Sĩ Vương

Ở ngôi 40 năm, thọ 90 tuổi.

Vương là người khoan hậu khiêm tốn, lòng người yêu quý, giữ vẹn đất Việt để đương đầu với sức mạnh của Tam quốc, đã sáng suốt lại mưu trí, đáng gọi là người hiền.

[8a] Họ Sĩ, tên húy là Nhiếp1 , tự là Ngạn Uy, người huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô. Tổ tiên người Vấn Dương nước Lỗ, hồi loạn Vương Mãng ở Bắc triều, tránh sang ở đất Việt ta, đến vương là sáu đời. Cha là Tứ, thời Hán Hoàn Đế làm Thái thú Nhật Nam. Khi còn ít tuổi, vương du học ở kinh đô nhà Hán, theo học Lưu Tử Kỳ người Dĩnh Xuyên, chuyên trị sách Tả thị Xuân Thu, có làm chú giải: được cử hiếu liêm, bổ làm Thượng thư lang, vì việc công bị miễn chức; hết tang cha, lại được cử mậu tài, bổ làm Huyện lệnh Vu Dương, đổi làm Thái thú Giao Châu, được tước Long Độ Đình hầu, đóng đô ở Liên Lâu (tức là Long Biên)2 . Sau nhà Trần truy phong làm Thiên Cảm Gia Ứng Vũ Đại Vương.

Đinh Mão, năm thứ 1 [187], (Hán Trung Bình năm thứ 4). Vương có ba em trai tên là Nhất, Vĩ3 và Vũ. Bấy giờ Thứ sử Chu [8b] Phù bị giặc Di giết chết, châu quận rối loạn, vương bèn dâng biểu cử Nhất làm Thái thú Hợp Phố, Vĩ làm Thái thú Cửu Chân, Vũ làm Thái thú Nam Hải. Vương độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người.

Canh Thìn, năm thứ 14 [200], (Hán Hiến Đế Hiệp, Kiến An năm thứ 5). Thứ sử Lý Tiến dâng lời tâu lên vua Hán rằng: "Khắp cả thiên hạ đều là bề tôi của vua, thế mà nay làm quan ở triều đình đều là sĩ phu ở Trung Châu4 cả, chưa từng khuyến khích người xa". Lời lẽ thiết tha cảm động, lại viện dẫn nhiều bằng chứng. Vua Hán xuống chiếu cho người châu ta ai được cử hiếu liêm mậu tài thì cho phép được bổ trưởng lại trong châu, không được bổ ở Trung châu. Tiến lại dâng sớ nói: "Người được cử làm hiếu liêm xin cho được như bác sĩ ở mười hai châu, căn cứ theo nhân tài mà đối xử". [9a] Nhưng hữu ty sợ rằng người phương xa khoác lác mà chê bai bắt bẻ triều đình, nên không chuẩn cho. Bấy giờ người nước Việt ta là Lý Cầm làm túc vệ ở đài, bèn rủ người đồng hương là bọn Bốc Long 5, 6 người, giữa ngày đầu năm các nước triều hội, đến quỳ lạy ở sân điện tâu rằng: "Ơn vua ban không đều". Hữu ty hỏi vì cớ gì? Cầm nói: "Nam Việt ở xa không được trời che, đất chở, cho nên mưa ngọt không xuống, gió mát không đến". Lời ý khẩn thiết đau đớn. Vua Hán xuống chiếu an ủi, lấy một người mậu tài nước ta làm Huyện lệnh Hạ Dương, một người hiếu liêm làm Huyện lệnh Lục Hợp (Cầm là người Giao Châu). Sau Lý Cầm làm quan đến Tư lệ hiệu úy, Trương Trọng làm Thái thú Kim Thành. Như thế nhân tài nước Việt ta được cùng tuyển dụng như người Hán là mở đầu từ Lý Cầm, Lý Tiến vậy. (Trọng người quận Nhật Nam, khi trước đến Lạc Dương, gặp hội lớn tết Nguyên Đán, Tấn Minh Đế5 hỏi: "Ở quận Nhật Nam hướng về phía bắc để trông mặt trời phải không?" Trọng đáp rằng: "Nay trong các quận, có quận gọi là Vân Trung (trong mây), là Kim Thành (thành vàng), không hẳn phải có thật. Còn như phong khí ấm áp, mặt trời đứng bóng trên đầu sinh dân [9b] thì vẫn có thế". Xét: Khoảng niên hiệu Nguyên Gia [424-454] đời Tống Văn Đế, [quân Tống] đi đánh Lâm Ấp ở phương nam, tháng năm, dựng nêu để đo bóng, thấy mặt trời ở về phía bắc cây nêu 9 tấc 1 phân6 Giao Châu thì bóng ở về phía nam cây nêu 3 tấc 3 phân. Giao Châu cách Lạc Thủy hơn 6,7 nghìn dặm. Chỗ dựng nêu tính đường dây thẳng thì nên bớt đi nghìn dặm. Năm Khai Nguyên thứ 12 [724] thời Đường, đo ở Giao Châu vào ngày hạ chí, bóng ở phía nam cây nêu 3 tấc 3 phân, cũng giống số đo năm Nguyên Gia. Sách Luận Hành của Vương Sung nói: "Quận Nhật Nam ở cách Lạc [Dương] gần vạn dặm về phía nam mặt trời." Lý Thuyên nói: "Từ phủ An Nam đến Trường An cách 7.250 dặm". Mạnh Quán nói: "Lấy bốn phương mà đo thì An Nam đứng vào đất cuối cùng của Trung Quốc").

