Nguyễn Khắc Cần (1875 - 1913) tên chữ là Tiểu Lâm, là một nhà Nho yêu nước, quê quán và sinh ra ở làng Vân, xã Tiểu Hoa Lâm, tổng Đặng Xá, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Yên Viên, xã Yên Viên thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Sự nghiệp
Ông vốn nổi tiếng là người hay chữ, đã từng thi Hương đỗ nhị trường. Nhưng sau đó do chán ngán khoa cử, sẵn nung nấu ý chí cứu nước cứu dân nên ông không thi tiếp nữa mà dạy học một thời gian trong lúc tìm đường hoạt động cách mạng, nên được người trong vùng kính trọng gọi là ông Đồ Cần. Khi các phong trào yêu nước lớn của dân tộc đầu thế kỷ XX diễn ra, ông đã hăng hái tham gia nhiều phong trào như: Duy Tân hội, Phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục và cuối cùng là hoạt động cho Việt Nam Quang phục Hội. Ông đã tham gia vận động thanh niên đi Trung Quốc, Nhật Bản trong phong trào Đông Du và vận động ủng hộ kinh phí cho các hoạt động của phong trào. Song song với đó, năm 1907 ông tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục do nhà chí sĩ Lương Văn Can sáng lập, là Ủy viên tán trợ của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng với Nguyễn Cảnh Lâm lập phân hiệu trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Gia Lâm.[1]. Sau đó, năm 1912 ông tham gia Việt Nam Quang Phục hội. Ông có gặp Phan Bội Châu trong thời gian này.[2]
Năm 1912, ông cùng một số chí sĩ, trong đó có Phạm Văn Tráng (hay còn gọi là Nguyễn Thế Trung) sang Nam Ninh, Trung Quốc dự Đại hội Việt Nam Quang Phục hội. Tại đây ông tham gia "hiệp hội tử vì nghĩa" nhận nhiệm vụ ám sát Toàn quyền Đông Dương Anbe Xa rô và mấy tên Việt gian đại gian ác: Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn... nhằm "đánh thức đồng bào", "kêu gọi hồn nước". Trong số thành viên hiệp hội tử vì nghĩa này có cả Nguyễn Hải Thần, người sau này làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các ông đã mang tạc đạn về giấu tại nhà ông Cần ở Yên Viên chờ ngày hành động. Ngày 12 tháng 4 năm 1913, Phạm Văn Tráng, người ở xã Bát Tràng, Gia Lâm đã dùng tạc đạn giết chết Nguyễn Duy Hàn. Sau sự vụ đó, thực dân Pháp đã tăng cường truy lùng gắt gao những người trong diện nghi vấn.
Sau đó, vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 26 tháng 4 năm 1913, Nguyễn Khắc Cần đã dùng số tạc đạn còn lại ném vào Khách sạn Hà Nội, nay là Khách sạn De L'Opera, ở góc phố Đuy Tơ Đê Ranh (nay là phố Nguyễn Khắc Cần) và phố Pôn-Be (nay là phố Tràng Tiền), giết chết 2 tên sĩ quan cao cấp của quân đội Pháp là Trung tá Saquy và Thiếu tá Mông giăng, làm bị thương 6 người Pháp và 7 người Việt khác. Sự kiện ném bom khách sạn Hà Nội có tiếng vang rất lớn, làm rung chuyển cả Hà Nội. Tại ngay trung tâm Hà Nội, nơi mà thực dân Pháp coi là nơi đặc biệt an toàn lại có một vụ nổ bom như vậy làm chết 2 sĩ quan cao cấp của quân đội Pháp. Cụ Phan Châu Trinh, khi đó đang ở bên Pháp cũng đã có bài viết và trả lời phỏng vấn của báo Pháp về vụ ném bom khách sạn Hà Nội (theo sách "Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới").
Sau khi thực hiện thành công 2 vụ ném bom trên, Nguyễn Khắc Cần và Phạm Văn Tráng tạm thời về trú tại nhà ông Cần ở Yên Viên, chờ tình hình lắng xuống thì tiếp tục sang Trung Quốc để hoạt động. Tuy nhiên trong tổ chức Việt Nam Quang phục hội có 2 tên phản bội là Đặng Vũ Hoàn và Đặng Kinh Luân đã khai báo với thực dân Pháp về các hoạt động và dự định sắp tới của nhóm Nguyễn Khắc Cần nên ngày 7 tháng 5 năm 1913, khi vừa từ tàu hỏa xuống ga Lạng Sơn để tìm đường sang Trung Quốc liên lạc với tổ chức, Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng đã bị Pháp bắt. Sau này 2 ông đồ Phạm Hoàng Triết, Phạm Hoàng Khuê, người làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội, cùng hoạt động trong nhóm của Nguyễn Khắc Cần, đã giết chết 2 tên phản bội Vũ Hoàn, Kinh Luân nhưng sau đó 2 ông cũng bị Pháp bắt giam, tử hình cùng với ông Cần, ông Tráng.
