Lê Văn Thịnh
Le Van Thinh.JPG
Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong đền thờ tại quê nhà (Bắc Ninh). (Bài vị phía sau ghi là Lê Thái sư Đại vương)
Thái sư nhà Lý
Tại vị 1085-1095
Tiền nhiệm Lý Đạo Thành
Trạng nguyên Việt Nam
Tại vị 1075-?
Tiền nhiệm Không có Trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam
Kế nhiệm Mạc Hiển Tích
Thông tin chung
Thụy hiệu Lê Thái sư Đại vương
Sinh ?
thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình,tỉnh Bắc Ninh
Mất ?
Phú Thọ
Tôn giáo Nho giáo

Lê Văn Thịnh (chữ Hán: 黎文盛, 11-2-1050 - ?1 ), là người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam, được bổ làm quan, dần trải đến chức Thái sư triều Lý. Năm 1084, ông thành công trong việc bàn nghị về việc cương giới với quan nhà Tống, khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động 2 thuộc châu Quảng Nguyên, cho Đại Việt (nay là Việt Nam). Tuy nhiên đến năm 1096 thì ông bị đày rồi mất, sau khi xảy ra "Vụ án hồ Dâm Đàm" (1095).

Tiểu sử

Lê Văn Thịnh là người làng Đông Cứu, nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 2 năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường 3 , Lê Văn Thịnh dự thi và đã đỗ đầu 4 .

Ban đầu, ông được vào hầu vua học5 , sau trải thăng chức Nội cấp sự, rồi Thị lang bộ binh vào năm Bính Thìn (1076)6 .

Tháng 6 năm Giáp Tý (1084), ông được cử đi đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để bàn nghị về việc cương giới với Chánh sứ nhà Tống là Thành Trạc. Sau khi đã "phân giải mọi lẽ"7 , nhà Tống chấp thuận trả lại cho Đại Việt (Việt Nam ngày nay) 6 huyện 3 động 8 thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng) mà họ đã chiếm trước đây, và cho thông sứ như cũ. Tiếc của, vì nghe đâu nơi ấy có vàng, người Tống có thơ rằng:

Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khướt thất Quảng Nguyên kim
Nghĩa là:
Vì tham voi Giao Chỉ
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên 9 .

Theo sử liệu, thì trong dịp này, Lê Văn Thịnh còn được vua Tống ban chức Long đồ các Đãi chế10 , và sau đó được vua Lý Nhân Tông cất lên làm Thái sư vào năm Ất Sửu (1085)8 .

Cống hiến cho nhà Lý thêm 10 năm thì xảy ra "vụ án hồ Dâm Đàm" vào năm Ất Hợi (1095). Sau đó (1096), ông bị đày đi Thao Giang (thuộc Tam Nông, Vĩnh Phú ngày nay).

Lê Văn Thịnh mất năm nào không rõ.

Vụ án hồ Dâm Đàm

Tượng xà thần tự cắn chính đuôi mình được đặt ở đền thờ Lê Văn Thịnh thể hiện nỗi oan khuất của ông. Hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia

Sách Đại Việt sử lược ra đời vào thời Trần 11 , kể lại vụ án như sau:

"Mùa đông, tháng 11, năm Ất Hợi (1095), nhà vua (Lý Nhân Tông) xem đánh cá ở Diêu Đàm (hay Dâm Đàm, nay là Hồ Tây, Hà Nội). Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang. Trước kia, trong nhà Lê văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại lý (tức Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản"12 .

Sau đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư ra đời vào thời Hậu Lê, kể lại vụ án như sau:

"Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua (Lý Nhân Tông) ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận 13 quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch14 .

So lại, nội dung vụ án khá giống nhau, tuy nhiên về sau rõ ràng có sự thêm thắt (rất hoang đường) khi cho rằng Lê Văn Thịnh đã "hóa hổ" để mưu sát. Vụ án trên, lâu nay người ta đã bàn nhiều, có người nói vì ông bị nghị kỵ, nên bị hạ bệ 15 ; có người nói ông là nạn nhân bởi "sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo (Quốc giáo, mà người đứng đầu là Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông) và Nho giáo (mà đứng đầu là ông)16 v.v...Tuy chưa thống nhất được nguyên nhân, nhưng có một điểm chung là Thái sư Lê Văn Thịnh đã bị hàm oan.

Hiện quê hương của Lê Văn Thịnh, có hai khu di tích lập ra để thờ ông (ở Thuận Thành và Gia Bình), và khu lăng mộ của ông cũng đã được trùng tu nhiều lần.

Sách tham khảo

  • Khuyết danh, Đại Việt sử lược. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
  • Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập I và II). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.
  • Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
  • Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

Chú thích

  1. ^ Theo bản cảo của Hàn lâm Lễ Viện sĩ Đông Các điện, Đại học sĩ Lê Tung soạn tháng 1 năm Hồng Đức thứ nhất (1470)
  2. ^ Theo Đại Việt sử lược (tr. 294).
  3. ^ Chép đúng Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch, quyển I, tr. 290).
  4. ^ Đời Lý chỉ mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Sang triều Trần, trước năm 1247, chỉ mở khoa thi Thái học sinh và phân định cao thấp (đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp); đến năm này (1247), mới định lệ thi Tiến sĩ, cứ 7 năm (mở) 1 khoa, và đặt danh tam khôi...Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch, quyển 2, tr. 19) chép: "Tháng 2 năm Đinh Mùi (1247), mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa...Trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239), chỉ chia làm giáp, ấp, chưa có chọn tam khôi. Đến khoa này mới đặt. Theo đây, Nguyễn Hiền chính là người đầu tiên nhận danh hiệu Trạng nguyên, còn Lê Văn Thịnh chỉ là người "đỗ đầu" trong khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam mà thôi. Xem thêm "Những khoa thi trong thời nhà Lý": [1].
  5. ^ Theo Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch, quyển I, tr. 290).
  6. ^ Theo Đại Việt sử lược (tr. 166).
  7. ^ Theo Việt Nam sử lược, tr.109.
  8. ^ a ă Theo Đại Việt sử lược (tr. 294).
  9. ^ Theo Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch, quyển I), tr. 294.
  10. ^ Theo Đại Việt sử lược, tr 169.
  11. ^ Tính đến nay, Đại Việt sử lược là bộ sử biên niên thuộc hàng sớm nhất Việt Nam.
  12. ^ Trích trong Đại Việt sử lược, tr. 174.
  13. ^ Mục Thận (? - ?) lúc bấy giờ làm nghề chài lưới. Sau Vụ án hồ Dâm Đàm, ông được phong hàm Đô úy và được ban đất ở vùng Dâm Đàm làm thực ấp. Khi ông mất được dân chúng lập đền thờ, và còn được truy tặng là Thái úy, thụy Trung Duệ, tước Võ Lượng công (theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 447).
  14. ^ Trích trong Đại Việt sử ký toàn thư (quyển I), tr. 297.
  15. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 395.
  16. ^ Xem chi tiết ở đây: [2].

(Nguồn: Wikipedia)