Nguyễn Tấn Dũng
Ba Dũng
Nguyen Tan Dung-2012.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng năm 2012
Chức vụ
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam
Nhiệm kỳ 27 tháng 6 năm 2006 – 6 tháng 4 năm 2016
9 năm, 284 ngày
Tiền nhiệm Phan Văn Khải
Kế nhiệm Nguyễn Xuân Phúc
Vị trí Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Phó Thủ tướng
  • Nguyễn Sinh Hùng (2006 - 2011)
  • Phạm Gia Khiêm (1997 - 2011)
  • Trương Vĩnh Trọng (2006 - 2011)
  • Hoàng Trung Hải (2007 - 2016)
  • Nguyễn Thiện Nhân (2007 - 2013)
  • Vũ Văn Ninh (2011 - 2016)
  • Nguyễn Xuân Phúc (2011 - 2016)
  • Vũ Đức Đam (2013 - nay)
  • Phạm Bình Minh (2013 - nay)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
Nhiệm kỳ 20 tháng 9 năm 1997 – 27 tháng 6 năm 2006
8 năm, 280 ngày
Tiền nhiệm Phan Văn Khải
Kế nhiệm Nguyễn Sinh Hùng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nhiệm kỳ 27 tháng 6 năm 1998 – 11 tháng 12 năm 1999
1 năm, 167 ngày
Tiền nhiệm Cao Sĩ Kiêm
Kế nhiệm Lê Đức Thúy
Uỷ viên Bộ Chính trị
Nhiệm kỳ 1 tháng 7 năm 1996 – 27 tháng 01 năm 2016
19 năm, 210 ngày
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Nhiệm kỳ tháng 6 năm 1996 – tháng 8 năm 1997
Tiền nhiệm Nguyễn Hà Phan
Kế nhiệm Phan Diễn
Uỷ viên Trung ương Đảng
Nhiệm kỳ 15 tháng 12 năm 1986 – 27 tháng 1 năm 2016
29 năm, 43 ngày
Đại biểu Quốc hội khoá X,XI,XII,XIII
Nhiệm kỳ 20 tháng 9 năm 1997 – 30 tháng 3 năm 2016
18 năm, 192 ngày
Thông tin chung
Đảng phái Đảng Cộng sản Việt Nam
Sinh 17 tháng 11, 1949 (69 tuổi)
Cà Mau
Nơi ở Hà Nội
Học vấn Cử nhân Luật
Dân tộc Kinh
Tôn giáo Không
Cha Nguyễn Tấn Thử
Mẹ Nguyễn Thị Hường
Vợ Trần Thanh Kiệm
Con cái Nguyễn Thanh Nghị (s. 1976), Nguyễn Thanh Phượng (s. 1980), Nguyễn Minh Triết (s. 1988)
Trang web

http://nguyentandung.chinhphu.vn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Website thủ tướng Chính phủ
Binh nghiệp
Phục vụ Quân đội Nhân dân Việt Nam
Cấp bậc Thiếu tá

Nguyễn Tấn Dũng (tên thường gọi: Ba Dũng[1], sinh ngày 17 tháng 11 năm 1949 tại Cà Mau) là một chính trị gia Việt Nam. Ông là Thủ tướng chính phủ thứ sáu của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006–2016). Từ năm 1997, ông cũng đồng thời là Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa X, XI, XII, XIII thuộc đơn vị bầu cử khu vực 3 Thành phố Hải Phòng (huyện Tiên Lãng), Uỷ viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án EPCO - Minh Phụng từ năm 2002. Ông cũng từng giữ chức Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên tình trạng tham nhũng hầu như không có hướng giải quyết nên sau Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), ban này chuyển sang cho Bộ Chính trị quản lý, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông được Quốc hội bầu lên vị trí Thủ tướng Chính phủ từ ngày 27 tháng 6 năm 2006 sau khi Thủ tướng tiền nhiệm Phan Văn Khải quyết định về hưu năm 2006. Sau đó ông tái đắc cử nhiệm kì thứ 2 vào ngày 25 tháng 7 năm 2011.[2] Ông là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thuộc thế hệ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cũng là Thủ tướng trẻ nhất khi nhậm chức (57 tuổi).[3] Tại Đại hội Đảng lần thứ XII ông xin không tái cử vào BCH Trung ương và được chấp nhận.[4] Từ ngày 6 tháng 4 năm 2016 ông thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, nghỉ hưu theo chế độ.[5]

Xuất thân

Nguyễn Tấn Dũng quê ở Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Cha ông là Nguyễn Tấn Thử (tên khác: Nguyễn Tấn Minh, Mười Minh)[6] chính trị viên phó Tỉnh đội Rạch Giá, chết ngày 16 tháng 4 năm 1969, khi một trái bom Mỹ đã ném trúng hầm trú ẩn của Tỉnh đội Rạch Giá, được truy phong liệt sĩ.[7][8].

