Phế Đế
Tên húy là Hiện, con trưởng của Duệ Tông, mẹ là bà Gia Từ hoàng hậu Lê thị, sinh ngày mồng 6 tháng 3, năm Đại Trị thứ 4, Tân Sửu (1361), đến khi Duệ Tông đi đánh phương Nam rồi mất, được Nghệ Tông lập nên làm vua. Sau bị giáng làm Linh Đức Vương, rồi bị thắt cổ chết. Ở ngôi 12 năm, thọ 28 tuổi, chôn ở núi An Bài.
Vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới1142, xã tắc lung lay, đến thân mình cũng không giữ được. Thương thay!
Mậu Ngọ, Xương Phù năm thứ 2 [1378], (Minh Hồng Vũ năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, tuyển chọn vệ sĩ. [Lấy] Trần Tông Ngoạn quản quân Thiên Đinh; Trần Trung Hiếu coi quân Bảo Tiệp; Trần Thế Đăng coi quân Thần Dực; Bùi Bá Ngang coi quân Thần Sách; Bùi Hấp coi quân Thiên Uy; Hoàng Phụng Thế coi quân Thánh Dực; Lê Mật Ôn coi quân Hoa Ngạch; Đỗ Dã Ca coi quân Thị Vệ; Nguyễn Tiểu Luật [1b] coi quân Thiên Trường; Trần Na coi quân Long Tiệp; Nguyễn Kim Ngao coi quân Thần Vũ.
Tháng 3, lấy ngày sinh làm tiết Quang Thiên.
Xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí và thuyền chiến.
Mùa hạ, tháng 5, ngày mồng 5, người Chiêm đưa Ngự Câu Vương Húc đã đầu hàng đến cướp phủ Nghệ An, tiếm xưng vị hiệu đề chiêu dụ dân chúng, nhiều người theo lệnh của bọn ngụy.
Tháng 6, giặc đánh vào sông Đại Hoàng1 Vua sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đi chống giữ. Quan quân tan vỡ. Giặc liền đánh vào kinh sư, bắt người cướp của rồi rút về. An phủ sứ Lê Giốc bị giặc bắt. Giặc buộc Giốc phải lạy, Giốc trả lời chúng:
"Ta là quan của nước lớn, sao phải lạy chúng mày!".
Giặc nổi giận, giết ông. Giốc luôn miệng chửi chúng. Việc này tâu lên, Giốc được truy phong là Mạ Tặc Trung Vũ hầư2 , cho con ông là Nhuế làm Chánh chưởng bốn cục Cận thị chi hậu, Giốc là con của cố Nhập nội hành khiển thượng thư hữu bật Lê Quát.
[2a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Bỏ sống đễ giữ nghĩa còn hơn là sống; cầu sống mà nhục, người quân tử không làm. Kinh dịch nói: Người quân tử thà hy sinh tính mạng để thực hiện chí hướng của mình3 . Giốc là người như vậy.
Mùa thu, tháng 7, nước lớn.
Đỗ Tử Bình kiến nghị thu mỗi hộ đinh nam 3 quan tiền. Vua nghe theo. Bấy giờ đương có việc dùng binh mà kho tàng trống rỗng, nên Tử Bình có kiến nghị này.
Theo lệ cũ, các trấn hễ có việc binh thì lệnh cho mỗi huyện có bao nhiêu ruộng thì phải nộp bao nhiêu vàng, bạc, tiền, lụa, không tính thêm theo số nhân đinh4 sinh ra, cũng không trừ bớt theo số người đã chết. Nếu phục dịch việc binh, thì đều thu bổ theo số ruộng cả. Các lộ có đơn binh5 , là phải phục dịch việc binh, [những người này] đời đời làm [2b] lính, không được ra làm quan. Người nào có ruộng, bãi dâu, đầm cá thì phải đóng thuế, không có thì thôi. Đến đây, Tử Bình bắt chước phép đánh thuế dung6 của nhà Đường, thuế má lại nặng thêm.
Mùa đông, tháng 10, lựa chọn những người khoẻ mạnh, dũng cảm, thông hiểu võ nghệ trong vệ quân sung làm vệ sĩ.
