Kon Tum
Tỉnh
Logo tỉnh kon tum.PNG
Kon Blar River 3.JPG
Sông Đăk Bla đoạn qua thành phố Kon Tum
Địa lý
Tọa độ: 14°21′06″B 108°00′01″Đ / 14,351543°B 108,000412°ĐTọa độ: 14°21′06″B 108°00′01″Đ / 14,351543°B 108,000412°Đ
Diện tích 9.689,6 km²
Dân số (2013)  
 Tổng cộng 473.300 người1
 Mật độ 49 người/km²
Dân tộc Việt, Xơ-đăng, Ba Na, Giẻ-triêng, Ra-glai
Hành chính
Quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Vùng Tây Nguyên
Tỉnh lỵ Thành phố Kon Tum
 Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Hòa
 Chủ tịch HĐND Nguyễn Văn Hùng
 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng
Phân chia hành chính 1 thành phố, 9 huyện
Mã hành chính VN-28
Mã bưu chính 58xxxx
Mã điện thoại 60
Biển số xe 82
Website Tỉnh Kon Tum

Kon Tum là một tỉnh thuộc vùng cực bắc Tây Nguyên của Việt Nam, có vị trí địa lý nằm ở ngã ba Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn. Kon Tum cũng là tỉnh có diện tích lớn thứ 8 trong 63 Tỉnh thành Việt Nam.

Vị trí địa lý

Địa giới tỉnh Kon Tum nằm trong vùng từ 107020'15" đến 108032'30" kinh độ Đông và từ 13055'12" đến 15027'15" vĩ độ Bắc. Phía Bắc Kon Tum giáp địa phận tỉnh Quảng Nam với chiều dài ranh giới 142 km, phía Nam giáp với tỉnh Gia Lai chiều dài ranh giới 203 km, phía Đông giáp với tỉnh Quảng Ngãi với chiều dài ranh giới dài 74 km2 , phía Tây giáp với nước CHDCND Lào (142,4 km) và Vương quốc Campuchia (138,3 km).

Lịch sử

Vùng đất sơ khai của các bộ tộc tự trị

Phong cảnh thiên nhiên suối rừng trong thung lũng huyện Đăk Glei
Đập và hồ thủy điện Yaly vị trí giáp ranh với tỉnh Gia Lai

Về nguồn gốc tên gọi "Kon Tum", theo ngôn ngữ Ba Na thì Konlàng, Tumhồ, chỉ tên gọi một ngôi làng gần một hồ nước cạnh dòng sông Đăk Bla mà hiện nay là làng Kon Kơ Nâm ở thành phố Kon Tum.

Vùng đất Kon Tum ngày xưa là vùng đất hoang vắng, đất rộng, người thưa với sự sinh sống của các dân tộc bản địa gồm Xơ Đăng, Bana, Gia Rai,Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm. Mỗi dân tộc gắn với một vùng cư trú khác nhau. Thiết chế xã hội cổ truyền của người dân bản địa nơi đây là tổ chức làng (kon), mang tính biệt lập, do một già làng là người có uy tín nhất trong làng, đứng đầu3 . Đất rộng người thưa, cách biệt với bên ngoài bởi rừng rậm và núi non hiểm trở, các làng bản địa là những xã hội thu nhỏ, chưa có một chính quyền liên minh trong khi chính quyền các quốc gia hùng mạnh xung quanh như Đại Việt, Chân Lạp, Chiêm Thành, Vạn Tượng chưa vươn tầm kiểm soát đến đây.

Tuy nhiên, do vị trí vùng đệm giữa Chiêm Thành và Chân Lạp, các bộ tộc tại Kon Tum thường trở thành mục tiêu các cuộc cướp bóc và buôn bán nô lệ. Mãi đến thế kỷ 12, sau khi đánh bại được Chân Lạp, Chiêm Thành mới toàn quyền ảnh hưởng trên toàn vùng Tây Nguyên, đặc quyền đô hộ lên vùng này.

Năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, đẩy lùi chính quyền Chiêm Thành về phía Nam (tương ứng vùng từ Khánh Hòa đến Bình Thuận ngày nay), đã cử các sứ thần thu phục các bộ tộc ở Tây Nguyên và sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ của Đại Việt.