Thân mẫu ông là bà Nguyễn Thị Hường (1924-2017).[9][10]

Là con thứ hai trong gia đình, Nguyễn Tấn Dũng còn được gọi với cái tên Ba Dũng.

Giáo dục

Từ năm 1991 đến năm 1994, ông học Cử nhân Luật hệ tại chức.[11]

Sự nghiệp

Năm 1961, ông tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm công tác văn thư, liên lạc, cứu thương, y tá, y sĩ. Nguyễn Tấn Dũng sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đội bậc trưởng (tương đương Trung sĩ), Trung đội bậc trưởng (Chuẩn úy), Đại đội bậc phó (Thiếu úy), Đại đội bậc trưởng (Trung úy) - Đội trưởng Đội phẫu thuật, Đại đội trưởng và Chính trị viên trưởng Đại đội Quân y thuộc Tỉnh đội Rạch Giá. Nguyễn Tấn Dũng gia nhập Đảng Lao động Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 1967, chính thức ngày 10 tháng 3 năm 1968.

Cuối năm 1969, nhờ người bạn chiến đấu Phan Trung Kiên, ông thoát chết trong một trận càn quét ở Cà Mau-Kiên Giang.[12] Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó đang là cấp bậc trung úy, đã chọn ở lại phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Tấn Dũng là trung uý, chính trị viên Đại đội Quân y thuộc Tỉnh đội Rạch Giá [7]

Sau năm 1975, ông lần lượt giữ các chức vụ Thượng úy, Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 207; Đại úy, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 152; Thiếu tá, Trưởng ban cán bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.

Từ tháng 10 năm 1981 trở đi, ông phục viên và tham gia công tác chính trị, sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam tại địa phương, lần lượt giữ các chức vụ: Tỉnh ủy viên Kiên Giang, Phó Ban Tổ chức cán bộ Tỉnh ủy; Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, Bí thư Huyện ủy Hà Tiên; Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Bí thư Đảng ủy quân sự tỉnh Kiên Giang; Ủy viên Đảng ủy Quân khu 9; Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Từ tháng 1 năm 1995, ông tham gia công tác trong trung ương với các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Nội vụ; (1/1995 - 8/1996), Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương. Được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng tại các kỳ Đại hội Đảng CSVN thứ VI (năm 1986) và thứ VII (năm 1991).

Năm 1991 đến năm 1994: học Cử nhân Luật hệ tại chức.[11]

Ngày 1 tháng 7 năm 1996, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương và được Bộ Chính trị phân công làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VIII và là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phụ trách vấn đề tài chính của Đảng CSVN (từ tháng 6/1996 đến tháng 8/1997).

Thủ tướng Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tại APEC 2006 tại Hà Nội

Từ tháng 9 năm 1997, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá X (đại biểu khu vực 3 Hải Phòng) và được đề cử và sau đó được Quốc hội thông qua giữ chức Phó Thủ tướng; sau đó Thủ tướng Phan Văn Khải cử giữ chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực và Chủ tịch Hội đồng Tài chính - Tiền tệ của Chính phủ, trong thời gian này ông được nhà nước Lào tặng thưởng Huân Chương Ítxala hạng nhất (huân chương cao quý nhất của Lào).

Tháng 5 năm 1998, Quốc hội thông qua cử ông kiêm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chức vụ này ông giữ đến ngày 11 tháng 12 năm 1999 thì bàn giao lại cho ông Lê Đức Thúy.[13]

Tháng 8 năm 2002, ông tiếp tục được đề cử giữ chức vụ Phó Thủ tướng và được Quốc hội khoá XI thông qua.

Ngày 16 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đề cử Nguyễn Tấn Dũng làm người kế nhiệm mình trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI.

