Nam Trực là cửa ngõ phía nam thành phố Nam Định, phía bắc tiếp giáp thành phố Nam Định, phía nam giáp huyện Trực Ninh, phía đông giáp huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), phía tây giáp huyện Vụ Bản và huyện Nghĩa Hưng, có sông Hồng và sông Đào chảy qua.

Diện tích: 161,71 km2 

Dân số: 208014 người (2008)

Hành chính

Các đơn vị hành chính cấp xã bao gồm thị trấn Nam Giang (huyện lị) và 19 xã: Bình Minh, Điền Xá, Đồng Sơn, Hồng Quang, Nam Cường, Nam Dương, Nam Hải, Nam Hoa, Nam Hồng, Nam Hùng, Nam Lợi, Nam Mỹ, Nam Thái, Nam Thắng, Nam Thanh, Nam Tiến, Nam Toàn, Nghĩa An, Tân Thịnh.

Vị trí địa lý

Phía bắc huyện tiếp giáp thành phố Nam Định, phía đông giáp tỉnh Thái Bình, phía nam giáp huyện Trực Ninh, phía tây giáp huyện Nghĩa Hưng và huyện Vụ Bản. Huyện Nam Trực có các sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Nam Định. Đây vốn là mảnh đất màu mỡ, phù hợp cho sự phát triển của nông nghiệp.

Lịch sử

  • Thời Bắc thuộc, Nam Trực thuộc huyện Tây Chân, là yết hầu của phủ Thiên Trường.
  • Thời Trần, Nam Trực là vọng gác phía nam của Nam Định.
  • Thời thuộc Minh, là phủ Phụng Hoá.
  • Thời Lê Trung Hưng, do kiêng huý chúa Tây Vương Trịnh Tạc, Tây Chân được đổi thành Nam Chân.
  • Thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 14 (năm 1833), Nam Chân được chia thành hai huyện Nam Chân và Chân Ninh, sau đổi thành Nam Trực và Trực Ninh.
  • Sau năm 1954, huyện Nam Trực có 32 xã: Nam An, Nam Bình, Nam Chấn, Nam Cường, Nam Điền, Nam Đồng, Nam Dương, Nam Giang, Nam Hải, Nam Hoa, Nam Hồng, Nam Hùng, Nam Lợi, Nam Long, Nam Minh, Nam Mỹ, Nam Nghĩa, Nam Ninh, Nam Phong, Nam Phúc, Nam Quan, Nam Quang, Nam Sơn, Nam Tân, Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Tiến, Nam Toàn, Nam Trung, Nam Vân, Nam Xá, Thái Sơn.
  • Năm 1968, hai huyện Nam Trực và Trực Ninh sáp nhập thành huyện Nam Ninh.
  • Ngày 21-8-1971, hợp nhất xã Nam Đồng và xã Nam Sơn thành một xã lấy tên là xã Đồng Sơn.
  • Ngày 23-2-1977, hợp nhất xã Nam Bình và xã Nam Minh thành một xã lấy tên là xã Bình Minh; cắt thôn Nam Sơn của xã Thái Sơn vào xã Nam Phúc lấy tên xã mới là xã Nam Thái; hợp nhất xã Nam Lợi và xã Nam Quan thành một xã lấy tên là xã Nam Lợi.
  • Ngày 1-2-1978, hợp nhất xã Nam Hồng và xã Nam Trung thành một xã lấy tên là xã Nam Hồng; hợp nhất xã Nam Long và xã Nam Ninh thành một xã lấy tên là xã Nam Thanh.
  • Ngày 27-3-1978, hợp nhất xã Nam Điền và xã Nam Xá thành một xã lấy tên là xã Điền Xá; hợp nhất xã Nam Chấn và xã Nam Quang thành một xã lấy tên là xã Hồng Quang; hợp nhất xã Nam Tân và xã Nam Thịnh thành một xã lấy tên là xã Tân Thịnh; hợp nhất xã Nam An và xã Nam Nghĩa thành một xã lấy tên là xã Nghĩa An.
  • Ngày 2-1-1997, 2 xã Nam Phong và Nam Vân được sáp nhập về thành phố Nam Định.
  • Ngày 26-2-1997, thực hiện Nghị định 19/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Nam Ninh lại chia thành 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh sau 29 năm hợp nhất. Huyện Nam Trực khi đó gồm 20 xã: Bình Minh, Điền Xá, Đồng Sơn, Hồng Quang, Nam Cường, Nam Dương, Nam Giang, Nam Hải, Nam Hoa, Nam Hồng, Nam Hùng, Nam Lợi, Nam Mỹ, Nam Thái, Nam Thắng, Nam Thanh, Nam Tiến, Nam Toàn, Nghĩa An, Tân Thịnh.
  • Ngày 14-11-2003, chuyển xã Nam Giang thành thị trấn Nam Giang - thị trấn huyện lị huyện Nam Trực.

