Diễn Châu | |
---|---|
Huyện | |
Địa lý | |
Diện tích | 30500 ha |
Dân số (2017) | |
Tổng cộng | 273556 |
Thành thị | 1545 |
Nông thôn | 272011 |
Dân tộc | Kinh |
Hành chính | |
Quốc gia | Việt Nam |
Vùng | Bắc Trung Bộ |
Tỉnh | Nghệ An |
Chủ tịch UBND | Chu Thế Huyền |
Chủ tịch HĐND | Trần Văn Cương |
Bí thư Huyện ủy | Trần Văn Cương |
Trụ sở UBND | Thị trấn Diễn Châu |
Diễn Châu là một huyện ven biển thuộc tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
Vị trí địa lý
Phía nam giáp huyện Nghi Lộc, phía bắc giáp huyện Quỳnh Lưu, phía tây giáp huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), phía đông giáp biển Đông. Huyện Diễn Châu nằm cách thủ đô Hà Nội 270 km, cách thành phố Vinh 40 km. Huyện Diễn Châu có đường quốc lộ 1A, sông Bùng và Đường sắt Bắc Nam đi qua.1
Đây cũng là địa phương có dự án Đường cao tốc Thanh Hóa – Hà Tĩnh đi qua đang được xây dựng.
Đơn vị hành chính
Gồm 1 thị trấn Diễn Châu và 38 xã.
Lịch sử
- Thời Hùng Vương, Diễn Châu nằm trong Bộ Hoài Hoan. Sau đó, thuộc quận Cửu Chân rồi quận Cửu Đức, quận Nhật Nam;
- Thời nhà Đường:
- Niên hiệu Vũ Đức chia quận Nhật Nam đặt làm Nam Đức châu, Lạo châu, Minh Châu và Hoan Châu,
- Năm Trinh Quán nguyên niên đổi Đức Châu lại làm Hoan Châu, còn Hoan Châu cũ thì đổi làm Diễn Châu;
- Năm thứ 16 bỏ Diễn Châu hợp vào Châu Hoan.
- Nhà Lý: Bính Tí, năm thứ 3(1036) (Tống, Cảnh Hựu năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 4, Đặt hình dinh ở Châu Hoan, đổi tên châu ấy thành Nghệ An. Diễn Châu tách khỏi Nghệ An thì đứng riêng làm châu; Nghệ An lúc đó là vùng đất còn lại và tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.
- Nhà Trần:
- Năm Long Khánh thứ 3 đổi Diễn Châu làm Diễn Châu lộ, chia Hoan Châu làm 4 lộ: Nhật Nam và Nghệ An nam, Nghệ An bắc, Nghệ An trung, cũng gọi là Nghệ An phủ;
- Năm Quang Thái thứ 10 đổi Nghệ An làm Lâm An trấn, Diễn Châu làm Vọng An trấn;
- Nhà Hồ: đổi Diễn Châu làm Linh Nguyên phủ, cùng với Thanh Hóa, Cửu Chân, Ái Châu gọi là tứ phụ;
- Thời thuộc nhà Minh: Diễn Châu và Nghệ An là 2 phủ riêng biệt;
- Nhà Hậu Lê:
- Phủ Diễn Châu thuộc Nghệ An thừa tuyên.
- Năm Hồng Đức thứ 21 đổi thừa tuyên Nghệ An thành xứ Nghệ.
- Phủ Diễn Châu là một trong 8 phủ của Xứ Nghệ, quản lĩnh 2 huyện: Đông Thành (Yên Thành và Diễn Châu) và Quỳnh Lưu;
- Thời nhà Nguyễn:
- Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trấn Nghệ An chia tách thành 2 tỉnh: tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An.
- Phủ Diễn Châu là một trong 4 phủ của tỉnh Nghệ An, gồm: Đông Thành, Yên Thành, Nghi Lộc và Quỳnh Lưu.
- Năm 1919, chính quyền thực dân phong kiến bỏ cấp phủ: Huyện Đông Thành đổi tên thành huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
- Sau năm 1945, phủ Diễn Châu được gọi là huyện Diễn Châu, bao gồm 41 xã: Diễn An, Diễn Bích, Diễn Bình, Diễn Cát, Diễn Đoài, Diễn Đồng, Diễn Hải, Diễn Hạnh, Diễn Hoa, Diễn Hoàng, Diễn Hồng, Diễn Hùng, Diễn Kim, Diễn Kỷ, Diễn Lâm, Diễn Liên, Diễn Lộc, Diễn Lợi, Diễn Minh, Diễn Mỹ, Diễn Ngọc, Diễn Nguyên, Diễn Phong, Diễn Phú, Diễn Phúc, Diễn Quảng, Diễn Tân, Diễn Thái, Diễn Thắng, Diễn Thành, Diễn Tháp, Diễn Thịnh, Diễn Thọ, Diễn Thủy, Diễn Tiến, Diễn Trung, Diễn Trường, Diễn Vạn, Diễn viên, Diễn Xuân, Diễn Yên.