Lấy Nguyễn Bát Sách, người cùng một vú nuôi với nhà vua quản lĩnh quân Thiếu Sang; Nguyễn Văn Nhi quản lĩnh quân Thiết Sang; Nguyễn Văn Nhi quản lĩnh quân Thiết Giáp; Nguyễn Hổ, Lê Lặc quản lĩnh quân Thiết Liêm; Nguyễn Thánh Du quản lĩnh quân Thiết Hổ; Trần Quốc Hưng quản lĩnh quân Ô Đồ.
Năm nay, con của Thượng hoàng là Ngung sinh (tức là Thuận Tông).
Kỷ Mùi, [Xương Phù] năm thứ 3 [1379], (Minh Hồng Vũ năm thứ 12). Mùa xuân, tháng 2, Lê Quý Ly làm Tiểu tư không kiêm Hành khu mật đại sứ như cũ.
Quý Ly tiến cử Nguyễn Đa Phương làm tướng quân. Đa Phương là con của Sư Tề. Quý Ly hồi nhỏ theo học Sư Tề, Sư Tề dạy cho võ [3a] nghệ, nhân đó nhận Đa Phương làm em. Đa Phương từng bị Chiêm Thành bắt, sau đó trốn về. Đến đây, Quý Ly tiến cử ông ta. Lại có chủ thư thị ngự sử Phạm Cự Luận giỏi bày mưu tính kế, Quý Ly tiến cử làm quyền đô sự. Người bấy giờ bảo Quý Ly có "phương viên tá lự7 .
Mùa hạ, hạn hán, đói to.
Mùa thu, tháng 8, Nguyễn Bồ, ngưi lộ Bắc Giang tự xưng là Đưởng lang tử y, dùng pháp thuật, tiếm hiệu xưng vương làm loạn, bị giết.
Tháng 9, sai quân dân chở tiền đồng giấu vào núi Thiên Kiện1150(núi Thiên Kiện trước gọi là núi Địa Cận, tục truyền có cây tùng cổ, rồng quấn ở trên, Trần Thái Tông dựng hành cung ở đó).
Mùa đông, tháng 10, giấu [tiền] ở khám8 Khả Lãng, Lạng Sơn, là vì sợ nạn người Chiêm đốt cung điện.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thiên tử có cả bốn biển, kho tàng phủ khố đâu chẳng phải là [3b] của mình? Đương khi nước nhà nhàn hạ thì làm tỏ chính hình, sửa sang lễ nghĩa, ví như con chim đi lấy rễ dâu ràng buộc cửa tổ9 , thì ai làm nhục mình được? Thế mà sợ tai nạn Chiêm Thành đốt cướp, đem chở tiền của giấu tận hang cùng núi thẳm, làm kế tránh giặc, thực là nhử giặc đến, chuốc lấy tiếng chê cười của đời sau. Có thể coi là cả nước không còn người nữa vậy!.
Hữu tướng quốc Cung Tín Vương Thiên Trạch mất.
Canh Thân, [Xương Phù] năm thứ 4 [1380], (Minh Hồng Vũ năm thứ 13). Mùa xuân, tháng 2, người Chiêm xúi giục người Tân Bình, Thuận Hóa ra cướp Nghệ An, Diễn Châu, cướp của bắt người.
Tháng 3, [Chiêm Thành lại] cướp các nơi ở Thanh Hóa. Thượng hoàng sai Lê Quý Ly chỉ huy quân thủy, Đỗ Tử Bình chỉ huy quân bộ đi chống giữ. Đến Ngu [4a] Giang1153, đóng cọc ở giữa sông cầm cự với người Chiêm.
Mùa hạ, tháng 5, Quý Ly dẫn viên tướng chỉ huy quân Thần Vũ và Nguyễn Kim Ngao và tướng chỉ huy quân Thị vệ là Đỗ Dã Kha ra đánh. Kim Ngao quay thuyền trở lại để tránh mũi nhọn của giặc. Quý Ly chém Ngao để rao trong quân. Các quân nổi trống hò reo mà tiến. Chúa Chiêm Chế Bồng Nga thua trận rút chạỵ Tử Bình từ đó cáo ốm, không giữ binh quyền nữa. Chỉ còn Quý Ly chuyên lãnh chức Nguyên nhung hành Hải Tây đô thống chế10 .
