- Địa lý
- Dân số và các dân tộc thiểu số
- Lịch sử
- Văn hóa
- Các đơn vị hành chính
- Kinh tế
- Kinh tế - xã hội 2015
- 10 thành tựu Kinh tế - Xã hội nổi bật giai đoạn 2010 - 2015
- Công nghiệp
- Nông nghiệp
- Dịch vụ
- Giao thông
- Thu ngân sách nhà nước
- Du lịch
- Giáo dục và đào tạo
- Công tác đào tạo nghề
- Cải cách hành chính
- Tai nạn giao thông
- Danh nhân
- Danh lam thắng cảnh và du lịch
- Đặc sản
- Các ca khúc về Bắc Giang
- Hình ảnh Bắc Giang
- Chú thích
Bắc Giang | ||||
---|---|---|---|---|
Tỉnh | ||||
Tỉnh Bắc Giang | ||||
Địa lý | ||||
Tọa độ: 21°16′29″B 106°12′06″Đ / 21,274838°B 106,201583°ĐTọa độ: 21°16′29″B 106°12′06″Đ / 21,274838°B 106,201583°Đ | ||||
Diện tích | 3.849,7 km² | |||
Dân số (2014) | ||||
Tổng cộng | 1.624.456 người1 | |||
Mật độ | 421 người/km² | |||
Dân tộc | Việt, Nùng, Sán Chay, Hoa, Tày | |||
| ||||
Hành chính | ||||
Quốc gia | Việt Nam | |||
Vùng | Đông Bắc | |||
Tỉnh lỵ | Thành phố Bắc Giang | |||
Chủ tịch UBND | Nguyễn Văn Linh (1959) | |||
Chủ tịch HĐND | Bùi Văn Hải | |||
Bí thư Tỉnh ủy | Bùi Văn Hải | |||
Trụ sở UBND | 257, đường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang | |||
Phân chia hành chính | 1 thành phố và 9 huyện | |||
Mã hành chính | VN-54 | |||
Mã bưu chính | 23xxxx | |||
Mã điện thoại | 204 | |||
Biển số xe | 98, 13 | |||
Website | http://www.bacgiang.gov.vn |
Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng đông bắc Việt Nam. Từ năm 2012 là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Bắc Giang giáp với nhiều tỉnh thành, phía bắc giáp Lạng Sơn, phía đông giáp Quảng Ninh, phía tây giáp Thái Nguyên và Hà Nội, phía nam giáp Bắc Ninh và Hải Dương. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50 km.
Trong những năm gần đây, Kinh tế của Bắc Giang phát triển khá toàn diện và đang dần khẳng định được vị thế là Trung tâm kinh tế lớn thứ hai của vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Địa lý
Vị trí: Là một tỉnh thuộc vùng đông bắc Bắc Bộ, phía đông giáp tỉnh Quảng Ninh, phía bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây giáp tỉnh Thái Nguyên và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và phía nam giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương.
Bắc Giang có diện tích tự nhiên 3.823 km², chiếm 1,2% diện tích tự nhiên của Việt Nam. Theo tài liệu năm 2000, trong tổng diện tích tự nhiên của Bắc Giang, đất nông nghiệp chiếm 32,4%; đất lâm nghiệp có rừng chiếm 28,9%; còn lại là đồi núi, sông suối chưa sử dụng và các loại đất khác.
Bắc Giang có địa hình trung du và là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi phía bắc với châu thổ sông Hồng ở phía nam. Tuy phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là núi đồi nhưng nhìn chung địa hình không bị chia cắt nhiều. Khu vực phía bắc tỉnh là vùng rừng núi. Bắc Giang nằm kẹp giữa hai dãy núi hình cánh cung và cùng mở ra như nan quạt, rộng ở hướng đông bắc, chụm ở phía tây nam (tại vùng trung tâm tỉnh), là: cánh cung Đông Triều và cánh cung Bắc Sơn, phần giữa phía đông tỉnh có địa hình đồi núi thấp là thung lũng giữa hai dãy núi này. phía đông và đông nam tỉnh là cánh cung Đông Triều với ngọn núi Yên Tử, cao trung bình 300–900 m so với mặt biển, trong đó đỉnh cao nhất là 1.068 m; phía tây bắc là dãy núi cánh cung Bắc Sơn ăn lan vào tới huyện Yên Thế, cao trung bình 300–500 m, chủ yếu là những đồi đất tròn trĩnh và thoải dần về phía đông nam. Tại vùng núi phía đông bắc tỉnh, giáp với Quảng Ninh có khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ rộng 7153 ha với hệ động vật và thực vật phong phú, bao gồm 236 loài cây thân gỗ, 255 loài cây dược liệu, 37 loài thú, 73 loài chim và 18 loài bò sát.