Sách Kể chuyện danh nhân cách mạng Việt Nam, tập 6, Nhà xuất bản Trẻ, 2009 của tác giả Lê Minh Quốc, trong bài viết "Phạm Văn Tráng - Nguyễn Khắc Cần, những tiếng bom thức tỉnh hồn nước" đã miêu tả khí phách của Nguyễn Khắc Cần trong trại giam như sau:
"Còn với ông Nguyễn Khắc Cần, khi chúng tra hỏi thì ông quyết không hé răng nói nửa lời, mãi đến khi tay thông ngôn bước vào phiên dịch thì ông mới quát lên: Ông cũng là người Việt Nam như tôi, sao ông lại hỏi tôi những câu như bọn mắt xanh mũi lõ? Ông cứ nói cho chúng biết hết suy nghĩ của tôi, dù tôi có chết ngay bây giờ, hay chết vào ngày hôm sau thì cũng chẳng có gì khác nhau đâu! Nếu chúng kết án tôi, muốn chặt đầu tôi thì tôi sẵn sàng rồi, đừng tra hỏi gì nữa mà vô ích. Hành động của tôi minh bạch như hai vầng nhật nguyệt, rõ ràng như nước trong khe có gì mờ ám đâu. Năm ba người bị xử tử à? Thây kệ! Những người khác sẽ noi theo gương chúng tôi mà tiếp tục hành động, chúng không giết được hết người của chúng tôi đâu".
Ngày 05 tháng 9 năm 1913, Hội đồng đề hình của tòa án thực dân Pháp tại Hà Nội kết án tử hình một số chí sĩ của Việt Nam Quang phục hội, trong đó có Nguyễn Khắc Cần. 5 giờ 45 phút sáng ngày 24 tháng 9 năm 1913, Pháp đã xử tử hình Nguyễn Khắc Cần cùng 6 chí sĩ yêu nước khác của Việt Nam Quang phục hội trước cửa nhà tù Hỏa Lò bằng chiếc máy chém (hiện nay vẫn còn trưng bày ở Khu di tích nhà tù Hỏa Lò). Sau khi xử tử hình xong, thực dân Pháp mang xác của 7 chí sĩ đến khu vực gần nhà thương Bạch Mai (khoảng khu vực trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện nay) chôn cất. Đến nay, sau 100 năm, vẫn chưa tìm thấy hài cốt của 7 vị chí sĩ lẫm liệt này.
Vinh danh
Ghi nhận công lao của Nguyễn Khắc Cần đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hiện nay trên cả nước có 03 địa phương có đường phố mang tên Nguyễn Khắc Cần: Phố Nguyễn Khắc Cần, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội mang tên từ năm 1964, là nơi ông đã thực hiện vụ ném bom. Đường Nguyễn Khắc Cần, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng mang tên từ năm 2011 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng và Phố Nguyễn Khắc Cần thuộc Khu đô thị Phú Lộc 3, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn được đặt tên theo Nghị quyết số 154 ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
Tại Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội hiện nay đã dựng lên những tấm bảng vàng ghi danh các anh hùng, liệt sĩ, chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng từng bị thực dân Pháp giam giữ, trong đó có tên tuổi Nguyễn Khắc Cần được ghi trang trọng tại Bảng vàng số 1, số thứ tự 12, cùng với những tên tuổi lớn của cách mạng dân tộc.
Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã được ghi vào các sách lịch sử chính thức của Trung ương và thành phố Hà Nội, như: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Danh nhân Việt Nam, Danh nhân Hà Nội, Kể chuyện Danh nhân cách mạng Việt Nam, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, 1000 nhân vật lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội... Các sách lịch sử nói về tiến trình lịch sử dân tộc, phong trào kháng chiến chống Pháp của dân tộc đều có nói tới sự kiện ném bom Khách sạn Hà Nội và tên tuổi Nguyễn Khắc Cần như một tiếng chuông thức tỉnh hồn nước, một sự kiện lớn đầu thế kỷ XX, kêu gọi đồng bào đứng dậy đấu tranh giữa những đêm tối nô lệ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thơ văn ca ngợi
Sách "Việt Nam nghĩa liệt sử" của soạn giả Đặng Đoàn Bằng (tức Đặng Tử Mẫn), tu đính giả Phan Thị Hán (tức Phan Bội Châu) biên soạn viết bằng chữ Hán viết vào khoảng từ năm 1916 đến 1918, viết về 50 gương chí sĩ tiêu biểu của đất nước đã hy sinh vì Tổ quốc đầu thế kỷ XX; cuốn sách được học giả Tôn Quang Phiệt dịch và chú thích, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội xuất bản năm 1959. Trong cuốn sách có bài riêng viết về gương hy sinh lẫm liệt của chí sĩ Nguyễn Khắc Cần, đứng bên cạnh những danh nhân lớn của đất nước như Tăng Bạt Hổ, Trần Quý Cáp, Đặng Thái Thân... Một điều đáng chú ý trong cuốn sách là chỉ có 02 trường hợp (Nguyễn Khắc Cần, Nguyễn Thế Trung) được tác giả đặt tên bài là "Hiệp sĩ", còn các trường hợp còn lại chỉ ghi là "Liệt sĩ" hoặc chỉ ghi tên danh nhân. Như vậy để thấy tác giả cuốn sách đã rất ngưỡng mộ, nể phục, kính trọng trước tấm gương hy sinh anh dũng của Nguyễn Khắc Cần, sách có đoạn viết: "... Tôi thấy một bọn người ham danh ham lợi, lúc vô sự thì ăn uống chơi bời, chỉ giành lấy phần hơn cho sướng thân, chợt có biến cố hoặc bị bại lộ thì đổi mặt đổi lời, chọn lợi tránh hại, có kẻ lại đổ tai vạ cho bạn hữu để mình được thoát thân. Những bọn này so với Nguyễn Khắc Cần nhận thay cái án tử hình cho đồng chí, sao lại khác nhau một trời một vực! Tôi chép rõ chuyện này đã là sùng bái Nguyễn mà cũng để chê trách những kẻ phụ bạc vậy". Sau đó, tác giả cuốn sách có chép 06 bài thơ viếng Nguyễn Khắc Cần như sau:
Bài thứ nhất:
Anh hiền cầm sẵn tấm gan rồi
Thành việc là người bại ấy tôi
Há phải da heo mà lấy tiếng
Chỉ cam miệng cọp để làm mồi
Tin như vàng đá lòng không chết
Thơm nhuộm non sông máu đã sôi
Khí mạnh làm cho thù mất vía
Cầu vồng muôn thuở mặt trời soi.
Bài thứ hai:
Cởi áo nhà nho tạ núi ngàn
Quần đơn áo ngắn vượt Nam quan
Lòng này cùng với cầu vồng tỏ
Chẳng giết cừu nô thệ chẳng hoàn.
Bài thứ ba:
Công lớn cần chi phải tự mình
Miễn còn đồng chí, tử như sinh
Giết cừu một mảnh còn tâm sự
Đầu tướng quân này gửi họ Kinh.
Bài thứ tư:
Than thở kỳ công đã chẳng thành
Tiếng ca đau xót đoản trường đình
Đạn kia chưa ném, đầu đã ném
Chín suối ta cười một tiếng rinh.
Bài thứ năm:
(Cảm nhận về gương Phạm Văn Tráng và Nguyễn Khắc Cần)
Trong trường mê mộng sấm vang rền
Hai chiếc đầu rơi một lúc liền
Đồng chí nỡ xem ông phải chết
Thân này sống với giặc sao yên
Máu tươi rửa sạch non sông bẩn
Lòng đỏ treo cùng nhật nguyệt lên
Hai truyện đọc xong vung kiếm dậy
Hồn người hồn nước tỉnh lên ngay.
Bài thứ sáu:
Lẽ nào một chết một đang còn
Hai gã cùng nhau giống hiệp vun
Tên tuổi đâu cần ghi sử sách
Máu lòng đem để rửa càn khôn
Hồi chuông đánh rụng người không đảm
Tiếng kiếm kêu luôn kẻ có hồn
Hai truyện đọc xong dòng lệ nhỏ
Gió gào mưa thét buổi hoàng hôn.
(Nguồn: Wikipedia)