Bùi Quang Tạo (tháng 10 năm 1913 - 28 tháng 12 năm 1995; huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)1 hay Bùi Nhật là nhà hoạt động cách mạng, nhà chính khách Việt Nam. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II, khóa III, khóa IV, khóa V, đã từng giữ các chức vụ Bí thư Khu ủy Tây Bắc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam đầu tiên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước.

Quá trình hoạt động

Năm 1943 ông cùng với các đồng chí Bình Phương, Lý Bạch Luân, Ngô Minh Loan... về gây dựng phong trào ở vùng Linh thông (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái)

Năm 1944 ông bị giam tại Nhà tù Hòa Bình, vượt ngục thành công.

Tháng 10/1945 đến cuối năm 1945 ông làm Bí thư tỉnh ủy Hà Đông, đồng thời kiêm Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây đến giữa năm 1946.2

Khi chiến tranh với Pháp nổ ra, ông làm Trưởng ban Tiêu thổ Kháng chiến tại Vĩnh Yên.

Lãnh đạo chiến khu Việt Bắc, Tây Bắc

Năm 1947 ông là Bí thư khu X 3

Năm 1948 Khi Chính phú sáp nhập khu XIV và khu X thành Liên khu X thì ông được cử làm Bí thư Khu ủy, Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu Việt bắc gồm 17 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Quảng Yên, Hải Ninh, Đặc khu Hồng Gai và huyện Mai Đà của tỉnh Hòa Bình.

Trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 ông là Đảng ủy viên Bộ chỉ huy, Phó chủ nhiệm Phòng cung cấp chiến dịch. Sau đó ông làm phó Bí thư Khu ủy Việt Bắc

Năm 1952 để chuẩn bị giải phóng khu Tây Bắc khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định bốn tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La tách khỏi Liên khu Việt Bắc thành lập Khu Tây Bắc và cử ông làm Bí thư Khu ủy, Chính ủy quân khu và Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Tây Bắc. Ông trực tiếp làm Trưởng ban Tổ chức và Tuyên Huấn. Ông được Hồ chủ tịch đổi tên làm Nguyễn Kháng.4

Tháng 3 năm 1955 ông là Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công tác chính quyền dân sự

Tháng 9 năm 1955 Bộ Thủy lợi và Kiến trúc được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ. Bộ trưởng là ông Trần Đăng Khoa nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính.

Năm 1957 ông là thành viên Ban tổ chức cho Đại hội Đảng.

Ngày 29/4/1958, tại Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa I đã ra Nghị quyết thành lập Bộ Kiến trúc để thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý về kiến trúc, quy hoạch, kiến thiết cơ bản, nhà đất và sản xuất vật liệu xây dựng. Bộ Thủy lợi và Kiến trúc tách ra thành Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc, ông Trần Đăng Khoa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi. Ông giữ chức Bộ trưởng đầu tiên và lâu nhất của Bộ Kiến trúc (4/1958 - 1973) nay là Bộ Xây dựng.5

Ông còn kiêm nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước trong thời gian đầu thành lập Ủy ban.6

Năm 1964 ông trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 3 khu vực tỉnh Hà Nam 7

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam đầu tiên và lâu nhất

Ông là người có tầm nhìn xa, người có công tạo dựng Trụ sở Bộ. Do mới thành lập, lúc đầu trụ sở Bộ đặt tại số 10 phố Hàng Tre, tại đây chỉ tạm đủ chỗ cho Văn phòng Bộ. Một số Cục, Vụ phải làm việc ở chỗ khác như: Cục Xây dựng làm việc ở phố Lò Sũ, Cục Thiết kế Dân dụng và Cục Đô thị làm việc nhờ Bộ Thủy lợi ở phố Hàng Vôi, Cục Thiết kế Dân dụng còn có một bộ phận làm việc ngoài bờ sông Hồng (phố Hàm Tử Quan – nay là Công ty Mộc Bạch Đằng – thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội). Do cơ quan Bộ ở phân tán như vậy nên việc chỉ đạo rất khó khăn.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Bộ trưởng Bùi Quang Tạo đã có dự kiến, tìm cách, tìm địa điểm và từng bước hoàn thành trụ sở theo ý chí của mình một cách hợp pháp và hợp lý. Khu đất ông chọn làm trụ sở Bộ, chính là ở số 37 phố Lê Đại Hành hiện nay thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Khu đất này hồi đó chủ yếu là ao hồ, thuộc vùng ngoại thành. Bắc giáp đường Lê Đại Hành, Đông giáp đường Bà Triệu, Tây là vùng ao hồ nước tù đọng, dân cư thưa thớt có vài nhà tạm 1 tầng của dân; Nam giáp đường Đại Cồ Việt, nơi đây chính là con đê, mặt đê là đường đất; chân đê là nơi đổ rác, lác đác có nhà cửa lụp xụp của dân lao động.

Cuối những năm 60, khi Hà nội bị không quân Mỹ đánh phá, ông từng đề xuất xây dựng thủ đô mới tại thị trấn Xuân Hòa, tỉnh Vĩnh Yên, sơ tán các cơ quan của Bộ về Vĩnh Yên như Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn đóng ở huyện Vĩnh Tường, trường Đại học Xây dựng đóng ở Hương Canh và trường Đại học Kiến trúc ở thị xã Xuân Hòa.