Mặc dù vậy, do chủ yếu tập trung thiết lập chính quyền trên các vùng đất mới ở duyên hải, triều đình Đại Việt chưa thực sự thiết lập quyền kiểm soát. Các cư dân bản địa vẫn được tự trị và hòa hợp hơn với người Kinh, vốn chịu ảnh hưởng văn hóa lên án việc cướp bóc và bắt nô lệ. Các quan viên được bổ chức trấn nhậm, chủ yếu chỉ mang tính hình thức khẳng định chủ quyền. Năm 1540, triều đình Lê Trung hưng từ bổ Bùi Tá Hán làm tuần tiết xứ Nam - Ngãi được kiêm quản luôn cả các dân tộc miền núi (Trung Sơn - Tây Nguyên).

Mãi đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1786), ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn HuệNguyễn Lữ cử nhiều sứ giả đến tăng cường quan hệ hợp tác đồng minh với các bộ tộc vùng này nhằm tạo một hậu cứ vững chắc làm bàn đạp tiến xuống duyên hải, đồng thời mộ quân và tài lực phục vụ cho chiến tranh.

Bước chân các nhà truyền giáo và quá trình thực dân

Thời Thiệu Trị, năm 1840, triều đình Huế cho lập Bok Seam, một người Bana làm quan cai trị các bộ tộc Tây Nguyên, đồng thời cho phép người Kinh và bộ tộc được phép tự do quan hệ mua bán, trao đổi.

Trong thời gian này, các giáo sĩ Thiên chúa giáo cũng tìm cách mở đường lên cao nguyên để truyền đạo, trong đó có cả Kon Tum. Lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam ghi nhận, sau chuyến mở đường năm 1848, 2 linh mục Pháp và 7 thầy giảng người Việt đã đến Kon Tum và đặt cơ sở tôn giáo tại đây vào năm 1850. Hai trong 4 trung tâm truyền giáo đầu tiên được đặt ở vùng Kon Tum ngày nay: Kon Kơ Xâm (do linh mục Combes phụ trách, truyền giáo bộ tộc Bahnar-Jơlơng) và Kon Trang (do linh mục Dourisboure phụ trách, truyền giáo bộ tộc Xơ Đăng).

Sau khi nắm được toàn quyền thực dân ở Đại Nam, người Pháp bắt đầu mở rộng quyền kiểm soát và tiến lên khai thác vùng Tây Nguyên. Năm 1888, một nhà phiêu lưu người Pháp là Mayréna xin phép chính quyền Pháp đi thám hiểm khu vực Tây Nguyên để thỏa thuận với các dân tộc thiểu số ở đây và được Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Ernest Constans chấp thuận. Bằng các tiểu xảo, Mayréna đã thu phục được một số bộ tộc thiểu số (cụ thể là hai dân tộc Ba Na và Xơ Đăng) và thành lập ra Vương quốc Sedang với Mayréna làm vua, lấy hiệu là Vua Marie đệ nhất, vua Sedang. Thủ đô của Vương quốc Sedang tại làng Long Răng, hiện nay là làng Kon Gu, xã Ngok Wang, huyện Đắk Hà tỉnh Kon Tum, lấy tên là Pelei Agna hay thành phố vĩ đại, một số nguồn nói rằng tên thủ đô của vương quốc Sedang là Maria Pelei.

Sau đó, Mayréna quay về Quy Nhơn và thuyết phục chính quyền thực dân Pháp mua lại vương quốc Sedang. Sau khi Pháp từ chối đề nghị này, Mayréna sang Hồng Kông với ý định bán lại vương quốc Sedang cho người Anh. Nhân dịp này, công sứ Quy Nhơn Guiomar đã tìm cách ngăn chặn Mayréna trở về, đồng thời đặt quyền kiểm soát Tây Nguyên, dưới quyền công sứ Quy Nhơn. Năm 1892, chính quyền thực dân Pháp cho đặt tòa đại lý hành chính Kon Tum, do một giáo sĩ người Pháp là Vialleton (tên Việt: Truyền) phụ trách, trực thuộc tòa công sứ Bình Định.

