Trưng Nhị (chữ Hán: (徵貳; ?-43) là thủ lĩnh chống sự đô hộ của nhà Đông Hán thời Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam. Bà cùng chị là Trưng Trắc đã lãnh đạo người Việt đánh đuổi thái thú Tô Định nhà Đông Hán. Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, tục truyền rằng vì không muốn chịu khuất phục, bà cùng Trưng Trắc đã nhảy xuống sông tự tử.

Nguồn gốc, tên gọi

Bộ sử cổ nhất của Việt Nam đề cập đề cập đến Trưng Nhị là Đại Việt sử lược. Theo sách này, Trưng Nhị là em của Trưng Trắc, con gái Lạc tướng ở Mê Linh1 .

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trưng Nhị vốn họ Lạc, là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh2 . Truyền thuyết xác nhận quê nội Hai Bà ở làng Hạ Lôi và quê ngoại hai Bà ở làng Nam Nguyễn thuộc Ba Vì, Hà Nội3 . Mẹ Hai Bà là Man Thiện, được thần phả ghi tên là Trần Thị Đoan.

Tuy nhiên, theo các sử gia hiện đại, thời đầu công nguyên, người Việt chưa có họ. Tên của bà, có nguồn gốc từ nghê dệt lụa truyền thống của Việt Nam. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là kén chắc, tổ kén kém hơn gọi là kén nhì; trứng ngài tốt gọi là trứng chắc, trứng ngài kém hơn gọi là trứng nhì. Do đó, theo các sử gia tên Trưng Nhị vốn là Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Nhị4 . Khi chữ Hán chưa được truyền bá hoặc chưa có điều kiện thấm sâu vào nhận thức xã hội thì xu hướng đặt tên người rất giản dị và mộc mạc, thể hiện sự gắn bó với cuộc sống đời thường và xu hướng này còn tiếp tục trong các thế hệ sau5 .

Sự nghiệp

Theo Đại Việt sử lược, Trưng Nhị có cá tính mạnh mẽ như Trưng Trắc, không chịu ràng buộc theo pháp luật mà Tô Định áp đặt6 .

Các Lạc tướng Mê Linh và Chu Diên có ý chống lại sự cai trị tàn bạo của Thái thú Tô Định. Tô Định bèn bắt giết anh rể Trưng Nhị là Thi Sách để trấn áp tinh thần người Việt. Trưng Nhị cùng Trưng Trắc mang quân bản bộ về giữ Hát Môn7 .

Tháng 3, năm 40, Trưng Nhị theo chị là Trưng Trắc tập hợp các lực lượng ủng hộ nổi dậy đánh hãm trị sở ở Luy Lâu (thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Thái thú Tô Định bỏ chạy. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 56 thành ở Lĩnh Nam8 . Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Trưng Vương. Thần phả cho biết Trưng Nhị được phong làm Phó Vương9 .

Sách Việt Nam sử lược ghi nhận Trưng Nhị cùng Trưng Trắc đều xưng vương10 . Các bộ sử ra đời trước đó như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược, Khâm định Việt sử thông giám cương mục không xác nhận điều này.

Ngày 30 tháng 1 năm Tân Sửu (41), Hán Quang Vũ Đế thấy hai bà dấy quân đánh lấy các thành ấp, nên hạ lệnh cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó tướng sang đánh.

Năm 42, Trưng Nhị cùng chị cầm quân đụng độ với quân Hán ở Lãng Bạc11 . Do thế quân Hán mạnh hơn, bà cùng Trưng Trắc không chống nổi, bèn lui quân về giữ Cấm Khê (sử chép là Kim Khê).

Năm 43, Trưng Nhị cùng Trưng Trắc chống cự với quân nhà Hán ở Cấm Khê. Quân Hai Bà thế cô không địch nổi quân Hán mạnh hơn nên bị thua. Trưng Trắc và Trưng Nhị đều mất tại đây. Theo tục truyền, hai bà đã nhảy xuống sông Hát (Hát Môn, Hà Tây cũ) tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Còn theo Hậu Hán Thư, một cuốn sử của Trung Quốc, truyện Mã Viện chép rằng hai bà đã bị Mã Viện giết; trong khi truyện Lưu Long lại cho rằng Trưng Nhị bị Lưu Long bắt rồi bị giết12 .

Sách Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ còn dẫn sách Biệt Lục chép rằng: Hai Bà thua trận, lên núi Hy Sơn rồi không biết đi đâu13 .

Cuộc đời hoạt động của Trưng Nhị trước sau gắn bó ở bên cạnh với Trưng Trắc, từ khi khởi nghĩa đến khi chống Hán thất bại và cái chết. Trong khởi nghĩa, bà là tướng đắc lực bên cạnh Trưng Vương. Tuy nhiên, sử sách không nhắc đến gia đình riêng tư của bà như Trưng Trắc.

Tưởng nhớ

Do cuộc đời sự nghiệp của Trưng Nhị luôn gắn liền với Trưng Trắc, sử sách khi nhắc đến Trưng Trắc thường đi cùng với Trưng Nhị, hoặc gọi chung là Hai Bà Trưng.

Hàng năm, vào ngày 6 tháng 3 âm lịch, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai bà (cũng là Ngày Phụ nữ Việt Nam tại miền Nam trước kia) được tổ chức tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay tại nhiều nơi trong nước Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Xem thêm

  • Trưng Trắc
  • Khởi nghĩa Hai Bà Trưng
  • Chiến tranh Hán-Việt, 42-43
  • Mã Viện

Tham khảo

  • Đại Việt sử lược, Nguyễn Gia Tường dịch, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh (1993)
  • Đại Việt sử ký toàn thư
  • Khâm định Việt sử thông giám cương mục
  • Viện Sử học (2001), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
  • Nguyễn Khắc Thuần (2005), Danh tướng Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục
  • Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2008), Tổng tập văn học dân gian người Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
  • Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1991), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Đại học và giáo dục chuyên nghiệp
  • Viện Sử học (1988), Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam
  • Đào Duy Anh (2005), Lịch sử cổ đại Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
  • Ngô Thì Sĩ (2011), Đại Việt sử ký tiền biên, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
  • Lê Đình Sỹ chủ biên (2010), Thăng Long – Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm, Nhà xuất bản Hà Nội
  • Lê Văn Siêu (2006), Việt Nam văn minh sử, Nhà xuất bản Văn học

Chú thích

  1. ^ Đại Việt sử lược, tr 39
  2. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ quyển 3
  3. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr 43
  4. ^ Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, sách đã dẫn, tr 172
  5. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr 40
  6. ^ Đại Việt sử lược, tr 8
  7. ^ Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 493
  8. ^ Ngô Thì Sĩ, sách đã dẫn, tr 87
  9. ^ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, sách đã dẫn, tr 424
  10. ^ Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, tr 45
  11. ^ Ở đây, Toàn thư cho Lãng Bạc là Hồ Tây (Hà Nội), nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã đoán định Lãng Bạc ở vùng huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc ngày nay.
  12. ^ Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, sách đã dẫn, tr 182
  13. ^ Ngô Thì Sĩ, sách đã dẫn, tr 92

(Nguồn: Wikipedia)