Ngày 27 tháng 6 năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng được Quốc hội bầu làm tân Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông trở thành vị Thủ tướng trẻ nhất trong 20 năm trước đó[3].

Ngày 25 tháng 7 năm 2007, Quốc hội khóa XII tiếp tục bầu ông Nguyễn Tấn Dũng giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, với tỷ lệ 96,96% phiếu đồng ý hợp lệ trên tổng số đại biểu.

Ngày 26 tháng 7 năm 2011 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII ông tái đắc cử nhiệm kỳ 2 giữ chức Thủ tướng chính phủ nước Việt Nam, với tỷ lệ 94% phiếu đồng ý hợp lệ trên tổng số đại biểu.[14]

Năm 2010, Việt Nam với vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN được đánh giá là thành công trong hoạt động ngoại giao và kết nối các thành viên được nhiều báo chí đánh giá là nhờ công lớn của ông.[15]

Tháng 1 năm 2016 tại Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam ông vẫn nhận được đề cử vào BCH Trung ương, mặc dù trước đó ông xin không tái cử. Sau đó Đại hội đã biểu quyết cho phép ông rút khỏi danh sách bầu cử.[4]

Từ ngày 6 tháng 4 năm 2016 ông thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và nghỉ hưu theo chế độ.[5]

Hoạt động trong nhiệm kỳ

  • Ngày 27/11/2006, Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 1568/QĐ-TT cho phép tu sửa nghĩa trang và mộ phần của các liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
  • Nguyễn Tấn Dũng có những thành công về mặt đối ngoại. Năm tháng sau khi nhậm chức, ông để lại dấu ấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình với thành công của hội nghị APEC (tháng 11/2006). Tháng 5/2007, tạp chí World Business bình chọn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á.[16]
  • Trong nhiệm kỳ Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sau đó là thành viên luân phiên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2008/2009).
  • Ngày 29 tháng 4 năm 2009, ông ban hành công văn 650/TTg-KTN, chỉ đạo các bộ ban ngành phối hợp triển khai dự án bauxite tại Tây Nguyên.
  • Trong cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khi lạm phát cả năm của Việt Nam lên cao nhất khu vực (25%),[17][18] chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua gói kích cầu trị giá tổng cộng 8 tỷ đô la (tương đượng 143.000 tỷ đồng). Về gói kích cầu này ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng, dòng tiền chảy không đến các mục đích như được thông báo, không có khu vực kinh tế nào ở Việt Nam tỏ ra khởi sắc sau gói kích cầu ngoài thị trường chứng khoán và nâng mức thâm hụt ngân sách lên đến 8% so với 5% của năm 2008.[19] Tuy nhiên,theo Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định thì gói kích cầu của Chính phủ đã có tác dụng tốt và kinh tế Việt Nam quý IV năm 2009 được đánh giá là hồi phục và tăng tốc.[20]
  • Tuy nhiên, sang năm 2010, gói kích cầu đã bộc lộ nhược điểm: bội chi ngân sách đến mức báo động, dự trữ ngoại hối quá thấp, bất ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này dẫn tới lạm phát tăng cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ ngay sau đó gây khó khăn kinh tế. IMF và WB phải đề nghị Việt Nam thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô.[21]
  • Ngày 20/10/2012, trước Quốc hội, ông Dũng xin lỗi vì những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành [22]
  • Ông Dũng hưởng lương 15 triệu VND/tháng (năm 2013).[23]
  • Tập trung đầu tư xây dựng hai ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để sớm phát triển hai ĐH này thành các cơ sở giáo dục ĐH xuất sắc, hàng đầu của Việt Nam, từng bước vươn lên đẳng cấp khu vực và quốc tế.[24]

Tổ tư vấn nhiệm kì 2011-2016

Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệm kì 2011-2016 gồm có 13 người sau (kèm chức vụ năm 2016):[25][26]

  1. Ông Trương Đình Tuyển (Đặc phái viên Kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm/Tổ trưởng)
  2. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
  3. TS Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia)
  4. TS Cao Viết Sinh (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
  5. TS Nguyễn Sĩ Dũng (Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)
  6. TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
  7. TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)
  8. TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT)
  9. TS Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
  10. GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội Kinh tế Việt Nam)
  11. TS Trần Du lịch (Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM)
  12. TS Lê Xuân Nghĩa (Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sau đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh)
  13. TS Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Chỉ trích

