Tân Chính Vương 新政王 | |
---|---|
Chúa Nguyễn (chi tiết...) | |
Nguyễn Vương | |
Tại vị | 1776 - 1777 |
Đồng trị vì | Nguyễn Phúc Thuần |
Kế nhiệm | Nguyễn Phúc Ánh |
Thông tin chung | |
Tên húy | Nguyễn Phúc Dương (阮福暘) |
Thụy hiệu | Cung Mẫn Anh Đoán Huyền Mặc Vĩ Văn Mục Vương (恭敏英斷玄默偉文穆王) |
Gia tộc | Họ Nguyễn |
Thân phụ | Nguyễn Phúc Hạo |
Mất | 1777 Đàng Trong, Đại Việt |
Nguyễn Phúc Dương (chữ Hán: 阮福暘; ?- 1777) là vị Chúa Nguyễn thứ 10 của Đàng Trong - vùng phía nam lãnh thổ nước Đại Việt chia cắt trong 2 thế kỷ.
Thân thế
Nguyễn Phúc Dương là con Thế tử Nguyễn Phúc Hạo, cháu nội của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, là em con chú của Nguyễn Phúc Ánh.
Nguyên cha Nguyễn Phúc Dương là Nguyễn Phúc Hiệu được chúa Nguyễn Phúc Khoát lập làm đông cung nhưng do Phúc Hiệu mất sớm, Phúc Dương khi ấy còn bé nên Nguyễn Phúc Khoát không lập, muốn lấy con lớn nhất là Nguyễn Phúc Luân làm thế tử. Sau khi Nguyễn Phúc Khoát mất, quyền thần Trương Phúc Loan giam Phúc Luân, lập Nguyễn Phúc Thuần làm chúa.
Cuộc đời
Năm 1773, quân nổi dậy Nguyễn Nhạc đánh chiếm Quy Nhơn. Đầu năm 1775, quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy tiến vào đánh chiếm Phú Xuân. Nguyễn Phúc Dương theo chú là Định vương Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam. Nguyễn Phúc Chất tâu với Định vương lập ông làm Đông cung thế tử để mưu đồ việc khôi phục và chống lại quân của Hoàng Ngũ Phúc. Mấy tháng sau đó, quân Tây Sơn từ Quy Nhơn kéo ra đánh lấy Quảng Nam, quân chúa Nguyễn đánh không nổi, thua trận rồi lui về đóng ở Trà Sơn. Liệu chống giữ không được, Nguyễn Phúc Thuần cùng người cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy về Gia Định, trong khi Đông cung Dương được lệnh ở lại trông coi Quảng Nam. Ông đóng ở làng Câu Để, thuộc huyện Hòa Vinh.1
Biết ông yếu thế, quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy muốn bắt ông để mượn tiếng sai bảo mọi người, nên đem quân tấn công. Ông bị Nguyễn Nhạc bắt đem về Hội An. Tống Phúc Hạp dẫn quân từ Gia Định lấy lại Phú Yên liền sai người đến đòi lại ông. Nguyễn Nhạc phải đưa ông về An Thái. Nguyễn Nhạc lại muốn mượn tiếng ông để thu phục nhân tâm nên đưa về Bồng Giang và gả con gái là Thọ Hương cho ông, và khoản đãi một cách tôn kính. Ông Nhạc còn giả vờ lấy nghĩa phù lập Đông cung Dương để trá hàng, tướng Hạp không phòng bị nên bị đánh bại phải chạy về Vân Phong.
Năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nhạc thấy thế lực mình mỗi ngày mỗi mạnh nên tự xưng là Tây Sơn vương, đưa Nguyễn Phúc Dương về chùa Thập Tháp. Nhưng mùa đông năm đó ông lén trốn về Gia Định. tại đây hai tướng Đỗ Thanh Nhân và Lý Tài đang tranh chấp với nhau, Phúc Dương khuyên Lý Tài rút quân về. Nhờ Lý Tài (là một người Hoa trước đây bỏ Nguyễn Nhạc, theo gíúp Tống Phúc Hạp), Nguyễn Phúc Dương được lập làm Tân Chính vương, rồi tôn Định vương Nguyễn Phúc Thuần làm Thái thượng vương.
Sau Lý Tài bị Tây Sơn đánh bại rồi bị Đỗ Thanh Nhơn giết, ông cùng Nguyễn Phúc Dương được Trương Phúc Thận cứu, hai bên chia lãnh thổ làm hai, lấy sông Tranh làm ranh giới cùng chống Tây Sơn.
Năm Đinh Dậu (1777) Nguyễn Lữ dẫn quân Tây Sơn đánh Sài Côn, ông bị thua phải lui về giữ Tranh Giang (nay thuộc Tiền Giang).
Nguyễn Phúc Dương thấy quân ít, thiếu lương định chạy vào Bình Thuận hợp binh với Châu Văn Tiếp nhưng chưa thành thì Tây Sơn tấn công Ba Việt. Thấy không thể chống cự được, ông hứa với Nguyễn Lữ là sẽ nạp mình nếu quân và dân trong đồn không bị thảm sát. Nguyễn Lữ bằng lòng, nhưng ngay năm đó ông và 18 người đi theo đều bị giải về Gia Định và bị sát hại. Những người dòng họ chúa Nguyễn bị bắt cũng đều bị Tây Sơn thảm sát, trừ Nguyễn Phúc Ánh. Ngoài ra, cũng vì Lý Tài đã giúp đỡ chúa Nguyễn Phúc Dương mà quân Tây Sơn cũng giết chết nhiều người Hoa ở cù lao Phố và Gia Định.
Ban đầu, Nguyễn Phúc Dương được ban thụy là Hiếu Huệ vương thờ tại Thái Miếu ở Gia Định. Năm Giáp Tý (1804) vua Gia Long cải thụy là Cung Mẫn Anh Đoán Huyền Mặc Vĩ Văn Mục Vương(恭敏英斷玄默偉文穆王).
Chú thích
- ^ Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tr.145.
(Nguồn: Wikipedia)