Mùa đông, tháng 11, lấy Đỗ Tử Bình làm Nhập nội hành khiển tả tham tri chính sự, lĩnh chức Ki sứ Lạng Giang, được vài năm thì chết, được truy tặng Thiếu bảo, và được tòng tự ở Văn Miếu.
Phan Phu Tiên nói: Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, thế là để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu An [4b], Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình được dự vào đó, thì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật, An sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết, không cầu hiển đạt, thì cũng tạm được. Đến như Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được len vào chổ đó?
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tử Bình lén đánh cắp vàng cống của Bồng Nga, tậu bậy lừa vua, để đến nỗi Duệ Tông đi tuần phương nam không trở về nữa, nước nhà từ đó liên tiếp có tai họa Chiêm Thành vào cướp, tội ấy giết cũng chưa đáng, còn học nhảm chiều người thì chê trách làm gì?
Tân Dậu, [Xương Phù] năm thứ 5 [1381], (Minh Hồng Vũ năm thứ 14). Mùa xuân, tháng 2, thi thái học sinh.
Tháng 2, sai quốc sư Đại Than11 đốc suất tăng nhân trong nước và các tăng nhân không có độ điệp ở rừng núi, người nào khỏe mạnh thì tạm [5a] làm quân đi đánh Chiêm Thành.
Mùa hạ, tháng 4, chém Hồ Thuật người Diễn Châu, vì nhân giặc Chiêm Thành, Thuật rủ người đi cướp của.
Tháng 5, lấy Đào Sư Tích làm Nhập nội hành khiển hữu ly lang trung, Toàn Bân, cha Sư Tích, làm tri Thẩm hình viện sự.
Tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương1156, Thái Đường12 , Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh [nạn] người Chiêm Thành vào cướp.
Mùa thu, tháng 9, lấy Nguyễn Nhiên làm Nhập nội hành khiển hữu ty. Nhiên người Tiên Du. Trong năm Thiên Khánh13 làm Chi hậu nội nhân, biết Nhật Lễ định giết hại họ Trần, mật báo cho Thượng hoàng. Đến đây, Thượng hoàng nhớ công ấy, nên trao cho ông chức đó.
Mùa đông, tháng 10, hoàng hậu Gia Từ băng ở am Tây chùa Chiêu Khánh (nay là chùa Triệu Khánh) hương Long Đàm14 .
Vua dụ giết Quan phục hầu đại vương Húc.
[5b] Nhâm Tuất, [Xương Phù] năm thứ 6 [1382], (Minh Hồng Vũ năm thứ 15). Mùa xuân, tháng 2, Chiêm Thành vào cướp Thanh Hóa. [Vua] sai Quý Ly đem quân đi chống giữ. [Quý Ly] đóng quân ở núi Long Đại15 . Cho tướng coi quân Thần Khôi là Nguyễn Đa Phương giữ hàng cọc đóng ở [cửa] biển Thần Đầư16 .
Người Chiêm tiến đến bằng cả hai đường thủy bộ. [Quân giặc] ở trên núi lấy đá ném xuống, thuyền quân ta bị hỏng nhiều. Đa Phương không đợi lệnh của Quý Ly, tự ý cho mở hàng cọc xông ra đánh, một chốc thì thắng. Các quan thừa thắng tấn công. Chiêm Thành thua to, chạy tán loạn vào rừng núi. Quân ta vây núi ba ngày, giặc nhiều tên bị chết đói. Ta đốt hết thuyền bè của giặc, tàn quân giặc chạy trốn cả. Tháng 3, đuổi giặc đến thành Nghệ An rồi về.
Mùa hạ, tháng 4, tin thắng trận báo về, phong Nguyễn Đa Phương làm Kim ngô vệ tướng quân.
Mùa thu, tháng 7, nước to.
Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu cho quân dân Nghệ An, Diễn Châu đào các kênh ở Hải Tây.
[6a] Quý Hợi, [Xương Phù] năm thứ 7 [1383], (Minh Hồng Vũ năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng, sai Lê Quý Ly thống lĩnh thủy quân đi đánh Chiêm Thành.
Bấy giờ mới đóng xong các thuyền lớn có tên là Diễm Trị, Ngọc Đột, Nha Tiệp. Thuyền tới vùng biển Lại Bộ Nương17 và Ô Tôn18 bị sóng gió đánh hư hỏng. Dẫn quân về.
Mùa hạ, tháng 6, chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga cùng với thủ tướng La Ngai dẫn quân đi bộ theo chân núi, từ trấn Quảng Oai1164dò đưng đến đóng ở sách Khổng Mục. Kinh sư kinh động. Thượng hoàng sai tướng chỉ huy quân Hoa Ngạch là Lê Mật Ôn đem quân đi chống giữ.
Mật Ôn đến chân Tam Kỳ (nay là phủ Quảng Oai) định bày trận chống giữ. Nhưng giặc đã mai phục từ trước, quân voi đều xông ra, quan quân thua chạy, Mật Ôn bị giặc bắt sống.
Chiêm Thành từ đi Lê, Lý tới đây, quân lính hèn nhát, hễ quân ta đến là đem cả nhà chạy trốn hoặc họp nhau khóc lóc xin hàng. Đến Bồng Nga, La Ngai mới tập họp dân họ lại [6b], bảo ban dạy dỗ, thay đổi dần dần thói cũ, trở nên can đảm, hăng hái, chịu được gian khổ, nên thường hay sang cướp, trở thành tai họa của nước ta.
Nguyễn Đa Phương đôn đốc quân lính dựng rào trại ở kinh thành, ngày đêm phòng giữ. Thượng hoàng ngự sang sông Đông Ngàn để lánh giặc. Khi ấy có người học trò là Nguyễn Mộng Hoa để cả áo mũ lội xuống nước kéo thuyền ngự lại, xin [thượng hoàng] ở lại đánh giặc, nhưng (thượng hoàng) không nghe.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nghệ Tông thiếu can đảm. Giặc chưa tới đã lánh trước, thì người trong nước như thế nào? Mộng Hoa là một người học trò, còn biết giữ Nghệ Tông lại, những kẻ ăn thịt thực đáng khinh thay!14 .
Độc bạ Trần Công Niếu cưỡi ngựa tuần tra, giặc đuổi theo, đến địa hạt Cát Giang, bị ngăn cách con ngòi rộng đến một trượng. Ngựa nhảy qua ngòi thoát được, bèn đặt tên cho con ngựa là Tử Bất Tề.
[7a] Mùa đông, tháng 12, Chiêm Thành dẫn quân về. Thượng hoàng ở cung Bảo Hòa20 , sai Thiêm tri nội mật viện sự Nguyễn Mậu Tiên, Lễ bộ lang trung Phan Nghĩa và gia thần Vũ Hiếu hầu (không rõ tên) ở Tiên Du thay phiên nhau chầu chực. [Thượng hoàng] ban cho ăn và hỏi các việc cũ, ghi chép từng ngày, biên soạn thành 8 quyển, đầu đề là Bảo Hòa dư bút1167, sai Đào Sư Tích đề tựa ở đầu sách để dạy bảo Quan gia.
Giáp Tý, [Xương Phù] năm thứ 8 [1384], (Minh Hồng Vũ năm thứ 17). Mùa xuân, tháng 2, Thượng hoàng cho thi thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du1168, [lấy đỗ] bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh... 30 người.
Mùa hạ, tháng 5, chọn số thái học sinh còn lại cho làm thư sử ở cung Bảo Hòa.
Mùa thu, tháng 9, nhà Minh bắt đầu đánh Vân Nam, sai bọn Dương Bàn, Hứa Nguyên mang tờ tư của bộ Hộ sang đòi lương để cấp cho [7b] binh lính đóng ở Lâm An21
Mùa đông, tháng 11, sai Triều phụng đại phu Lê Á Phu, Thiếu trung đại phu Đỗ Tử Trừng trả lời rằng: Đã sai Hành khiển ty Trần Nghiêu Du đôn đốc Chuyển vận sứ ty các lộ vận chuyển lương thực tới địa đầu huyện Thủy Vĩ22 giao nộp rồi. Bấy giờ các quan sai đi, nhiều người nhiễm lam chướng mà chết.
Ất Sửu, [Xương Phù] năm thứ 9 [1358], (Minh Hồng Vũ năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, xét duyệt sổ sách quan văn võ.
Tháng 3, nhà Minh sai sứ sang đòi 20 tăng nhân.
Trước đây, nước ta đưa bọn nội nhân Nguyễn Tông Đạo, Nguyễn Toán đến Kim Lăng, vua Minh dùng làm cận thần, đãi ngộ rất hậu. Bọn Tông Đạo tâu: "Tăng nhân nước Nam biết dựng đạo tràng giỏi hơn tăng nhân phương Bắc". Đến đây [nhà Minh cho sứ] sang đòi.
Mùa thu, tháng 7, tư đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Nguyên Đán trí sĩ [8a] lui về Côn Sơn1171, gửi cho các bạn làm quan bài thơ, có câu rằng:
Kim cổ hưng vong chân khả giám, Chư công hà nhẫn gián thư hy? (Còn mất xưa nay gương đã rõ, Các ông sao nỡ vắng thư can?). Thái Úy Trang Định Vương Ngạc có bài thơ tặng rằng:
Ngã thị đương niên khí vật, Công phi đại hạ kỳ tài. Hội thủ nhất ban lão bệnh, Điền viên tảo biện quy lai. (Ngày nay tôi là đồ bỏ, Ông không tài lạ cứu đời. Cùng một lớp già đau ốm,
Ruộng vườn sớm liệu về thôi!). Bởi vì khi ấy Quý Ly đang giữ quyền binh, các bậc hiền nhân quân tử buồn lo thời thế, không thể không biểu hiện ra câu thơ.
Ngạc lại làm bài thơ yết hậu bằng quốc ngữ để châm biếm Nguyên Đán. Nguyên Đán tính chuyện thông gia để mong tránh mối họa sau này, đem con là Mộng Dữ gửi gắm Quý Ly, Quý Ly đem công chúa Hoàng Trung là con gái của cố tôn thất Nhân Vinh gả cho Dữ23 . Sau Quý Ly trị nước, lấy Mộng Dữ làm Đông cung phán thủ, em Mộng Dữ là Thúc Dao và Thúc Quỳnh làm tướng quân, con cháu Nguyên Đán đều tránh được nạn.
Nguyên Đán có hai người con gái, con trưởng tên là Thái [8b], con thứ tên là Thai, sai nho sinh đem văn học dạy cho hai người.
Nguyễn Ứng Long dạy Thái, Nguyễn Hán Anh dạy Thai. Ứng Long nhân gần gũi lả lơi, làm thơ ca quốc ngữ khêu gợi Thái, thông dâm với Thái, Hán Anh cũng làm thơ quốc ngữ bắt chước Ứng Long. Thái có thai, Ứng Long bỏ trốn.
Đến ngày Thái đẻ, Nguyên Đán hỏi Ứng Long ở đâu. Người nhà trả lời là Ứng Long sợ tội trốn đi rồi. Nguyên Đán nói:
"Vận nước sắp hết, biết đâu chẳng phải là trời xui nên thế, vị tất không phải là phúc".
Bèn cho gọi hai chàng về bảo rằng:
"Người xưa cũng đã có chuyện này. [Các ngươi] không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như hay sao24 . Nếu [các ngươi] làm được như Tương Như, truyền lại danh tiếng cho đời sau thì đó là điều mong muốn của ta".
Hai chàng cảm ơn sâu nặng, chăm chỉ học hành. Đến khi thi, cả hai đều đỗ. Thượng hoàng nói:
"Bọn chúng có vợ giàu sang, như thế là kẻ dưới mà dám phạm thượng, bỏ không dùng".
Sau Hán A làm quan đến chức Chuyển vận. Ứng Long đến nhà Hồ được cất nhắc [9a] sử dụng, đổi tên là Phi Khanh (Phi Khanh sinh ra [Nguyễn] Trãi, cũng đỗ thái học sinh).
Nguyên Đán có tập thơ tên là Băng Hồ1174, vài quyển, truyền ở đời. Bấy giờ Hàn lâm học sĩ Hồ Tông Thốc cũng có tập thơ Thảo nhàn hiệu tần thi tập đều là cảm thờI thế mà làm cả.
Bính Dần, [Xương Phù] năm thứ 10 [1386], (Minh Hồng Vũ năm thứ 19). Mùa xuân, tháng 2, nhà Minh sai Lâm Bốt sang đòi giống các loại cây cau, vải, mít, nhãn, vì nộI nhân Nguyễn Tông Đạo nói hoa quả phương Nam có nhiều thứ ngon. Vua sai bọn Viên ngoại lang Phạm Đình đem sang, nhưng những cây ấy không chịu được rét, đi nửa đường đều chết khô cả.
Nhà Minh lại sai bọn Cẩm y vệ xá nhân Lý Anh sang mượn đường đánh Chiêm Thành, đòi 50 con voi, đặt các dịch trạm từ phủ Nghệ An cung cấp cỏ, thức ăn, đưa voi đến Vân Nam.
Lấy Hồ Tông Thốc làm Hàn [9b] lâm học sĩ phụng chỉ.
Tông Thốc (người Sĩ Thành25 , Diễn Châu) tuổi trẻ đỗ cao, rất có tài danh. Trước đó, Thốc chưa được nổi tiếng lắm, gặp tết Nguyên tiêu, có đạo nhân là Lê Pháp Quan treo đèn đặt tiệc, mời khách văn chương đến dự làm vui. Thốc nhận thiếp xin đề thơ, làm xong trăm bài thơ ngay trên bữa tiệc. Mọi người
xúm lại xem, rất thán phục. Từ đấy tiếng dậy kinh sư, vì giỏi văn học nên được người đương thời kính trọng, mà thơ rượu thì không ngày nào không có.
Trước kia Tông Thốc làm An phủ, có lấy của dân, việc bị phát giác, Nghệ Tông thấy làm lạ hỏi ông chuyện đó. Tông Thốc lạy tạ thưa rằng: "Một con chịu ơn vua, cả nhà ăn lộc trời"26 , vua tha tội cho. Sau ông được thăng nhiều lần, đến Hàn lâm học sĩ phụng chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ, thọ hơn 80 tuổi, mất tại nhà.
Đinh Mão, [Xương Phù] năm thứ 11 [1387], (Minh Hồng Vũ năm thứ 20). Mùa xuân, tháng 2, Thượng hoàng từ cung Bảo Hòa trở về kinh đô.
[10a] Tháng 3, Lấy Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự, ban cho một thanh gươm, một lá cờ đề 8 chữ "Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức"27 Quý Ly làm bài thơ quốc ngữ tạ ơn .
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Bọn loạn thần tặc tử mà thực hiện mưu kế của chúng, nguyên nhân không phải là một sớm một chiều. Việc đó có ngọn nguồn hình thành dần từ lâu rồi. Cho nên, thánh nhân phải nhận biết âm mưu đó từ sớm và thận trọng phòng giữ như giẫm lên sương.28 . Họ Hồ cướp ngôi nhà Trần chẳng những vì Nghệ Hoàng không thận trọng trước âm mưu của nó, mà còn vì đã gây ra đầu mối nữa.
Mậu Thìn, [Xương Phù] năm thứ 12 [1388], (từ tháng 11 về sau là Thuận Tông Quang Thái năm thứ 1, Minh Hồng Vũ năm thứ 21). Mùa hạ, tháng 5, lấy Trần Đỗ làm cung lệnh. Đỗ là con Thượng vị hầu Tông, mẹ Đỗ cải giá lấy Quý Ly, cho nên có lệnh này. Sau Đỗ đổi làm họ Hồ.
Tháng 6, lấy Lê Quý Tỳ29 là [10b] phán thủ Tri tả hữu ban sự; nội nhân Nguyễn Vị làm Tri điện nội: Trần Ninh làm tri khu mật viện sự
Nhập nội hành khiển tả ty Vương Nhữ Chu trí sĩ, lấy Lê Dũ Nghị lên thay.
Mùa thu, tháng 8, sao Chổi hiện ở phương tây. Vua bàn mưu với Thái úy Ngạc rằng:
"Thượng hoàng tin yêu ngoại thích là Quý Ly, cho hắn mặc sức làm gì thì làm, nếu không lo trước đi thì sau sẽ rất khó chế ngự".
