Đó chính xác là những gì đang xảy ra trên mạng xã hội. Một bộ phận cư dân mạng đang ra sức sử dụng tối đa những từ xấu xí nhất của tiếng Việt để bảo vệ cho sự trong sáng của nó.
Nội dung chính của bài viết không thảo luận về chất lượng của công trình nghiên cứu khoa học của PGS-TS Bùi Hiền dưới góc độ học thuật, bởi người viết là không hề có hiểu biết chuyên môn về ngành nghiên cứu ngôn ngữ. Điều tôi mong muốn, là quay trở lại điểm khởi đầu của vụ tranh luận này để suy nghĩ về một vài câu hỏi:
– Liệu chúng ta có đang nhìn nhận chính xác về vị trí và bản chất vấn đề mà mình đang thảo luận hay chưa?
– Chúng ta đang sử dụng quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình một cách tùy tiện như thế nào và đang đối xử thiếu suy nghĩ ra sao với “nạn nhân” và những người bất đồng chính kiến.
Trước khi bình luận, chúng ta đã kịp đọc gì?
Thời đại thông tin, hầu như chúng ta không có thời gian để đọc nhiều. Lắm khi chỉ lướt qua cái tít thôi là đủ vũ khí cho một cuộc khẩu chiến. Có lẽ, chúng ta chỉ tin vào những điều mà chúng ta muốn tin. Cảm xúc bị cuốn theo làn sóng tin tức thời thượng, thật khó để bình tâm mà nhận định khách quan. Vài người trong chúng ta đã vô tình hay cố ý làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình trong một cuộc chiến bàn phím vô nghĩa và hỗn loạn.
Có ba điểm quan trọng mà tôi nghĩ nhiều người đã bỏ qua trước khi nổi giận và lao vào ném đá không thương tiếc tác giả và công trình nghiên cứu của ông.
Thứ nhất, đây là nghiên cứu của riêng cá nhân PGS-TS Bùi Hiền.
Thứ hai, cho đến thời điểm hiện tại chưa hề tồn tại một đề xuất chính thức bằng văn bản nào về việc thay đổi chữ viết do bất kỳ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Thứ ba, cho đến nay cũng không tồn tại một cuộc trưng cầu dân ý chính thức nào do bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào tổ chức.
Như vậy, chúng ta đang tập trung tranh cãi về công việc và quan điểm của riêng một cá nhân, và rồi chúng ta bức xúc và giận dữ về một chủ đề mà bản thân nó còn chưa là một vấn đề thực sự hiện hữu trong xã hội. Bất kỳ ai trong chúng ta, nếu muốn vẫn có thể làm đơn đề xuất, kiến nghị đủ loại ý tưởng gửi cho các cơ quan quản lý Nhà nước, thậm chí viết tâm thư cho Bộ trưởng hay Thủ tướng. Thế nhưng, để tất cả những ý tưởng lạ và đề xuất mới thực sự trở thành vấn đề, được chấp nhận rồi đi vào đời sống phải mất một quãng đường có khi còn dài hơn cuộc đời của chính mình.
Giữa cơn bão thông tin khổng lồ và những nguồn dư luận trái chiều, thật không dễ để độc giả tổng hợp thông tin hay có được một cái nhìn đầy đủ về sự việc. Chắc hẳn ai cũng từng nghe qua câu ngạn ngữ nổi tiếng “Một nửa ổ bánh mì chỉ là một nửa ổ bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật”. Nhưng có vẻ như tất cả chúng ta đều đang hài lòng với chỉ một nửa sự thật.
À, mà chúng ta không có đến một nửa, chỉ là một mẩu nhỏ xíu thôi. Một trang lạ lẫm trong một quyển sách chuyên ngành và một đề tài lạ tai với những người ngoài ngành. Ai đó đã phát hiện ra những chi tiết này sẽ là một cái tít ăn khách, sẽ là một đề tài cực kỳ bùng nổ và sáng hôm sau cả đất nước xôn xao vì nghe đồn có một ông giáo rảnh rỗi sắp thay đổi chữ viết của dân tộc bằng nghiên cứu lạ lùng của ông!
Giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt bằng cách bôi cho nó thật bẩn
Đó chính xác là những gì đang xảy ra trên mạng xã hội. Một bộ phận cư dân mạng đang ra sức sử dụng tối đa những từ xấu xí nhất của tiếng Việt để bảo vệ cho sự trong sáng của nó. Ý tưởng của PGS-TS Bùi Hiền có thể kỳ cục và điên rồ ở một khía cạnh nào đó nhưng với một sinh viên như tôi, tôi thấy điều này thật bình thường trong nghiên cứu học thuật.
Mỗi người đều có quyền tự do theo đuổi và nghiên cứu những điều mình yêu thích và quan tâm. Tự do học thuật chẳng phải là một phần của tự do tư tưởng, tự do cá nhân hay sao? Điều đáng trân trọng nhất là PGS-TS Bùi Hiền đã luôn làm việc hết sức nghiêm túc cho nghiên cứu của mình trong suốt hai thập kỷ, kiên trì cho đến tận lúc này, ở cái độ tuổi mà nhiều người đã không còn sống, hoặc sống mà không còn biết mình là ai, không tự ăn uống hay vệ sinh cá nhân được nữa!
