Triệu Vân
ZhaoYun.jpg
Triệu Vân
Tên
Tự Tử Long (子龍)
Thông tin chung
Chức vụ Đại tướng
Sinh 168
Chân Định, Thường Sơn, Hà Bắc
Mất 229
Hán Trung, Thiểm Tây
Con cái Triệu Thống
Triệu Quảng

Triệu Vân (chữ Hán: 趙雲, bính âm: Zhao Yun. 168?-229 1 ), tên tự là Tử Long (子龍), người vùng Thường Sơn, là danh tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán. Ông cũng được Lưu Bị xem như "người anh em thứ tư" tiếp theo trong 3 anh em kết nghĩa tại vườn đào.

Tuổi thơ

Triệu Vân sinh tại huyện Chân Định (正定县) thuộc quận Thường Sơn (常山郡, hiện nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc). Ông có ngoại hình hùng dũng, uy phong lẫm liệt, giỏi võ nghệ và có tài thao lược.

Tam Quốc diễn nghĩa có ghi rằng ông "cao tám thước, mắt rồng, mày rậm, má bầu, mặt rộng, sống mũi diều hâu, lưng sói, tay vượn, cưỡi Bạch Long mã, uy phong lẫm liệt".

Năm 184, quân Khăn Vàng nổi dậy chống triều đình nhà Hán. Triệu Vân được người trong quận cử cầm quân đến gia nhập với tướng Công Tôn Toản để đánh dẹp.

Theo Công Tôn Toản

Năm 191, liên minh chống Đổng Trác tan rã, các chư hầu quay sang đánh lẫn nhau. Viên Thiệu đoạt Ký châu của Hàn Phức, nhiều người đến quy phục. Nhưng Triệu Vân không đến theo Viên Thiệu, lại đến theo Công Tôn Toản. Ông theo Công Tôn Toản chinh chiến, trong đó có những trận đụng độ với Viên Thiệu.

Lưu Bị khi đó lực lượng còn mỏng, cũng đến nhờ Công Tôn Toản. Lưu Bị gặp Triệu Vân, rất quý mến ông và kết giao.

Năm 193, Công Tôn Toản giao tranh với Viên Thiệu, cử Điền Khải đi làm thứ sử Thanh châu để chống Viên Thiệu và sai Lưu Bị đi giúp Điền Khải. Triệu Vân cũng được cử đi tháp tùng.

Sau đó Triệu Vân trở về với Công Tôn Toản. Giữa lúc Công Tôn Toản và Viên Thiệu giao tranh ác liệt, anh cả của Triệu Vân qua đời, ông cáo từ Công Tôn Toản về quê để tang anh. Lưu Bị đoán Triệu Vân nhân dịp này sẽ đi luôn, nên tìm gặp ông và cầm tay hẹn ngày gặp lại.

Phò tá Lưu Bị

Tập hợp lực lượng

Năm 199, Công Tôn Toản bị Viên Thiệu tiêu diệt và chiếm cứ U châu. Năm 200, Lưu Bị giao tranh với Tào Tháo ở Từ châu thua trận, chạy đến Ký châu nương nhờ. Triệu Vân đến tìm Lưu Bị, hai người cùng nhau lưu tại Nghiệp Thành (thủ phủ Ký châu). Triệu Vân theo lệnh của Lưu Bị, ngầm chiêu tập binh mã được vài trăm người, Viên Thiệu không hay biết.2

Ít lâu sau Viên Thiệu và Tào Tháo đánh lớn, Lưu Bị bỏ Viên Thiệu chạy về phía nam, gặp lại được hai người em bị lạc là Quan Vũ và Trương Phi, cùng về Kinh châu theo Lưu Biểu. Triệu Vân theo đi.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Triệu Vân và Lưu Bị chưa gặp lại nhau khi Lưu Bị còn ở chỗ Viên Thiệu. Hai người gặp lại nhau sau khi anh em Lưu Bị đã đoàn tụ sau thất bại Từ châu.