Trên địa bàn Bắc Giang có 374 km sông suối, trong đó ba sông lớn là sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu. Sông Lục Nam chảy qua vùng núi đá vôi nên quanh năm nước trong xanh. Sông Thương bắt nguồn từ hai vùng có địa hình và địa chất khác nhau nên nước chảy đôi dòng: bên đục, bên trong.
Ngoài sông suối, Bắc Giang còn có nhiều hồ, đầm, trong đó có hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần. Hồ Cấm Sơn năm ở khu vực giáp tỉnh Lạng Sơn, dài 30 km, nơi rộng nhất 7 km và chỗ hẹp nhất 200m. Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước 2.600 ha, vào mùa mưa có thể lên tới 3.000 ha. Hồ Khuôn Thần có diện tích mặt nước 240 ha và lòng hồ có 5 đồi đảo được phủ kín bởi rừng thông 20 tuổi. Người ta có thể dạo chơi trên hồ Khuôn Thần bằng thuyền đạp chân hoặc thuyền gắn máy, vừa cùng người Sán Chỉ, Cao Lan, Nùng bản địa hát soong hao, vừa thưởng thức những sản phẩm độc đáo của địa phương như hạt dẻ, mật ong và rượu tắc kè.
Dân số và các dân tộc thiểu số
Theo điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 2016, dân số Bắc Giang có 1 653 397 người, với mật độ dân số 424 người/km², gấp 1,5 lần mật độ dân số bình quân của cả nước, 11% dân số sống ở đô thị và 89% dân số sống ở nông thôn. Trên địa bàn Bắc Giang có 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là người Kinh, chiếm 88,1% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là người Nùng chiếm 4,5%; người Tày 2,6%; người Sán Chay và người Sán Dìu, mỗi dân tộc 1,6%; người Hoa 1,2%; người Dao 0,5%. Tỷ lệ nam giới chiếm khoảng 49,92% dân số, nữ giới khoảng 50,08% dân số. Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 62,15% dân số, trong đó lao động được đào tạo nghề chiếm 26%; số hộ nghèo chiếm 8,88%.
Lịch sử
Thời vua Hùng dựng nước Văn Lang liên bộ lạc, Bắc Giang thuộc bộ Võ Ninh.
Đời Lý - Trần gọi là lộ Bắc Giang.
Đời Lê, đây là phủ Bắc Hà, năm 1822 đổi là phủ Thiên Phúc, đến đời Tự Đức là phủ Đa Phúc.
Từ ngày 5 tháng 11 năm 1889 đến ngày 9 tháng 9 năm 1891 đã tồn tại tỉnh Lục Nam. Tỉnh Lục Nam gồm các huyện Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Lục Nam, Hữu Lũng (tách từ phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh, ở bên tả ngạn sông Thương) và huyện Yên Bái (tách từ tỉnh Lạng Sơn). Năm 1891 sau khi trả hai huyện Bảo Lộc và Phượng Nhỡn cho tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Lục Nam bị xóa bỏ để nhập vào Đạo Quan binh I.
Tỉnh Bắc Giang được thành lập ngày 10 tháng 10 năm 1895, tách từ tỉnh Bắc Ninh, bao gồm phủ Lạng Giang, phủ Đa Phúc và các huyện Kim Anh, Yên Dũng, Phượng Nhỡn, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế và một số tổng nằm ở phía nam sông Lục Nam. Tỉnh lỵ là Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang). Năm 1896, phủ Đa Phúc và huyện Kim Anh được trả lại cho tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1950, tỉnh Bắc Giang thuộc Liên khu Việt Bắc (1949-1956) và gồm 7 huyện: Hiệp Hoà, Lục Ngạn, Yên Thế, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Hữu Lũng.
