NGÔ QUANG TRƯỞNG | |
---|---|
Tiểu sử | |
Sinh | 13 tháng 12 năm 1929 Bến Tre, Việt Nam |
Mất | 22 tháng 1, 2007 (78 tuổi) Virginia, Hoa Kỳ |
Binh nghiệp | |
Phục vụ | Việt Nam Cộng hòa |
Thuộc | Quân lực VNCH |
Năm tại ngũ | 1953-1975 |
Cấp bậc | Trung tướng |
Đơn vị | Binh chủng Nhảy dù Sư đoàn 1 Bộ binh Quân đoàn IV và QK 4 Quân đoàn I và QK 1 |
Chỉ huy | Quân đội Quốc gia Quân lực VNCH |
Tham chiến | Chiến tranh Việt Nam |
Ngô Quang Trưởng (1929-2007), nguyên là một tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Trung tướng. Ông xuất thân từ những khóa đầu tại trường Sĩ quan Trừ bị do Quốc gia Việt Nam mở ra ở miền Nam Việt Nam. Trong thời gian tại ngũ, ông đã có hơn 12 năm phục vụ trong Binh chủng Nhảy dù. Năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn I, là chỉ huy cao nhất trong trận đánh tái chiếm Thành cổ Quảng Trị. Năm 1975, Quân đoàn I do ông chỉ huy thất bại nhanh chóng do bị rút Sư đoàn Dù về Sài Gòn theo lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cộng thêm việc dân chúng và binh sĩ ở vùng hỏa tuyến hoang mang khi Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến rút khỏi Quảng Trị trong Chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Ngày 29 tháng 3 năm 1975, ông và một số tướng lãnh bơi ra tàu Hải Quân neo đậu ngoài khơi Đà Nẵng để vào Sài Gòn, sau đó di tản sang Mỹ.
Tiểu sử và Binh nghiệp
Ông sinh vào tháng 12 năm 1929 trong một gia đình đại điền chủ giàu có tại Thạnh Phong, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, miền Tây Nam phần Việt Nam.1 Do gia đình có điều kiện kinh tế nên ông có được trình độ học vấn căn bản. Năm 1948, ông tốt nghiệp phổ thông Trung học chương trình Pháp tại Cần Thơ với văn bằng Tú tài I (Part I). Sau đó được bổ dụng làm Công chức ngoại ngạch tại Mỹ Tho một thời gian trước khi gia nhập Quân đội.
Quân đội Quốc gia Việt Nam
Tháng 10 năm 1953, thi hành theo lệnh động viên của Quốc trưởng Bảo Đại ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 49/100.012. Theo học khóa 4 Cương Quyết tại trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, khai giảng ngày 7 tháng 11 năm 1953. Ngày 1 tháng 6 năm 1954, mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy.2 Ra trường, ông tình nguyện gia nhập Binh chủng Nhảy dù, được tiếp tục theo học khoá huấn luyện căn bản Nhảy dù tại Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù Bà Quẹo, Tân Sơn Nhứt, Gia Định.3
Tháng 7 năm 1954, mãn khóa căn bản Nhảy dù ông được điều về làm Trung đội trưởng trong Tiểu đoàn 5 Nhảy dù dưới quyền Đại úy Phạm Văn Phú4 Khi trận Điện biên phủ đang diễn ra, đơn vị của ông được phân công nhảy dù xuống mặt trận để tăng viện cho quân đồn trú Pháp. Tuy nhiên, đơn vị chưa kịp điều động thì Điện biên phủ thất thủ, ông tránh được việc bị bắt làm tù binh như Đại úy Phạm Văn Phú.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa
Đầu năm 1955, ông được cử làm Đại đội trưởng Đại đội 1 của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù. Tháng 5, ông bị thương trong trận đánh quân Bình Xuyên tại Sài Gòn. Sau khi Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa tháng 10 cùng năm, ông được được đặc cách thăng cấp Trung úy tại nhiệm. Đến đầu năm 1961, ông được thăng cấp Đại úy và được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy dù. Tháng 2 năm 1964, sau Cuộc Chỉnh lý nội bộ của tướng Nguyễn Khánh, ông được thăng cấp Thiếu tá tại nhiệm.5 Tháng 4 năm 1965, nhờ những thành tích chỉ huy chiến đấu, ông được đặc cách thăng cấp Trung tá được cử giữ chức vụ Tham mưu trưởng Sư đoàn Nhảy dù, dưới quyền Đại tá Dư Quốc Đống Tư lệnh Lữ đoàn.6
Đầu năm 1966, ông được cử giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn. Sau vụ "biến động miền Trung". Ngày Quân lực 19 tháng 6 cùng năm, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Sau đó, ông chuyển sang đơn vị Bộ binh được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 1 thay thế Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận (bị cách chức vì liên can đến vụ biến động miền Trung).
