Bến Cát
Thị xã
KDT My Phuoc 3.jpg
Khu Đô thị và Công nghiệp Mỹ Phước III
Địa lý
Diện tích 234,4224 km21
Dân số (2013)  
 Tổng cộng 203.4201
 Mật độ 868 người/km2
Hành chính
Quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Vùng Đông Nam Bộ
Tỉnh Bình Dương
Thành lập 2013
Phân chia hành chính 5 phường, 3 xã
Website Thị xã Bến Cát

Bến Cát là một thị xã thuộc tỉnh Bình Dương, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm thị xã cách Thành phố Thủ Dầu Một 20 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km2 .

Thị xã có đường Quốc lộ 13 cách Thành phố Thủ Dầu Một khoảng 20 km về hướng bắc, tỉnh lộ 744 theo hướng Tây Bắc đi huyện Dầu Tiếng và tỉnh Tây Ninh. Thị xã Bến Cát hiện đang là đô thị loại IV

Vị trí địa lý

Thị xã nằm ở trung tâm tỉnh Bình Dương, phía bắc giáp với huyện Bàu Bàng, phía tây là huyện Dầu Tiếng, phía đông là huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên, phía nam là thành phố Thủ Dầu Một và huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh)

Lịch sử

Bến Cát xưa là một quận của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thuộc tỉnh Bình Dương. Ngày 11 tháng 3 năm 1977, chính phủ Việt Nam thống nhất ban hành Nghị quyết số 55-CP hợp nhất với huyện Dầu Tiếng thành huyện Bến Cát tỉnh Sông Bé3 . Khi hợp nhất, huyện Bến Cát có 13 xã: Chánh Phú Hòa, Định Hiệp, Định Thành, Hòa Định, Hòa Lợi, Kiến An, Lai Hưng, Lai Uyên, Long Nguyên, Mỹ Phước, Tây Nam, Thanh An, Thanh Huyền.

Ngày 25 tháng 4 năm 1979, chia xã Tây Nam thành ba xã lấy tên là xã An Điền, xã Phú An và xã An Tây; chia xã Hòa Định thành hai xã lấy tên là xã Thới Hòa và xã Tân Định; thành lập ở các vùng kinh tế mới một số xã lấy tên là xã Tân Hưng, xã Bến Tượng, xã Bàu Bàng, xã Cây Trường II, xã Long Hòa, xã Hưng Hòa, xã Long Tân, xã Long Chiểu, xã Long Bình.

Ngày 9 tháng 4 năm 1986, sáp nhập xã Lai Uyên và xã Bàu Bàng thành một xã lấy tên là xã Lai Uyên; sáp nhập xã Lai Hưng và xã Bến Tượng thành một xã lấy tên là xã Lai Hưng.

Ngày 17 tháng 7 năm 1986, đổi tên xã Kiến An thành xã An Lập.

Ngày 1 tháng 8 năm 1994, chuyển xã Mỹ Phước thành thị trấn Mỹ Phước; sáp nhập xã Long Chiểu vào xã Long Tân; sáp nhập xã Long Bình vào xã Long Nguyên; sáp nhập xã Tân Long vào xã Lai Hưng.

Ngày 29 tháng 8 năm 1994, chuyển xã Định Thành thành thị trấn Dầu Tiếng.

Năm 1997, tỉnh Sông Bé tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Huyện đồng thời Bến Cát trực thuộc tỉnh Bình Dương, đồng thời huyện Bến Cát tiếp nhận thêm 4 xã: Minh Hòa, Minh Tân, Minh Thạnh, Trừ Văn Thố thuộc huyện Bình Long của tỉnh Bình Phước. Đến cuối năm 1998, huyện Bến Cát có 2 thị trấn: Mỹ Phước (huyện lỵ), Dầu Tiếng và 23 xã: An Điền, An Lập, An Tây, Cây Trường II, Chánh Phú Hòa, Định Hiệp, Hòa Lợi, Hưng Hòa, Lai Hưng, Lai Uyên, Long Hòa, Long Nguyên, Long Tân, Minh Hòa, Minh Tân, Minh Thạnh, Phú An, Tân Định, Tân Hưng, Thanh An, Thanh Huyền, Thới Hòa, Trừ Văn Thố.