  • Ông là thủ tướng đầu tiên của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị khởi kiện chính thức với cáo buộc vi hiến.[27] Ngày 11 tháng 6 năm 2009, ông Cù Huy Hà Vũ đã gửi đơn kiện thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc ký quyết định khai thác quặng bauxit ở Tây nguyên Việt Nam khi cho rằng ông Dũng đã vi phạm pháp luật Việt Nam khi ra quyết định về dự án trong đó có luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ di sản văn hóa.[28] Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã bác đơn kiện này.[29]
  • Trong nhiệm kỳ đầu, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam lâm vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng, chứa đựng rất nhiều rủi ro suy thoái.[30] Cùng chịu tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế các nước trong khu vực không lâm vào tình trạng bất ổn như Việt Nam. Thủ tướng bị đặt câu hỏi về khả năng quản lý kinh tế.[31] Trong những năm liên tiếp trước khi Thủ tướng Dũng nhậm chức ở nhiệm kỳ đầu tiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh dần: 7,08% năm 2002, 7,34% năm 2003, 7,79% năm 2004, và 8,44% năm 2005. Ngược lại, sau khi thủ tướng nhậm chức, tăng trưởng GDP đang trên đà giảm mạnh từ năm 2007 trở lại đây: năm 2007 đạt 8,23%, năm 2008 đạt 6,31%, năm 2009 đạt 5,32%, năm 2010 tăng một chút lên 6,78% nhưng năm 2011 dự kiến quay lại mức trên 5%. Lạm phát tăng cao (nhất châu Á vào tháng 7-8 năm 2011) hậu quả của các chính sách vĩ mô sai lầm trong khi đời sống của nhân dân khó khăn hơn: Mức thu nhập trong giai đoạn 2008-2010 tăng bình quân 9,3%/năm (giai đoạn lạm phát cao lên tới hơn 40%) sau khi trừ đi yếu tố tăng giá đã thấp hơn mức thu nhập thực tế 10,7%/năm của thời kỳ năm 2002-2004.[32]
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thừa nhận các sai lầm trong quản lý kinh tế đã dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng của nền Kinh tế Việt Nam.[33]
  • Trong đợt Lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội lần đầu tiên, Ông Nguyễn Tấn Dũng được số phiếu tín nhiệm cao 210, tín nhiệm 122, tín nhiệm thấp 160.[34]
  • Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc phê bình: "Toàn dân người ta đã biết ông này không có năng lực quản lý xã hội, quản lý kinh tế cho nên chưa bao giờ kinh tế của chúng ta nó sa sút như bây giờ. Sự không có năng lực của ông ấy là đã rõ. Mặt khác các tập đoàn kinh tế nào là Vinashin, Vinalines rồi còn bao nhiêu tập đoàn kinh tế khác mà ông Thủ tướng trực tiếp quản lý đã thất thoát hàng ngàn tỷ của nhân dân, thiệt hại quá lớn... Mặt khác ông ấy lại độc đoán, độc tài vì vậy nếu còn nắm quyền thì ông ấy còn làm bao nhiêu thứ khác chỉ có hại cho đất nước như vậy thì không lo sao được?[35].
  • Ngày 18 tháng 9 năm 2015, ba ông Lưu Văn Sùng, Đỗ Thế Tùng và Nguyễn Đình Kháng đồng ký đơn gửi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành kiểm điểm, kỷ luật, và kiên quyết không để ông Nguyễn Tấn Dũng lọt vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vì cho rằng ông Dũng tiếp sức cho các thế lực thù địch vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc, phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị và kích động đối đầu Việt - Trung.[36]

Một số quyết định quan trọng

Một vài sự kiện liên quan xảy ra tại Việt Nam trong (các) nhiệm kỳ của ông. Bao gồm:

