Trần Dân Tiên là tác giả của cuốn tiểu sử nổi tiếng Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Đây cũng là tác phẩm duy nhất đã được biết của tác giả Trần Dân Tiên.

Nghi vấn

Nguồn khẳng định

Có thông tin cho rằng Trần Dân Tiên là một bút danh của Hồ Chí Minh hoặc được hiểu như vậy bởi một số nguồn trong và ngoài nước.

...Thời gian Bác ở nước Pháp từ năm 1919 đến năm 1923, cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác) cho biết: "Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày; làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện"...
  • Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh[2]:
...Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch...";
  • Cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, nhân vật bất đồng chính kiến người Việt là Bùi Tín trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do[3],
...Nhân dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn "Những mẩu chuyện về đời sống của chủ tịch HCM" là do chính ông Hồ viết ra...
  • Học giả Mỹ William J. Duiker, trong tác phẩm Ho Chi Minh: A Life:[4]
...The other, Nhung mau chuyen ve doi hoat dong cua Ho Chu tich, by the fictitious historian Tran Dan Tien, was written by Ho in the late 1940s and has been translated into several foreign languages...
Tạm dịch: Còn tác phẩm kia, "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", của nhà sử học tưởng tượng Trần Dân Tiên, được ông Hồ viết vào cuối thập kỷ 1940 và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác.
  • Học giả Pháp Pierre Brocheux, trong tiểu sử Ho Chi Minh: A Biography:[5]
...
  • Học giả Mỹ Sophie Quinn-Judge, trong tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years:[6].
...Although the author's name is given as Tran Dan Tien, it is believed, in fact, to be an autobiography...
Tạm dịch: Mặc dù tên tác giả là Trần Dân Tiên, nhưng người ta tin rằng thực ra nó là tự truyện...

Nguồn được tạm hiểu

Một bài viết trên tạp chí Cộng sản Điện tử (cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam) có câu như sau, từ đó người đọc có thể hiểu rằng Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh, hoặc cũng có thể là một người có chung quan điểm với ông:

  • Tạp chí Cộng sản Điện tử [7],
...Còn nhớ những quan điểm rất rộng mở của Trần Dân Tiên-Hồ Chí Minh: "Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải có cùng một điểm chung đó sao....);

Nguồn bác bỏ

Cũng có nguồn cho rằng Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh:

  • Nguyễn Xuân Ba trong bài Trần Dân Tiên là ai? có nêu những lý do để cho rằng Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh[8]:
    • Nếu muốn viết hồi ký, Hồ Chí Minh không cần phải tự tay viết mà có rất nhiều ký giả, nhà văn, nhà báo nổi tiếng sẵn sàng viết hồi ký cho ông. Nhưng ông không nhờ ai viết hồi ký cho mình mà chỉ đồng ý phỏng vấn về tình hình đất nước Việt Nam bấy giờ.
    • Hồ Chí Minh có viết hồi ký “Vừa đi đường vừa kể chuyện” và ông xác nhận rộng rãi với dư luận rằng đó là tác phẩm của mình, nếu cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" cũng do ông viết thì chẳng có lý do gì để ông không xác nhận như cuốn sách kia.
    • Với thời gian làm việc bận rộn, chẳng có lý do gì để chỉ trong 2 năm (1948-1949), Hồ Chí Minh lại viết đến 2 cuốn sách có nội dung, chủ đề tương tự nhau ("Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch""Vừa đi đường vừa kể chuyện") mà giữa 2 cuốn lại có những thông tin khác nhau.
    • Nếu Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh thì chẳng có lý do gì bản thảo cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" (hoặc những gì còn sót lại của nó) lại không được những người có trách nhiệm lưu giữ lại (Cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, bản thảo còn bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngay cả những cuốn sổ tiếp khách của Hồ Chí Minh cũng được lưu giữ lại). Hồ Chí Minh không thể tự viết, tự in, tự phát hành mà không ai biết (xung quanh ông là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, thư ký bảo vệ ngày đêm)
    • Mặc dù cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" được cho rằng ra đời từ năm 1948 nhưng chưa tìm thấy một bản tiếng Việt nào in thời điểm đó mà bản in đầu tiên lại là bản tiếng Hoa với tựa đề Hồ Chí Minh truyện”, do Trương Niệm Thức dịch, xuất bản tại Thượng Hải tháng 6-1949. Bản in tiếng Việt (chính thức) đầu tiên dường như là của Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hà Nội 1955. Như vậy là vô lý khi cuốn sách không được in lần đầu tại Việt Nam mà lại là một bản tiếng Hoa ở Trung Quốc (Trong thời gian này, Hồ Chí Minh không đi Trung Quốc lần nào). Điều đó phù hợp với giả thiết tác giả phải giấu Hồ Chủ tịch khi in cuốn sách này vì không muốn làm trái ý ông.