- Ngày 22-5-1969: giải thể xã Diễn viên, địa bàn nhập vào các xã Diễn Hoa và Diễn Hạnh; sáp nhập xã Diễn Thủy vào xã Diễn Ngọc; sáp nhập xã Diễn Tiến vào xã Diễn Thành.
- Ngày 23-2-1977, thành lập thị trấn Diễn Châu - thị trấn huyện lị huyện Diễn Châu - trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã Diễn Phúc và Diễn Thành.
- Từ đó đến nay, huyện Diễn Châu có 1 thị trấn và 38 xã.
- Thơ vè Diễn Châu:
- "Hai Vai gánh vác giang san
- Mộ Dạ Hiệp nghĩa gian nan coi thường
- Sông Bùng chảy mãi yêu thương
- Đền Cuông sừng sững tấm gương muôn đời
- Hòn Ngư biển tận chân trời
- Cửa Rào xanh ngát sáng ngời miền trung
- Nghe bài Thăm Lúa hữu thung
- Dạt dào Trọng Tạo hát cùng sông quê
- Được mùa thi cử xum xuê
- Thủ khoa bảng nhãn Văn Khuê lưu truyền
- Cá tươi ăm ắp đầy thuyền
- Sáo diều no gió chim Quyên hót mừng"
Trích thơ ông Trần Văn Hoàng - Tổng giám đốc City Group
- "Hai Vai gánh vác giang san
Truyền thống văn hóa
Khoa bảng và danh nhân và những người nổi tiếng
- Trạng nguyên: Trại Trạng nguyên Bạch Liêu, đỗ trạng nguyên cùng khoa với Kinh Trạng nguyên Trần Cố khoa Bính Dần đời vua Trần Thái Tôn, năm 1236. Ông quê ở làng Nguyễn Xá, phủ Diễn Châu, nay thuộc xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu.
- Tham đốc dũng nghĩa hầu Đại tướng quân Vũ Trung Lương người làng Đông Xương - Diễn Mỹ
- Quản lan hầu Đề đốc Vũ Phác Lược Người làng Đông xương - Diễn Mỹ là con trai cả của ông Vũ Trung lương
- Những dòng họ có nhiều người đỗ đạt: Họ Ngô ở Lý Trai (Diễn Kỷ) là một dòng họ có nhiều người đỗ đạt ở Diễn Châu, liên tiếp 4 đời đỗ 5 tiến sĩ. Ngoài ra còn có nhiều dòng họ có nhiều người đỗ đạt khác như dòng họ Đặng ở Nho Lâm (Diễn Thọ), dòng họ Cao ở Tân Bình (Diễn Bình), Cao Xá (Diễn Thọ), dòng họ Chu (Diễn Trường - Diễn Tháp), dòng họ Dương (Diễn Yên) và dòng họ Trần (Diễn Hạnh). Những tên tuổi đại khoa của Diễn Châu được biết đến như Tướng Công Chu Phúc Cổn, Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Đặng Văn Thụy, Nguyễn Xuân Ôn, Cao Xuân Dục,...
- Những người nổi tiếng ngày nay có:
- Võ Nguyên Hiến – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá I, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ (1935 - 1936).
- Võ Mai - Bí thư xứ ủy Trung Kỳ, Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Bộ trưởng Thương mại Tiến sĩ Trương Đình Tuyển, Người khởi xướng và có vai trò quan trọng nhất trong quá trình Việt Nam gia nhập WTO.
- Anh hùng LLVT, cán bộ lão thành: tướng Phùng Chí Kiên
- Giáo sư kinh tế Cao Cự Bội, Giáo sư Lê Duy Thước; Giáo sư Triết học Cao Xuân Huy
- Giáo sư, TSKH Kinh tế Ngô Đình Giao, GS.TSKH Toán học Nguyễn Tố Như
- Chiến sĩ anh hùng Thành cổ Quảng Trị Lê Bá Dương - Tác giả bài thơ "Bên dòng Thạch Hãn", người khởi xướng lễ hội thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn vào ngày 27 tháng 7 hàng năm tưởng nhớ những chiến sĩ Quân giải phóng hy sinh trong trận chiến 81 ngày đêm.
