Định Vương
定王
Chúa Nguyễn (chi tiết...)
Nguyễn Vương
Tại vị 1765 - 1776
Tiền nhiệm Nguyễn Phúc Khoát
Kế nhiệm Nguyễn Phúc Dương
Thông tin chung
Tên húy Nguyễn Phúc Thuần (阮福淳)
Tước hiệu Định Vương (定王)
Thụy hiệu Hiếu Định Hoàng Đế
Miếu hiệu Duệ Tông
Gia tộc Họ Nguyễn
Thân phụ Nguyễn Phúc Khoát
Thân mẫu Nguyễn Phúc Ngọc Cầu
Sinh 31 tháng 12 năm 1754
Mất 18 tháng 10, 1777 (22 tuổi)
Đàng Trong, Đại Việt

Nguyễn Phúc Thuần (chữ Hán: 定王 阮福淳; 1754 - 1776, ở ngôi 1765 - 1776) là Chúa Nguyễn thứ 9 trong lịch sử Việt Nam, quê gốc ở Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam.

Thân thế

Nguyễn Phúc Thuần còn có tên húy là Hân, sinh ngày 18 tháng 11 năm Giáp Tuất (31 tháng 12 năm 1754), là con thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát, mẹ là Nguyễn Thị Ngọc Cầu sinh được hai trai, Phúc Thuần là thứ hai. Công nữ Nguyễn Thị Ngọc Cầu sinh năm 1734, là con gái của Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền (em ruột của chúa Ninh vương Nguyễn Phúc Chú, cha của Võ vương). Biết Vương Nguyễn Phúc Khoát là người hiếu sắc, Trương Phúc Loan tìm cách tạo điều kiện cho Ngọc Cầu thường xuyên ra vào trong Vương phủ và gần gũi với Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ở điện Trường Lạc.  Kết quả của những lần gần gũi đó là bà Ngọc Cầu đã sinh hai công tử Nguyễn Phúc Diệu (1753) và Nguyễn Phúc Thuần (1754). Võ vương càng say mê đến nỗi không thiết lâm triều, phó mặc việc nước cho Trương Phúc Loan, bất chấp cả lời can gián của các triều thần.

Mùng 3 Tết Ất Mùi (1775), quân Trịnh chiếm thành Phú Xuân và tức tốc phái toán lính tiếp tục truy kích về hướng nam. Định vương nhanh chân vuột thoát, bỏ mẹ và thân quyến lại. Theo sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn khẳng định: “Ngày 15 tháng 4 [Ất Mùi], [quân Trịnh] bắt được mẹ và vợ Phúc Thuần cùng đồ đảng và binh khí rất nhiều. (…) Phúc Thuần đã từ tháng 2 mưu vào Gia Định, bỏ mẹ và vợ”. (trang 75 – 76).

Ngọc Cầu bị quân Trịnh giải về Phú Xuân rồi phóng thích. Nhằm bảo toàn sinh mệnh, bà quay lại phủ đệ cũ ở ấp Nhứt Tây thuộc làng An Cựu, thiết bàn thờ Phật và xuống tóc, khoác nâu sòng, thỉnh chuông gõ mõ tụng kinh sớm hôm cho qua ngày đoạn tháng. Tục truyền rằng tại đây, ngoài một thế nữ hầu cận, chỉ mình bà Ngọc Cầu tu tập. Phủ đệ ấy được bà sửa sang và đặt tên chữ Hán là Phước Thành tự. Dân chúng quanh vùng quen gọi chùa Bà Sư. Cuốn Danh lam xứ Huế của nhiều soạn giả (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1993, trang 239) viết về người sáng lập chùa Phước Thành: “Khi thọ giới, bà có pháp danh là Tổ Bửu. Danh hiệu đó cho phép đoán định bà thuộc đời 36 dòng Lâm Tế chánh tông, hệ phái Quốc Ân (…). Thế thứ của bà tương ứng với Hòa thượng Tổ Ấn Mật Hoằng”.