Trận Bác Vọng

Khoảng trước năm 204,3 Triệu Vân theo Lưu Bị khởi binh từ Tân Dã đi đánh Tào Tháo, qua Nam Dương và Bác Vọng, Trường Sơn (tức núi Phương Thành), sau đó đến huyện Diệp ở phía tây nam Hứa Xương. Tướng Tào trấn thủ huyện Diệp là Hạ Hầu Đôn, Vu Cấm và Lý Điển. Lưu Bị đánh huyện Diệp không nổi phải rút lui.

Hạ Hầu Đôn mang quân truy kích, Lưu Bị đặt phục binh ở gò Bác Vọng. Triệu Vân tham chiến đánh bại Hạ Hầu Đôn và Vu Cấm, bắt sống bộ tướng của Hạ Hầu Đôn là Hạ Hầu Lan. Hạ Hầu Đôn phải lui binh, còn Lưu Bị cũng không truy kích tiếp, rút về Tân Dã.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng trận Bác Vọng diễn ra năm 208 khi Tào Tháo nam chinh hạ Kinh châu, và đây chính là trận đầu tiên Gia Cát Lượng tham gia với tư cách quân sư trong quân Lưu Bị. mưu kế ở Bác Vọng do Gia Cát Lượng dàn trận.3

Hạ Hầu Lan vốn là người cùng làng với Triệu Vân, từ nhỏ là bạn ông, vì vậy ông xin với Lưu Bị tha chết cho Lan. Lưu Bị đồng ý. Triệu Vân tuy vì bạn xin hộ nhưng không coi Hạ Hầu Lan là người thân tín, mà nói rõ cho Lan biết nguyên tắc tiến cử việc trong quân. Mọi người đều xem trọng ông là người suy xét thận trọng.4

Hai lần đoạt lại A Đẩu

Năm 208, Tào Tháo mang quân đánh chiếm Kinh châu. Lưu Bị giao tranh với Tào Tháo ở Đương Dương, Tràng Bản bị thua lớn, bỏ chạy về phía nam. Quân dân Lưu Bị chạy tan tác. Trong lúc hoảng loạn nhiều người nói Triệu Vân đã bỏ sang hàng Tào nhưng Lưu Bị một mực tin tưởng ông.

Trong lúc đó Triệu Vân còn xông pha trận địa, cứu được mẹ con Cam phu nhân (vợ Lưu Bị) và con trai nhỏ của Lưu Bị là A Đẩu (tức Lưu Thiện) ra khỏi vòng vây chạy về với Lưu Bị. Lưu Bị vô cùng cảm kích, còn những người nghĩ sai về ông rất xấu hổ.5

Tam quốc diễn nghĩa mô tả việc Triệu Vân phá vây cứu A Đẩu rất ly kỳ hấp dẫn. Người vợ đi theo trông coi A Đẩu lại không phải Cam phu nhân (mẹ đẻ A Đẩu) mà là My phu nhân (vợ cả Lưu Bị). My phu nhân trao A Đẩu cho Triệu Vân rồi tự sát để khỏi vướng chân ông. Sau đó, ông tả xung hữu đột vào đám quân Tào, giết không biết bao nhiêu là kể. "Tháo nói: - Thực là hổ tướng, ta nên bắt sống lấy. Liền sai ngươi tế ngựa đi truyền báo cho các nơi rằng: - Triệu Vân đi đến đâu, không ai được bắn lén, chỉ cốt bắt sống thôi. Nhờ lệnh ấy, Triệu Vân thoát được nạn. Đó cũng là phúc của A Đẩu nữa."6
Một lúc lâu sau, Triệu Vân phá được vòng vây trở về gặp Lưu Bị. Khi trở về, Lưu Bị đã vứt A Đẩu xuống đất mắng: "Vì mày suýt nữa ta mất một đại tướng!". Trong trận đó, ông đã giết được 50 viên tướng Tào, chặt gãy 2 lá cờ to, lấy được gươm báu Thanh Công - Thanh gươm báu mạ vàng của Tào Tháo, có thể chém gãy các loại binh khí.

Triệu Vân được phong làm Nha môn tướng quân. Ông cùng các tướng của Lưu Bị tham gia liên minh với Tôn Quyền chống Tào Tháo, đánh bại Tào Tháo ở trận Xích Bích, sau đó đánh chiếm các quận phía nam Kinh châu. Ông được giao giữ chức Thái thú quận Quế Dương thay hàng tướng Triệu Phạm.

