Lạng Sơn
Thành phố trực thuộc tỉnh
Một góc đô thị Long Xuyên.jpg
Long Xuyên
Địa lý
Diện tích 77,69 km²1
Dân số (2009)  
 Tổng cộng 87.278 người2
 Thành thị 75,34 %2
 Nông thôn 24,66 %2
 Mật độ 1.124 người/km²
Hành chính
Quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam
Phân chia hành chính 5 phường, 3 xã
Website http://www.langson.gov.vn/

Thành phố Lạng Sơn là tỉnh lỵ của tỉnh Lạng Sơn, có diện tích khoảng 79 km². Thành phố nằm bên quốc lộ 1A, cách thủ đô Hà Nội 150 km; cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc 18 km; cách Hữu Nghị quan 15 km và Đồng Đăng 13 km về phía đông bắc. Dân số của thành phố năm 2009 là 87.278 người, với nhiều dân tộc khác nhau như: Kinh, Tày, Nùng, Hoa và các nhóm người Dao, Mường, Sán Dìu, Sán Chỉ,... Thành phố nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình hàng năm 21 ⁰C, độ ẩm trung bình 80%, lượng mưa trung bình năm là 1439 mm.

Thành phố trước đây có tên là Thị xã Lạng Sơn và trở thành thành phố vào năm 20021 , là đô thi loại III. Thành phố có 5 phường trung tâm, và 3 xã ngoại thành. Nhiều cơ sở hạ tầng và các khu đô thị mới đang được chính quyền thành phố xây dựng với mục tiêu trở thành đô thị loại II. Kinh tế của Thành phố Lạng Sơn chủ yếu dựa vào du lịch và dịch vụ mà chủ yếu là buôn bán. GDP bình quân đầu năm 2010 người đạt 2.600 USD/người. Năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lạng Sơn đạt gần 1430 triệu USD.

Vị trí địa lý

sông Kỳ Cùng và tuyến phố nằm bên sông

Thành phố Lạng Sơn nằm giữa một lòng chảo lớn, có dòng sông Kỳ Cùng chảy qua trung tâm Thành phố đây là dòng sông chảy ngược. Nó bắt nguồn từ huyện Đình Lập của Lạng Sơn và chảy theo hướng Nam - Bắc về khu tự trị Quảng Tây - Trung Quốc. Thành phố cách thủ đô Hà Nội 154 km, cách biên giới Việt Trung 18 km. Nằm trên trục đường quốc lộ 1A, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc, đường quốc lộ 1B đi Thái Nguyên, đường quốc lộ 4B đi Quảng Ninh, đường quốc Lộ 4A đi Cao Bằng. Thành phố nằm trên nền đá cổ, có độ cao trung bình 250 m so với mực nước biển, gồm các kiểu địa hình: xâm thục bóc mòn, cacxtơ và đá vôi, tích tụ.Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn được quy hoạch thành một nút trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, thành một động lực kinh tế của tỉnh Lạng Sơn, vùng Đông Bắc Việt Nam, và sau năm 2010 trở thành một cực của Tứ giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh).

Theo Nghị định 82/2002/NĐ-CP, ranh giới thành phố Lạng Sơn được xác định như sau:

  • Phía Bắc giáp xã Thạch Đạn, Thụy Hùng – huyện Cao Lộc.
  • Phía Nam giáp xã Tân Thành, Yên Trạch – huyện Cao Lộc và xã Vân Thủy - huyện Chi Lăng
  • Phía Đông giáp thị trấn Cao Lộc và các xã Gia Cát, Hợp Thành, Tân Liên – huyện Cao Lộc.
  • Phía Tây giáp xã Xuân Long – huyện Cao Lộc và xã Đồng Giáp – huyện Văn Quan.