  • Tái cơ cấu Vinashin: khủng hoảng nợ tại Vinashin bùng phát vào tháng 5/2010 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đưa ra quyết định vội vàng tái cơ cấu Vinashin, cơ cấu lại các khoản nợ. Từ đó, có nhiều vấn đề bị phanh phui về quản lý nhà nước đối với tập đoàn kinh tế này. Theo báo cáo, Vinashin nợ hơn 100 nghìn tỷ VND (tương đương 5-6 tỷ USD) với khả năng không thể thanh toán nổi.
  • Phá giá tiền tệ: trong vòng 14 tháng tính tới 13/2/2011, Việt Nam đã phải phá giá đồng tiền bốn lần. Lần gần nhất, VND bị phá giá 9,3%.[37]
  • Quyết định 97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ. Trong đó ở điều 2 mục 2 có nhấn mạnh: nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.[38]
  • Nghị quyết 11 NQ/Cp thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô [39] gây ra nhiều vấn đề, tác dụng phụ, cho nền kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, ngân hàng khủng hoảng.[40]
  • Ý kiến chỉ đạo vụ cưỡng chế đất gây tranh cãi tại Tiên Lãng, Hải Phòng.[41]
  • Ý kiến chỉ đạo vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá giữa Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG).[42]
  • Thúc đẩy Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện các văn bản pháp quy, đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện nguyên tử đầu tiên khu vực Đông Nam Á tại Ninh Thuận.[43]

Một số phát biểu

  • "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." (Lễ nhậm chức Thủ tướng) [44][45]
  • "Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng - có lẽ làm thủ tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng.".[46] Vì nội dung câu nói này bị nhiều người hiểu nhầm, nên trong phần trả lời chất vấn đại biểu tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai tại Quốc hội vào ngày 24 tháng 11 năm 2010,, ông Nguyễn Tấn Dũng đã giải thích như sau: "Tôi trình bày chất vấn tại kỳ họp sáu là như vậy, nhưng có lẽ diễn đạt chưa đầy đủ. Khi phát hiện sai phạm thì lãnh đạo phải có kiểm tra. Không có kiểm tra không có quản lý. Mà khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý. Nhưng không thể xử lý theo ý muốn cá nhân được mà phải theo quy định của pháp luật, của Đảng, có lý có tình và đúng bản chất sự việc."; "Xin trình bày là không thể, với một vụ việc mà mới nghe một thông tin mà Thủ tướng đã ra quyết định kỷ luật được. Luật không cho phép làm như thế."[47]
  • "Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở."
  • "Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường."
  • "Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm về Vinashin!"[47]
  • "Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai." Trả lời về trách nhiệm với vụ Vinashin.[48]
  • "Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ năm 1974."[49]
  • "Còn 3 ngày nữa là tôi tròn 51 năm theo Đảng. Suốt thời gian qua tôi không đề nghị nhận chức này chức khác và cũng không thoái thác trọng trách gì được giao. Tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, Ban chấp hành đã hiểu rõ ưu khuyết điểm, tâm tư và cả thương tật của tôi. Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm. Gần suốt cuộc đời tôi theo Đảng, tôi không chạy, xin hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao".[50]
  • "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó"[51][52]
  • Vào ngày 15.10.2014 tại viện Körber ở Berlin, Đức: "Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này."[53]
  • "Chưa có dấu hiệu gì lớn làm đảo lộn kinh tế vĩ mô hay buộc chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu."[54]
  • “Vàng thì mình không có. Tôi tặng mỗi đồng chí một bộ ấm chén bằng gốm sứ, lần này có mới hơn là có quốc huy, có chữ ký của Thủ tướng và có tên từng đồng chí thành viên Chính phủ. Của ít lòng nhiều, xin tặng các đồng chí làm kỷ niệm”.
  • “Tôi chúc các đồng chí và cũng tự chúc tôi luôn, kỳ này thôi, nghỉ chính sách thì ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, Đảng viên tốt, ráng sống như chương trình “sống tử tế” bên truyền hình đang làm, làm người tử tế, mỗi người mỗi hoàn cảnh đóng góp hết sức mình cho Đảng, cho dân.”[55]

Tặng thưởng

  • Huân chương Kháng chiến hạng 1
  • 2 Huân chương Chiến công hạng 3
  • 6 danh hiệu Dũng sĩ
  • Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 1,2,3
  • Huân chương Hữu nghị hạng đặc biệt của Nhà nước - Hoàng gia Campuchia
  • Huân chương ISALA hạng 1 của Nhà nước CHDCND Lào
  • Huân chương Vàng quốc gia của Nhà nước CHDCND Lào[56]
  • Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (2017.6.20)[57]