Triệu Phạm có người chị dâu họ Phàn, ở goá 3 năm, rất xinh đẹp, muốn gả cho Triệu Vân, nhưng ông không đồng ý. Sau này Triệu Phạm bỏ trốn, Triệu Vân không bị liên lụy vì việc đó.4

Năm 213, Lưu Bị mang quân vào đánh Ích châu. Tôn phu nhân vợ mới của Lưu Bị là em gái Tôn Quyền thường tự ý dắt lính tráng theo hầu diễu võ dương oai, phạm vào pháp luật. Lưu Bị tin cậy Triệu Vân, giao ông giữ chức Tư mã ở Kinh châu, quản lý việc trong cung.

Tôn Quyền nghe tin Lưu Bị đi vắng, bèn phái một đội thuyền đến Kinh châu đón em gái về. Tôn phu nhân muốn mang theo con Lưu Bị là Lưu Thiện lúc đó mới 7 tuổi, về theo. Triệu Vân nghe tin, vội cùng Trương Phi mang quân ra chặn sông, khuyên Tôn phu nhân ở lại nhưng Tôn phu nhân không nghe. Hai tướng đành để Tôn phu nhân đi, nhưng buộc phu nhân để lại A Đẩu.

Vào Tây Xuyên

Năm 214, việc đánh chiếm Ích châu gặp khó khăn, Lưu Bị phải quay về ải Hà Manh. Triệu Vân được lệnh cùng Trương Phi, Gia Cát Lượng mang quân vào Tây Xuyên trợ chiến. Ông cùng Gia Cát Lượng và Trương Phi đánh về phía tây, bình định các huyện. Khi đến Giang châu,7 Triệu Vân từ Mân Giang tiến lên Giang Dương rồi vào hội binh với Gia Cát Lượng ở Thành Đô.

Sau khi chiếm được Giang châu, Trương Phi cùng Gia Cát Lượng đi theo đường phía bắc, còn Triệu Vân cầm cánh quân đi theo đường phía nam, cùng hội ở Lạc Thành. Ông theo đường phía tây nam xuống chiếm Giang Dương, tiến vào quận Kiện Vi, rồi lên phía bắc qua Nội Giang, Tư Trung, Giản Dương. Sau đó Triệu Vân hội binh với Trương Phi và Gia Cát Lượng cùng giúp Lưu Bị đánh hạ Lạc Thành.

Lưu Chương đầu hàng. Lưu Bị giành được Tây Xuyên, Triệu Vân được phong làm Dực quân tướng quân. Nhiều người kiến nghị chia nhà cửa, ruộng vườn ở Thành Đô làm phần thưởng cho các tướng. Triệu Vân phản đối, ông nói:4

Xưa kia Hoắc Khứ Bệnh diệt Hung Nô mà nhà cửa không có. Nay quốc tặc không như Hung Nô, chúng ta không nên tham sự yên ổn. Đợi đến khi bình định được thiên hạ, chúng ta ai nấy trở về trồng dâu cấy lúa trên đất của mình, thế mới phải. Trăm họ Ích châu vừa trải qua loạn lạc, ruộng vườn nên trả cho họ cày cấy làm ăn. Như thế chúng ta mới làm họ yên lòng và mới trưng dụng được sức người sức của họ được

Lưu Bị nghe theo, nhờ vậy Ích châu được ổn định dưới chính quyền mới.

Đánh lui quân Tào

Năm 219, Lưu Bị mang quân đánh sang Hán Trung mà Tào Tháo vừa chiếm của Trương Lỗ. Trận đầu Hoàng Trung đánh bại giết chết tướng Tào là Hạ Hầu Uyên. Tào Tháo khởi 20 vạn quân sang Đông Xuyên, vận theo rất nhiều lương thảo.

