Phạm Thế Hiển (范世顯,1 1803–1861) là một danh thần đời Minh Mạng, chết trong trận Pháp công phá đại đồn Chí Hòa năm 1861. Ông là anh ruột Phó bảng Phạm Thế Húc.

Tiểu sử

Ông quê ở làng Luyến Khuyết, huyện Đông Quan - tỉnh Nam Định thời nhà Nguyễn (nay là xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đỗ Cử nhân năm Mậu Tý 1828, năm sau Kỷ Sửu 1829 đỗ Tam giáp Đồng tiến sĩ2 . Vì thế dân gian thường gọi ông là "Ông Nghè Luyến Khuyết".

Trong quá trình làm quan, ông nổi tiếng cương trực, được vua Tự Đức tin dùng và lần lượt giữ chức Tham tri bộ Binh, bộ Hình... Năm 1858, khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, Phạm Thế Hiển, khi đó đang là Tổng đốc Định Biên 3 đã được cử sang giữ chức vụ Tham tán Đại thần Quân thứ Quảng Nam (trông coi việc biên phòng tỉnh Quảng Nam), được Tự Đức cử làm Phó tướng cho Nguyễn Tri Phương.

Năm 1860 ông về qu­ê thăm mẹ ốm nặng.Tại đây ông đã tìm gặp Phạm Huy Quang và đốc học Phạm Văn Nghị kêu gọi văn thân sĩ phu trong tỉnh dâng biểu xin đánh Tây củng cố lòng tin của vua Tự Đức sau đó ông lại về Gia Định tiếp tục chỉ huy đánh Pháp

Sau khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông được cử giữ chức vụ Quân thứ Gia Định, cùng vào Nam với Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương, ra sức xây dựng Đại đồn Chí Hòa để bao vây và bức rút quân Pháp như chiến thuật đã dược vận dụng tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, cuối năm Tân Dậu 1861, sau thời gian chuẩn bị kỹ càng, quân Pháp tấn công mãnh liệt đại đồn Chí Hòa. Đại đồn chỉ giữ được hơn một ngày thì bị thất thủ. Nguyễn Tri Phương phải lui quân về giữ Biên Hòa. Riêng Phạm Thế Hiển thì bị trọng thương và mất sau đó không lâu, hưởng dương 58 tuổi.

Xem: Trận Đại đồn Kỳ Hòa

Tham khảo

  1. ^ Việt Nam sử lược/Quyển II/Cận kim thời đại/Chương VII
  2. ^ Quốc triều khoa bảng lục
  3. ^ Đại Nam thực lục, tập 7, đệ tứ kỷ quyển XIX, trang 579.

(Nguồn: Wikipedia)