Ngày 22 tháng 2 năm 1955, huyện Sơn Động từ tỉnh Quảng Yên trả về tỉnh Bắc Giang.
Ngày 1 tháng 7 năm 1956, khi thành lập Khu tự trị Việt Bắc, huyện Hữu Lũng sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn thuộc Khu tự trị Việt Bắc.
Ngày 21 tháng 1 năm 1957, chia 2 huyện Sơn Động và Lục Ngạn thành 3 huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam.
Ngày 6 tháng 11 năm 1957, chia huyện Yên Thế thành 2 huyện: Yên Thế và Tân Yên.
Năm 1959, đổi tên thị xã Phủ Lạng Thương thành thị xã Bắc Giang.
Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Bắc Giang nhập với Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc và đến ngày 1 tháng 1 năm 1997 lại tách ra như cũ. Khi tách ra, tỉnh Bắc Giang có tỉnh lị là thị xã Bắc Giang và 9 huyện: Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Yên Thế.
Ngày 7 tháng 6 năm 2005, chuyển thị xã Bắc Giang thành thành phố Bắc Giang.2
Văn hóa
Văn hóa Bắc Giang có các điểm đặc trưng sau:
- Tính chất đan xen đa văn hóa. Đan xen không phải hòa đồng mà tất cả cùng tồn tại tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa Bắc Giang.
- Tính chất tụ hội văn hóa người Việt. Trong lịch sử lâu dài của đất nước người dân từ nhiều nơi như Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên... đã lên đây sinh sống. Họ mang theo tập tục của mình và có những biến đổi theo người dân bản xứ trên đất Bắc Giang và ngược lại người dân Bắc Giang ở trước đó cũng bị những tác động của cư dân mới đến.
- Con người Bắc Giang vốn là những cư dân đồng cam cộng khổ, cưu mang nhau vượt qua thiên tai địch họa, khai phá rừng hoang lập làng, lập bản. Tính chất hào hùng còn dễ nhận thấy hơn qua các cuộc bảo vệ đất nước của dòng họ Giáp, họ Thân và đặc biệt hơn là cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
- Bắc Giang là sự giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt cổ (Bắc Ninh) và văn hóa Tày Nùng (Lạng Sơn). Những người dân tộc Thái, dân tộc Dao… vẫn có nét riêng trong sinh hoạt nhưng họ học tiếng Kinh, mặc quần áo người Kinh.
- Văn hóa Bắc Giang là tính chất đoàn kết, sáng tạo. Từ vùng rừng thiêng nước độc cộng đồng dân cư Bắc Giang sinh sống đã tạo nên những vẻ đẹp riêng có cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Bắc Giang có hơn 500 lễ hội lớn nhỏ.
Người dân Bắc Giang tự hào là cái nôi của quan họ cổ với 23 làng ven sông Cầu, tồn tại như một sự kết duyên song song với quan họ ở Bắc Ninh. Đất quan họ Bắc Giang còn là nơi có tục kết chạ từ lâu đời đến nay vẫn tồn tại trong cuộc sống cộng đồng, có đóng góp tích cực làm đẹp thêm đời sống xã hội.
Bắc Giang có chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - cái nôi đào tạo phật pháp thiền phái Trúc Lâm; chùa Bổ Đà (Việt Yên) phản ánh tính chất cổ kính gần với phật giáo Ấn Độ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) được dựng vào cuối thế kỷ XVI từng được mệnh danh là "Đệ nhất Kinh Bắc". Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trên địa bàn Bắc Giang cách đây khoảng hai vạn năm có người thời đại đồ đá khai phá, sinh sống ở đây. Điều đó được thể hiện qua các di chỉ Bố Hạ (Yên Thế), Chũ, Cầu Cát (Lục Ngạn), Khe Táu, An Châu (Sơn Động). Thời gian tiếp theo các nhà khảo cổ cũng tìm thấy con người thời đại đồ đá mới sinh sống trên vùng đất này qua di chỉ Mai Sưu (Lục Nam), thời đại đồ đồng qua di chỉ Đông Lâm (Hiệp Hòa).
