Kon Tum | |
---|---|
— Thành phố trực thuộc tỉnh — | |
Nhà thờ chính tòa Kon Tum | |
tỉnh Kon Tum" src="/images/wiki/thi-xa-kon-tum/0f4a52db063da5712d33c8d69cbf9853.png" /> Vị trí thành phố trong tỉnh Kon Tum | |
Kon Tum | |
Tọa độ: 14°23′B 107°59′Đ / 14,383°B 107,983°Đ | |
Quốc gia | Việt Nam |
Tỉnh | Kon Tum |
Nâng cấp thành phố | 13 tháng 9 năm 2009 |
Đô thị loại 3 | 7 tháng 10 năm 2005 |
Chính quyền | |
• Ủy ban Nhân dân Thành phố | 542 Nguyễn Huệ, phường Quyết Thắng |
Diện tích | |
• Tổng cộng | 432.9.815 km2 (167.1.751 mi2) |
Dân số (2013) | |
• Tổng cộng | 155,214 người |
Phân chia hành chính | 10 phường,11 xã |
Trang web | http://kontumcity.kontum.gov.vn |
Thành phố Kon Tum là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Kon Tum, nằm ở vùng địa hình lòng chảo phía nam của tỉnh này. Nơi này từ xưa đã là địa bàn cư trú của người Ba Na bản địa, dẫn đến tên gọi Kon Tum, nghĩa là "Làng Hồ" theo tiếng người Ba Na. Do nằm ở vị trí đặc biệt, đất đai bằng phẳng và màu mỡ được sông Đắk Bla bồi đắp, và cũng do nhiều yếu tố lịch sử mà vùng đất này dần trở thành nơi định cư của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó có người Kinh đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Trong những năm 1841-1850, người Pháp trên hành trình lên cao nguyên truyền đạo đã đặt cơ sở Thiên chúa giáo đầu tiên tại đây. Đến năm 1893, chính quyền thực dân Pháp lập Tòa đại lý hành chính Kon Tum do viên linh mục Vialleton cai quản và kể từ đó tên gọi Kon Tum chính thức được sử dụng, đơn vị hành chính cấp tỉnh được thành lập sau đó cũng mang tên gọi này. Kon Tum từ một vùng đất hoang vắng, người thưa thớt trở thành nơi tập trung dân cư, thương mại và hành chính xuyên suốt chiều dài lịch sử của tỉnh Kon Tum. Sau hơn một trăm năm phát triển và đã trải qua không ít khó khăn, Kon Tum hiện đang là đô thị loại III và được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.1
Lịch sử
Thời kì đầu
Người Kinh đến định cư, lập nghiệp
Cuối đời vua Thiệu Trị, rồi kế đến là vua Tự Đức lên ngôi (1847) nhà Nguyễn ra sắc chỉ "Bình Tây Sát Tả" bố ráp đạo Thiên Chúa. Các nhà truyền giáo người Pháp phải chạy đến Bình Định để trốn tránh sự kiểm soát gắt gao của triều Nguyễn, việc truyền giáo trở nên khó khăn. Đứng trước tình thế đó, Đức Giám mục địa phận Qui Nhơn là Stéphan Cue'not đã cử nhiều thừa sai tìm đường lên vùng cao nguyên (lúc đó còn là rừng núi hoang sơ rậm rạp có rất nhiều thú dữ và chưa có sự kiểm soát của nhà Nguyễn) để lánh nạn và đồng thời tiếp tục truyền đạo nhưng đa số là thất bại.
Đến tháng 4 năm 1848, một linh mục người Việt là Nguyễn Do đã tìm ra con đường đi qua trạm Gò ở phía Bắc An Khê để tránh con đường độc đạo qua An Sơn (An Khê) luôn bị quân triều đình nhà Nguyễn canh giữ nghiêm ngặt. Trong vai một người lái buôn, sau đó ông xin làm người giúp việc cho một người lái buôn khác, nhờ vậy ông phát hiện ra được vùng đất Kon Tum. Năm 1850, Nguyễn Do dẫn một phái đoàn gồm có linh mục Hoàng (Fontaine), Phêrô (P.Combe) và bảy linh mục khác cùng một số học trò người Kinh lên Kon Tum. Đến đây, họ bỏ tiền để chuộc một số người Kinh (phần lớn là người Quảng Nam, Quảng Ngãi) là nạn nhân của các cuộc đánh cướp nô lệ đang sống trong các làng người Xê Đăng, rồi chiêu mộ người Kinh theo đạo Thiên Chúa ở đồng bằng muốn tránh sự truy nã của triều đình, để thành lập những làng người Kinh tại đây.2
Lớp người đầu tiên này thấy nơi xứ lạ, đất đai phì nhiêu dễ bề sinh nhai nên họ đã liên lạc với người thân ở đồng bằng (Bình Định, Quảng Ngãi) đưa lên lập nghiệp, rồi dần người đông đúc họ lập nên làng người Kinh đầu tiên ở Gò Mít, lấy tên là làng Trại Lý vào năm 1874, sau đổi thành làng Tân Hương, buổi đầu chỉ có 15 hộ và 100 khẩu.