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Người quân tử đối với lời nói không thể cho qua được. Ngày xưa Tông Miệt85nếu không có lời nói thì cùng với cỏ cây mục nát mà thôi. Lý Cầm không có lời nói thì sao được dùng ở đời, mà người tài giỏi của nước Việt ta, người phương bắc làm sao biết được? Lời nói không thể cho qua là vì vậy. Tuy nhiên, đây chỉ nói riêng về nhân tài thôi, còn như Nhan [Hồi], Mẫn [Tử Khiên] thì không nói thế được.

[10a] Đinh Hợi, năm thứ 21 [207], (Hán Kiến An năm thứ 12). Viên Huy nhà Hán gửi thư cho Thượng thư lệnh là Tuân Úc rằng: "Giao Châu Sĩ phủ quân7 đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn 20 năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân8 đều được nhờ ơn, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây cũng không hơn được. Khi việc quan có chút nhàn rỗi thì chăm xem các sách thư, truyện. Phàm những chỗ biên chép không rõ ràng trong sách Xuân Thu Tả thị truyện, [tôi] đem hỏi, đều được ông giảng giải cho những chỗ nghi ngờ, đều có kiến giải của bậc thầy, ý tứ rõ ràng, chặt chẽ. Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ. Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ9 đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo [10b] hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà cũng không hơn được". (Huy bấy giờ ngụ ở Giao Châu). Sau vua Hán sai Trương Tân làm Thứ sử. (Tân nhận chức năm Kiến An thứ 6 [221] thời Hán). Tân thích việc quỷ thần, thường đội khăn đỏ, gảy đàn, đốt hương, đọc sách Đạo giáo, nói rằng có thể giúp việc giáo hóa, [sau] bị tướng là Khu Cảnh giết, châu mục Kinh Châu là Lưu Biểu sai Huyện lệnh Linh Lăng là Lại Cung thay Tân. Vua Hán nghe tin Tân chết, gửi cho vương [Sĩ Nhiếp] bức thư có đóng dấu ấn nói rằng: "Giao Châu ở cõi xa, một dải sông biển ở phía nam, ơn trên không truyền đến, nghĩa dưới bị nghẽn tắc, thế mà nghịch tặc Lưu Biểu lại sai Lại Cung dòm ngó đất Nam10 , nay cho khanh làm Tuy Nam trung lang tướng trông coi bảy quận, lĩnh Thái thú Giao Châu như cũ". Vương sai thuộc lại là Trương Mân mang đồ cống sang kinh đô nhà Hán. Bây giờ thiên hạ loạn lạc, đường sá đứt nghẽn, nhưng vương vẫn không bỏ việc nộp cống. Vua Hán lại xuống chiếu cho làm An Viễn [11a] tướng quân, phong tước Long Độ Đình hầu. Sau Thái thú Thương Ngô là Ngô Cự bất hòa với Cung, đem binh đánh đuổi, Cung chạy về Linh Lăng.

Canh Dần, n thứ 24 [210], (Hán Kiến An năm thứ 15). Ngô Vương là Tôn Quyền sai Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu. Khi Chất đến, vương đem anh em đến vâng theo mệnh lệnh. Ngô Vương cho vương làm Tả tướng quân. Sau vương sai con là Ngẩm11 làm con tin ở nước Ngô, Ngô Vương cho làm Thái thú Vũ Xương. Các con của vương ở Nam đều cho làm Trung lang tướng. Vương lại dỗ bảo thổ hào ở Ích Châu là bọn Ung Khải đem dân chúng trong quận phụ thuộc xa với nước Ngô ở miền đông. Ngô Vương càng khen, thăng làm Vệ tướng quân, tước Long Biên hầu. Vương thường sai sứ sang nước Ngô dâng các thứ hương liệu, vải mịn, kể số hàng nghìn. Các thứ quý lạ như ngọc trai, ốc lớn, lưu ly, lông trả, đồi mồi, sừng tê, ngà voi [11b] cùng các thứ quả lạ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không tiến, lại cống ngựa hàng mấy trăm con. Ngô Vương viết thư ban cho rất hậu để yên ủi và đáp lại.

Lê Văn Hưu nói: Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. Lại hiểu nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ Đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể gọi là người trí. Tiếc rằng con nối không gánh vác nổi cơ nghiệp của cha, để cho bờ cõi nước Việt đã toàn thịnh mà lại bị chia cắt, đáng buồn thay !

Bính Ngọ, năm thứ 40 [226], (Hán Hậu Chúa Thiện, Kiến Hưng năm thứ 4; Ngô Tôn Quyền, Hoàng Vũ năm thứ 5). Vương mất. Trước vương ốm, đã chết đi 3 ngày, người tiên là Đổng Phụng cho một viên thuốc hòa vào nước ngậm, rồi đỡ lấy đầu mà lay [12a] động, mộc chốc lát mở mắt động tay, sắc mặt bình phục dần dần, ngày hôm sau ngồi dậy được, 4 ngày lại nói được, rồi trở lại bình thường. (Phụng tên tự là Xương Dị, người huyện Hầu Quan, sự tích có chép trong Liệt tiên truyện. Hầu Quan là tên huyện, thuộc Phúc Châu).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Con không hiền là tội của con thôi. Tục truyền rằng sau khi vương chết đã chôn, đến cuối thời nhà Tấn đã hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lại đắp lại, người địa phương cho là thần, làm miếu để thờ gọi là "Tiên Sĩ Vương". Có lẽ là khí tinh anh không nát, cho nên thành thần vậy. (Đền thờ tại thành cũ Long Biên12 )

[12b] Trở lên là [kỷ] Sĩ Vương, từ năm Đinh Mão đến năm Bính Ngọ, tất cả 40 năm [187-226].

(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)