Các đơn vị hành chính
Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố và 9 huyện, với 227 đơn vị hành chính cấp xã gồm 204 xã, 10 phường và 16 thị trấn:
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Bắc Giang | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
|
Kinh tế
Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, Bắc Giang rất thuận lợi trong phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực.
Bắc Giang đã quy hoạch và triển khai các khu công nghiệp cùng một số cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.500 ha, trong đó có một khu công nghiệp đã cơ bản lấp đầy.3
Các khu công nghiệp nằm ở phía nam tỉnh Bắc Giang thuộc các huyện Việt Yên và Yên Dũng. Được quy hoạch liền kề nhau, nằm dọc theo đường quốc lộ 1A mới Hà Nội - Lạng Sơn, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt và đường hàng không và các cảng sông, cảng biển. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, Sân bay quốc tế Nội Bài 50 km; Cảng Hải Phòng khoảng 110 km và cách cửa khẩu Hữu Nghị Quan 120 km, có hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; thuận lợi cả về hệ thống cung cấp điện, nước, bưu chính viễn thông.
Các khu, cụm công nghiệp đó là:
- Khu công nghiệp Đình Trám, diện tích 100 ha;
- Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, diện tích 180 ha;
- Khu công nghiệp Quang Châu, diện tích 426 ha;
- Khu công nghiệp Vân Trung, diện tích khoảng 442 ha;
- Khu công nghiệp Châu Minh - Mai Đình diện tích 207 ha.
|} Ngoài các khu, cụm công nghiệp trên, hiện nay tỉnh Bắc Giang dự kiến quy hoạch một số khu, cụm công nghiệp khác, tập trung ở các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hoà và huyện Lạng Giang với diện tích các khu khoảng từ 200 ha đến trên 1.000 ha.4
Bắc Giang đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch với cơ chế "một cửa liên thông", nhà đầu tư chỉ cần đến một địa chỉ là Ban quản lý các Khu công nghiệp hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư là được cấp giấy chứng nhận đầu tư, mã số thuế và con dấu.3
Kinh tế - xã hội 2015
- Tăng trưởng kinh tế 9,6%
- GDP/người đạt 1.540 USD
- Kim ngạch xuất khẩu 2,45 tỷ USD
- Giá trị sx Công nghiệp đạt 57.338 tỷ đồng (giá thực tế)
- Giá trị sx ngành Nông - Lâm - Ngư đạt 25.200 tỷ đồng
- Thu ngân sách nhà nước đạt 3.450 tỷ đồng
- Thu hút 154 dự án đầu tư tổng vốn 5.600 tỷ đồng và 215 triệu USD
- Tỷ lệ hộ nghèo còn 7,5%
- Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia 80,5%
- Đạt bình quân 12,7 tiêu chí/xã trong chương trình XDNTM
- Sản lương thực có hạt đạt 670.000 tấn
- Có thêm 1 Di tích Quốc gia Đặc Biệt (Chùa Vĩnh Nghiêm) và 1 Bảo Vật Quốc gia (Hương Án Chùa Khám Lạng)
10 thành tựu Kinh tế - Xã hội nổi bật giai đoạn 2010 - 2015
[cần dẫn nguồn]
Công nghiệp
Công nghiệp phát triển nhanh cả về không gian, quy mô và trình độ công nghệ với tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 19,4%. Cơ cấu công nghiệp - xây dựng tăng từ 32,9% năm 2011 lên 41,5% năm 2015. Toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp đi vào hoạt động; thu hút 455 dự án đầu tư, trong đó 127 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) ước đạt 58.672 tỷ đồng, bằng 147,7% mục tiêu và cao gấp 4,7 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 36,4%, góp phần tăng thu ngân sách, tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tạo việc làm cho khoảng 250 nghìn lao động.
Nông nghiệp
Bắc Giang phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân 5,2%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân đạt 4,0%/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2015 ước đạt 86 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2010. Cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi (năm 2015 tỷ trọng chăn nuôi chiếm 45%). Tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo được sản phẩm đặc trưng có thương hiệu. Đã hình thành vùng trồng cây ăn quả lớn thứ 3 toàn quốc, vùng trồng vải thiều là vùng sản xuất chuyên canh đứng thứ nhất, đàn gà đứng thứ 4 và là một trong 2 tỉnh có đàn lợn dẫn đầu cả nước. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 34/202 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 16,3% số xã toàn tỉnh; bình quân các xã trên địa bàn tỉnh đạt 12,7/19 tiêu chí xã nông thôn.