Cho đến năm 1883 ở Kon Tum có 4 làng họ đạo Thiên Chúa giáo và một cộng đồng khoảng 1.500 người Kinh sống cạnh người Ba Na và Rơ Ngao phần lớn quê ở Bình Định, Quảng Ngãi.
Cuộc chuyển cư đông nhất lần hai của người Kinh lên Kon Tum gắn liền với việc mở mang khai thác kinh tế đồn điền cà phê, cao su, lâm thổ sản của người Pháp trong những năm đầu thế kỷ XX.
Đến năm 1933, khu vực xung quanh thành phố Kon Tum ngày nay có 10 làng người Kinh, trong đó có 8 làng theo đạo Thiên Chúa giáo: làng Tân Hương (1874), làng Phương Nghĩa (1882), làng Phương Quý (1887), làng Phương Hòa (1892), làng Phụng Sơn (1924), làng Ngô Thạnh (1925), làng Ngô Trang (1925), và 2 làng không theo đạo: Làng Trung Lương (1914) và làng Lương Khế (1911).3
Sau năm 1975
Sau năm 1975, thị xã Kon Tum thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum gồm 4 phường: Quang Trung, Quyết Thắng, Thắng Lợi, Thống Nhất và 11 xã: Đắk Blà, Đắk Cấm, Đắk La, Đắk Uy, Đoàn Kết, Hòa Bình, Ia Chim, Ia Ly, K'roong, Ngọk Bay, Vinh Quang.
Ngày 10 tháng 10 năm 1978, chia Ia Ly thành 2 xã: xã Ia Ly thuộc Gia Lai, phía Nam sông Sê San và phía Bắc là xã Ya Ly thuộc Kon Tum được chuyển về huyện Sa Thầy quản lý4 . Ngày 17 tháng 8 năm 1981, chia xã Đoàn Kết thành 2 xã: Đoàn Kết và Chư H'reng; chia xã Đắk Cấm thành 2 xã: Đắk Cấm và Ngọk Réo5 . Ngày 1 tháng 2 năm 1985, chia xã Đắk La thành 2 xã: Đắk La và Hà Mòn6 . Đầu năm 1991, thị xã Kon Tum có 4 phường: Quang Trung, Quyết Thắng, Thắng Lợi, Thống Nhất và 13 xã: Chư H'reng, Đắk Blà, Đắk Cấm, Đắk La, Đắk Uy, Đoàn Kết, Hà Mòn, Hòa Bình, Ia Chim, K'roong, Ngọk Bay, Ngọk Réo, Vinh Quang.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tái lập tỉnh Kon Tum từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum, thị xã Kon Tum trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Kon Tum7 .
Ngày 24 tháng 3 năm 1994, tách 4 xã: Đắk La, Hà Mòn, Đắk Uy, Ngọk Réo để thành lập huyện Đắk Hà8 . Ngày 22 tháng 11 năm 1996, chia xã Chư H'reng thành 2 xã: Chư H'reng và Đắk Rơ Wa9 .
Ngày 3 tháng 9 năm 1998, thành lập phường Lê Lợi; chia phường Quang Trung thành 2 phường: Quang Trung và Duy Tân10 .
Ngày 8 tháng 1 năm 2004, chia xã Hòa Bình thành xã Hòa Bình và phường Trần Hưng Đạo; chia xã Vinh Quang thành xã Vinh Quang và phường Ngô Mây; chia xã Đoàn Kết thành xã Đoàn Kết và phường Nguyễn Trãi; thành lập phường Trường Chinh11 .
Ngày 7 tháng 10 năm 2005, thị xã Kon Tum được công nhận là đô thị loại 312 .
Ngày 9 tháng 6 năm 2008, chia xã Ia Chim thành 2 xã: Ia Chim và Đắk Năng13 .