Lịch sử hình thành

Cột cờ trên đỉnh núi Phai Vệ

Từ xưa, thành phố Lạng Sơn là trung tâm của một vùng đất biên giới, nằm trên con đường giao thông huyết mạch có từ rất lâu, nối liền từ vùng biên ải đến kinh thành Thăng Long. Đây cũng là con đường giao lưu chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với các triều đại phong kiến Trung Quốc. Nơi đây cũng đã từng diễn ra nhiều trận đánh lịch sử để bảo vệ biên cương chống lại kẻ thù từ phương Bắc của nhiều thế hệ quân dân Việt Nam.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, Lạng Sơn vốn đã trải qua thời kỳ là trấn lỵ, châu lỵ, phủ lỵ - là trung tâm của bộ máy hành chính từ thời phong kiến, từ thời nhà Hán, nhà Đường của Trung Quốc đô hộ, Việt Nam được chia thành 9 quận thì Lạng Sơn thuộc quận Giao Chỉ (châu Giao). Thời nhà Đinh, vùng đất ở khu vực đình Pác Mòng - Tp Lạng Sơn ngày nay từng là nơi Đinh Bộ Lĩnh tiến đến dẹp loạn. Đến thời nhà Lý (thế kỷ 11), Lạng Sơn được gọi là châu Lạng, do dòng họ Thân (Thân Thừa Quý - vốn là phò mã nhà Lý) cai trị. Đời nhà Trần (thế kỷ 13) gọi Lạng Sơn là Lạng châu lộ, năm Quang Thái thứ 10 đổi thành trấn Lạng Sơn và đặt lỵ sở ở khu vực xã Mai Pha Thành phố Lạng Sơn ngày nay và cho xây dựng Đoàn thành. Đến thời nhà Lê (thế kỷ 15), để củng cố quân sự chống quân xâm lược nhà Minh. Lạng Sơn được bố trí nhiều cơ quan hành chính, kinh tế, quân sự gọi là vệ, cục, ty... dưới quyền của Lạng Sơn Thừa chính tư. Năm Hồng Đức thứ 26, Đoàn Thành Lạng Sơn tiếp tục được tu bổ, gia cố lại. Sách Dư Địa Chí của Nguyễn Nghiễm viết: "Xung quanh trấn thành đã hình thành nên rất nhiều "chợ" và "phố" như: phố Kỳ Lừa, phố Trường Thịnh, Đồng Đăng, thu hút thương nhân, lái buôn trong nước và người Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi hàng hóa đông vui, tấp nập". Đến triều nhà Nguyễn, Đoàn Thành Lạng Sơn một lần nữa được tu bổ vào năm Minh Mệnh thứ 15 (1835).

Năm 1925, thị xã Lạng Sơn được thành lập, và là tỉnh lỵ của tỉnh Lạng Sơn, chia làm hai khu vực tự nhiên, lấy sông Kỳ Cùng làm ranh giới, phía bờ nam gọi là "bên tỉnh", phía bờ bắc gọi là "bên Kỳ Lừa". Bên tỉnh là tập trung các cơ quan công sở hành chính của bộ máy chính quyền tỉnh. Bên Kỳ Lừa là nơi tập trung các phố chợ, diễn ra các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, buôn bán của người dân.

Trong những năm diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp, thị xã Lạng Sơn là nơi diễn ra các chiến dịch nổi tiếng như Thu đông (1947), chiến dịch Biên giới (1950). Từ sau năm 1954, với vị trí địa đầu của đất nước, thị xã Lạng Sơn được coi như một "cảng nổi" - là đầu mối tiếp nhận, lưu trữ hàng hóa viện trợ của các nước Xã hội Chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam. Năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới phía bắc với Trung Quốc đã diễn ra ác liệt ở khu vực biên giới và tràn xuống gần cả khu vực thị xã Lạng Sơn, khiến thành phố đã bị thiệt hại nặng nề.

Ngày 27 tháng 12 năm 1975, hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng3 , thị xã Lạng Sơn là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Cao Lạng, gồm 4 phường: Chi Lăng, Hoàng Văn Thụ, Tam Thanh, Vĩnh Trại và xã Đông Kinh. Ngày 30 tháng 8 năm 1977, chuyển 4 xã: Hoàng Đồng, Quảng Lạc, Mai Pha, Hợp Thành thuộc huyện Cao Lộc vào thị xã Lạng Sơn4 . Nhưng đến ngày 29 tháng 12 năm 19785 , tỉnh Cao Lạng tách thành 2 tỉnh như cũ, thị xã trở lại là tỉnh lị tỉnh Lạng Sơn. Ngày 22 tháng 11 năm 1986, chuyển xã Hợp Thành về huyện Cao Lộc quản lý6 . Ngày 29 tháng 8 năm 1994, chuyển xã Đông Kinh thành phường Đông Kinh.