Thời Pháp thuộc

Ngày 4 tháng 7 năm 1904, chính quyền thực dân Pháp thành lập tỉnh Plei Ku Der, do một công sứ Pháp là Leon Plantié nắm quyền cai trị, gồm hai tòa đại lý hành chính mơi thành lập là Kon Tum (trước đây thuộc Bình Định) và Cheo Reo (trước đây thuộc Phú Yên). Ngày 25 tháng 4 năm 1907, chính quyền thực dân Pháp lại bãi bỏ tỉnh Plei Ku Der. Toàn bộ đất đai của tỉnh Plei Ku Der gồm hai tòa đại lý hành chính Kon Tum và Cheo Reo được sáp nhập trở lại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên như trước đó. Ở tòa đại lý Kon Tum, viên đại lý đầu tiên là Guenot.

Cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia

Ngày 9 tháng 2 năm 1913, chính quyền thực dân Pháp chính thức thành lập tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý hành chính Kon Tum tách ra từ Bình Định, đại lý hành chính Cheo Reo tách ra từ Phú Yên, và đại lý hành chính Buôn Ma Thuột. Năm 1917, Pháp thành lập tòa đại lý hành chính An Khê, gồm huyện Tân An và khu vực người dân tộc thiểu số đặt dưới quyền cai trị của công sứ Kon Tum. Ngày 2 tháng 7 năm 1923, thành lập tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở tách đại lý Buôn Ma Thuột khỏi tỉnh Kon Tum.

Ngày 3 tháng 12 năm 1929, thị xã Kon Tum được thành lập, trên thực tế chỉ là thị trấn, gồm tổng Tân Hương và một số làng dân tộc thiểu số phụ cận. Ngày 25 tháng 5 năm 1932, tách đại lý Pleiku ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Pleiku. Đến ngày 9 tháng 8 năm 1943, đại lý hành chính An Khê được tách khỏi tỉnh Kon Tum, sáp nhập vào tỉnh Pleiku. Lúc này tỉnh Kon Tum chỉ còn lại tổng Tân Hương và toàn bộ đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày 3 tháng 2 năm 1929, theo nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ, tổng Tân Hương được lập thành thị trấn Kon Tum, từ đó thị trấn Kon Tum trở thành tỉnh lị của tỉnh Kon Tum.

Trong chiến tranh giành độc lập

Sau Cách mạng tháng 8, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức lại tỉnh Kon Tum thành 4 đơn vị hành chính gồm các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Konplong và thị xã Kon Tum. Ngày 26 tháng 6 năm 1946, người Pháp tái chiếm lại Kon Tum và sau đó trao lại quyền kiểm soát về danh nghĩa cho Quốc gia Việt Nam (thành lập năm 1949) để thành lập Hoàng triều cương thổ. Trên thực tế, bộ máy cai trị tại đây vẫn trên cơ sở hành chính cũ của người Pháp.

Về phía chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Kon Tum chịu sự quản lý chỉ đạo về hành chính của Xứ ủy Trung Kỳ và Phân ban vận động quốc dân thiểu số Nam Trung Bộ. Tháng 1 năm 1947, Phân khu 15 thành lập, trong đó nòng cốt là tỉnh Kon Tum và các huyện miền Tây của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trên thực tế, tổ chức hành chính của tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên, nhưng chịu sự quản lý và chi phối của Phân khu 15 về hoạt động quân sự. Tháng 8 năm 1947, Khu 15 Tây Nguyên được thành lập, tỉnh Kon Tum là một trong những đơn vị hành chính trực thuộc Khu 15. Tháng 3 năm 1950, theo chủ trương của Liên Khu ủy V, tỉnh Kon Tum và Gia Lai được sáp nhập thành tỉnh Gia - Kon. Tháng 10 năm 1951, theo quyết định của Liên Khu ủy V, tỉnh Kon Tum và các huyện phía tây Quảng Ngãi hợp nhất thành Mặt trận miền Tây. Tháng 2 năm 1954, Kon Tum là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên hoàn toàn đặt dưới quyền kiểm soát của Việt Minh. Một thời gian sau, Mặt trận miền Tây cũng được giải thể.