Đời sống cá nhân

  • Cha của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Tấn Thử (hay Nguyễn Tấn Minh) (tức Mười Minh), chính trị viên Tỉnh đội Kiên Giang, hi sinh trong một trận Mỹ ném bom B-52 vào ngày 16 tháng 4 năm 1969, được phong Liệt sỹ.
  • Thân mẫu ông là bà Nguyễn Thị Hường, từng sống trong căn nhà 1108 đường Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, Kiên Giang, cũng là nơi đặt nhà thờ họ của ông Dũng. Bà Hường mất ngày 30 tháng 11 năm 2017, thọ 93 tuổi.[58]
  • Em trai ông, Tư Thắng cũng sống ở đây.[9]
  • Ông Dũng còn có một chị gái tên là Hai Tâm.[59][60]
  • Ông và phu nhân (bà Trần Thanh Kiệm) có ba người con.
  • Con trai cả của ông tên là Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1976, lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ sư công chánh (xây dựng) ở Đại học George Washington ở Washington,[61] được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng ngày 11 tháng 11 năm 2011, người được đề cử và bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, hiện đang là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.[62]
  • Người con thứ hai là con gái, Nguyễn Thanh Phượng (sinh năm 1980) tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Đại học quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ (International University in Geneva).[63] Bà là Chủ tịch Quỹ Đầu tư Bản Việt, doanh nghiệp với số vốn khoảng 55 triệu đô la Mỹ,[64] chủ tịch Chứng khoán Bản Việt từ năm 2007, thành viên HDQT Ngân hàng Bản Việt (từng giữ chức Chủ tịch nhưng đã tạm nghỉ theo chế độ thai sản hồi đầu tháng 5/2013).[65] Bà Phượng kết hôn với ông Nguyễn Bảo Hoàng là một Việt kiều Mỹ năm 2008 và hiện có hai con. Con rể Nguyễn Bảo Hoàng sinh năm 1974 là Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam, chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, truyền thông và công nghệ kể từ năm 2004. Ông này là chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, Chủ tịch Học viện thể thao Sài Gòn (SSA)[66], sở hữu chi nhánh MacDonald tại Việt Nam[67].
  • Con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tên là Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1988[68], từng học A level tại trường St. Michael College (Mỹ), theo học cử nhân về kỹ sư kỹ thuật hàng không ở Đại học Queen Mary của Anh và hoàn tất khóa học thạc sĩ chuyên ngành kỹ sư chế tạo máy tại Anh. Từng công tác tại Ban thanh niên nông thôn - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam, bí thư tỉnh đoàn Bình Định và Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ 2013 - 2017[69][70] Tháng 4 năm 2016, Nguyễn Minh Triết đã làm đám cưới với cô Đồng Thanh Vy, người từng đoạt giải Á hậu Đông Nam Á.[71] Ngay sau lễ cưới, Nguyễn Minh Triết nhận được quyết định bổ nhiệm làm Trưởng ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn tại Hà Nội[72], nơi Đồng Thanh Vy đang theo học trường Cao đẳng Kế toán Hà Nội.[73]

Xem thêm

  • Thủ tướng Việt Nam
  • Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Chú thích và nguồn tham khảo