Kinh tế

Nông nghiệp nay vẫn là ngành nghề chính của nhân dân nơi đây. Công nghiệp chưa phát triển, chỉ giới hạn trong một số ngành thủ công nghiệp truyền thống tuy nhiên rất manh mún. Trước thời "đổi mới", xã Nam Giang tổ chức sản xuất tổng hợp các mặt hàng Phụ tùng xe đạp, vật dụng trong nhà bếp, dụng cụ cho nông nghiệp, các sản phẩm từ lò rèn trong một "Hợp tác xã" của 4 hợp tác xã thành viên là "Hợp tác xã Tiền Tiến". Làng Vân Chàng thuộc xã Nam Giang là một làng nghề truyền thống thợ rèn và có nguồn gốc ông tổ nghề Rèn ở Núi Tiên { Rú Tiên} Cụm Quần Thể Văn hóa Tiên Sơn ở làng rèn truyền thống Minh lang Vân Chàng{ thuộc tổng Trung Lương} Nay là phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ 2005, xã Nam Giang đã nâng cấp lên thành thị trấn Nam Giang, 55.000 người. Tiểu công nghiệp các ngành kim loại phát triển trở thành một địa phương có cơ sở hạn tầng hoàn bị để sản xuất mọi mặt hàng, như kéo, dao, đồ dùng gia dụng, linh kiện xe đạp, xe máy, xe ô tô, các thành phẩm, bán thành phẩm từ lò đúc gang, thép, kim loại màu, và các nhà máy cán thép, kim loại. Thương hiệu từ xưa đã đi vào lòng dân tộc của xã Vân Chàng: tràng đục chữ "C", kéo "Sinh Tài",... Sau này có vành xe đạp "Tiền Tiến",...

Làng nghề: Làng Báo Đáp - Hồng Quang - Nam Trực nổi tiếng cả nước với nghề làm đèn ông sao và hoa giấy. Nghề làm Nón lá ở xóm Rục Kiều thôn Cổ Gia - Nam Hùng - Nam Trực. Làng Dệt vải ở thôn Liên Tỉnh - Nam Hồng - Nam Trực....

Danh Nhân

Huyện Nam Trực có 3 vị trạng nguyên trong tổng số 5 trạng nguyên của tỉnh Nam Định, trong 49 vị trạng nguyên nước Việt. Đó là các vị: Nguyễn Hiền, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo.

  • Phó thủ tướng

Ông Đặng Việt Châu;xã Nam Hồng Ông Ngô Xuân Lộc; xã Nam Hồng Ông Vũ Văn Ninh; xã Nam Dương

Du lịch

Tại thị trấn Nam Giang, Thôn Cẩm Nang (Giáp Ba) và Thượng thôn Kinh Lũng (Giáp Tư) có lễ hội chợ Viềng họp hàng năm vào ngày 8 tháng giêng Âm lịch. Đáng kể là Hội chùa Bi để ghi ơn Đức Thánh Tăng Từ Đạo Hạnh mỗi năm vào ngày 21 tháng Giêng Âm Lịch kéo dài 4 ngày và hội này có giá trị văn hóa lớn đã có bề dày lịch sử từ gần 1000 năm. Bên cạnh phía Đông Chùa Đại Bi còn có khu danh lam thắng cảnh Đền Giáp Ba, khu di tích này còn lưu giữ nhiều hoành phi câu đối, đồ thờ khí tự cổ từ thời Hậu Lê vẫn còn nguyên giá trị. Khu di tích này được công nhận di tích lịch cấp quốc gia vào ngày 28 tháng 1 năm 1994. Đền thờ Triệu Việt Vương Hoàng đế ngày mở hội từ 12/8 âm lịch đến ngày 14/8 (đây cũng là ngày chính kỵ). Đền thờ Vua có lối kiến trúc kiểu cung đình hài hòa cân đối, điều đặc sắc ở đây hàng năm tổ chức lễ hội dân làng làm cỗ mỗi nhà một mâm xôi gà lên dâng thánh, tế song, còn có lễ khao quân đây là một nét đẹp trong vùng không nơi nào có được.

Chùa Bi còn gọi là Đại Cổ Bi là một chứng tích lịch sử bằng gỗ lim từ triều Lý được gìn giữ gần như toàn vẹn, không bị các trùng tu thay đổi. Tương truyền những nơi này là nơi quân Tây Sơn đi qua làm lễ khao quân. Kết hợp văn hóa Phật giáo và làng nghề truyền thống là môi sinh cho đời sống đạo đức, văn hóa, có bản năng hiếu khách và dân làng đã có công đem nghề rèn ra khắp ba miền Trung, Nam, Bắc. Tương truyền cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng đã có giao lưu với các nhà Nho thợ rèn và đã gói về nhà vế đối: "sắc không, không sắc".

Với nghề rèn và văn hóa chữ "Nôm" do Thánh Tăng Từ Đạo Hạnh truyền cho, dân làng đã đóng góp cho đất nước bằng kỹ năng và trí tuệ của mình. Từ xưa huyện Nam Trực đã là đất hiếu học với bốn vị trạng nguyên trong đó có Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên khi mới mười hai tuổi. Làng Vân Chàng còn có một trạng nguyên là "Thợ Rèn".[cần dẫn nguồn].

Tham khảo

(Nguồn: Wikipedia)