Ngày 2 tháng 6 Giáp Tý (8-7-1804), bà Ngọc Cầu trút hơi thở cuối lúc 70 tuổi. Tháp mộ bà được xây trong vườn chùa Phước Thành. Văn bia hiện còn đề rõ: Thọ sa di ni thập giới, tôn thượng Huệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư, hiệu Thiệu Long giáo chủ chi tháp (Tháp của bà vãi đã thọ 10 giới sa di, được tôn phong Huệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư, hiệu là Thiệu Long giáo chủ).

Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, Trương Phúc Loan đã dùng nhiều cách dẫn dụ chúa Nguyễn Phúc Khoát vào con đường tửu sắc, bỏ bê việc nước hòng âm mưu chiếm đoạt quyền lực sau này.

Nguyễn Phúc tộc thế phả của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 174) thừa nhận: “Trong những năm về sau, mãi sống trong cảnh thanh bình, xa hoa, ngài [Võ vương] đâm ra say mê tửu sắc, không thiết tha việc nước, xa rời nhiệm vụ của bậc đế vương. Thêm vào đó, để dễ dàng trong việc tiếm quyền, Trương Phúc Loan [cậu ruột của Võ vương] đã khuyến dụ ngài đi vào con đường nữ sắc. Một cung phi rất được ngài sủng ái là Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu, con của Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền. Đây chính là mầm mống gây cảnh điêu tàn cho triều đại sau này”.

Mặc dù được Trương Phúc Loan che chở nhưng Võ Vương không thoát khỏi mặc cảm loạn luân. Công tử  Nguyễn Phúc Diệu mất sớm, Công tử Nguyễn Phúc Thuần được Võ Vương cho nuôi nấng một cách lén lút ở hậu cung và dĩ nhiên Thuần không được lập làm kế tử như mong muốn của Ngọc Cầu, vì việc lập kế tử đã được chọn lựa và đã quyết định rồi.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát lúc đầu lập công tử thứ 9 là Hiệu làm Thái hoàng tử nhưng Hiệu mất sớm, con trai là Hoàng tôn Dương khi đó còn thơ ấu mà hoàng tử cả là Chương cũng đã mất. Hoàng tử thứ hai cũng rất khôi ngô, tên là Nguyễn Phúc Luân.

Khi hoàng tử Nguyễn Phúc Hậu chết non, Ngọc Cầu không bỏ lỡ cơ hội và ra sức dỗ dành Võ vương cho con mình kế vị. Các quan trong triều biết được âm mưu của Ngọc Cầu, nên đã ra sức can ngăn Võ vương không nên lập chúa bé.

Do đó, Võ vương không dám nghe theo lời của Ngọc Cầu và định lập con của Trương Thái phi là Nguyễn Phúc Côn (Luân) làm thái tử, rồi chỉ định 2 viên quan nổi tiếng thanh liêm là Thái phó Y đức hầu Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỳ chuyên lo giáo huấn cho hoàng tử Nguyễn Phúc Côn.

Thấy tình hình như vậy, Ngọc Cầu lo lắng và bàn với Trương Phúc Loan tìm cách đối phó. Tháng 7 năm 1765 (tức tháng 5 năm Ất Dậu), chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, để lại di chiếu nhường ngôi cho công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân (Côn) năm ấy 33 tuổi.

Tuy nhiên, do biết Phúc Luân là người thông minh, quyết đoán khó lấn quyền được nên Trương Phúc Loan đã âm mưu cùng Ngọc Cầu không chịu phát tang và lập tức cho gọi 100 võ sĩ nấp sẵn trong vương phủ. Sau đó lại cho gọi Thái phó Y Đức hầu Trương Văn Hạnh vào bàn việc. Trương Phúc Loan ra tiếp và ném cây đèn xuống giường làm hiệu, ngay lúc đó các vệ sĩ xông ra giết chết Y Đức, bắt giam Nguyễn Phúc Luân và tôn Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa, xưng hiệu là Định vương.