  1. ^ Thông tin đại biểu Quốc hội các khóa
  2. ^ “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử”. BBC Vietnamese. Ngày 25 tháng 7 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2017. 
  3. ^ a ă Nhật Linh (ngày 27 tháng 6 năm 2006). “Ông Nguyễn Tấn Dũng trúng cử Thủ tướng”. Báo Tuổi Trẻ Online. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2017. 
  4. ^ a ă ĐÀ TRANG - V.V.THÀNH (ngày 25 tháng 1 năm 2016). “Đại hội XII: Thủ tướng không có tên trong danh sách bầu cử”. Báo Tuổi Trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2017. 
  5. ^ a ă P.Thảo (ngày 26 tháng 3 năm 2017). “Thủ tướng nói lời chia tay Chính phủ”. Dân trí. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2017. 
  6. ^ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang. “TIN BUỒN”. Kiên Giang TV. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2017. 
  7. ^ a ă Huy Đức. “Chương 22”. Bên Thắng Cuộc. II. Osinbook. ISBN 1467562785. 
  8. ^ “Sự thật về Nhà thờ của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Kiên Giang”. Báo Tiền phong. 29 tháng 12 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2017. 
  9. ^ a ă Sự thật về nhà thờ gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
  10. ^ P.Q.P (14 tháng 12 năm 2009). “Thân mẫu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thăm trại dưỡng lão Trường Tây”. Báo Tây Ninh. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2017. 
  11. ^ a ă Văn phòng Chính phủ (ngày 1 tháng 8 năm 2016). “TIỂU SỬ TÓM TẮT THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2017. Năm 1991- 1994 học Khóa Cử nhân Luật tại chức. 
  12. ^ Thiên Phước (ngày 22 tháng 12 năm 2010). “Gặp ân nhân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2017. 
  13. ^ “Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá X (1997-2002)”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2017. Ông Nguyễn Tấn Dũng (Phó Thủ tướng kiêm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ 5-1998 đến 11-12-1999) 
  14. ^ Lê Nhung (ngày 26 tháng 7 năm 2011). “Ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử Thủ tướng”. Vietnamnet. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2017. 
  15. ^ “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - nhân vật của năm 2010”. VnExpress. Ngày 1 tháng 1 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2017. 
  16. ^ Xuân Danh - H.Y (ngày 17 tháng 5 năm 2007). “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhân vật cải cách của châu Á”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  17. ^ TS Nguyễn Đại Lai (ngày 9 tháng 5 năm 2008). 5 tháng 3 năm ngày 22 tháng 5 năm 2010-16 “Thị trường chứng khoán Việt Nam đi về đâu trong bối cảnh chung của thị trường tài chính VN”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  18. ^ Amy Kazmin (ngày 27 tháng 5 năm 2008). “Vietnam's inflation rate surges above 25%”. Financial Times. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  19. ^ Mặc Lâm (ngày 22 tháng 6 năm 2009). “Kích cầu kinh tế & thâm hụt ngân sách”. RFA. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  20. ^ Jason Folkmanis (ngày 29 tháng 9 năm 2009). “Vietnam’s GDP Growth Accelerates to 5.8% on Stimulus (Update1)”. Bloomberg Markets. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  21. ^ VEF (ngày 17 tháng 11 năm 2010). 17 tháng 11 năm 2010-imf-wb-can-viet-nam-danh-doi-on-dinh-lay-tang-truong “IMF, WB "can" Việt Nam đánh đổi ổn định lấy tăng trưởng”. Vef.vn. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  22. ^ Thủ tướng xin lỗi vì những yếu kém của Chính phủ - VnExpress Kinh doanh
  23. ^ Lương Thủ tướng cũng chỉ 15 triệu đồng/tháng | Chính trị | laodong.com.vn
  24. ^ “Xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam”. 
  25. ^ Nguyên Khôi (29 tháng 3 năm 2016). “Chuyện ít biết về 12 thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng”. Báo Dân Việt. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2017. 
  26. ^ “Chuyện ít biết về 12 thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng”. VietNamNet. 30 tháng 3 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2017. 
  27. ^ “Khi luật sư kiện Thủ tướng vì bauxite”. BBC Vietnamese. Ngày 12 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  28. ^ Thanh Phương (ngày 24 tháng 6 năm 2009). “Luật sư Cù Huy Hà Vũ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ bauxite Tây Nguyên”. RFI. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  29. ^ Hoàng Khuê - Hoàng Anh (ngày 23 tháng 6 năm 2009). “Bác đơn kiện quyết định của Thủ tướng về quy hoạch bô xít”. VnExpress. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  30. ^ BBC Vietnamese - Economy - Thách thức chờ đợi tân Chính phủ VN
  31. ^ BBC Vietnamese - Việt Nam - Lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo 'là sai'
  32. ^ Thu nhập thực tế của người dân thấp hơn trước | Thanh Niên Online