Ngày 18 tháng 7 năm 2000, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 997/QĐ-BXD công nhận thị xã Lạng Sơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Lạng Sơn.7

Ngày 17 tháng 10 năm 2002, Chính phủ đã có nghị định 82/2002/NĐ-CP về việc nâng cấp thị xã Lạng Sơn thành thành phố Lạng Sơn.8

Dự kiến năm 2018, thị trấn Cao Lộc và các xã: Hợp Thành, Yên Trạch của huyện Cao Lộc sẽ được sáp nhập vào thành phố Lạng Sơn để trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lạng Sơn trước năm 2020.

Dân số

Năm 2007 dân số của Thành phố là trên 148.000 người, trong đó dân số thành thị chiếm 78%, dân số nông thôn chỉ chiếm 22%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,92%. Cư trú tại Thành phố ngoài 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Tày, Nùng, Hoa còn có các dân tộc Cao Lan, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Ngái... Có 89.200 người trong độ tuổi lao động, chiếm 56% dân số, trong đó lao động nông nghiệp chỉ chiếm 26% so với lao động trong độ tuổi. Số lao động có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm hơn 10% trong tổng số lao động.

Hành chính

Một góc TP Lạng Sơn khi vừa lên đèn

Thành phố Lạng Sơn được chia làm 8 đơn vị hành chính gồm 5 phường: Chi Lăng, Đông Kinh, Hoàng Văn Thụ, Tam Thanh, Vĩnh Trại và 3 xã: Hoàng Đồng, Mai Pha, Quảng Lạc.

Kinh tế

Tài nguyên thiên nhiên

  • Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên là 7.918,5 ha, trong đó đất sử dụng cho nông nghiệp là 1.240,56 ha, chiếm 15,66% diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất lâm nghiệp đã sử dụng 1.803,7 ha, chiếm 22,78% diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất chuyên dùng 631,37 ha, chiếm 7,9% diện tích đất tự nhiên.
  • Tài nguyên nước: Thành phố Lạng Sơn có sông Kỳ Cùng chảy qua địa phận Thành phố dài 19 km, lưu lượng trung bình là 2.300 m³/s, có suối Lao Ly chảy từ thị trấn Cao Lộc qua khu Kỳ Lừa ra sông Kỳ Cùng và suối Quảng Lạc dài 97 km, rộng 6 – 8 m. Ngoài ra, trong vùng còn có một số hồ đập vừa và nhỏ như hồ Nà Tâm, hồ Thẩm Sỉnh, Bó Diêm, Lẩu Xá, Bá Chủng, Pò Luông.
  • Tài nguyên khoáng sản: Khoáng sản ở Lạng Sơn chủ yếu là đá vôi, đất sét, cát, đá cuội, sỏi... Có 2 mỏ đá vôi chưa xác định được trữ lượng, nhưng chất lượng đá vôi có hàm lượng Cacbonac canxi rất cao đủ điều kiện để sản xuất xi măng. Mỏ đất sét có trữ lượng trên 22 triệu tấn, dùng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra còn có một trữ lượng nhỏ vàng sa khoáng, kim loại đen (Mangan), bôxit...

Số liệu kinh tế - xã hội năm 2006

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố: GDP ước tăng 15,2% so với năm 2005. Cơ cấu nhóm ngành trong GDP: Thương mại - dịch vụ chiếm 62,84%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 32,71%; Nông nghiệp chiếm 4,45%. GDP bình quân đầu người đạt 1.300USD/người. Thành phố Lạng Sơn là trung tâm thương mại của vùng núi Đông Bắc của Việt Nam. Năm 2006, thành phố đón 1 triệu 180 nghìn lượt khách du lịch, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ thực hiền được 4.048 tỷ đồng, đạt 99,6% kế hoạch, tăng 21,3%.

Giữ tốc độ tăng dân số tự nhiên ở mức 0,9%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 14,2%, giảm 0,99% so với năm 2005. Triển khai Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã tổ chức xét duyệt, cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 60 hộ, với kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng, bằng 100% kế hoạch.

Cơ sở hạ tầng

Một khu vực thành phố bên sông.
  • Giao thông: Hệ thống giao thông trên địa bàn Thành phố khá hoàn chỉnh, có đường quốc lộ 1A, 4A, 4B, đường sắt liên vận quốc tế... chạy qua. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng 40 km đường quốc lộ với bề mặt rộng từ 10-20 m, 60 km đường tỉnh lộ với mặt đường rộng từ 5–11 m. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hữu Nghị Quan (tức đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn) với 6 làn xe sẽ được xây dựng với tổng vốn đầu tư dự kiến 1,4 tỷ USD vào năm 2010. Việt Nam hợp tác với Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt liên vận quốc tế cho Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Sẽ được đầu tư xây dựng cảng Phả Lại thành cảng đầu mối quan trọng trong tuyến đường thủy của hành lang. Hiện nay trên địa bàn thành phố đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị Phú Lộc 4, khu đô thị Nam Hoàng Đồng I...
  • Thủy lợi và cấp nước: Trên địa bàn Thành phố hiện có 8 hồ đập lớn nhỏ, với năng lực thiết kế 600 ha và 20 trạm bơm có khả năng tưới cho 300 ha; 10 giếng khoan với công suất 500-600 m³/h và 50 km đường ống phi 50-300 mm, cung cấp nước cho trên 8.000 hộ và hơn 300 cơ quan, trường học. Hiện nay, Thành phố có khoảng 8 km đường ống thoát nước và hơn 5 km đường mương thoát nước.
  • Hệ thống điện: Hệ thống điện lưới quốc gia trên địa bàn Thành phố có khoảng 15 km đường dây cao thế 10 KV, 70 km đường dây 6 KV, 350 km đường dây 0,4 KV... trên 200 trạm biến áp các loại có dung lượng từ 30-5.600 KVA cung cấp cho hơn 15.00 điểm công tơ. Sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn Thành phố ngày càng tăng từ 21 triệu KWh năm 1998 lên 25,8 triệu KWh năm 2002, bình quân hàng năm tăng 5,3%, các trục đường chính, các ngã ba, ngã tư đều đã được trang bị hệ thống đèn báo hiệu.
  • Mạng lưới thông tin - liên lạc: Năm 1997 lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống truyền dẫn vi ba số từ trung tâm Thành phố đến 11 huyện, các cửa khẩu. Tổng các kênh vi ba số nội Tỉnh là 400 kênh, dung lượng tổng đài TDX - 1B 8.000 số. Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 15.000 máy thuê bao và hàng nghìn máy di động,...

Danh nhân

Trong những năm trước cách mạng tháng Tám, Thị xã Lạng Sơn là địa bàn hoạt động chính của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ. Ông là người đã dấy lên phong trào yêu nước Lạng Sơn. Hiện nay trên địa bàn Thành phố còn có khu nhà lưu niệm Hoàng Văn Thụ tại số 8, phố Chính Cai, Kỳ Lừa - đây cũng là nơi ông đã sinh sống, học tập và hoạt động cách mạng trong những năm 20, 30 của thế kỷ trước và khu công viên tượng đài kỷ niệm Hoàng Văn Thụ ở phường Chi Lăng.

Ảnh

Chú thích

  1. ^ a ă Nghị định số 82/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về việc thành lập thành phố Lạng Sơn, thuộc tỉnh Lạng Sơn.
  2. ^ a ă â Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Hà Nội, 6-2010. Biểu 2, tr.12.
  3. ^ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 1975 VỀ VIỆC HỢP NHẤT MỘT SỐ TỈNH
  4. ^ Quyết định 229-CP năm 1977 về việc điều chỉnh địa giới của huyện Cao Lộc vào thị xã Lạng Sơn thuộc tỉnh Cao Lạng
  5. ^ Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai do Quốc hội ban hành
  6. ^ Quyết định 145-HĐBT năm 1986 về việc điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Cao Lộc và thị xã Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn
  7. ^ Quyết định 997/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc công nhận thị xã Lạng Sơn là đô thị loại III
  8. ^ Nghị định 82/2002/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lạng Sơn, thuộc tỉnh Lạng Sơn
  9. ^ Đền Kỳ Cùng nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng và ở ngay đầu cầu Kỳ Lừa, thuộc thành phố Lạng Sơn. Năm 1993, đền đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
  10. ^ Bến đá Kỳ Cùng nằm bên hữu ngạn sông Kỳ Cùng, gần cầu Kỳ Lừa và đối diện với đền Kỳ Cùng. Khoảng năm 1778, đền đã được Đốc trấn Ngô Thì Sĩ liệt là một trong 8 cảnh đẹp của trấn lỵ Lạng Sơn (Trấn doanh bát cảnh). Năm 1993, Bến đá Kỳ Cùng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

(Nguồn: Wikipedia)