Trần Đức Anh Sơn
Sinh 16 tháng 9, 1967
Huế, Việt Nam Cộng hòa
Bút danh Người Nước Huệ, Quởng Nôm Quấc Nhân, Đà Thành Tử, Anh Son Tran Duc, TDAS
Công việc Nghiên cứu gia, văn sĩ, blogger
Dân tộc Kinh
Quốc tịch Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Học vấn Cao học
Bằng cấp Tiến sĩ sử học
Thể loại Khoa học xã hội
Tác phẩm nổi bật Kiểu Huế
Giải thưởng nổi bật Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật
Con cái 2

Trần Đức Anh Sơn (sinh ngày 16 tháng 9 năm 1967 tại Huế) là một nghiên cứu gia khoa học xã hội Việt Nam.

Trần Đức Anh Sơn được nhiều người biết đến với công trình nghiên cứu của ông về Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này. Ông được New York Times mệnh danh là "Người săn bản đồ" trong một phỏng vấn năm 2017.[1]

Tháng 9 năm 2019, ông bị khai trừ Đảng do đăng bài trên Facebook mà chính quyền Việt Nam cáo buộc là sai sự thật nghiêm trọng, không đúng với quan điểm của Đảng, tạo ra dư luận tiêu cực trong cán bộ Đảng viên và nhân dân.

Lịch sử

Ông Trần Đức Anh Sơn sinh ngày 16 tháng 9 năm 1967 tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, Miền Trung Việt Nam. Ông là độc đinh trong gia đình có đàng ngoại thuộc hoàng phái (tôn nữ).

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Lịch sử chuyên ngành Dân tộc học trường Đại học Tổng hợp Huế năm 1989, ông được giữ lại trường làm giảng viên một thời gian. Năm 2002, ông tốt nghiệp bằng tiến sĩ Lịch sử chuyên ngành Khảo cổ học trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Quốc gia - Hà Nội. Sau đó, ông du học Nhật Bản và lại đạt bằng tiến sĩ sử học; khi sắp du học, ông đã kinh qua các cương vị: Giám đốc Bảo tàng Mĩ thuật Cung đình Huế, trưởng khoa Việt Nam học trường Đại học Phan Châu Trinh, viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (từ 2009)[2], cơ quan tham mưu các vấn đề chính sách văn hóa cho chính quyền Đà Nẵng.

Ông được dư luận biết nhiều vì mối quan tâm của mình tới chủ quyền biển đảo Việt Nam thông qua việc sưu tầm cổ văn hoặc dư đồ ngoại quốc thể hiện rằng hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa không những chưa từng thuộc lãnh hải Trung Quốc mà các triều đại An Nam đã nhiều lần phái người tới quản sóc. Năm 2015, ông đã trải qua 10 tháng làm nghiên cứu sinh tại Đại học Yale mà trọng tâm là các tư liệu liên đới An Nam trung đại và chủ quyền lĩnh hải của các chính thể từng tồn tại trên đất Việt Nam ngày nay[3].

Ngoài ra, ông cũng xuất bản khá nhiều tài liệu khảo cứu gốm sứ cung đình Nguyễn cùng vài khía cạnh văn hóa của người cố đô. Trong các bài biên khảo về phong hóa xứ Quảng Nam hoặc mối quan hệ Quảng Nam - Nhật Bản, ông thường đề danh "Quởng Nôm Quấc Nhân", đôi khi chú thêm "Đà thành, Quởng Nôm quấc".

Trên Facebook cá nhân có gần 18.000 người theo dõi, ông Anh Sơn cũng thường xuyên chia sẻ các bài viết bày tỏ chính kiến quanh các vấn đề chính trị xã hội của đất nước.[1]

Nguyên bản bức Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển (thế kỷ XVII) do ông Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu.

Nghi án tiết lộ bí mật quốc gia

Năm 2002, chừng 4 tháng sau khi công bố luận văn tiến sĩ Đồ sứ Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa từ 1804 đến 1924 hiện tàng trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, ông Trần Đức Anh Sơn bị nhiều người tố cáo "tiết lộ bí mật quốc gia" (lời ông Sơn). Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên gửi công văn yêu cầu giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khuyến nghị ông giải trình sự việc trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, sang năm 2003, luận án được trao hạng nhì (không có hạng nhất) Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật tại di tích Văn Miếu (Hà Nội); sự kiện này khiến mọi nghi vấn tiêu tan.