Hệ thống 2 chính quyền trong Chiến tranh Việt Nam

Dân số tỉnh Kon Tum năm 19674
Quận Dân số
Dak Sut 9.690
Dak To 20.187
Kon Tum 48.722
Tổng số 78.599

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, phía Quốc gia Việt Nam tiếp quản Kon Tum. Năm 1958 dưới thời Việt Nam Cộng hòa, bộ máy hành chính tỉnh Kon Tum được chia thành tòa hành chính Kon Tum - bộ máy hành chính cấp tỉnh, bên dưới gồm các quận Kon Tum, Đăk Tô, Konplong và Đăk Sút.

Năm 1958, Việt Nam Cộng hòa thành lập quận Toumơrông. Năm 1959, tiếp tục lập thêm quận Chương Nghĩa. Năm 1960, quận Konplong bị xóa bỏ. Năm 1961, tỉnh Kon Tum còn lại 4 đơn vị hành chính cấp quận là Kon Tum, Đăk Tô, Đăk Sút, Toumơrông.

Năm 1972, Việt Nam Cộng hòa đổi tên chi khu Đăk Pét thành quận Đăk Sút để mở rộng chức năng về hành chính. Sau chiến dịch xuân - hè năm 1972, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh và đại bộ phận các vùng nông thôn, vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa bị thu hẹp đáng kể.[cần dẫn nguồn] Quận lỵ Đăk Tô phải chuyển về đèo Sao Mai; các chi khu Đăk Pét, Măng Đen, Măng Buk bị cô lập giữa vùng kiểm soát của quân Giải phóng. Lực lượng Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tập trung phần lớn tại khu vực thành phố Kon Tum.[cần dẫn nguồn]

Năm 1974, quân Giải phóng tấn công tiêu diệt hoàn toàn các chi khu Đăk Pét, Măng Đen, Măng Buk. Tận dụng thời cơ thắng lớn ở Buôn Ma Thuột, ngày 16 tháng 3 năm 1975, quân giải phóng và dân chúng trong tỉnh đã nổi dậy tấn công vào đầu não của Việt Nam Cộng hòa ở nội thị, chiếm được thị xã và toàn tỉnh Kon Tum.[cần dẫn nguồn]

Sau khi Việt Nam thống nhất

Hoàng hôn bên cầu Đăk Bla

Tháng 10 năm 1975, tỉnh Kon Tum sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum, trên địa bàn tỉnh có thị xã Kon Tum và 3 huyện: Đắk Glei, Đăk Tô, Kon Plông. Ngày 10 tháng 10 năm 1978, thành lập huyện Sa Thầy.5

Ngày 21 tháng 8 năm 1991, tỉnh Kon Tum được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh mới là Gia Lai và Kon Tum6 . Đồng thời, thành lập một số huyện mới như thành lập Ngọc Hồi vào năm 19927 , Đăk Hà thành lập vào năm 19948 , huyện Kon Rẫy thành lập vào năm 20029 , và huyện Tu Mơ Rông thành lập vào năm 200510 . Ngày 14 tháng 9 năm 2009, thị xã Kon Tum được nâng cấp lên thành thành phố Kon Tum. Ngày 11 tháng 3 năm 2015, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập huyện Ia H'Drai trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy. Tính đến năm 2015, tỉnh Kon Tum có 1 thành phố và 9 huyện3 .

Điều kiện tự nhiên

Địa hình Kon Tum chủ yếu là đồi núi, chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh, bao gồm những đồi núi liền dải có độ dốc 150 trở lên11 . Địa hình núi cao liền dải phân bố chủ yếu ở phía bắc - tây bắc chạy sang phía đông tỉnh Kon Tum, đa dạng với gò đồi, núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau khá phức tạp, tạo ra những cảnh quan phong phú, đa dạng vừa mang tính đặc thù của tiểu vùng, vừa mang tính đan xen và hoà nhập, Kon Tum có độ cao trung bình từ 500 mét đến 700 mét, riêng phía Bắc có độ cao từ 800 mét - 1.200 mét, đặc biệt có đỉnh Ngọc Linh cao nhất với độ cao 2.596 mét12 .

