Bảo Đại (1926-1945)
Khải Định có 12 vợ nhưng không có con, Vĩnh Thuỵ là con của người khác, được Khải Định nhận làm con và đã được đưa sang Pháp đào tạo từ nǎm 10 tuổi. Khải Định chết, toàn quyền Đông Dương đưa Vĩnh Thuỵ lên ngôi vua niên hiệu Bảo Đại nhưng vẫn học ở Pháp. Triều đình do một hội đồng phụ chính điều hành.
Sau 10 nǎm học tập ở "mẫu quốc", ngày 16/8/1932, Bảo Đại xuống tàu biển về nước, ngày 10/9/1932 Bảo Đại ra đạo dụ số 1 tuyên cáo chấp chánh.
Bảo Đại thích đi sǎn bắn ở cao nguyên trung phần, chơi bời ở Đà Lạt với mỹ nữ.
Do sự xếp đặt của thực dân Pháp, ngày 20/3/1934, Bảo Đại cưới con gái một điền chủ Nam Kỳ, quốc tịch Pháp, theo đạo Thiên Chúa, tên là Mariette Jeanne Nguyễn Thị Hào, tức Nguyễn Hữu Thị Lan lập làm Nam Phương hoàng hậu.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cuộc tổng khởi nghĩa 19/8/1945 thắng lợi, đưa tổ quốc ta thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ngày 30/8/1945, trước 5 vạn nhân dân cố đô Huế tập trung trước cửa Ngọ Môn, Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện chính quyền cách mạng và tuyên bố "làm công dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ".
Sau đó công dân Vĩnh Thuỵ được chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn cho chính phủ lâm thời.
Nǎm 1946 Vĩnh Thuỵ được tham gia phái đoàn chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà sang Trung Quốc, Vĩnh Thuỵ đã ở lại nước ngoài. Tháng 4/1949, Vĩnh Thuỵ được Pháp đưa về làm Quốc trưởng bù nhìn, sau bị Ngô Đình Diệm lật đổ. Tháng 10/1956 Vĩnh Thuỵ sang Pháp sống lưu vong. Ngày 1/8/1997, Vĩnh Thuỵ mất tại Pháp.
(Nguồn: Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam)