Lê Gia Tông
黎嘉宗
Vua Việt Nam (chi tiết...)
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì 1671 - 1675
Tiền nhiệm Lê Huyền Tông
Kế nhiệm Lê Hy Tông
Thông tin chung
Tên thật
Niên hiệu
  • Dương Đức (陽德: 1672 - 1674)
  • Đức Nguyên (德元: 1674 - 1675)
Thụy hiệu Mỹ Hoàng đế
Miếu hiệu Gia Tông (嘉宗)
Triều đại Nhà Lê trung hưng
Thân phụ Lê Thần Tông
Thân mẫu Lê Thị Ngọc Hoàn
Sinh 1661
Mất 1675 (13–14 tuổi)
Đông Kinh, Đại Việt
An táng Lăng Phúc An

Lê Gia Tông (chữ Hán: 黎嘉宗; 1661-1675), tên húy là Lê Duy Cối (黎維禬, 黎維?)1 là vị hoàng đế thứ 9 của nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam (sau Lê Huyền Tông và trước Lê Hy Tông), lên ngôi ngày 19 tháng 11 năm Tân Hợi (1671) khi mới 10 tuổi. Đến ngày 3 tháng 4 năm Ất Mão (1675) vua bị bệnh mất.

Vua yểu mạng

Lê Duy Cối (có sách chép là Lê Duy Khoái2 ) là con trai thứ của vua Lê Thần Tông. Trước đó, khi Thần Tông qua đời (năm 1662), Duy Cối mới lên 2 tuổi, được vương Trịnh Tạc và chính phi Trịnh Thị Ngọc Lung đón về nuôi trong phủ nhà chúa, dạy bảo hun đúc, giúp cho nên đức tính. Khi anh trai Duy Cối là Lê Huyền Tông qua đời mà không có con trai nối dõi, Trịnh Tạc bèn xuống chiếu cho Tiết chế phủ và các quan văn, võ lập Duy Cối lên ngôi hoàng đế Lê Gia Tông khi ông mới 11 tuổi. Lễ đăng quang của vua diễn ra vào ngày 19 tháng 11 năm Tân Hợi (1671), lấy niên hệu là Dương Đức, phong vợ của Trịnh Tạc là Ngọc Lung làm Quốc thái mẫu.

Vào năm Giáp Dần (1674), vua phong mẹ đẻ là Lê Thị Ngọc Hoàn (người xã Phúc Lộc, huyện Thụy Nguyên, Thanh Hóa) làm Chiêu Nghi.

Lê Gia Tông có diện mạo khôi ngô, thân hình vạm vỡ, được đánh giá là người có tính khoan hòa, là một vị vua độ lượng.

Ông trị vì được 4 năm, rồi mất sớm ở tuổi 15 mà không có con trai nối dõi. Ông được chôn tại lăng Phúc An (xã Phúc Lộc, huyện Thụy Nguyên).

Trịnh Tạc lập em út của ông là Lê Duy Hiệp lên nối ngôi, tức là Lê Hy Tông.

Niên hiệu

Các niên hiệu của Lê Gia Tông là:

  • Dương Đức (1672 đến 9/1674)
  • Đức Nguyên (10/1674 đến 1675).

Xem thêm

Tham khảo

  • Đại Việt sử ký toàn thư
  • Khâm định Việt sử thông giám cương mục
  • Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2001), Các Triều đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên

Ghi chú

  1. ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ tục biên 19
  2. ^ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, chính biên quyển thứ 33

(Nguồn: Wikipedia)