Chương Mỹ
Huyện
Bản đồ Hà Nội.png
Địa lý
Diện tích 232,9 km2
Dân số  
 Tổng cộng 271.761 người
 Mật độ 1.167
Dân tộc Kinh, Mường
Hành chính
 Chủ tịch UBND Trần Vũ Lâm
 Chủ tịch HĐND Trần Vững
 Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyến
 Trụ sở UBND Thị trấn Chúc Sơn
Phân chia hành chính 32 xã1
Số điện thoại 04.33866007
Website chuongmy.gov.vn/vn/

Chương Mỹ là một huyện đồng bằng của thành phố Hà Nội, phía tây nam thủ đô Hà nội, thị trấn Chúc Sơn của huyện nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 20 km, nơi cuối cùng của huyện cách trung tâm thủ đô không quá 40 km, huyện Chương Mỹ có diện tích rộng đứng thứ 3 toàn thành phố (sau huyện Ba Vìhuyện Sóc Sơn). Địa hình chia làm 3 vùng: vùng bãi ven sông Đáy, vùng đồng bằng và vùng bán sơn địa. Trên địa bàn có 02 quốc lộ chạy qua là quốc lộ 6A với chiều dài 18 km và đường Hồ Chí Minh với dài 16,5 km. Chương Mỹ cũng là huyện nằm trong quy hoạch vùng thủ đô, là vùng vành đai xanh có đô thị vệ tinh Xuân Mai và đô thị sinh thái Chúc Sơn. Tổng diện tích của toàn huyện là 23.240,92 ha, trong đó: Nhóm đất nông nghiệp là 14.032,65 ha; nhóm đất phi nông nghiệp là 8.081,23 ha; Nhóm đất chưa sử dụng là 8.081,23 ha với 32 đơn vị hành chính cấp xã (02 thị trấn và 30 xã), có nhiều cơ quan đơn vị từ trung ương đến địa phương đóng trên địa bàn.

Lịch sử hình thành

Huyện Chương Mỹ nguyên xưa là phần đất của hai huyện Yên Sơn, Mỹ Lương thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây và huyện Chương Đức, thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Nam Thượng. Đến năm Gia Long thứ 13 (1814), đổi sang phủ Ứng Hòa. Đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) chia huyện Chương Đức thành hai huyện Yên Đức, thuộc phủ Mỹ Đức và huyện Chương Mỹ thuộc phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông.

Sau năm 1945, huyện Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Đông.

Ngày 21 tháng 4 năm 1965, huyện Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Tây2 .

Ngày 27 tháng 12 năm 1975, huyện Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, gồm 2 thị trấn: Chúc Sơn, Xuân Mai và 31 xã: Đại Yên, Đồng Lạc, Đồng Phú, Đông Phương Yên, Đông Sơn, Hòa Chính, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Hồng Phong, Hợp Đồng, Hữu Văn, Lam Điền, Mỹ Lương, Nam Phương Tiến, Ngọc Hòa, Ngọc Sơn, Phú Nam An, Phú Nghĩa, Phụng Châu, Quảng Bị, Tân Tiến, Thanh Bình, Thượng Vực, Thụy Hương, Thủy Xuân Tiên, Tiên Phương, Tốt Động, Trần Phú, Trung Hòa, Trường Yên, Văn Võ.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, chuyển 2 xã Tiên Phương và Phụng Châu về huyện Hoài Đức quản lý3 .

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, huyện Chương Mỹ lại trở về với tỉnh Hà Tây4 .

Ngày 23 tháng 6 năm 1994, chuyển trở lại 2 xã Tiên Phương và Phụng Châu về huyện Chương Mỹ quản lý5 .

Ngày 2 tháng 3 năm 2005, sáp nhập toàn bộ 339,09 ha diện tích tự nhiên và 5.036 nhân khẩu của xã Ngọc Sơn vào thị trấn Chúc Sơn6 . Từ đó, huyện Chương Mỹ có 2 thị trấn và 30 xã.

