Nguyễn Huy Lượng (chữ Hán: 阮輝諒; ? - 1808) là văn thần và là nhà thơ ở cuối đời Lê trung hưng, nhà Tây Sơn đến đầu đời nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Tiểu sử
Nguyễn Huy Lượng bút hiệu là Bạch Liên Am Nguyễn tiên sinh, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, sau dời sang làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội).
Họ Nguyễn Huy là một trong những họ có nhiều người hiển đạt của làng Phú Thị. Nguyễn Huy Nhuận đỗ tiến sĩ năm 1703 (làm quan trải đến chức tể tướng). Con ông là Nguyễn Huy Dẫn đỗ tiến sĩ năm 1748. Con ông Dẫn là Nguyễn Huy Cẩn đỗ tiến sĩ năm 1760, v.v...Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, thì dường như cha Nguyễn Huy Lượng có dính líu đến vụ tố cáo âm mưu Trịnh Khải chống lại cha là chúa Trịnh Sâm, nên khi Trịnh Khải lên làm chúa thì ông phải lánh sang tị nạn ở làng Lương Xá 1 . Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Lộc thì cha Nguyễn Huy Lượng không đỗ đạt gì, chỉ ở nhà chuyên làm ruộng 2 .
Dưới thời Lê-Trịnh, Nguyễn Huy Lượng thi đỗ hương cống (cử nhân), được bổ làm Phụng nghị ở bộ Lễ (tức là một chức quan nhỏ phụ trách việc xem xét các lễ vật khi cúng tế).
Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung ra Bắc, đại phá quân Thanh (Trung Quốc), giải phóng Bắc Hà. Nguyễn Huy Lượng sau đó ra làm quan cho triều Tây Sơn.
Năm 1801, vua Cảnh Thịnh làm lễ tế giao ở một địa điểm gần hồ Tây, đã giao cho Nguyễn Huy Lượng, bấy giờ đang là Hữu thị lang bộ Hộ (nên còn được gọi là Hữu Hộ Lượng, tước Chương Lĩnh hầu), soạn một bài thơ và một bài phú tiến dâng, và bài Tụng Tây Hồ phú nổi tiếng đã ra đời nhân dịp này.
Sau khi nhà Tây Sơn bị diệt, triều Nguyễn (Gia Long) triệu tập ông, bổ làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Khi vua Gia Long đi tuần du, ông được đi theo. Nhờ vậy, ông soạn được bài Ngự đạo hành cung nhật trình (Con đường từng ngày của nhà vua qua các hành cung).
Theo sách Minh đô sử thì ông bị bức tử năm 1808 3 .
Tác phẩm
Sáng tác của Nguyễn Huy Lượng đều viết bằng chữ Nôm, hiện còn:
- Tụng Tây Hồ phú (Phú ca tụng hồ Tây). Đây là bài phú chữ Nôm, gồm 86 liên, dùng chỉ một vần "hồ" (độc vận). Dụng ý của tác giả là mượn cảnh Tây Hồ để tán tụng sự nghiệp và công đức của nhà Tây Sơn. Đây là lúc triều đại này đã suy mà ông vẫn viết nên bài phú với một niềm say sưa không hề giảm.
Cuốn "Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến" có đoạn viết: Có thể nói, trước và sau Nguyễn Huy Lượng, chưa hề có một tác phẩm nào viết về non sông đất nước Thăng Long Hà Nội hay đến thế, đẹp đến thế. Chỉ với một danh tác ấy cũng đủ xếp Nguyễn Huy Lượng vào hàng những văn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Thăng Long...Áng văn Nôm trác tuyệt tân kỳ, dân Hà thành hồi ấy gọi là "Phú ông Lựợng". Trong khi người ta đổ xô đi tìm mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên 4 .
Nhờ câu: Ngoài năm mươi thẹn bóng tang du có trong bài mà đoán rằng lúc này ông đã ngoài 50 tuổi. Về sau, Phạm Thái lấy nguyên vận bài này làm ra bài Chiến tụng Tây Hồ phú để chống lại lời tán tụng của Nguyễn Huy Lượng.
- Lượng như long phú (Phú Lượng như rồng).
- Ngự đạo hành cung nhật trình (Con đường từng ngày của nhà vua qua các hành cung).
- Cung oán thi (Thơ về nỗi oán của người cung nữ). Đây là tập thơ gồm 100 bài thơ Đường luật (thất ngôn bát cú). Có tài liệu nói đây là tác phẩm của Vũ Trinh hoặc Nguyễn Hữu Chỉnh, tuy nhiên gần đây mới xác định là của ông 5 .
- Văn tế tướng sĩ trận vong
GS.Nguyễn Huệ Chi và GS. Nguyễn Lộc cho biết: Bấy lâu nay có nhiều sách ghi bài này là của Tổng trấn Trần Văn Thành. Nhưng theo một vài tài liệu Hán Nôm còn giữ được, trong đó có bộ Minh đô sử do Lê Trọng Hàm làm chủ biên, thì trước khi làm lễ tế các tướng sĩ nhà Nguyễn tử trận, Tổng trấn Thành đã cho mời Nguyên Huy Lượng và Phan Huy Ích đến dinh để cùng làm văn tế. Sau đấy, bài của ông Lượng được chọn dùng...6 . Tuy nhiên, phát hiện này vẫn có người chưa đồng thuận.
Xem thêm
- Tụng Tây Hồ phú
- Văn tế tướng sĩ trận vong
Chú thích
- ^ Theo Nguyễn Vinh Phúc (bài viết ghi ở mục sách tham khảo). Xem thêm: Vụ án năm Canh Tý.
- ^ Nguyễn Lộc, Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1149.
- ^ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 544) và Từ điển văn học (bộ mới, tr. 1148) đều chép theo Minh đô sử. Đây là bộ sách bằng chữ Hán, gồm 100 quyển, làm ra năm 1922, do nhiều người soạn (Lê Trọng Hàm làm chủ biên).
- ^ Theo Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, Nhà xuất bản Lao động, 2009, trang 312.
- ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1149.
- ^ Theo GS. Nguyễn Huệ Chi (Gương mặt văn học Thăng Long, tr. 709) và GS. Nguyễn Lộc (Từ điển Văn học, bộ mới, tr. 1140). Theo Minh đô sử thì cuộc tế này được tổ chức vào năm 1802.
Tham khảo
- Nguyễn Lộc, mục từ "Nguyễn Huy Lượng" trong Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
- GS. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), bài "Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái xung quanh bài phú Tụng Tây Hồ" in trong Gương mặt văn học Thăng Long. Nhà xuất bản Hà Nội 2010.
- Nguyễn Thạch Giang, Văn học thế kỷ 18. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
- Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
- Nguyễn Vinh Phúc, "Hữu thị lang Nguyễn Huy Lượng" đăng trên website Hà Nội [1], [2]
(Nguồn: Wikipedia)