Hoàng Trung cho rằng có thể đánh cướp lấy lương thực của Tào Tháo, bèn mang quân đánh. Quá thời gian định ước với nhau và chưa thấy Hoàng Trung trở về, Triệu Vân bèn mang vài chục kị binh đi thám thính, đúng lúc chạm trán với quân Tào. Gặp quân Tào đông đảo nhưng ông không sợ hãi, cùng các kị binh phá vỡ vòng vây. Quân Tào khiếp sợ không dám lại gần, Triệu Vân vừa đánh vừa lui. Quân Tào thấy Triệu Vân ít người, ào ào đuổi theo, Triệu Vân cố sức đánh lui nhiều đợt truy kích của quân Tào, ngoảnh lại thấy bộ tướng Trương Trứ còn mắc trong vòng vây, lại đánh vào trong hàng ngũ quân Tào, cứu được Trương Trứ cùng thoát ra, trở về trại.8

Trong trại quân Thục, Miêu dương trưởng là Trương Ký thấy quân Tào đánh đến trại, đề nghị đóng chặt cổng lại để thế thủ, nhưng Triệu Vân không nghe theo, đề nghị mở toang cổng trại, lệnh cho quân sĩ im hơi lặng tiếng. Quân Tào đuổi đến nơi, thấy trại quân Thục không cờ không trống, nghi là có phục binh nên rục rịch rút về. Quân Tào vừa quay lưng, Triệu Vân lập tức truyền lệnh, quân Thục nhất loạt bắn tên ra, còn Triệu Vân hạ lệnh thúc trống, tù và ầm ĩ. Quân Tào sợ bị đuổi riết vội xô nhau chạy một mạch tới bờ sông Hán Thủy, dẫm đạp lên nhau, bị rơi xuống sông chết khá nhiều.9

Hôm sau, Lưu Bị đến tận nơi, hết lời khen ngợi ông. Từ đó trong quân gọi ông là "Hổ uy tướng quân".

Can gián đánh Ngô

Tôn Quyền tập kích Kinh châu, Quan Vũ bị bắt và bị sát hại. Lưu Bị giận dữ khởi đại quân đi báo thù. Triệu Vân khuyên Lưu Bị:10

Giặc nước là Tào Tháo chứ không phải Tôn Quyền. Hơn nữa, nếu diệt được Tào Tháo, Tôn Quyền ắt phải thần phục. Hiện nay tuy Tào Tháo đã chết, nhưng con là Tào Phi lại cướp ngôi nhà Hán. Chúng ta hãy thuận theo lòng dân hãy chiếm lấy Quan Trung, giữ chặt vùng thượng du Vị Thủy, Hoàng Hà mà thảo phạt nghịch tặc. Như vậy các nghĩa sĩ ở Quan Đông sẽ kéo nhau đến tiếp vương sư. Nay ta gạt Ngụy sang một bên để đánh Ngô, chỉ sợ vừa mới đánh nhau đã không sao rút ra nổi

Lưu Bị không nghe theo, thân chinh khởi binh đánh Ngô, để Triệu Vân ở lại giữ Hán Trung. Năm 222, Lưu Bị đại bại ở Hào Đình, Triệu Vân mang quân đến Vĩnh An tiếp ứng đón rước, quân Ngô lui về.

Thời Lưu Thiện

Lưu Bị mất, ông tiếp tục phục vụ Lưu Thiện. Năm 223, Triệu Vân được Lưu Thiện phong làm Trung hộ quân, Chinh nam tướng quân, Vĩnh Xương đình hầu, sau đó thăng lên Trấn đông tướng quân.

Năm 227, Triệu Vân cùng thừa tướng Gia Cát Lượng tập kết quân đội ở Hán Trung chuẩn bị đánh Ngụy, Triệu Vân theo ra chiến dịch.

Năm 228, Gia Cát Lượng ra quân, Triệu Vân được cử đi cùng Đặng Chi mang ít quân ra Tà Cốc, còn mình khởi đại quân ra Kỳ Sơn. Trong lúc Nhai Đình thất thủ khiến Gia Cát Lượng phải lui đại quân về Hán Trung thì Triệu Vân và Đặng Chi cũng chỉ có ít quân, bị Tào Chân đánh bại ở Cơ Cốc phải rút về. Triệu Vân đi chặn hậu, quân Thục rút lui có kỷ luật.

Về nước, ông được phong chức thành Định quân tướng quân.9 Gia Cát Lượng thấy ông không để tổn thất quân sĩ, cho phép ông lấy vải vóc để thưởng cho quân, nhưng ông từ chối vì đội quân của ông đã để thua trận không đáng nhận thưởng.

