Mị Châu (chữ Hán: 媚珠) là một nhân vật truyền thuyết, tương truyền nàng là con gái của An Dương Vương Thục Phán, người đã đánh bại Hùng Vương và khai sinh ra nước Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam.
Câu chuyện về nàng gắng liền với sự tích Rải lông ngỗng dẫn Trọng Thủy trở nên cực kỳ nổi tiếng trong văn hóa Việt Nam. Nhiều ý kiến thương cảm dành cho Mị Châu, song cũng nhiều ý kiến trái lại trách cứ sự nhẹ dạ của nàng, khiến Âu Lạc bị diệt vong.
Sự tích
Theo Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư và An Nam chí lược, Mị Châu là con gái duy nhất của An Dương Vương. Thục Phán, là người nước Thục, vào cuối đời Hùng Vương trở nên lớn mạnh, về sau ông dẫn binh lính xâm nhập Văn Lang, đánh bại Hùng Vương và lập nên Âu Lạc.
Năm 210 TCN, Triệu Đà là quan của nhà Tần, nhận chức Úy ở quận Nam Hải mang quân sang Âu Lạc nhưng bị An Dương Vương đánh bại. Triệu Đà biết không đánh nổi bèn dùng kế cầu hoà, An Dương Vương đồng ý. Nhân cơ hội đó, Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho con trai mình là Trọng Thủy và kết thông gia với An Dương Vương, vì thương con nên An Dương Vương đã đồng ý.
Trọng Thuỷ sang ở rể tại Âu Lạc và đồng thời tìm hiểu các bị mật quân sự của Âu Lạc mà cụ thể là Nỏ thần, có tên Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ (灵光金龟神机弩). Trọng Thủy dỗ Mị Châu để xem trộm nỏ thần, rồi ngầm bẻ gãy lẫy nỏ, thay cái khác vào, giả vờ về Bắc thăm cha mẹ. Trước khi đi, Trọng Thủy bảo Mị Châu rằng: "Ân tình vợ chồng không thể quên nhau, nếu lỡ hai nước không hòa, Nam Bắc cách biệt, ta lại tới đây thì làm thế nào mà tìm thấy nhau?".
Mị Châu nói: "Thiếp có cái nệm gấm lông ngỗng, thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc ở chỗ đường rẽ để làm dấu". Sau đó, Trọng Thủy về Nam Hải báo cho Đà biết.
Năm 208 TCN, Triệu Đà xua quân tấn công Âu Lạc, nỏ thần đã bị hỏng, An Dương Vương thua trận và mang bà chạy về phía Nam. Tin lời chồng là Trọng Thuỷ hứa sẽ tìm mình, nàng đã rút lông ngỗng trên tấm áo của mình rải dọc đường, Trọng Thuỷ cùng quân Triệu dựa vào lông ngỗng đuổi theo. An Dương Vương chạy đến bờ biển cùng đường, gọi rùa thần lên cứu, rùa thần hiện lên bảo với ông: "kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy".
Ông quay lại nhìn thấy lông ngỗng dọc đường và rút gươm chém Mị Châu. Trước khi bị cha chém, bà có khấn rằng:"Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này". Sau khi bị vua cha chém chết, máu bà chảy loang mặt nước biển, loài trai biển nuốt vào bụng hoá làm hạt minh châu.
Về năm mất, Sử ký của Tư Mã Thiên lại viết rằng phía Tây nước Âu Lạc bị Triệu Đà đánh bại ngay sau khi Lữ Thái hậu chết, Lữ Thái hậu chết năm 180 TCN, vì thế một số sách báo ngày nay cũng viết Âu Lạc sụp đổ năm 179 TCN. Suy ra bà có thể mất năm 179 TCN. Tuy vậy, có khả năng câu chuyện về nàng và bản thân Mị Châu chỉ là sản phẩm tưởng tượng của người đời sau, nên chuyện năm mất ra sao cũng đã không còn quan trọng.
Ngoài ra, câu chuyện Mị Châu rắc lông ngỗng, nếu xét theo ghi chép lúc đó thì ngoại trừ Đại Việt sử ký toàn thư, còn Lĩnh Nam chích quái lẫn An Nam chí lược đều không ghi chép sự việc này, cũng như không rõ kết cuộc cuối cùng của Mị Châu.
