Hoàng Đình Bảo (1743-1782) là Huy quận công (còn gọi là Quận Huy) thời Lê-Trịnh, trong lịch sử Việt Nam.
Tiểu sử
Hoàng Đình Bảo (黄廷寶1 ), trước tên ông là Đăng Bảo (登寶2 ), sau đổi là Tố Lý (素履2 ), lại đổi là Đình Bảo. Ông quê ở xã Tư Mại huyện Yên Dũng là cháu nuôi danh tướng Hoàng Ngũ Phúc,quê ở xã Phụng Công, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Sự nghiệp
Thời Trịnh Sâm
Ông đậu hương tiến, lại đậu tạo sĩ, lấy con gái chúa Trịnh Doanh. Vì được phong làm Huy quận công nên ông thường được gọi là quận Huy. Năm 1774, ông theo quận Việp Hoàng Ngũ Phúc đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chiếm được kinh thành Phú Xuân.
Quận Huy nguyên có tên là Đăng Bảo (nghĩa là "lên ngôi báu"), được quận Việp nhận làm cháu nuôi. Do uy tín của quận Việp trong triều quá lớn, nhiều người dị nghị hai chú cháu sẽ cướp ngôi chúa của họ Trịnh. Họ đặt ra những câu sấm đồn đại việc này. Quận Việp sợ vạ lây bèn đổi tên ông thành Tố Lý. Về sau, quận Việp qua đời (1775), ông mới đổi tên lần nữa thành Đình Bảo.
Năm 1777, ông làm trấn thủ trấn Nghệ An. Tại đây xảy ra nạn đói, quận Huy ra lệnh cho các nhà giàu trong vùng phải xuất thóc lúa trợ cấp cho người nghèo. Vì vậy người nghèo Nghệ An rất biết ơn ông.
Năm 1778, ông được Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm cho coi việc phủ chúa và lĩnh chức trấn thủ Sơn Nam (địa bàn của Sơn Nam thời Lê gồm: Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình).
Bấy giờ trong họ Trịnh xảy ra tranh chấp ngôi thế tử giữa con trưởng là Trịnh Tông và con thứ là Trịnh Cán, do người mẹ Cán là Tuyên phi Đặng Thị Huệ làm đại diện. Quận Huy từng có ý theo Trịnh Tông nhưng không được bèn ngả theo Đặng Thị Huệ giúp Trịnh Cán còn nhỏ.
Nhân vụ án năm Canh tý (1780), Trịnh Tông có ý làm loạn thất bại nên bị truất làm con út, ngôi thế tử thuộc về Trịnh Cán.
Phụ chính cho Trịnh Cán
Sau khi Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán mới 5 tuổi lên thay, tức là Điện Đô vương. Quận Huy được cử giữ chức phụ chính. Vì Tuyên phi còn trẻ tuổi, quận Huy thường ra vào bàn kế với Tuyên phi nên mọi người dị nghị ông tư thông với Tuyên phi. Người đời đồn đại câu:
- Trăm quan có mắt như mờ
- Để cho Huy quận vào rờ chính cung
Lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán để lập Trịnh Tông. Sách Lê quý dật sử chép vắn tắt chuyện như sau
- Lính trong phủ ước hẹn cùng vào núi bí mật toan định ngày giờ phế lập. Bèn bên trong theo ý quốc mẫu (mẹ Trịnh Sâm), bên ngoài dựa vào sự chi viện của Phan quận công (Nguyễn Phan), và nhờ tiến triều3 Nguyễn Nhưng làm bài (hịch) khích lệ quân lính, phù chính nghĩa. Lại có Thư lại đội quân Tiệp Bảo là Nguyễn Bằng (Hoàng Lê nhất thống chí ghi tên Bằng Vũ) tự xin lên gác phủ đánh trống làm hiệu.
- (Nghe có biến) Quận Huy sai đội quản voi chỉnh đốn bành voi. Huy lên voi tuần hành để răn đe quân sĩ..Quân sĩ đập phá gạch ngói ném bừa vào Huy. Huy bị thương ngã gục trên mình voi, quân sĩ lại lấy kiếm dài đâm lên, làm Huy bị thương tiếp. Rồi (họ) lấy câu liêm lôi (Huy) xuống, băm ra từng khúc, tranh nhau ăn gan Huy... Khi đó, lính trong phủ đã rước Thế tử Trịnh Tông (tức Khải) lên nối nghiệp chúa, và dời Trịnh Cán đến ở một cung khác. Ngày hôm đó, nhà cửa dinh thự của các quan lại trong kinh đô đều bị lính phá hủy gần hết. Đình thần im hơi lặng tiếng, đứng yên một chỗ. Kể từ đó quyền hành lọt hết vào tay lính tam phủ.4
Quận Huy bị giết, Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ bị truất, Trịnh Tông lên ngôi, tức là Đoan Nam vương.
Tham khảo
- Bùi Dương Lịch, Lê quý dật sử. Bản dịch của Phạm Văn Thắm. Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, 1987.
- Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái
Xem thêm
- Trịnh Sâm
- Nạn kiêu binh
- Đặng Thị Huệ
- Nguyễn Hữu Chỉnh
Chú thích
- ^ Việt Nam sử lược/Quyển II/Tự chủ thời đại/Chương VIII
- ^ a ă Hoàng Lê nhất thống chí, hồi 1
- ^ Những người không đỗ Tiến sĩ mà được làm quan ở sáu bộ, gọi là "tiến triều". Chú thích trong sách Lê quý dật sử (tr. 23).
- ^ Lê quý dật sử, tr. 48-50.
(Nguồn: Wikipedia)