Bát Tràng (xã) | |
---|---|
Địa lý | |
Diện tích | 3,5 |
Dân số | |
Tổng cộng | 11600 |
Mật độ | 3300 |
Hành chính | |
Huyện | Gia Lâm |
Mã hành chính | 005831 |
Bát Tràng là tên một xã thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Xã Bát Tràng gồm hai làng (thôn) là làng Bát Tràng và làng Giang Cao. Cả hai làng đều là làng nghề gốm truyền thống.
Địa giới hành chính
Xã Bát Tràng nằm ở bờ phía đông (tả ngạn) của sông Hồng. Địa giới hành chính xã Bát Tràng như sau:
- Phía đông giáp xã Đa Tốn.
- Phía bắc giáp xã Đông Dư.
- Phía tây giáp Sông Hồng
- Phía nam giáp xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) và xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Xã Bát Tràng hiện nay được thành lập từ năm 1964, gồm 2 thôn Bát Tràng và Giang Cao.
Làng Bát Tràng
Lịch sử
Thời Hậu Lê, xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Sang thời nhà Nguyễn, năm 1822 trấn Kinh Bắc đổi làm trấn Bắc Ninh, năm 1831 đổi làm tỉnh Bắc Ninh, lúc này xã Bát Tràng thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An. Đến năm 1862 chia về phủ Thuận Thành và năm 1912 chia về phủ Từ Sơn. Ngày 13 tháng 12 năm 1954, sáp nhập khu vực phố Gia Lâm (gồm phố Gia Lâm, khu nhà ga Gia Lâm, sân bay Gia Lâm, và 6 xã: Hồng Tiến, Việt Hưng, Long Biên, Ngọc Thụy, Thượng Thanh, Tiến Bộ) của tỉnh Bắc Ninh vào Hà Nội. Từ năm 1961 đến nay, huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành thủ đô Hà Nội.
Năm 1948, xã Bát Tràng nhập với xã Giang Cao và xã Kim Lan lập thành xã Quang Minh. Năm 1964, sau khi xây dựng hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, thôn Kim Lan bị chia tách với phần còn lại của xã Quang Minh bởi sông Bắc Hưng Hải. Do đó xã Quang Minh được chia tách thành hai xã là Bát Tràng và Kim Lan.
Thôn Bát Tràng nay được chia làm 5 xóm, gồm 2 xóm cổ (xóm 1, xóm 2) giáp bờ sông Hồng và 3 xóm mới (xóm 3, xóm 4, xóm 5).
Nghề làm gốm
Di tích lịch sử, văn hóa
- Văn Từ Bát Tràng
Văn Từ Bát Tràng tên dân gian Bát Tràng quen gọi là Văn Chỉ Bát Tràng, được dựng ngay phía sau Đình Bát Tràng theo lối kiến trúc chữ nhị. Hậu cung là tòa nhà 3 gian, nơi có ban thờ Khổng Tử và 72 vị thánh hiền. Phía trước là tòa Đại Bái 5 gian. Cổng Văn từ xây theo kiến trúc Khuê Văn Các tại Hà Nội. Văn Từ cũng nơi làng Bát Tràng tôn vinh 1 Trạng nguyên, 3 Quận công, 9 tiến sĩ 364 vị khoa bảng của làng khi xưa.
Những năm 90 của thế kỷ XX Văn Từ Bát Tràng được dùng làm lớp học. Hiện nay, Văn Từ Bát Tràng là ngoài là nơi thờ tự còn là nơi khuyến học, nơi hội họp của Hội người Cao Tuổi thôn Bát Tràng.