Qua đời

Năm 229, Triệu Vân bị bệnh mất ở Hán Trung, quân sĩ nước Thục vô cùng nuối tiếc. Mãi tới năm 260, Lưu Thiện mới truy phong cho các tướng đã quá cố, thì 4 vị Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung đều được truy tặng tước hầu, chỉ có Triệu Vân không ở trong số đó.

Đại tướng quân Khương Duy và một số tướng lĩnh tỏ ra bất bình với Lưu Thiện về việc này, đề nghị phải truy phong cho ông.11 Sang năm 261, Lưu Thiện mới truy phong ông làm "Thuận Bình hầu" (順平侯).

Miếu thờ và tượng Triệu Vân tại Chính Định, Hà Bắc, Trung Quốc

Triệu Vân có hai con trai là Triệu Thống và Triệu Quảng. Người con thứ hai là thuộc cấp của Khương Duy và chết tại trận Đạp Trung.

Nhận định

Triệu Vân là tướng có uy dũng ngoài mặt trận, còn trong màn trướng, ông là người chính trực, lâm sự bình tĩnh, một lòng vì nước, rất được lòng mọi người. Trong việc chính sự, Triệu Vân cũng được xem là người có tư duy nhạy bén, suy nghĩ thấu đáo.12

Trong Tam quốc diễn nghĩa

Triệu Vân trong trận Trường Bản

Triệu Vân trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung được mệnh danh là một trong "ngũ hổ tướng" của Lưu Bị. Nhưng các sử gia khẳng định Triệu Vân không được đứng ngang hàng với 4 vị tướng kia:13 Khi Lưu Bị xưng vương đã phong 4 chức vụ quân sự cao nhất cho 4 người: Quan Vũ là Tiền tướng quân, Trương Phi là Hữu tướng quân, Mã Siêu là Tả tướng quân và Hoàng Trung là Hậu tướng quân, còn Triệu Vân chỉ là Dực quân tướng quân đứng dưới 4 người đó. Điều này gây khó hiểu cho chính các sử gia.14 Thật ra, dưới quyền Lưu Bị đương thời không có ngũ hổ tướng, khái niệm này do nhà văn La Quán Trung theo dân gian truyền lại mà đặt ra.13 15

Hình ảnh Triệu Vân trong Tam quốc diễn nghĩa luôn được mô tả là viên tướng đánh trận dũng mãnh, quả cảm nhưng chắc chắn, tận tụy. Đặc biệt chân dung Triệu Vân nổi bật trong trận Đương Dương Tràng Bản một mình cưỡi Bạch Long mã phá vây hàng vạn quân Tào, chém gãy 2 lá cờ to, giết 50 danh tướng quân Tào, lấy được thanh gươm báu Thanh Công - Thanh gươm báu mạ vàng của Tào Tháo, có thể chém gãy các loại binh khí. Bài thơ về Triệu Vân cứu chúa trong trận Đương Dương - Trường Bản:

Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng
Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng
Xưa nay cứu chúa xông trăm trận
Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long

Về tuổi tác Triệu Vân, La Quán Trung nói mang tính ước lệ. Một mặt ông luôn được mô tả là người trẻ trung, các nhà làm phim Tam Quốc diễn nghĩa cũng xếp tuổi ông dưới Lưu Quan Trương và để Lưu Thiện gọi ông là "chú Tư", gương mặt ông trong điện ảnh thời Lưu Bị còn sống luôn thanh niên tráng kiện. Nhưng khi ông theo Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn lần thứ nhất năm 228, La Quán Trung lại nói Triệu Vân đã 60 tuổi; theo đó tính ngược lại thì Triệu Vân sinh năm 168.

Văn hóa

Triệu Vân là hiện tượng đặc trưng nổi bật tại Trung Quốc phổ biến trong văn hóa, văn học, nghệ thuật và những giai thoại. Triệu Vân là một anh hùng nổi tiếng từ thời kỳ Tam Quốc, được dân gian khai thác truyền qua nhiều thế kỷ. Ông trở thành một cái tên quen thuộc do sự phổ biến của cuốn tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa.

