Tùy Châu Tằng Đô 随州市
Suízhōu Shì
2.162.222 9.636
9 Tương Dương Tương Thành 襄阳市
Xiāngyang Shì
5.500.307 19.724,41
10 Hàm Ninh Hàm An 咸宁市
Xiánníng Shì
2.462.583 9.861
11 Hiếu Cảm Hiếu Nam 孝感市
Xiàogǎn Shì
4.814.542 8.910
12 Nghi Xương Tây Lăng 宜昌市
Yíchāng Shì
4.059.686 21.227
— Châu tự trị —
13 Ân Thi
(của người Thổ Gia & Miêu)
Ân Thi 恩施土家族苗族自治州
Ēnshī Tǔjiāzú Miáozú Zìzhìzhōu
3.290.294 24.061
— Phó địa cấp thị —
14 Thiên Môn nhai đạo Cánh Lăng 天门市
Tiānmén Shì
1.418.913 2.622
15 Tiềm Giang nhai đạo Viên Lâm 潜江市
Qiánjiāng Shì
946.277 2.004
16 Tiên Đào nhai đạo Sa Chủy 仙桃市
Xiāntáo Shì
1.175.085 2.538
— Lâm khu —
17 Thần Nông Giá trấn Tùng Bách 神农架林区
Shénnóngjià Línqū
76.140 3.253

Các đơn vị trên được chia ra thành 102 đơn vị cấp huyện (38 quận nội thành, 24 thành phố cấp huyện, 37 huyện, 2 huyện tự trị, một lâm khu). Các đơn vị này lại được chia ra thành 1234 đơn vị cấp hương (737 trấn, 215 hương, 9 hương dân tộc và 273 nhai đạo).

Kinh tế

Đập Tam Hiệp năm 2009
Ruộng lúa tại Hàm Ninh

Nắm 2011, tổng GDP của Hồ Bắc là 1,96 nghìn tỉ NDT, tăng trưởng 13,8% so với năm trước đó và là năm thứ 8 liên tục tăng trưởng hai con số. Trong đó, khu vực một của nền kinh tế đạt giá trị 256,9 tỉ NDT, tăng trưởng 4,4%; khu vực hai của nền kinh tế đạt giá trị 981,9 tỉ NDT, tăng trưởng 17,9%; khu vực ba của nền kinh tế đạt giá trị 853,8 tỉ NDT, tăng trưởng 19,1%. Tỉ lệ giữa ba khu vực của nền kinh tế biến đổi từ 13,6:49,1:37,3 vào năm 2009 thành 13,1:50,1:36,8 vào năm 2011.7

Hồ Bắc là khu vực quá độ giữa nền nông nghiệp sản xuất lúa mì ở phía bắc và nền nông nghiệp sản xuất lúa gạo ở phía nam, vì thế có thể trồng một vụ lúa gạo, một vụ lúa mì. Đặc biệt, ở nam bộ Hồ Bắc, còn trồng thêm được vụ màu thứ ba, do vậy sản lượng nông nghiệp ở mức cao. Do Hồ Bắc có nhiều hồ, nuôi trồng thủy sản là một thế mạnh của tỉnh, và là một trong ba tỉnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản tại Trường Giang cũng phong phú. Hồ Bắc thường được gọi là "ngư mễ chi hương" (鱼米之乡), nghĩa đen là vùng đất của cá và gạo, nghĩa bóng có nghĩa là vùng đất sung túc. Các loại nông sản có thế mạnh khác của Hồ Bắc là bông và trà. Năm 2011, giá trị nông lâm mục ngư nghiệp của Hồ Bắc đạt 256,9 tỉ NDT, tăng trưởng 4,4% so với năm trước. Tổng sản lượng lương thực đạt 23,89 triệu tấn, liên tục 8 năm liền được mùa, so với năm trước thì sản lượng tăng 3,14%.7

Các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ tại Hồ Bắc cũng đạt được những bước phát triển nhất định, giá trị sản lượng công nghiệp chiếm hơn một nửa tổng GDP. Trong đó, các ngành công nghiệp nặng tập trung nhiều tại Vũ Hán, Nghi Xương, Hoàng Thạch, Tương Dương và Thập Yển. Các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc đặt trụ sở tại Hồ Bắc có thể kể đến như Công ty Tập đoàn Gang thép Vũ Hán (Wuhan Iron and Steel), Công ty Ô tô Đông Phong (Dongfeng Motor). Năm 2011, giá trị quy mô ngành công nghiệp toàn tỉnh Hồ Bắc là 856 tỉ NDT, so với năm trước tăng tới 226 tỉ NDT, đạt tốc độ tăng trưởng 20,5%. Các mặt hàng công nghiệp chính của Hồ Bắc là ô tô, sắt thép, hóa dầu, chế biến thực phẩm, thông tin điện tử, dệt may, sản xuất thiết bị và vật liệu xây dựng. Trong năm 2011, đã có 339 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được phê duyệt; với số vốn ký kết đạt 4,97 tỷ USD, số vốn giải ngân trên thực tế là 4,66 tỷ USD.7