Con Vương Nhữ Chu là hữ Mai hầu vua học, nhân tiết lộ mưu đó. Quý Ly biết được. Đa Phương khuyên Quý Ly lánh ra núi Đại Lại1180để đợi biến động. Phạm Cự Luận nói:
"Không được, một khi đã ra ngoài thì khó lo chuyện sống còn".
Quý Ly nói:
"Nếu không còn phương sách gì thì ta đành tự tử, không để tay kẻ khác giết mình".
Cự Luận nói:
"Thượng hoàng trong lòng vẫn căm vua về việc giết Quan Phục Đại Vương, vua rất không hài lòng. Nay quyền bính trong thiên hạ đều ở đại nhân cả [11a] mà vua lại mưu hại ngài thì Thượng hoàng lại càng ngờ lắm. Đại nhân hãy liều vào lạy Thượng hoàng, bày tỏ lợi hại, thì nhất định Thượng hoàng sẽ nghe theo ngài, chuyển họa thành phúc, dễ như trở bàn tay. Thượng hoàng có nhiều con chính đích, ngài cứ tâu rằng thần nghe ngạn ngữ nói "Chưa có ai bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi
con"30 may ra thượng hoàng tỉnh ngộ mà đổi lập Chiêu Định Vương31 là Thuận Tông. Nếu thượng hoàng không nghe thì chết cũng chưa muộn".
Quý Ly nghe theo, bí mật tâu với Thượng hoàng như lời Cự Luận. Thượng hoàng cho là phải.
Mùa đông, tháng 10, ngày rằm, nguyệt thực toàn phần.
Tháng 12, ngày mồng 6, sáng sớm, Thượng hoàng vờ ngự về Yên Sinh, sai điện hậu hộ vệ, rồi sai chi hậu nội nhân gọi vua tới bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn, vội đi ngay, chỉ có hai người theo hầu thôi. Đến nơi, Thượng hoàng bảo vua: "Đại Vương lại đây!"32 , rồi lập tức sai người đem vua ra giam ở chùa Tư Phúc [11b] tuyên đọc nội chiếu rằng:
"Trước đây, Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về, lấy con đích để nối ngôi, đó là đạo từ xưa. Nhưng từ khi Quan gia lên ngôi đến nay, lòng dạ trẻ con, giữ đức không thường, gần gũi bọn tiểu nhân, nghe lời Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị gièm pha vu hãm công thần, làm lung lay xã tắc, phải giáng làm Linh Đức Đại Vương. Song quốc gia không thể không có chủ, ngôi báu không thể bỏ trống lâu, nên hãy đón Chiêu Định vào nối đại thống. Bá cáo trong ngoài để mọi người đều biết".
Bèn giáng con của vua làm Thuận Đức Vương. Các tướng chỉ huy các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân Thiết Giáp33 là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách định đem quân vào cướp lấy vua đem ra. Vua viết hai chữ "Giải giáp"34 đưa cho các tướng và răn bảo họ không được trái ý vua cha, các tướng mới thôi. Lát sau, [thượng hoàng sai] dìu vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ cho chết.
Trước [12a] đó, theo lệ cũ của sảnh, đài, từ chức Đồng bình chương trở lên được ngồi ghế tựa sơn đen. Bấy giờ Trang Định Đại Vương NgThái úy, Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự. Tri thẩm hình viện Lê Á Phu đã bảo Ngạc bỏ ghế của Lê Quý Ly đi, không cho ngồi cùng, lại bí mật tâu vua giết Quý Ly. Mưu cơ tiết lộ, đến nỗi thất bại, bọn Á Phu, Khoái, Vân Nhi, Kha, Bát Sách, Lặc và người học sinh được tin yêu là Lưu Thường đều bị giết cả. Lưu Thường khi bị hành hình có làm thơ rằng:
Tàn niên tứ thập hựu dư tam, Trung ái phùng chu tử chính cam. Báo nghĩa sinh tiền ưng bất ngỗ, Bộc thi nguyên thượng cách hà tàm. (Tuổi tàn bốn chục lại thừa ba, Bị giết vì trung, chết đáng mà! Khi sống không sai điều giữ nghĩa, Phơi thây đồng nội thẹn gì ta). Duy có Dữ Nghị là bị đày ra Trại Đầu, sau xét không có tội, lại được bổ làm Tuyên phủ sứ lộ Bắc Giang. Đến năm Kiến Tân thứ 21186, lại vì việc bè cánh bị giết. Dữ Nghị là anh họ của Á Phu. Bát Sách chạy trốn, sau bắt giam người mẹ, Sách mới chịu ra chết .
