Khởi nghĩa Dương Thanh (819-820) do Dương Thanh, người ở Giao Châu (Nghệ Tĩnh) lãnh đạo chống chính quyền đô hộ nhà Đường.
Nổi dậy
Dương Thanh vốn là một hào trưởng có thế lực, dòng dõi có người đã từng làm thứ sử Hoan Châu. Viên đô hộ An Nam là Lý Tượng Cổ (tông thất nhà Đường) không thích ông, điều về phủ thành Tống Bình (Hà Nội) làm nha tướng để kiềm chế.
Năm 819, nhân được giao 3000 quân đi đánh người Tày, Nùng, Tráng ở Hoàng Động (Tây Bắc ngày nay). Thừa dịp, Dương Thanh cùng con là Dương Chí Liệt và thủ hạ thân tín là Đỗ Sĩ Giao đồng mưu kêu gọi binh sĩ không nên đi đánh người Hoàng Động mà phản lại Lý Tượng Cổ. Được các binh sĩ ủng hộ, ông mang quân về đánh chiếm phủ thành Tống Bình, giết chết quan đô hộ Lý Tượng Cổ cùng hàng nghìn thuộc hạ, chiếm Giao Châu.
Thất bại
Nhà Đường phải vờ tha tội, phong Dương Thanh làm thứ sử Quỳnh Châu (đảo Hải Nam) để điều ông ra khỏi Tống Bình. Nhưng Dương Thanh không mắc mưu đó, quyết giữ thành Tống Bình.
Nhà Đường phải điều quân do Quế Trọng Vũ sang đàn áp, dùng kế li gián để cô lập Dương Thanh. Quế Trọng Vũ tìm cách mua chuộc một số tướng sĩ dưới quyền để cô lập ông. Cuối cùng, Trọng Vũ đánh chiếm lại phủ thành. Dương Thanh cùng con là Dương Chí Trinh bị Trọng Vũ bắt giết.
Một bộ phận nghĩa quân do Dương Chí Liệt và Đỗ Sĩ Giao rút về Tạc Khẩu (thuộc Yên Mô, Ninh Bình ngày nay) tiếp tục chống cự đến tháng 7 năm 820 thì bị đánh dẹp hẳn.
Xem thêm
- Lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc lần 3
- Nhà Đường
- An Nam đô hộ phủ
Tham khảo
- Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1991), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Đại học và giáo dục chuyên nghiệp
(Nguồn: Wikipedia)