Từ ngày 29 tháng 5 năm 2008, tỉnh Hà Tây bị giải thể để sáp nhập vào Hà Nội, huyện Chương Mỹ trực thuộc thành phố Hà Nội7 .

Vị trí địa lý

Huyện nằm chính giữa rìa phía Tây Nam Hà Nội, phía Đông giáp huyện Thanh Oai, một góc phía Tây Bắc giáp quận Hà Đông, phía Bắc và phía Tây Bắc giáp huyện Quốc Oai, phía chính Nam giáp huyện Mỹ Đức, một góc phía Đông Nam giáp huyện Ứng Hòa, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình.

Dân cư

Dân số là 261.000 người, theo thống kê năm 1999.

Đơn vị hành chính

Huyện Chương Mỹ có 32 đơn vị hành chính cấp xã gồm 30 xã: Đại Yên, Đồng Lạc, Đồng Phú, Đông Phương Yên, Đông Sơn, Hòa Chính, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Hồng Phong, Hợp Đồng, Hữu Văn, Lam Điền, Mỹ Lương, Nam Phương Tiến, Ngọc Hòa, Phú Nam An, Phú Nghĩa, Phụng Châu, Quảng Bị, Tân Tiến, Thanh Bình, Thượng Vực, Thụy Hương, Thủy Xuân Tiên, Tiên Phương, Tốt Động, Trần Phú, Trung Hòa, Trường Yên, Văn Võ và 2 thị trấn: Chúc Sơn, Xuân Mai.

Văn hóa

Huyện có nhiều đình, chùa, đền, miếu... phong cảnh tuyệt đẹp như: chùa Trăm gian, chùa Trầm, chùa Hỏa Tinh, chùa Cao, chùa Thấp, chùa Sấu (Sùng Nghiêm Tự), đình Yên Khê, chùa Nghiêm kính tự, chùa Trấn Bắc Phương (Thuộc thôn Yên Khê, xã Đại Yên),Đình yên duyệt, Đình tốt động đình Nội, đình Xá, đình Ninh Sơn, Đình ba thôn Lễ Khê, Chùa Khâu Lăng (xã Hồng phong), Đình Trung Tiến, Đình Nghè, Đình Thướp, Đình Hồng Thái, Đình Kỳ Viên, Chùa Trung Tiến (Thuộc xã Trần Phú)... hầu hết đều tập trung quanh thị trấn Chúc Sơn. Các đình, chùa đều mở hội vào dịp đầu xuân (tháng 1, tháng 2 âm lịch).

Kinh tế

Nền kinh tế của huyện đang từng bước chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Hiện nay trên địa bàn có rất nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp đã, đang hình thành và đi vào hoạt động như: KCN Phú Nghĩa, Nam Tiến Xuân; Cụm CN Ngọc Sơn, Đồng Đế, Đồng Sen... thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tới đầu tư mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, cũng như một số khu đô thị sinh thái đang được đầu tư xây dựng như Lộc Ninh Singashine (Chúc Sơn), khu đô thị Làng Thời Đại (Xuân Mai)...

Chú thích

  1. ^ Huyện Chương Mỹ
  2. ^ Quyết định 103-NQ-TVQH năm 1965 về việc phê chuẩn việc thành lập các tỉnh Bắc Thái, Nam Hà, Hà Tây và việc sáp nhập xã An Hòa thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (cũ) vào xã Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
  3. ^ Quyết định 49-CP năm 1979 điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội do Hội đồng Chính phủ ban hành
  4. ^ Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Quốc hội ban hành
  5. ^ Nghị định 52-CP năm 1994 về việc điều chỉnh địa giới huyện và thành lập thị trấn, phường thuộc các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thanh Oai, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây
  6. ^ Nghị định 23/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây
  7. ^ Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan do Quốc hội ban hành

(Nguồn: Wikipedia)