Đầu năm 1967, các đơn vị thuộc Sư đoàn 1 do ông chỉ huy, gồm Đại đội Hắc Báo Trinh sát, cùng Chi Đoàn 2/7 Thiết vận xa M.113 và Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù tăng phái do Thiếu tá Nguyễn Thế Nhã7 chỉ huy. Tấn công và phá vỡ hạ tầng cơ sở của lực lượng du kích địa phương trên 3 địa danh: Lương Cổ, Đồng Xuyên, Mỹ Xá thuộc quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sau trận này ông được đặc cách thăng cấp Chuẩn tướng vào ngày 4 tháng 2 cùng năm.
Năm 1968, Sư đoàn 1 và Chiến Đoàn I Nhảy Dù (gồm các Tiểu đoàn 2, 7 và 9) tăng phái do Trung tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy đã tham chiến cùng với quân đội Hoa Kỳ tại Huế trong 26 ngày (từ 30 tháng 1 đến 24 tháng 2). Các đơn vị này cùng quân Mỹ đẩy bật các đơn vị xung kích của phía đối phương là Quân Giải phóng miền Nam8 Sau trận Tết Mậu Thân, đầu tháng 6 cùng năm, ông được đặc cách thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm.
Trung tuần tháng 8 năm 1970, ông nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 1 Bộ binh lại cho Chuẩn tướng Phạm Văn Phú. Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn IV và Quân khu 4 thay thế Thiếu tướng Ngô Dzu chuyển ra Cao nguyên miền Trung giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II và Quân khu 2. Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1971, ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm.
Đầu tháng 5 năm 1972, ông được lệnh bàn giao Quân đoàn IV và Quân khu 4 lại cho Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (nguyên Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh) để đi nhận chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu 19 thay thế Trung tướng Hoàng Xuân Lãm.10 Thời điểm này, Quân đoàn I được tăng cường toàn bộ Lực lượng Tổng trừ bị11 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và được yểm trợ từ xa bởi Hạm đội Đệ thất của Hoa Kỳ ở ngoài khơi biển Đông đã đẩy lui và tái chiếm Cổ thành Quảng Trị và các phần đất bị chiếm ở phía nam sông Thạch Hãn, gây nhiều thiệt hại nặng cho các đơn vị của đối phương.
1975
Tháng 3 năm 1975, khi quân đối phương mở chiến dịch đồng loạt tấn công miền Nam, với chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I, ông được lệnh phải giữ bằng được Huế. Trong tình hình này, ông tuyên bố: “Việt cộng phải bước qua xác tôi mới vào được cố đô Huế”. Còn Tổng thống Thiệu thì tuyên bố trên đài Sài Gòn: “Bỏ Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, còn Đà Nẵng, Huế, Quân khu 3 sẽ phải giữ đến cùng”12 . Nhưng sau ít lâu, có lệnh di tản Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn I vào Đà Nẵng. Lại cộng thêm xích mích gay gắt giữa ông với Tổng thống Thiệu. Cùng lúc đó tin tức về việc bỏ Cao Nguyên cùng dòng người di tản hàng trăm ngàn người ùn ùn đổ vào Đà Nẵng khiến thành phố trở nên hoảng loạn và không thể kiểm soát được. Cộng với việc rút Sư đoàn Dù về Sài Gòn và tin đồn Tổng thống Thiệu muốn rút cả Sư đoàn Thủy quân Lục Chiến khiến tinh thần binh sĩ của tướng Trưởng đã xuống rất thấp, quan và lính tranh nhau lên máy bay, gây ra cảnh ẩu đả náo loạn. Sĩ quan, binh sĩ cùng với gia đình tháo chạy gây ra cảnh cướp bóc, bắn giết,… Hàng vạn lính mắc kẹt tại Đà Nẵng chạy ra bán đảo Sơn Trà hòng thoát về phía nam bằng đường biển, gây ra cảnh chen lấn giẫm đạp tranh nhau xuống tàu, binh lính đạp cả sĩ quan xuống biển. Cuộc di tản hoàn toàn thất bại, tổn thất toàn bộ lực lượng quân sự và cơ giới của Quân đoàn I trong thời gian rất ngắn. Thiệt hại đáng kể nhất là việc quân đội Việt Nam Cộng Hòa mất hoàn toàn quyền kiểm soát vùng lãnh thổ có 3 triệu dân, và việc tan rã 4 Sư đoàn quân chủ lực, trong đó có hai Sư đoàn thuộc hàng thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa là Sư đoàn 1 Bộ Binh và Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, đưa đến sụp đổ toàn bộ miền Nam một cách nhanh chóng bất ngờ. Trong vòng 32 giờ, hơn 100.000 quân ở Đà Nẵng dưới quyền của tướng Trưởng đã hoàn toàn tan rã và đầu hàng.