Cảnh quang tại tỉnh Kon Tum

Khí hậu Kon Tum có nét chung của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa của phía Nam Việt Nam, lại mang tính chất của khí hậu cao nguyên. Khí hậu Kon Tum chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô11 . Trong đó, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm vào khoảng 2.121 mm, lượng mưa năm cao nhất 2.260 mm, năm thấp nhất 1.234 mm, tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 8. Mùa khô, gió chủ yếu theo hướng đông bắc, nhưng vào mùa mưa, gió chủ yếu theo hướng tây nam. Nhiệt độ trung bình trong năm dao động trong khoảng 22 - 230C, biên độ nhiệt độ dao động trong ngày 8 - 90C11 .

Kon Tum nằm trên khối nâng Kon Tum, vì vậy rất đa dạng về cấu trúc địa chất và khoáng sản. Trên địa bàn có 21 phân vị địa tầng và 19 phức hệ mắc ma đã được các nhà địa chất nghiên cứu xác lập, hàng loạt các loại hình khoáng sản như sắt, crôm, vàng, nguyên liệu chịu lửa, đá quý, bán quý, kim loại phóng xạ, đất hiếm, nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng,... đã được phát hiện11 .

Rừng Kon Tum phần lớn là rừng nguyên sinh có nhiều gỗ quý như cẩm lai, dáng hương, pơ mu, thông12 … tỉnh Kon Tum có khoảng hơn 300 loài thực vật, thuộc hơn 180 chi và 75 họ thực vật có hoa. Động vật nơi đây cũng rất phong phú, đa dạng, trong có nhiều loài hiếm, bao gồm chim có 165 loài, 40 họ, 13 bộ, đủ hầu hết các loài chim. Thú có 88 loài, 26 họ, 10 bộ, chiếm 88% loài thú ở Tây Nguyên. Bên cạnh các loài thú, Kon Tum còn có nhiều loại chim quý cần được bảo vệ như công, trĩ sao, gà lôi lông tía và gà lôi vằn11 .

Hành chính

Tỉnh Kon Tum hiện có 1 thành phố và 9 Huyện, Trong đó có với 97 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 6 thị trấn, 10 phường và 86 xã13 :

Ðơn vị hành chính cấp Huyện Thành phố
Kon Tum
Huyện
Đắk Glei
Huyện
Đắk Hà
Huyện
Đắk Tô
Huyện
Ia H'Drai
Huyện
Kon Plông
Huyện
Kon Rẫy
Huyện
Ngọc Hồi
Huyện
Sa Thầy
Huyện
Tu Mơ Rông
Diện tích (km²) --- --- --- --- --- --- --- --- --- ---
Dân số (người)2009 143.099 38.863 61.665 37.440 11.644 20.890 22.622 41.828 41.228 22.498
Mật độ dân số (người/km²) --- --- --- --- --- --- --- --- --- ---
Số đơn vị hành chính 10 phường, 11 xã 11 xã, 1 thị trấn 1 thị trấn, 10 xã 1 thị trấn, 8 xã 3 xã 9 xã 1 thị trấn, 6 xã 7 xã và 1 thị trấn 10 xã và 1 thị trấn 11 xã
Năm thành lập 2009 1975 1994 1975 2015 1975 2002 1994 1975 2005
Nguồn: Website tỉnh Kon Tum, huyện Ia H'Drai số liệu năm 2015

Kinh tế

Cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Kon Tum có điều kiện hình thành các cửa khẩu, mở rộng hợp tác quốc tế về phía Tây. Kon Tum có đường Quốc lộ 14 nối với các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam, đường 40 đi Atôpư (Lào).

Giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010, cơ cấu kinh tế chuyển đổi cơ bản tiến bộ, công nghiệp xây dựng đạt 32%, nông, lâm nghiệp 25%, dịch vụ 43%, GDP bình quân đầu người đạt 507 USD, nhu cầu vốn đầu tư cả thời kỳ 476,6 triệu USD. Tình hình xuất nhập khẩu đến năm 2010 đạt 70 triệu USD. Đồng thời năm 2010 có 50.000 lượt khách du lịch, trong đó có 10.000 khách nước ngoài.14 .