Dịch vụ
Dịch vụ phát triển đa dạng, ngày càng nâng cao chất lượng. Thu hút được một số dự án lớn như: Sân Golf – Dịch vụ Yên Dũng, khách sạn Mường Thanh, siêu thị BigC, Co.op mart… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 17.200 tỷ đồng, tăng bình quân 19,6%/năm. Phương tiện vận tải tăng bình quân 11%/năm; phủ sóng điện thoại di động và Internet tới tất cả các xã. Hệ thống dịch vụ tài chính, tiền tệ phát triển khá, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các dịch vụ giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật, bảo hiểm, du lịch... tiếp tục phát triển phong phú, đa dạng.
Giao thông
Có quốc lộ 1A, quốc lộ 31, quốc lộ 37, quốc lộ 17, quốc lộ 279, đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, sông Lục Nam, sông Thương đi qua.
Hiện tại, tỉnh đang tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với các tỉnh bạn và các vùng kinh tế động lực. Đã phối hợp triển khai cải tạo, nâng cấp các quốc lộ 1, 31, 37; đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường tỉnh: 293, 398, 295B, 296, 297, 298, 299... Tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm đã cải tạo, nâng cấp, cứng hóa 215 km đường tỉnh; 240 km đường huyện; 695 km đường liên xã, trục xã; 654 km đường thôn, bản; nâng tỷ lệ cứng hóa đường huyện từ 50% (năm 2010) lên 85%; đường xã từ 21,5% lên 58,5%; đường thôn, bản đạt 47,6%.
Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15,5%/năm. Cơ cấu nguồn thu nội địa ngày càng tiến bộ. Chi ngân sách bám sát dự toán, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng chế độ, chính sách, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, bình quân đạt 51%/năm, ước năm 2015 đạt trên 2,6 tỷ USD (vượt hơn 3 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là 800 triệu USD).
Du lịch
Công tác phát triển du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư phát triển các điểm du lịch để xây dựng các tour, tuyến du lịch như: Dự án xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, Quy hoạch xây dựng bảo tồn di tích, danh thắng chùa Vĩnh Nghiêm; Dự án xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử...; đầu tư xây dựng các tuyến giao thông (đường tỉnh 293) để kết nối các điểm du lịch trong tỉnh và kết nối với các tỉnh trong khu vực. Toàn tỉnh có 330 cơ sở lưu trú, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 2 sao, 15 khách sạn 1 sao và trên 300 nhà nghỉ, với khoảng 4.000 buồng nghỉ, trong đó có 3.750 buồng nghỉ đạt tiêu chuẩn. Tốc độ tăng khách du lịch bình quân đạt 23,8%/năm, năm 2015 ước đạt 400 nghìn lượt người; doanh thu từ du lịch có tốc độ tăng bình quân đạt 37%/năm, năm 2015 ước đạt 262 tỷ đồng.
Giáo dục và đào tạo
Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển. Mạng lưới các trường được bố trí hợp lý, bảo đảm mỗi xã có đủ 03 trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở); tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 80%, vượt mục tiêu đề ra. 100% đội ngũ cán bộ, giáo viên đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi hoàn thành trước một năm so với kế hoạch; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 đạt 70,8% số xã (tăng 56,5% so với năm 2010). Giáo dục - đào tạo duy trì vị trí trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; thi học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia năm 2015 xếp thứ 12 về số lượng giải, xếp thứ 9 về chất lượng giải và luôn ở vị trí từ 1 đến 3 các cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc. Ngoài ra đã từng có nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia.
Công tác đào tạo nghề
Công tác tạo nghệ được quan tâm đầu tư, từng bước gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Mỗi năm, các cơ sở trên địa bàn đào tạo nghề cho gần 3 vạn lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 50,5%. Trên 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề, trên 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, trên 70% học sinh tốt nghiệp sơ cấp nghề có việc làm sau đào tạo. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 15,3% năm 2010 lên 23,3% năm 2015, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 12,6% năm 2010 lên 20,5% năm 2015, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 72,1% năm 2010 xuống còn 56% năm 2015.
