Sông Sài Gòn | |
---|---|
Sông Sài Gòn đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh | |
Đặc điểm | |
Dài | 256 km |
Lưu vực | trên 5.000 km² |
Lưu lượng | 54 m³/giây. |
Dòng chảy | |
Thượng nguồn | Lưu vực hồ Dầu Tiếng tỉnh Tây Ninh |
Cửa sông | Lòng Tàu và Soài Rạp |
Cao độ | ? |
Địa lý | |
Các quốc gia lưu vực | Việt Nam |
Sông Sài Gòn là một phụ lưu của sông Đồng Nai, Sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng đồi thấp, có độ cao tương đối khoảng 150m, nằm trong huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, rồi chảy qua giữa địa phận ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, qua hồ Dầu Tiếng, chảy tiếp qua tỉnh Bình Dương, là ranh giới giữa Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh, hợp với sông Đồng Nai thành hệ thống sông Đồng Nai, đổ ra biển. Ở thượng lưu sông chảy theo hướng bắc - nam, trung lưu và hạ lưu sông chảy theo hướng tây bắc - đông nam.. Sông Sài Gòn dài 256 km, chảy dọc trên địa phận Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80 km, có lưu lượng trung bình vào khoảng 54 m³/s, bề rộng tại Thành phố khoảng 225 m đến 370 m, độ sâu có chỗ tới 20 m, diện tích lưu vực trên 5.000 km².
Hồ Dầu Tiếng được xây dựng nhằm điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ và xâm nhập mặn ở hạ lưu, đồng thời cung cấp nước cho Tây Ninh, khu vực tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh và Long An. Hồ Dầu Tiếng ngăn dòng từ ngày 24-6-1984 đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của sông Sài Gòn.
Tên gọi
Vì chảy qua nhiều vùng nên sông mang nhiều tên khác nhau:
- Từ đầu nguồn ở huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước, huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh đến gần chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) gọi là sông Ngã Cái.
- Đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) gọi là sông Thủ Khúc.
- Đoạn từ cư xá Thanh Đa đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai (Mỹ Lợi, Quận 2) có tên là sông Sài Gòn hay sông Bến Nghé (tên chữ là Ngưu Chử giang, trong sách Gia Định thành thông chí ghi là Tân Bình giang, vì ngày xưa chảy qua phủ Tân Bình1 ).
Dòng chảy
Dòng chính
Sông là ranh giới tự nhiên giữa:
- Bình Phước (Lộc Ninh, Hớn Quản) ở phía đông và Tây Ninh (Tân Châu, Dương Minh Châu) ở phía tây;
- Bình Dương (Dầu Tiếng, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An) ở phía đông và Tây Ninh (Trảng Bàng), Thành phố Hồ Chí Minh (Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12) ở phía tây;
- Thủ Đức, Quận 9, Quận 2 ở phía đông và Quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Quận 1, Quận 4, Quận 7 ở phía tây.
Sông Sài Gòn hợp lưu với sông Đồng Nai ở chỗ ngã ba giữa Quận 2, Quận 7 và Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Phụ lưu
- Sông Thị Tín (cũng gọi Thị Tính): bắt nguồn từ Lai Uyên, Bàu Bàng chảy theo hướng bắc - nam qua thị xã Bến Cát tới thành phố Bình Dương. Thị Tín hợp lưu với sông Sài Gòn ở Tân An, Thủ Dầu Một.
- Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Giao thông
Sông này có các cảng lớn thuộc hệ thống Cảng Sài Gòn. Ngoài ra, ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có một hệ thống kênh rạch chằng chịt: Thầy Cai, Láng The, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Kênh Tẻ, Tàu Hũ, Kênh Ðôi...