Tướng Ngô Quang Trưởng đã không giữ lời hứa “chết trong thành phố Huế”, mà tìm cách bơi ra tàu chiến đang neo ngoài khơi Đà Nẵng để thoát khỏi vòng vây12 . Tướng Trưởng phải bơi ra tàu đang neo đậu ngoài khơi Đà Nẵng, do sóng to và tàu neo xa bờ khiến ông khi lên được tàu trong tình trạng sức khỏe rất kém, phải thở bằng máy, tàu cập bến Cam Ranh chở theo ông và hơn 4.000 Thủy Quân Lục Chiến. Hạm trưởng được lệnh chuyển ông sang tàu khác tốt hơn và bỏ lại 4.000 Thủy Quân Lục Chiến ở Cam Ranh, chở 1 mình ông vào Sài Gòn nhưng ông từ chối. Tàu cập bến cảng Vũng Tàu, sau đó ông được chuyển vào Tổng Y Viện Cộng Hòa chữa trị.
Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, ông di tản bằng trực thăng của tướng Nguyễn Cao Kỳ ra tàu sân bay của Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ đang neo đậu ngoài khơi. Sau đó, ông cùng gia đình di tản sang Hoa Kỳ, định cư tại Tiểu bang Virginia. Ông học thêm ngành điện toán.
Ngày 22 tháng 1 năm 2007 vào lúc 3 giờ 20 phút, ông đã từ trần tại nơi định cư. Hưởng thọ 78 tuổi. Theo ước nguyện của ông, tro cốt của ông được gia đình đem về quê hương rải trên ngọn đèo Hải Vân, miền Trung Việt Nam.
Các tác phẩm quân sự
Bắt đầu năm 1979, theo lời mời của Trung tâm Quân sử Quân lực Hoa Kỳ (U.S. Army Center of Military History), ông ghi lại kinh nghiệm chiến đấu qua 3 quyển sách hiện còn lưu trữ tại trung tâm kể trên.
- "The Easter Offensive of 1972" (1983).
- "Territorial Forces" (1984).
- "RVANF and US Operational Cooperational Coordination" (1984).
Chú thích
- ^ Thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa, Tổng thống Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Bến Tre thành Kiến Hòa, Tỉnh lỵ là Trúc Giang.
- ^ Năm 1951, Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra 2 cơ sở huấn luyện quân sự cấp trung, tiếp nhận thí sinh từ 3 miền Bắc-Trung-Nam với mục đích đào tạo sĩ quan trừ bị phục vụ cho Quân đội Quốc gia. Ở miền Bắc đặt cơ sở ở tỉnh Nam Định được gọi là trường "Sĩ quan Trừ bị Nam Định", miền Nam đặt cơ sở tại Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định được gọi là trường "Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức". Cả hai trường đều khai giảng khóa học đầu tiên cùng một thời điểm. Tuy nhiên, trường Sĩ quan Nam Định chỉ đào tạo duy nhất một khóa đặt tên là khóa Lê Lợi. Sau đó tất cả thí sinh trên toàn quốc được tiếp nhận để đào tạo tại trường Sĩ quan Thủ Đức. Hai khóa đầu của trường Nam Định-Thủ Đức và các khóa: 2, 3, 3p, 4, 4p, 5 của trường Thủ Đức, sĩ quan tốt nghiệp được mang cấp bậc Thiếu úy theo quy chế hiện dịch đồng thời được lên cấp tướng giống như sĩ quan tốt nghiệp ở trường Võ bị. Từ khóa 6 trở về sau, sĩ quan tốt nghiệp theo quy chế trừ bị chỉ mang cấp bậc Chuẩn úy và được thăng đến cấp cao nhất là Đại tá, ngoại trừ trường hợp được xét thi chuyển qua ngạch hiện dịch.