- Nhà văn hóa dân gian_Giáo sư Cao Huy Đỉnh,
- Giáo sư_nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo,
- Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc,
- Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương,
- Nguyên chủ tịch tỉnh Nghệ An Chu Mạnh,
- Nguyên thứ trưởng bộ tài chính kiêm thành viên Ban Kinh tế Trung ương Đảng GS.TSKH.Chu Quý,
- Hoa hậu Đền cuông 1994 Trần Thị Ái Liên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Diễn Xuân,
- Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI),
- Giáo sư Đặng Ngọc Long (Người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng Guitar Quốc tế - Hiệu trường âm nhạc Berlin-Đức),
- TSKH Cao Ngọc Viễn (Bộ GD và ĐT) là người nhiều lần dẫn dắt đội tuyển Vật lý Việt Nam tham dự các kỳ thi Vật lý Quốc tế;
- Giáo sư Cao Xuân Huy, Giáo sư Cao Huy Đỉnh đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn Học Nghệ thuật.
- Nhà thơ Trần Hữu Thung, Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, Nhà viết kịch Thanh Hương đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn Học Nghệ thuật.
Đấu vật
Diễn Châu là vùng đất có rất nhiều lò vật và nhiều đô vật có tên tuổi. Hầu như ở xã nào cũng có làng có lò vật. Nho Lâm, Xuân Nho có lò vật lớn, là nơi có nhưng lò rèn lớn Hậu Luật, Trung Phường, Vân Tập, Hạnh Kiều, Thư Phủ, Bút Trận, Vạn Phần, Kim Lũy, Đông Câu, Hữu Bằng, Lý Nhân, Thanh Bích, Kỳ Ngãi,...đều có lò vật. Đô vật có tiếng nhất ở Diễn Châu là ông Phó Ngà, ở làng Thư Phủ, thuộc xã Diễn Thái hiện tại. Ông ăn rất khỏe, một bữa ông ăn hết ba mươi nồi cơm và ba cái thủ lợn. Có rất nhiều giai thoại xung quanh đô vật này. Một đô vật khác cũng có tiếng khác là Nguyễn Ngọc Chấn, quê ở làng Nho Lâm, từng làm Tri phủ Kiến Thụy nên mọi người thường gọi là ông Phủ Kiến. Ông rất khỏe, làm việc giỏi như ông Phó Ngà. Một mình ông ăn hết cả thúng cơm với rá cà muối và nhổ mạ cho dư mười người cấy. Có kẻ đi buôn mật, gánh hai chum mật để tỉ thí, khi thấy ông nâng bổng một con trâu mộng lội qua sông, liền biếu ông cả hai chum mật ấy rồi về. Có lần ông đã ôm một đô vật sừng sỏ của Nghi Lộc vứt ra khỏi đấu trường làm cho người này phải bỏ hẳn cả nghề làm đô vật.
Nhân vật lưu truyền trong dân gian
Nhiều nhân vật xuất xứ từ Diễn Châu được dân gian lưu truyền qua những mẫu chuyện và sự tích gắn liền với họ. Đó là những người đại diện cho dáng vóc, tâm hồn con người đất Diễn: Cần cù, khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời, yêu quê hương đất nước.
- Truyện ông Mân Nhụy: Truyện cười của ông Mân Nhụy mang sắc thái châm biếm nhẹ nhàng, sâu sắc. Tiếng cười của ông luôn hướng mũi dùi vào tầng lớp quan tham vô lại và đứng về phía nhân dân lao động.
- Truyện ông Cố Bợ: Ông Cố Bợ là một nhân vật thần thoại. Ông Cố Bợ tượng trưng cho thần Lửa. Tương truyền, khi màn đêm buông xuống, ông cố Bợ đi về hướng Đông, lật ngửa cái nón xuống biển làm thuyền, dùng cành cây làm mái chèo, chèo tới chỗ mặt trời mọc và lấy lửa về cho mọi người.
- Truyện ông Chẹm: Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Thư. Cả xã Nho Lâm gọi ông là ông Chẹm. Ông Chẹm có sức khỏe hơn người. Những mẩu chuyện lưu truyền về ông thường gắn với các hành động tham gia các phong trào yêu nước của ông. Ông sống vào nửa sau thế kỷ 19, đã từng tham gia phong trào Giáp Tuất (1874), Phong trào Cần Vương (1885).
