Cảnh Thịnh Đế 景盛帝 | |
---|---|
Vua Việt Nam (chi tiết...) | |
Hoàng đế Đại Việt | |
Trị vì | 1792 – 1802 |
Tiền nhiệm | Quang Trung |
Kế nhiệm | Nhà Tây Sơn sụp đổ |
Thông tin chung | |
Thê thiếp | Lê Ngọc Bình |
Tên húy | Nguyễn Quang Toản (阮光纘) |
Niên hiệu |
|
Triều đại | Nhà Tây Sơn |
Thân phụ | Quang Trung |
Thân mẫu | Phạm Thị Liên hoặc Bùi Thị Nhạn 1 |
Sinh | 1783 |
Mất | 1802 (18–19 tuổi) |
Nguyễn Quang Toản (chữ Hán: 阮光纘, 1783 – 1802) hay Cảnh Thịnh hoàng đế (景盛皇帝), là con trai thứ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Ông lên ngôi tháng 8 năm 1792 khi mới 9 tuổi, sau khi Nguyễn Huệ mất, năm sau đổi niên hiệu thành Cảnh Thịnh. Tháng 8 năm 1801 ông đổi niên hiệu thành Bảo Hưng. Nguyễn Quang Toản là Hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn nhánh Nguyễn Huệ và cũng là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại này.
Cảnh Thịnh sau khi lên ngôi thì bị họ ngoại chuyên quyền, trong đó có cậu họ là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Vua Quang Toản nhỏ tuổi, không có kinh nghiệm nên không giữ được việc triều chính, làm cho các đại thần quay sang giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính suy vi và đây là cơ hội cho Nguyễn Ánh tấn công để giành lại chính quyền chỉ sau một thời gian rất ngắn.
Nội bộ lục đục
Khi vua Quang Toản mới lên ngôi thì mới có 9 tuổi, không có khả năng nắm việc triều chính. Cậu họ là Bùi Đắc Tuyên làm thái sư rất chuyên quyền, còn Ngô Văn Sở khi đó trấn giữ thành Thăng Long, coi hết việc quân dân, được thăng chức đại tổng lý, tước quận công.
Năm 1794, Cảnh Thịnh sai Vũ Văn Dũng ra coi binh mã bốn trấn Bắc Hà. Dũng đến trạm Hoàng Giang, gặp trung thư lệnh Trần Văn Kỷ phạm tội bị đày ở đó, Kỷ nói với Dũng rằng:
- Quan thái sư chức vị đã cao tột bực, trong tay nắm quyền làm oai làm phúc, lại đẩy ông ra ngoài, nếu có sự chẳng lợi cho nhà nước, các ông phỏng còn giữ được đầu chăng? Bây giờ chẳng sớm liệu đi, sau này ăn năn sao kịp?
Dũng tin và trọng Kỷ, nên cho lời Kỷ là phải. Hôm sau, Dũng đem quân bản bộ quay về, hợp mưu với thái bảo Hóa, bắt phe đảng Đắc Tuyên bỏ ngục; lại sai người vào Quy Nhơn bắt Bùi Đắc Trụ2 (con Bùi Đắc Tuyên) và sai đô đốc Hài ra thành Thăng Long lập mưu bắt Ngô Văn Sở đưa về, thêu dệt thành tội trạng làm phản để dìm xuống nước cho chết hết3 . Sau đó, Dũng lại sai Hóa vào giữ thành Quy Nhơn.
Trần Quang Diệu đang ở Nha Trang thì được tin cha con Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở đều đã bị Vũ Văn Dũng giết chết, sợ vạ lây đến mình, bèn kéo quân về, họp bàn cùng bọn tướng tá, định dùng quân lực bắt Vũ Văn Dũng. Ngay lập tức Diệu giải vây cho thành Nha Trang rồi kéo quân về thành Quy Nhơn để sau đó tiếp tục về kinh đô Phú Xuân (Huế). Về tới làng Yên Cựu ở phía nam kinh thành, trên bờ sông Hương, Diệu đóng quân ở bờ nam sông. Dũng cùng bọn nội hầu Tứ đem quân bản bộ đóng ở bờ bắc sông, mượn lệnh vua để chống lại với Diệu.