Cải cách hành chính
Cải cách hành chính được đẩy mạnh. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện tại 10/10 huyện, thành phố, 230/230 xã, phường, thị trấn và 18/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 139 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình một cửa điện tử liên thông hiện đại, trong đó một số địa phương (Thành phố Bắc Giang, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa) đã triển khai tới 100% đơn vị xã, phường, thị trấn. Chỉ số cải cách hành chính 2014 (PAR INDEX 2014) của Bắc Giang xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Tính đến hết tháng 5/2016, trên địa bàn tỉnh có tổng số 51 cơ quan (46 cơ quan thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng, 5 cơ quan thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng) đã tiến hành xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Trong tổng số 51 cơ quan có 47 (chiếm 92,16%) đã được Trưởng ban Chỉ đạo ISO tỉnh công nhận và tiến hành tự công bố; 4 cơ quan (7,84%) chưa được công nhận, chưa tự công bố gồm: UBND tỉnh, UBND huyện Sơn Động, UBND phường Hoàng Văn Thụ, UBND xã Liên Sơn. Trong đó, UBND huyện Sơn Động đang tiến hành cải tiến, mở rộng hệ thống quản lý chất lượng và dự kiến đến hết Quý II năm 2016 sẽ hoàn thành.
Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO sẽ giúp cụ thể hóa cách thức, thời gian, trách nhiệm giải quyết ở từng bước công việc, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin như: Phần mềm một cửa, một cửa liên thông, quản lý văn bản… sẽ góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh.
Tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông liên tục giảm mạnh cả ba tiêu chí. Đặc biệt, năm 2014 giảm sâu so với cùng kỳ năm 2013: giảm 70 vụ (18,3%); giảm 38 người chết (24,6%); giảm 58 người bị thương (17,5%). Năm 2015, Ban ATGT tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu giảm tối thiểu 5% số vụ, người chết và bị thương do TNGT. 5 .
Danh nhân
- Thánh Hùng Linh Công.
- Thánh Thiên Công chúa
- Đoàn Xuân Lôi.
- Trịnh Ngô Dụng.
- Hoàng Hoa Thám.
- Nguyễn Đình Tuân.
- Nguyễn Khắc Nhu.
- Cô Giang tức Nguyễn Thị Giang.
- Bàng Bá Lân.
- Nhà thơ Anh Thơ.
- Cô Bắc tức Nguyễn Thị Bắc.
- Thân Nhân Trung.
- Trạng nguyên Giáp Hải.
- Dương Quốc Cơ
- Sáu Hà.
- Nguyễn Hồng Long.
- Anh hùng Nguyễn Văn Cốc
- Đô đốc Giáp Văn Cương
- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
Danh lam thắng cảnh và du lịch
- Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử thuộc Quần thể di tích danh thắng Yên Tử đang được 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới.
- Đình Lỗ Hạnh (Đông Lỗ-Hiệp Hòa)- Đình cổ nhất Kinh Bắc
- Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt
- Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng có bộ Mộc bản kinh phật được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Di tích Quốc gia Đặc biệt 2015
- Chùa Bổ Đà thuộc xã Tiên Sơn huyện Việt Yên là Di tích Quốc gia Đặc biệt năm 2016
- Làng nghề Thổ Hà thuộc xã Vân Hà huyện Việt Yên
- ATK2 - An toàn khu dự bị của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ
- Bảo tàng Hoàng Hoa Thám và Đồn Phồn Xương ở huyện Yên Thế
- Lăng Dinh Hương ở Hiệp Hòa
- Khu di tích Suối Mỡ và Đền Suối Mỡ huyện Lục Nam
- Thành cổ Xương Giang
- Rừng nguyên sinh Khe Rỗ thuộc huyện Sơn Động
- Hồ Cấm Sơn và Khu du lịch Khuôn Thần huyện Lục Ngạn
- Cây Dã hương hơn 1.000 tuổi ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, gốc cây Dã hương phải 8 người ôm.