Các cầu và công trình vượt sông
- Cầu Bình Lợi
- Cầu Bình Phước
- Cầu Bình Triệu
- Cầu Chữ Y
- Cầu Phú Mỹ
- Cầu Sài Gòn
- Cầu Thủ Thiêm
- Cầu Ông Lãnh
- Cầu Phú Long gồm một cầu cũ nằm về phía thượng lưu nối quận 12 với trung tâm thị xã Thuận An và cầu mới hoàn thành năm 2012 nằm về phía hạ lưu của cầu cũ nối quận 12 (từ đường Hà Huy Giáp) và thị xã Thuận An (nối vào Quốc lộ 13).2
- Cầu Phú Cường nối huyện Củ Chi và thành phố Thủ Dầu Một trên tỉnh lộ 8.
- Cầu Bến Súc nối xã Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi và Bình Dương trên tỉnh lộ 15.
- Cầu Bến Củi nối xã Bến Củi thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh và thị trấn Dầu Tiếng thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
- Cầu Dầu Tiếng
- Hầm qua sông
- Hầm Thủ Thiêm nằm trên đường Võ Văn Kiệt nối quận 1 và quận 2 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Môi trường
Công ty TNHH nông sản Việt Phước
Ngày 14-8, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước vừa đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt Công ty TNHH nông sản Việt Phước, trụ sở tại xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước gần 300 triệu đồng do công ty có vi phạm xả nước thải bẩn chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Sài Gòn. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng buộc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở chăn nuôi heo thuộc công ty này trong thời gian 4,5 tháng. Ngày 6-7, người dân phát hiện cá chết hàng loạt trên thượng nguồn sông Sài Gòn đoạn qua địa phận ấp 4, xã Minh Tâm và ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản và hàng trăm xác heo thối rữa vứt mé thượng nguồn sông Sài Gòn. Các loài cá bị chết chủ yếu là cá trắng, cá dảnh, cá mè, cá rô phi và một số lượng nhỏ cá lăng, ước khối lượng cá chết khoảng 2 tấn.
Ngày 13-7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Bình Phước) cùng Sở Tài nguyên - Môi trường tiến hành khảo sát nguồn xả thải với một số doanh nghiệp xung quanh đoạn sông xảy ra cá chết và và phát hiện Công ty TNHH Nông sản Việt Phước đã vứt hàng trăm xác heo chết ra mé sông Sài Gòn.
Trước đó, tháng 6-2015, Công ty TNHH nông Sản Việt Phước cũng̣ đã bị UBND tỉnh Bình Phước xử phạt hơn 300 triệu đồng về hành vi xả thải trực tiếp ra sông Sài Gòn.3
Ảnh
Sông Sài Gòn đoạn qua Cảng Bến Nghé
Sông Sài Gòn đoạn qua quận Bình Thạnh
Cầu Bình Triệu 1&2
Hầm Thủ Thiêm bên Quận 2
Các công trình khác
- Nhà máy nước Tân Hiệp, Củ Chi lấy nước từ sông Sài Gòn với công suất 300.000 m³/ngày4
Xem thêm
- Danh sách các cầu bắc qua sông Sài Gòn
- Hồ thủy lợi Dầu Tiếng
Chú thích
- ^ Căn cứ trên bản đồ ghi bên dưới thì cái tên Bến Nghé nay chỉ còn dùng để chỉ một con rạch: rạch Bến Nghé chảy từ sông Sài Gòn (cầu Khánh Hội) đến cầu Chữ Y. Con rạch này nhận nước của sông Sài Gòn và là ranh giới tự nhiên giữa quận 1 và quận 4.
- ^ “Biển báo cầu Phú Long lộn ngược - Tuổi Trẻ Online”. Tuổi Trẻ Online. 1 tháng 5 năm 2012. Truy cập 6 tháng 10 năm 2015.
- ^ Đề nghị phạt công ty vứt xác heo thối ra sông 300 triệu, tuoitre, 14.8.2016
- ^ “Nước sông Sài Gòn đang bị nhiễm mặn nặng - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 21 tháng 2 năm 2015.
Tham khảo
- Nguyễn Dược-Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, tr.164, tr. 219, tr. 220 và 222.
- Bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Hồng Đức, tháng 7 năm 2007.
(Nguồn: Wikipedia)