Vua Quang Toản phải sai các trung sứ qua lại vỗ về hoà giải, Quang Diệu mới chịu đem tả hữu vào yết kiến Cảnh Thịnh và giảng hòa với Vũ Văn Dũng; kế đó Diệu lại xin cho gọi Hóa về và xin cho Lê Trung thay chân Hóa, trấn giữ Quy Nhơn.
Khi ấy, các cận thần ở bên Cảnh Thịnh gièm pha rằng oai quyền của Diệu quá lớn, đang toan có mưu khác. Toản tin là thật, liền rút hết binh quyền của Diệu, chỉ cho giữ một chức quan vào hàng thị thần mà thôi. Quang Diệu vốn tương đắc với Lê Trung, nên gửi mật thư vào Quy Nhơn, hẹn Trung cất quân lập Nguyễn Quang Thiệu (con Nguyễn Huệ, anh Cảnh Thịnh) làm vua. Trung theo lời kéo quân về, Quang Thiệu đem quân tiếp ứng phía sau.
Quân của Trung về đến Quảng Nam, vua Quang Toản sai Diệu đi bảo Trung lui quân. Trung không thông báo cho Quang Thiệu mà một mình một ngựa theo Diệu về yết kiến Cảnh Thịnh. Quang Thiệu sợ hãi phải rút quân về Quy Nhơn, đóng chặt cửa thành để cố thủ.
Nguyễn Quang Toản sai tướng đến đánh liên tiếp mấy tuần không hạ được, tự mình làm tướng đem quân đi. Đến Lê Giang, thái phủ tên là Mân tâu với Toản rằng:
- Cuộc biến loạn Quang Thiệu thực do Lê Trung gây nên, tội không thể tha, xin giết ngay để răn kẻ khác.
Cảnh Thịnh nghe theo và cho vời Trung vào dinh, sai võ sĩ trói lại đem chém. Con rể Lê Trung là đại đô đốc Lê Chất hận việc giết cha vợ nên đầu hàng Nguyễn Ánh. Sau đó, Toản tiến đánh Quy Nhơn, mười ngày sau hạ được thành, bắt Quang Thiệu cùm đưa về, dùng thuốc độc giết chết. Toản để Mân ở lại giữ thành Quy Nhơn.
Bại trận và sụp đổ
Năm 1793, đại quân của Nguyễn Ánh từ Gia Định kéo ra đánh Tây Sơn vương (Nguyễn Nhạc) ở thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc sai người đến chỗ Cảnh Thịnh xin cứu viện. Cảnh Thịnh cho Trần Quang Diệu làm Đại Tổng quản, Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn đem quân cứu Nguyễn Nhạc. Quân của Nguyễn Ánh rút về. Các tướng của vua Quang Toản chiếm luôn thành trì, kê biên tài sản của Nguyễn Nhạc. Tháng 8 năm này, Nguyễn Nhạc uất hận mà qua đời, con cả là Nguyễn Bảo được tập tước nhưng bị các tướng của Cảnh Thịnh chia quân giữ thành và an trí ra huyện Phù Ly. Nhà Tây Sơn nhánh Nguyễn Nhạc chấm dứt từ đó.
Năm 1794, Cảnh Thịnh sai Bùi Đắc Trụ làm tán nghị, vào Quy Nhơn trấn giữ thành và lấy Quang Diệu làm thống suất, lĩnh đại quân tiến đánh thành Nha Trang. Bảy tướng từ Lê Văn Trung trở xuống đều được gia phong làm quận công quản binh và nghe theo lệnh chỉ huy của Quang Diệu. Diệu tiến sát thành Nha Trang, mà quân tuần tiễu thì đã đến địa phận Bình Thuận. Quân nhà Nguyễn hết sức chống giữ khiến Diệu không thể thắng nổi. Giai đoạn này, quân Tây Sơn luôn luôn tấn công miền Nam đã thuộc quyền Nguyễn Ánh, quân hai bên chống chọi với nhau đến hàng năm.