- Cây dã hương đình Dương Lâm Tân yên
Đặc sản
- Rượu làng Vân
Cái tên làng Vân đã trở thành thương hiệu Làng Vân nổi danh thiên hạ, nơi có thứ rượu đặc biệt không chỉ dân ta ưa xài mà các ông Tây cũng rất khoái.6
Rượu Làng Vân là một thứ đặc sản không thể thiếu vào các dịp lễ hội, tết hay làm quà biếu. Rượu được nấu bằng gạo nếp thơm ngon trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà huyện Việt Yên, cộng thêm men gia truyền bằng các vị thuốc bắc quý hiếm và nghệ thuật nấu rượu tài tình của người làng Vân. Cha truyền con nối, rượu làng Vân nhãn hiệu ‘ông tiên’ nổi tiến khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Từ hàng trục thế kỷ qua hương vị dặc biệt của rượu làng Vân luôn được nhiều du khác chọn mua về làm quà khi lên một vùng Kinh Bắc. Về Vân Hà bạn sẽ được thưởng thức đặc sản rượu làng Vân, thực sự cảm thấy mình ‘‘say" không chỉ bởi những ly rượu mềm môi, thơm nồng mà du khách còn "say" trong những làn điệu dân ca quan họ mượt mà đằm thắm của các liền anh, liền chị bên bờ bắc sông Cầu. Uống rượu và hát quan họ là nét văn hóa truyền thống của người làng Vân. Mỗi khi nâng chén mời nhau ly rượu người làng Vân lại ý tứ và kín đáo bằng việc hát những câu dân ca quan họ để tỏ lòng chân thành của người mời rượu, đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của con người vùng Kinh Bắc.7
Một nhầm lẫn cho rằng Rượu làng Vân là đặc sản của Bắc Ninh.
- Vải thiều Lục Ngạn
Được thiên nhiên ưu đãi, vườn đồi Lục Ngạn có thế mạnh về cây an quả và là nơi tập trung trồng vải thiều lớn nhất cả nước. Đất đá son ở đây rất phù hợp với vải thiều nên cây được nuôi dưỡng tươi tốt, lá xanh thẫm, tán cây tròn như những mâm xôi. Đặc biệt, những chùm quả vải chín đỏ mọng, vỏ mỏng căng, hạt rất nhỏ, cùi đầy ngọt lịm, có vị thơm mát, từ lâu trở thành sản vật của quê hương Kinh Bắc, được xuất khẩu ra nước ngoài.
- Cam sành Bố Hạ
Cam Bố Hạ, giống cam số 1 của đất nước, tham gia các kỳ thi đấu xảo quốc gia được tổ chức ở cố đô Huế, đã từng một thời là niềm tự hào của người dân xứ Bắc. Đây là loại cam thường chín rộ vào dịp Tết Nguyên Đán: quả màu vàng nâu tươi, hình cầu dẹt, tròn trịa, đẹp mắt, cùi dày, da hơi sần. Tuỳ theo sự chăm bón và mức độ lâu năm của cây mà hàng năm, một cây cam có thể cho từ 50 đến 200 quả. Sự hấp dẫn đặc biệt của loại cam này là mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, tép to mọng nước, ruột vàng đỏ, hàm lượng dinh dưỡng rất cao.
Ngày xưa, ở Bố Hạ nhà nghèo cũng có vài chục gốc cam còn nhà giàu thì có đến vài nghìn gốc. Cam cũng là nguồn thu nhập quan trọng và cũng là niềm tự hào của người dân Bố Hạ. Thế mà trải qua những thăng trầm của thời gian, một vùng cam với những giống cam qúy đặc sản như vậy đang dần bị thoái hoá, mai một bởi nhiều nguyên nhân.Những người dân trồng cam và lãnh đạo địa phương có tâm huyết với giống cam quý đặc sản này đang day dứt, trăn trở: "tìm cách duy trì phát triển giống cam quý của tổ tiên"..