Nghi án đạo văn

Năm 2015, một nhóm người đề danh "các nhà nghiên cứu trẻ hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm" thông qua các tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Tô Lan và Nguyễn Xuân Diện đã nêu những bằng cớ rằng ông Trần Đức Anh Sơn đạo văn với việc đem in sách Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành năm 2014) mà chép cả lỗi sai từ bản dịch của các tác giả Viện Nghiên cứu Hán Nôm từng công bố trước đó. Đáp lại, ông ngỏ lời cảm ơn bà Nguyễn Tô Lan qua facebook[4].

Vụ khiển trách ngôn luận

Ngày 29 tháng 1 năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã họp thi hành kỷ luật đối với ông Trần Đức Anh Sơn vì "viết và đăng tin bài trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, bịa đặt, không đúng với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước" (lời ông Sơn) với hình thức "cảnh cáo". Sau sự kiện này, ông tạm khóa trang facebook riêng 3 tháng[5].

Trên Facebook cá nhân, ông Anh Sơn đã đăng tải bài viết 'Đôi lời muốn nói' sau khi nhận quyết định kỷ luật. Trong bài viết này, ông Sơn không nói rõ bị kỷ luật vì những bài viết cụ thể nào nhưng cho hay "nhận được yêu cầu giải trình" về những gì ông "viết trên Facebook trong ba năm qua", từ "giữa tháng 11/2017".[6]

Khai trừ khỏi Đảng

Ngày 5 tháng 3 năm 2019, Thành ủy Đà Nẵng quyết định khai trừ Đảng đối với ông Trần Đức Anh Sơn, với lý do: ông Sơn đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội, vi phạm Điều 3, 4, Quy định số 47 của Ban chấp hành trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm; vi phạm Quy định 5946 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp.[7][8]

Trả lời bạn bè trên Facebook, ông Sơn coi đây là "giây phút hạnh phúc".[1]

Tác phẩm

Tạp ký

  • Vương phủ - Nhà vườn xứ thần kinh (2014)
  • Đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh (2015)
  • Thế giới ảnh khỏa thân của Dương Quốc Định (2015)

Ấn bản

  • Đồ sứ Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa từ 1804 đến 1924 hiện tàng trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Luận án tiến sĩ Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Quốc gia - Hà Nội, 30 tháng 12 năm 2002
  • Cố đô Huế. Đẹp và thơ (đồng tác giả). Truyện ký, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1992
  • Đồ sứ men lam Huế. Những trao đổi học thuật (chủ biên). Chuyên khảo, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1997
  • Từ kinh đô Trà Kiệu đến cố đô Huế. Phóng sự, Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế, 2001
  • Phong vị xứ Huế - Hue flavours (Bilingual) (đồng tác giả Lê Hòa Chi). Chuyên luận, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2001
  • Huế, triều Nguyễn - Một cái nhìn. Chuyên luận, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 2008
  • Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế. Chuyên khảo, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008
  • Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn - Sino-Vietnamese porcelains in Nguyen Period (Song Ngữ Anh - Việt). Chuyên khảo, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008
  • Rong ruổi thực lục. Truyện ký, Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ, 2013
  • Ngành đóng thuyền và tàu thuyền Việt Nam thời Nguyễn. Chuyên khảo, Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ, 2014
  • Hoàng Sa - Trường Sa, tư liệu và quan điểm của học giả quốc tế. Chuyên khảo, Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ, 2014
  • Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Chuyên khảo, Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ, 2014
  • Kiểu Huế. Chuyên khảo, Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ, 2016
  • Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Chuyên khảo, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018

Vinh danh

  • Hạng nhì Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật - 2003[9].

Tham khảo

  1. ^ a ă â “Ông Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ Đảng” (bằng tiếng Anh). BBC News. Truy cập 8 tháng 3 năm 2019. 
  2. ^ Thông tin tại trang chủ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng
  3. ^ Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn tiết lộ công điện mật lý do Quân lực Việt Nam Cộng hòa không oanh kích tái chiếm Hoàng Sa
  4. ^ Nghi án tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn và cộng sự đạo văn
  5. ^ Lời giãi bày của tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn sau khi bị khiển trách vì viết bài trên facebook
  6. ^ “Ông Trần Đức Anh Sơn bị 'cảnh cáo' vì bài viết” (bằng tiếng Anh). BBC News. Truy cập 8 tháng 3 năm 2019. 
  7. ^ “Đăng Facebook, ông Trần Đức Anh Sơn bị Đà Nẵng khai trừ Đảng”. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 8 tháng 3 năm 2019. 
  8. ^ “Ông Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ khỏi Đảng”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập 8 tháng 3 năm 2019. 
  9. ^ Giải Phạm Thận Duật đã cứu tôi

(Nguồn: Wikipedia)