Từ nghiên cứu bị ném đá của PGS – TS Bùi Hiền: Khi cư dân mạng dùng những từ ngữ xấu xí nhất để “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Và trong khi giới trẻ thoải mái sáng tạo 1001 từ mới cho tiếng Việt như “ciu”,”iu”,”hok”, “hem”, j dzạ”… thì một vị học giả định hệ thống hóa nó theo ý tưởng riêng của bác ấy, lại phải hứng chịu một làn sóng phản đối tàn nhẫn. Hy vọng ở tuổi 83, bác ấy không lướt Facebook hàng ngày!
Sao phải từ bỏ những giá trị mình tin tưởng chẳng vì điều gì cả?
Sinh ra và lớn lên trong xã hội Á Đông nhiều lễ giáo khuôn phép, chúng ta đã luôn được học rằng phải kính trên nhường dưới, kính lão đắc thọ, nhân ái yêu thương. Vậy mà giờ đây chúng ta cho phép mình giận dữ, mất kiểm soát, cho phép mình buông lời ác với một người mà chúng ta không hề quen biết hay hiểu rõ. Chúng ta đã không thể dành cho bác ấy một sự kính trọng cần thiết, không thể tranh luận với một cái đầu tỉnh táo và một trái tim bao dung.
Tim tôi chùng xuống vì những lời miệt thị hiện ra trên màn hình.
Ngực tôi nghẹn lại vì một bản cáo phó ai đó đã dày công “sáng tạo” riêng cho bác.
Tôi cười không nổi trước những biến thể kỳ quặc và tục tĩu của tiếng Việt đang lan tràn trên News Feed.
Một bình luận như sau đã khiến tôi sững sờ: “Ném đá nữa đi cho tiệt luôn cái ý tưởng nhảm nhí này”. Thói quen dập tắt tiếng nói, buộc người khác quy phục bằng bạo lực này trông quen lắm. Chúng ta vừa thấy nó trong đoạn clip bảo mẫu bạo hành trẻ em gây phẫn nộ trong dư luận. Các em nhỏ bị đánh, không vì điều gì cả, hoặc chỉ vì các em không nghe lời cô giáo. Và cư dân mạng cũng đang làm điều tương tự với những tiếng nói trái ý mình, thay vì bạo lực thể chất thì bằng những chiêu thức đàn áp tinh thần không kém phần ác nghiệt.
Đâu mới là vấn đề thực sự?
Chính cơn giận dữ của dư luận và cách thức cuộc tranh cãi này diễn ra mới là nguyên nhân phát sinh những vấn đề hiện hữu trước mắt chứ không còn là những giả thuyết xa xôi.
Đó là sự xuống cấp trong văn hóa tranh luận, văn hóa giao tiếp giữa người với người.
Đó là sự tự do học thuật bị bóp nghẹt. Kết thúc mùa gameshow Đường lên đỉnh Olympia năm tới, chúng ta có lẽ lại tiếp tục cùng nhau chúc mừng nước Úc và ca thán về nạn chảy máu chất xám.
Đó còn là việc nhiều người bắt đầu sử dụng hệ thống chữ viết chưa hoàn thiện này một cách tràn lan trên mạng xã hội như một xu hướng thú vị và sành điệu. Những câu chữ khó lòng thô tục hơn được viết ra chỉ để đùa vui.
Đó còn là vấn đề bản quyền trí tuệ. Ai đó đã viết ngay một ứng dụng giúp mọi người chuyển kiểu chữ viết cũ sang kiểu chữ mới trong vòng một nốt nhạc. Ở điểm này thì chắc bác Bùi Hiền sẽ vừa mừng lắm vì nghiên cứu của mình rốt cuộc đã được phổ biến toàn dân và có rất nhiều người đang hồ hởi sử dụng! Đồng tình hay là không thì ai cũng vô tư dùng bộ chữ này miễn phí.
Đúng ra, tất cả những đơn vị hiện đang sử dụng bộ chữ này để khai thác kinh doanh đều phải xin tác quyền. Đó là chất xám 20 năm lao động của một con người, không phải nắng mưa từ trên trời rơi xuống để ai cũng có thể tự do sử dụng. Chúng ta hôm nay dùng bộ chữ của bác để đùa vui, hãy nhớ cảm ơn một người, vì thành quả lao động nghiêm túc của bác ấy mà chúng ta mới có những giây phút vui vẻ như vậy.
Lời kết
Điều tôi mong mỏi nhất sau những chia sẻ này, là hy vọng chúng ta có thể tỉnh táo tìm thấy được cho mình một mục đích có ý nghĩa, một giá trị thực đằng sau những dòng mà chúng ta đã, đang và chuẩn bị viết ra. Buông bỏ những giá trị chân-thiện-mỹ, những bài học đạo đức vỡ lòng để tự do ngôn luận trong cuồng nộ, chúng ta sẽ hết lần này đến lần khác rơi vào một vòng lặp lẩn quẩn của tranh cãi trực tuyến. Nơi đó, với mỗi dòng suy nghĩ được viết ra bằng sự thiếu tôn trọng, chúng ta không tạo ra được nhiều giá trị tốt đẹp hay mới mẻ nào mà chỉ dồn nén thêm những cảm xúc tiêu cực, phá hủy giá trị nhân văn của mỗi người và của cả cộng đồng.
(Nguồn: Phúc An / Trí Thức Trẻ)