Bà Lady Borton, nhà văn Mỹ, một người gắn bó với Việt Nam từ thời chiến tranh tới ngày nay, đã dành nhiều thời gian công sức đến một số nước Hồ Chí Minh từng hoạt động xin lục hồ sơ lưu trữ để tìm hiểu sâu về Hồ Chí Minh, cũng cho rằng Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh[8]

Sau khi đưa dẫn chứng cứ sổ Hồ Chí Minh tiếp khách ngày 4/9/1945, tác giả Thanh Tùng cho rằng tác giả có thể là một nhóm người do cụ Đặng Thai Mai là chủ xướng và tác giả cuốn sách:

“Như vậy, có thể hình dung toàn bộ sự việc thế này: ông Đặng Thai Mai sau khi nghe nói nhiều về Hồ Chủ tịch, được chứng kiến Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập nên đã nảy sinh ý định tìm hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của Người trước Cách mạng tháng Tám (ý định này có thể của cá nhân ông, cũng có thể của các nhân sĩ, trí thức bạn bè ông). Tận dụng mối quan hệ của mình, ông tới diện kiến Bác ngay trong sáng ngày 4-9-1945. Trong câu chuyện, ông có đề cập tới vấn đề “hồi ký” đối với Bác nhưng không được đáp ứng. Không từ bỏ ý định, ông và một số bạn bè đã chủ động tìm hiểu từ các nhân chứng, nhưng nguồn này nhanh chóng bị cạn kiệt. Vì là một thành viên Chính phủ, lại có mối quan hệ với nhiều đồng chí, học trò thân cận của Bác nên ông đã thổ lộ ý định của mình đối với các vị này và được hưởng ứng nhiệt tình…
Vì Bác không đồng ý viết về mình nên các đồng chí tác giả phải góp nhặt thông tin từ mọi nguồn có thể để tổng hợp thành cuốn sách. Nhưng khi viết xong, các tác giả lại sợ Bác phật lòng nên không dám đem in trong vùng kiểm soát của Chính phủ kháng chiến, dẫn đến việc bản in đầu tiên lại là bản tiếng Hoa, phát hành tại Thượng Hải”.[8]

Tác giả Nguyễn Xuân Ba cho rằng: Khi thấy cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do người khác viết có những chi tiết không chính xác, nên Hồ Chí Minh phải viết cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” để người đọc hiểu đúng hơn. Nếu cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do chính Hồ Chí Minh viết thì ông đã chẳng cần phải viết thêm cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” nữa.

Khái quát tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch"

Cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên không dùng hình thức tự truyện, mà thuật chuyện bằng lời một người khác. Ông đóng vai trò một nhà báo xin gặp Hồ Chí Minh để ghi lại tiểu sử của Chủ tịch nhưng không đạt yêu cầu. Trần Dân Tiên phải đi tìm gặp gỡ những người đã từng quen biết với Hồ Chí Minh để hỏi chuyện, thu thập tài liệu rồi viết ra tác phẩm này. Trong tác phẩm có đoạn viết như sau:

...Nhiều nhà văn, nhà báo Việt nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: chủ tịch Hồ chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình. Ngày 2-9-45, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ chủ tịch trang nghiêm đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày thứ hai tôi viết thơ xin phép được gặp Hồ chủ tịch. Ngay chiều hôm ấy, tôi rất sung sướng tiếp được thư trả lời của Hồ chủ tịch viết như thế này:
Ngày mai 7 giờ 30 mời chú đến
Ký tên: Hồ chí Minh."

Ý kiến các học giả

Sophie Quinn-Judge, trong cuốn Ho Chi Minh: The Missing Years, đánh giá quyển Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch như sau:

Tạm dịch: Tuy nó được dựa trên sự thật, những điều nó bỏ qua hay tô vẽ thêm, và việc nó khăng khăng khẳng định phẩm chất vô sản của Hồ Chí Minh đã biến nó thành một yếu tố tạo ra huyền thoại về ông hơn là một sử liệu nghiêm túc.

Trong khi đó, William J. Duiker, trong cuốn tiểu sử Ho Chi Minh: A Life, cho rằng việc Hồ Chí Minh dùng nhiều bút danh hoặc tên giả khi viết tự truyện và các bài báo là một trong các khó khăn về tư liệu tiểu sử đối với người định viết sách về ông[4].

Xuất bản

Quyển Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của tác giả Trần Dân Tiên xuất bản lần đầu tiên tại Trung Hoa năm 1948 và tại Paris năm 1949 [6] và đã được tái bản nhiều lần. Lần gần đây, vào tháng 4 năm 2005 bởi nhà xuất bản Trẻ, kích thước: 14*20 cm, trọng lượng: 170 gram, số trang: 159 trang, giá bán 18.500 đồng/cuốn[9].

Liên quan

Trong một cuốn tiểu sử khác, Vừa đi đường vừa kể chuyện xuất bản lần đầu năm 1950, Hồ Chí Minh lấy bút danh là T. Lan, đóng vai một chiến sĩ trong đoàn tùy tùng của Chủ tịch đi hành quân, vừa đi vừa hỏi chuyện Chủ tịch và ghi chép lại[10].

(Nguồn: Wikipedia)