Năm 1795, các tướng Tây Sơn lại lục đục. Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và lừa giết Ngô Văn Sở. Trần Quang Diệu cũng bị nghi ngờ nên rút quân về. Hai tướng Quang Diệu và Văn Dũng giảng hoà
Sau đó Lê Chất làm phản theo Nguyễn Ánh, đem quân đánh nhau với tướng Tây Sơn là Mân (Mân Thành hầu Lê Văn Ứng?). Quân của Mân thua trận, Mân phải chạy vào núi rừng mà trốn; quân, voi, khí giới đều bị Chất thu sạch. Vua Quang Toản nghe tin, lại sai Đại Tư Vũ Tuấn (Đại Đô đốc Trần Danh Tuấn?) dẫn binh tới trấn, chiêu tập tàn quân để đóng giữ.
Năm 1800, quân Nguyễn Ánh vượt biển ra đánh, Thiếu úy Trương Tấn Thúy, Binh bộ Thượng thư Nguyễn Đại Phác, Tổng quản Lê Văn Thanh không chống nổi, dâng thành xin hàng. Chúa Nguyễn đổi thành Quy Nhơn làm trấn Bình Định, sai Võ Tánh đem quân đóng giữ. Cảnh Thịnh sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem quân thủy, bộ vây đánh thành này. Năm 1801, thủy quân Tây Sơn bị quân Nguyễn Ánh đánh bại, tàu lớn và chiến thuyền đều bị thiêu hủy. Vũ Văn Dũng lên bộ, hợp quân với Trần Quang Diệu tiếp tục vây Quy Nhơn.
Ngày 3 tháng 5 âm lịch năm 1801, nhận thấy quân tinh nhuệ của Tây Sơn đều ở cả Quy Nhơn mà lực lượng ở Phú Xuân (Huế) thì rất yếu ớt, Nguyễn Ánh đốc suất toàn bộ thuỷ quân và trên 1.000 chiến thuyền, thuận theo gió nam vượt biển ra phía bắc, đánh thẳng vào cửa Thuận An. Quân Tây Sơn địch không nổi và tan vỡ. Cảnh Thịnh đốc hết tướng sĩ, tự mình cầm quân tới đánh nhau với quân Nguyễn. Gần trưa, quân Tây Sơn đại bại, vỡ chạy tan tác. Quân chúa Nguyễn chiếm lại đô thành.
Sau khi thua trận, Nguyễn Quang Toản chạy ra Nghệ An ở lại vài ngày, rồi ra Thăng Long hội họp tướng sĩ, lo việc chống giữ. Tháng 8 năm đó, vua Quang Toản ở Thăng Long đổi niên hiệu Cảnh Thịnh làm năm đầu niên hiệu Bảo Hưng. Tháng 11, vua đem quân và voi của 6 trấn Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc, Thanh Hoa, Nghệ An vào đánh, nhưng bị quân nhà Nguyễn đánh thua, lại phải rút về.
Mùa xuân năm 1802, quân nhà Nguyễn qua sông Gianh tiến đánh, hạ được đồn Tâm Hiệu thuộc châu Bố Chính. Quân Tây Sơn tan vỡ, chạy về doanh Hà Trung trong hạt Kỳ Anh. Tháng 5 năm này, Nguyễn Ánh hạ chiếu đổi niên hiệu làm năm đầu niên hiệu Gia Long.4
Cùng thời gian này, Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng mới hạ được thành Quy Nhơn. Sau khi đã hạ thành, Diệu liền đem quân về đánh Phú Xuân. Khi Diệu đem quân ra khỏi địa giới Quy Nhơn thì bị tướng của nhà Nguyễn là Đắc Lộc hầu chặn lại. Quân của Trần Quang Diệu đánh phá nửa ngày nhưng không thể hạ được, với vô số người chết và bị thương. Diệu đành đem quân theo đường núi vào Ai Lao, định ra Nghệ An. Được tin,Nguyễn Ánhlập tức cắt đặt các tướng, thống lĩnh các đạo quân thuỷ bộ, hẹn ngày kéo ra Bắc.
