Hạ Mỗ là một xã thuộc huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Vị trí địa lý
- Phía Đông giáp xã Hồng Hà, xã Liên Hồng
- phía Tây giáp xã Thượng Mỗ
- phía Nam giáp xã Tân Hội
- phía Bắc giáp xã Trung Châu và Hồng Hà.
Đường vành đai 4 với tổng chiều dài khoảng 100 km, 6 làn xe đi qua 3 tỉnh sẽ đi xuyên qua cánh đồng xã Hạ Mỗ. Theo quy hoạch, Quốc lộ Hoàng Quốc Việt sẽ kéo dài đến xã Hạ Mỗ.
Các đơn vị hành chính
Xã có 10 cụm dân cư chia ra làm 3 khu vực chính:
Khu vực bên Bãi : Cụm 1 và cụm 2
Khu vực bên Làng:
Cụm 3 và 4 có xóm Trại, xóm Cầu, xóm Giữa và xóm Chùa.
Cụm 5 là xóm Ngõ Ngoài.
Cụm 6 là xóm Đình
Cụm 7 là Xóm Duyên.
Cụm 8 là xóm Lẻ.
Khu vực Trúng Đích: Cụm 9 và cụm 10
Văn hóa
Hạ Mỗ là vùng đất địa linh nhân kiệt có nền văn hiến tự ngàn đời nay. Nơi đây sinh ra danh nhân văn hoá Tô Hiến Thành. Xưa kia Lý Nam Đế sau khi đánh đuổi thứ sử nhà Lương đã lên ngôi vua và đổi tên nước thành Vạn Xuân (544-603), đóng đô ở Ô Diên tức xã Hạ Mỗ ngày nay1
Nơi đây có di tích đền thờ Bát Lang, tức Nhã Lang, con trai thứ 8 của Lý Phật tử, con rể Triệu Quang Phục.
Ở Hạ Mỗ có Đình Vạn Xuân (trùng với tên nước Vạn Xuân), một ngôi đình có hàng trăm gian, lớn nhất nhì Bắc Bộ, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1991. Vào năm 1955, tại ngôi đình này đã diễn ra Hội nghị giảm tô miền Bắc với khoảng 5000 đại biểu tham dự. Dân làng có bài thơ rất hay về Đình:
- Đình làng làm đủ trăm gian
- To nhớn loại nhất nước Nam nào tày
- Đất quy vờn ngọc đẹp thay
- Trước cửa ao cá, giữa ngay cái gò
- Quanh sân sáu cửa tò vò
- Hai cột đồng trụ xây to tầy vừng
- Sân rồng chất kiệu đã từng
- Đôi tả hữu mạc song hành mười gian
- Mái cong thoáng lá đại lan
- Sân ngoài cỏ mượt, tán bàng sum xuê
- Đại đình cao vút uy nghi
- Dọc ngang mười nóc một ly chẳng dời
- Đốc tiền cung điện sáng ngời
- Lưỡng long chầu nguyệt y nơi cung đình
- Cánh chuồn đốc hậu rành rành
- Nội vương ngoại quốc" quy trình chẳng sai
- Ban thờ lớp lớp trong ngoài
- Bộ hạ võ lược, văn tài hai bên
- Hậu cung cửa cấm bước lên
- Ngước trông hoành tráng ở trên đỉnh đầu
- Long, ly, quy, phượng cùng chầu
- Hoành phi câu đối rực màu vàng son
- Đồ chấp sự rặt bằng đồng
- Xà mâu, bát bửu, kiệu chồng mấy gian
- Bao nhiêu cờ, lọng, quạt, tàn
- Bấy nhiêu công sức dân làng từ xưa
- Ngàn năm cho đến bây giờ
- Đình Vạn Xuân vẫn y như buổi đầu
Nơi đây có một di tích nữa về thành Ô Diên đó là miếu Hàm Rồng. Tương truyền rằng ngay sau khi hoàng tử Lý Bát Lang mất, vua Lý Phật tử đã lệnh cho nhân dân Hạ Mỗ (bấy giờ là hương Ô Diên) lập miếu thờ trên phủ đệ cũ của hoàng tử2 , trong khu vực thành Ô Diên, người đời sau gọi là Quán Bét (đọc chệch tiếng bát tức Lý Bát Lang) hay miếu Hàm Rồng (chỗ 3 dòng sông: sông Hồng, sông Hát và sông Nhuệ 3 gặp nhau) ở đầu nguồn Nhuệ Giang, nay sông Hồng đã lùi xa và khởi nguồn sông Nhuệ chỉ còn dấu tích của Đầm Bát Lang.