Năm 2012, năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,77% so với cả nước15 16 . Trong đó, các ngành nông - lâm - thủy sản tăng 7,3%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 17,49%, ngành dịch vụ tăng 18,34% và chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,88%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.632,2 tỷ đồng, vượt 0,5% so với kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 38,2%, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 6.200 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22,12 triệu đồng, và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,77%15 17 .

Ước tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 13.794 hợp tác xã, tăng 504 so với năm 2011. Danh thu bình quân của Hợp tác xã năm 2012 ước đạt 1,74 tỷ đồng/HTX/Năm, Lợi nhuận bình quân của hợp tác xã đạt 370,87 triệu đồng/HTX/Năm. Thu nhập bình quân của các xã viên hợp tác xã ước đạt 18,26 triệu đồng/xã viên/năm. Thu nhập của lao động thường xuyên trong các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã ước đạt 17,83 triệu đồng/lao động/năm18 .

Tỉnh Kon Tum đã thực hiện đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh như Sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, nuôi cá tầm, cá hồi... gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tỉnh phấn đấu trong năm 2013, thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đạt trên 1.830 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD.17 19 .

Dân cư

Một tượng điêu khắc gỗ của người dân tộc bản địa Kon Tum
Lịch sử phát triển
dân số
Năm Dân số
1995 279.500
1996 288.300
1997 297.300
1998 306.700
1999 316.600
2000 328.100
2001 339.000
2002 350.200
2003 361.500
2004 373.700
2005 386.000
2006 396,600
2007 408.100
2008 420.500
2009 431.800
2010 442.100
2011 453.200
Nguồn:20

Theo kết quả điều tra ngày 1 tháng 4 năm 1999, tỉnh Kon Tum có 316.600 người. Toàn tỉnh có 25 dân tộc, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh có 145.681 người chiếm 46,36%. Các dân tộc thiểu số gồm dân tộc Xơ Ðăng có 78.741 người, chiếm 25,05%. dân tộc Ba Na có 37.519 người, chiếm 11,94%. dân tộc Giẻ- Triêng có 25.463 người, chiếm 8,1%. dân tộc Gia Rai có 15.887 người, chiếm 5,05%. các dân tộc khác chiếm 3,5 %14 .

Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh Kon Tum đạt gần 453.200 người, mật độ dân số đạt 47 người/km²21 Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 156.400 người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh22 , dân số sống tại nông thôn đạt 296.800 người, chiếm 64% dân số23 . Dân số nam đạt 237.100 người24 , trong khi đó nữ đạt 216.100 người25 . Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 18,6 ‰26

Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh Kon Tum có 42 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Trong đó dân tộc kinh có 201.153 người, người Xơ Đăng có 104.759 người, người Ba Na có 53.997 người, Người Giẻ Triêng có 31.644 người, người Gia Rai có 20.606 người, người Mường có 5.386 người, Người Thái có 4.249 người, Người Tày có 2.630, cùng các dân tộc ít người khác như Nùng, Hrê, Brâu, Rơ Măm27 ...

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, Toàn tỉnh Kon Tum có 5 Tôn giáo khác nhau chiếm 173.593 người. Trong đó, nhiều nhất là Công giáo có 134.312 người, Phật giáo có 25.012 người, Tinh Lành có 13.736 người, cùng các tôn khác như Cao Đài có 499 người, Đạo Bahá'í có 15 người, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có bốn người, cuối cùng là Hồi giáo chỉ có một người27 .

Du lịch

Khách du lịch qua sông tại Kon Tum

Kon Tum có nhiều cảnh quan tự nhiên như hồ Ya ly, rừng thông Măng Đen, khu bãi đá thiên nhiên Km 23, thác Đắk Nung, suối nước nóng Đắk Tô và các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… có khả năng hình thành các khu du lịch cảnh quan, an dưỡng. Các cảnh quan sinh thái này có thể kết hợp với các di tích lịch sử cách mạng như di tích cách mạng ngục Kon Tum, ngục Đắk Glei, di tích chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, chiến thắng Plei Kần, chiến thắng Măng Đen… các làng văn hoá truyền thống bản địa tạo thành các cung, tuyến du lịch sinh thái - nhân văn.