- Truyện ông Chắt Vạn: Ông Chắt Vạn người làng Trung Phường, nay thuộc xã Diễn Minh. Ông là người khí khái, thấy việc nghĩa thì làm, vừa có gan vừa có trí làm bao kẻ quyền thế sợ xanh mặt. Những chuyện kể về ông không ít. Có lần, ông đã đối diện với Chánh tổng người làng Sơn (tức làng Trường Sơn nay là xã Sơn Thành huyện Yên Thành) chuyên đi hiếp đáp dân lành, làm cho nó phải van lạy xin chừa.
Ngoài ra, nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy: tương truyền, đây là nơi An Dương Vương dùng gươm giết Mỵ Châu trong lúc Triệu Đà cùng con trai là Trọng Thủy đang cầm quân truy đuổi.
Danh lam thắng cảnh
Diễn Châu được ví là viên ngọc của du lịch Nghệ An. Trong số 8 cảnh đẹp của "Đông Yên Nhị Châu" thì có 6 cảnh đẹp thuộc về Diễn Châu. Đó là Dạ Sơn linh tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ), Cao Xá long cương (Gò rồng Cao Xá), Bùng Giang thu nguyệt (Trăng thu trên sông Bùng), Bích Hải quy phàm (Cánh buồm về cửa Bích), Thiên uy thiết cảng (Kênh sắt oai trời), Diễn Thành thạch bảo (Thành đá phủ Diễn Châu).
- Đền Cuông: Vào năm 208 trước công nguyên, do đánh thua Triệu Đà, Thục An Dương Vương đã cùng công chúa Mỵ Châu chạy nạn. Đến bãi biển cửa Hiền, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thần Kim Quy hiện lên và bảo "giặc ở sau lưng nhà ngươi" ngài đã rút gươm giết chết con gái Mỵ Châu và tuẫn tiết dưới chân núi Mộ Dạ. Nhân dân đã lập đền thờ ngài ở đó. Thế núi Mộ Dạ đứng xa xa giống như một con Công khổng lồ đang múa, hai cánh giang rộng tới các dãy núi khác, đầu công chính là nơi tọa lạc của đền thờ An Dương Vương, nhân dân gọi đền này là đền Cuông, Cuông là tiếng địa phương. Đền Cuông còn được gọi là đền Công. Đền Cuông được kiến trúc theo hình chữ tam, có 3 tòa Thượng, Trung, Hạ, xung quanh có nhiều cây cổ thụ um tùm xanh tốt, trông rất cổ kính và linh thiêng. Đền nằm bên quốc lộ số 1A thuộc xã Diễn An, cách thành phố Vinh khoảng 30 km.
- Cửa Hiền: Phía bắc chân núi Mộ Dạ là bãi biển cửa Hiền. Tại đây có miếu nàng Mỵ Châu. Bãi biển cửa Hiền là một bãi biển tương đối hoang sơ, có rất nhiều hòn đá nhô lên giống như con cá biển gọi là bãi đá Ngư Hải, trong đó có một phiến đá rất cao, to và bằng phẳng lưu truyền là bàn cờ tiên. Đây là khu vực duy nhất của Nghệ An không có gió Tây Nam nóng bỏng vào mùa hè.
- Cao Xá Long Cương: Thực chất đây là một bãi sò lớn thuộc địa phận hai làng Hương Cái và Tiên Lý, kéo dài từ Nam chân núi Mộ Dạ đến sông Ông Phùng. Sóng biển đánh vỏ sò lâu ngày chất thành đống, tạo thành những cồn bãi cao, sâu đến 4-5 thước. Gò rồng Long Cương chạy dài, cao lên ở phía gần ven biển, chiều dài chiếm khoảng 2/3 huyện Diễn Châu.
- Biển Diễn Thành: là bãi biển nằm gần ngã ba Diễn Châu và dọc trục đường quốc lộ 1A. Đây là một bãi biển rộng, cát thoai thoải, nước trong xanh, phía trên là những dãy phi lao ngút ngàn. Bãi biển Diễn Thành cách đền Cuông cửa Hiền khoảng 15 km về phía Bắc. Tại đây có nhà thờ họ Cao Bá thuộc xóm 4, xã Diễn Thành với những truyền thuyết của ông tổ đi mây, cưỡi gió cứu vớt người đi biển, lãnh đạo nhân dân quanh vùng chống bọn xâm lược Trung Quốc.