Nhận định
Về sự việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên có nhận xét:
“ | Chuyện rùa vàng đáng tin chăng? Chuyện thần giáng đất Sần1 , chuyện đá biết nói2 cũng có thể là có. Vì việc làm của thần là dựa theo người, thác vào vật mà nói năng. Nước sắp thịnh, thần minh giáng để xem đứa hóa; nước sắp mất, thần cũng giáng để xét tội ác. Cho nên có khi thần giáng mà hưng, cũng có khi thần giáng mà vong. An Dương Vương hưng công đắp thành có phần không dè đặt sức dân, cho nên thần thác vào rùa vàng để răn bảo, chẳng phải là vì lời oán trách động dân mà thành ra như thế ư? Nhưng thế cũng còn là khá. Đến như lo họa hoạn về sau mà nài xin với thần, thì lòng riêng đã nảy. Lòng riêng một khi nảy mầm thì lẽ trời theo đó mà mất, sao thần lại chẳng gieo cho tai họa! Rùa vàng trút móng thiêng trao cho, bảo là có thể đánh lui được quân địch, đó là mầm họa chăng? Như chuyện thần ban cho nước Quắc ruộng đất mà sao đó nước Quắc cũng mất theo. Sau An Dương Vương quả nhiên như vậy. Thế chẳng phải là thần theo người mà hành động sao? Nếu không có lời nài xin với rùa vàng, cứ theo đạo lý mà làm, biết đâu quốc thống lại chẳng được lâu dài? Đến như chuyện Mỵ Châu rắc lông ngỗng chỉ đường, thì chưa chắc đã có. Nếu có thì chỉ một lần là phải, thế mà sau này con gái Triệu Việt Vương3 lại bắt chước mà cũng nói như thế, là làm sao? Có lẽ người chép sử cho rằng họ Thục và họ Triệu mất nước đều do con rể, cho nên nhân một việc mà nói hai lần chăng? Thế thì việc ma quỷ làm đổ thành cũng đáng tin sao? Trả lời rằng: Đại loại cũng như chuyện Bá Hữu làm quỷ dữ, sau người nước Trịnh lập con cháu của Hữu, hồn của Hữu có chỗ nương tựa rồi thì hết4 . Thế là trừ bỏ yêu khí, quỷ không có chỗ phụ vào nữa thì phải thôi. Đến như sử chép An Dương Vương bại vong là do nỏ thần bị đỗi lẫy, Triệu Việt Vương bại vong vì mũ đâu mâu mất móng rồng, đều là mượn lời để cho vật trở thành thiêng mà thôi. Đại phàm việc giữ nước chống giặc tự có đạo lý của nó, đúng đạo lý thì được nhiều người giúp mà nước hưng, mất đạo lý thì ít người giúp mà nước mất, không phải vì những thứ ấy. | ” |
— Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô Sĩ Liên bàn luận. |
Tham khảo
- ^ Thần giáng đất Sần: Tả Truyện chép rằng thần hiện ở đất Sần thuộc nước Quắc, Quắc công sai quan đến làm lễ tế, được thần ban cho ruộng đất.
- ^ Đá biết nói: Tả Truyện ghi việc năm thứ 8 đời Lỗ Ai công, ở đất Nguy Du nước Tấn có hòn đá biết nói.
- ^ Tức nàng Cảo Nương
- ^ Bá Hữu: tức Lương Tiêu, đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu bị chết oan, thường hiện hồn về quấy nhiễu. Sau, Tử Sản cho con Bá Hữu là Lương Chỉ làm quan, hồn Bá Hữu mới thôi không báo oán nữa. (Tả Truyện, q.13).
- Dữ liệu liên quan tới Mỵ Châu tại Wikispecies
- Đại Việt sử ký toàn thư - phần ngoại kỷ - Ngô Sĩ Liên
- An Nam chí lược - Lê Tắc
Xem thêm
- Trọng Thủy
- An Dương Vương
- Rùa thần Kim Quy
- Nỏ thần
(Nguồn: Wikipedia)