Ngày 10 tháng 12 năm 2008, Hội đồng Nhân dân Tỉnh đã thông qua đề án thành lập thành phố Kon Tum trên cơ sở diện tích và dân số hiện tại của thị xã Kon Tum.14 Ngày 13 tháng 9 năm 2009, thị xã Kon Tum chính thức trở thành thành phố Kon Tum.1 .
Năm 2013, điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính phường Ngô Mây trên cơ sở 1.098,43 ha diện tích tự nhiên và 1.628 nhân khẩu của xã Vinh Quang 15 .
Địa lý
Vị trí địa lý
Thành phố Kon Tum nằm ở phía nam tỉnh Kon Tum, được uốn quanh bởi thung lũng sông Đăk Bla - vùng đất thấp nhất của tỉnh Kon Tum.16 Phía tây thành phố giáp huyện Sa Thầy, phía bắc giáp huyện Đắk Hà, phía đông giáp huyện Kon Rẫy và phía nam giáp tỉnh Gia Lai. Thành phố có diện tích tự nhiên 43.298,15ha.
Khí hậu
Thành phố Kon Tum có đặc điểm khí hậu vùng núi Tây Nguyên, do nằm ở địa hình thung lũng được bao bọc bởi những dãy núi cao, khí hậu thành phố có nhiều khác biệt so với Thành phố Pleiku gần kề là lượng mưa hàng năm thấp hơn và khí hậu có phần nóng, oi ả hơn. Sau đây là một số đặc trưng của khí hậu thành phố Kon Tum:
- Nhiệt độ:
- Nhiệt độ trung bình hàng năm: 23,8 °C.
- Nhiệt độ trung bình thấp nhất: 18,0 °C.
- Mưa: Nằm trong vùng khí hậu Tây dãy Trường Sơn, được chia làm hai mùa rõ rệt.
- Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa chiếm 80% lượng mưa của cả năm.
- Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 của năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 20% lượng mưa của cả năm.
- Lượng mưa trung bình năm: 1.805mm, thấp hơn Pleiku (2.272mm) và các vùng khác có cùng cao độ.
- Số ngày mưa trung bình năm: 131 ngày.
- Lượng nước bốc hơi:
- Lượng bốc hơi trung bình ngày: 2,2mm.
- Lượng bốc hơi trung bình tháng cao nhất: 105mm
- Tháng thấp nhất: 53mm.
- Độ ẩm:
- Độ ẩm tương đối trung bình năm: 79,5%.
- Độ ẩm tương đối trung bình tháng cao nhất: 86,7%.
- Gió: Hướng gió chính Đông và Đông Bắc về mùa khô; Tây và Tây Nam về mùa mưa.
- Tốc độ gió trung bình 5,2 m/s.
- Tốc độ gió cao nhất 27 m/s.
- Bão: Khu vực không có bão.
Thủy văn
Thành phố Kon Tum có sông Đăk Bla chảy qua theo hướng từ Đông sang Tây, là một nhánh của hệ thống sông Sê San. Sông Đăk Bla có chiều dài 143 km, lưu lượng lớn nhất 2.040 m3/s, lưu lượng nhỏ nhất 14,1 m3/s, lưu lượng trung bình 106 m3/s.
Do địa hình đầu nguồn sông Đăk Bla dốc, đoạn sông qua thành phố lại uốn khúc, ngoằn ngoèo làm hạn chế dòng chảy nên thường xảy ra ngập lũ vùng trũng hai bờ sông vào mùa mưa. Một nguyên nhân nữa là tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn bừa bãi, độ che phủ địa hình giảm dần, gây bất lợi cho vùng hạ du bao gồm thành phố.
Dân cư
Thành phố có 155.214 người (năm 2013) gồm 20 dân tộc cùng sinh sống.
Giao thông
Đường bộ
Thành phố có hai trục huyết mạch kết nối vùng miền là Quốc lộ 14 (đường Phan Đình Phùng) đi các tỉnh Bắc - Nam, và quốc lộ 24 (đường Duy Tân) đi tỉnh Quảng Ngãi cũng như duyên hải Nam Trung Bộ. Ngoài ra, thành phố còn có tỉnh lộ đường 675 (đường Nguyễn Hữu Thọ) kết nối huyện Sa Thầy, đường 671 đi xã Đăk Cấm và huyện Đắk Hà. Các tuyến đường chính nội thị là Phan Đình Phùng, Duy Tân, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Bà Triệu, Trường Chinh, Đào Duy Từ và Trần Văn Hai.