Ngày 23 tháng 7 năm 1999, tách thị trấn Dầu Tiếng và 9 xã: Định Hiệp, Minh Hòa, Minh Tân, Minh Thạnh, Long Tân, An Lập, Thanh An, Thanh Huyền, Long Hòa để tái lập huyện Dầu Tiếng.

Ngày 11 tháng 8 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát và huyện Tân Uyên để mở rộng địa giới hành chính thị xã Thủ Dầu Một. Theo đó, điều chỉnh 1.079,15 ha diện tích tự nhiên và 1.487 nhân khẩu của xã Hòa Lợi để thành lập phường Hòa Phú thuộc thị xã Dầu Một4 . Từ đó, huyện Bến Cát có 1 thị trấn Mỹ Phước và 14 xã: An Điền, An Tây, Cây Trường II, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Hưng Hòa, Lai Hưng, Lai Uyên, Long Nguyên, Phú An, Tân Định, Tân Hưng, Thới Hòa, Trừ Văn Thố.

Ngày 29 tháng 12 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát để thành lập thị xã Bến Cát; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Tân Uyên để thành lập thị xã Tân Uyên và thành lập 16 phường thuộc thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương 5 . Thị xã Bến Cát được thành lập từ một phần huyện Bến Cát cũ, với 234,4224 km2 và 203.420 nhân khẩu. Phần còn lại của huyện Bến Cát thành lập nên huyện Bàu Bàng.

Hành chính

Trên địa bàn thị xã chia thành 8 đơn vị hành chính, trong đó bao gồm 5 phường: Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An.1

Kinh tế

Thị xã có trữ lượng lớn khoáng sản phi kim loại như cao lanh, đất sét, đất làm gạch ngói, sỏi đỏ. Nguồn nước mặt và nước ngầm phong phú với hai con sông Sài Gòn và sông Thị Tính chảy qua địa bàn thị xã. Hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ phát triển nối liền các tỉnh trong vùng và thành phố Hồ Chí Minh. Bến Cát còn có tiềm năng lớn về đất đai để phát triển trồng trọt các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, là tiền đề thuận lợi để phát triển sản xuất công nghiệp.

Tình hình kinh tế chung trong năm qua gặp nhiều khó khăn, tác động lớn đến chỉ số tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các thành phần kinh tế tuy vậy năm 2012 huyện (cũ) vẫn tăng trưởng kinh tế ở mức cao, thu hút đầu tư nước ngoài tăng gấp 3 lần so với năm 20116 .

Tổng giá trị sản xuất năm qua đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2011. Nhờ chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng nên hiện 8 KCN trên địa bàn thị xã với tổng diện tích 4.086 ha đang từng bước được lấp đầy. Năm qua, toàn huyện (cũ) thu hút 6 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 71 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn huyện (cũ) lên 425 dự án với tổng vốn đăng ký 4,6 tỷ USD6 .

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ trong năm qua cũng đạt trên 4.000 tỷ đồng. Trong năm, huyện (cũ) cấp thêm 1.480 giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể với vốn đăng ký là 372 tỷ đồng, nâng tổng số hộ kinh doanh cá thể lên gần 17.000 hộ với vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng.

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, năm 2013 Bến Cát tiếp tục hướng đến các mục tiêu quan trọng như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14 - 15%, thương mại - dịch vụ tăng 50 - 60%6 ...

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Bến Cát đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị Bến Cát Golden Land, khu đô thị Đông Bình Dương, khu đô thị Golden Center City 1, khu đô thị Golden Center City 2, khu đô thị Happy Home, khu đô thị Mỹ Phước 1, khu đô thị Mỹ Phước 2, khu đô thị Mỹ Phước 3, khu đô thị Mỹ Phước 4, khu đô thị Rich Home 1, khu đô thị Rich Home 2, khu đô thị Spring City...

Chú thích

  1. ^ a ă â Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát để thành lập thị xã Bến Cát; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Tân Uyên để thành lập thị xã Tân Uyên và thành lập 16 phường thuộc thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
  2. ^ Giới thiệu về Huyện Bến Cát, Theo Website Bình Dương.
  3. ^ Quyết định 55-CP năm 1977, Chính phủ Việt Nam.
  4. ^ Nghị quyết số 36/NQ-CP của Chính phủ, Chính phủ Việt Nam.
  5. ^ http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=509&_page=1&mode=detail&document_id=171561
  6. ^ a ă â Bến Cát: Vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng, Theo Báo Bình Dương.

Tham khảo

(Nguồn: Wikipedia)