  33. ^ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi trước Quốc hội | Thời sự trong nước | Người Lao động Online
  34. ^ Công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấp
  35. ^ Hậu quả sau hội nghị Thành Đô?, RFA, ngày 9 tháng 10 năm 2012
  36. ^ “TTXVN: Bộ Chính trị 'trình kết quả giới thiệu nhân sự...'”. Người Việt. Truy cập 9 tháng 10 năm 2015. 
  37. ^ 13 tháng 2 năm 2011-nhung-viec-can-lam-sau-dieu-chinh-ty-gia Những việc cần làm sau điều chỉnh tỷ giá HUỲNH THẾ DU, 13/02/2011 14:00 GMT+7
  38. ^ Quyết định số 97/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ 24/7/2009
  39. ^ Nghị quyết 11/NQ-CP - cơ hội lớn cho các doanh nghiệp
  40. ^ Liều thuốc mạnh đang có phản ứng phụ | Kinh tế vĩ mô - Đầu tư | CafeF.vn
  41. ^ Toàn văn kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế ở Hải phòng. Báo Giáo dục Việt Nam. Ngày đăng 10/02/2012.
  42. ^ Thủ tướng gửi công văn hỏa tốc về bản quyền truyền hình. Báo Giáo dục Việt Nam. Ngày đăng 12/01/2012.
  43. ^ Hương Thu. “Thủ tướng: 'Việt Nam quyết tâm làm điện nguyên tử'”. VnExpress. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2012. 
  44. ^ Phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII
  45. ^ Phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII
  46. ^ Xuân Trung - Khiết Hưng (ngày 20 tháng 11 năm 2009). “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Hơn 3 năm nay, tôi chưa kỷ luật ai"”. Báo Tuổi trẻ Online. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2010. 
  47. ^ a ă Nhóm PV (ngày 24 tháng 11 năm 2010). “Thủ tướng nhận trách nhiệm cá nhân về Vinashin”. VietNamNet. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  48. ^ BBC Vietnamese - Kinh tế - Thủ tướng Dũng 'không sai' về Vinashin
  49. ^ 'Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình' - VnExpress
  50. ^ Nhật Minh (ngày 14 tháng 11 năm 2012). “'Tôi không xin hay thoái thác nhiệm vụ Đảng giao'”. Báo VnExpress. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2013. 
  51. ^ VN trong tuần: Không đánh đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông Đài tiếng nói Việt Nam
  52. ^ Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc
  53. ^ Thủ tướng: Dân chủ là xu thế không thể đảo ngược, vietnamnet, 17.10.2014
  54. ^ “Thủ tướng yêu cầu lường trước kịch bản xấu với nền kinh tế”. 
  55. ^ Lời chia tay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
  56. ^ “Khen thưởng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. 
  57. ^ “Trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. 
  58. ^ Tin Buồn
  59. ^ Huy Đức (ngày 24 tháng 4 năm 2009). “Ngay thẳng”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 11 năm 2013. 
  60. ^ “Sài Gòn Tiếp Thị bị 'thanh tra toàn diện'”. BBC Vietnamese. Ngày 6 tháng 10 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 3 năm 2015. 
  61. ^ “Truyền thống gia đình trong Đảng”. BBC Vietnamese. Ngày 20 tháng 1 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 3 năm 2015. 
  62. ^ “Công bố danh sách Ban Chấp hành khóa XI”. BBC. Ngày 18 tháng 1 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2017. 
  63. ^ VietCapital Website
  64. ^ “Chuyện về một nữ doanh nhân trẻ nói ít, làm nhiều”. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngày 18 tháng 10 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010. 
  65. ^ Tường Vi (8 tháng 8 năm 2013). “Bà Nguyễn Thanh Phượng bán vốn tại Quản lý quỹ Bản Việt”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. 
  66. ^ “Con rể thủ tướng làm "bầu" bóng rổ”. BBC. Ngày 27 tháng 9 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2017. 
  67. ^ Đại hội 12: Báo phương Tây 'vào cuộc' - BBC Tiếng Việt
  68. ^ Phương Thảo (ngày 22 tháng 10 năm 2015). “Ông Nguyễn Minh Triết: 'Phải rèn luyện để xứng đáng truyền thống gia đình'”. Vnexpress. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2017. 
  69. ^ “Ông Nguyễn Minh Triết vào BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định”. Vietnamnet. Ngày 31 tháng 12 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2017. 
  70. ^ A. Tú (ngày 31 tháng 12 năm 2014). “Ông Nguyễn Minh Triết vào BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định”. Người Lao động. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2016. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015. 
  71. ^ “Con trai Thủ tướng Dũng sắp cưới Á hậu”. VOA. Ngày 1 tháng 4 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2016. 
  72. ^ Hoài Văn/ Tiền Phong (ngày 9 tháng 4 năm 2016). “Ông Nguyễn Minh Triết làm Trưởng ban Thanh niên trường học”. Zing. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2016. 
  73. ^ Thy Thy (ngày 11 tháng 3 năm 2016). “Vẻ đẹp trong sáng của á hậu Đồng Thanh Vy”. Zing. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2016. 

(Nguồn: Wikipedia)