Cũng trong năm đó, Nguyễn Phúc Luân lâm bệnh nặng rồi mất trong ngục vào ngày 24 tháng 10 năm 1765 khi mới 33 tuổi, đến thời Minh Mạng được truy tôn là Hưng Tổ1 . Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục: "Phúc-Thuần mới 12 tuổi nối ngôi, tự hiệu là Khánh-san, Phú đạo nhân, lại có một tên riêng nữa là Phúc-Hân, tính còn trẻ con, thích đùa bỡn hát múa, có bệnh không thể gần đàn bà, bắt phường hát trẻ tuổi cùng với cung thiếp dâm loạn làm trò vui".

Quyền thần Trương Phúc Loan

Nhà Nguyễn đến thời kì suy vong do bị nạn quyền thần lấn lướt, Phúc Thuần nhỏ tuổi, lại bị bất ngờ đưa lên ngôi, trở nên bỡ ngỡ trên ngai vàng. Mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan thao túng. Loan tự nhận là Quốc phó, giữ Bộ Hộ, quản cơ Trung tượng kiêm Tàu vụ. Thực tế người này thâu tóm mọi quyền lực về chính trị và kinh tế. Thuế sản vật các mỏ vàng Thu Bồn, Đồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân... đều rơi vào tay Loan, hàng năm Loan chỉ nộp vào ngân sách quốc gia 1-2 phần mười số thu được. Sử sách còn ghi lại rằng ngày nắng, Loan cho phơi của cải châu báu ra sân làm sáng rực cả một góc trời. Cả nhà họ Trương chia nhau nắm giữ mọi chức vụ chủ chốt. Người bấy giờ gọi là Trương Tần Cối.

Cùng lúc đó, Lại bộ thượng thư Nguyễn Cư Trinh, trụ cột của triều Nguyễn qua đời (tháng 5 năm 1767). Họ Trương không còn ai ngăn trở, càng ra sức lộng hành: bán quan tước, ăn tiền tha tội, hình phạt phiền nhiễu, thuế má nặng nề, nhân dân cực khổ. Những người có tài như Tôn Thất Dục bị Loan tìm cách hãm hại. Tài chính vô cùng kiệt quệ.

Khởi nghĩa Tây Sơn

Ở Quy Nhơn, nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc, Nguyễn HuệNguyễn Lữ cầm đầu thanh thế ngày càng lớn mạnh vì được dân chúng ủng hộ. Đến tháng 9 năm Giáp Ngọ (1774), Trịnh đem quân vào đánh Nguyễn. Cả hai phía Tây Sơn và chúa Trịnh đều nêu khẩu hiệu trừ Trương Phúc Loan, lập Hoàng tôn Dương. Chiến tranh loạn lạc xảy ra, đất Thuận Hoá vốn trù phú mà thành ra xơ xác, ngoài đường nhiều người chết đói.

Trước tình cảnh đó, tôn thất nhà Nguyễn bắt trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh. Đến tháng 12 năm 1774, quân Trịnh chiếm được Phú Xuân, đặt quan cai trị Thuận Hoá. Nguyễn Phúc Thuần mang các tông tộc vượt biển, qua địa bàn kiểm soát của Tây Sơn để chạy vào Nam Bộ.

Tây Sơn cũng hòa hoãn với quân Trịnh để tập trung đánh Nguyễn ở phía Nam. Đại quân Tây Sơn cả thủy bộ đánh vào Gia Định nhiều lần, chủ yếu dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ. Định Vương bị bắt trong trận đánh tháng 9 năm Đinh Dậu (1777) với quân Tây Sơn tại Long Xuyên (nay là Cà Mau) và bị Tây Sơn giết chết. Định Vương chết khi mới 23 tuổi, chưa có con trai nối dõi, mà chỉ có một Hoàng nữ là Nguyễn Phúc Ngọc Thục.

Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Duệ Tông, thụy là Thông Minh Khoan Hậu Anh Mẫn Huệ Hòa Hiếu Định hoàng đế.

Chú thích

  1. ^ Luân là cha Nguyễn Ánh

Xem thêm

(Nguồn: Wikipedia)