- Hồ Xuân Dương: hay Đập Xuân Dương, là một hồ nước rất lớn được ngăn bởi dãy núi là Rú Dẻ và Rú Chạch (Bạch Y) và Rú Ba Chạng, thuộc xã Diễn Phú. Đây là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các xã ở phía nam Diễn Châu. Hồ xuất phát từ xã Nghi Văn huyện Nghi Lộc. Đập chắn và hệ thống đóng mở nước được xây dựng từ thời Pháp còn có tên gọi là Cột nhà lầu. Cửa đập được xây dựng kiên cố bằng đá xanh nằm giữa 2 ngọn núi thuộc dãy núi Rú chạch và Rú Ba Chạng. Thời kháng chiến chống Mỹ khu vực này chịu không ít bom đạn. Mỹ quyết tâm phá đập chắn nhưng không được vì đập đã được 2 ngọn núi chở che.Dấu tích còn sót lại trên núi là rất nhiều hố bom. Xung quanh hồ là nhiều rừng thông và cây cổ thụ đã được nuôi giữ nhiều năm, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều động và khe núi quyến rũ làm rung động lòng người. Khung cảnh nơi đây rất giống Đà Lạt.
- Lèn Hai Vai: Lèn Hai Vai thuộc địa phận ba xã: xã Diễn Bình; xã Diễn Minh và xã Diễn Thắng,còn gọi là Lưỡng Kiên Sơn, vì đứng xa xa trông giống như một chàng dũng sĩ hiên ngang. Chúa Trịnh Tĩnh Vương gọi núi này là Di Lặc Sơn. Trong lèn có nhiều hang động như: hang Thần Đồng, hang Cố Nguyên, hang Dơi, hang Khòm, hang Chuồn Chuồn, hang Cá Chép... Ngày nay, lèn Hai Vai vẫn còn giữ được nét cổ kính và gắn với nhiều sự tích. Có tích nói rằng quan Khánh Lý Hầu Nguyễn Trung Ý, người Kẻ Dặm, làm quan nhà Lê, sau theo Tây Sơn. Khi Gia Long lên ngôi, ông không phục, về Lèn Hai Vai dạy học trong một hang đá. Nhiều học trò của ông thành tài, sau này hang đó gọi tên là hang Thần Đồng.
- Bùng Giang Thu Nguyệt: Sông Bùng bắt nguồn từ một cái đầm ở xã Vân Hội, chảy đến thôn Phùng Xá, xã Tiên Lý, dần dần rộng ra tạo thành dòng sông nên gọi là sông Bùng. Vào mùa thu trăng sáng, mặt sông phẳng lặng, ánh sáng tỏa trên mặt nước lăn tăn, tạo thành hàng ngàn mâm bạc sóng sánh, gợi tình.
- Nhà thờ họ Vũ đại tôn làng Đông Xương: được công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 2013. Là nơi thò Tham đốc Dũng nghĩa hầu Đaị tướng quân Vũ Trung Lương và 11 quận công của dòng họ.
- Sông Nhà Lê là một tuyến đường giao thông thủy cổ, được khơi thông từ thời Vua Lê Đại Hành với mục đích vận tải quân lương từ kinh đô Hoa Lư tới chân biên giới Đèo Ngang.
Lễ hội truyền thống
- Lễ hội đền Cuông: Địa điểm: Xã Diễn An, km 30 trên đường 1A Vinh - Hà Nội. Lễ hội diễn ra trong vòng ba ngày 14-15-16 tháng 2 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ vị Vua đã có công sáng lập nên quốc gia Âu Lạc.
- Phần lễ: Chiều 14 tháng 2 âm lịch: Lễ yết cáo; đêm 14 tháng 2 âm lịch: Lễ yên vị; sáng 15 tháng 2 âm lịch: rước kiệu từ đình Xuân Ái, Diễn An và nhà thờ họ Cao, Diễn Thọ ra đền Cuông.
- Phần hội: Diễn ra từ ngày 15 tháng 2 đến hết ngày 16 tháng 2 âm lịch gồm các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ người, đánh vật, đánh đu... Cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như hát chầu văn, thi nét đẹp đền cuông, bóng bàn, kéo co, leo núi...
- Chùa cổ am:di tích văn hóa quốc gia năm trên lèn hổ lĩnh diễn minh diễn châu nghệ an.
Làng nghề
Diễn Châu là một huyện có rất nhiều làng nghề truyền thống. Một số làng nghề nổi tiếng như nghề đúc đồng ở Xóm Yên Thịnh, làng Cồn Cát (Diễn Tháp), nghề rèn ở Nho Lâm, Nước mắm Vạn Phần, nghề hát tuồng ở Lý Nhân,... Các làng nghề đóng cối xay, bện võng, đan bị, dệt vải, đan rổ rá, mộc, làm nón...
|
|
|
Chú thích
- ^ [1], Cổng Thông tin điện tử huyện Diễn Châu
(Nguồn: Wikipedia)