Là một huyện có bề dày lịch sử, nên việc giáo dục lịch sử và truyền thống văn hóa địa phương, nhiều năm nay được chính quyền cũng như các nhà trường trên địa bàn Đông Anh cực kì chú trọng. Điều đó thể hiện trước tiên ở việc biên soạn những cuốn sách lịch sử về Đông Anh như cuốn “Địa chí Đông Anh”, cuốn “Bác Hồ với Đông Anh”, cuốn “Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Anh”, chưa kể đến những cuốn lịch sử được biên soạn từ cấp xã như “Thụy Lâm truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng”…
Mỗi một cuốn sách là một kho tư liệu về những giá trị truyền thống và lịch sử đã hình thành qua thời gian trong hành trình lao động và đấu tranh của người dân Đông Anh.
Việc tiến hành dạy lịch sử địa phương trong các nhà trường cũng đã diễn ra nhiều năm nay thường xuyên, liên tục. Nhiều giáo viên không những áp dụng vốn kiến thức sâu rộng để đem đến những giờ học hay mà còn biết áp dụng công nghệ thông tin, vận dụng các hình thức dạy học mới để tạo cho học sinh hứng thú và niềm hăng say học tập.
Một trong những nội dung quan trọng của giáo dục lịch sử địa phương chính là dạy học sinh về văn hóa truyền thống. Ở Đông Anh, những giá trị văn hóa phi vật thể còn lưu giữ lại được khá nhiều.
Trong các giờ giáo dục Lịch sử địa phương, chúng được đưa đến với học sinh với nhiều hình thức khác nhau giúp các em có cái nhìn rõ nét về truyền thống văn hóa của địa phương.
Bên cạnh việc giảng dạy trên lớp thì việc giúp học sinh tiếp xúc với những loại hình văn hóa dân gian tại các thôn làng cũng chính là việc làm được các thầy cô quan tâm và thường xuyên thực hiện. Xin điểm qua một số loại hình văn hóa dân gian được các thầy cô đưa vào giáo dục lịch sử địa phương.
1. Lễ hội
Mỗi địa phương đều có những lễ hội của riêng mình. Đông Anh có nhiều lễ hội đặc sắc được tôn vinh vì những giá trị lịch sử văn hóa mà nó mang lại.
Đông Anh nổi tiếng với lễ hội Cổ Loa diễn ra chính hội vào ngày 6.1 Âm lịch hàng năm. Lễ hội có nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi nhằm nhắc nhớ lại một thời lịch sử oai hùng của đời An Dương Vương. Nhắc đến hội Cổ Loa, người ta nhắc đến cuộc thi bắn nỏ Loa thành. Đó là một hoạt động văn hóa nhằm giáo dục tình yêu mến quê hương, rèn dũa lòng dũng cảm và tinh thần đấu tranh bảo vệ tổ quốc khi cần.
Tiếp đến là hội “Nấu cơm thi” của thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn. Không chỉ là thi nấu cơm để thể hiện sự khéo léo của người tham gia. Lễ hội nấu cơm thi là một trong những lễ hội nhắc nhớ lại một thời xa xưa cha ông khi phải trẩy quân đánh giặc. Hội nấu cơm thi còn bồi đắp tình cảm đoàn kết trong tập thể, giáo dục kĩ năng sống và tạo dựng không khí vui vẻ cho người tham dự.
Lễ hội Rước Vua giả ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của khu vực phía Bắc. Trong lễ hội người ta diễn lại tích xưa vua An Dương Vương với sự giúp đỡ của đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ diệt trừ tinh gà trắng, bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân. Học sinh được tham gia lễ hội sẽ có cơ hội mường tượng sinh động được quang cảnh rước vua khi xưa.
Những gì nhìn thấy, nghe thấy, chứng kiến là nguồn tư liệu sống, quý giá dành cho các em học sinh. Đó chính là sự tái hiện lịch sử một cách sinh động và chân thực đánh thẳng vào cảm xúc của người học chứ không phải những câu từ khô khan. Để đem lại kết quả như ý, trước khi học sinh được tham gia vào lễ hội ở địa phương, các thầy cô Đông Anh thường có những yêu cầu cụ thể đặt ra, có sự hướng dẫn cách thức quan sát, tìm hiểu để từ đó có hướng đi đúng cho học sinh có thể tìm hiểu giá trị lịch sử của lễ hội.