- Bánh đa Kế
Bánh đa Kế xuất phát từ làng nghề truyền thống bánh đa xã Dĩnh Kế, Bắc Giang. Điều đặc biệt, cái vị của nó vừa giòn, vừa ngọt của gạo mới và thơm thơm của nắng quê Bắc bộ.Độ nở của chiếc bánh cũng là một đặc điểm để phân biệt.Để ra lò một chiếc bánh đa Kế hoàn hảo phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Với bàn tay khéo léo của người dân Dĩnh Kế, kỹ năng quạt bánh thủ công bằng than hoa khiến chiếc bánh luôn luôn nở đều, đầy đặn, tròn vạnh như mặt trăng đêm rằm và không bị cháy sém. Ngoài ra kỹ thuật rắc vừng, lạc sao cho màu đen, màu vàng điểm lốm đốm đều trên bánh.Bánh đa Kế luôn luôn tạo ra được một nét riêng, không thể lẫn vào đâu. Nó trở thành một thứ đặc sản đậm chất đồng quê Bắc Bộ.8
- Mỳ Chũ
Dù có từ lâu đời nhưng mỳ Chũ chỉ thực sự để lại ấn tượng cho người ăn cách đây vài năm. Khi mới xuất hiện, thứ mỳ gạo này ít được biết đến, tuy nhiên theo thời gian, cùng với những ưu điểm nổi trội như cái ngọt của bột bao thai hồng, sợi mỳ dai không bị nhừ nát mà loại mỳ của thị trấn Chũ đã có tên và được biết đến trong cuộc sống đời thường của người dân quanh vùng. Không chỉ có thế, mỳ Chũ đã trở thành món quà quê đặc sản người dân nơi đây là quà biếu cho khách và người quen ngoài tỉnh.
Các ca khúc về Bắc Giang
- 1 Bắc Giang màu xanh yêu thương - ST: Phan Huấn
- 2 Bắc Giang tôi yêu- ST: Trí Vượng
- 3 Mùa vải thiều - ST: Tuấn Khương
- 4 Chiều sông thương - ST: An Thuyên
- 5 Nhớ về vùng đất dân ca - ST: Tuấn Khương
- 6 Rừng xanh Yên Thế - ST: Trọng Điềm;
- 7 Rượu Làng vân - Thơ Anh Vũ; Nhạc Tuấn Khương
- 8 Sông Thương tóc dài - Thơ Hoàng Nhuận Cầm; nhạc Bá Đạt
- 9 Tình ca Sông Thương - ST: Tuấn Khương
- 10 Vùng quê Sông Thương - ST: Tuấn Khương
- 11 Bức tranh Quê hương - ST Trọng Bằng
- 12 Đêm Bắc Giang nghe em hát dân ca - ST: Trần Hoàn
- 13 Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa - ST Nguyễn Văn Tý
- 14 Khuôn Thần tôi yêu; ST Bá Đạt
- 15 Người xứ Bắc - ST Thế Công
- 16 Một dáng cầu vồng - ST Trần Minh
- 17 Hồ trên núi - ST: Phó Đức Phương
- 18 Tình yêu xin gửi nơi quê - ST: Cát Vận
- 19 Gửi về sông Lục, núi Huyền - ST: Đỗ Hồng Quân
Hình ảnh Bắc Giang
Trung tâm TP.Bắc Giang.
Đường phố TP.Bắc Giang.
Khu đô thị mới, TP.Bắc Giang.
Một góc TP.Bắc Giang.
KCN Đình Trám, Việt Yên, Bắc Giang.
Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Bắc Giang.
Quốc lộ 1A, đoạn qua Yên Dũng, Bắc Giang.
Sông Cầu, đoạn qua Việt Yên, Bắc Giang.
Sông Thương, đoạn qua TP.Bắc Giang.
Vào vụ cấy, Việt Yên, Bắc Giang.
Chú thích
- ^ “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2013 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015.
- ^ Nghị định 75/2005/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Bắc Giang thuộc tỉnh Bắc Giang
- ^ a ă Thư của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang gửi các Nhà đầu tư
- ^ Tổng quan về các Khu công nghiệp tại Bắc Giang
- ^ http://www.bacgiang.gov.vn/chien-luoc/16992/Bac-Giang:-10-thanh-tuu-kinh-te---xa-hoi-noi-bat-nhiem-ky-2010---2015.html
- ^ Làng Vân: Từ 'quốc lủi' đến thương hiệu nổi danh
- ^ Đậm đà hương rượu làng Vân
- ^ Bánh đa Kế quê mẹ Kinh Bắc
(Nguồn: Wikipedia)