Đường hàng không
Thành phố từng có sân bay quân sự nằm ở trung tâm, đã chính thức dừng hoạt động vào năm 1975. Theo quy hoạch được ban hành năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải, một sân bay mới dùng chung quân sự - dân sự sẽ sớm được xây dựng ở xã Ngọc Bay, phía tây thành phố.17 Hiện tại, sân bay Pleiku cách trung tâm thành phố khoảng 43 km là sân bay gần nhất, đáp ứng được nhu cầu di chuyển tới các thành phố lớn trong nước.
Hành chính
Thành phố có 21 đơn vị hành chính gồm 10 phường: Duy Tân, Lê Lợi, Ngô Mây, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Quyết Thắng, Thắng Lợi, Thống Nhất, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh và 11 xã: Chư Hreng, Đắk Blà, Đắk Cấm, Đắk Năng, Đắk Rơ Wa, Đoàn Kết, Hòa Bình, Ia Chim, Kroong, Ngọk Bay, Vinh Quang.
Di tích, thắng cảnh
- Nhà thờ chính tòa Kon Tum (Nhà thờ gỗ) với lối kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Nhà thờ do các cố linh mục người Pháp cho xây dựng vào năm 1913.
- Tòa Giám mục Kon Tum (Tiểu Chủng viện Thừa sai) có lối kiến trúc pha trộn giữa bản địa và phương Tây một cách hài hòa, được xây dựng trong giai đoạn 1935-1938.
- Chùa Bác Ái được xây dựng vào năm 1932, được vua Bảo Đại ban tấm biển “Sắc tứ Bác Ái Tự” vào năm 1933.
- Khu di tích lịch sử cách mạng Ngục Kon Tum. Nơi này từng là quần thể khu nhà lao giam giữ những người Cộng sản thời thực dân Pháp. Khu di tích nằm bên bờ sông Đăk Bla, bao gồm nhà truyền thống trưng bày hiện vật, nhà đón tiếp, cụm tượng đài và ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ. Nhà lao được xây dựng trong khoảng từ 1915-1917, tuy quy mô không lớn nhưng lại khét tiếng tàn bạo trong thời kỳ 1930-1931. Tại nhà tù này, ngày 25-9-1930, Ngô Đức Đệ đã triệu tập một cuộc họp bí mật tại phòng biệt giam của mình, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Kon Tum.18
- Một số nhà rông của người Ba Na nằm rải rác ở vùng ven thành phố.
- Cầu treo Konklor bắc qua sông Đăk Bla.
- Cầu Đắk Bla bắc qua sông Đắk Bla.
- Hồ thủy điện Yali.
Hình ảnh
Nhà thờ Tân Hương
Tòa Giám mục
Ngã ba Trần Phú - Thi Sách
Bảo tàng tỉnh
Tham khảo
- ^ a ă “Thành lập thành phố Kon Tum”.
- ^ P. Ban, S. Thiệt (1933), Mở đạo Kontum, Qui Nhơn, tr.188.
- ^ Võ Chuẩn, Kontum tỉnh chí, in trong tạp chí Nam Phong, số 195, tháng 5-1934, tr.304.
- ^ Quyết định 254-CP năm 1978 về việc chia huyện Đak Tô thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum thành hai huyện
- ^ Quyết định 30-HĐBT năm 1981 điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum
- ^ Quyết định 26-HĐBT năm 1985 về việc phân vạch địa giới một số xã, thị trấn của một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum
- ^ Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Quốc hội ban hành
- ^ Nghị định 26-CP năm 1994 về việc thành lập huyện Đắk Hà thuộc tỉnh Kon Tum
- ^ Nghị định 73-CP năm 1996 về việc thành lập các xã và thị trấn thuộc các huyện Kon Plông, Đắk Glei, Ngọc Hồi, Đắk Hà và thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum
- ^ Nghị định 69/1998/NĐ-CP về việc thành lập các phường và xã thuộc thị xã Kon Tum và huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum
- ^ Nghị định 13/2004/NĐ-CP về việc thành lập phường, xã thuộc thị xã Kon Tum và các huyện Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Kon Plông, tỉnh Kon Tum
- ^ Quyết định 1900/2005/QĐ-BXD công nhận thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum là đô thị loại III do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- ^ Nghị định 74/2008/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Sa Thầy, huyện Đắk Tô, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum
- ^ “Thông qua đề án thành lập TP Kontum”. Tuổi Trẻ.
- ^ Nghi-quyet-126-NQ-CP-2013
- ^ “Sách Kon Tum - 100 năm lịch sử và phát triển”.
- ^ “Công bố quy hoạch sân bay Kon Tum gia đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020”.
- ^ “Ngục Kon Tum”. Trang thông tin điện tử Kon Tum.
(Nguồn: Wikipedia)