Giáo dục & Y tế

Trẻ em dân tộc thiểu số và sinh viên tình nguyện chiến dịch "Mùa hè xanh" ở xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum

Giáo dục

Tính đến thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum có 256 trường học ở cấp phổ trong đó có Trung học phổ thông có 14 trường, Trung học cơ sở có 94 trường, Tiểu học có 131 trường, trung học có 10 trường, có 10 trường phổ thông cơ sở, bên cạnh đó còn có 108 trường mẫu giáo28 . Với hệ thống trường học như thế, nền giáo dục trong địa bàn Tỉnh Kon Tum cũng tương đối hoàn chỉnh, góp phần giảm thiểu nạn mù chữ trong địa bàn tỉnh28 .

Y tế

Theo thống kê về y tế năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum có 121 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Trong đó có 9 Bệnh viện, 13 Phòng khám đa khoa khu vực, 97 Trạm Y tế phường xã, và 1 bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng, với 1770 giường bệnh và 354 bác sĩ, 350 y sĩ, 694 y tá29 .

Tham khảo

  1. ^ “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2013 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015. 
  2. ^ Phần lớn tỉnh Kon Tum nằm ở phía tây dãy Trường Sơn, Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum.
  3. ^ a ă Kon Tum qua các thời kỳ lịch sử, Theo tài liệu Kon Tum trên đường phát triển
  4. ^ Việt Nam Cộng hòa bản đồ hành chánh. Đà Lạt: Phân cục Địa dư Quốc gia, 1967.
  5. ^ Quyết định 254-CP năm 1978 về việc chia huyện Đak Tô thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum thành hai huyện do Hội đồng Chính phủ ban hành
  6. ^ Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Quốc hội ban hành
  7. ^ Quyết định 316-HĐBT năm 1991 thành lập huyện mới Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum do Hội đồng bộ trưởng ban hành
  8. ^ Nghị định 26-CP năm 1994 về việc thành lập huyện Đắk Hà thuộc tỉnh Kon Tum
  9. ^ Nghị định 14/2002/NĐ-CP về việc chia huyện Kon Plông, tỉnh Kom Tum thành hai huyện Kon Plông và huyện Kon Rẫy; đổi tên thị trấn Kon Plông thành thị trấn Đắk Rve
  10. ^ Nghị định 76/2005/NĐ-CP về việc thành lập xã thuộc huyện Đắk Tô và thành lập huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum
  11. ^ a ă â b c Điều kiện tự nhiên Kon Tum, Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum.
  12. ^ a ă Điều kiện tự nhiên của Tỉnh Kon Tum, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
  13. ^ Đơn vị hành chính, Đất đai và Khí hậu Niên giám thống kê 2011, Tổng cục Thống kê Việt Nam.
  14. ^ a ă Khái quát điều kiện tự nhiên, Uỷ ban Dân tộc.
  15. ^ a ă Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Kon Tum, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
  16. ^ Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) 6 tháng đầu năm 2012 của tỉnh Kon Tum ước đạt 1.069.593 triệu đồng, Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum.
  17. ^ a ă Kon Tum phấn đấu trở thành điểm sáng ở Tây Nguyên, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
  18. ^ Văn bản số 7908/BKHĐT-HTX ngày 11 tháng 10 năm 2012, Bộ kế hoạch đầu tư.
  19. ^ Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 24/2011/NQ-HĐND về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2012., Trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum.
  20. ^ Dân số trung bình phân theo địa phương qua các năm, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  21. ^ Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  22. ^ Dân số thành thị trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  23. ^ Dân số nông thôn trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  24. ^ Dân số nam trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  25. ^ Dân số nữ trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  26. ^ Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  27. ^ a ă Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, Tổng cục Thống kê Việt Nam.
  28. ^ a ă Thống kê về Giáo dục Việt Nam, Niên giám thống kê 2011, Theo tổng cục thống kê Việt Nam
  29. ^ http://www.gso.gov.vn/Modules/Doc_Download.aspx?DocID=15356

(Nguồn: Wikipedia)