Sau mỗi lễ hội, việc viết bài thu hoạch để “đòi” sản phẩm là việc cần phải làm. Có như thế, mới khiến học sinh thực sự nghiêm túc khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
2. Các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian
Người Đông Anh tự hào với ca trù ở Lỗ Khê- Liên Hà. Đây là nơi chốn tổ của ca trù, ông tổ ca trù Đinh Dự là con trai tướng Đinh Lễ.Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Đinh Lễ được Lê Lợi cử ra Bắc và lập đồn doanh trại tại Lỗ Khê, đồng thời cưới vợ sinh con tại nơi này.
Đinh Dự lớn lên giỏi đàn hát lấy vợ là Đường Hoa Tiên Hải. Hai vợ chồng mở giáo phường dạy hát, nổi tiếng khắp vùng. Về sau nhân dân tôn vợ chồng ông Đinh Dự là tổ ca trù. Như vậy, ca trù có ở Lỗ Khê từ đầu thế kỉ X. Xuất phát từ ý thức tự hào dân tộc, ca trù trước đây có nội dung lấy những bài hát về lịch sử, ca ngợi sự nghiệp anh hùng, ca ngợi quê hương đất nước.
Sau cách mạng tháng Tám, ca trù ở Lỗ Khê đã chuyển hướng nội dung bài hát phục vụ kháng chiến. Đưa các em tiếp xúc với ca trù là dạy học sinh yêu cái đẹp, yêu quê hương đất nước con người, là giáo dục truyền thống văn hóa theo cách cảm nhận của người trong cuộc.
Bên cạnh ca trù ở Lỗ Khê, Tuồng cổ ở Xuân Nộn là một loại hình nghệ thuật dân gian được nhiều người biết đến. Trong tuồng có tích.
Trong tích có sử. Những tư liệu lịch sử đôi khi nằm trong những tích tuồng được diễn trên sân khấu. Học sinh được xem tuồng là đang được học lịch sử, học văn hóa. Từ lâu, các nhà trường ở Xuân Nộn đã khéo léo kết hợp đem tuồng vào trong các giờ sinh hoạt tập thể, qua đó giáo dục truyền thống văn hóa cho các em.
Bên cạnh đó, tại các thôn quê, những ngày hội làng, các tích tuồng cũng được diễn trên sân khấu sân đình để lại cho các em những ấn tượng lịch sử có giá trị.
Trong những loại hình nghệ thuật ở Đông Anh, phải nhắc đến rối nước Đào Thục ở Thụy Lâm, một loại hình nghệ thuật được nhiều người biết đến, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Sân khấu rối nước Đào Thục hàng tuần đều đón tiếp những đoàn du khách nước ngoài đến thưởng thức và thăm quan. Rối nước Đào Thục xuất hiện từ thời Hậu Lê. Làng Đào Thục có Đào Tướng Công, tên thật là Nguyễn Đăng Vinh (hay Đào Đăng Khiêm) quê ở Đào Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, nay là Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Với hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá..., các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát, rối nước Đào Thục là những mảng tư liệu sinh động phù hợp với tâm lí trẻ em. Nhiều trường ở Hà Nội đã chọn rối nước Đào Thục làm điểm đến để giáo dục văn hóa, lịch sử cho học sinh của mình.
Đông Anh cũng tích cực đưa rối nước đến với các nhà trường qua nhiều hình thức trực tiếp hay gián tiếp để từ đó giáo dục học sinh về tình yêu quê hương, trân trọng lịch sử và bảo vệ những nét đẹp của văn hóa truyền thống trong học sinh và giáo viên.
Việc giáo dục lịch sử địa phương chính là hoạt động khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, trân trọng những giá trị truyền thống trong học sinh và giáo viên. Để có thể đem lại những giờ dạy lịch sử có chất lượng và hiệu quả, để có thể khiến học sinh yêu mến và tự hào về quê hương mình, người giáo viên phải học, phải tìm hiểu và say mê với những gì muốn dạy cho học sinh.
Các thế hệ giáo viên Đông Anh nhiều năm nay đã không ngừng tích cực đổi mới trau dồi kiến thức và vốn hiểu biết để từ đó có thể thực hiện được sứ mệnh cao cả là giáo dục một thế hệ học sinh tương lai, vừa hiện đại, sáng tạo, vừa năng động nhưng luôn thấm nhuần tình yêu quê hương đất nước trên tinh thần tự hào về những gì cha ông mình đã làm được.
Từ đó, các em phát huy trong tương lai những truyền thống quý báu đó một cách sáng tạo và đầy nội lực.
(Nguồn: Lê Thị Thanh Huyền - Tiếng nói giáo viên)