Tôn giáo

Triệu Vân đôi khi xuất hiện như một vị thần cửa trong ngôi đền Trung Quốc và đạo giáo ở Hà Nam, cùng với người anh vợ là Mã Siêu.

Dân gian

Một câu truyện dân gian Trung Quốc nói về cái chết của Triệu Vân không được đề cập trong Tam quốc diễn nghĩa. Trong câu chuyện này, Triệu Vân không bao giờ bị thương trong trận chiến trước đây, vì vậy không có vết sẹo nào trên cơ thể của mình. Một ngày, trong khi ông đang tắm, vợ ông nghịch ngợm châm ông với một cây kim may. Triệu Vân bắt đầu chảy máu đầm đìa và cuối cùng chết vì sốc.

Phim và truyền hình

Năm 2008, Phim Hongkong Tam Quốc: Sự phục sinh của Rồng dựa trên câu chuyện trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Nó được đạo diễn bởi Lý Nhân Cảng và ngôi sao Hongkong Lưu Đức Hoa vào vai "Triệu Tử Long". Diễn viên đại lục Hồ Quân miêu tả Triêu Vân trong Đại chiến Xích Bích của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, phần 2 của trận chiến sử thi trong phim Đại Chiến Xích Bích.

Những diễn viên đáng chú ý đã đóng vai Triệu Vân trong loạt phim truyền hình bao gồm:

Trương Sơn, Dương Phàm, Hầu Vĩnh Sinh trong Tam quốc diễn nghĩa (1994).

Nhiếp Viễn trong Tam Quốc diễn nghĩa (2010).

Ban Kiệt trong Chung Cực Tam Quốc.

Lâm Canh Tân trong Võ thần Triệu Tử Long (2016).

Trò chơi

Triệu Vân là một trong 5 hổ tướng được hầu hết người chơi chiêu mộ trong NES RPG Destiny of an Emperor.

Triệu Vân là nhân vật mở mặc định trong dòng game Koei's Dynasty WarriorsWarriors Orochi. Ông thường xuất hiện nổi bật trên trang bìa của mỗi tiêu đề, và thường xuyên nhấtđược sử dụng bởi các nhà phát triển trong ảnh chụp màn hình và các tài liệu quảng cáo cho bản phát hành sắp tới. Ông xuất hiện trong dòng game chiến thuật Koei's Romance of the Three Kingdoms.

Trang phục Xin Zhao Triệu Tử Long trong game Liên Minh Huyền Thoại được thiết kế dựa trên nhân vật Triệu Vân.

Triệu Vân cũng có mặt trong game Lost Saga.

Triệu Vân còn là 1 tướng thuộc loại đấu sĩ trong game Liên Quân Mobile(Vương giả vinh diệu)

Xem thêm

  • Lưu Bị
  • Gia Cát Lượng
  • Trận Trường Bản
  • Ngũ hổ tướng (Tam Quốc diễn nghĩa)

Tham khảo

  • Trần Thọ, Tam quốc chí, bản Thục thư
  • La Quán Trung, Tam quốc diễn nghĩa
  • Tư mã Quang, Tự trị thông giám
  • Lê Đông Phương, Vương Tử Kim (2007), Kể chuyện Tần Hán, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Lê Đông Phương (2007), Kể chuyện Tam Quốc, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân (2006), Tướng soái cổ đại Trung Hoa, tập 1, Nhà xuất bản Thanh niên.
  • Dịch Trung Thiên (2010), Phẩm Tam Quốc, tập 2, Nhà xuất bản Công an nhân dân.

Chú thích

  1. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 645
  2. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 646
  3. ^ a ă Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 111. Các sử gia căn cứ theo truyện Lý Điển. Lý Điển tham gia trận này trước trận Nghiệp Thành (204). Gia Cát Lượng đến theo Lưu Bị từ năm 207
  4. ^ a ă â Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 650
  5. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 647
  6. ^ “Tam Quốc Diễn Nghĩa hồi 41”. 
  7. ^ Nay là Giang Bắc, Tứ Xuyên
  8. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 648
  9. ^ a ă Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 649
  10. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 651
  11. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 239
  12. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 649-650
  13. ^ a ă Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 253
  14. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 254-255
  15. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 195, 241

(Nguồn: Wikipedia)