Quê hương Hạ Mỗ là nơi sinh ra những người con ưu tú như:
1. Thiền sư Nguyễn Trí Bảo, là một trong 10 nhà lý luận xuất sắc của dòng thiền Quan Bích. Ông cũng là cậu ruột của Tô Hiến Thành
2. Đỗ Trí Trung, đỗ đệ nhị tiến sĩ triều Lê Thánh Tông năm 1475. Ông là người đứng đầu Kim Cương bát bộ và tham gia vào hội văn thơ Tao Đàn trong triều.
3. Đào Hoàng Thực, đỗ đệ tam tiến sĩ năm 1722 triều Lê Dụ Tông
4. Nguyễn Xuân Viên (đốc Viên) tham gia phong trào Yên Thế của Đề Thám và là người thành lập đảng Nghĩa Hưng.
5. Nguyên bí thư tỉnh ủy Lào Cai, ĐBQH, Bộ trưởng KH ĐT Bùi Quang Vinh
Người Hạ Mỗ vốn giỏi làm thơ, xưa có câu “Văn Mỗ, phú Cách”. Xưa kia nơi đây còn có phong trào hát nhà tơ, múa hát cửa đình. Tại Văn Hiến đường, nơi thờ Tô Hiến Thành còn lưu giữ cuốn mộc bản Cổ kim truyền lục với khoảng 500 nhà thơ được viết ra năm 1907 trong phong trào thiện đàn giáng bút, mượn tín ngưỡng để chống thực dân Pháp
Sản vật và món ngon địa phương
Ren (còn gọi là Ren vơ ni):
Đây là một nghề độc đáo, đến với Hạ Mỗ từ thời Pháp thuộc, cách đây hơn 100 năm. Từ Ren có lẽ xuất phát từ âm đầu của từ dentelle (tiếng Pháp), tên của sản phẩm này. Từ Vơ ni để chỉ nguồn gốc ban đầu của nghề ren là ở xứ Venice, nay thuộc Ý (Venezia). Đã từng có thời người dân Hạ mỗ đi khắp nước để dạy nghề. Tuy nhiên, do thị trường xuất khẩu bị bó hẹp nên nghề này đến nay đã bị mai một.
Xem thêm: http://bazaarvietnam.vn/thoi-trang/lich-su/nguon-goc-lich-su-ren/
Nổ nén: Một loại bánh khá độc đáo làm bằng gạo nếp rang trộn với mật mía, nén lại thành khối vuông thường làm để ăn vào dịp Tết.
Rượu: Nghề làm rượu ở Hạ mỗ đã tồn tại từ bao đời nay và ngon có tiếng. Đây là loại rượu rất thơm, có độ cồn cao (tối thiểu 48% độ cồn) nhưng không bao giờ khiến người uống bị đau đầu. Chất lượng luôn ngon nhất vùng có lẽ cũng bởi bản chất thật thà của người dân ở đây.
Nem: Khác hoàn toàn với nem Phùng (một loại nem nổi tiếng khác cũng ở huyện Đan phượng) được làm từ bì heo, nem Hạ mỗ có thành phần chủ yếu là thịt nạc loại ngon nhất và nem thính nên ăn rất ngọt. Loại nem này chỉ xuất hiện trong các đám hiếu, hỉ trong làng.
Đậu phụ: Đậu phụ Hạ Mỗ ngon nổi tiếng, hàng ngày cung cấp một số lượng lớn cho thị trường Hà nội. Đặc điểm bìa đậu(dân địa phương gọi là khăn đậu)to, mềm nhưng không nát. Dù rán, nướng hay ăn ngay vẫn cảm thấy vị béo ngậy. Đây là bí quyết nhà nghề và do nguồn nước địa phương đã tạo nên chất lượng của sản phẩm.
Cháo xe (xoe): Món cháo làm bằng bột gạo, xoe lại thành miếng tròn, dài rồi nấu với thịt sườn loại ngon. Món này thường được dùng vào bữa tối ngày cưới để đãi anh em trong gia đình, bạn thân và khách quý.
Bột sắn dây: Bột sắn Hạ Mỗ ngon nổi tiếng do kinh nghiệm lâu năm. Hiện nay do hàng giả quá nhiều nên các gia đình làm sắn dây không còn mặn mà với nghề này nữa. Trong làng chỉ còn ít gia đình vẫn cố gắng giữ lấy nghề.
Tham khảo thêm:
www.hamo.vn
https://sites.google.com/site/hamovanhien
http://hotovietnam.org/
http://bazaarvietnam.vn/thoi-trang/lich-su/nguon-goc-lich-su-ren/
Chú thích
- ^ Giới thiệu Hà Nội
- ^ Cuốn thần phả do Hàn Lâm Viện Đông các học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất, đời vua Lê Anh Tông (Nhâm Thân 1572)
- ^ Xưa gọi là sông Tống Bình hay sông Từ Liêm
Tham khảo
(Nguồn: Wikipedia)