Ngày 28 tháng 5, thuỷ quân của nhà Nguyễn tới cửa biển Đan Nhai thuộc Nghệ An, tiến đánh và phá được đồn Quần Mộc. Quân bộ cũng tiến đến phía nam sông Thanh Long rồi vượt sang bờ phía Bắc. Hai mặt thuỷ bộ đều tiến công, quân Tây Sơn bỏ chạy tán loạn. Quân nhà Nguyễn bèn xông lên cướp kho thóc Kỳ Lân. Trấn thủ của nhà Tây Sơn là Nguyễn Văn Thận cùng với hiệp trấn Nguyễn Triêm, thống lĩnh Nguyễn Văn Đại, thiếu uý Đặng Văn Đằng bỏ thành chạy ra miền Bắc. Đến đồn Tiên Lý, Nguyễn Triêm tự thắt cổ; còn Nguyễn Văn Thận chạy ra trấn Thanh Hoa. Quân nhà Nguyễn lấy được thành Nghệ An.
Trần Quang Diệu ở Quỳ Hợp xuống đến địa phận Hương Sơn thì nghe tin Nghệ An đã thất thủ, bèn đến Thanh Chương, qua sông Thanh Long chạy ra trấn Thanh Hoa. Tướng sĩ đi theo Diệu dần dần tản mát mỗi người một nơi. Quân nhà Nguyễn đuổi theo, bắt sống được Diệu.
Tháng 6, quân nhà Nguyễn tiến đánh thành Thanh Hoa. Em vua Quang Toản là đốc trấn Quang Bàn cùng Nguyễn Văn Thận, Đặng Văn Đằng đều đầu hàng.
Ngày 18, Nguyễn Ánh tiến ra Thăng Long, quân Tây Sơn hoàn toàn tan vỡ. Nguyễn Quang Toản bỏ thành cùng với em là Nguyễn Quang Thùy và đô đốc Tú qua sông Nhĩ Hà chạy về hướng bắc. Sau đó, Quang Thùy và vợ chồng Tú đều tự thắt cổ. Còn vua cùng các bề tôi đều bị thổ hào Kinh Bắc bắt được đóng cũi giao nộp cho Nguyễn Ánh. Quan lại của nhà Tây Sơn ở các trấn hoặc trốn, hoặc hàng, không ai dám chống lại.
Vài tháng sau, Gia Long về Phú Xuân, sửa lễ cáo miếu dâng tù, đem Nguyễn Quang Toản ra dùng cực hình giết chết, rồi bố cáo cho khắp cả nước đều biết. Quang Toản cùng những người con khác của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đều bị Gia Long sai dùng cực hình 5 voi xé xác. Còn Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc cũng bị trả thù rất dã man: Mồ mả bị khai quật, hài cốt bị giã nát vứt đi; đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Nguyễn Huệ đều bị giam ở nhà Đồ Ngoại, sau lại đưa vào cấm cố vĩnh viễn trong ngục thất5 .
Khi bị hành hình, Quang Toản mới 19 tuổi. Triều đại Tây Sơn chấm dứt.6 .
Chú thích
- ^ Bùi Thị Nhạn
- ^ Có sách chép là Bùi Đắc Thân.
- ^ Hoàng Lê nhất thống chí
- ^ Từ năm Cảnh Hưng thứ 49,1786 trở đi, nhà Nguyễn vẫn dùng niên hiệu của nhà Hậu Lê.
- ^ Theo Đại Nam thực lục chính biên
- ^ Tham khảo về nguyên nhân sụp đổ của nhà Tây Sơn tại đây.
Xem thêm
- Nhà Tây Sơn
- Nguyễn Huệ
- Nguyễn Nhạc
- Nguyễn Ánh
- Trần Quang Diệu
(Nguồn: Wikipedia)