Lê Long Tung | |
---|---|
Tông thất hoàng gia Việt Nam (chi tiết...) | |
Định Phiên Vương | |
Tại vị | 993 - 1009 |
Thông tin chung | |
Tên húy | Lê Long Tung |
Tước hiệu | Định Phiên Vương |
Triều đại | Nhà Tiền Lê |
Thân phụ | Lê Đại Hành |
Sinh | ?, Hoa Lư, Ninh Bình |
Mất | ? |
Lê Long Tung (chữ Hán: 黎龍鏦) là một hoàng tử của nhà Tiền Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai thứ 7 của Vua Lê Đại Hành. Sinh tại kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, Việt Nam. Ông được vua phong tước Định Phiên Vương (定藩王), đóng tại Tư Doanh, tức vùng đất thuộc Cổ Loa Hà Nội ngày nay.[1] Căn cứ vào năm sinh người con trai thứ năm của vua Lê Đại Hành (986) và năm phong vương thì năm sinh của ông nằm trong khoảng từ 986 đến 993.
Ông được Vua Lê Đại Hành phong vương năm 993.[2]
Trấn thủ Diễn Châu
Theo thần tích và tài liệu địa phương ở Nghệ An thì Lê Long Tung còn có tên là Lê Long Toàn, theo tên làng quê mẹ mà đặt tên hiệu là Công Trung. Làng Công Trung sau trở thành thực ấp của ông với tước hiệu là Đông Thành Vương. Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch có đoạn chép: Tục truyền rằng Công Trung là con của Vua Lê Đại Hành, làm quan ở Diễn Châu, táng mả mẹ tại huyệt tốt đất ấy. Đến khi nhà Lý cướp ngôi nhà Lê, Công Trung còn giữ châu xưng đế.
Kết hợp chính sử với tài liệu địa phương Nghệ An và thần tích mà suy đoán, thì Lê Long Toàn được vua trao trọng trách trấn giữ khu vực Cổ Loa, có thể ông đã tháo chạy vào chiếm đất Diễn Châu khi nhà Lý đoạt ngôi. Ở đó Lê Long Toàn cũng dựng đồn đắp thành đất phía biển Đông chống quân Chiêm. Do đó ông có tước hiệu là Đông Thành Vương, vùng này thuộc huyện Thổ Thành, có khi đổi gọi huyện Đông Thành nay là huyện Yên Thành và huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Do ông cũng có tước hiệu Đông Thành Vương giống với người anh trai thứ 2 là Lê Long Tích được trấn thủ phía đông kinh đô Hoa Lư mà các thần tích ở Nghệ An hiện còn nhầm lẫn giữa 2 ông. Thực tế, Lê Long Tích bị người châu Thạch Hà giết khi chạy vào đây trước khi nhà Lý đoạt ngôi nhà Tiền Lê.
Giúp vợ con Lê Long Việt
Năm 1005 Lê Đại Hành chết, theo di chiếu của vua cha, hoàng tử thứ 3 là Lê Long Việt được lên nối ngôi lấy hiệu là Trung Tông. Nhưng sau đó một số hoàng tử khác nổi lên tranh ngôi và Trung Tông bị giết. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết khi đó “Bầy tôi đều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc” [3]. Riêng vợ con vua đã chạy đến cửa sông Cà Lồ thuộc vùng đất Lê Long Tung cai quản. Đặc biệt nơi này có thành Bình Lỗ của vua Lê Đại Hành, được xây dựng trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất.
Từ khi Lý Thái Tổ về Thăng Long (1010) thì không thấy Long Tung ở vùng Ngũ Huyện giang nữa. Riêng con của Lê Long Việt, do còn nhỏ nên ở lại và đã lập ra tại đây một dòng họ lớn[4].
Gia đình
- Cha:
- Anh em:
- Lê Long Thâu
- Lê Long Tích
- Lê Long Việt
- Lê Long Đinh
- Lê Long Đĩnh
- Lê Long Cân
- Lê Long Tương
- Lê Long Kính
- Lê Long Mang
- Lê Long Đề
(Nguồn: Wikipedia)