Ông có thời gian kiêm chức Phó Trưởng ban Xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1973 khi Bộ Xây dựng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Kiến trúc và Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, ông thôi chức vụ Bộ trưởng Bộ Kiến trúc 8 chuyển sang giữ cương vị Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.9 Năm 1975 ông tham gia Hội đồng bầu cử Quốc hội.

Khoán nông nghiệp ở Hải phòng

1979 – 1982 ông được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hải phòng bầu giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hải Phòng 10 thay ông Trần Đông về Bộ Công an giữ chức vụ Thứ trưởng. Ông cùng Chủ tịch UBND Thành phố Đoàn Duy Thành bàn cách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, thống nhất cử cán bộ xuống các huyện nghiên cứu thực tế về đời sống, sản xuất của bà con xã viên để về báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy.11

Thường trực Thành ủy đã dự thảo Nghị quyết số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy về khâu khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Hai cán bộ chủ chốt trao đổi nhiều lần và dự thảo nghị quyết về "khoán sản" trong nông nghiệp. Tuy nhiên, "khoán" vẫn là vấn đề "tối kỵ" khi đó. Bài học "khoán" ở Vĩnh Phúc bị "đánh" tơi tả 15 năm trước vẫn được nhắc đến như là tấm gương "tày liếp" để nhắc nhở, răn đe. Thành ủy nhiều lần họp nhưng vẫn chưa nhận được sự thống nhất cao. Bí thư Bùi Quang Tạo và Chủ tịch Đoàn Duy Thành chủ trương cùng với công tác vận động để tạo sự đồng thuận trong nội bộ, đồng thời tranh thủ sự đồng tình của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Sau khi lãnh đạo Trung ương chấp thuận chủ trương, ông thống nhất với Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết số 24. Thường trực Thành ủy đã triệu tập các Bí thư Huyện ủy lên họp để quán triệt tinh thần Nghị quyết số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Hai ông quyết định chọn huyện Đồ Sơn để làm trước. Huyện này ra nghị quyết được 32 ngày thì Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 nổi tiếng về khoán trong nông nghiệp vào tháng 8-1980. Ý Đảng hợp với lòng dân đã nhanh chóng được hiện thực hóa trong đời sống. Nhân dân hồ hởi đón nhận và lao động hăng say trên "mảnh ruộng của mình". Khi đi cơ sở vào 30, Mồng Một Tết vẫn còn thấy bà con lao động trên cánh đồng. Một điều trước đây chưa từng xảy ra. Năng suất vì thế cũng tăng cao, trước đây cả năm cũng chỉ được 3,5 đến 3,8 tấn/ha; ngay trong năm khoán đầu tiên đã tăng lên 4,5 đến 5 tấn thóc. Những năm sau đó, nông nghiệp Hải Phòng phát triển rất nhanh. Lương thực coi như đã tự túc được cho cả phi nông nghiệp. Không còn tình trạng hằng năm phải lên Trung ương xin gạo, xin mì. Hàng trăm đoàn của Trung ương và các địa phương trong cả nước kéo nhau về Hải Phòng để tham quan, học hỏi. Hải Phòng trở thành mô hình phát triển kinh tế năng động của cả nước.

Công tác thanh tra

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam V, ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng.

Giai đoạn 1982 – 1987 ông được điều động giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thay ông Trần Nam Trung12 , sau đó đổi tên là Ủy ban Thanh tra Nhà nước mà ngày nay là Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam. Người kế nhiệm ông là ông Nguyễn Văn Chính.

Đánh giá

Nhà thơ Bút Tre có viết về ông:[cần dẫn nguồn]

Câu chuyện cũ miệng dân còn kể

Ôi năm châu bốn bể một nhà

Có người đồng chí của ta

Vâng, đồng chí Bùi Quang Tạo

Đồng chí ủy viên Trung ương Đảng

Trái tim đem đến mái nhà đẹp tươi

(Khúc trường ca về anh Bùi Quang Tạo)

Nguồn tham khảo

  1. ^ “Cổng Giao tiếp điện tử”. Truy cập 8 tháng 3 năm 2015. 
  2. ^ “Danh sách đoàn Đại biểu Quốc hội khóa VII”. Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ. 
  3. ^ “Chiến thắng sông Lô thu đông 1947:Chiến thắng sông Lô thu đông 1947”. Báo Phú Thọ. Truy cập 8 tháng 3 năm 2015. 
  4. ^ “Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển”. Truy cập 3 tháng 10 năm 2015. 
  5. ^ “Chính phủ mở rộng (từ kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá I)”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
  6. ^ “Quá trình phát triển: Bộ Khoa học và Công nghệ”. Truy cập 8 tháng 3 năm 2015. 
  7. ^ “Văn kiện Quốc hội toàn tập”. 
  8. ^ “Nghị quyết số 354 NQ/TVQH – Wikisource tiếng Việt”. Truy cập 8 tháng 3 năm 2015. 
  9. ^ “Van kien Quoc hoi toan tap”. 
  10. ^ “Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ VII (tháng 7 năm 1979)”. 
  11. ^ ““Khoán” ở Hải Phòng”. ipsard.gov.vn. Truy cập 3 tháng 5 năm 2015. 
  12. ^ “Nghị quyết số 166 NQ/HĐNN7 – Wikisource tiếng Việt”. Truy cập 8 tháng 3 năm 2015. 

(Nguồn: Wikipedia)