- ^ Cùng theo học khóa căn bản Nhảy Dù với Thiếu úy Trưởng còn có các tân Thiếu úy:
-Lê Quang Lưỡng (SN 1932, Võ khoa Thủ Đức K4, chức vụ sau cùng: Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn Nhảy dù)
-Vũ Văn Giai (SN 1934, Võ bị Đà Lạt K10, sau cùng: Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh)
-Nguyễn Đức Huy (Sinh năm 1933 tại Bắc Ninh, tốt nghiệp s10 Võ bị Đà Lạt. Cấp bậc sau cùng: Đại tá Trưởng phòng 4 Sư đoàn Nhảy dù)
-Nguyễn Đình Vinh (Sinh năm 1935 tại Đà Lạt, tốt nghiệp khóa 10 Võ bị Đà Lạt. Cấp bậc sau cùng: Đại tá Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn IV). - ^ Trong trận giao tranh với Việt Minh tại Điện Biên Phủ, Đại úy Phú bị bắt làm tù binh cho đến tháng 9 năm 1955 mới được trao trả về với Quân đội Quốc gia. Sau cùng là Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn II, tự sát ngày 30 tháng 4 năm 1975.
- ^ Đơn vị Nhảy dù được xem là cái nôi trong cuộc đời binh nghiệp của tướng Trưởng. Năm 1964, Tiểu đoàn 5 do ông chỉ huy trực thăng vận nhảy vào mật khu Đỗ Xá, thuộc quận Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, phá vỡ một căn cứ Bộ Tư lệnh Mặt trận B1 của Mặt Trận Dân tộc giải phóng miền Nam, tịch thu 160 súng đủ loại. Một thời gian sau đơn vị ông lại được trực thăng vận nhảy vào mật khu Hắc Dịch, thuộc vùng núi ông Trinh, tỉnh Phước Tuy, căn cứ của Công trường 7 (F.7 của quân giải phóng). Sau hai ngày chạm súng, đơn vị của ông tuyên bố đã gây thiệt hại nặng cho hai Trung đoàn thuộc Công trường 7.
- ^ Trong năm 1965, Lữ đoàn Nhảy dù với 2 Chiến đoàn gồm 5 Tiểu đoàn đã mở cuộc hành quân Thần Phong 7 cùng với Sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ đặt dưới quyền điều động của Quân đoàn II, tham gia chiến dịch Trường Chinh tại Pleiku do Quân đoàn II phát động.
Cuối năm 1965, Lữ đoàn Nhảy dù được nâng lên thành cấp Sư đoàn, sau khi đã tổ chức và trang bị hoàn chỉnh thành 3 Chiến đoàn trực thuộc. - ^ Thiếu tá Nhã sau thăng cấp Trung tá. Năm 1974 tử trận được truy thăng Đại tá.
- ^ Các đơn vị của Quân Giải phóng miền Nam gồm: Đoàn 5 có các Tiểu đoàn K4A, K4B, TĐ 12 đặc công nội thành, Thành Đoàn Huế. Đoàn 6 gồm các Tiểu đoàn K41, K6, Tiểu đoàn 13 Đặc công nội thành Huế, các Đại đội Đặc công 15, 16, 17, 18 tăng cường thêm một Đại đội súng Phòng không 37mm, hai Đại đội Du kích quận Hương Trà, Phong Điền, hai Đại đội Biệt động nội thành Huế và hai Tiểu đoàn 416, 418 thuộc Đoàn 9 Cù Chính Lan.
