Phạm Tử Nghi (范子儀, 1509-1551) là tướng nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam, người làng Vinh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương – nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, Việt Nam.

Thiên lôi

Phạm Tử Nghi vốn có tên là Thành. Phạm Tử Nghi là người có sức khoẻ phi thường, được dân làng gọi là Thiên lôi.

Phạm Tử Nghi từng đắp con đê dài khoảng 3 dặm, lại đặt 2 ụ đất cao 5 thước ở hai đầu trên mặt đê; sau đó ông cầm gậy chạy đến chỗ ụ đất hét đánh một cái thì quét sạch đất. Đến thời Nguyễn, đê vẫn còn, hằng năm dân sở tại bồi đắp đê để ngăn nước mặn. Theo Đại Nam nhất thống chí, con đường gần chỗ Phạm Tử Nghi đắp đê xưa kia, ở địa phận hai xã An Dương và Vĩnh Niệm gọi là đường Thiên Lôi mang biệt hiệu của ông1 .

Phò Mạc Chính Trung

Phạm Tử Nghi lớn lên giữa lúc nhà Hậu Lê đổ nát vì chính trường và loạn lạc. Năm 1527, Mạc Đăng Dung giành ngôi nhà Hậu Lê.

Nhờ tài năng xuất chúng, Phạm Tử Nghi được nhà Mạc thu dụng, dần dần được cất nhắc làm Thái uý, tước Tứ Dương hầu.

Năm 1533, Nguyễn Kim tái lập nhà Hậu Lê, tạo thành thế đối lập Nam – Bắc với nhà Mạc.

Tháng 6 năm 1546, Mạc Hiến Tông mất, con ruột là Mạc Phúc Nguyên còn nhỏ tuổi. Hoàng thân Mạc Kính Điển (em Hiến Tông) cùng thái sư Nguyễn Kính muốn tôn lập Mạc Phúc Nguyên nhưng Phạm Tử Nghi phản đối. Ông cho rằng2 :

Hiện nay trong nước đang lúc nhiều nạn3 , nên lập vua lớn tuổi. Hoằng vương Chính Trung4 đã nhiều phen cầm quân và thường thắng trận, vậy xin dựng lên ngôi

Ý kiến đó của ông không được Mạc Kính ĐiểnNguyễn Kính chấp thuận, bởi thế trong triều nảy sinh mâu thuẫn. Phạm Tử Nghi bèn cùng cháu Mạc Thái Tổ là Mạc Văn Minh và các thủ hạ đưa Mạc Chính Trung về Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (Thái Bình) lập triều đình riêng.

Mạc Phúc Nguyên được Mạc Kính Điển lập làm vua, tức là Mạc Tuyên Tông. Trước thế mạnh của phe Tử Nghi, Tuyên Tông lo lắng bỏ Thăng Long về Kim Thành (Hải Dương), Mạc Kính ĐiểnNguyễn Kính hợp binh mấy lần đánh Phạm Tử Nghi đều bị thất bại.

Đẩy lui được những cuộc tấn công của Mạc Kính Điển, Phạm Tử Nghi mang quân về đánh Thăng Long nhưng đều bị Kính Điển kiên cường chống trả. Ông bị hao binh tổn tướng, không thể chiếm được thành, phải đem Mạc Chính Trung chạy ra chiếm cứ Yên Quảng (Quảng Ninh) và thường kéo về cướp phá Hải Dương.

Năm 1547, Mạc Kính Điển phối hợp với Phụng quốc công Lê Bá Ly đánh bại được Tử Nghi.

Đánh phá Trung Quốc

Sau trận thua đó, Mạc Chính Trung và Mạc Văn Minh mang gia thuộc chạy sang Khâm châu quy phụ nhà Minh, còn Tử Nghi thu thập tàn quân trốn ra Hải Đông. Chính Trung muốn nương nhờ Trung Quốc nhưng Tử Nghi phản đối chủ trương dựa vào Trung Quốc, ông bèn nảy ý định đánh phá Lưỡng Quảng và đòi lại Chính Trung5 .

Trước tình thế Chính Trung đã ở trong tay người Minh, ông bèn phao tin rằng Mạc Phúc Nguyên đã chết và muốn đón Chính Trung về nối ngôi. Sau đó Phạm Tử Nghi mang quân đánh phá Khâm châu và Liêm châu.

Minh sử ghi nhận: "Mạn Lĩnh Hải náo động". Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư: "Tử Nghi trốn vào đất Minh, thả quân đi bắt người cướp của ở Quảng Đông, Quảng Tây, người Minh không thể kìm chế được"6

Tổng đốc Quảng Đông là Âu Dương Tất Tiến sai tham tướng Khâm châu là Đại Dư mang quân ra chống Tử Nghi. Đại Dư đến Liêm châu, Tử Nghi đánh thành rất gấp. Đại Dư thấy quân thuỷ nhà Minh chưa đến, bèn sai kỵ binh đến dụ Tử Nghi hàng và tung tin đại quân nhà Minh sắp đến. Sau đó Dư đặt phục binh ở núi Quan Dâu. Phạm Tử Nghi lại quay sang đánh Khâm châu, Đại Dư chặn đánh, cướp được nhiều thuyền, đuổi đánh quân Tử Nghi trong vài ngày và bắt sống được em ông là Phạm Tử Lưu. Trận này Tử Nghi bị thiệt hại 1200 người và chạy về Vân Đồn.