Hồ Bắc là tỉnh có tài nguyên khoáng sản phong phú, trên toàn tỉnh đã phát hiện được 136 chủng loại khoáng sản, chiếm khoảng 81% chủng loại khoáng sản đã được tìm thấy tại Trung Quốc. Trong đó đã xác minh được trữ lượng của 87 chủng loại khoáng sản, chiếm 56% của cả nước. Theo biểu trữ lượng khoáng sản tỉnh Hồ Bắc, tỉnh có 956 khu khai khoáng, 1287 điểm khoáng sản. Một số loại khoáng sản trên địa bàn Hồ Bắc là borac, wollastonite, đá thạch lựu, marl, sắt, phốtpho, đồng, thạch cao, rutile, thạch diêm, hỗn hợp vàng, mangan, vanadi và hongshiite (có chứa đồng và bạch kim), đá vôi. Trữ lượng than đá có thể khai thác của Hồ Bắc là 548 triệu tấn, khá khiêm tốn so với các tỉnh khác của Trung Quốc. Ngoài ra, Hồ Bắc cũng có các mỏ ngọc lam nguyên chất và faustite lục (một loại khoáng sản có chứa nhôm, đồng, hydro, oxy, phốt pho, và kẽm).

Khi hoàn thành, đập Tam Hiệp là công trình thủy điện hàng đầu thế giới. Tổng công suất phát điện của công trình này là 22.500 MW.8 9 Cùng với chức năng sản xuất điện, công trình còn giúp ngăn lũ lụt, tăng cường năng lực vận chuyển ở vùng hạ du của Trường Giang.10 Một số đập thủy điện khác tại Hồ Bắc là đập Cát Châu Bá (葛洲坝水利枢纽), đập Đan Giang Khẩu (丹江口大坝), đập Cách Hà Nham (隔河岩大坝), đập Phú Thủy (富水大坝).

Giao thông

Đường sắt

Sân ga của ga Nghi Xương Đông

Đến cuối năm 2011, tổng chiều dài đường sắt của Hồ Bắc là 3.340 km. Cũng trong năm này, mạng lưới đường sắt Hồ Bắc đã vận chuyển được 85 triệu lượt người, và vận chuyển được 100,59 triệu tấn hàng hóa. Các tuyến đường sắt trên địa bàn Hồ Bắc là:

  • Đường sắt Kinh-Quảng (京广铁路), từ Bắc Kinh đến Quảng Châu.
  • Đường sắt Vũ-Quảng (武广高铁), đường sắt cao tốc từ Vũ Hán đến Quảng Châu.
  • Đường sắt Kinh-Cửu (京九铁路), từ Bắc Kinh đến Hồng Kông
  • Đường sắt Hán-Đan (襄渝铁路), từ Vũ Hán đến Đan Giang Khẩu
  • Đường sắt Tương-Du (襄渝铁路), từ Tương Dương đến Trùng Khánh
  • Đường sắt Tiêu-Liễu (焦柳铁路), từ Tiêu Tác (Hà Nam) đến Liễu Châu (Quảng Tây)
  • Đường sắt Nha-Nghi (鸦宜铁路), từ trấn Nha Tước Lĩnh (鸦宜铁) của huyện Di Lăng đến Nghi Xương
  • Đường sắt Nghi-Vạn (宜万铁路), từ Nghi Xương đến Vạn Châu (Trùng Khánh)
  • Đường sắt Hán-Nghi (汉宜铁路), từ Vũ Hán đến Nghi Xương
  • Đường sắt Hợp-Vũ (合武铁路), từ Hợp Phì đến Vũ Hán
  • Đường sắt Vũ-Cửu (武九铁路), từ Vũ Hán đến Cửu Giang (Giang Tây)
  • Đường sắt Vũ-Ma (武麻铁路), nối giữa đường sắt Kinh-Quảng và đường sắt Kinh-Cửu tại Hồ Bắc, từ Vũ Hán đến Ma Thành
  • Đường sắt Trường-Kinh (武麻铁路), nối đường sắt Hán-Đan với phụ trạm Trường Giang.

Đường bộ

Cầu Trường Giang Vũ Hán, đưa vào sử dụng từ năm 1957

Trong năm 2011, mạng lưới công lộ của Hồ Bắc đã vận chuyển được 1,05 tỉ triệu lượt hành khách và vận chuyển được 827,4 triệu tấn hàng hóa. Tính đến năm này, toàn tỉnh Hồ Bắc có 4007 km đường bộ cao tốc.