[12b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khi ấy khí thế của họ Hồ đang mạnh, mọi người đều biết là nó sẽ cướp ngôi, Trang Định Vương Ngạc là Thái úy, lại là con của Nghệ hoàng, thấy xã tắc sắp nghiêng đổ, nếu biết hướng vua làm điều phải, gây niềm tin ở vua cha, hiệu lệnh nghiêm ngặt, để nhiều người theo về mình, khiến cho Nghệ Tông già
lẫn phải tỉnh lại. Giản hoàng nhút nhát phải tự lập, quyền bính về tay hết, mệnh lệnh ban từ trên, thì lòng gian của họ Hồ cũng phải tự ngừng lại. Trang Định không mưu tính đến việc đó, Á Phu không lường được vu mình chẳng có tài cương đoán, lại khuyên vua giết Quý Ly, mà cơ mưu không cẩn mật, để cho nó biết trước. Trang Định lại không sớm quyết đoán, bỏ lỡ cơ hội, đến nỗi công việc thất bại, thân mình bị giết, lại giết lây cả đến những quân tướng tài giỏi, thực đáng than thở biết bao! Có người hỏi: Họ Hồ trên được vua tin, [13a] dưới nắm binh quyền, dẫu đến Nguyên Đán là người có kiến thức, lại lão luyện sự đời còn không làm gì được, huống chi là Trang Định! Xin thưa: Cứ xem nói trong lòng lo sợ mà định tự tử, thì việc chế ngự Quý Ly cũng dễ thôi! Trước hết hãy trừ bọn Đa Phương, Cự Luận để chặt vây cánh của nó đi, thì thế nó phải cô ngay.
Trước đây, bà Lê thị, hoàng hậu của Duệ Tông là mẹ Linh Đức Vương, em họ của Quý Ly, Duệ Tông đi đánh phương Nam không trở về, bà cắt tóc làm ni cô. Khi Duệ Tông lập Linh Đức lên ngôi, hậu từ chốic không được, bèn khóc lóc nói với những người thân thích rằng:
"Con ta phúc bạc, khó lòng gánh vác nổi trách nhiệm lớn, nói phải tai họa vì việc đó thôi. Tiên hoàng xa lìa cõi thế, kẻ chưa chết này chỉ muốn chết theo, không muốn trông thấy việc đời nữa, huống chi lại phải nhìn thấy con mình sắp bị nguy hiểm nữa".
Bà mất được hai năm thì Linh Đức [13b] bị hại .
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Linh Đức được lập lên là do Nghê Hoàng, bị phế bỏ cũng do Nghệ Hoàng. Trước không nghe lời bà hoàng hậu Lê thị là vì nghĩa, sau nghe lời gièm của Quý Ly là vì tư tình. Thế thì khi trước lập lên sao sáng suốt thế! Mà sau phế bỏ sao mà ngu tối thế! Lại còn thắt cổ chết Linh Đức quá lắm!
Phong Thái úy Ngạc làm Đại Vương.
Trước đó, Linh Đức bị giáng, Quý Ly nói phao là lập Ngạc lên nối ngôi. Đến khi xong công việc, Ngạc từ chối không nhận, Quý Ly nhân dịp ấy tâu rằng:
"Thái úy biết từ chối ngôi báu, đó là đức lớn".
Thượng hoàng cho lời ấy là phải nên có lệnh này.
Ngày 27, Thượng hoàng lập con út là Chiêm Định Vương Ngung làm Hoàng đế. Ngung lên ngôi, đổi niên hiệu là [14a] Quang Thái năm thứ 1, đại xá, tự xưng là Nguyên Hoàng.
Nhà Minh sai Đỗ Tử Hiền, Ổ Lân35 , Hình Văn Bác36 mang sắc rồng sang phong, nhưng Linh Đức đã bị hại rồi . Trước đây sứ phương Bắc tới thì dẫn qua cửa Tường Phù, chỉ có bọn Lân thì qua cửa Cảnh Dương.
(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)