Hội làng Bát Tràng
Trước đây, Bát Tràng vào đám từ ngày 15 đến ngày 22 tháng hai âm lịch2 . Nay đã được rút gọn, thường chỉ diễn ra vào hai ngày 14, 15 tháng hai âm lịch. Trước Tết, vào ngày 25 tháng Chạp, làng đem lễ vật đến làng Đuốc (làng kết chạ với Bát Tràng) xin chặt tre làm cây nêu. Ngày 7 tháng Giêng làm lễ hạ nêu. Cây tre làm nêu được dùng để chẻ tăm, vót đũa. Trước khi vào đám độ 10 ngày, làng tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng để bao sái bài vị thần ở ngôi miếu bên sông. Sau đó dân làng rước bài vị thần ra đình tế lễ. Khi tế, các họ được rước Tổ của mình ra phối hưởng. Họ Nguyễn Ninh Tràng (họ đầu tiên đến làng Bát Tràng) được rước bát hương có lọng che vàng đi ở giữa. Các họ khác rước bát hương có lọng che xanh đi né sang hai bên. Khi tế, chỉ có các vị khoa mục (những người đỗ đạt) mới được vào đình, còn các hào mục (những chức dịch trong làng) đứng ngoài hầu lễ. Bát Tràng còn lệ giữ nghiêm ngôi thứ. Tại đình trải 4 chiếu cạp điều. Có chiếu dành cho các vị đậu tiến sĩ, có chiếu dành cho võ quan được phong tước công, có chiếu dành cho các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên. Có năm không đủ người, chiếu nào trống thì làng đặt một cây đèn, chai rượu, đĩa trầu cau vào giữa chiếu để thờ vọng. Hằng năm vào ngày Rằm tháng hai, ngày đầu tiên vào đám, làng biện lễ cúng Thành hoàng gồm một con trâu tơ thật béo, thui vàng rồi đặt lên một chiếc bàn lớn sơn son, kèm theo 6 mâm cỗ và 4 mâm xôi. Tế xong, các quan viên chức sắc, đại diện 20 dòng họ cùng thụ lộc2 . Hội Bát Tràng có nhiều trò diễn, độc đáo nhất là trò chơi cờ người và hát thờ. Theo lệ, trước hội, làng chọn lấy 2 bà tướng cờ là những người phẩm hạnh, giàu có nhất trong làng. Mỗi bà tướng nhận 16 thiếu nữ tuổi từ 10 đến 15 xinh đẹp, nết na nuôi ăn uống và may cho áo quần thật đẹp. Các cô được rèn tập làm quân cờ trong một tháng mới được ra biểu diễn thi đấu ở sân đình2 .
Làng Giang Cao
Lịch sử
Làng Giang Cao trước đây có tên gọi là Đông Sáng, sau đổi thành Đống Ca và đến thời nhà Nguyễn trước đời vua Ưng Xụy, niên hiệu Đồng Khánh (1885-1888), được đổi thành Giang Cao. Làng Giang Cao nay có 6 xóm đánh số từ 1 đến 63 .
Nghề làm gốm
So với lịch sử làm gốm làng Bát Tràng (700 năm), làng gốm Giang Cao tuổi nghề còn trẻ (50 năm), nhưng với sự năng động sáng tạo và sức bật vào nghề của đội ngũ thợ trong làng nên sản phẩm gốm Giang Cao đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường4 .
Thời Pháp thuộc, năm 1941, ông Phán Sồ (người đã đỗ Tú tài) đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gốm sứ Ngọc Quang, được coi là xưởng gốm đầu tiên của làng Giang Cao4 .
Trước đây, phần lớn người dân làng Giang Cao làm nghề nông, một số người làm công nhân Xí nghiệp Sứ Bát Tràng, tới đầu những năm 1980 do làm ăn thua lỗ, Xí nghiệp Sứ Bát Tràng bị giải thể, năm 1986 trên cơ sở xóa bao cấp và đổi mới, một số hộ gia đình thôn Giang Cao với các kỹ thuật đã được rèn luyện trong môi trường Xi nghiệp Sứ Bát Tràng, đã phát triển việc làm gốm sứ tại gia đình và nhanh chóng phát triển ra toàn bộ thôn cho đến ngày nay. Đến năm 2010, làng Giang Cao có 41 công ty, doanh nghiệp tư nhân và 774hộ tham gia sản xuất gốm sứ. Sản phẩm gốm sứ ước tính theo quy đổi của làng luôn chiếm hơn 55% tổng sản phẩm của xã Bát Tràng. Sản phẩm gốm Giang Cao được chọn cung cấp nguyên liệu cho dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phục hồi di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Cố đô Huế, khu chùa Bái Đính ở Ninh Bình4 . Ngày 26/01/2010, làng Giang Cao đã được UBND thành phố Hà Nội trao bằng công nhận đạt danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội cùng với 15 làng nghề khác3 .
Di tích lịch sử, văn hóa
- Đình làng Giang Cao
- Đình làng được xây dựng cách đây hơn 100 năm, hiện nay còn lưu giữ được chín bản sắc phong từ đời Vĩnh Khánh thứ II đến đời Khải Định. Đình được công nhận xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia3 .
- Chùa Tiêu Dao3
- Miếu Bản3
- Văn Chỉ
- Ghi tên các vị khoa bảng, đỗ đạt như cụ Nguyễn Văn Bính chánh tiến sĩ làm quan đến chức Thị lang, cụ Lương Công Bật, đỗ hương cống làm quan đến chức Hiệu lý Hàn lâm viện...3 .
Chú thích
- ^ Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng Danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam
- ^ a ă â http://hanoinews.com.vn/newsdetail/1000_nam_thang_long/12940/h7897i-lang-bat-trang.htm Hội làng Bát Tràng
- ^ a ă â b c d Làng gốm Giang Cao
- ^ a ă â Làng Giang Cao
(Nguồn: Wikipedia)