Quốc lộ
  • Kokudou 316(China).svg Quốc lộ 316, từ Phúc Châu đến Lan Châu
  • Kokudou 318(China).svg Quốc lộ 318, từ Thượng Hải đến biên giới Trung Quốc-Nepal thuộc trấn Zangmu, huyện Nyalam, Tây Tạng
  • Kokudou 106(China).svg Quốc lộ 106, từ Bắc Kinh đến Quảng Châu
  • Kokudou 107(China).svg Quốc lộ 107, từ Bắc Kinh đến Thâm Quyến
  • Kokudou 207(China).svg Quốc lộ 207, từ Xilinhot (Nội Mông) đến Từ Văn (Quảng Đông)
  • Kokudou 209(China).svg Quốc lộ 209, từ Hohhot (Nội Mông) đến Bắc Hải (Quảng Tây)
Đường bộ cao tốc
  • China Expwy G4 sign with name.svg Đường cao tốc Kinh-Cảng-Áo (京港澳高速公路), từ Bắc Kinh đến Hồng Kông và Macau
  • China Expwy G45 sign with name.svg Đường cao tốc Đại-Quảng (大广高速公路), từ Đại Khánh (Hắc Long Giang) đến Quảng Châu
  • China Expwy G42 sign with name.svg Đường cao tốc Hỗ-Dong (沪蓉高速公路), từ Thượng Hải đến Thành Đô
  • China Expwy G70 sign with name.svg Đường cao tốc Phúc-Ngân (福银高速公路), từ Phúc Châu đến Ngân Xuyên

Đường thủy

Trong năm 2011, hệ thống giao thông đường thủy của tỉnh Hồ Bắc đã vận chuyển được 3,48 triệu lượt hành khách, vận chuyển được 173,58 triệu tấn hàng hóa. Trong đó, hai tuyến thủy đạo chính là Trường Giang và Hán Thủy. Tại Hồ Bắc có trên 20 cầu vượt Trường Giang.

Đường không

Năm 2011, chi nhánh Hồ Bắc của ba công ty lớn là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã vận chuyển được 9,1 triệu lượt hành khách, khối lượng hàng hóa vận chuyển là 94.300 tấn. Hồ Bắc có bốn sân bay dân dụng lớn và trung bình là: sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán (sân bay trung tâm của vùng Hoa Trung), sân bay Tam Hiệp Nghi Xương, sân bay Lưu Tập Tương Phàn, sân bay Hứa Gia Bình Ân Thi

Giáo dục

Thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc là một trong 5 trung tâm giáo dục lớn nhất Trung Quốc.

Trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc
  • Đại học Vũ Hán (武汉大学)
  • Đại học Khoa học-Kỹ thuật Hoa Trung (华中科技大学)
  • Đại học Khoa học-Công nghệ Vũ Hán (武汉理工大学)
  • Đại học Địa chất Trung Quốc (中国地质大学), khu trường sở Vũ Hán
  • Đại học Sư phạm Hoa Trung (华中师范大学)
  • Đại học Pháp luật-Chính trị-Kinh tế-Tài chính Trung Nam (中南财经政法大学)
  • Đại học Nông nghiệp Hoa Trung (华中农业大学)
  • Đại học Dân tộc Trung Nam (中南民族大学)
Trường quân sự
  • Học viện Kinh tế Quân sự (军事经济学院)
  • Đại học Công trình Hải quân (海军工程大学)
  • Học viện Radar Không quân (空军雷达学院)
  • Học viện Chỉ huy Pháo binh số 2 (第二炮兵指挥学院)
  • Học viện Chỉ huy Thông tín (通信指挥学院)
  • Học viện Chỉ huy Cảnh sát vũ trang Vũ Hán (武警武汉指挥学院)

Tham khảo

  1. ^ “趣味文字:中国各省及自治区名称历史由来和变化”. 人民网. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2012. 
  2. ^ Dịch Trung Thiên (2010). Phẩm Tam Quốc, tập 2. Nhà xuất bản Công an nhân dân. tr. 359. 
  3. ^ Theo quan chế nhà Đông Hán đương thời, địa vị Thứ sử Kinh châu của Lưu Kỳ chưa bằng Châu mục Kinh châu như Lưu Biểu.
  4. ^ “三峡工程最后一台机组结束72小时试运行”. ctg.com.cn. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2012. 
  5. ^ “Three Gorges underground power station electrical and mechanical equipment is fully handed over production”. 三峡地下电站机电设备全面移交投产. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2012. 
  6. ^ a ă “Trung Quốc chính thức khánh thành đập Tam Hiệp”. Infonet. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2012. 
  7. ^ a ă â b “湖北”. 中国政府网. 
  8. ^ “:: Three Gorges reservoir raises water to target level”. Xinhua. Ngày 7 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2010. 
  9. ^ “Final Turbine at China's Three Gorges Dam Begins Testing”. Inventor Spot. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2011. 
  10. ^ “中国长江三峡工程开发总公司”. Ctgpc.com.cn. Ngày 8 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2009. 

(Nguồn: Wikipedia)