- ^ Khi tướng Trưởng nhậm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I, Bộ tư lệnh Quân đoàn gồm các sĩ quan chỉ huy và tham mưu cao cấp:
-Tư lệnh phó: Trung tướng Lâm Quang Thi, kiêm Tư lệnh tiền phương Quân đoàn (SN 1932, Võ bị Đà Lạt K3)
-Tư lệnh phó lãnh thổ:-Thiếu tướng Hoàng Văn Lạc (SN 1927, Võ bị Huế K2)
-Tham mưu trưởng: Đại tá Hoàng Mạnh Đáng (Sinh năm 1930 tại Quảng Bình, tốt nghiệp trường Võ bị Địa phương Nam Việt Vũng Tàu)
-Chỉ huy Pháo binh: Đại tá Phạm Kim Chung (Sinh năm 1929 tại Kiến An, tốt nghiệp khóa 6 Võ bị Đà Lạt)
-Trưởng phòng 2: Đại tá Phạm Văn Phô (Sinh năm 1933 tại Cần Thơ, tốt nghiệp khóa 8 Võ bị Đà Lạt)
-Trưởng phòng 3: Đại tá Lê Bá Khiếu (Sinh năm 1934 tại Thừa Thiên, tốt nghiệp khóa 4 phụ Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức tại Đà Lạt)
-Cùng thời điểm nói trên, xảy ra sự mâu thuẫn giữa tướng Trưởng và hai tướng Tư lệnh 2 đơn vị Tổng trừ bị: Lê Nguyên Khang (Tư lệnh Sư đoàn Thuỷ Quân Lục chiến), Dư Quốc Đống (Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù), vì hai vị này đã là Trung tướng thực thụ và thuộc diện tướng đàn anh của tướng Trưởng trong khi tướng Trưởng chỉ là Trung tướng nhiệm chức. Do đó, khi bị đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Trưởng, 2 vị tướng này tỏ vẻ bất mãn (Tướng Khang lên Chuẩn tướng và Thiếu tướng năm 1964, Trung tướng năm 1966. Tướng Đống lên Chuẩn tướng năm 1965, Thiếu tướng năm 1968 và Trung tướng năm 1970. Trong khi vào thời điểm năm 1964 tướng Trưởng mới là Thiếu tá và năm 1965 mới lên Trung tá). Để giải quyết mâu thuẫn này Tổng thống Thiệu liền ký quyết định Trung tướng thực thụ cho tướng Trưởng. Sau đó thuyên chuyển tướng Khang về Bộ Tổng Tham mưu giữ chức vụ Tổng thanh tra Quân lực, đồng thời bổ nhiệm Đại tá Bùi Thế Lân (Tư lệnh phó) làm Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Trung tuần tháng 11 năm 1972, bổ nhiệm Đại tá Lê Quang Lưỡng Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đang Xử lý Thường vụ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù được chính thức làm Tư lệnh thay thế Trung tướng Đống. - ^ Thực tế, tướng Hoàng Xuân Lãm bị cách chức Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu 1 vì đã để mất tỉnh Quảng Trị vào tay Quân Giải phóng miền Nam. Ông được điều về Trung ương làm Phụ tá cho Tổng trưởng Quốc phòng, chỉ là một chức vụ không quan trọng giống như "ngồi chơi xơi nước" vậy.
- ^ Lực lượng Tổng trừ bị gồm Sư đoàn Nhảy dù và Sư đoàn Thủy quân Lục chiến cùng các Liên đoàn Biệt Động quân là Lực lượng Tổng trừ bị của Quân khu.
- ^ a ă http://www.baophuyen.com.vn/76/130239/chien-dich-hue-da-nang.html
Tham khảo
- Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Thư mục
- Chiến tranh Việt Nam Toàn Tập, Tiến sĩ Nguyễn Đức Phương, nxb Làng Văn, Canada, 2001
- Đề Cương Tuyên truyền Kỷ Niệm 60 Năm Ngày Thành Lập QĐND Việt Nam, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Đảng CSVN, Hà Nội, 2005
- Decent Interval, Frank Snepp, Penguin Books, New York, 1980
- Những Cột Trụ Chống Giữ Quê Hương, Phan Nhật Nam, nxb Nắng Mới Miền Nam, California, 2003
- Những uất hận trong trận chiến mất nước 1975, Đại tá Phạm Huấn, tác giả tự xuất bản, San Jose, 1988
- 55 ngày & 55 đêm: Cuộc sụp đổ của VNCH, Chính Đạo, Houston: Văn hóa, 1999
- It Doesn't Take a Hero, General H. Norman Schwarzkopf, Bantam Books, New York, 1993
- The Easter Offensive of 1972, Lt. General Ngo Quang Truong, U.S. Army Center of Military History, Washington, D.C. - Indochina Monograph Series, 1979
- The Siege at Hue, George W. Smith, Lynne Rienenr Publishing, London, 1999.
(Nguồn: Wikipedia)