Kết cục

Sử sách chép về cái chết của ông khá sơ lược. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, việc Phạm Tử Nghi đánh phá Trung Quốc khiến nhà Minh sai người sang trách nhà Mạc. Nhà Mạc bèn sai kẻ dưới quyền lừa bắt được Tử Nghi và đem chém. Mạc Chính Trung bỏ chạy sang Trung Quốc và bị giết. Nhà Mạc sai người mang đầu ông nộp cho nhà Minh, đi đến đâu thường phát sinh ôn dịch, người và súc vật bị chết nên người Minh bèn trả lại đầu ông cho nhà Mạc6 .

Theo Ngọc phả Nam Hải đại vương, trong khi Tử Nghi đang thắng trận thì nhà Minh dùng chước sai người bắt cóc mẹ ông và ra điều kiện cho ông phải đầu hàng. Tử Nghi bèn xin giảng hoà để tạm bãi binh nhằm cứu mẹ. Nhưng khi ông đến hội ước giảng hoà thì người Minh liền bắt ông. Sau đó quân Minh chém ông, còn xác thì đốt thành tro, rắc cho gió thổi bay. Ngọc phả cũng chép tình tiết quanh vùng Tử Nghi bị chém, phát sinh ôn dịch, người và súc vật bị chết nên nhà Minh phải hậu táng cho ông7 .

Sử sách chép không thống nhất về thời gian chết của Phạm Tử Nghi. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ông bị hại vào năm 1551; theo Đại Việt thông sử thì ông mất năm 1549.

Theo Ngọc phả Nam Hải đại vương8 thì ông mất ngày 14 tháng 9 âm lịch niên hiệu Diên Thành đời Mạc Mậu Hợp (1578-1585). Dân làng quê hương ông vẫn lấy ngày 14 tháng 9 âm lịch là ngày giỗ Phạm Tử Nghi7 .

Theo Minh thực lục, đầu tháng 11 năm 1551, quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Âu Dương Tất Tiến (Ou-yang Bi-jin - (歐陽必進) theo lệnh đã tặng thưởng cho người của Mạc Phúc Nguyên vì giúp bắt giữ Phạm Tử Nghi.9 Sử nhà Minh cũng cho biết Mạc Phúc Nguyên giết và mang đầu Tử Nghi mang sang cho nhà Minh.10

Tưởng nhớ

Dù là tướng phục vụ nhà Mạc, vương triều đối nghịch với nhà Lê thắng trận sau này và bị coi là nguỵ triều, Phạm Tử Nghi vẫn được các triều đại Lê, Nguyễn sắc phong11 .

Sắc phong đời Cảnh Trị (Lê Huyền Tông) năm 1670 ghi:

Có công giữ nước giúp dân, có ơn đức rất mực, đã cất quân dấy nghiệp, chức Nam Dương Đông nguyên soái, tóm thâu, làm Tiết chế cả mọi dinh thuỷ bộ của hai nước ở khắp nơi, phò mã đô uý, tước Thành quốc công, phong là Nam Hải linh ứng đại vương.

Trong đền thờ Phạm Tử Nghi có câu đối đề:

Tướng Mạc, thần Lê, danh bất hủ
Cừu Minh, hận Hán, tiết di cao

Dịch nghĩa:

Tướng Mạc, thần Lê, tên còn mãi
Thù Minh ghét Hán khí tiết cao

Phạm Tử Nghi được nhân dân thờ phụng tại Đền Kiến Ốc, xã Khánh Trung và Đền Hải Đức trên bờ đê sông Đáy thuộc xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Chú thích

  1. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 498-499
  2. ^ Đại Việt thông sử, truyện Mạc Phúc Nguyên
  3. ^ Chỉ cuộc chiến với nhà Lê
  4. ^ Con thứ của Mạc Đăng Dung, chú của Hiến Tông
  5. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 504
  6. ^ a ă Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 16
  7. ^ a ă Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 505
  8. ^ Ngọc phả tại miếu Đôn Nghĩa, xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải, Hải Phòng
  9. ^ Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/entry/3089, accessed July 13, 2016.
  10. ^ Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/entry/3109, accessed July 13, 2016.
  11. ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 505-506

Xem thêm

Tham khảo

  • Đại Việt thông sử
  • Đại Việt Sử ký Toàn thư
  • Nhiều tác giả (1995), Nhà Mạc và vấn đề nguỵ triều trong sử sách, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin

(Nguồn: Wikipedia)